MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Mđlc Phụ Chương 4b: Đơn Thuốc Đức Mẹ Đề Ra
Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 10-2008

Đơn Thuốc Đức Mẹ Đề Ra

§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT

808. ĐƠN THUỐC ĐỨC MẸ ĐỀ RA

(Cơ cấu toàn bộ Sứ điệp Đức Mẹ)

(Theo L, tr. 52tt)

Sứ điệp của Medjugorje rất đơn sơ, thấm nhuần Tin Mừng và có tính cấp bách. Nó không cô đọng thành một bài thơ phú gọt giũa công phu, để có thể ghi khắc vào bia đá hay trên tường, nó là lá thư viết vào trái tim và chúng ta phải đọc nó theo cách đó (x. 2C 3,2).

Sứ điệp ấy không là một lập luận có hệ thống, nó chỉ gồm có mấy câu chính sau đây:

+ Trở lại với Thiên Chúa, ăn năn hối cải.

+ Tin.

+ Cầu nguyện, ăn chay.

+ Bình an, hòa giải.

809. Cái cốt lõi này của Sứ điệp đã được Đức Mẹ ban ra ngay từ những ngày đầu (cuối tháng 6-1981). Thế tại sao, sau đó, Đức Mẹ còn hiện ra dài dài và nói rất nhiều làm chi? Thưa: Đấy là một phương pháp sư phạm, cần thiết để làm cho người ta sống và thực hành sứ điệp của Đức Mẹ.

Có nhiều người nói: Đức Mẹ cứ lặp đi lặp lại từng ấy chuyện! Nhưng há ta lại không biết: việc giáo dục là chuyện lặp đi lặp lại đến nhàm chán sao? Bà mẹ dạy dỗ con cái đâu có giảng một bài học lớn, nhưng bà huấn luyện con cái bằng cách lặp đi lặp lại không biết chán, mọi nơi mọi lúc, những điều sơ đẳng, nhỏ mọn, nhưng căn bản và quí giá, chúng sẽ phải dệt thành cuộc sống và hạnh kiểm của đứa con. Trong đời sống thiêng liêng của các tín hữu cũng vậy. Đức Mẹ hành động như một bà mẹ. Dạy dỗ và thực hành cụ thể để ăn sâu thành nếp sống.

Thử nêu ra một ví dụ: Sau khi nhóm cầu nguyện mà Đức Mẹ yêu cầu được thành lập ít lâu (x. số 388) trong giáo xứ Medjugorje, Đức Mẹ xin họ họp thêm một ngày thứ ba, không chỉ cầu nguyện, mà dành riêng để gặp gỡ, tìm hiểu nhau hơn, qua việc nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm... Việc này đem đến kết quả lớn, vì trước kia, họ chỉ họp nhau để cầu nguyện mà mỗi người vẫn xa lạ với nhau. Đức Mẹ bảo, theo lối đó, nhóm cầu nguyện không lớn lên được, vì ngồi với nhau mà chẳng ai biết ai. Lần khác, Đức Mẹ xin họ lập lại kinh Lạy Cha (hay một thánh ca) đến ba lần, rồi Người bảo: để mọi sự các con làm phải là điều phát xuất từ đáy lòng các con. Chính vì thế, Đức Mẹ đã kéo dài các cuộc Hiện Ra hơn 15 năm trời (cho đến nay,1997), tính ra có đến bốn, năm ngàn lần, và bây giờ vẫn còn Hiện Ra không biết đến bao giờ... Vì thế mà Đức Mẹ lặp đi lặp lại mãi, để đi vào từng chi tiết cuộc sống của các em được thị kiến, của xứ đạo Medjugorje, của các người hành hương và của toàn thể thế giới. Đó là công trình sư phạm đáng khâm phục và gây kinh ngạc cho bao nhiêu người! Vì Đức Mẹ cho biết đây là lần cuối cùng Đức Mẹ đến trên trần gian để dạy dỗ.

Ta gọi các lời dạy dỗ ấy là các Sứ điệp của Đức Mẹ, đấy là những lời từ mẫu, đầy âu yếm, cảm thông, nhưng cũng rất sáng suốt và đòi hỏi.

810. Công trình giáo hóa ấy gồm những gì?

1) Những thông điệp, Đức Mẹ nói qua các cô cậu được thị kiến, hoặc qua hai cô thụ khải: Jelena và Marijana.

a) Những thông điệp Đức Mẹ trao cho Marija vào thứ năm mỗi tuần và sau này mỗi tháng: có những cái dành cho các nhóm cầu nguyện ở Medjugorje, các cái khác dành cho giáo xứ Medjugorje, sau cùng có những cái dành cho tất cả mọi người trên thế giới.

b) Những thông điệp tư riêng cho một hay tất cả các cô cậu được thị kiến, hoặc dành cho linh mục, giám mục và Đ.G.Chủ.

2) Tiểu sử đời dương thế của Đức Mẹ, được chính Đức Mẹ kể cho mấy thị nhân, người được đoạn này, người được đoạn khác. Xem ra, chỉ có Vicka đã ghi chép đầy đủ và sẽ đem xuất bản khi nào được Đức Mẹ cho phép.(a)

3) Các cô cậu thị kiến còn nhận được một số lời dạy bảo - hiện nay còn giữ kín - về tương lai Giáo Hội và thế giới. Người ta gọi là“Những bí mật”, chúng muốn cho mọi người biết lý do trầm trọng và cấp bách khiến Đức Mẹ phải đến kêu gọi thế giới, và biết ý nghĩa tiên tri của tương lai. Những bí mật ấy sẽ được tiết lộ và thể hiện dần dần. Chính khi sống và thực hành các điều đó, người ta sẽ hiểu chúng, như các thị nhân đang sống và thực hành các điều đó trong bình an và đại độ.(b)

4) Thông điệp được củng cố bằng những dấu lạ sáng lạn (chữa bệnh, sự che chở, ăn năn trở lại, hiện tượng mặt trời, ánh sáng và nhiều việc khác). Chúng có chức năng khơi dậy và kích thích lòng tin, nói cách khác, có mục đích nâng đỡ sự yếu tin của loài người, lay động sự ù lỳ, lãnh đạm, thậm chí nghi ngờ và chối từ.

Nhìn chung trên các sự kiện ấy, cha Laurentin nói: Vén màn tất cả lãnh vực mờ tối và tiên tri ấy, nào là bí mật, nào là thông điệp nhắm tương lai hay gợi lại quá khứ mà không ai được biết... Tất cả các điều ấy sẽ rất có thể một ngày nào đặt ra nhiều vấn đề hơn người ta tưởng... Ngay từ bây giờ, ta phải được báo động trước.

Tiếp đây, xin cắt nghĩa vắn tắt mấy mệnh lệnh chính yếu của Sứ điệp:

811. 1/ Trở lại với Thiên Chúa:

Đây là điểm trụ cột của Sứ điệp Medjugorje. “Chỉ có một Thiên Chúa”, “Thiên Chúa có thật”, đó là điều Đức Mẹ đến nhắc lại cho trần gian ngay từ mấy ngày đầu Hiện Ra (6-81), là chìa khóa của tất cả, song đa số nhân loại ngày nay đã quên mất: Người là Đấng Tạo Dựng nên ta, ban cho ta được có, được hiện hữu trên đời. Người không là Đấng Tạo Hóa thuở xưa lúc tạo thiên lập địa, Người đang tiếp tục tạo dựng cũng với một tình yêu như trước. Nếu người không tiếp tục tạo dựng ta, ngay lúc này, ta tức khắc hết sống, hết tồn tại như bóng đèn hết sáng, lúc cúp điện.

Nhưng Thiên Chúa đã tạo dựng ta có sự tự do chọn lựa: ta có thể yêu Người, thờ Người, tin Người hay chối từ, chống đối Người, quên bỏ Người... Loài người nhiều khi tưởng rằng: không có Thiên Chúa, mình sẽ sung sướng hơn, không còn bị ai cấm đoán, ràng buộc... tự do hoàn toàn, muốn làm gì thì làm. Lầm to! Vì Thiên Chúa là nguồn sự sống của ta, lìa bỏ Chúa chẳng khác chi cành lìa cây, sẽ khô héo và chết. Thực ra, nhiều người lánh xa Thiên Chúa, là chỉ vì thấy mình không sống trung nghĩa với Người. Cái sợ làm cho người ta không muốn giáp mặt Người.

Nhưng, Thiên Chúa là tình thương và tha thứ, Kinh Thánh quả quyết không biết bao lần (1Ga 4,8.11...; Ga 3,16...). Hãy khiêm tốn và mở lòng ra, Chúa sẽ vào lại. Nếu ta thấy ngổn ngang, ngần ngại, hãy cầu nguyện thế này:

“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Xin giúp con thay đổi cuộc đời, vì tự con, con không có can đảm làm việc ấy.

Đó là ăn năn trở lại, việc này Đức Mẹ cũng nói ngay từ mấy ngày đầu Hiện Ra (6-81).

Việc ấy thế nào? Đó là nhìn nhận ta đã đi trệch đường và nay ta quay trở lại. Ta đã sống trong ích kỷ và tội lỗi, lìa xa Chúa, quay lưng với Chúa, nay ta quay về với Người, bỏ cách sống trước đây, tập sống theo đường lối của Chúa, theo Thánh Ý Chúa.

812. 2/ Tin:

Việc ăn năn trở lại thể hiện bởi lòng tin. Ta tin: Chúa có thật, là khởi đầu và là cùng đích đời ta. Tin là gắn bó với Chúa, với Lời Chúa dạy mà ta chấp nhận là chân lý. Chắc chắn, những ngày tháng trở về này có nhiều lúc đầy vui sướng dạt dào, nhưng cũng chẳng khỏi có những đêm tăm tối hoang mang. Nhưng đêm tối ấy sẽ có sao, vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ kẻ trông cậy nơi Người.

813. 3/ Cầu nguyện:

Cầu nguyện biểu lộ lòng khao khát, ước vọng sống tốt đẹp hơn. An năn trở lại với Chúa, tuy là một việc của cá nhân tự làm trong tự do, song chỉ có thể thành đạt nhờ ơn Thiên Chúa. Do đó, phải cầu nguyện và tốt hơn cả là cầu nguyện chung với nhau, trong gia đình, trong nhóm, trong Giáo Hội...

Nhưng cầu nguyện không dừng lại ở việc ăn năn trở lại này. Nó còn là hơi thở của đời sống thiêng liêng, là sự giao tiếp thân mật với Thiên Chúa. Chính vì thế, Đức Mẹ ở Medjugorje luôn yêu cầu người ta cầu nguyện. Cầu nguyện thì có tất cả! Có sự sống Thiên Chúa, có hòa bình, có hạnh phúc. Đức Mẹ nhấn mạnh: cầu nguyện với tất cả tấm lòng, với cả con tim mới có giá trị, chứ không phải là đọc những kinh dọn sẵn như cái máy.

814. Cầu nguyện không chỉ là cầu xin, xin ơn, mà còn có nhiều sắc thái như:

Thờ phượng - Tạ ơn - Chúc tụng - Ngợi khen - Dâng hiến - Quyết tâm - Cầu thay nguyện giúp - v.v...

815. 4/ Ăn chay:

Ăn chay ngày nay không còn là một chuyện dành riêng cho các bậc tu hành khổ hạnh, nó đã thành một phong trào. Tạp chí Kiến thức Ngày nay (số 249, 1-4-1987, tr. 54tt) còn gọi là một cuộc cách mạng ẩm thực. Mỗi người có lý do riêng để ăn chay. Phần chúng ta đã được các thị nhân nói cho ta nhiều lần rõ ràng về việc Đức Mẹ xin chúng ta ăn chay và về ích lợi của việc ấy. Xem ra, Đức Mẹ còn chỉ cách ăn chay tốt nhất: đó là ăn bánh mì và uống nước lã. Đây là một kiểu ăn chay theo truyền thống cổ thời của dòng Phanxicô khó khăn, nay được Đức Mẹ lấy lại mà dạy ta làm.

Như vậy, có thể nói nôm na: ăn chay đây là ăn lạt. Khác với cách ăn chay do luật Hội Thánh là ăn đói và kiêng thịt. Cũng khác cả lối ăn chay của Phật giáo là ăn đồ chay, những đồ ăn kiêng sát sinh.

Trước hết, xin nhắc lại lời của Linh mục Robert Faricy, dòng Tên, đã viết ở Lời Giới thiệu:

“Mẹ đã kêu gọi chúng ta vì danh Chúa Giêsu mà ăn chay, nhưng ăn chay cách sáng suốt và thận trọng, bởi cân nhắc đến tuổi tác, sức khoẻ và công việc làm của mình, nhưng dù cách nào thì cũng phải ăn chay”.

Sau đây, cha Laurentin tóm tắt một ít góp ý liên quan đến ăn chay:

a) Ăn chay! Nghe lời ấy, ta phát sợ, nhưng đừng quên đây cũng là tin vui. Tại sao? Vì ăn nhiều quá, bao tử và gan làm việc quá tải, bị mệt, cần được nghỉ ngơi. Biết bao lần, sau những ngày lễ tết, suốt ngày ăn uống đủ thứ, ta cảm thấy mệt mỏi, có người lâm bệnh phải uống thuốc. Nhiều người còn nói: “Khốn khổ cho cái bao tử của tôi!”. Vì thế, ăn chay là một tin vui. Nó là điều tốt cho sức khoẻ: nó loại trừ ra ngoài cơ thể những chất độc, nó tiêu thụ những chất dư ứ đọng trong cơ thể làm ta nặng nề, nhức đầu, đau khớp, phong đủ thứ... Do đó, ngày nay, có một môn trị liệu bằng cách bắt nhịn đói hai, ba tuần lễ... Ngoài ra, những ai ăn chay đều đặn, cũng thường nhận thấy nó làm ích cho thân thể và cả tinh thần nữa. Nó có thể kéo dài tuổi thọ.

b) Nhưng vấn đề ở đây khó khăn hơn: ăn chay bánh mì và nước lã, hai lần mỗi tuần! Đừng vội vàng! Ăn chay là chuyện phải thích nghi dần dần. Và lẽ khôn ngoan bảo ta phải tập theo từng giai đoạn. Bắt đầu, có lẽ tập ăn chay mỗi tuần một lần đã. Đời sống xô bồ, đôn đảo của thời đại ta ngày nay, khiến cho việc ăn chay khó bề phù hợp với sự căng thẳng, với lao tâm lao lực... (Thêm vào đó, còn phải kể đến mức sống của người Tây phương quá đầy đủ, còn mức sống của người VN, chung chung, vốn đã thanh đạm, và ăn thường không đủ chất dinh dưỡng...).

c) Ăn chay đòi hỏi có sự bình an và thư giãn (thú thực cũng khó mà tìm được những ngày có đủ các điều kiện ấy). Cơ quan nội tạng phải thích nghi từ từ với sự ăn chay, và mỗi người phải ăn chay làm sao mà vẫn cho phép họ đạt được hiệu năng trong việc cầu nguyện, trong công việc chức nghiệp, trong các quan hệ giao lưu xã hội... Vì ăn chay không phải là một thứ “khoái làm khổ thể xác”. Bình thường, ăn chay không nên gây cho người ta cảm giác là một ngày buồn bã, hoạt động lờ đờ. Còn nếu hoạt động của ta trở nên bình tĩnh hơn, tuy có đôi chút chậm chạp đi, và đôi khi bị hơi khó chịu vì những hiện tượng phụ thuộc, thì cũng đừng ngại, hoạt động như thế có khi lại hữu hiệu hơn.

đ) Cũng có những trường hợp y khoa chỉ định không được ăn chay, ví dụ người mẹ mang thai hay cho con bú, một người làm việc nặng nhọc (đốn củi, tài xế xe tải lớn...).

e) Cũng có những trường hợp vì lý do tâm lý không ăn chay được. Một người có bệnh, bị ám ảnh bởi cái đói mà không làm sao tự chủ được, người ấy không thấy ăn chay đem lại lợi ích, trái lại, tất cả tính tình họ xem ra như chống lại. Vậy không nên ép uổng về mặt tâm lý, nhưng hãy bắt đầu thử từng chút một, một cách hạn chế.

g) Những ai đều đặn ăn chay không cảm thấy đói. Cùng lắm, thỉnh thoảng họ cảm thấy dạ dầy hơi se lại đôi chút, song mau qua. Đừng chằm chằm chú ý tới điều đó, nếu không nó sẽ hóa to chuyện, vì loại hiện tượng tâm lý này càng nghĩ tới, nó càng làm già, nhưng khi mình không thèm để ý nó sẽ xẹp đi.

h) Đối với những người có tạng mảnh dẻ, yếu ớt và những người có lý do đặc biệt, phải biết thích ứng việc ăn chay. Cách nào? Chẳng hạn: có người ăn chay thì bị đau đầu, đòi phải ăn các miếng đường hay uống nước ngọt..., có người đòi uống rượu, tuy những điều đó không phù hợp với tinh thần ăn chay. Cũng vậy, có người cần uống cà phê để kích thích đầu óc, nhờ thế, họ mới thích ứng việc ăn chay với một cuộc sống căng thẳng và hối hả được. Đó toàn là những trường hợp vạn bất đắc dĩ, ta có thể miễn thứ, song đừng bắt chước. (Cho những người đo, có lẽ khuyên họ ăn trái cây, vừa làm cho bớt đau đầu, vừa làm bớt táo bón. Các sơ ở giáo xứ Medjugorje thường luộc rau cho ai cần ăn, tất nhiên là không có thịt rồi). Những thích ứng nói trên là một giai đoạn để tập dần dần đến ăn chay thực thụ.

i) Những người gặp nhiều ngăn trở lớn về mặt tâm lý, xã hội hay điều gì khác, không có thể ăn chay với bánh mì nước lã, thì họ có thể ít ra ăn không có thịt và làm theo những điều cô Jelena (một thụ khải) khuyên nhủ làm mỗi thứ năm để kính Thánh Thể:

+ “Ai hút thuốc, hãy đừng hút.

+ Ai uống rượu, hãy nhịn uống hôm đó.

+ Những người khác, hãy từ bỏ cái gì mà họ yêu thích nhất.

+ Ăn chay không xem truyền hình”.

k) Ăn chay, cũng còn là hãm dẹp tính bẳn gắt và hung hăng, là sẵn sàng phục vụ người khác, là dành ra những phương tiện để cứu giúp người nghèo và người đói.

l) Nhưng chức năng thiết yếu của ăn chay là đây: Khi dạ dầy trống rỗng, con người sẽ dễ mở đón Thiên Chúa, sẽ thấy thoải mái, dễ dàng cầu nguyện hơn. Thêm vào đó, ăn chay bỏ bớt những thời giờ lo cơm nước, để có nhiều giờ cầu nguyện hơn.

m) Tựu chung, cái tinh thần mới là đáng kể nhất. Nhưng cũng đừng nói: duy chỉ tinh thần là đủ mà không ăn chay cụ thể. Bởi vì việc cầu nguyện và các kinh nghiệm thiêng liêng đều xảy ra trong một thân xác, dựa theo nhịp sống của thân xác và tùy thuộc nhiều vào nó. Đói phần xác có thể đánh thức cái đói của tâm hồn, đó là điều mà ông Lanza del Vasto đã nói lên khi ông ăn chay: “Lạy Chúa, hôm nay, Chúa sẽ là bánh ăn duy nhất của con”.

n) Ăn chay có thể là bệ phóng tốt cho việc cầu nguyện và bình an, cho hòa bình và hòa giải, vì nếu hiểu cho đến cùng, ăn chay chiếu tỏa bình an.

Trải qua nhiều thế kỷ, những ai thực hành giữ chay cách tử tế đều đã cảm nhận được những ích lợi của nó, đặc biệt là mở lòng ra với Thiên Chúa và với anh em. Đ.G.Chủ Lêô Cả giảng:

“Ăn chay đem lại sức khoẻ trong sự tự do và sự tự do trong sức khoẻ, vì xác thịt được điều khiển bởi tinh thần, còn tinh thần bởi ơn Thiên Chúa” (Bài giảng 1, đoạn 2).

“Nó làm nảy sinh những tư tưởng trong sạch, những ý muốn lành mạnh, những lời khuyên bổ ích” (bài 13,1).

“Chớ gì sự nhịn ăn của người ăn chay trở nên của ăn cho người nghèo đói” (bài 13,1).

o) Về mặt thực tế và y học, ăn chay với bánh mì nước lã không có vấn đề, không cần phải đi khám sức khoẻ hay nhờ bác sĩ săn sóc. Tuy vậy, cũng nên phòng bị đôi điều, chẳng hạn:

+ Đừng quên uống nhiều nước trong ngày, vì cần cho thế quân bình và cần để lọc chất độc trong người.

+ Chọn bánh mì thật (pain complet), không phải nửa mì, nửa gạo, nửa sắn (khoai mì)...

+ Song cũng đừng nhồi nhét bánh mì căng bụng, như thế, bạn sẽ đánh mất đi một phần lớn thiện ích của việc ăn chay: tức là thanh tẩy thể xác và tinh thần.

Bây giờ đến lượt bạn hãy xem làm cách nào bước vào cái kinh nghiệm ăn chay ấy mà hằng trăm ngàn các Kitô hữu ngày nay đang khám phá và đang thực hành.

Sau đây, chúng tôi đưa ra vài kinh nghiệm ăn chay đã gặp thấy đây đó tại VN, hợp với hoàn cảnh, tâm lý, sức khoẻ, chế độ ăn uống của người Việt ta:

- Có người ăn cơm chan nước lã (không nên, vì thiếu chất làm hại sức khoẻ).

- Có người ăn bánh mì uống nước lã.

- Có người không ăn bánh mì được (táo bón, nóng), thì ăn cơm trộn với bắp (ngô, khoai), hoặc cơm gạo lức, muối mè...

- Có người ăn cơm với rau muống luộc, đậu bắp luộc chấm tương, chấm chao, nước mắm...

- Có người ăn cơm với canh rau (dền, mồng tơi...) và cà muối...

Đại khái như thế! Và dĩ nhiên là được ăn no. Nhưng hãy nhớ lời Đức Mẹ dạy: “Các con hãy ăn chay vì yêu mến”. Phải có cái tinh thần ấy đã, rồi chúng ta sẽ biết phải làm gì... Tinh thần là trước hết.

Chiếu theo tinh thần ấy, ta nghe lời Đức Mẹ dạy mà ăn chay: ăn lạt, để làm chủ những đòi hỏi thể xác, các thèm muốn, đạt lấy tự do tinh thần, không bị cái ăn, cái uống chiều dưỡng xác thịt, bắt ta làm nô lệ. Kèm theo đó, ta muốn hãm mình để đền tội cho mình, cho đồng loại... Theo tinh thần ấy, ta điều chỉnh ẩm thực sao cho hợp với tạng người VN, không làm mất sức khoẻ để làm việc, không gây nên những trạng thái bi quan, bẳn gắt, gây gổ... nếu không, lợi bất cập hại, vì Đức Mẹ muốn ta ăn chay để sống bình an, lan tỏa bình an và yêu thương, chứ Đức Mẹ không muốn một thế giới gồm những người luôn càu nhàu, bẳn gắt vì ăn đói.

Ông Đỗ Sinh Tứ (sđd, 78) đưa ra gợi ý sau đây khi ông trưng dẫn gương Đức Giêsu ăn chay 40 ngày (Mt 4,1tt) và lời Đức Giêsu bảo các môn đệ thất bại không trừ quỉ nổi: “Giống quỉ này chỉ có thể trừ được bằng cầu nguyện và ăn chay” (Mt 17,14-20): “Bởi vậy, trong việc chữa trị cho thế giới hỗn loạn thời nay - một thời buổi tôn thờ xác thịt - để họ được sống cảnh an bình, thư thái, Đức Mẹ không những khuyên dạy mọi người thành tâm cần phải có đức tin mạnh, mà còn đặt nặng vấn đề ăn chay, cầu nguyện. Thường tình ở đời, không người mẹ nào muốn cho con mình phải nhịn ăn, nhịn uống, nhưng khi bệnh tình của đứa con cần phải kiêng cữ, thì người mẹ càng thương con, càng muốn cứu sống con, sẽ càng canh chừng (và khuyên nhủ con), không để cho con ăn uống trái với lệnh thày thuốc”.

816. 5/ Hòa bình và hòa giải:

Tất cả mấy điểm then chốt nói trên đưa đến hiệu quả là hòa giải và bình an (hay hòa bình): cốt tủy của Sứ điệp. Chính vì thế, trước bao căng thẳng, chiến tranh, bạo lực, hận thù của thế giới..., ngay ngày 26-6, tức là ngày thứ ba của cuộc Hiện Ra, Đức Mẹ đã gióng tiếng:

“Hòa bình! Hòa bình! Hòa bình! Hãy hòa giải với Thiên Chúa, với nhau!”.

Gốc rễ của mọi chia rẽ là bởi người ta đã cắt đứt liên hệ với Thiên Chúa. Chia rẽ trong chính bản thân ta, chia rẽ với người khác. Trở về cùng Thiên Chúa là Cha chung, tức khắc, ta sẽ yêu thương mọi người là con cùng một Cha. Thư 1 Gioan (4,11) dạy: “Nếu Thiên Chúa đã yêu mến ta như thế, thì ta cũng phải yêu mến nhau”... và (5,1): “Phàm ai yêu mến Thiên Chúa, Đấng Sinh Thành, tất yêu mến kẻ bởi Người sinh ra”.

Loài người thường cưu mang hận thù dai dẳng. Hãy cầu xin Thiên Chúa chữa cho “cái trí nhớ” bệnh hoạn ấy. Lúc đó, ta sẽ thực sự được giải thoát và thư thái, vì có lần Đức Mẹ bảo: “Kẻ cưu mang hận thù, không tha thứ, chính họ làm hại cho mình trước tiên”, vì hận thù là một chất độc, nó đầu độc chính trái tim ta trước. Được giải thoát khỏi hận thù, ta sẽ có thể cầu nguyện cho kẻ làm khốn ta, yêu thương kẻ thù và làm ơn cho họ, như Tin Mừng dạy.

Đấy là kinh nghiệm mà hàng triệu triệu con người đã được nếm trải tại Medjugorje, thánh địa của bình an, tình thương và hạnh phúc.

816 bis. Cơ cấu toàn bộ Sứ điệp của Đức Mẹ nói trên cũng chính là cái mà Đức Mẹ thường bảo là Kế hoạch của Thiên Chúa hay Kế hoạch của Mẹ.

Có lúc, Đức Mẹ vui mừng tỏ cho các thị nhân biết kế hoạch bắt đầu được thực hiện (x. Thông điệp 25-8-91, tức số 693), hoặc đã thực hiện một phần rồi... Có lúc, Đức Mẹ buồn rầu chảy nước mắt nói: “Nhiều người không màng chi đến ăn năn hối cải!”. Lúc khác, Người loan báo phần hai của chương trình. Lại có nhiều khi Người cảnh báo: Satan đang ra sức cản trở, phá hoại kế hoạch (chương trình) của Người..., nên Người xin ăn chay, cầu nguyện nghiêm chỉnh hơn... Mẹ còn trao trách nhiệm cho các thị nhân, giáo xứ Medjugorje và những ai liên hệ với Medjugorje phải truyền bá các Sứ điệp của Mẹ cho toàn thế giới, cho tất cả những ai họ gặp, họ quen biết. Cũng chính từ lúc đó, các thị nhân và thụ khải đi du hành nhiều nơi trên thế giới để chu toàn sứ mệnh đó. Mẹ luôn kêu gọi người ta cộng tác với Mẹ và Mẹ nói là Mẹ cần sự cộng tác ấy. Dụng cụ đích thực để thực hiện chương trình của Mẹ, Mẹ thường nhắc đến luôn: đó là cầu nguyện, ăn chay, lần hạt Mân Côi. Chính sự Hiện Ra lâu dài ở Medjugorje của Mẹ cũng là một ơn huệ của Thiên Chúa và là một phần của kế hoạch thần linh ấy, để đưa toàn thể nhân loại đến cuộc sống hạnh phúc, hòa bình ; và sau này, mọi người được về thiên đàng ở với Mẹ (các điểm nói trên đây, được thuật ở các thông điệp cách riêng chương 14).

-----ooo-----


(a) Cha Laurentin có ghi chú về điều này: Đây là viễn tượng đáng e ngại, vì tất cả những “hạnh tích được mặc khải” về đời sống Đức Mẹ như cho Maria dAgreda thế kỷ 17, Catarina Emmerich thế kỷ 18, Maria Valtorta thế kỷ 20..., đã luôn gây ra nhiều vấn đề trong Hội Thánh...

(b) Cha Laurentin nhắc nhở: Hãy coi chừng ảo tưởng thị giác, rất thường xảy ra trong các chuyện bí mật và các điều tứ chung. Đ.Tổng Giám mục Frane Franic (thành Split, Nam Tư) cũng nói: “Các trừng phạt mà các em thị kiến thuật lại đều cùng một kiểu như các trừng phạt của sách Khải Huyền..., nên cần giải thích chúng theo kiểu sách Khải Huyền...” (Z, 176).

Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Bà, Nữ Vương Hòa Bình (10/26/2008)
Thông Điệp Ngày 25 Tháng 10 Năm 2008 Từ Medjugorje, Nam Tư. (10/25/2008)
Cn112: Đức Mẹ Hiện Ra Với Nhóm Hành Hương Giờ Của Mẹ Vào Tháng 3, 2002 (10/24/2008)
Tầm Quan Trọng Của Kinh Truyền Tin (10/22/2008)
Mặt Trời Nhảy Múa Tại Đền Thánh Vô Nhiễm Mẹ Maria Ở New Jersey, Hoa Kỳ, Ngày 13/10/2008. (10/21/2008)
Tin/Bài khác
Phù Thủy Theo Kitô Giáo Nhờ Danh Thánh Maria (10/2/2008)
Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mai Khôi, Cầu Cho Chúng Con (10/1/2008)
Tháng Mân Côi Ðức Mẹ Maria (10/1/2008)
Tháng 10, Tháng Mân Côi Ðức Mẹ Maria (10/1/2008)
Mai Khôi: Bông Hồng Đẹp, Viên Ngọc Quý (10/1/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768