Phụ Chương 1: Giáo Xứ Medjugorje
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
(Phỏng theo Đ.S.Tứ, phần đầu)
766. 1) Medjugorje,(a) Nơi Đức Mẹ Hiện Ra:
Medjugorje là một giáo xứ có 3.400 giáo dân, gồm 4 xóm: Bijakovici, Meletina, Vionica và Surmanci, thuộc giáo phận Mostar, nước Nam Tư. Xứ đạo này nằm trong vùng cao nguyên đá vôi, thuộc miền Herzégovina giáp biển Adriatique. Chữ Medjugorje có nghĩa là ở giữa các núi. Dân chúng ở đây sống bằng cách khai phá đất đồi để trồng nho, lúa mì, thuốc lá. Cả vùng không có suối, mà đào giếng cũng khan nước, chỉ trông vào trời mưa, nhưng thỉnh thoảng mới có mưa. Dù vậy, giáo dân vẫn ý thức rằng: ngoài Thiên Chúa ra, không ai đem được gì đến cho xứ sở họ.
Giáo xứ Medjugorje được thành lập từ năm 1599, bị tàn phá trong thời người Hồi cai trị, cùng chung số phận như các xứ đạo khác ở Herzégovina. Tới thế kỷ 18, một số xứ đạo được tái lập và Medjugorje thuộc quyền coi sóc của các cha dòng Phanxicô, tỉnh dòng Herzégovina.
Nhà thờ giáo xứ được xây đi cất lại hai, ba lần..., mãi đến 20 năm sau chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-45) mới có được ngôi thánh đường khang trang rộng rãi, với hai ngọn tháp cao như hiện nay. Thánh đường được dâng kính Thánh Giacôbê Tiền.
Nằm trong ranh giới của giáo xứ có hai ngọn núi: Sipovac cao 540m, kể từ năm 1933 được đổi tên là Krizevac (Núi Thánh Giá), vì năm đó là Năm Thánh kỷ niệm 1900 năm đại hồng ân Cứu chuộc, xứ đạo đã xây trên ngọn núi này một cây Thánh giá bêtông cao 12m. Dân chúng đã vất vả khó nhọc vác vật liệu trên vai đem lên ngọn núi để xây Thánh giá. Còn núi thấp hơn gọi là Crnica. Chính núi thấp này (hoặc “đồi”) là nơi Đức Mẹ hiện ra trong những ngày đầu.(b)
767. 2) Những Đặc Điểm Của Nơi Đức Mẹ Chọn Để Ban Bố Sứ Điệp Hòa Giải:
Medjugorje tuy nằm trong nước XHCN Nam Tư (cũ), nhưng lại gần biên giới các nước Tây Au. Nhiều gia đình vùng Medjugorje có người đi làm ở các nước ấy, nhất là Tây Đức, để kiếm tiền về nuôi những người ở nhà. Medjugorje cũng gần bờ biển Adriatique, bờ bên kia là Ý Đại Lợi, mà thủ đô là Roma, cũng là nơi đặt ngai Tòa Thánh Phêrô và thủ đô thế giới Công giáo. Nhìn vào bản đồ, ta thấy Medjugorje tuy không nằm sát bờ biển, nhưng cũng ở vào vị trí tương đối nằm ngang với Nhà Đức Mẹ ở Loretta, phía bờ biển thuộc nước Ý. Hàng năm, vào mùa hè, bờ biển vùng Medjugorje có rất đông khách du lịch Tây phương tìm đến nghỉ mát. Mặt khác, trong nhiều thế kỷ trước, quân đội Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ đã đến chiếm đóng đất này, làm những chuyện tàn ác, rùng rợn, rồi ngày nay vùng này trở thành nơi sinh sống của nhiều dân tộc.
768. Về phương diện tôn giáo, đây cũng là điểm chung sống giữa các tín đồ Công giáo Tây Phương, Chính thống giáo Đông Au và Hồi giáo Đông phương. Theo tài liệu của linh mục Laurentin, Nam Tư là một nước tiêu biểu nhất thế giới về sự chung sống của các tôn giáo: Chính thống giáo 13.700.000, Công giáo La Mã 5.789.000, Hồi giáo 2.319.000, không đạo nào 1.900.000, vô tín ngưỡng 1.843.000, Tin lành 220.000, Do thái 7.800, các đạo khác 2.000. Như vậy, Công giáo La Mã đứng vào hàng thứ hai sau Chính thống giáo. Trong số gần 6.000.000 tín đồ La Mã nơi đây, thì phần lớn là người Croates sinh sống ở phía Tây miền Herzégovina, 4 triệu sống rải rác tại vùng Croatia, 800.000 tại vùng Bosnia-Herzégovina, nơi có xứ đạo Medjugorje. Riêng tại vùng này cũng có những người dân thuộc các sắc tộc khác và các tôn giáo khác, nhưng họ chỉ mới đến về sau và tỉ lệ cũng không đáng kể sánh với đại đa số là người Công giáo ở vùng này. Đặc điểm nữa của nơi Đức Mẹ hiện ra là trong thời gian bị quân Thổ Nhĩ Kỳ cai trị, những người Công giáo sống ở vùng miền tây Herzégovina đã trung thành giữ vững đức tin và lòng sùng kính đặc biệt đối với Phép Thánh Thể, Đức Mẹ và phục tùng Giáo Hoàng La Mã. Từ nhiều thế kỷ nay, các xứ đạo ở miền này được hưởng sự trông coi, săn sóc của các cha dòng Phan Sinh. Đây là miền có nhiều tu viện Phan Sinh, nhờ đó dân chúng địa phương được tiếp xúc thường ngày với các cha dòng, để được nuôi dưỡng đức tin và lòng sùng kính Đức Mẹ, Phép Thánh Thể ngày thêm vững mạnh.
769. Từ khi Đức Mẹ hiện ra đến nay, giáo xứ Medjugorje đã biến đổi nhiều và biến đổi một cách sâu xa. Hồi đầu, Medjugorje còn là nơi nghèo nàn. Cha xứ (cũ) Jozo Zovko nói với một nhóm hành hương: “Đức Mẹ không đến đây như một ngôi sao băng qua nền trời... Mẹ đã chọn một nơi nghèo nàn. Cách đây 10 năm, đường xá không có một bảng chỉ đường để tìm ra nơi này. Dân chúng kéo đến mà chẳng cần biết là đâu. Đây là một làng nhỏ hèn nhất thế giới nhưng Mẹ đã chọn chỗ rốt bét này! Trong giáo xứ, Mẹ chọn những kẻ đơn sơ, hèn mọn, nghèo khổ: sáu trẻ em và Mẹ bắt đầu với chúng. Sau đó, Mẹ bắt đầu với giáo xứ, sau nữa, với các người hành hương, rồi sau cùng, với tất cả thế giới” (Z, 199).
“Medjugorje ngày nay so với 15 năm trước đây thì khác hẳn, nó mang một bộ mặt hoàn toàn đổi mới... Khách hành hương từ các nơi trên thế giới đổ về(a bis) con số phỏng đoán từ 15 năm nay đã lên tới 25 triệu người, trong tương lai sẽ đông hơn Lộ Đức và Fatima, vì hiện tại, Đức Mẹ vẫn hiện ra mỗi ngày... Phố xá chỗ nào cũng bán tượng ảnh. Người dân nơi đây, bất kể góc xó nào, cũng thấy tụm năm tụm ba lần hạt, ca hát, ngợi khen Đức Mẹ (x. E. 79). Người dân ở đây thật hiền lành, thánh thiện. Ban đêm ngủ không cần phải đóng cửa, cài then. Ban ngày đi đâu cả ngày, cửa có mở cũng không ai đếm xỉa gì tới...”
“Ngôi nhà thờ Thánh Giacôbê rất đẹp, có thể chứa tới 2.000 người. Xung quanh nhà thờ là những khoảng sân rất to lớn. Đàng sau có dựng một cái rạp có mái che dùng để dâng Thánh Lễ ngoài trời những ngày lễ lớn, vì dân tứ xứ đổ về rất đông, trong nhà thờ không thể chứa hết được. Như ngày lễ Đức Bà Linh hồn và Xác Lên Trời vừa rồi có khoảng 100.000 người. Bên trái sân nhà thờ có 23 tòa giải tội, chưa kể trong nhà thờ, chưa kể các cha ngồi rải rác khắp nơi giải tội lộ thiên. Người xưng tội đông vô kể, gồm đủ mọi sắc tộc. Một ngày có đủ mọi Thánh Lễ cho mọi thứ tiếng như Pháp, Đức, Ý, Mỹ... Thánh Lễ 6g chiều của dân bản xứ. Đọc Phúc Âm bằng đủ mọi thứ tiếng. Để dự Thánh Lễ, giáo dân ngồi từ trên cung thánh xuống tới cửa nhà thờ, trên các lối đi, la liệt cả bốn góc sân. Thánh Lễ nào cũng đông như kiến cỏ. Nơi đây, ngày thường cũng như ngày lễ, bảy ngày giống nhau cả bảy, nếu không đi sớm khó có thể kiếm được chỗ ngồi. Lễ của dân bản xứ kéo dài 3 tiếng đồng hồ: 6g00 họ bắt đầu lần hạt, chuỗi thứ nhất rồi tới chuỗi thứ hai, khi tới ngắm thứ tư, tức 6g40 là lúc Đức Mẹ hiện ra với bốn người, thì nhà thờ im phăng phắc, để tôn trọng giây phút linh thiêng Mẹ Thiên Chúa tới với đám con trần thế. Một cuộc hiển linh thường kéo dài từ năm tới sáu phút, sau đó, nhà thờ hát bài Ave Maria, rồi tiếp tục lần hạt. 7g00 Thánh Lễ bắt đầu, khoảng 8g30 xong. Cha làm phép các tượng ảnh và chữa bệnh cho những ai bệnh tật, ốm đau, xong lần hạt tiếp chuỗi thứ ba. Thành thử, dự một Thánh Lễ ở đây rất thấm thía. Một Thánh Lễ có khoảng từ 20 tới 30 cha đồng tế. Bánh Thánh họ phải đựng trong một cái thau lớn, Chén Thánh cả chồng. Khi rước lễ, dân chúng đứng yên tại chỗ, các cha phải đem Bánh Thánh xuống tận nơi cho giáo dân, vì không thể đi lại được. Trong nhà thờ cũng như ngoài sân, dân chúng rước lễ cả cây số, được cái các cha đông, nên không mất thời giờ nhiều. Tham dự một Thánh Lễ ở đây có giá trị bằng cả một đời dự Thánh Lễ từ xưa tới nay, vì dân chúng ở đây dự lễ một cách sốt mến lạ thường, họ như chỉ biết có Chúa, ngay cả đám con nít cũng im lặng như tờ. Chầu Mình Thánh hay lần hạt gì cũng vậy, không khí vô cùng trang nghiêm. Ước gì cả thế giới này đều được như thế, thì Đức Mẹ đâu cần phải kêu gọi mòn mỏi. Hôm vừa rồi, ngày 15-8, Jacov kể lại: Đức Mẹ hiện ra nói: “Mẹ rất vui mừng vì đám con tụ tập nơi đây”. Còn Ngọn Đồi Đức Mẹ hiện ra, lúc nào cũng nườm nượp những người, ban ngày cũng như ban đêm. Ngọn đồi này tương đối dễ leo hơn ngọn Núi Thánh Giá, nhưng cũng đầy đá, lởm chởm những đá, đá lớn, đá nhỏ, đá nhọn như dùi, đá bén như dao ; vậy mà đã có bao nhiêu thanh niên không ngại đau đớn, đi chân đất để đền tội, dù chân bị cắt, bị trầy đi chăng nữa...”
“Từ lâu nay, con vẫn mong ước được đặt chân lên cái vùng đất này, được thở cái không khí có Mẹ quyện trong mây, được ôm cái cảm giác bóng Mẹ phảng phất muôn nơi, được chìm hồn mình trong lời kinh, tiếng hát với những tâm hồn chất phác nơi này... Thật vậy, nơi đây, đâu đâu cũng vương hình bóng Mẹ: nằm, ngồi, đi, đứng, chỗ nào cũng thấy khuôn mặt mỹ miều của Mẹ: Mẹ trong sương, trong nắng, trong gió, trong mây, Mẹ trên ngọn cây, trên mái ngói, trên tháp chuông... Trong đầu óc con chỉ tràn đầy tình yêu Mẹ, giống như một người con vắng bóng Mẹ từ bao năm tháng, giờ mới gặp lại, chỉ muốn quấn quít bên Mẹ không muốn rời... Nơi đây đã cho con ngập tràn hạnh phúc, hầu như con được gần Chúa hơn nhiều... Bởi vậy, khi lìa ngôi làng đó, con buồn khôn tả. Về tới nhà, con nhớ Mẹ vô bờ bến, con như tương tư, lúc nào cũng nhớ Mẹ quay quắt và có cái cảm giác mất mát làm sao ấy...” (Trích thư cô Th. 10-9-1996).
770. Đã 15 năm rồi mà lòng sốt sắng của dân Medjugorje vẫn không giảm, còn có phần tăng thêm, như bức thư vừa rồi làm chứng. Quả thật, Medjugorje đã trở nên thánh địa. “Thánh địa của Hòa bình, Hạnh phúc và Yêu thương. Ngày nay, không ai đến Medjugorje mà thấy mình là ngoại lai. Mọi người cảm thấy như mình đang ở tại nhà, vì nơi đó có Đức Mẹ đang sống... Thánh địa này giàu có hồng ân và hạnh phúc. Đức Mẹ không chỉ biến đổi nơi này, là nơi Trái Tim Mẹ yêu quí, nhưng còn biến đổi nhiều người, đặc biệt là các em được thị kiến...” (Lời cha Jozo Zovko). Không ai có thể phủ nhận được sự thay đổi lạ lùng trong lối sống của dân chúng tại đây, cả hàng chục triệu người từ xa muôn phương lặn lội tới đây hành hương cũng được thay đổi tâm hồn và cách sống. Linh mục thần học gia René Laurentin, sau khi từ Paris tìm đến Medjugorje để quan sát tại chỗ nhiều ngày vào năm 1983, đã viết như sau: “Trước kia, họ đạo dân quê này dù sống đạo theo truyền thống tổ tiên, cũng đã bị ảnh hưởng thời thế làm cho nguội lạnh ít nhiều, ngày nay, nhờ việc Mẹ hiện ra, lòng sốt sắng đạo đức đã được phục hưng đến độ hơn cả trước, và còn được kể là có một không hai trên thế giới” (T. 21).
Đức Tổng Giám mục F. Franic (thành Split, Nam Tư) nói: “Tôi ước ao chớ gì tất cả các giáo xứ của giáo phận được như giáo xứ Medjugorje” (E. 74). Và ông W. Weible, một ký giả Tin Lành có viết: “Cộng đoàn giáo xứ Medjugorje chính là phép lạ thật của Medjugorje, là sứ điệp sống động của Medjugorje, và đó là cái đập vào mắt khách hành hương trước hết mọi sự khác” (sđd, 148-149). Cha Leonard Orec, là một trong mấy cha xứ kế tiếp của Medjugorje (từ 1988) cũng nói: “Nhiều tín hữu và linh mục đã quan trọng hóa quá mức các việc Hiện Ra... Theo lập trường của tôi, cần phải hiểu tầm quan trọng của những sứ điệp nền tảng trong những ngày đầu... và ân sủng Thiên Chúa thực hiện trong tâm hồn người ta... tức là sự ăn năn trở lại của các linh hồn đang xảy ra ở đây” (Z, 47). Mà quả thật cũng lạ! Theo nhận xét của Đ.G.Mục Devine (Scốtlen) năm 1987, khi ngài gặp Ivanka: “Tôi có thể thấy được bằng chứng Đức Mẹ đã hiện ra thật ở Medjugorje bởi các hoa quả của chúng. Đang khi ở Lộ Đức, dân chúng quanh vùng sống như người ngoại đạo, dù nơi này đã được Giáo Hội công nhận, còn ở Medjugorje, tôi thấy rất đông tín hữu đi trên con đường thánh thiện” (Z, 54).
771. Nguyên do nào đã phát sinh sự biến đổi lạ lùng đó? Linh mục Laurentin vừa cho câu giải đáp: “Nhờ việc Mẹ hiện ra”. Đương nhiên là thế! Song đừng quên cái phần của phía loài người, tức sự đáp ứng trung tín và can đảm của dân chúng Medjugorje với những điều Đức Mẹ dạy làm.
Trước tiên, dân chúng Medjugorje là dân có lòng tin mạnh, đức tin mà họ đã giữ vững từ 400 năm, đôi khi với giá máu của họ đổ ra. Chính Đức Mẹ đã cho biết thế, khi người ta hỏi Mẹ tại sao lại chọn Hiện Ra ở đây. Sau là sự nỗ lực can đảm của dân chúng khi thi hành các điều Mẹ dạy. Cha xứ Tomislav nhận xét: “Dân chúng ở đây nói với nhau: giả sử người ta đến nói với chúng tôi rằng các cuộc Hiện Ra là giả, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục sống như bây giờ, vì nhờ các cuộc Hiện Ra, chúng tôi cảm nghiệm được niềm vui sống đạo Chúa”. Cha còn nói: “Mọi sự gì cùng làm với Đức Mẹ đều như có một sức mạnh thúc đẩy, và con đường Mẹ dẫn đi thấy dễ dàng hơn...” (E, 76). Chỉ cần phác qua vài điểm: việc đọc kinh, cầu nguyện cá nhân hay chung trong gia đình, cách riêng lần hạt Mân Côi chung trong gia đình được thực hiện cách sốt sắng. Cha xứ Jozo nhớ lại: “Giáo xứ trở thành một tu viện. Mọi người đều cầu nguyện, mọi người có tràng hạt Mân Côi nơi tay dù họ ở đâu. Họ giống như nam nữ tu sĩ. Chúng tôi đã lãnh được biết bao ơn phúc. Oi dễ thương biết bao khi được lần hạt Mân Côi cùng với Đức Mẹ!” (Z, 28).
Ở Medjugorje và các vùng lân cận, mọi người đều ăn chay theo cách Đức Mẹ bảo là ăn bánh mì với nước lã hai lần mỗi tuần, kể cả các em thiếu nhi, nhưng nhất là giới trẻ. Khi nghe đến việc ăn chay, có lẽ chúng ta nghĩ giáo dân Medjugorje nhăn mặt và miễn cưỡng thi hành việc này. Không đâu! Ta hãy nghe cha xứ Jozo kể: “Đức Mẹ đã hiện ra và nói: “Satan hoạt động thật mạnh mẽ ở đây! Các con phải ăn chay mới được!”. Vừa nghe thấy lời ấy, tức thì họ đầy phấn khởi nói: “Ta hãy nhịn ăn để Satan cút khỏi nơi đây và mọi người sẽ được hạnh phúc, được ơn nghĩa Chúa”. Thế là chúng tôi ăn chay với niềm phấn khởi” (Z, 24).
Một thói xấu lâu đời của người Croát là chửi thề, thì từ nay, họ bỏ hẳn. Họ cũng không đặt nặng vấn đề những lần Hiện Ra và những ơn lạ chữa bệnh như lúc ban đầu nữa. Ngược lại, họ chỉ chú trọng tới việc cải thiện đời sống. Họ khuyến khích nhau về việc biến đổi nội tâm, về hòa giải và thứ tha. Cha sở Jozo kể lại: “Đức Mẹ hiện ra và nói: “Các con đừng chỉ đọc tràng hạt Mân Côi, nhưng hãy cầu nguyện bằng tràng hạt Mân Côi với cả tâm hồn!”. Thế nghĩa là gì tôi không hiểu. Một lần nữa, Đức Mẹ hiện ra nói với tôi: “Trước khi cầu nguyện, hãy tha thứ!”. Khi nghe kể lại lời Mẹ, giáo dân im lặng ít phút. Không ai có thể thốt được lời tha thứ, nhưng rồi họ đã được ơn... Thế là mọi người trong nhà thờ từ từ bắt đầu khóc và nói lời tha thứ. Những hôm sau, trong nhà, ngoài đồng, dân chúng bắt tay mà làm hòa với nhau. Rồi một hôm, mọi người nhìn thấy như một dòng sông lửa từ Núi Thánh Giá chảy xuống. Tận thế chăng? Không phải! Dòng sông chảy quặt sang lối khác, họp thành chữ MIR (Hòa bình) bắc ngang hai ngọn núi” (Z, 23 và 105). Đó là trời cao ban cho dấu chỉ tỏ ý hài lòng về sự hòa giải họ đã thực hành.
Nhiều giáo hữu trước kia không chịu nổi nửa giờ ở trong nhà thờ, bây giờ thì có ở luôn trong nhà thờ đọc kinh chung và dự Thánh Lễ bốn tiếng đồng hồ, họ cũng cho là dễ dàng. Đức Mẹ khuyên dạy xưng tội hàng tháng. Lời khuyên dạy này đã được giáo xứ thực thi nghiêm chỉnh để thực hiện tinh thần hòa giải. Họ cũng kiêng uống rượu, hút thuốc và không tham dự các chương trình giải trí cùng các thú vui khác.
Dân chúng đều là những nhân chứng sống động của sự canh tân đạo đức thâm sâu. Cả xứ đã trở thành một cộng đồng cầu nguyện và đền tội đặc biệt sống động và cởi mở. Những người trong giáo phận trước kia đã chia rẽ nhau, nay quây quần chung quanh bàn thờ làm hòa với nhau và cùng cầu nguyện chung cho giáo phận, cho các linh mục và cho Giáo Hội toàn cầu. Trong những dịp hành hương lớn của mấy trăm ngàn người, dân chúng ở đây còn tỏ ra hiếu khách và bác ái, đến nỗi có lần (năm 1983), Đức Mẹ gửi riêng một thông điệp cho dân chúng ở Medjugorje để cảm ơn họ về từng chén nước, từng mẩu bánh và về tất cả những gì họ đã giúp đỡ những người ở xa đến đó hành hương (T, 21, 37, 75, 82, 109). W. Weible, tr. 111 thuật lại: Khi ông lần đầu tiên cùng một nhóm mấy chục người hành hương từ Hoa Kỳ đến Medjugorje (1986), ông vào nhà thờ thì đã chật cứng người. “Lễ nghi phụng vụ bắt đầu với thánh ca bằng tiếng Croát và cả nhà thờ như rung lên trong âm thanh, lời ca rất hay, rất cảm động, thấu tới xương tủy tôi. Tôi thấy nhiều người ràn rụa nước mắt. Đang lúc tôi đứng đó, thì có một bà già khoảng 70 tuổi kéo áo tôi và đẩy tôi ngồi xuống ghế bà nhường cho. Hoảng hốt, tôi lắc đầu quầy quậy. Không được đâu, ai lại làm thế. Nhưng bà già cứ ấn tôi ngồi, còn tôi cứ chối từ và làm hiệu bảo bà ngồi ở đó. Cuối cùng, bà nắm lấy cánh tay tôi, ép tôi phải ngồi xuống ghế. Phải một lúc, tôi mới nhận ra rằng bà đã nghe lời Đức Mẹ dạy là dân làng Medjugorje phải tỏ ra hiếu khách với tất cả tình bác ái (x. số 558, 604...). Thế là tôi ngồi chỗ của bà, còn bà già 70 tuổi ấy đứng cạnh. Mắt tôi trào lệ xuống má”.
-----ooo-----
(a) Có đề cập sơ qua về làng này ở đầu chương 1.
(a bis) Thời cuộc ở Medjugorje đã thay đổi nhiều, kể từ những năm gần đây (......), cho nên những người đàn ông trong các gia đình Medjugorje đã từ các nơi lao động hợp tác trở về Medjugorje và xây nhà ở, nhà trọ để đón khách hành hương từ 5 châu 4 bể đến Medjugorje càng ngày càng nhiều.
(b) Chỗ này cũng thường được gọi là Po-đơ-bơ-đô (Podbrdo).
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
|