MĐLC Chương 9: Marija (2)
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
278. Năm 1988, Marija và nhiều bạn khác qui tụ nhau thành 1 nhóm cầu nguyện tại nước Ý để sống các thông điệp của Đức Mẹ. Nhiều người, kể cả những bệnh nhân hết phương chữa trị tỉ như mắc bệnh Aids, cũng gia nhập nhóm ấy. Có những bằng chứng tỏ tường do y khoa giám định cho thấy: những người thực hành theo các thông điệp của Đức Mẹ, đã thấy đời sống của họ được cải tiến về mặt thể lý.
Được hỏi: cô có biết phải chăng bệnh Aids là 1 trừng phạt do Thiên Chúa, cô đáp: Đức Mẹ không hề nói gì về bệnh Aids với tôi cả, cũng không nói bệnh Aids có phải là trừng phạt do Thiên Chúa hay không. Rồi cô giải thích về kinh nghiệm chữa lành các nạn nhân của ma túy và bệnh Aids: tôi đã dành phần lớn thời gian của tôi mới đây để ở cạnh các bạn trẻ đang gặp khó khăn nghiêm trọng, nghĩa là họ sử dụng ma túy và họ bị bệnh Aids. Nhóm họ đến và ở với chúng tôi bên Ý. Một phần trong nhóm đáp ứng các sứ điệp của Đức Mẹ, dùng đời sống mình mà cầu nguyện, ăn chay, sống đời lành mạnh, làm việc ngoài đồng. Họ làm việc tay chân cực nhọc ngoài đồng, họ ăn uống thức ăn, thức uống tự nhiên, lành mạnh và ngủ ngon giấc ban đêm. Có 1 dì phước giám sát tất cả. Dì rất kiên quyết trong việc đòi hỏi họ phải sống 1 cuộc đời kỷ luật chặt chẽ liên quan đến các tập quán thể xác cũng như tập quán cầu nguyện. Sau nhiều tháng theo đuổi kiểu sống đó, họ được đưa đi khám nghiệm lại và thấy không còn dấu vết nào của bệnh Aids nữa. Ngược lại, những bạn nào không cầu nguyện, ăn chay như Đức Mẹ yêu cầu và làm việc xác cách nghiêm chỉnh, họ vẫn còn bị bệnh. Tôi ở cùng các bạn trẻ mắc bệnh ấy và các bác sĩ không thể đưa ra 1 ý kiến nào. Qua kinh nghiệm ấy, tôi thấy rõ: những ai đáp ứng các sứ điệp của Đức Mẹ ở Medjugorje thì sống, họ bây giờ khoẻ mạnh lại. Những ai không đáp ứng thì chết.
Nhưng nói thế không phải là ta có quyền xét đoán người bị bệnh Aids. Ta không được xét đoán, cũng không được rẫy bỏ ai, đặc biệt những người bệnh. Ta không được cô lập họ hay từ chối săn sóc họ. Điều ấy không phải là ý Chúa đâu. Làm sao ta có thể là Kitô hữu, nếu thấy 1 người đang sắp chết vì bệnh Aids mà ta bỏ chạy và nói: “Nó là đứa có bệnh Aids và sắp chết, tôi phải tránh xa để bảo vệ lấy mình. Tôi không thể lo cho nó, để nó chết đi!”. Thái độ ấy không phải là của 1 người Kitô hữu. Chúa Kitô cũng đã chết cho người bệnh ấy. Vậy ta phải luôn luôn làm trên trần gian những gì mà Chúa Kitô đã dạy ta phải làm. (Vả lại, ta sợ lây bệnh mà chết ư?). Ta biết đời sống dưới thế không phải là tất cả những gì ta có và ta biết chết không là hết mà là bắt đầu, bắt đầu cuộc sống vĩnh viễn trên trời (lược trích Queen..., 116-119).
279. Mùa hè năm 1989, Marija đã trở thành 1 biểu tượng thầm lặng lòng thương xót của Thiên Chúa. Có dành thời giờ nói chuyện với cô, mới càng thẩm định được tình yêu thương Thiên Chúa hoàn hảo chừng nào. Tình yêu hoàn hảo loại bỏ mọi sợ hãi. Ai yêu mến Chúa, chẳng phải sợ hãi gì. Cô thu xếp đến sống với đứa em gái Milka tại 1 ngôi nhà gần Peace House (nhà Hòa bình), nơi giới trẻ từ khắp thế giới tụ họp về, để sống thực hành theo các thông điệp của Đức Mẹ. Từ ngôi nhà tầm thường của cô, Marija sắp xếp chương trình để có thể tiếp tục đón khách hành hương, đồng thời tiếp đón Mẹ Thiên Chúa hiện ra hàng ngày với cô và dành quãng đời còn lại nơi dương thế của cô làm nhân chứng về việc Mẹ Thiên Chúa thực đã đến nơi đây, về các thông điệp cực kỳ đơn sơ của Người và về quyền năng Thiên Chúa đã thi thố để cứu vớt và thánh hóa hết mọi con cái trần gian của Người. Vì Đức Mẹ đã nói với cô: “Con phải yêu thương mọi người như Mẹ đã yêu thương con”, cho nên cô hiểu rằng cô phải đem tất cả thời giờ của cô để phục vụ mọi người đến Medjugorje, kiên nhẫn giải thích cho họ ý nghĩa các sứ điệp của Đức Mẹ, trả lời vui vẻ tất cả mọi cuộc phỏng vấn. Cũng như Vicka, Marija đã ở lại Medjugorje trong những ngày tháng khói lửa chiến tranh dày xéo quê hương của cô. Chiến tranh lan rộng đã làm cô phiền muộn sâu xa và cô hay nhắc đến sự tàn phá thảm khốc về mặt nhân sự và về mặt thiêng liêng. Đặc biệt Marija có vẻ rất mực xúc động trước nỗi đau khủng khiếp đè nặng trên những trẻ nhỏ và người không nơi nương tựa. Cô than vãn về “những đứa con xinh đẹp” của Thiên Chúa, thế mà tại sao họ lại tỏ ra lì lợm, chai đá đến thế trước nỗi đau của anh chị em họ được!
280. Từ nhiều năm, trước khi các đám mây chiến tranh che tối bầu trời Medjugorje, Marija trở thành nhà mạnh thường quân phân phối 1 quà tặng đặc thù. Đó là ngày 1-3-1984, Đức Mẹ đã ban 1 đặc ân quan trọng từ trước đến nay chưa từng có cho Marija để chuyển đến cho giáo xứ Medjugorje và sau là cho cả thế giới: đó là các bức thông điệp hàng tuần, về sau thì cứ mỗi tháng 1 lần. Các thông điệp ấy nhằm mục đích hướng dẫn và dạy dỗ, cảnh báo và bồi dưỡng, thánh hóa toàn thể thế giới. Chúng tôi gom các thông điệp ấy vào chương 14 của cuốn sách này.
Dưới đây là tổng hợp những cuộc phỏng vấn với cô Marija, đôi lần ngay tại Birmingham, Alabama (Hoa Kỳ).
281. H: Marija, tại sao Đức Mẹ lại chọn Medjugorje để hiện ra?
Đ: Đức Mẹ có nói với tôi: Chúa Cha hằng hữu cho phép Mẹ chọn bất cứ nơi nào trên địa cầu, để trao các bức thông điệp cho thế giới. Mẹ chọn Medjugorje vì Mẹ thấy ở nơi đây có đức tin rất mạnh mẽ.
H: Có phải vì dân chúng ở đây tốt hơn, thánh thiện hơn không?
Đ: Ồ, không đâu! Mẹ bảo tại vì dân chúng ở đây có đức tin mạnh mẽ.
H: Cô có biết đây là lần Hiện Ra cuối cùng của Đức Mẹ trên trái đất không?
Đ: Có. Chính Mẹ nói thế. Ở lần Hiện Ra này, chúng tôi có thể sờ chạm Mẹ, thấy Mẹ và nói với Mẹ.
H: Cô có biết tại sao không?
Đ: Sau khi các bí mật được thực hiện, Đức Mẹ sẽ không cần đến lại nữa.
H: Điều đó đáng làm ta sợ hãi.
Đ: Không đâu! Không ai nên sợ hãi cả. Đức Mẹ đến đây với tư cách Nữ Vương Hòa bình, để chỉ cho ta con đường đến hòa bình, để đem ta tới Thiên Chúa.
H: Cô nói vậy chứ, Marija, vì điều đó dễ cho cô hơn cho chúng tôi, vì cô xem thấy Mẹ hàng ngày.
Đ: Đức Mẹ có nói: phúc cho ai không thấy mà tin.
282. H: Làm cách nào để đem lời tuyên bố ấy ra thực hành?
Đ: Rất đơn giản: hãy cầu nguyện để được thấy Đức Mẹ bằng con mắt đức tin, rồi bà sẽ thấy Mẹ.
H: Làm sao cô biết điều đó?
Đ: Đức Mẹ đã dạy tôi chân lý ấy.
H: Như thế có nghĩa là nếu ta cầu nguyện và có lòng tin, ta sẽ được thấy Đức Mẹ bằng con mắt thể xác ư?
Đ: Tôi không thể trả lời câu hỏi ấy. Tôi không biết đâu!
H: Phải chịu cực nhọc chừng nào để cầu nguyện cho được xem thấy Đức Mẹ bằng mắt và tai của đức tin?
Đ: Hãy bắt đầu đi, đơn giản là vậy. Chẳng có gì phi thường cả. Hãy bắt đầu cầu nguyện.
H: Cô có giới thiệu kinh nguyện nào không?
Đ: Đức Mẹ nói: tối thiểu ta phải nguyện 7 kinh Lạy Cha, 7 kinh Kính Mừng, 7 kinh Sáng Danh và kinh Tin Kính. Hồi cuộc Hiện Ra bắt đầu, Mẹ dạy chúng tôi vậy. Quan trọng là phải bắt đầu. Rồi bà sẽ muốn cầu nguyện nhiều hơn nữa. Càng cầu nguyện, lòng tin bà càng sâu đậm. Tin càng sâu đậm, bà càng gần Thiên Chúa và Đức Mẹ. Rồi bà cũng sẽ thấy và nghe bằng mắt và tai của đức tin.
283. H: Marija, cô có hay lên núi Krizevac (Núi Thánh Giá) thời gian này không?
Đ: Tôi trèo lên đó khi nào có thể. Tôi thích được trèo núi ấy bởi tôi cảm thấy hết sức vui sướng khi được dõi theo các chặng đường Thánh giá. (Xin thêm là dọc theo con đường vòng vo lởm chởm đá dẫn lên đỉnh núi, có đặt 14 chặng đàng Thập giá theo 1 bố trí được suy tính kỹ càng. Quãng đường trơn dốc nhất khi trèo lên, là quãng nằm giữa chặng thứ 10 và 11).
H: Làm sao cô trèo được, từ ngày chịu giải phẫu? Có khó khăn cho cô lắm không?
Đ: Tôi trèo với cả tình yêu và sự kiên trì.
H: Tại sao phải kiên trì?
Đ: Phải kiên trì nhẫn nhục chịu đau khổ, phải kiên nhẫn để khoan nhượng đối với chính bản thân tôi vì thấy mình còn yếu đuối.
284. H: Cô đã đi du hành nhiều nơi xa xôi, từ khi có các cuộc Hiện Ra. Thế cô còn thích Medjugorje nữa chăng?
Đ: Thích lắm chứ! Ngôi làng này, nơi được Đức Mẹ hiện ra hàng ngày, nó giàu ý nghĩa đối với tôi. Nơi đây là 1 xóm làng nhỏ nhoi, tầm thường. Bây giờ thì bà có thể thấy người ta xây cất nhà cửa khắp nơi. Nhưng đa số đất đai, cho đến nay, vẫn dùng để trồng trọt (tháng 8-1990).
H: Cô có thích làm việc ngoài đồng không, Marija?
Đ: Thích chứ! Tôi lấy làm thích thú được vận dụng các ơn huệ Thiên Chúa làm cho chúng mọc lên từ ruộng đất.
H: Này Marija, liệu cả vùng này (làng Medjugorje), 1 ngày nào đó sẽ trở thành 1 Đền Thánh chăng?
Đ: Thì nó đã là Đền Thánh thật sự rồi đó. Thiên Chúa đã ban xuống vô vàn ơn phúc cho làng này và cho những ai đến đây sùng kính Đức Mẹ.
285. H: Trên địa cầu thường hay xảy ra nhiều thương đau, tang tóc. Nhiều dân tộc đang phải gánh chịu những thảm kịch nơi bản thân họ. Phần cô cũng đã trải qua bao đau đớn, cách riêng là đau đớn thể xác từ ngày cô hiến quả thận của cô cho người anh ruột. Đức Mẹ có bao giờ nói về các vấn đề này chăng?
Đ: Trong những hoàn cảnh xem ra bế tắc không có lời giải đáp, ta hãy dâng hiến nỗi bất hạnh đó cho Đức Mẹ và cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thiên Chúa trân trọng bất cứ điều gì chúng ta dâng hiến Người. Khi ta dâng cho Đức Mẹ điều gì, thì nhờ Con của Người là Chúa Giêsu, Mẹ sẽ biến đổi nó và hóa nó thành vật thánh.
H: Cô nghĩ sao về những người bị bệnh nặng?
Đ: Ta phải luôn luôn cầu nguyện để biết Thánh Ý Thiên Chúa. Chúng ta muốn cho bạn hữu, bà con bị bệnh tật được chữa lành, đó là chuyện bình thường, nhưng nếu Thiên Chúa không muốn, thì bao nhiêu lời cầu nguyện của ta cũng chẳng thay đổi được gì.
H: Tại sao có người đến Medjugorje được khỏi, còn người khác thì không? Có người cầu nguyện tại nhà cũng được khỏi, người khác không?
Đ: Bệnh tật, đau ốm là 1 điều thuộc mầu nhiệm của Thánh Ý Thiên Chúa. Chúng ta không biết tại sao ta lại bị bệnh tật. Điều quan trọng nhất là ta tin có Thiên Chúa, ta tin cậy vào Người và biết rằng không có cái chết hẳn vĩnh viễn đời đời (cho ai tin Chúa). Thế là đủ để ta tạ ơn Chúa luôn mãi rồi. (“Chúng ta đừng nên hỏi tại sao, sao thế này, tại sao tôi lại bị như thế, sao, sao... Đừng vặn hỏi Thiên Chúa nhiều quá! Tốt hơn nên hỏi phải làm thế nào trong những hoàn cảnh như vậy, phải dùng cách nào để đối phó với chúng” - lời cha Tomislav Vlassic).
286. H: Thế còn những người không có đức tin, chẳng tin vào Thiên Chúa hay vào những chuyện thánh thiêng thì sao?
Đ: Khi người ta bị ốm liệt về đàng thiêng liêng, Đức Mẹ bảo ta hãy coi như thể họ bị đau ốm về tâm linh và ta “làm hết mọi sự” cho họ: cầu nguyện, ăn chay, hi sinh, dâng hiến họ...
H: Phải chăng mọi người trên thế giới đều có cơ may nhận biết Thiên Chúa?
Đ: Vâng, đúng vậy. Chính Đức Mẹ đã nói thế. Ta phải cầu nguyện cho những người không biết Thiên Chúa và làm gương tốt cho họ bằng đời sống chúng ta, như thế ta càng tiến sâu trong hiểu biết Thiên Chúa, thì họ càng dễ dàng biết Chúa hơn qua ta.
H: Sứ điệp của Đức Mẹ có dành cho người An giáo và Phật giáo, Do thái và Thệ phản, Hồi giáo và vô thần không, và cho mọi người trên thế gian không?
Đ: Có chứ. Sứ điệp là dành cho mọi người, tất cả những ai muốn sống theo đó.
287. H: Đức Mẹ nói với cô những gì thời gian này?
Đ: Mẹ bảo: “Đừng chờ có dấu lạ rồi mới ăn năn trở lại”. Đức Mẹ không cần những người có khả năng, Mẹ chỉ cần những người biết nói lời xin vâng với các thông điệp của Mẹ đây. Các bạn hãy qui tụ thành những nhóm cầu nguyện. Đức Mẹ hay nhắc đến giới trẻ và đến gia đình. Mẹ cần đến các linh mục của Mẹ và những thừa tác viên Tin Mừng để hướng dẫn, trợ giúp giới trẻ và các gia đình, hầu những người này có thể biết lựa chọn những điều hay lẽ phải trong cuộc đời của họ. Đức Mẹ nói với chúng tôi (về vai trò quan trọng của linh mục): “Nơi 1 vài giáo xứ, người ta cầu nguyện với Thiên Chúa nhiều hơn, nơi vài giáo xứ khác, ít hơn. Cái đó là tùy ở các linh mục làm cho giáo xứ thành sống động (hay không) và ở quyền hành các vị ấy nắm giữ” (1-10-1981) (Z, 135).
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
|