ĐOẠN
III
GIÁ TRỊ BẢN THÂN CỦA
LỜI XIN VÂNG
Chính với lời “Xin Vâng”,
ĐTN Maria chấp nhận thông điệp của Thiên
sứ về chức thân mẫu thiên sai của mình:
“Này (tôi) là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi
theo lời Ngài” (Lc 1.38).
Một
lời Xin vâng có giá trị bản thân đặc biệt.
TC đang hoạt động
trong lịch sử nhân loại kể từ Ađam cho
đến tận thế. Còn phần loài người,
những quyết định bẻ lái cho con đường
của họ hướng về ơn cứu chuộc thì
do phía con người đáp lại, khi hưởng ứng
với ơn trên. Vì sự cứu rỗi được ban
xuống từ TC – Đấng vốn là tự do và yêu
thương – là một lời mời gọi gởi
đến sự tự do của con người. Lời
Xin Vâng là đáp lại lời mời gọi ấy.
Nếu đem so sánh việc
truyền tin của Đ.Maria với lời sấm Isaia
7.10-14 mới thấy nổi bật giá trị bản thân
của lời Xin Vâng của Người: Người
đã đáp Xin Vâng trong một niềm tin vào hành
động cứu độ của TC đối với
dân mình, tích cực chấp nhận Ý TC qua việc tham gia
không dè sẻn vào vận mệnh và công cuộc cứu
độ của Đấng Thiên sai, đang khi ông Vua Akhaz
xưa kia đã chối từ lời đề nghị
cứu thoát của TC.
Nhìn vào nội dung việc
truyền tin, chúng ta càng thấy rõ giá trị ấy hơn:
M.Bobichon viết: “Hãy nhớ
đến thái độ trọng kính sâu xa của Thiên
Sứ đối với Maria khi ngỏ lời chào…, kèm theo
một thái độ lịch sự rất tôn ti trật tự.
Đối với TC, Đấng siêu thánh, mọi thụ
tạo tự do của Ngài đều thánh thiện và
đáng kính cả. Khi trao cho Maria lời kêu gọi, Thiên
sứ tỏ ra dè dặt, ngài nói nhân danh TC, ngài biết
rằng TC hằng nhìn đến thiếu nữ này với
một lòng quan tâm đặc biệt, nhưng ngài cũng
biết rằng TC đang chờ đợi ở
người thiếu nữ này sự thuận tình đáp
lại cái nhìn ấy. Luca, vốn có cảm quan kịch tính,
nên đã nghĩ rằng: Đấng Vĩnh Cửu
điềm tĩnh chờ đợi lòng quảng
đại đáp trả của cô thiếu nữ… (x.
c.32t). Các động từ đều ở thì tương
lai, đều được nói là “sắp”
được… Và vị thánh sử khuyến khích chúng ta
cùng sống với TC cái thái độ đợi chờ
đáp trả của Maria. Chúng ta đã tới đỉnh
cao của lịch sử giao ước kỳ diệu,
một lịch sử kết ước giữa
Đấng Vĩnh Cửu với con người hay thay đổi.
“Thiên
sứ chỉ ra đi, khi cô thiếu nữ này đã suy
nghĩ (và bàn hỏi?) và dùng tự do hoàn toàn của mình mà
đón nhận lấy chính lời hiệu năng của
TC: TC kính trọng tự do đón nhận như thế
đó.” (tr.117-118)
·
Xin
vâng không phải là thụ động:
Nhưng
đàng khác, người ta cũng sẽ lầm lẫn khi
giản lược lời Xin Vâng của Đ.Maria vào một
thái độ thụ
động: theo đó Đ.Maria đơn giản
là một kẻ chỉ chờ đón, sẵn sàng và
để mặc TC làm. Như thế, chấp nhận
sứ điệp của TC không đem lại một giá
trị tích cực nào cho bản thân Đ.Maria, nhưng hoàn toàn
đem về cho TC cả. Điểm này đã gây ra
cuộc tranh luận về vấn đề cộng tác
của nhân loại vào ơn cứu độ, dưới
sự thúc đẩy của ân sủng! Đại khái:
a) Người ta có thể quá
suy tôn quyền tối thượng của TC đến
mức, trước quyền ấy, con người như
tan biến ra không, chẳng còn gì, và hoàn toàn bất lực;
hành động của con người hoàn toàn vô ích, bất
hảo, không có một giá trị tôn giáo nào hay lập thành
một công trạng nào cả, cốt để mọi vinh
quang đều qui về TC mà thôi:
“Ai có vinh vang thì vinh vang trong Chúa”
(2Cr 10.17).
“Ngươi
có gì mà đã không chịu lấy? Mà nếu đã chịu
lấy sao lại vinh vang như không chịu lấy” (1Cr
4.7).
Nếu nói
theo quan điểm (a) trên đây cách cứng ngắc, thì
ngay nhân tính của ĐG sẽ chỉ là một dụng
cụ “chết”, “thụ động” và vô dụng trong tay
điều động của Ngôi Lời TC, đang khi KT
luôn nói đến sự tự do chấp nhận cộng
tác của nhân tính ấy với ý muốn TC (X. trình
thuật Mt 4: “Cám dỗ”, hoặc Mt 26: “Cơn hấp
hối”).
b) Nhưng người ta có
thể có một quan điểm uyển chuyển hơn:
Đành rằng mọi vinh quang đều qui về TC và con
người có vinh vang thì vinh vang trong Chúa, song TƯ, và cách
riêng Th.Phaolô, vẫn nói:
“Anh em hãy biết kính giới và run sợ mà gia công lo việc cứu
rỗi chính mình”,
ngay
chính lúc mà ông quả quyết rằng:
“Chính TC tác tạo trong anh em cả ý muốn lẫn việc
làm thể theo nhã ý của Người” (Pl 2.12-13).
Những
lời ấy rất nặng ký! Ý nói rằng: cứu
rỗi của ta là ân sủng TC ban! Cùng một lúc cũng
nói: ân sủng ấy đã không hề loại trừ
nỗ lực của loài người – vốn có phần
giá trị trong sự cứu rỗi –; hơn nữa còn
gợi lên và đòi hỏi phải có các nỗ lực
ấy.
Sau đây là những lời
suy luận rất chính xác của W.Von Loewenich, một anh em
Thệ phản (tuy có thể có vài điều khác biệt
nhỏ):
“Nếu người ta hiểu lời đáp
“vâng” của con người là “cộng tác” với ân
sủng TC, thì quan niệm ấy hoàn toàn phù hợp KT. Và
trong nghĩa đó, lời Xin Vâng của Đ.Maria thực là một sự
đồng ý cộng tác vào công cuộc cứu
chuộc. Tuy vậy, cũng nên nhớ rằng khi cộng
tác như thế – theo nghĩa KT – phải luôn luôn ý thức
rằng: mình không là một yếu tố tự lập đem cộng thêm vào ân
sủng TC, nhưng mình tiếp đón cái tác
động thần linh ban ân sủng xuống cho mình ở
trong phần ý chí nhân loại. Thật rõ mười
mươi: ân sủng chỉ tác động nếu
được đón nhận bởi ý muốn của con
người. (Con người không muốn, ân sủng thành
vô hiệu). Do đó, nếu người ta không thể nói:
ý muốn con người cộng
thêm vào với ân sủng, thì cũng không
được phép nói “đồng công cứu chuộc”,
như thể ý muốn con người góp phần đồng đều
với hành động TC, như có người nghĩ
rằng Maria đã làm như thế. Tốt hơn phải
nói ân sủng là yếu
tố quyết định và ý muốn con người là
yếu tố được thúc đẩy để
quyết định. Chính chỉ trong ý nghĩa
ấy mà lời Xin Vâng (của Đ.Maria) có thể
được hiểu như một sự hợp tác vào
việc cứu chuộc.”
Mới
đây, Ms. Werner Meyer cũng cùng một hướng tư
tưởng: “Ngày truyền tin không phải bà Maria đã
bị “tràn ngập” cách tàn bạo, bởi vì sự can
thiệp của TC càng quan trọng chừng nào, lại càng
chọn con đường gặp gỡ đích thân
với người đó và càng kêu mời hơn chừng
nấy. Bà Maria không bị dồn vào thế đóng vai trò
người phụ diễn hư vị, và trở thành
một dụng cụ vật lý (instrument physique)
để thể hiện cuộc Nhập thể của
Con TC. Trong đời bà Maria, sự can thiệp của TC
trọng kính con người của bà cách sâu xa muôn phần
hơn tất cả mọi ơn kêu gọi của các ngôn
sứ xưa… Và lời Xin Vâng của bà là một chấp
nhận trong lòng tin và tự hiến, vì TC chỉ được
vinh hiển bởi một “lời vâng” tự do. Một
phản ảnh của sự vâng phục của ĐG
đã chiếu tỏa trên lời Xin Vâng của Bà.”
·
Hành
động tự do ấy thực là của con
người
“Trước
hết, ta nên biết rằng lời Xin vâng đáp trả
đầy tin tưởng ấy của Đ.Maria, là
một hành động tự do song cũng là do ân huệ
TC ban. TC đã ban ân huệ ấy là vì Người đã
quyết định vào trần gian này, thành ra lòng vâng
phục và ngay cả đức tin của ĐTN cũng
dựa vào quyết định cao sâu ấy của TC. Khi
muốn xuống trần gian này, TC đã dựng nên lòng vâng phục trong tự do của tạo
vật mình, để làm sao tạo vật ấy không
bị mất tự do khi cúi đầu chấp nhận
hồng ân ấy”.
Tuy thế,
ta cũng không được nói rằng: lời thưa
“Xin Vâng” ấy không hoàn toàn do Trinh Nữ mà xuất ra. Trong
quyền tự do an bài và ban phát hồng ân, khi TC cho ta cái gì thì cái đó trở nên hoàn toàn của ta
hơn hết.
“Mọi
điều khác, do từ một người ngoài, hoặc
cha mẹ, hoàn cảnh, anh em bạn hữu, hay do số
phận đem tới cho ta, mọi điều đó không
thể nào thuộc riêng của ta được, không
thể thâm nhập sâu xa vào chúng ta,
không thể là đích thân ta hơn những gì mà trong ơn
thánh, TC vĩnh cửu đã ban cho ta. Nếu Người có
ban cho ta điều gì thì thực sự điều ấy
thuộc hẳn về ta, trở nên chính bản thân của
ta.
“Vậy
một khi TC đã ban cho ĐTN ơn khai mở thế
giới này, để đón nhận lòng thương xót
của Người qua việc tự do ưng thuận làm
mẹ, thì lời “Xin Vâng” ấy là chính lời xuất phát từ con tim của Mẹ và
là hành động đích thân của Mẹ. Mẹ
chính là và luôn luôn là người Trinh Nữ vì chúng ta, vì
phần rỗi chúng ta, và vì danh nghĩa chúng ta, đã nói lên
lời “Xin Vâng”, và bởi câu trả lời ấy, Lời
của Chúa đã xuống trong (thế giới) xác thịt
của chúng ta”.
Khi các Giáo phụ nghiên cứu cảnh truyền tin
bằng cách đối chọi Eva với Maria, chính là các
vị nhấn mạnh đến cái giá trị bản thân và lịch sử của
lời Xin Vâng của Đ.Maria!
- Th.Irênêô nói: “Như Eva đã
bị lời thần dữ quyến rũ mà đi
đến chỗ tách rời TC, bởi bất tuân lời
Người, thì Đ.Maria đã ưng nhận lời
của Thiên thần báo cho biết sẽ mang lấy TC (trong
dạ), bởi sự tuân phục Lời của
Người” (Adv. Her. 5,19,1; PG 7.11,75).
- Th.Aogutinô
nói: “Maria có phúc, bởi vì Người mang CK trong lòng tin
hơn là Người cưu mang thân xác CK. Sự gần
gũi, thân mật mẹ con có lẽ sẽ không lợi gì
cho Người, nếu Người không cưu mang CK trong
tâm hồn…”.
Để
diễn tả cái phúc lộc của sự cưu mang CK
bằng lòng tin ấy, các Giáo phụ hay dùng một hình
ảnh này: Đ.Maria thụ thai Con TC, Đấng Lời, bằng tai (tai nghe
lời Chúa truyền tin và tin, mà tin thì Đấng Lời
mới xuống đầu thai). (Trích M. Schmaus., Thiên 3,
chương 3, đ.4).
- Hiến Chế GH (số 56)
đã phê chuẩn tư tưởng ấy: “Chúa Cha rất
nhân từ đã muốn sự ưng thuận của người
Mẹ được tiền định trước khi
Chúa Con nhập thể, để như một
người nữ đã hợp tác cho sự chết, thì
cũng một người nữ hợp tác cho sự
sống… Bởi vậy, các thánh Giáo phụ đã nghĩ
rất đúng rằng: TC đã không trưng dụng
Đ.Maria như một dụng cụ thụ động,
nhưng đã để Người tự do cộng tác
vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và
sự vâng phục của mình”.
- Th.Bênađô ca ngợi
lời Xin Vâng của Đ.Maria một cách hùng hồn :
"Thần sứ đang
chờ câu trả lời của Mẹ vì đã đến
lúc ngài phải trở về cùng TC, Đấng đã sai
ngài. Cả chúng con nữa, chúng con cũng chờ
đợi câu trả lời của Mẹ, vì chúng con là
những kẻ đang phải khốn khổ bởi mang
án tội tình. Này đây, giá phải trả cho ơn cứu
độ chúng con được trao vào tay Mẹ. Mẹ
chấp nhận là chúng con được cứu thoát.
Bởi Ngôi Lời hằng hữu của TC, chúng con đã
được tạo thành, nhưng này sự chết
đang hoành hành nơi chúng con, chỉ một câu trả
lời vắn tắt của Mẹ thôi là chúng con
được tái tạo để lại được
đón nhận sự sống.
[…] “Lạy ĐTN khôn ngoan, trong sự
việc có một không hai, xin Mẹ đừng sợ
phải liều. […] Lạy ĐTN diễm phúc, xin Mẹ
mở tâm hồn để tin, mở miệng để
nói lên lời ưng thuận, và mở lòng để đón
Đấng Tạo thành nên Mẹ…. Này Đấng mọi
dân tộc khao khát đang đứng bên ngoài cửa mà gõ.
Ôi, nếu giả như vì Mẹ chần chừ mà Ngài
đi qua mất, thì Mẹ lại phải khổ công tìm
kiếm Đấng lòng Mẹ mến yêu! Xin Mẹ chỗi
dậy, chạy ra, mở cửa. Xin Mẹ chỗi dậy
với lòng tin, chạy ra với lòng mến và mở
cửa bằng sự ưng thuận.
Cuối cùng thì Mẹ đã thốt lên : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ
của Chúa, xin Chúa thực hiện nơi tôi như lời
thần sứ nói."
(Trích Bài Kinh
sách, Mùa Vọng, ngày 20 tháng 12).
*
* *
|