Lời Giới Thiệu (Bà Là Ai?)§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT Lời Giới Thiệu Của Linh Mục Svetozar Kraljevic (Dòng Phan Sinh)
Tôi còn nhớ như mới xảy ra hôm qua, hôm mà anh tôi từ trong nhà chạy ra nói với tôi, vẻ mặt đầy khích động: “Trong nhà ta có một người không phải là Công giáo mà là một người Tin Lành!” Nghe vậy, tôi nghĩ ngay người đó chắc phải kỳ dị lắm, và tôi vội vàng chạy vào xem ông ta. Tôi muốn xem ông ta có mắt mũi miệng tai như chúng tôi không. Vì cả đời tôi chưa bao giờ biết một người mà lại không phải là Công giáo.
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy người ấy “một người Tin Lành” hoàn toàn giống như chúng tôi, cả bề ngoài lẫn cách cư xử.
Ngày nay tôi nhận ra đó là một giai đoạn đơn sơ song quan trọng trong tiến trình đưa tôi hiểu được cho đúng giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô : qua nhận thức ngây ngô của thời trẻ nhỏ hồi đó, tôi hiểu ra một trong những chân lý sâu xa nhất của Thiên Chúa, đó là: Thiên Chúa đã tạo dựng mọi người bình đẳng như nhau.
Thế rồi những năm gần đây, tình bạn và sự cộng tác giữa tôi và ông Wayne Weible (Uên Uây-bơn) đã dẫn tôi đến một giai đoạn mới trong việc nhận thức về tình bằng hữu phổ quát giữa mọi người trên địa cầu. Càng về sau tôi càng nhận rõ hơn vẻ đẹp của thực tại ấy. Qua những giờ cùng cầu nguyện, làm việc và nói chuyện với ông Wayne trong khung cảnh Mễ Du, tôi càng nhận ra rằng Thiên Chúa không đặt giữa chúng tôi một rào cản nào cả. Hình như tôi nghe vẳng lại lời Chúa Giêsu từ trên thập giá nói với Mẹ Ngài: “Hỡi Bà, đây là các con của Bà!”
Mà đó lại chính là kinh nghiệm thật của việc ăn năn trở lại ở Mễ Du. Khi Thiên Chúa ra tay dẫn dắt Dân Người, thì họ sẽ ăn năn trở lại và sống với nhau trong niềm thông cảm sâu đậm hơn. Bất cứ ai đón nghe lời Thiên Chúa với cả trái tim, sẽ đạt được một sự nhận thức đầy đủ, một sự hòa hợp giữa trời và đất. Chính khi đó những tâm tình sợ hãi hay bất an sẽ tan biến đi.
Cuốn sách các bạn sẽ đọc đây, không muốn đi trước các phán quyết tối hậu (của Hội Thánh) về các sự kiện xảy ra ở Mễ Du. Nó chỉ là một chứng từ về lòng tin và kinh nghiệm ăn năn trở lại của những người đã để cho Thần Khí hiện diện ở đó dẫn dắt họ.
Svetozar Kraljevic, Dòng Phan Sinh.
Lời Nói Đầu Của Tác Giả
Mấy câu đầu tiên của quyển sách này đã được viết dưới chân cây Thập giá trên núi Krizevac thuộc làng nhỏ Mễ Du, nước Nam Tư (cũ). Phải như thế thôi! Chính ở chỗ rất đặc biệt này mà ý nghĩa tròn đầy của việc Thiên Chúa ban Con Một mình cho chúng ta mới trở nên một thực tại có tính quyết định cho tôi.
Thập giá là một biểu tượng phổ quát của Chúa Giêsu, một dấu hữu hình nhắc lại luôn mãi cuộc Thọ nạn và cái chết của Ngài vì chúng ta, để chúng ta được bình an trong tâm hồn và sự sống đời đời. Mà đó cũng là sứ điệp căn bản phát đi từ những lần hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc tại Mễ Du. Đó là một mời gọi đón nhận cuộc hiện ra ấy bằng cách hòa giải với Chúa Giêsu. Việc này khởi đầu bằng một sự ăn năn trở lại hoàn toàn theo đường lối của Ngài: quả là một con đường thập giá.
Từ tháng 6-1981, tại làng Mễ Du nhỏ bé, Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc đã nhắc nhở lại như chưa từng thấy, lời kêu gọi ăn năn trở lại và hòa giải với Thiên Chúa. Đức Maria hiện ra ở đó hàng ngày cho 6 trẻ sống trong thung lũng dưới bóng cây thập giá núi Krizevac. Theo lời các trẻ đã được tuyển chọn cho sứ vụ canh tân thế giới ấy, thì Mẹ Chúa Giêsu khẩn thiết van nài – nhân danh Chúa Giêsu Con Mẹ – toàn thể nhân loại hãy từ bỏ một thế giới đang hấp hối trong tội lỗi, để quay về làm hòa với Ngài.
Cả thế giới đã đáp lại lời kêu mời ấy. Hàng chục triệu người đã thay đổi đời sống để theo đường lối của Thiên Chúa. Hàng chục triệu người đã và đang tiếp tục đến linh địa ấy. Giữa lòng thế giới hiện đại với lối sống khoa học kỹ thuật tân tiến đang cứ dần dần lôi cuốn người ta xa ơn sủng Thiên Chúa, biểu tượng thập giá quả là đang được phục hồi cách kỳ diệu.
Cây thập giá dựng trên núi Krizevac là một công trình đúc bê tông, cao 11 mét, nặng 15 tấn, đứng sừng sững oai nghi trên đỉnh cao nhất trong các đồi núi bao quanh làng Mễ Du. Từ xa hàng chục cây số, người ta đã thấy nó. Nó trở thành cột mốc chỉ chỗ cho linh địa này. Điều này cũng phải như thế thôi!
Toàn cảnh : Núi Krizevac, với cây thập giá khổng lồ bằng xi măng, cao 12 mét, và phía xa dưới đồng bằng là Giáo xứ Mễ Du, nằm giữa thung lũng với các đồi núi bao quanh.
Năm 1933, người dân làng đã phải khó nhọc leo lên leo xuống sườn núi dốc dác này, lởm chởm đá sắc nhọn và đầy những bụi gai rậm rạp, trên vai vác những sô nước và xi măng. Họ quyết tâm dựng một tượng đài để tưởng niệm1900 năm ơn Cứu Chuộc do cây Thập giá của đồi Can-vê. Dự án ấy đối với họ mang nhiều ý nghĩa đến nỗi họ đổi tên ngọn núi ấy từ Sipovac thành”Krizevac”, nghĩa là “Núi Thập giá”. Cử chỉ đức tin sâu đậm đã thi hành từ mấy chục năm trước ấy, chiếu dọi ý nghĩa của nó trên ơn huệ đặc biệt của chốn này bây giờ : tức là nó được Đức Maria chọn làm nơi cho Người hiện ra đem ơn cứu độ của Thập giá đến cho nhân loại.
Hình dáng cây thập giá ấy chẳng có vẻ gì đẹp. Với năm tháng trôi qua, khí hậu khắc nghiệt làm nó long lở nhiều mảng xi măng và thêm đen sạm, càng xấu xí. Nhưng vẻ đẹp của nó không ở bề ngoài. Krizevac đã trở thành hình ảnh khắc sâu vào tâm khảm hàng chục triệu khách hành hương đến Mễ Du. Nó trở thành một nhắc nhở thường xuyên về kinh nghiệm mà tâm hồn họ đã nếm trải, một kinh nghiệm đã đem lại cho tâm hồn họ vẻ đẹp mà thế giới không có gì sánh được.
Hầu hết các người hành hương đến Mễ Du đều đi chặng đàng Thánh giá rất cực nhọc trên con đường lởm chởm đá, dẫn đến chặng cuối cùng là chân thập giá xi măng ấy. Đó là một cuộc leo núi rất khó nhọc, dài khoảng một cây số rưỡi, leo đến đỉnh núi thì hết hơi. Thế mà người ta cứ leo từng đoàn từng lũ, trẻ có già có, kẻ khỏe cũng như người ốm đau. Đôi khi có những người vì tuổi tác hay sức khỏe không tốt, bình thường thể xác không có sức kham nổi một việc gì nặng nhọc, thế mà vẫn tìm được không biết do đâu, ý chí và sức lực để leo lên tận đỉnh.
Tất cả họ đến để cầu xin cho được lành bệnh thể xác hay linh hồn. Người ta kể chuyện một người cụt cả hai chân, lê bằng hai tay và bằng thân mình lên tới đỉnh, tới nơi anh hoàn toàn kiệt sức, máu chảy dầm dề, song đắc thắng! Một người khác nhỏ thấp, cũng thường hay đến núi ấy, trên lưng cõng người vợ liệt bại và leo lên tới chân cây thập giá. Cho những ai đến đấy từ bốn phương thiên hạ, những truyện ấy trở thành dầu thắp sáng ngọn lửa ăn năn trở lại và hòa giải khởi phát từ hiện tượng Mễ Du siêu nhiên này.
Đối với những tâm hồn khao khát sự thiêng liêng, cây Thập giá Krizevac nhắc họ đến núi Can-vê và Chúa Giêsu trong giờ Tử nạn bi thảm, nhưng cũng là giờ vinh thắng của Ngài. Đó là nơi hoàn thành Giao Ước mới của Thiên Chúa với nhân loại, và hứa ban sự sống đời đời nhờ cái chết hiến tế của Con của Người.
Hàng chục triệu người vẫn đang tiếp tục đến ngôi làng nhỏ bé Mễ Du để nghe lời Giao Ước ấy lặp lại qua sứ điệp của Đức Maria từ Con của Người gửi đến. Tôi là một trong số đó. Tôi viết sách này như chứng từ cá nhân của một tâm hồn đói khát nguồn sống siêu nhiên, sau khi đã tìm thấy sự bình an và tình yêu trong sứ điệp ấy nhờ con đường thánh giá trên núi Krizevac.
- Wayne Weible -
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
|