B/ CHỨC LINH MẪU CHÍNH
THỨC CỦA ĐỨC MARIA
(I) TRONG KT
Chức linh
mẫu “căn bản” của Đ.Maria qui hướng hoàn
toàn về chức linh mẫu “chính thức”, thể
hiện ở Núi Sọ qua đoạn TM Ga 19.25-27, lúc ĐK
sắp rời bỏ giai đoạn tự hạ
để được siêu tôn trong vinh quang (Pl 2.6-11).
“Đứng
bên khổ giá ĐG có Mẹ Ngài và người chị em
của Mẹ Ngài, (rồi) Maria (vợ) của Klôpa, và Maria
người Mag-đa-la. Vậy ĐG thấy Mẹ Ngài và
môn đệ Ngài yêu mến đứng bên cạnh thì Ngài
nói với Mẹ: “Hỡi Bà, này là con Bà!” Đoạn
lại nói với môn đệ: “Này là Mẹ con!”. Và từ
giờ đó, môn đệ đã lĩnh lấy bà về
nhà mình”.
Đoạn văn này ta
thường nghe quen, nhưng ít khi biết rằng đây
là đoạn văn “công bố” công khai điều
đã “vốn tiềm ẩn sẵn”, mà điều
tiềm ẩn là chức vị làm Mẹ “căn bản”
của Đ.Maria bởi việc Người là Mẹ
ĐG, Đầu
của nhiệm thể (là chúng ta). Mẹ của Đầu
tất nhiên Người cũng là Mẹ của thân thể, vì chẳng người mẹ nào
chỉ sinh ra cái đầu, không sinh ra thân thể :
“Muôn sự, TC đã đặt
cả dưới chân Đức Kitô và đặt Ngài làm Đầu HT, đích thực
là thân mình Ngài, là sự viên
mãn của Ngài…”(Ep 1.22-23)
Điều ấy đã rõ. Nay qua đoạn Ga 19.25-27 sẽ công bố công
khai, nói cách khác, chính
thức hóa việc Đ.Maria đã làm Mẹ cách tiềm
ẩn khi sinh ra ĐG-Đầu.
Thoạt tiên, cách
trực tiếp và theo nghĩa đen đầu hết, thì
đoạn Gioan 19.25-27 thuật một biến cố rõ
rệt, với những nhân vật cũng rõ rệt:
Đ.Maria, người được kể tên đầu
tiên, đứng bên Thập giá, giữa nhóm mấy nhân
vật thân tín, rồi Gioan, môn đệ Ngài yêu mến
đứng bên cạnh. Thầy Thánh đang hấp hối
ký thác người môn đệ cho Đ.Maria như một
người con cho bà mẹ: “Ngài
nói với Mẹ: “Hỡi Bà, này là con Bà!”. Sau đó
Đ.Maria được ủy thác cho môn đệ ấy:
“Đây là mẹ của anh.”,
“và từ giờ đó, môn
đệ đã lĩnh lấy Bà về nhà mình”.
Câu chuyện
dừng lại đây được chưa?
Nhiều
người đã nghĩ là được, vì chỉ coi
cảnh này là một cảnh trối trăng riêng tư trong gia đình, do
người con hiếu thảo lo lắng về mẹ già
còn sống, sợ không người phụng dưỡng.
Nhưng! Ngay
ở việc trối trăng vì hiếu nghĩa,
người ta cũng đã thấy có một nét ngược
với phong tục tập quán. ĐG làm một việc
trối ngược đời: Thường thường
người hấp hối trối trăng mẹ già
lại cho một kẻ còn trẻ và khỏe mạnh xét có
khả năng săn sóc bà, chứ không ai đi trối
người mạnh khỏe và có khả năng ấy cho
bà mẹ già! Thế mà bản văn ghi: “Ngài nói với Mẹ: “Hỡi Bà, này là con Bà!”
thế tức là trước tiên ĐG giao phó môn
đệ Gioan cho Mẹ mình, chứ không phải giao phó
Mẹ cho môn đệ!
Điều
ngược đời ấy hẳn phải hàm ẩn
một ý tứ gì bí nhiệm! Thế rồi, ngày nay, khi khoa
chú giải KT đã khám phá ra tính cách đầy biểu
tượng sâu xa và nhiệm mầu của TM Gioan,
người ta càng ngày càng tìm thấy ý nghĩa bí nhiệm,
sâu sắc của đoạn văn này.
Chúng ta cùng nhau tìm hiểu :
a-
Phải chăng đây là việc trối trăng mẹ già
?
Các tác giả sách thiêng liêng thường coi
đây là một việc trối trăng. H.Bussche viết (tr.520): ĐG ký thác Mẹ mình cho
người môn đệ thân tín nhất... Lời gởi
gắm ấy của ĐG hấp hối là chuyện
tự nhiên, đặc biệt ở Phalêtin là nơi
người đàn bà góa cô đơn thường bị
bỏ rơi. Ta hãy thử giả tưởng
một chút rằng bà Salômê, mẹ của Giacôbê và Gioan,
là chị em
của Đ.Maria, và người môn đệ mà ĐG ký
thác Mẹ mình cho ông, lại chính là Gioan đó, thì
lời trăng trối của ĐG lại càng hợp tình
hợp lý: Đ.Maria sẽ được đón về
ở nhà bà (Salomê) chị em mình và nhà của (Gioan) cháu mình.
Lời của ĐG rõ ràng là Ngài muốn ký thác Mẹ cho người môn đệ
Gioan (là cháu mình), và
bằng chứng không thể chối cãi là “người môn đệ đã
lĩnh lấy bà về nhà mình”.
b- Phải chăng
đây là một bổn phận hiếu thảo?
Đ.Maria không có chồng hay con nào khác có
thể đón bà, cho nên ĐG tỏ ra là người con chí
hiếu, vô cùng yêu thương và biết ơn Mẹ mình,
nên Ngài không muốn Mẹ bị rơi vào hoàn cảnh
nhục nhã của hạng quả phụ, không người
thân thích săn sóc, và sẽ phải nhận sự giúp
đỡ của HT (như Th.Phaolô sau này đề cập
ở 1Tm 5.3-16).
Theo đạo hiếu Á đông, và cũng là
điều KT hằng dạy bảo,
cha mẹ đã già thì con cái phải cung dưỡng,
quạt nồng ấp lạnh, sớm tối kề
cận thăm nom! Thế mà nay, con lại là kẻ ra đi
trước… Đấy là nỗi buồn của ĐG,
người con chí hiếu. Ngài không còn cách nào khác, là nhờ
một môn đệ làm thay bổn phận báo hiếu
ấy. Vào lúc sắp tắt hơi, thấy dưới chân
khổ giá có Mẹ mình và môn đệ dấu yêu, thì ĐG cố
nén những đau đớn khủng khiếp của
khổ hình đóng đinh, thu hết lực tàn, để
lo đến tương lai cho người Mẹ thân yêu sau
khi Ngài đã ra đi... Ngài nhìn xuống Mẹ mình
trước hết... và nói với Mẹ: “Này là con Bà”... (F.M.Braun,
469-70).
c- Chắc
chắn có chuyện bổn phận hiếu thảo đó.
Đấng đã truyền Điều
Răn thứ bốn phải thảo kính cha mẹ, lại
không tuân giữ luật ấy sao? Nhiều Giáo phụ và các
thánh Tiến sĩ cũng đã đồng ý, như Th.Gioan Kim Khẩu ; Th.Cyrillô thành
Alexanđria ; Th.Ambrôxiô; Aogutinô; Tôma Aquinô…, các
vị coi đó như là gương cho các tín hữu noi
theo.
đ- Nhưng hiếu
thảo không phải là điều chính yếu!
Chúng ta hãy xem : Độc giả đã
biết ĐG là Đấng thông suốt mọi sự
sắp xảy đến cho Ngài (Ga 18.4; x. 2.25; 4.19; 16.30;
21.17), và Ngài đã có cả một thời gian trước
và trong bữa Tiệc ly để làm việc dặn dò
trối trăng : Có thể nói ngay từ khi ĐG từ giã
Mẹ Ngài ra đi làm sứ vụ rao giảng, Ngài đã
để lại Mẹ ở nhà một mình (vì chắc lúc
ấy Th.Giuse đã qua đời), vậy Mẹ Ngài là
mẹ góa. Và nhiều dữ liệu của các TM còn cho
biết là Đ.Maria không thường đi theo Con mình trong
thời sứ vụ, chỉ thỉnh thoảng
Người mới đến gặp Con mình khi có việc
cần (x. Mt 12.46t). Bằng chứng là nếu
Người thường
đi theo Con thì Lc 8.19 sao lại viết: “Mẹ Ngài và các anh em Ngài đến gặp Ngài và họ không thể giáp mặt Ngài vì có dân chúng…”.
Và Mc 3.31: “Mẹ Ngài và anh em Ngài
đến. Và đứng ngoài, họ sai người
vào gọi Ngài”….
Vậy thì tình cảnh đơn côi của
Đ.Maria góa bụa chắc chắn đã được
ĐG thu xếp và giải quyết cho có người lo
liệu ngay từ khi ấy. Vả chúng ta cũng biết là Đ.Maria còn có những thân
nhân và họ hàng sống xung quanh mình: chẳng hạn “bà chị em” của Người
(Ga 19.25; x. thêm Mc 15.40); “các anh em
của ĐG” (x. Mt 12.46; 27.56; Cv 1.14).
Rồi Diễn từ cáo biệt cuối cùng
của đời Ngài trong bữa Tiệc ly, phỏng theo
khuôn khổ văn chương di chúc truyền thống Do
Thái, chắc chắn đã gồm cả việc trối
trăng ấy. Đâu cần phải đợi
đến thời điểm bi thảm hấp hối và
cấp bách này trên thập giá mới làm.
Xét như thế, nếu Ngài đợi
đến giờ phút này mới nói cc.26-27, thì không phải
là nói lời trối trăng nữa, mà là nói một
chuyện khác, ta hãy xem :
Nếu đây chỉ là một cử chỉ
hiếu thảo trối trăng mẹ già, thì – như trên
đã nói qua – đúng lý ĐG phải nói với
người môn đệ trước để ủy
thác Mẹ Ngài cho ông: “Này Gioan, đây là mẹ anh,
vì Thầy sắp lìa trần, anh vui lòng nhận Mẹ
Thầy về làm mẹ anh để phụng dưỡng
thay thế cho Thầy!” Như thế mới đúng
với lẽ thường cũng như phong tục
tập quán. Và trong trường hợp này, chỉ cần
câu nói đơn giản là đủ, không cần dùng một
công thức long trọng và khác thường như thế.
Trái
lại ĐG lại nói với thân mẫu Ngài trước: “Thưa Bà, đây là con Bà!” Rõ ràng là Ngài
trao cho Mẹ mình nhiệm vụ săn sóc đoàn con (HT)
mà Gioan lúc đó là người đại diện.
Cũng như xưa Mẹ đã săn sóc, dạy dỗ,
uốn nắn cách tuyệt vời Hài Nhi Giêsu, thì nay Mẹ
cũng hãy săn sóc dưỡng nuôi và dạy dỗ HT
như vậy, nhất là HT sơ khai non trẻ … rất
cần một người Mẹ.
Vậy nếu ĐG nói với Mẹ mình
trước tiên, để ký thác người môn đệ
làm con Bà, thì lời nói này của Ngài có một tầm
mức quan trọng hơn là chuyện tư riêng gia
đình: nguyên do chỉ vì – theo tính chất biểu
tượng thấy được nơi TM Gioan – hai nhân
vật chính ở đây (Maria và Gioan) là những nhân vật tiêu biểu:
để ý thì sẽ thấy Gioan viết “ĐG nói với Mẹ”, trống không vậy thôi
chứ ông không viết “Nói với Mẹ mình” (x. trên
c.26, chữ a), thế nghĩa là ĐG làm một cử
chỉ mới và hé cho thấy Đ.Maria sẽ không chỉ
là mẹ của riêng mình Ngài mà còn là Mẹ của các kẻ
tin. (Phỏng theo CCB, 225). Và kẻ tin đây không
phải chỉ là cá nhân Gioan, song ông là biểu tượng
về tất cả những kẻ tin vào ĐG và làm môn
đệ Ngài. Một gia đình thiêng liêng mới đã
được cấu thành dưới chân thập giá!
Đó là Hội Thánh Chúa Kitô.
Đành rằng trong cơn bão tố Tử
nạn, các thành viên của gia đình thiêng liêng ấy
đang bị tán loạn, người phản, kẻ
chối, hầu hết bỏ trốn… Không hề gì.
Hiện thời dưới chân thập giá chỉ cần
có mặt bà mẹ trung tín, người môn đệ yêu
dấu và vài nữ môn đệ là đủ. Đặc
biệt nhất là sự kiện có mặt của bà Mẹ
dưới chân thập giá trong hoàn cảnh thảm khốc
này, đây không phải là một cử chỉ tình cờ,
hay do lòng thương tự nhiên của một
người mẹ ,
song – theo lời Công Đồng Vat.2 mà có lần đã trích
dẫn – do sự thúc đẩy của ơn Chúa, do ý
muốn của TC: “ĐTN trung thành hiệp nhất với
Con (suốt đời) cho đến bên Thập giá, là
nơi mà theo ý TC,
Người đã đứng ở đó…để đau
đớn chịu khổ cực với Con Một của
mình và thông phần vào hy lễ của Con” (Hiến Chế
GH, số 58). Và cũng để đón nhận lời
ủy thác của Con mình.
Cha Moloney đã
có lý khi viết (tr.503): “Vào một thời điểm bi
đát của trình thuật đầy biểu tượng
và phức tạp như thế, đoạn này không thể
đơn giản chỉ coi như chuyện ủy thác cho
người môn đệ săn sóc người mẹ góa
bụa của ĐG, sau khi người Con Một của
Bà đã qua đời. Đoạn này khẳng định vai
trò làm Mẹ của Thân Mẫu ĐG trong một gia đình
mới của ĐG, được thiết lập
dưới chân thập giá.
Đúng vậy, được giương cao trên
thập giá, ĐG nói với “người Đàn Bà” là nhân
vật đầu hết trong cuộc đời ĐG
đã tin vô điều kiện vào Lời Ngài,
và truyền
cho Bà hãy coi (“ide”) và chấp nhận người môn
đệ làm con mình. Rồi Ngài quay sang môn đệ – nay
được coi là người môn đệ biểu
tượng – kẻ đã tựa đầu kề
ngực Thầy trong Tiệc Ly (x. Ga 13.23), và truyền cho
ông hãy coi (“ide”) và chấp nhận Thân mẫu Ngài làm
mẹ mình. Lời truyền của ĐG được
tuân theo không chút do dự khi Người thuật truyện
chú thích: “Từ giờ đó,
môn đệ đã lãnh lấy Bà về nhà mình”.
Do đó, ở đây tuy không hề phủ nhận
cũng có cử chỉ của lòng hiếu thảo, song
vị T.Sử muốn chúng ta khám phá ra chiều kích vĩ
đại hơn, trong khuôn khổ sứ mệnh thiên sai
của ĐG. Đó là điều ta sẽ còn tìm
hiểu thêm trong những dòng sau đây.
e- Đây là lời phán
truyền có tính cách thiết lập.
Tất cả mạch văn của cảnh
ĐG bị đóng đinh vào thập giá cho đến lúc
tắt hơi đều dệt bằng những lời
KT, khiến ta phải thấy những lời ĐG
thốt ra là những
lời mặc khải, những lời công bố, hay
những lời phán quyết có tính cách thiết lập.
Vì trong TM Gioan những lời phán truyền
của ĐG không đơn giản là những lời
“tuyên bố” suông, song chúng có mãnh lực “tạo thành”,
vì Ngài là Ngôi Lời TC mà “mọi
sự đã nhờ Ngài mà thành sự và không Ngài thì chẳng
có gì đã thành sự” (Ga 1.3). Lời Ngài ccó sức đổi
vận mệnh một đời người: “Từ nay, Simôn, anh sẽ
được gọi là Đá !” (1.42); và: “Hãy chăn nuôi đàn chiên của
Thầy” (21.15-17); Lời Ngài biến nước thành
rượu (2.7-8); chữa lành từ xa con ông viên chức
hoàng gia bị bệnh nguy tử (4.51); cho người
bất toại 38 năm đứng bật dậy vác mền
chiếu mà đi (5.8); hóa bánh ra nhiều nuôi 5000
người ăn no nê (6.11); làm anh mù bẩm sinh thấy ánh
sáng (9.7); và nhất là khiến kẻ chết sống
lại ra khỏi mồ (11.41-43).
Cách đặc biệt lời ĐG nói
với Thân mẫu và môn đệ yêu dấu đây phải
là lời phán truyền có tính tạo thành, thiết lập.
Cha P.Cardon (sđd,
tr.132) viết: “Ở đây lần này, chính Người
Con tạo dựng bà Mẹ thành Mẹ của tất
cả nhân loại qua
lời: “Hỡi Bà, Này là con Bà!”
(Ga 19.26).
·
Từ các điều nói trên về đoạn 19.25-27
này, có thể tổng hợp thành quan điểm sau đây
:
Dựa theo ý kiến của nhiều tác
giả cách riêng hai cha Brown và Moloney. Sở dĩ
bàn sâu rộng về đoạn này là vì, như đã nói
cách chung về các sách TM: các ngôn hành của ĐG, tuy
được thuật lại như những truyện
ở quá khứ, song lại liên can đến đời
sống các Kitô hữu của mọi thế hệ, thì
đây về TM Gioan cũng vậy, việc CG từ trên
thập giá, đặt Đ.Maria làm Mẹ người môn
đệ, nhất nhất liên quan đến đời
sống Kitô hữu chúng ta ngày nay, cũng như mãi mãi muôn
thế hệ về sau: Chúng ta được ơn
hối cải, được làm nghĩa tử TC, làm em
của Trưởng Tử Giêsu v.v…, nói tóm được
sự sống đời đời, cũng là nhờ
Đ.Maria Mẹ chúng ta làm môi giới chuyển cầu,
đem ơn Chúa đến cho chúng ta, đúng như HT
vẫn xưng tụng Mẹ là “Đấng thông ơn TC”.
Ơn là của TC, song nhờ Đức Mẹ là máng
chuyển đến chúng ta.
Vì thế chúng ta phải học cho thấu
đáo đoạn này, để xác tín về vai trò làm
Mẹ và làm môi giới ân sủng của Người.
Qua tất cả cuốn TM4, vị T.Sử
Gioan không là một người thuật truyện
đơn giản, song là người đưa độc
giả vào sự hiểu sâu kế hoạch cứu
độ, nói khác đi ông muốn vén mở cho độc
giả thấy ý nghĩa thần học của các sự
kiện trong chương trình cứu chuộc. Vì thế,
ông không viết TM để kể chuyện tư riêng gia
đình, do đó khác với các TM Nhất Lãm, không thấy
ông nói đến Đ.Maria, Thân mẫu ĐG trong thời
sứ vụ công khai của Ngài, chỉ trừ hai nơi:
ở tiệc cưới Cana (ch.2) và đây (ch.19) vì hai
nơi này có tính biểu tượng cao trọng đặc
biệt !
Nếu Gioan cho ta biết Đ.Maria hiện
diện ở Cana thì cũng chính là để nối
kết với cảnh dưới chân thập giá này một cách hữu cơ,
vì không thể không để ý thấy hai lần xuất hiện của Mẹ Ngài
đều rất có ý nghĩa: ở Cana và Canvê, thì rõ ràng
một lần ở đầu sứ vụ công khai
của Ngài và lần kia ở cuối sứ vụ !
Ở Cana, người Mẹ này muốn xin ĐG can
thiệp cứu gỡ nỗi nhục nhã của một
tiệc cưới nửa chừng thiếu rượu.
Một chuyện nhỏ mà Ngài sẽ làm theo ý Mẹ Ngài. Tuy
vậy ĐG đã cảnh giác Mẹ mà Ngài cố tình xưng
hô bằng tiếng “Bà” long trọng và khác lạ. Vì theo phong
tục người Do Thái, không hề thấy người
con xưng hô với mẹ mình bằng chữ “Bà” bao
giờ cả. Nếu ĐG đã xưng hô như thế,
chắc việc ấy phải có ý nghĩa riêng. Mời xem:
Nhờ chú giải đoạn Ga 2.4, chúng ta
được biết ĐG bấy giờ khởi
đầu sứ vụ công khai, Ngài là Đấng Thiên sai và hành
động theo tư cách đó. Vì thế mối
tương quan giữa Ngài và Mẹ Ngài cũng phải
đổi khác, không còn là tương quan thân mật riêng
tư của con với mẹ trong gia đình như
trước, mà qua cách xưng hô, cũng như qua câu “Giờ tôi chưa đến”,
ĐG muốn cho Mẹ mình - theo ý định TC - phải
vượt quá vai trò “một người mẹ” mà đạt
đến vai trò “Người Đàn Bà”, là biểu
tượng cho Dân Chúa mới (Kh 12.1), và phải
vượt quá chức năng làm “Mẹ ĐG” mà
đạt đến chức năng “Mẹ HT”, Dân mới
của TC mà ĐG – Đấng Thiên sai thời cánh-chung –
đến thiết lập.
Điều quan
trọng cần lưu ý là khi cư xử như thế,
Ngài không chỉ đưa Bà nhìn lên một bình diện cao
hơn (cao hơn những việc cứu giúp lẻ tẻ
nhỏ nhặt, như giúp bữa tiệc cưới
thiếu rượu này), còn
đem Bà vào trong chương trình thiên sai của Ngài mà Bà
sẽ có vai trò. Nhưng hồi đầu
sứ vụ của Ngài, Giờ thi hành vai trò ấy chưa
đến: “Giờ Tôi chưa
đến”. Cho nên ở Cana Ngài ngầm bảo Mẹ -
như một điểm hẹn - hãy chờ đến
Giờ ấy. Giờ ấy rồi sẽ đến
ở cuối sứ vụ. Đó là Giờ mà trên
đồi Canvê Ngài sẽ hiến tế chính mình để
cứu chuộc cả thế giới. Lúc ấy Mẹ Ngài
sẽ thật sự được đặt làm Môi
giới chuyển cầu phổ quát cho tất cả
thế giới đang thiếu ơn TC: “Hết thảy mọi người đều đã
phạm tội và khuyết hẳn vinh quang TC” (Rm 8.23).
Như thế, ĐG có ý hướng Mẹ Ngài đến Giờ
trọng đại ấy. Mà Giờ ấy thì nay
đã đến: đó là Giờ mà Ngài được
giương cao trên thập giá, lại là Giờ Ngài được
tôn vinh, và từ ngai vinh hiển tôn dương ấy Ngài
sẽ lôi kéo mọi người đến với Ngài (Ga
12.32). Vậy nếu Ngài đã hướng Mẹ Ngài đến
Giờ ấy, thì khi Giờ ấy đến không thể nào Mẹ Ngài lại
không có mặt. “Người có mặt
ở đó là theo ý TC”
(Công Đồng Vat.2). Đó là điểm hẹn mà
ở đây ĐG sẽ trao cho Mẹ vai trò làm Mẹ, làm
Môi giới chuyển cầu để Người sẽ
thi hành chức năng đó đối với HT và cả
thế giới từ đấy cho đến tận thế...
Vì lẽ ấy chúng ta mới nói: hai lần hiện
diện ấy của Đ.Maria liên hệ với nhau một cách hữu cơ
– nói khác đi, kế hoạch huyền nhiệm của
TC muốn nối kết hai lần hiện diện ấy:
ở Cana: “Xảy ra có
tiệc cưới tại Cana…Và có Mẹ
ĐG ở đó”;
nay ở Núi Sọ:
“Đứng bên khổ giá ĐG, có Mẹ Ngài…”.
Những điều nói trên đây chỉ
nhắm làm sáng tỏ vai trò vô cùng quan trọng của
Đ.Maria đối với HT, vì cảnh này do lời
truyền của ĐG đặt Người làm Mẹ các
tín hữu, sẽ là nguồn gốc của mối
tương quan giữa Đ.Maria và HT, cho nên
nếu từ đó, các Kitô hữu coi Người là Mẹ
của mình và tôn sùng Người, thì đó không phải là
kết quả của một sự tưởng
tượng của họ, hay một việc bày
đặt của hàng Giáo sĩ, hay của GH Rôma, nhưng
là do
chính những lời truyền của ĐG.
Phải chăng vì đã hiểu như
thế cho nên chính vị sáng lập Giáo phái Tin Lành là ông Máctinô Luthêrô đã nói trong
một bài giảng lễ Giáng Sinh năm 1529 rằng:
“Đ.Maria là Mẹ CG và là Mẹ chúng ta hết thảy, cho
dù chỉ có một mình ĐK (sau khi hạ xác xuống)
nằm trên lòng của Đức Mẹ… Nếu Chúa
thuộc về ta, chúng ta cũng phải ở trong cùng
một hoàn cảnh với Ngài; Ngài ở đó thì chúng ta
cũng phải ở đó, và mọi điều gì Ngài có
cũng phải là của chúng ta, và như thế Mẹ
của Ngài cũng là Mẹ chúng ta.”
*
Như đã bàn ở trên, đây là lời phán
truyền có tính thiết lập, đến
đây, ta còn coi câu “Này là con Bà”
và “Này là Mẹ con” là những công
thức có tính mặc khải.
Xin đừng lầm với công thức tự mặc khải
mình như : “Ta là Bánh
sự sống,… Bánh hằng sống bởi trời
xuống” (6.35,51); “Ta là Sự sáng thế gian (8.12); v.v…
Ở đây nói về công thức mặc khải người
khác, ví dụ đoạn Ga 1.35-37:
a) “Gioan … ngó về phía ĐG đang ngang qua,
b) mà nói: ‘Này là Chiên của TC’.
c) Hai môn
đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu.”
Ở cảnh 19.25-27, cũng xảy ra
điều tương tự:
a/ ĐG hấp
hối trên thập giá, bên cạnh có Mẹ Ngài và
người môn đệ.
b/ Thấy
vậy, Ngài nói lời mặc khải : Trước hết
xưng hô với Mẹ cách trang trọng là “Bà”, vì không còn
phải là chuyện riêng tư gia đình song là kế
hoạch TC, rồi Ngài cho biết từ nay Người
sẽ là “Mẹ” của môn đệ, và môn đệ
sẽ là “Con” của Người, với tư cách
đại diện và tiêu biểu cho hết thảy các môn
đệ của ĐG.
c/ Môn đệ đã rước Bà về nhà
mình.
Như thế,
ĐG đã mặc khải cho Thân mẫu mình một
chiều kích mới của chức làm mẹ, một
chức năng mới của Người trong nhiệm
cục cứu độ. Cũng mặc khải cho
người môn đệ chức năng mới: làm con
cái của Đ.Maria, và khi người môn đệ
rước Bà về nhà, là chấp nhận chức năng
mới ấy.
Bởi thế, tư cách làm Mẹ mà ĐG
công bố từ thập giá cho Đ.Maria và tư cách làm con
cho môn đệ yêu dấu, có giá trị được thuộc về kế hoạch
cứu độ của TC và được
nối kết với việc tôn dương của ĐG
trên Thập giá.
Đồng thời còn là sự kiện làm hoàn
tất kế hoạch ấy vì c.28 viết: “Sau đó (meta touto), (tức là
sau hành động đặt Thân mẫu Ngài làm Mẹ môn
đệ yêu dấu), ĐG
biết rằng mọi sự đã hoàn tất”, như
thế hành động ấy là điểm cuối cùng đánh dấu sự hoàn
tất kế hoạch Cha đã trao phó cho ĐG.
Còn sự hoàn tất của đời Ngài (“Đã hoàn tất”, và gục
đầu xuống thở hơi cuối cùng, c.30) thì
Ngài sẽ nói sau khi kêu: “Ta khát”
và nếm giấm để KT được nên trọn
(x. Tv 22.16). Như vậy có thể nói có hai sự hoàn
tất liên tiếp nhau: “mọi sự trong kế
hoạch của TC đã hoàn tất” (“panta tetelestai”)
(c.28), và đời Ngài đã hoàn tất (“tetelestai”), Ngài
gục đầu xuống … (c.30).
Xét kỹ, lời ĐG-Đấng Lời
Nhập Thể phán ra, được các TM ghi lại, cốt là để mặc
khải ý định và kế hoạch của TC, không
để dạy những điều luân lý đạo
nghĩa gia đình, xã hội, quốc gia…; việc ấy
Ngài – Đấng là Sự Sáng
đích thật, sáng soi mọi người đến trong
thế gian (Ga 1.4,9) – đã soi sáng cho các ngôn sứ trong
CƯ (xem các sách như Cách Ngôn, Huấn ca v.v…), cũng
như soi sáng cho các ngôn sứ ngoại ngạch (ngoài KT) là
các bậc thánh hiền Đông Tây Kim cổ dạy
đủ rồi, như ở VN có đạo Phật, Khổng,
Mạnh, đạo Lão… Vì thế, các sách TM – nhất là TM
Gioan – không được viết ra để dạy
những đạo nghĩa gia đình, xã hội trần
gian. Bởi vì:
Trong kế hoạch của TC, chức làm
Mẹ siêu phàm của Đ.Maria là điều
được tiền định
Đ.Maria không phải là một phụ
nữ tầm thường: Khi trăng trối cho Người
làm Mẹ HT và nhân loại, ĐG đã dùng chữ “bà”
để xưng hô với Mẹ mình. Danh xưng ấy
đưa vai trò của Người lên tới đầu
nguồn nhân loại :
“Ta sẽ gây
mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống bà ấy ;dòng giống bà ấy sẽ đánh vào
đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”(St 3.15)
Vậy Maria là một người đàn bà tiền định.
Tông hiến “Thiên Chúa vô cùng rộng lượng”
định tín Đ.Maria hồn xác về trời (năm
1950) đưa sự tiền định ấy lên xa
hơn nữa, tới thuở đời đời:
“Khi TC tiền định từ thuở
đời đời cho Ngôi Lời sẽ xuống thế
làm người để cứu nhân loại hư vong… thì
đồng thời TC cũng đã tiền định
Đ.Maria là Mẹ Ngôi
Lời Nhập Thể” - và dĩ nhiên là Mẹ của
cả thân thể của Ngài.
Công đồng Vat. II cũng xác nhận:
“Từ muôn đời, ĐTN đã được tiền
định làm Mẹ TC cùng một lúc với (sự tiền
định) việc Nhập thể của Ngôi Lời TC…
Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian
Người đã trở nên Mẹ cao trọng của
Đấng Cứu Chuộc thần linh, và [….] đã
cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình
của Đấng Cứu Thế,.… để tái lập
sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy trên
bình diện ân sủng, Người thật là Mẹ chúng
ta.” (HC GH, số 61-62).
Cũng chính để Người có thể
chu toàn nhiệm vụ lớn lao và cao trọng ấy, mà TC
đã trau dồi cho Đ.Maria những đặc ơn vô
tiền khoáng hậu: đặc biệt ơn vô nhiễm
nguyên tội, các nhân đức và ơn huệ Thánh Thần
tràn trề, để hun đúc thành một người
nữ tuyệt mỹ như vậy, người nữ có
một không hai và không ai có
thể thay thế.
Nếu chúng ta nhìn lên cao và sâu xa vào kế
hoạch mầu nhiệm đời đời của TC
như thế, chúng ta không thể nào nghĩ rằng vào
Giờ phút trọng thể của cuộc Tử Nạn
của ĐG, chóp đỉnh của công trình cứu
độ của TC, ĐG lại chỉ luẩn quẩn
trong cái việc riêng tư nhỏ bé tầm thường là
trối Mẹ già cho một môn đệ săn sóc, nuôi
nấng…!
·
Kèm theo
lời truyền, ĐG ban khả năng
Trao cho ai nhiệm vụ, cũng
phải trao cho người ấy phương tiện
để thi hành. Đây là một qui luật thông
thường ai cũng biết. Khi bà mẹ sai con cầm giỏ
đi chợ, cũng phải đưa cho con tiền mà mua
đồ ăn. Khi ĐG sai các Tông đồ và môn
đệ đi rao giảng, Ngài cũng phải ban Thánh
Thần cho họ (20.22-23), ban quyền năng chữa
bệnh tật và xua trừ ma quỉ (Mc 6.7-13 và ss; 16.15-20),
ban khả năng để họ thu phục mọi
người về cho TC.
“Không
phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy
đã chọn anh em, và đã cắt đặt anh em, ngõ
hầu anh em đi và sinh trái, và trái trăng của anh em còn
mãi” (Ga 15.16).
Đây cũng vậy, cùng với
việc trao chức vụ làm Mẹ loài người,
chắc chắn ĐG phải ban cho Đ.Maria đủ
tình yêu, đủ quyền thế, và đủ mọi
khả năng để chu toàn chức vụ lớn lao
ấy. Vì tự bản chất tự nhiên, Đ.Maria
cũng chỉ là một người phụ nữ nhỏ
bé, yếu đuối và giới hạn, làm sao có đủ
tài lực để chu toàn một chức vụ trọng
đại có tầm mức vũ hoàn như vậy? Làm sao
Người có đủ trí
khôn thông suốt mọi tâm hồn, mọi hoàn
cảnh của tất cả nhân loại đông
đảo vô vàn vô số với những nhu cầu
phức tạp vô cùng kể sao xiết…? Làm sao có trái tim rộng lớn
đủ để yêu
thương bao quát tất cả con cái nhân loại của
Mẹ từ đó cho đến tận thế…? Một bà
mẹ thế gian, có bốn năm đứa con, mà lo lắng
săn sóc từng ấy đứa cũng đủ
hết hơi rồi, huống chi Đ.Maria trước
toàn thể loài người!
Vì thế, ĐG trên thập giá –
là lúc Ngài được giương cao, được tôn
vinh trước mặt TC (Ga 12.32-33; 13.31-32; 17.1,5) và“đã được ban mọi
quyền năng trên trời dưới đất” (Mt
28.18) – chính lúc ấy Ngài đương nhiên phải trao cho
Mẹ Ngài tình yêu của chính Trái Tim TC, trí khôn sáng suốt
“như” của TC và tất cả quyền thế “hầu”
như vô biên của TC – nhất là từ khi Mẹ
được “TC rước cả hồn xác về
trời và được TC tôn làm Nữ Vương vũ
trụ…” (Công Đồng Vat.II, HCGH, số 59) – để
Người có thể chu toàn chức vụ vô cùng vĩ
đại làm Mẹ toàn thể nhân loại, cứu giúp nhân
loại đạt tới hạnh phúc quê trời.
Chúng ta
phải vô cùng biết ơn vị T.Sử Gioan đã ghi
lại cho chúng ta lời trao chức vụ này cho
Đức Mẹ Maria, dựa vào đó, muôn vàn thế
hệ con cái trần gian, từ ngày đó cho đến
tận thế, được biết ĐG đã ban cho
mình có một người Mẹ thật và cũng là Nữ
Vương, vừa có lòng yêu thương vô bến bờ,
vừa quyền thế hầu như vô hạn, để
họ có thể hết lòng tin tưởng chạy
đến kêu cầu và được Người cứu
giúp trong mọi nhu cầu, mọi nỗi gian truân ngặt
nghèo hồn xác.
Trên
trời sau này, chúng ta vẫn có người Mẹ đó
Nhưng
Đức Mẹ không chỉ là người Mẹ
thương yêu và cứu giúp chúng ta đang khi ta còn ở
cõi thế, ĐG đã dự liệu cho ta vẫn có
người Mẹ đó ở trên trời sau này. “Thiên
đàng mà không có Mẹ Maria, thì cũng từa tựa
như một gia đình mà thiếu vắng bóng dịu
hiền và ấm áp của người mẹ vậy!” Chúng
ta không phải là Thiên thần, do TC tạo dựng trực
tiếp không cha không mẹ. Chúng ta là loài người,
gồm hai phần hồn và xác, thì sau này trên thiên đàng, chúng
ta vẫn là loài người có hồn có xác, dù hình thức
sống có thay đổi nên tốt hơn, vì vậy TC
vẫn để chúng ta sống theo cung cách sống loài người,
tức là có xác có hồn, có cha có mẹ, có gia đình, có
họ hàng, bà con, bạn hữu v.v…
Bằng
chứng về liên hệ gia đình vẫn được
duy trì trên trời, đó là CG vẫn gọi Đ.Maria là
“Mẹ Thầy”, và Đ.Maria xưng CG là “Con của
Mẹ”. Và trong phụng vụ lễ Thánh gia (sau lễ Giáng
sinh), có lời nguyện nói lên lòng mong ước gia đình
được đoàn tụ : “Lạy Chúa… xin làm cho chúng
con cũng biết noi gương Thánh gia để ăn
ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc
lẫn nhau trong tình yêu của Chúa, trước khi lại
được sum họp cùng nhau mãi mãi muôn đời
hưởng niềm an vui trong nhà Chúa trên trời.”
Th.Cyprianô,
giám mục, tử đạo, viết : “Hãy nhớ quê
hương chúng ta là Thiên đàng. Ở đó đông
đảo những người thân yêu đang mong
đợi chúng ta : cha mẹ, anh em, con cái và biết bao
người đang mong gặp chúng ta. Họ đang
được hạnh phúc hưởng ơn cứu
độ… Được đến gần họ và ôm lấy
họ, thì cả họ lẫn chúng ta sẽ vui mừng
biết mấy….” (Bài Kinh sách, Mùa thường niên, Tuần
34, thứ sáu).
Còn
Th.Bênađô Viện phụ cũng nói về cuộc
sống sum họp đó ở trên trời trong một bài
giảng về Lễ các Thánh Nam Nữ:
"Tôi phải thú thật là khi tưởng
nhớ đến các Thánh, tôi cảm thấy bừng lên
trong tôi một khát vọng mãnh liệt…đó là mong
được hợp đoàn với các ngài,
được xứng đáng làm người đồng
hương và làm bạn với các thánh, được liên
kết với chư vị Tổ phụ, với hàng ngôn
sứ, với các bậc tông đồ, với hàng hàng lớp
lớp các vị tử đạo, với đoàn trinh
nữ…, với toàn thể các thánh…Chúng ta hãy mau đến
với những người đang đợi chúng ta…, hãy
ao ước chia sẻ hạnh phúc với các ngài…, nhất
là mong mỏi ĐK, Nguồn Sống của chúng ta, đã
xuất hiện cho các thánh thế nào, thì Người
cũng xuất hiện cho chúng ta như thế, và chúng ta
cũng được xuất hiện với
Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang…
khi Người biến đổi thân xác yếu hèn của
chúng ta nến giống Đầu vinh hiển là chính
Người.” (Bài Kinh sách Lễ Các Thánh, ngày 1 tháng 11)
Nói tóm. trên trời chúng ta có TC là
Cha Toàn Năng, có Mẹ là ĐTN Maria Hồng phúc. Anh cả
chúng ta là CG. Các Thiên thần là bạn. Còn tất cả
mọi người đều là anh chị em với nhau.
Như thế hạnh phúc nhân loại chúng ta
được thành toàn, trọn vẹn, trong hạnh phúc và
vinh quang bất diệt của TC.
Là người Công giáo, chúng ta thật
hạnh phúc !
Nghĩ cho thấu đáo mà xem: Vì yêu
thương ta, CG không chỉ ban tặng Mẹ Ngài cho ta, mà
còn chẳng tiếc ta một sự gì:
-Lời giáo huấn cao sâu của trời,
Ngài trao ban.
-Bệnh hoạn tật nguyền, Ngài
chữa lành.
-Tà ma khuấy khuất, Ngài tiễu trừ.
-Mạng sống Ngài, Ngài đã hy sinh chịu
chết vì ta.
-Thịt Máu mình, Ngài cũng hiến cho ta làm
thần lương.
-Thần khí Ngài, Ngài cũng tặng cho ta
nốt!
Chưa có ai từ cổ chí kim, dưới
gầm trời này đã nghĩ, đã sáng tác và thực
hiện những điều trên cả tuyệt vời
như thế !
Chỉ nguyên từng đó thôi cũng
đủ để ta tin Ngài là TC Khôn ngoan, Thượng trí
vô cùng ! Chỉ từng đó thôi cũng đủ
để ta vô vàn yêu mến và hết lòng hết dạ tri
ân Ngài!
|