MĐLC: Ngỏ Lời Với Độc Giả...
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
1. Rất nhiều người, khi nghe thuật việc Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorje(a), tức khắc đặt ngay câu hỏi:
“Giáo Hội đã công nhận chưa ?”
Và khi nghe đáp là “chưa”, thì những người ấy liền tỏ ra không cần quan tâm đến việc ấy nữa.
Một thái độ như thế thật đáng tiếc !
Ta hãy đặt lại vấn đề:
· Trước hết, Giáo Hội chỉ chính thức điều tra sự vụ và công nhận khi nào sự việc ấy đã chấm dứt, xong xuôi tất cả, chứ không làm giữa chừng. Đấy là tập tục của Giáo Hội. Vì nếu chưa xong mà đã vội công nhận, nhỡ có gì xảy ra sau đó nghịch lại đức tin thì sao. Vậy “chưa công nhận” thì không phải là “không công nhận”!
· Về các vấn đề hiện ra, mặc khải tư, v.v..., không bao giờ giáo hữu bị bó buộc phải tin. Trong những vụ chính đáng, Giáo Hội sẽ để thời gian – thường là lâu dài – để tra xét kỹ mới công nhận. Lầy này, việc Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorje, có tính cách rất khẩn trương và thời gian như rất gấp rút. Nếu chờ đợi Giáo Hội điều tra lâu dài, rồi chính thức công nhận mới tin, mới bắt đầu thực hành lời Đức Mẹ dạy... e rằng quá trễ!
2. Nhưng đang khi chờ đợi phán quyết dứt khoát, tối hậu và có thẩm quyền của Giáo Hội, giáo hữu (nói chung, tức gồm cả linh mục, Giám mục, các nhà thần học, và cả Đức Giáo Chủ) được có tự do tìm hiểu và phân biệt được đâu là các dấu chỉ của Trời, nhờ cảm thức đức tin (sensus fidei). Nó ví như máy Radar, nhờ dựa vào chứng tá khám nghiệm khoa học, vào dấu chỉ và các hậu quả tốt lành (những phép lạ chữa bệnh mà khoa học bó tay hoặc không thể cắt nghĩa, nhất là sự chữa bệnh tâm hồn, những ơn ăn năn trở lại, tiến bộ đàng thiêng liêng, thay đổi đời sống xấu xa nên tốt lành... Vì Đức Giêsu đã ra chỉ thị: xem quả thì biết cây), để giúp giáo hữu nhận thức được đâu là thực, đâu là giả ; cái gì tốt lành, cái gì đáng tin hay cái gì không hợp với đạo lý mà họ đã nhận lãnh và đã sống từ bao lâu nay. Họ cũng có Chúa Thánh Thần ngự trong họ, soi sáng, dẫn dắt họ ! Kinh Thánh cũng đã căn dặn: “Đừng dập tắt Thần Khí !... Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự ; điều gì lành hãy giữ lấy !” (1Thes 5,19-21). Có thể vài người, một số người lầm, song không thể hết mọi người ; và nếu có lầm, thì cũng chỉ một thời gian ngắn là sự việc sẽ bị tố giác ra ánh sáng ngay (x. Cv 5,38-39).
Chúng ta thử nhìn vào việc Đức Giêsu Phục Sinh: sau khi sống lại, Ngài chỉ hiện ra cho một số người đã được tuyển chọn (Cv 10,41; x 1C 15,5-7), để rồi họ là chứng nhân rao truyền cho người khác tin. Đang khi Giáo quyền hồi đó (Do Thái giáo) không tin, không công nhận và toàn dân hầu như không hay biết gì. Những người nghe lời rao giảng về Đức Giêsu Phục Sinh từ miệng các Tông đồ, rồi tin và ăn năn trở lại cùng Chúa Giêsu (x. Cv 10 chương đầu cách riêng), có phải chờ xem Giáo quyền (Do Thái giáo) công nhận rồi mới tin đâu ! Cũng thế, các giáo hữu tiên khởi – ngay từ sau Đức Giêsu Phục Sinh và lên trời, trong vòng 200 năm trước khi Giáo Hội chính thức chấp nhận các sách Tân Ước (hiện nay ta có) là Sách Thánh do Chúa Thánh Thần linh ứng – đã tin và đã sống các lời chứa trong những sách ấy như là Lời Chúa. Nếu phải đợi Giáo quyền công nhận, thì trong 200 năm ấy, giáo hữu tiên khởi sống bằng lời gì ? Dựa vào đâu mà tin, mà rao giảng? Cảm thức đức tin của giáo hữu vẫn thường đi trước Giáo quyền là thế, dù rằng vẫn luôn phải chờ và tôn trọng lời phán quyết tối hậu của Giáo Hội, để biết sự việc là thật hay giả, của Thiên Chúa hay của ma quỉ. Vả chăng, Giáo Hội có điều tra thì cũng dựa vào phần lớn những gì giáo hữu đã tin, đã lãnh nhận, đã kinh nghiệm. Lấy một ví dụ: điều tra về phép lạ chữa bệnh ở Medjugorje hay Lộ Đức ư ? Thì Giáo Hội cũng xét nghiệm những người đã được khỏi. Mà họ được khỏi chỉ vì họ đã tin Đức Mẹ đã hiện ra ở đấy, họ đã đến nơi này và họ đã cầu xin!
· Cho nên, Giáo Hội có điều tra việc Hiện Ra, cũng chỉ vì dân chúng tin tưởng. Nếu dân không tin, Giáo Hội chẳng bận tâm đến vụ ấy làm gì. Giáo Hội can thiệp như thế là để cho biết lòng tin (đi trước) ấy của dân chúng (hay nói cách khác: cảm thức đức tin của giáo hữu) có nền tảng hay không, đã chính đáng hay không.
· Sự kiện giáo hữu tin tưởng vào các việc Hiện Ra là điều không ai cấm, dầu vậy cũng phải khôn ngoan, đừng hấp tấp, luôn cảnh giác những ảo tưởng, những ngộ nhận. Giáo Hội luôn để ý canh chừng giáo dân về các sự đó và dặn bảo phải thận trọng.
· Kết luận: Mỗi người có tự do tin hay không tin việc Đức Mẹ hiện ra. Nếu việc Hiện Ra ấy là xác thực, thì đó là một ơn huệ của Trời. Và nếu ơn huệ ấy lại đến với bạn, mời gọi bạn hôm nay, thì bạn sẽ làm sao ? Bạn có biết Đức Giáo Chủ nói thế nào không: “Nếu Ta không là Giáo Chủ, Ta đã đến Medjugorje rồi !” (x. số 820). Còn cha Tomislav Vlasic thú nhận thế nào ? – “cho dù các việc Hiện Ra ở đây có thật đi nữa, tôi cũng chẳng cần. Tôi đã có đức tin, thế là đủ... Nay tôi mới thấy hồi đó tôi quả là một tên đạo đức giả. Các việc Hiện Ra đã mở ra những chân trời mới cho đức tin tôi. Nay tôi thấy tôi còn xa cách Thiên Chúa biết bao! Nay tôi hiểu con đường còn dài và thấy sự hiện diện của Đức Mẹ là quan trọng chừng nào !” (The Events, sđd, 44).
Vì thế, mời bạn cầm lấy tập tài liệu này mà đọc. Trước khi phê phán, trước khi chấp nhận hay loại bỏ, sự lương thiện tối thiểu bảo ta phải nhìn xem cái đó là cái gì, nó thế nào... đã chứ. Tài liệu này đến tay các bạn với một số cắt xén, thay đổi cho hợp thời thế và hoàn cảnh. Và để các bạn có những tài liệu phong phú hơn, chúng tôi trích thêm nhiều đoạn từ các sách mà các bạn có thể tìm thấy ở Mục “Sách tham khảo”.
***
Vài điều nên lưu ý:
a/ Các chú thích mang ký tự (a), (b), (c)..., các bạn có thể xem ngay ở cuối trang.
Các chú thích mang chữ (ct.1), (ct.2), (ct.3)..., xin xem ở cuối sách, mục CÁC CHÚ THÍCH.
b/ Các số thứ tự 1, 2, 3,... do chúng tôi đề ở đầu mỗi đoạn sách, cốt để phân các ý tưởng thành thành từng chủ đề.
Cuối sách sẽ có một bảng CHỦ ĐỀ theo vần A, B, C... với các số của chúng, tiện cho bạn dễ tìm.
c/ Các sách tham khảo và dùng để trích dẫn, chúng tôi đặt ở Mục “SÁCH THAM KHẢO” (xem trang sau). Cho nên, trong quyển sách này, sau khi trích dẫn, chúng tôi chỉ nêu tên tác giả, hay tên đầu sách, có khi chỉ lấy chữ cái ở đầu (vd: T. thay vì Đỗ Sinh Tứ). Đôi khi có thêm chữ “sđd” (sách đã dẫn) rồi số trang...
-----oOo-----
MĐLC: Sách Tham Khảo
- Đỗ Sinh Tứ, “Sự thật về Đức Mẹ hiện ra tại nước Nam Tư”, bản photocopy, không đề ngày tháng và nhà xuất bản. Hồi ký tự thuật khá đầy đủ mấy cuộc hành hương linh địa Medjugorje, các cảm tưởng và các ơn đặc biệt ông đã được.
- “Đức Mẹ đã hiện ra tại Nam Tư”, tác giả: khuyết danh, bản photocopy, khổ bỏ túi. Tài liệu tóm tắt những điểm chính yếu.
- Janice T. Connell, “Visions of the Children”, St. Martins Press, NY, 1992.
- “Queen of the Cosmos”, Paraclete Press Orleans, Massachusetts, 1990.
- “Người đến thăm tôi”, dịch quyển “Portefolio of images” và quyển “Où est la vérité ?” của R.Laurentin, 4 rue Cassette, Paris, 1987. Bản photocopy, dịch giả: khuyết danh, cũng không đề ngày tháng.
- Pietro Zorza, “Medjugorje, Dear Children, Thank you for having answered my call”. Bản tiếng Anh dịch từ tiếng Ý. Centro Grafico Lenese, phát hành 1996. – Thu thập các chứng từ về các cuộc Hiện ra, cả về đời sống gia đình và hoạt động của các thị nhân lẫn các phép lạ, hiện tượng lạ... chung quanh vụ Mễ Du – Rất nhiều hình ảnh, đen trắng.
- R.Laurentin, “Apparitions de Marie à Medjugorje”, và “Où est la vérite ?”, éd. Du Berger, rue Cassette, Paris 6e, 1987.
- Bản Việt ngữ: “Đâu là Sự thật việc Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du ?”. – Khảo sát hiện tượng Medjugorje cách ngắn gọn, tạm đủ và sâu sắc về mặt thần học, lịch sử, y khoa... - “The events of Medjugorje”, Text by Fr. Angelo Bena, Velar publisher. Bản Anh ngữ, dịch từ tiếng Ý, 1990. - Bản Pháp ngữ: Les Faits de Medjugorje, éd. Velar, 1998. Khổ lớn. Đầy đủ mọi vấn đề từ những ngày đầu. Rất nhiều hình ảnh mầu, đẹp.
- Wayne Weible, “Medjugorje, the Message”, Paraclete Press, Orleans, Massachussetts, tái bản lần 22, 1996.
- Bản Việt ngữ: “Bà Là Ai ?” Tác giả là một ký giả, người Tin Lành thuộc hệ phái Luthêrô, đã được Đức Mẹ kêu gọi viêt và làm chứng về Mễ Du. Ông cũng đã đến tận linh địa Medjugorje nhiều lần, gặp và làm thân với các thị nhân, được ơn tâm linh sâu xa và viết sách này thuật lại. Sách rất hay, sống động, lý thú, đầy xúc cảm chân thật và đầy đủ chi tiết.
- Words from Heaven, by a Friend of Medjugorje (= Terry Colafrancesco), 7è édit., St James Publishing by Caritas of Birmingham, Sterrett, Alabama, 1996.
- Bản Pháp ngữ:: “Paroles du Ciel”, Cyrille Auboyneau, éd. des Béatitudes, 16è édit., 1999.
-----oOo-----
Ghi chú: Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bài viết này nếu nó được một website khác tự ý lấy mà không có sự đồng ý của tác giả.
(a) Chữ khó đọc: Mê-điu-go-ri-ê. Có thể đọc là “Mễ Du”.
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
|