Kết quả của thái độ Th.Giuse là
thế nào ?
Như Abraham xưa, sau khi TC thử thách
thấy ông bằng lòng tế sát Isaác con một yêu quí và là
hi vọng nối dõi dòng giống, thì Người đã
trả lại đứa con nguyên vẹn cho ông và còn
thưởng cho ông một dòng dõi đông như sao trời
cát biển (St 22.12,16-18), thì nay, thấy lòng tôn kính của
Giuse, vâng lời TC qua trung gian của Thiên thần, chấp
nhận hy sinh tất cả mọi sự như vậy, TC
trả lại tất cả cho ông, và trả lại một cách tuyệt vời:
Người sai sứ thần đến nói cho ông biết
: chính TC muốn ông sẽ cứ làm chồng của Maria, và làm cha của Thánh trẻ:
- Làm cha
của Thánh trẻ bằng hành vi đặt tên cho Thánh
trẻ, vậy khi Giuse đặt tên cho trẻ Giêsu, là
nhận Giêsu làm con và ông trở thành người cha theo
luật pháp TC chỉ định như vậy, nên ta
tạm dùng danh từ “cha pháp lý” gán cho Th.Giuse. Do đó
những danh từ ta thường dùng để gọi
Giuse là “cha nuôi” (dưỡng phụ / foster father) hay
“nghĩa phụ” (adoptive father) thì non nghĩa không đúng
bằng danh từ “cha pháp lý”
(legal father), vì theo pháp luật Do thái, Giuse nhận Giêsu làm
“con chính thức” (legitimate son) của mình (x. E.R.Brown, The Birth
of the Messiah), chứ không phải con nuôi, khi ông dùng công
thức mà các người cha Do Thái khác vẫn dùng
để nhìn nhận đứa con chính thức của
họ (x. Lc 1.60-63).
Việc Th.Giuse nhận Giêsu làm con này quả
thật rất cần thiết cho thanh thế và sự
nghiệp Thiên sai của Ngài, vì nhờ nhận như
vậy, Trẻ Giêsu được nhập vào dòng dõi vua
Đavít, mà theo KT, Đấng Mêssia phải thuộc dòng
tộc vua Đavít mới được dân chúng nhìn
nhận. Qua việc này, ta mới thấy vai trò quan
trọng của Th.Giuse trong sứ mạng của
Đức Giêsu!
Sách Mishna Baba Bathra, thừa hưởng
truyền thống Lề luật Do Thái, qui định :
“Khi một người đàn ông nói ‘Đây là con tôi’,
người ta phải tin lời ông”. Người Do Thái
không chú ý đến vấn đề “sinh học” như
chúng ta ngày nay (nhờ trắc nghiệm ADN) để phân
biệt con nuôi với con đẻ. Đối với
họ, luật TC là trên hết, TC - là Vua của họ - đã phán dạy như
vậy là nó phải như vậy. Mà TC đã truyền, thì luôn luôn đúng : “Quyết định Chúa phù
hợp chân lý, hết thảy đều công
minh.” (Tv 19.10). Vì vậy chỉ còn
việc cúi đầu tuân theo không bàn cãi.
Dầu sao, cũng phải nhận là luật
Do Thái do TC truyền có những khoản kỳ quặc và
khó hiểu đối với người thời
đại chúng ta, chẳng hạn như luật “Thế
huynh” (Levirat), (Đnl 25.5): khi người anh ruột
chết đi mà không có con, luật bắt người em
trai phải lấy vợ của anh (tức là lấy
chị dâu), và khi người chị dâu này sinh con, thì
đứa con không được coi là con ông ta (dù nó do khí
huyết của ông) mà là con của người anh đã
chết (xem ví dụ ở Kn 38.8; Mt 22.23-28).
Bobichon mô tả (sđd, tr.198): “Bản văn
Mt 1.16-23 này cho thấy nỗi xúc động trong
đời sống của Giuse về chuyện đó. […]
Sau đêm tối thử thách…(mà chỉ có TC mới đo
lường được
mức độ đau khổ), Giuse được
nếm niềm vui là được
TC chọn làm cha Hài nhi Giêsu vì ông là chồng của Maria, ông
thấy cái ước muốn làm cha đã được
nhận lời và được thực hiện vượt
quá những gì ông có thể mơ ước, khi chấp
nhận làm con mình đứa con được thụ thai
bởi “Thánh Thần”. Đứa
con này được ban cho cả hai ngài, Giuse với
Maria, để lãnh lấy trách nhiệm nuôi dưỡng
một người con vốn
thực là hoa quả của tình yêu nồng thắm song thanh
khiết giữa hai ngài.
“Giuse không còn do dự đón nhận Thánh
trẻ không phải do mình đẻ ra, mà không sợ
nhận vơ, vì – như trên đây vừa nói – theo luật
Chúa truyền một khi ông đặt tên cho Thánh trẻ là
đương nhiên ông là bố Thánh trẻ. Từ đây,
ông sẽ có quyền trên đứa bé với trách nhiệm
như một người cha, cùng với Maria, Thánh trẻ
này sẽ là đứa con chung, nhưng “không sinh bởi xác thịt, hay ý của nam nhân...song
bởi TC” (Ga 1.13), đứa con của ơn huệ TC,
tuy lúc ấy ông chưa thể biết đó là Con một TC
hằng sống và cũng là TC như chúng ta ngày nay, nhưng
ông biết rõ đứa con này là từ bên trên mà
đến, đứa con siêu phàm vì sinh bởi quyền
năng của Đấng Tối Cao, và có sứ mệnh
vĩ đại là "Cứu
dân Ngài khỏi tội lỗi" (Lc 1.21).
“Chính vì vậy, qua những trình thuật
của sách TM, ta thấy Giuse yêu mến và tôn kính Thánh
trẻ Giêsu vô cùng: lòng kính mến ấy được
biểu lộ qua những tình huống gay go của
cuộc đời : cuộc tị nạn đang giữa
đêm khuya sang đất Ai cập; cuộc sống làm
lụng vất vả nơi đất khách quê
người; khi bạo chúa Hêrôđê chết và nghe con
của hắn lên làm vua thay cha, ông sợ cho sự an toàn
của Thánh Trẻ nên đã đến lập cư
tại Galilê miền Bắc (Mt 2.13-15, 19-23) ; nỗi đau
đớn sầu khổ khi lạc mất Thánh trẻ: “Này cha con và mẹ phải đau
khổ tìm con” (Lc 2.48)...
Ở đời đôi khi người ta
cũng gặp những trường hợp một
người chồng vì yêu vợ nồng nàn, đã vui lòng
nhận đứa con riêng của vợ, làm con của mình
và thương yêu nó. Việc ấy đã xảy ra trong
truyện của một bộ phim Hàn Quốc “Vinh quang gia
tộc”: Ông già qua bao năm vẫn làm chủ và cầm
trịch trong gia đình quí phái nề nếp cổ
truyền này, cuối cùng lại thổ lộ mình không
phải là con ruột của ông tổ gia đình, mà chỉ
là đứa con hoang, do vợ ông tổ ở nhà bị quân
địch hãm hiếp mà sinh ra, khi ông ấy đi lính
đánh giặc, và sau khi sinh con, bà đã tự vẫn. Ông
tổ vô cùng yêu thương vợ, không chỉ đã
nhận đứa con hoang ấy làm con của mình, mà còn
lập làm thừa kế và kẻ nối dõi tông
đường.
Trường hợp Th.Giuse, đâu có phải
như thế, Giêsu người con mà Maria vợ ông sinh ra,
nếu mà là của một người đàn ông trần
tục khác, thì có lẽ còn có đôi chút ngần ngại khó
chịu, chứ ở đây lại là Con từ Trời,
bởi quyền năng TC, Maria hoàn toàn trong sạch, thế
thì vì yêu Maria, Giuse càng dễ dàng nhận đứa bé làm con
của mình, và Giuse vẫn làm chồng
chứ không mất đi người vợ mà ông hết
tình yêu thương. Vì đã có lúc, như có lần đã nói
trên kia, ông nghĩ mình phải rút lui, không nhận Maria làm
vợ mình một kẻ vốn đã được TC
chọn làm Mẹ của Hài nhi siêu phàm, sự có mặt
của ông sẽ là một chướng ngại. Thì nay,
thấy được thái độ tôn kính ấy của
ông, TC sai Thiên sứ đến chỉ ra cho ông biết : ông có vai trò quan trọng trong công trình cứu độ : Làm
cha của đứa trẻ mà Thiên sứ đã bảo ông
đặt tên là "Giêsu, vì
chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi" (Mt
1.21), và làm chồng của bà Mẹ là cộng sự viên
trong công trình cứu độ của Ngài.
Ở đời, khi cha mẹ sinh con,
chẳng biết tương lai đứa con của mình
sau này sẽ ra sao : Làm bác sĩ, kỹ sư, có địa
vị cao trong xã hội, hay ngược lại chỉ là
kẻ vô dụng, ăn chơi, cờ bạc nghiện
ngập, vợ nọ con kia hay tệ hơn nữa làm
kẻ cướp, giết người ? Còn Giuse thì
được biết ngay từ đầu : Giêsu sẽ
là Đấng Cứu độ mà muôn dân vẫn trông
đợi. Chưa kể, nếu Maria lại tỏ bày thêm
cho ông những gì Thiên sứ đã truyền tin cho mình
rằng: "TC sẽ ban cho
Ngài ngai Đavít cha Ngài, và Ngài sẽ làm vua trên nhà Giacóp cho
đến đời đời, và vương quyền
của Ngài sẽ vô cùng vô tận" (Lc 1.32-33).
KT nói: “Sau khi
tỉnh giấc, ông đã làm theo như lời Thiên sứ
dạy”(c.24). Ông đã vâng lời, như Maria đã vâng
lời, tuy ông không thưa “Fiat!” như Maria thưa với
Sứ thần, nhưng ông đã thưa vâng bằng hành
động: Ông rước vợ về nhà chung sống.
Sau này ông còn vâng lời Thiên thần báo mộng đem
vợ và con đi trốn cuộc bách hại của vua
Hêrôđê, rồi sau đó lại vâng lời đem vợ
con từ nơi lánh nạn trở về quê hương.
Khi ông vâng lời Chúa, qua trung gian Thiên
thần, rước vợ về nhà chung sống, thì ông còn
tỏ lòng vâng phục Chúa cách triệt để hơn
nữa: đó là khi ông được Maria, trong thân mật
vợ chồng, kể lại lời Thần sứ (Lc
1.32,35), nên ý thức được rằng cung lòng Maria
đã trở thành nơi “Con
Đấng Tối Cao”, “Đấng Thánh”, “Con TC”
ngự, song không vì thế, hay chính vì thế mà Giuse càng yêu
thương người vợ tuyệt vời của mình
vô ngần, ông sẽ tôn trọng vợ mình trong sứ
mệnh đặc biệt của cô, và sẽ tận
tụy suốt đời nuôi nấng, nâng đỡ, che
chở, bao bọc (x. Ep. 5.28-29).
Bobichon góp ý (Sđd, tr.202 và 207) : “Lời Thiên
sứ cho hiểu: Giuse phải công khai rước Maria,
vốn đã là vợ mình, về nhà mình, vì bà sẽ sinh
người con do tự Thánh Thần, và khi làm mẹ, vợ ông cần đến ông là
chồng bà, cũng như Giêsu, TC làm người, cũng
cần đến Giuse… Là một người mẹ,
Mẹ Maria cũng cảm thấy bơ vơ yếu
đuối như bất cứ bà mẹ nào khác, nhất là
trong lúc sinh đẻ. Chính vì thế mà Mẹ không thể
ở một mình, Giuse phải đưa Mẹ về
sống bên ông ; Maria là một thiếu nữ trẻ trung,
tuy cao cả, tốt đẹp lạ lùng trước TC,
nhưng mãi mãi vẫn mỏng dòn yếu ớt như bao
người nữ khác, nên
Mẹ thật sự hạnh phúc khi được Giuse bao bọc bằng tình
yêu mạnh mẽ và đầy kính trọng” !
Trên thiên đàng hiện
nay
Qua sự tôn kính đặc biệt của HT
dành cho vị Thánh Cả, chúng ta có thể nói Người
cũng được TC không chỉ ân thưởng
bội hậu “đời
đời một khối vinh quang siêu với tuyệt
đỉnh”, như lời Th.Phaolô viết (2Cr 4.17), mà còn
đặt Người trong chức vị cao trọng trong
Nước TC trên trời cũng như dưới
đất. Ngày xưa vua Pharaô đặt ông Giuse làm Tể
tướng, trao cho toàn quyền quản lý các kho tàng nhà vua,
để khi dân chúng lầm than đói khổ vì hạn hán
chạy đến kêu cứu thì vua nói với họ: “Hãy đến cùng Giuse!”
để Giuse ban phát lương thực cho, thì nay HT
cũng dùng lời ấy của vua Pharaô mà tặng cho
Th.Giuse.
Vậy thì dựa vào đoạn KT coi ông Giuse
như hình bóng tiên trưng, chúng ta có thể nghĩ rằng
Th.Giuse, “người công chính”
(Mt 1.19), một khi đã được TC trao cho ông
xưa kia lúc ở dưới trần, cai quản săn
sóc bảo vệ hai kho tàng
quí báu nhất của Nước trời là Giêsu và Maria, thì nay trên trời thánh nhân
cũng phải được TC đặt làm “Tổng
quản Nước Trời”, còn với HT dưới
đất, là Nước TC đang còn trong giai đoạn
trần thế, ông được tôn phong làm Quan Thầy để
cai quản, sắp đặt mọi sự.
Như vậy, Thánh Cả Giuse cao trọng và
quyền thế hơn các Thiên sứ trên Trời, lý do là vì
tuy xét theo bản tính thì
Th.Giuse là loài người, nên ở cấp bậc
dưới các Thiên Thần (Tv 8.5-7), nhưng xét theo liên hệ với CG thì Người
thay mặt Chúa Cha làm người cha săn sóc Ngài (Sách
lễ Rôma: Tiền tụng lễ Th.Giuse), đặc
biệt Người đã cho CG được vào trong dòng
tộc vua Đavít, vì nếu không có địa vị
đó, Ngài không thể được dân chúng chấp
nhận là Đấng Thiên sai TC đã hứa.
“Suốt cuộc đời dương
thế, ĐG đã sống thân tình với Th. Giuse, đã
quí trọng và tôn kính Thánh nhân như người con
đối với cha mình, thì hẳn không thể nghi ngờ
gì nữa là nay trên trời, chẳng những CG không
chấm dứt, không chối bỏ mà còn gia tăng
những tâm tình tôn kính và quí trọng ấy.” (Bài Kinh sách,
lễ ngày 19-3).
Còn xét theo liên
hệ với Đ.Maria, thì Th.Giuse là Phu quân, và ở
trên trời hiện nay Đ.Maria được TC tôn phong
làm Nữ Vương trời đất, tuy vậy
Người không hề chối bỏ mình là Hiền thê
của Thánh cả, vậy bởi mối liên hệ đặc biệt cao trọng có một
không hai đó mà Thánh Cả được nâng lên
địa vị cao hơn các thánh.
Nếu
những điều nói trên được coi là đúng, chúng ta càng được thêm tin
tưởng mà chạy đến kêu cầu Thánh Cả
trợ giúp trong mọi nỗi quẫn bách hồn xác,
như xưa dân chúng đói khổ chạy đến
cầu cứu nhà vua Ai Cập, thì liền được
nghe vua bảo “Hãy đến
cùng Giuse!” Thì nay, TC cũng phán: “Hãy đến cùng Thánh
cả Giuse”, vì Ta đã trao cho Người quyền bính
Tổng quản các kho tàng ân sủng của Ta!
……ªªª††
|