MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bài Lời Chúa 134: Thần Khí Là Vật Chứng Bảo Đảm
Thứ Tư, Ngày 6 tháng 9-2017
BÀI LỜI CHÚA 134   

ThẦn Khí là VẬT CHỨNG BẢO ĐẢM

Trích thư 2 Corintô 5.1-10

Quả chúng ta biết rằng : một khi cái lều ta ở dưới đất này - (tức thân xác ta) - bị phá đi, thì ta sẽ được ngôi nhà vĩnh cửu (tức thân xác sống lại thần thiêng) trên trời do Thiên Chúa dựng, không do tay người đời làm ra.

Hiện nay, ta rên siết vì ta nóng nảy ước ao được mặc trùm ngay lấy ngôi nhà trên trời dành cho ta đó (lên trên trên cái lều tạm này). Bao lâu còn ở lại trong lều tạm này, ta những ray rứt vì ta không muốn bị lột áo ra - (tức chết đi và phải bỏ thân xác này) - nhưng chỉ muốn khoác (thân xác thần thiêng kia) trùm lên trên, ngõ hầu cái xác phải mục nát này được biến vào trong sự sống. Đấng đã dựng nên ta cho tương lai huy hoàng ấy, chính là Thiên Chúa. Và Người đã ban cho ta Chúa Thánh Thần để làm vật chứng bảo đảm cho ta về sự ấy.

Được chắc chắn như vậy, nên chúng ta không hề nao núng trước những khốn quẫn và sự chết, cho dù biết rằng bao lâu còn sống trong thân xác tạm gửi này, là bấy lâu còn sống lưu đầy xa Chúa, xa quê nhà... Chúng ta mong bỏ xác này để được đến trú ngụ bên Chúa. Nhưng dầu thế nào, ở lại trong thân xác này hay bỏ thân xác này, chúng ta chỉ có một niềm mong ước là lúc nào cũng làm đẹp lòng Chúa.

-    Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Cả đoạn Thánh Kinh hôm nay nói đến niềm ao ước của các tín hữu, hằng mong được sống lại vinh hiển, mặc lấy thân xác phục sinh, như thân xác Đức Giêsu khi sống lại ra khỏi mồ, mà chúng ta thường nghe đọc trong mùa phục sinh. Thánh Phaolô viết trong đoạn Thánh Thư trên này : Khi cái thân xác hư hèn này, mà ông gọi cách bóng bẩy là “cái lều”, bị phá đi, tức là phải chết và tan rã dưới mồ, vì do đã phạm tội, nên bị Thiên Chúa tuyên án : “Từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3.19). Nhưng ta sẽ được sống lại ! Việc này Thánh Phaolô diễn tả bằng câu :Ta sẽ được ngôi nhà vĩnh cửu trên trời do Thiên Chúa dựng, không do tay người đời làm ra.”

Nhờ đâu mà được như thế ?

Không cần giải thích, vì những điều này ta đã biết rồi qua những bài trước đây, nay xin nhắc lại sơ qua cho có đầu có đuôi. Được như vậy là nhờ tin vào Đức Giêsu và chịu Phép Rửa, ta được tái sinh làm con cái Chúa, được thông phần bản tính Thiên Chúa (2 Pr 1.4), tức là được “cấy Sự sống thần linh của chính Thiên Chúa” vào trong mình. Do vậy chúng ta sẽ không bao giờ chết được nữa, vì ta sẽ sống lại : như Chúa Giêsu đã sống lại thế nào, Thiên Chúa cũng sẽ làm thân xác ta sống lại như thế, đến nỗi Thánh Phaolô quả quyết : “Nếu không có chuyện kẻ chết sống lại, thì Đức Kitô cũng đã không sống lại!” (1 Cor 15.13). Mà ai dám bảo là Đức Kitô đã không sống lại ? Vậy chắc chắn kẻ chết sẽ được sống lại. Lúc ấy Thiên Chúa sẽ cho ta một thân xác biến hình, thần thiêng như Kinh Thánh xác quyết : “Về sự kẻ chết sống lại thì như thế này:    gieo xuống (tức chết chôn dưới đất) là xác khí huyết, sống lại là xác thần thiêng!” (1 Cor 15.42,44), xác thần thiêng ấy ta đã được nghe Thánh Phaolô ví như “ngôi nhà vĩnh cửu trên trời”.

Đó là một viễn tượng tương lai đầy vui sướng, hạnh phúc. Tương lai đó chúng ta tin chắc chắn sẽ xảy ra không sai trệch được. Vì Thánh Phaolô viết trong Thánh Thư trên đây : Đấng sắm dọn sẵn cho ta cái tương lai huy hoàng đó, chính là Thiên Chúa. Đấng Chân thật tuyệt đối, không hề lừa dối ai.

- Nhưng người ta hỏi : Bạn nói bạn tin Thiên Chúa sắm sẵn cho chúng ta cái tương lai huy hoàng ấy, song lấy gì làm bảo đảm ?

Đáp : Thiên Chúa có cho ta vật làm bảo đảm. Thiên Chúa khôn ngoan vô cùng, Người không muốn để ta tin suông mà không có bằng cứ, rồi ta sẽ bị lạt lòng, buông theo cám dỗ thế gian bỏ niềm tin. Thiên Chúa thực tế hơn ta tưởng ! Hãy nghe lại câu lời Chúa ở thánh thư trên đầu : “Để làm bảo chứng cho ta về sự ấy, thì Người đã ban cho ta Thánh Thần”. Ở đoạn Kinh Thánh khác còn nói Chúa Thánh Thần như dấu ấn đóng vào trong ta : “Bởi anh em đã tin, thì trong Đức Giêsu, anh em được niêm ấn Thánh Thần, làm bảo đảm cho lời hứa và làm bảo chứng cho cơ nghiệp dành cho ta, để việc cứu chuộc được hoàn thành” (Ep 1.13-14; x. 2 Cor 1.22).

Vật chứng bảo đảm chính là Thánh Thần đó !

Khi nghe mấy câu Kinh Thánh đó, các tín hữu tiên khởi, và có thể nói, cả đối với những tín hữu nào đời nay có kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần, những người ấy sẽ không nghĩ là họ sẽ được thấy hoặc nắm được chính Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa làm vật bảo đảm, vì là loài người phàm trần mắt thịt không thể thấy hay nắm được Đấng vô hình vô tượng, nhưng họ hiểu là được thấy các hiệu quả của hoạt động Ngài. Đúng vậy, ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ đang họp nhau cầu nguyện, cùng với Đức Mẹ Maria, thì Chúa Thánh Thần ngự xuống, họ không thấy chính Chúa Thánh Thần, nhưng thấy các hình lưỡi như thể bằng lửa tản ra đậu xuống trên mỗi người. Thế là các ông nói được các tiếng lạ mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa, khiến cho mọi người từ năm châu bốn bể trẩy về Giêrusalem dự lễ, đều nghe thấy nói tiếng mẹ đẻ của mình mà hiểu được.

Sách Công vụ Tông đồ sau đó còn kể cho ta nghe biết bao điềm thiêng dấu lạ, phép lạ chữa bệnh, nói tiên tri, trừ tà… vô vàn vô số, không những do tay các Tông đồ, mà còn do các phó tế, trợ tế, giáo dân...

Đó là chưa kể đến các nhân đức bên trong như hiệp thông, thương yêu, đùm bọc, người có của thì trích ra, người có nhà, có ruộng dư thì bán đi rồi đem đặt vào quĩ chung để cung cấp cho người nào nghèo túng trong cộng đoàn... Tất cả các việc ấy đều là những tác động hữu hình của Thánh Thần vô hình.

*          Nhìn về Hội Thánh sơ khai, ta thấy Hội Thánh sôi động, hào hứng, phấn khởi, năng nổ, đến mức nhiều khi Thánh Phaolô phải kềm hãm bớt lại. Đó là vì Hội Thánh thời ấy để Chúa Thánh Thần biểu thị quyền năng kỳ diệu của Ngài : bằng các đặc sủng như ơn nói tiếng lạ, ơn nói tiên tri, ơn chữa lành mọi bệnh tật, trừ tà, làm phép lạ, kể cả làm cho kẻ chết sống lại... (Cv 9.40; 20.9-12). Rồi các đoàn sủng của Thánh Thần còn thúc đẩy người thì làm tông đồ, người thì làm kẻ dạy dỗ, người lo việc bác ái, giúp đỡ cô nhi, quả phụ, phân phát của cải, thức ăn, tiền trợ cấp cho người nghèo, để không ai trong cộng đoàn bị túng thiếu...

            Nói tóm lại, các tín hữu ấy cảm thấy, nghiệm thấy biểu lộ tỏ tường ra bên ngoài hành động của Thánh Thần vô hình họ không thấy. Có thể nói không ngoa là họ đang sờ đụng, đang cầm trong tay bảo chứng của sự sống trên trời. Ví được như họ đang cầm trong tay của đặt cọc, tiền ứng trước làm họ yên tâm và chắc bụng sẽ được sống lại và được hưởng phúc đời đời.

- Còn ngày nay, không biết do đâu, giáo hữu chúng ta cách chung chẳng mấy người biết đến Chúa Thánh Thần. Đến nỗi có có ai đó bảo rằng : “Chúa Thánh Thần là vị Thiên Chúa bị bỏ quên!” Chẳng mấy ai trong chúng ta được Thần Khí tác động và biểu thị ra bằng các việc quyền năng như đã nghe thuật ở trên, nên ta cảm thấy không nắm được bảo đảm gì chắc chắn cho lời hứa về sự sống phúc lạc đời sau, về sự sống lại vinh hiển, về cơ nghiệp vĩnh cửu Chúa dành sẵn cho ta... Do đó ta sẽ dễ xiêu lạc trong các cám dỗ của vật chất…

Vậy phải làm sao để xác tín như các tín hữu tiên khởi ?

Không khó : Hãy cầu xin Thánh Thần đến trên ta. Nhưng phải ước ao, khao khát Ngài, thì lời cầu xin mới có hiệu quả ! Càng khao khát, Chúa mới thấy ta cần Thánh Thần thực sự, và sẽ sẵn lòng ban Ngài cho ta, vì Đức Giêsu đã đoan hứa : “Nếu các ngươi, vốn là ác, còn biết lấy của lành làm quà cho con, thì phương chi Cha các ngươi, tự trời, lại không ban Thánh Thần cho những ai kêu  xin Người sao ?” (Lc 11.13).

Tích truyện

Có một vị thánh kia rất khiêm nhường. Một ngày nọ, thiên thần đến nói với ông :

-   Chúa sai tôi đến gặp ngài, vậy ngài có muốn được ơn chữa bệnh không ?

Vị thánh trả lời :

-   Không !

Sứ thần đề nghị điều khác :

-   Ngài có muốn được đặc sủng cải hóa kẻ tội lỗi không ?

Vị thánh lắc đầu :

-   Không, đó là việc Chúa làm được thôi !

Sứ giả Chúa gợi ý nữa :

-   Ngài có muốn trở thành mẫu gương để thiên hạ bắt chước không ?

Vị thánh càng khiêm tốn từ chối :

-   Không ! Bởi làm như thế, tôi sẽ trở thành trung tâm thu hút chú ý.

Thiên thần mới hỏi :

-   Vậy ngài muốn điều gì ?

-   Ơn Chúa : đó là điều tôi khao khát !

Vị thiên thần chưa chịu bỏ cuộc :

-   Ngài phải xin ơn làm phép lạ, nếu không, tôi đành phải cho phép lạ xảy ra.

Vị thánh đành ưng thuận. Ông ra một điều kiện :

-   Ước gì phép lạ xảy ra qua tôi mà tôi không hề hay biết.

Thế là để cho điều ước của vị thánh được thành sự, Thiên Chúa ban cho cái bóng phía sau của ông được mọi thứ quyền năng (x. Cv 5.15). Nơi nào ông thánh đi qua, thì cái bóng phía sau lưng ông làm đủ thứ ơn lạ : người bệnh được lành, đất đai thành phì nhiêu, nguồn nước trào ra phát sinh sự sống, những người sầu khổ được tìm lại niềm an ủi v.v… Nhưng, vị thánh không hề hay biết gì cả.

Còn dân chúng nhìn nhận ra Thiên Chúa là Đấng tốt lành, đã dùng sự khiêm nhường của vị thánh mà thi ơn giáng phúc, nên họ tôn vinh ngợi khen Chúa, và càng thêm tin tưởng vào Chúa hơn.

[Xin mời hát thánh ca này để cầu nguyện :

“Thánh Thần khấng xin ngự đến ! Hồn con đang mong chờ Ngài...” (Thành Tâm).]

ÿ

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Tin/Bài khác
Lễ Truyền Tin: Xin Vâng Như Mẹ Maria (3/24/2023)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768