Phụ Chương 6
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
Về Vụ Đ.G.Mục Sở Tại Chống Đối Việc Đức Mẹ Hiện RaÝ Kiến Và Thái Độ Của Đ.G.Chủ Và Các Chức Sắc Giáo Hội
(Tóm lược: L, 31tt; Z, 29, 40tt; 136tt; 171t; W. 274-282; T, 127tt; E, 126t; 79t; 131tt.
818. Cha R.Laurentin đã cho biết tóm tắt như sau (sđd, tr. 31):
Giám mục sở tại, Pavao Zanic, cai quản giáo phận Mostar, thời gian đầu có thiện cảm và còn có thể nói là đã tin và rất phấn khởi về việc Đức Mẹ hiện ra. Ong Đỗ Sinh Tứ, sđd, 26-28; 127tt đã nêu rõ các hành động thiện cảm của Ngài như: cho phép tổ chức lễ nghi tôn giáo cổ võ niềm tin vào việc Đức Mẹ hiện ra, cho tự do hành hương, cho cơ quan thông tin của giáo phận tự do loan truyền tin tức liên quan đến vụ Hiện Ra, viết báo trả lời chống lại những ai xuyên tạc, chụp mũ..., cho thành lập một ủy ban địa phận để cứu xét rất sớm..., bênh vực các em được thị kiến...
Nhưng dần dà, Đ.G.Mục đã nghiêng về phía chống đối vì những lý do đa số là cục bộ: không kể áp lực phía chính quyền hồi đó (......),(a) Ngài còn bị vướng vào một cuộc tranh chấp khó gỡ với các cha Dòng Phan sinh. Các linh mục Phan sinh vốn là những vị truyền giáo đã từ 400 năm trước tới miền này rao giảng và lập giáo đoàn, đồng thời cũng là những linh mục coi sóc các miền ấy trong suốt mấy thế kỷ. Con số của họ chiếm 80% trong hàng giáo sĩ. Hàng giáo sĩ triều, mới được thiết lập từ năm 1881, muốn lấy lại các giáo xứ... Nhưng giáo dân, vốn gắn bó với các cha dòng Phan Sinh, đã chống cự lại cách mãnh liệt do tính tình hăng nồng sẵn có của dân Croát (x. T, 12-129 cho thêm ít chi tiết). Đã thế rồi, nay các cuộc Hiện Ra lại xảy đến trong một giáo xứ thuộc các cha dòng Phan Sinh ấy. Các vị này - đang gặp rắc rối với Đ.G.Mục - tỏ ra rất nhiệt thành đối với việc Hiện Ra. Các vị đã nhờ các em được thị kiến xin lãnh ý của Đức Mẹ tới 13 lần và những lời đáp ấy khi chuyển qua các em, đã được nói lại tùy theo tính tình của mỗi em, nên có những sắc thái khác biệt (x. T, 128t; W, 276). Đức Cha Zanic lại chỉ ghi nhớ những lời cứng rắn nhất, do đó, Ngài đâm ra xác tín rằng: Đức Mẹ ở Medjugorje chống lại Giám mục, vậy không thể là Đức Mẹ thực, vì Đức Mẹ thực không thể chống lại quyền bính Hội Thánh. Từ đó, Đ.G.Mục đưa ra những giải thích khác nhau về sự kiện Hiện Ra, nhưng tựu chung, đều tiêu cực cả, đại khái: đây là trò bày đặt, mưu đồ của các cha Phan Sinh, hoặc chỉ là những hiện tượng siêu nhạy cảm tâm lý, hoặc có nguyên nhân bí ẩn, hoặc ảo giác, giả bộ, mạo danh, “nhái lại” các cuộc Hiện Ra và ngay cả “hiện tượng do ma quỉ xúi bẩy”.
819. Ngược lại, rất nhiều Giám mục và thần học gia nổi tiếng quốc tế chẳng hạn Tổng Giám mục ở Zagabria, ở Split, hay ở Pescara, nhà thần học Urs von Balthasar, Michael Scanlan, viện trưởng Đại học Hoa Kỳ..., ngay cả ông David Duplessis, người Tin Lành rất nổi tiếng thuộc hệ phái Ngũ Tuần... (x. T, tr 28tt đưa ra nhiều chi tiết cụ thể). Trong số đó, phải kể đến cha R. Laurentin đang nói đây, rồi những nhận xét của các tôn giáo bạn, của các nhà khoa học, bác sĩ ở nhiều quốc gia và của chính Tòa Thánh gửi đến xét nghiệm các em: tất cả các vị này đều đưa ra những nhận định nghiêm túc và đánh giá cao các cuộc Hiện Ra, bởi đã nhận thấy tính cách rất trong sáng và các hoa quả thiêng liêng.
820. Còn Đ.G.Chủ, Ngài nghĩ sao?
Cha Laurentin viết: Ngài theo dõi chăm chú biến cố này. Ngài đã đọc các sách của tôi, các báo cáo (khoa học) của các bác sĩ người Pháp và Ý mà Ngài đã chuyển sang cho Thánh Bộ có thẩm quyền cứu xét (phải kể cả lá thư - báo cáo lên Đ.G.Chủ, x. số 817, 817 bis). Tuy vậy, Ngài cố gắng không can dự vào vụ Hiện Ra này, vốn trực thuộc thẩm quyền của các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội địa phương trước tiên, theo đúng cách thức hành sự truyền thống của Hội Thánh và theo nguyên tắc tôn ti trật tự. Nếu có những lý do để nhận thấy Ngài có thiện cảm với việc Hiện Ra (vd: khuyến khích người ta đi hành hương ở Medjugorje, Ngài tiếp kiến nhóm hành hương và cùng hát với họ bài ca hành hương... (x. T, 175, 195), thì đừng vội cho đó là Ngài đã phán quyết. Trong cương vị tối cao của Ngài, Ngài phải đứng ngoài, cách thận trọng, và không đưa ra nhận xét nào có thể ảnh hưởng tới các cuộc điều tra đang tiến hành.
Có một điều chắc chắn: (cha Laurentin viết tiếp) đó là Tòa Thánh đã ngăn cản Đ.G.Mục Mostar (Giám mục sở tại) không được tuyên bố phán quyết tiêu cực mà ngài sắp công bố ra (1986) và Tòa Thánh (lần đầu tiên trong lịch sử Hội Thánh) đã cất quyền phán quyết của ngài về việc Hiện Ra, khi xin ngài giải tán Uy ban điều tra địa phận ngài thành lập (gồm nhiều thành viên vốn sẵn ý chống đối) và trao lại sự việc cho Tòa Thánh ở Roma để lập một Uy ban mới dưới quyền Hội đồng Giám mục Nam Tư. Theo hãng thông tấn Công giáo Đức quốc KNA (8-1-1991), Đức Hồng Y Kuharic, Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Nam Tư, thì Uy ban điều tra chính thức (CEJ) không đưa ra một phán quyết nào có tính chung kết cả (Lý do rất dễ hiểu: các cuộc Hiện Ra của Đức Mẹ vẫn chưa chấm dứt, như đã nói ở mục “Ngỏ Lời” (số 01tt).
Như vậy, bất cứ phê phán của một ai, dù là của một Giám mục nào, cũng chỉ là một ý kiến cá nhân, không có giá trị chính thức. Chỉ khi nào Uy ban điều tra (CEJ) của Hội đồng G.M Nam Tư sẽ phán quyết chung kết và được Tòa Thánh phê nhận, phán quyết ấy mới có giá trị chính thức và mọi người Công giáo phải tuân theo. Hiện nay, các Giám mục Nam Tư chỉ cấm những cuộc hành hương chính thức (nghĩa là do hàng giáo phẩm, hay linh mục, nhân danh Giáo Hội mà tổ chức), còn các cuộc hành hương tư riêng thì không. Mọi người, kể cả linh mục... đều được tự do đến Medjugorje (Quyết nghị của Đ.T.G.Mục Frane Franic sau cuộc họp ngày 16-9-1987, đăng trong E, 79).
821. Xin trích ra đây vài cảm tưởng và phát biểu theo tư cách tư riêng của Đ.G.Chủ: P. Zorza (tr 68) có tiết lộ: tháng 7-87, năm thánh Thánh Mẫu, Mirjana cùng một đoàn hành hương gồm 900 bạn trẻ, dưới sự hướng dẫn của Đ.T.G.Mục thành Split (Nam Tư) đến yết kiến chung Đ.G.Chủ tại nhà nghỉ hè Castelgandolfo. Sau cuộc tiếp kiến chung, biết có Mirjana trong đoàn, Đ.G.Chủ cử Đ.H.Y xứ Zaia mời Mirjana lên gặp riêng Ngài. Sau cuộc nói chuyện với Ngài, Mirjana tâm sự cho biết: Đ.G.Chủ tin vào các cuộc Hiện Ra của Đức Mẹ ở Medjugorje. Cũng dễ hiểu: chính Đức Mẹ đã nói Mẹ cứu Đ.G.Chủ thoát chết khi bị ám sát hôm 13-5-81 ở Công trường Thánh Phêrô (x. số 817 bis, có trích đăng).
- Đáp lại câu hỏi của Đ.T.G.Mục thành Asuncion, La Paz, Bolivia, 2-1995, Đ.G.Chủ nói: “Tất cả những gì liên can đến Medjugorje, Đức Cha cứ việc cho phép”.
- Ngày 22-3-95, Vicka cùng đi với 350 thương binh Croát đến viếng Roma và yết kiến Đ.G.Chủ. Cô làm thông ngôn. Đ.G.Chủ nhận ra cô ngay, Ngài hỏi: “Có phải con là Vicka ở Medjugorje không?”. Vicka dâng tặng Ngài một cỗ tràng hạt: “Thưa Đ.G.Chủ, con biết Ngài đã có nhiều cỗ tràng hạt rồi, song cỗ này đặc biệt vì đã được chính Đức Mẹ làm phép trong một buổi Hiện Ra”. Đ.G.Chủ nói: “Hãy cầu cùng Đức Mẹ cho Ta, Ta cũng sẽ cầu cho con”. Rồi Ngài cầu nguyện một lúc lâu và ban phép lành cho cô.
- Ngày 6-4-95, một phái đoàn Croát chính thức yết kiến Đ.G.Chủ. Trong phái đoàn, có sự tham dự của Tổng Thống Tudjman, Phó Tổng Thống Radic và Đ.H.Y Kuharic của thành phố Zagabria. Sau khi đọc diễn từ, Đ.G.Chủ nói thêm mấy câu: “Tôi muốn đến Split, Maria Bistrica và Medjugorje”.
- Tháng 6-1986, một nhóm 12 Giám mục Ý hỏi ý kiến Đ.G.Chủ về việc hành hương đến Medjugorje, Đ.G.Chủ trả lời: “Hãy để cho dân chúng đến Medjugorje, nếu nhờ đó, họ ăn năn hối cải, cầu nguyện, xưng tội, làm việc đền tội và ăn chay”.
- Trả lời cho một Đ.T.G.Mục còn băn khoăn không biết có nên ngăn cản các linh mục dưới quyền ngài đi hành hương Medjugorje không, Đ.G.Chủ hỏi: “Khi đi đến đó, các linh mục trở nên tốt hơn hay không?”. Khi được trả lời là tốt hơn, Đ.G.Chủ nói: “Vậy hãy để họ đến đó! Hãy để họ đến đó!”
- Trong cuộc bệ kiến năm 1990, Đ.G.Mục M.D.Pfeifer, Texas, đã nghe Đ.G.Chủ nói rất thiện cảm về Medjugorje, vì thấy bao việc tốt lành đã làm cho dân chúng tại đó. Ngài còn nói với các Đ.G.Mục khác cũng trong cuộc bệ kiến ấy là: cho đến bây giờ, các sứ điệp của Medjugorje không có gì trái với Phúc Âm.
- Tháng 8-1989, Đ.G.Chủ nói với một nhóm các bác sĩ Ý có nhiệm vụ khảo sát về mặt khoa học hiện tượng xuất thần và chữa lành ở Medjugorje: “Ngày nay, thế giới đã đánh mất cảm thức của mình về thế giới siêu nhiên. Song nhiều người đang đi tìm lại và đã tìm thấy ở Medjugorje, nhờ cầu nguyện, đền tội và ăn chay” (Đ.G.Mục Phaolo Hnilica, SJ, Phụ tá thành Roma thuật lại và câu này được ghi trên cửa kính nhà thờ Medjugorje năm 1991).
- Đ.G.Mục Murilo Krieger, Phụ tá thành Florianopolis, Brazil thuật lại trước khi ngài đi hành hương Medjugorje lần thứ tư, rằng Đ.G.Chủ nói: “Medjugorje là một trung tâm lòng đạo đức thiêng liêng lớn lao”, rồi Đ.G.Chủ ban phép lành Tòa Thánh cho các thị nhân.
821 bis. Còn Đức Hồng Y Ratzinger, Chủ tịch Thánh Bộ Giáo lý và Đức tin, khi được hỏi về việc Hiện Ra ở Nam Tư, đã trả lời: “Cần phải nhẫn nại, chắc chắn chúng ta không thể ngăn cản Thiên Chúa nói trong thời đại chúng ta, mặc dù là nói qua những người tầm thường và những dấu lạ, làm cho thấy sự thiếu kém của một nền văn hóa, như nền văn hóa của chúng ta đây, đang bị thuyết duy lý làm cho nên rối rắm”. Như vậy, chúng ta thấy, mặc dù có thông cáo bất lợi ngày 30-10-84 của Giám mục sở tại, câu trả lời của vị Hồng Y Chủ tịch cơ quan hệ trọng nhất của Tòa Thánh La Mã, cho thấy việc Hiện Ra ở Medjugorje vẫn được Tòa Thánh La Mã đặc biệt chú ý tới, để giải quyết trong chiều hướng nhìn nhận tiếng nói của Thiên Chúa qua Đức Mẹ... Đã là việc của Thiên Chúa, thì dù gặp trắc trở, cuối cùng cũng phải được nhìn nhận (x. CVTĐ 5,38-39). Nếu Chúa còn cho phép Satan quấy phá, thì cũng chỉ làm cho ứng nghiệm bản án Người đã tuyên phạt con rắn cám dỗ ở Địa Đàng: “Mày sẽ rình táp gót chân Bà ấy, nhưng Bà ấy sẽ đạp nát đầu mày” (T, 194t).
Còn biết bao lời phát biểu của các Hồng Y, T.G.Mục và Giám mục khác nữa, chỉ nêu ra vài lời:
“Chúng tôi, các Giám mục đã nhận Medjugorje như một nơi cầu nguyện, như một Đền thiêng...” (Đ.H.Y Kuharic, Nam Tư, 8-1993).
“Tôi nhận thấy những người từ Medjugorje về đã trở thành Tông đồ... Họ đổi mới các giáo xứ” (Đ.H.Y Siri, 1989).
“Đ.G.Chủ nói một cách rất thiện cảm về những gì xảy ra ở Medjugorje... Bảo rằng không có gì xảy ra ở đó, là từ chối chứng tá sống động và thấm nhuần cầu nguyện của hàng trăm ngàn những người đã đến đó” (Đ.G.Mục Michael Pfeifer, San Angelo, Texas, 5-8-1988).
“Chưa bao giờ chúng tôi thấy nhà thờ có những Thánh Lễ hàng ngày đầy ắp người dự lễ như bây giờ. Chúng tôi thấy đó là hoa quả của những gì đã xảy ra ở Medjugorje” (Đ.T.G.Mục Yong, Singapore, 25-6-1988).
“Medjugorje là câu trả lời cụ thể cho những vấn đề của thế giới hiện đại... Tôi biết rõ Đ.G.Chủ thật đã xác tín về việc Hiện Ra ở Medjugorje là xác thật... Medjugorje quả đúng là biến cố của thế kỷ!” (Đ.G.Mục Francesco Colasuono, Phụ tá Khâm sứ Tòa Thánh, 31-7-1985).
822. Như vậy, chúng ta có thể vững tâm cầu nguyện - và nếu được - ăn chay nữa như Đức Mẹ đã khuyên dạy, chờ ngày toàn thắng vinh quang của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ. Hiện nay, sự im lặng của Giáo Hội - theo ý Đ.G.Mục Paolo Hnilica - phải được hiểu cách tích cực, như là một sự tán thành, vì nếu có gì sai lạc, xấu xa, thì Giáo Hội đã ngăn cấm rồi (E, 133).
822 bis. Hiện tình của sự kiện Medjugorje trước mặt Giáo Hội có thể nói là càng ngày càng thuận lợi. P. Zorza, viết sách năm 1996, cho biết: thái độ của Đ.G.Mục Pavao Zanic, G.Mục sở tại, đã có vẻ hòa hoãn hơn, kể từ 1990. Ngài đã đến ban phép Thêm Sức ở giáo xứ Medjugorje và không còn đả kích việc Hiện Ra như đã làm cách đây ba năm (Z, 171). Và năm 1993, một Giám mục mới đã thay thế ngôi giám mục của ngài (Z, 172). Hiện nay, Uy ban (điều tra) thứ ba đang theo dõi vụ này và mọi người đều chờ phán quyết của ủy ban đã do Tòa Thánh ủy nhiệm cho toàn bộ Hội đồng Giám mục Nam Tư thành lập, và phán quyết này chỉ ban bố khi các cuộc Hiện Ra chấm dứt.
Nhưng chờ, không có nghĩa là đợi đến lúc Giáo Hội phán quyết rồi mới bắt đầu tham gia và thực hành các sứ điệp của Đức Mẹ, như thế e quá trễ... như đã nói ở đầu (số 01t). Chúng ta, nhờ cảm thức đức tin (như một thứ bản năng), có thể ngay từ bây giờ, nhìn vào tất cả những hoa quả tốt lành mà thực hành các sứ điệp của Đức Mẹ ở Medjugorje trước. Chính Đức Mẹ đã giải thích như thế khi nói (năm 1986): “Phải vâng theo quyền bính Giáo Hội, đó là điều chắc chắn. Nhưng Giáo Hội đưa ra phán quyết, phải là trên cái gì đó đã phát triển, vì Giáo Hội không thể phán quyết trên sự trống không. Phép Bí tích Thêm Sức cũng vậy, chỉ ban xuống khi trẻ lớn lên đã. Trước tiên là nó phải sinh ra, rồi được Rửa tội, rồi mới Thêm sức. Giáo Hội thêm sức cho kẻ đã sinh bởi Thiên Chúa. Các con cũng phải bước đi và tiến triển trong đời sống thiêng liêng bởi thi hành các sứ điệp (của Mẹ) đây đã!”. Vì vậy cho nên Đ.T.G.Mục thành Split (Nam Tư) cho phép tín hữu được hành hương đến Medjugorje và cho phép các linh mục đi theo để giúp đỡ họ. Hội đồng Giám mục Nam Tư cũng cho phép như vậy.
Ngày 17-6-1991, ba Giám mục thành viên của Uy ban này cùng với Giám mục sở tại Mostar đến viếng Medjugorje và dâng lễ đồng tế khai mạc tuần cửu nhật quốc tế kỷ niệm 10 năm Đức Mẹ hiện ra. Thứ hai sau đó, Đ.T.G.Mục thành Split chủ tọa Thánh Lễ đồng tế cùng 230 linh mục từ khắp nơi trên thế giới đến. Các bài giảng đều nói về việc Đức Mẹ hiện ra.
ĐTG Mục Frane Franic, nguyên Tổng Giám mục thành Split và nguyên Chủ tịch hội đồng Giám mục Nam Tư, khẳng định: “Đối với tôi, Đức Mẹ đã hiện ra thật ở Medjugorje”. Ngài cho một bài thuyết trình dài với đầy đủ mọi lý lẽ và sự kiện dẫn chứng cho lời quả quyết ấy (Z, 171-79). Và từ lâu, ngài đã không ngần ngại cho các tín hữu và linh mục dưới quyền ngài đi đến Medjugorje.
Và có lời nào có sức khuyến khích cùng làm phấn khởi ta cho bằng của Đ.G.Chủ Gioan Phaolô II nói với Đ.H.Y Tomasek và với cô Mirjana, thị nhân: “Nếu Ta không là Đ.G.Chủ, Ta đã đến Medjugorje rồi!”
-----ooo-----
(a) Z, 40-42, 105, 172; W, 275.
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
|