MĐLC Chương 3: Maria, Mẹ Của Tất Cả Mọi Người
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
“Các con thân yêu! Nếu các con muốn được hạnh phúc thật, hãy sống đơn sơ, khiêm tốn. Hãy cầu nguyện nhiều và đừng tìm tòi, đào sâu các vấn đề của các con, song hãy để Thiên Chúa giải quyết cho”. (Thông điệp Đức Mẹ gửi cho thế giới Medjugorje, 1984)
42. Các Kitô hữu hằng tôn kính Đức Maria như là Ái Nữ của Đức Chúa Cha, Mẹ của Đức Chúa Con, Hôn Thê của Đức Chúa Thánh Thần và là Mẹ của hết thảy mọi người sống trên trần. Các thị nhân ở Medjugorje không hề ngần ngại nói về Mẹ như là một dấu chỉ vĩ đại, huyền nhiệm và là một phụ nữ xinh đẹp tuyệt vời. Các em nói: Người phụ nữ và Nữ Vương ấy đến trong vầng ánh sáng chói lọi, hầu như Người mặc ánh sáng mặt trời. Trên đầu có 12 ngôi sao tết với nhau thành triều thiên và Mẹ đứng trên một đám mây, như được mô tả trong sách Khải Huyền 12,1. Mẹ có các thiên thần bé nhỏ vây quanh, các em nói thế. Có thể gọi tên Người là Tình yêu tinh tuyền (hoặc Thuần túy tình thương). Người mang đến sự dịu dàng, âu yếm và yêu thương, bình an và hoan lạc bao la đến mức mỗi em được thị kiến cứ nói mãi về Người một cách ngạc nhiên và bỡ ngỡ. Mặc dù chúng được xem thấy Người thường xuyên hằng ngày và được tiếp xúc thân mật với Người – một điều chưa từng thấy trong lịch sử Hội Thánh, kể từ khi Đức Mẹ mãn cuộc sống dương thế mà về trời.
Ngạc nhiên bỡ ngỡ là phải, vì đúng như lời Thánh Điônyxiut Arêôpagít diễn tả và như đạo lý của Giáo Hội dạy: Đức Maria đã được tiền định trong Trí Thiên Chúa, được tô điểm bằng những phẩm chức cao quý và các ơn huệ của nhân tính Con Cực Thánh mà Mẹ sẽ cưu mang. Mẹ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa Ba Ngôi các ân huệ tương xứng với địa vị của Mẹ là làm Mẹ Thiên Chúa ; và theo tư cách đó, làm Mẹ của cả nhân loại. Mẹ là thọ tạo tinh tuyền đã được ấp ủ trong Trí Thiên Chúa trước khi tạo thiên lập địa, được trở nên phản ảnh thiên tính Thiên Chúa, để Thiên Chúa có thể mặc xác phàm mà làm người. Chỉ trong một mình Đức Maria có chứa nhiều kho tàng làm tôn vinh Chúa hơn tất cả các kho tàng của vô vàn vô số thọ tạo khác hợp lại.
43. Sơ lược lịch sử tạo thành và cứu độ: Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, cao siêu vô cùng và tuyệt đối khác hẳn mọi sự, mọi loài thụ tạo ; cho nên không có lời nào đủ để định nghĩa Thiên Chúa. Nhưng Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II có nói: “Thiên Chúa là sự thánh thiện tuyệt đối... Hồng ân tuyệt đối... Người là hằng hữu và sung mãn”. Trước khi tạo dựng trời đất cùng mọi vật hữu hình và vô hình, Người đã là Thiên Chúa vĩnh hằng, không chút thay đổi. Người đã dựng nên cái mà người ta gọi là “thời gian”. Rồi Người tạo nên trái đất và mọi loài, mọi vật trên đất: biển và trời, mặt trăng, các vì sao và mặt trời, sông ngòi và đất cạn, cá tôm và động vật, cây cối và hoa cỏ.
Rồi một ngày nọ, Đấng Tạo Hóa quyền phép của muôn vật muôn loài kia đã muốn nắn tạo từ bụi đất một hình ảnh giống mình. Nó không là cái máy, nhưng là một con người, có tự do yêu mến Đấng Tạo Thành ra mình hay chối từ Người, có tự do không nhìn biết hoặc ngay cả căm ghét Đấng tạo ra nó. Người ban cho người đó một “bạn tình” để chia sẻ tình yêu cho nhau, để lo lắng cho nhau với tình âu yếm, dịu dàng và hoan lạc. Nàng được gọi là “đàn bà”. Tên thù địch của Thiên Chúa một ngày kia đã phỉnh gạt bà, làm bà gây thất vọng cho chồng. Chính ông ta cũng bị phỉnh gạt. Khi nghe theo dụ dỗ vốn chỉ gây thất vọng đó, người nam và người nữ đã đánh mất hình ảnh của Đấng Tạo Thành và nguồn gốc của mình. Vết tử thương đó đã đem đến bệnh tật và chết chóc vào trong đời sống đáng lẽ chỉ có toàn yêu thương, bình an và hoan lạc.
44. Nhưng Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành ra họ, đã cảm thương nỗi quẫn bách của họ, Người đã can thiệp (St 3.15). Sau nhiều thế kỷ chuẩn bị, cuối cùng, Người đã cử một thiên thần tên là Gabrien xuống trái đất này, đến với một Trinh Nữ Do Thái tên là Maria, con gái ông Gioankim và bà Anna, tại một thôn nhỏ của thành Nadarét, trong vùng biển hồ Galilê. Mảnh đất ấy còn tồn tại đến ngày nay, thuộc miền Trung Đông.
Thiên thần, sứ giả của Thiên Chúa, mời Trinh Nữ cộng tác vào chương trình Cứu độ của Thiên Chúa. Tuy đã cưới gả, song chưa về nhà chồng, cô Maria hiểu được ý Thiên Chúa muốn nhờ mình sinh ra Con của Người – Đấng Thiên Chúa sai đến, Đấng Mêssia (thiên sai, được xức dầu) – mà Người đã hứa qua miệng các sứ ngôn, đến cùng đoàn con cái khốn khổ và lầm đường lạc lối. Đã bao đời, người Israen vẫn mong chờ Đấng Thiên Sai (Mêssia), từ khi nguyên tổ nhân loại bị đuổi ra khỏi địa đàng và sống lưu đầy trên trần gian. Một cuộc sống đầy gian lao khốn khổ, trong niềm tưởng nhớ địa đàng ấy. Từng thế hệ sau đó đều nhớ rằng: Ngay từ thời đầu cuộc sống đầy ải của họ, Thiên Chúa đã ban lời hứa trọng đại kia. Không có lời hứa giao kết ấy, chắc họ không thể nào chịu đựng nổi cuộc sống khốn khổ – họ thường nói với nhau như vậy. Quả thật, cuộc sống và thời thế quá lao nhọc, khổ cực: nào bệnh tật, cái chết, nào đau khổ, chiến tranh, đói khát, hạn hán, lục đục trong gia đình đến mức nếu không có LỜI HỨA ấy, họ không còn lý do gì để sống nữa. Nhưng Thiên Chúa đã kết Giao Ước với họ rằng: Nếu họ trung tín, Người sẽ gửi đến một “PHỤ NỮ” mà “Dòng giống của Bà” sẽ tiêu diệt bệnh tật và sự chết, sẽ đem các kẻ tín trung về lại thiên đàng. Mặc dầu nhiều thế kỷ trôi qua, song họ vẫn nhớ và một số vẫn trung tín với lời Giao Ước.
45. Và giờ đây, thiên thần đang hỏi cô gái dòng họ Đavít (vì các ngôn sứ nói Đấng Thiên Sai từ dòng họ này xuất ra) rằng: Cô có bằng lòng chấp nhận cái ý muốn đó của Thiên Chúa không.
Thiên thần mở lời: “Hãy vui mừng, hỡi cô gái được sủng ái rất mực! Chúa ở cùng cô! Cô được chúc phúc giữa muôn muôn phụ nữ”.
Maria vô cùng bối rối khi nghe lời ấy và suy nghĩ xem lời chào ấy có nghĩa gì.
Thiên thần nói tiếp: “Maria, cô đừng sợ! Cô đã được đắc sủng nơi Thiên Chúa. Cô sẽ chịu thai, sẽ sinh hạ một cậu trai và đặt tên là Giêsu. Ngài sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao, và Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài kế vị ngai báu Đavít, Cha Ngài. Ngài sẽ làm vua trên nhà Giacóp cho đến đời đời và triều đại Ngài sẽ tồn tại vô tận”.
Trinh Nữ Maria hỏi: “Tôi không có quan hệ vợ chồng với người nam, làm thế nào tôi có thể sinh hạ vị giải phóng nhân loại khỏi kiếp lưu đầy?”
Thiên thần giải thích: “Thánh Thần sẽ đến trên cô và quyền phép Đấng Tối Cao sẽ đem cô vào trong bóng Ngài ; bởi thế, bé trai sắp sinh sẽ được gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa”.
Trinh Nữ cúi đầu tỏ vẻ ưng thuận và nói: “Này tôi là Nữ tỳ của Chúa. Xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài nói!” (Lc 1,28-38).
Thế là Trinh Nữ Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa. Cùng với chức vị Thánh Mẫu Thiên Chúa đó, cô được suy tôn lên cao xa ngàn trùng hơn tất cả mọi thụ tạo khác (ct.1). Đạo lý trong Giáo Hội dạy rằng: Vào giây phút ấy, Thiên Chúa đã tôn Đức Maria làm Nữ Vương của tất cả tạo thành (ct.2), vì được làm Mẹ của Con Thiên Chúa, mang trong dạ phôi thai chính là Ngôi Hai Thiên Chúa mặc lấy xác làm người. Theo chính luật mình ban ra (Đnl 5,16), Thiên Chúa khi xuống làm người đã vâng lời và tôn trọng Mẹ, thì Thiên Chúa cũng muốn mọi người kính trọng và vâng lời Mẹ Người như thế. Đó là điều rất hợp lý. Chỉ có điều các tạo vật nào có ý chí tự do như loài người chúng ta, thì có quyền chọn: hoặc tôn kính Đức Maria như Thiên Chúa đã tôn trọng và vâng phục Người và như Đức Giêsu đã vâng phục (Lc 2,51) ; hoặc ngược lại, không đếm xỉa gì đến Người. Nhưng vì sao người ta lại dại dột từ chối Người? Đó là vì họ không hiểu biết Người đủ. Hãy xem:
46. Tâm hồn Đức Maria vô cùng đẹp đẽ và đáng mến: Ngoài địa vị cao cả làm Mẹ Thiên Chúa, đáng được mọi người tôn kính, Thiên Chúa còn tô điểm tâm hồn Đức Maria bằng vô vàn vẻ đẹp và ân sủng. Mà cái gì tuyệt đẹp đều đáng tôn trọng, khâm phục.
“Thật xứng hợp với sự Uy Linh của Thiên Chúa là Nhà Tạm mà Người chọn để ngự xuống, phải được trình bày ra trước mắt mọi tạo vật trong vẻ đẹp được sửa soạn và trang điểm với tất cả những gì là phẩm giá cao nhất, hoàn thiện nhất và giàu có phong phú đến mức đầy tràn nhất (ct.3). Chúa Cha Hằng Hữu đã làm cho Đức Mẹ được toàn thân chiếu sáng thần tính ra ngoài. Bởi vì Ngôi Lời Thiên Chúa đã từ cung lòng Cha Hằng Hữu nhiệm xuất ra để ngự xuống cung lòng của Mẹ Maria, thì Thiên Chúa phải liệu sao cho có một sự cân đối hết sức giữa người Mẹ và người Cha mới được” (ct.4).
47. Vốn bản tính thẳm sâu khiêm nhu, Đức Maria không bao giờ sử dụng địa vị và quyền thế của mình trên mọi loài mọi vật để phục vụ riêng cho Mẹ (ct.5). Vả lại Người là Mẹ của Con Thiên Chúa – Đấng đã đến không để được phục vụ, song để phục vụ người ta và đã bằng lòng đổ máu hy sinh làm giá chuộc cho nhân loại – nên Mẹ cũng dùng vương quyền của Mẹ để phục vụ loài người được hạnh phúc và cứu độ.
Vì Đức Maria biết Thiên Chúa tạo dựng loài người từ hư không – kể cả chính bản thân Mẹ – không phải để cho họ làm nô lệ cho giác quan, nhưng để họ làm chủ cả tạo thành, vì tình yêu mến Đấng Tạo Thành. Đời sống gương mẫu của Mẹ sẽ dẫn dắt mọi người đầu phục Thiên Chúa, tùng phục đường lối của Chúa Giêsu và sống cuộc sống mà Ngài nêu ra cho mọi người trần thế khi Ngài sinh sống nơi dương thế như ta bây giờ. Bất luận con đường nào không phải con đường của Chúa Giêsu, sẽ đưa con cái Thiên Chúa đi lạc xa Vương Quốc của Cha Vĩnh Hằng và vòng tay đón chờ của Người. Đời sống trên dương thế như hoa sớm nở tối tàn, thật là ngắn ngủi. Cũng trên dương thế này mà các đứa con hoang đàng bị lạc xa, nên Chúa Giêsu đến thế gian qua Đức Maria để chỉ cho họ con đường về nhà, con đường đến vòng tay chờ đợi của Cha Hằng Hữu. Linh hồn sống trong tối tăm bởi tội lỗi không thể tìm được Thiên Chúa ; duy chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa mới có khả năng can thiệp và mang lại ánh sáng. Đức Mẹ là Đấng mang ánh sáng ấy đến. Nhiều người ngày nay không đếm xỉa gì tới ánh sáng của Mẹ. Mà ánh sáng của Mẹ là chính Chúa Giêsu.
48. Có lẽ điều đó cắt nghĩa tại sao Đức Mẹ phải hiện ra hằng ngày ròng rã hơn 10 năm rồi tại Medjugorje. Bằng vào chứng từ của các thị nhân ở Medjugorje và của tất cả các thị nhân khác ở nhiều nơi trên thế giới, thì Người là một người mẹ lo lắng quan tâm, hoạt động tích cực, ráo riết – vì Mẹ thấy rõ trái tim con người và yêu thương mọi người với một tình yêu vô điều kiện –, và người Mẹ ấy hiện đang tỏ mình ra khắp nơi trên địa cầu. Người được coi như đang phân phát những kho tàng ân sủng và phúc lành cho bất cứ ai xin Người. Người khóc khi thấy “các con cái” Người mù quáng từ khước những kho tàng ấy, và bởi đó, tự đánh mất cơ hội thông phần sự sống thần linh.
Người kêu gọi những kẻ trung tín hãy hợp cùng Người trong cầu nguyện, hãm mình, hy sinh, hạ mình thi hành những việc yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau, để cứu cho không ai sẽ phải mất thiên đàng. Người nói: “Các con đừng chăm chú nghĩ tới chiến tranh, trừng phạt, tai họa ; vì nếu nghĩ thế là các con đang trên đường đi tới đó. Nhiệm vụ chúng con là nhận lấy bình an của Thiên Chúa, sống bình an ấy và quảng bá ra”.
Các thông điệp và phép lạ của Medjugorje đã bắt đầu đánh thức một thế giới đang ngủ mê trong sợ hãi và bất ổn. Đức Trinh Nữ Maria kêu gọi lần cuối cùng một thế giới đang lâm nguy. Khát vọng sâu thẳm của trái tim con người là được trở về lại vườn địa đàng, mà con cháu của nguyên tổ đã bị đuổi ra khỏi ; vì chỉ trong địa đàng ấy, con người mới sống với Thiên Chúa – Đấng Tạo Thành nên họ, cùng là nguồn gốc và cứu cánh của họ. Tại Medjugorje, lòng tưởng nhớ cố hương và nhớ Cha được Đức Nữ Trinh Maria gợi lên khi Người – Đấng cưu mang Thiên Chúa – tỏ cho nhân loại thấy Thiên Chúa sẽ thực hiện lời đã hứa ở địa đàng thuở xưa, tức là thực hiện cái Giao Ước giữa Thiên Chúa với con người, tạo vật của Người.(a)
(a) Xét như thế, ta thấy Thiên Chúa trung tín thực hiện Giao Ước ấy, bằng cách Người hoạt động trong dân thánh Cựu Ước để chuẩn bị. Rồi Người sai Đức Giêsu đến để thực hiện Giao Ước. Đến thời Hội Thánh, Đức Giêsu sai Hội Thánh tiếp nối sứ vụ ấy cho khắp mọi dân nước, mọi chủng tộc. Cùng với Hội Thánh, vào những thời cuối cùng, Đức Maria được sai đến. Mẹ không tách rời Hội Thánh, Mẹ là đại diện, là tiêu biểu ; nơi Mẹ, Hội Thánh như được cô đọng lại trong phần tử cao quý nhất, thánh thiện nhất, quyền lực nhất, như sách Khải Huyền mô tả ở chương 12.
Hội Thánh và Đức Mẹ trong Hội Thánh, được Chúa Giêsu ban đầy tràn Thần Khí (Ga 20,22; Cv 1,14; 2,1-4), để chu toàn công việc Ngài ủy thác. Hội Thánh dùng lời rao giảng và ban phát ơn cứu độ qua các Bí Tích. Đức Mẹ dùng cỗ tràng hạt Mân Côi để đánh bại Satan và đưa loài người về sống lời Hội Thánh rao giảng, lãnh các Bí Tích cứu độ Hội Thánh ban phát, để rồi dẫn dắt họ về thiên đàng, Đất Hứa, địa đàng đã mất ngày xưa.
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
|