Phụ Chương 7: Tình Hình Nước Nam Tư (Cũ) (1987) Khi Đức Mẹ Hiện Ra
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
(Phỏng theo L, 13tt)
823. Những cuộc Hiện Ra ở Medjugorje xảy ra trong một đất nước sống dưới chế độ tự xưng là vô thần, nhưng lại là chế độ cởi mở nhất trong khối xã hội chủ nghĩa mác xít: đấy là một đất nước thuộc miền Địa Trung Hải, tức là miền có tình nhân đạo, một đất nước độc lập, cho nên có liên lạc ngoại giao với Tòa Thánh: Đại sứ Nam Tư đặt ở Rôma, ngược lại Rôma đặt vị Khâm sứ ở thủ đô Belgrade. Ở đó, dịch vụ du lịch biết tổ chức tiếp đón ân cần, điều đó minh chứng không phải là một đất nước khép kín sau “bức màn sắt” như người ta thường nói. Nằm đối diện với nước Ý, chỉ cách một eo biển Adriatique, Nam Tư có một bờ biển thoáng đẹp, lôi cuốn được khách mọi miền trên thế giới.
824. Đất nước này gồm nhiều sắc dân, khá phức tạp và âm ỉ những mầm mống dễ nổ ra nội chiến: nào người Serbe, Croate, Slavơ, Makêđônia, v.v... và còn 18 sắc tộc thiểu số nữa...
- Họp thành 6 bang cộng hòa.
- 14 ngôn ngữ.
- Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Về mặt tôn giáo:
- 14 triệu người Chính thống giáo.
- 6 triệu người Công giáo.
- 2 triệu người Hồi giáo.
- Không kể người Tin lành, Do thái giáo và một số đạo khác, hoặc những người không tin gì cả.
825. Người ta phải thán phục một đất nước phức tạp và sôi động như thế, lại vẫn là một miền đất hiếu khách và an bình. Đây là miền đất duy nhất của Đông Au mà các cuộc Hiện Ra có thể tiếp diễn, không bị đàn áp nặng nề, tuy bị kiểm soát chặt chẽ khéo léo: các em được thị kiến bị gọi đến thẩm vấn ở ban Công an nhiều lần, được chuyển sang cho các bác sĩ xét nghiệm về y khoa và tâm bệnh, thế nhưng không hề bị cầm tù. Và cha mẹ của các em thị kiến đã có thể dựa vào luật pháp mà đòi hỏi chính quyền chấm dứt các cuộc tra hỏi các vị thành niên, hay ít ra chỉ tra hỏi các em trước mặt cha mẹ các em. Còn trường hợp cha sở và vài người khác bị lên án và ngồi tù cùng đôi ba cuộc đàn áp khác... nhưng cũng đã sớm chấm dứt. Các Giám mục có thể lên tiếng trong báo chí để phản đối việc đàn áp hay chụp mũ... (x. T, 27-29...)
826. Năm 1985, đài truyền hình Slavơ, rồi toàn quốc (17-10), đã thông tin về các cuộc Hiện Ra một cách khách quan, có thể coi như một chứng từ thật sự. Người ta chỉ còn biết ca ngợi tài năng chức nghiệp và tính khách quan của các nhà báo.
Nếu ban đầu, các cuộc Hiện Ra đã bị coi như một âm mưu chính trị do các phần tử “giáo sĩ và chống đối” người Croate, núp dưới chiêu bài “Đức Mẹ”, nhưng sự trật tự an ninh, sự kín đáo dè giữ, lòng nhẫn nại và sự biết điều khéo xử của mọi người đã xóa tan mối nghi kỵ đó. Hiện nay, báo chí Nam Tư công bố: “Các cuộc Hiện Ra ấy là một hiện tượng thuần túy tôn giáo, vậy là hợp pháp và có lợi cho nền kinh tế của xứ sở”. Theo Đỗ Sinh Tứ (sđd, 40) thì cụ thể là “từ 7-84, một vị đại diện của Bộ Tôn Giáo ở Sarajevo đã đích thân đến báo tin cho các linh mục ở Medjugorje biết: từ nay, họ sẽ không bị phiền lụy nữa, vì công việc của họ mang lại nhiều ngoại tệ” (muốn biết thêm xem E, từ 90tt).
---o0o---
CHƯƠNG 3
827. Chú thích 1 (ct 1): Đấng Đáng Kính Maria Agreda, Thành Đô mầu nhiệm của Thiên Chúa, Washington, N.J: Ave Maria Institute, 1971, 85.
(ct 2): như trên.
(ct 3): như trên.
(ct 4): như trên.
(ct 5): như trên.
CHƯƠNG 5
828. (ct 6): Linh mục Tiến sĩ Slavko Barbaric, chuyên ngành thần học-tâm lý học, được phái về giáo xứ Medjugorje sáu tháng sau ngày đầu tiên của cuộc Hiện Ra, để vạch trần và lột mặt nạ các em thị kiến. Nhưng ngược lại, sau khi khảo sát kỹ lưỡng, ngài trở thành một trong những người bảo vệ các em thị kiến và các em thụ khải. Nói thông thạo nhiều ngôn ngữ, Linh mục Barbaric đã cẩn thận ghi lại làm ký sự tính chất mầu nhiệm của hiện tượng Hiện Ra ở Medjugorje. Chị của linh mục là mẹ chồng của Mirjana.
829. (ct 7): Mirjana cho biết ma quỉ đã hiện ra với cô một lần. Khi cô đang đọc kinh chờ đón Đức Mẹ, thì quỉ thình lình hiện ra dưới hình dáng bảnh bao, chứ không xấu xí, hì lợm để dễ bề phỉnh gạt. Hình như nó cho cô một cái sức mạnh kỳ lạ nào đó để cô có thể chấp nhận làm theo điều nó đề nghị. Nó hứa với cô đủ điều (nào là cuộc tình duyên hạnh phúc, nào là sung sướng giàu có...), miễn sao cô bỏ Đức Mẹ, không còn tin vào Mẹ nữa (vì đi theo Đức Mẹ chỉ có khổ mà thôi), đó chẳng phải là Đức Mẹ dụ dỗ để làm hại ư? - Nhưng Mirjana trả lời dứt khoát: “Không”. Liền đó, Đức Mẹ hiện ra và ma quỉ biến mất. Đức Mẹ xin lỗi cô và nói có ý để cho cô trải qua kinh nghiệm này mà biết rằng: ma quỉ có thật và sự cám dỗ của nó mạnh mẽ chừng nào (x. T, 63; Queen, 22,76).
(ct 8): Tại nhà của Mirjana ở Sarajevo. Sau thị kiến, cô ngồi xuống, vẻ mặt rất buồn. Cả nhà đều biết là có sự gì xảy ra. Bà mẹ ruột của cô lên tiếng hỏi: “Có gì thế con?”. Mirjana liền khóc và đi ra ngoài. Một lúc sau, cô trở lại và nói: “Đây là lần Hiện Ra áp chót. Đức Mẹ sẽ chỉ còn hiện ra với con một lần nữa vào ngày mai thôi để mừng lễ Giáng Sinh. Đây là lễ Giáng Sinh buồn nhất của con”. Chiều ngày lễ Giáng Sinh (năm 1982), Mirjana nhận được bí mật thứ 10, cũng là bí mật chót... Lần Hiện Ra này kéo dài 40 phút, Mẹ an ủi và khuyến khích cô (T, 62).
830. (ct 9): Chúa Giêsu là Vị Trung Gian: Theo mặt công lý, Ngài chuyển cầu cho ta bằng cách trình lên Cha cuộc khổ nạn cứu chuộc của Ngài, nhờ đó, Ngài đã đền thay, đã trả giá chuộc tội cho ta.
Còn Đức Maria chỉ là vị Trung Gian các ơn sủng, theo nghĩa Mẹ cầu bầu cho ta, để ta được tha thứ tội, nhờ công nghiệp của cuộc Tử nạn cứu chuộc của Chúa Giêsu. Đức Mẹ tự mình không có gì cân xứng để dâng lên Thiên Chúa Cha có sức khiến ta được công chính hóa... Nếu Đức Giêsu chuyển cầu cho ta trên trời, đó là Ngài chuyển cầu nhờ vào chính công nghiệp của mình, còn Đức Maria cầu bầu chỉ là dựa cậy vào công nghiệp của Con Mẹ, song hơn hết các thánh, Mẹ cầu bầu với thần thế và uy tín vô song.
CHƯƠNG 6
831. (ct 10): Trong một cuộc phỏng vấn, người ta hỏi cha Slavko Barbaric (Phan Sinh) và cũng là linh hướng của các em thị kiến rằng: “Các biến cố tả trong sách khải huyền có phải là thành phần của sứ điệp Đức Mẹ tại Medjugorje chăng?”. Cha đáp: “Không. Đó không là hướng nhắm đầu hết. Medjugorje là một nơi đem đến hi vọng. Đức Mẹ nói: “Mẹ đến để đưa các con tới bình an và đem bình an đến cho các con”... Nếu ta đi theo con đường ấy, ta có sức, có khả năng tránh đại họa, gạt xa chiến tranh... Trước hết, bình an là một tình trạng của tâm hồn và của con tim, tình trạng này giúp ta yêu tha nhân và giúp đỡ họ. Nội dung đích thực của Medjugorje và ý nghĩa thật của nó là chúng ta được chỉ dạy để bước trên con đường mới của hòa bình và hòa giải”.
“Liên quan đến biến cố khải huyền, đã đành chúng ta chấp nhận rất có thể sẽ xảy đến những đại họa. Nhưng Đức Mẹ không đến với ý định đầu tiên là nói về các đại họa, Mẹ đến để chỉ cho ta con đường đến hòa bình. Những ai nhìn Medjugorje theo quan điểm khải huyền, trước hết mọi sự, quả họ đã không thực sự nắm bắt được điều mà Đức Mẹ nỗ lực dẫn dắt ta đến” (Lược trích Queen... 154t).
(ct 11): Khi ta nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay có bánh ăn hàng ngày”, thực ra, chúng ta cũng xin bánh đau đớn vì tội lỗi, tức xin cái lòng đau đớn thống hối vì tội lỗi mà mỗi ngày ta cần đến. Chính cái đau đớn vì đã phạm tội ấy dọn tâm hồn ta đón rước Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể. Chúa Giêsu Thánh Thể là bánh ban sự sống đời đời. Ngài chữa linh hồn ta khỏi mọi bệnh hoạn và đau đớn do tội lỗi gây ra.
CHƯƠNG 8
832. (ct 12): Cha Joseph W. Coyle, thuộc dòng OSFS giải thích đoạn này như sau: “Ý muốn tự do là một ân huệ lớn của Thiên Chúa Tạo hóa, Cha chúng ta. “Ý muốn tự do” - một khía cạnh của vĩnh cửu - được nhiều người quan niệm như khả năng mà loài người sở hữu, để lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu. Tuy nhiên, định nghĩa ấy không đúng. Sự tự do của con người thiết yếu là khả năng chọn lựa cái tốt. Khi chọn lựa cái xấu, khả năng ấy đánh mất tính toàn thiện của nó. Nó bị bẻ quặt, và trên thực tế, chính cái đó tiêu diệt sự tự do của con người. Tự do hay ý muốn tự do mà chính Thiên Chúa cũng như hết thảy thiên thần và chư thánh sở hữu, đó là một sự toàn thiện. Cả Thiên Chúa lẫn thiên thần và chư thánh đều không thể chọn sự xấu, thế mà các Đấng vẫn có tự do, vẫn sở hữu ý muốn tự do. Khi một con người chọn sự xấu, chỉ vì sự xấu bị che đậy bằng một lớp vỏ dối trá và bóp méo đi, cho nên sự xấu xuất hiện ra vẻ một sự tốt. Khi sự xấu được làm cho giống sự tốt, bấy giờ và chỉ bấy giờ, tự do con người mới chọn lựa nó. Trên thiên đàng, ý muốn con người không bị hủy diệt hay thay thế, mà đúng hơn, ý muốn đó đạt tới sự toàn thiện. Trên thiên đàng, ý muốn con người không thể chọn lựa sự xấu (vì không còn có ngụy trang). Đối tượng của ý muốn con người là sự thiện (ngay trên trần thế, nó chỉ nghỉ yên khi nó đã sở hữu sự thiện tuyệt đối, là chính Thiên Chúa). Ở trên trời, sự tự do của con người có khả năng chọn lựa giữa nhiều điều tốt, mà dĩ nhiên, ý muốn họ sẽ được lôi kéo về sự thiện cao vời nhất là Thiên Chúa, và duy chỉ trong Thiên Chúa, nó mới được mãn nguyện trọn vẹn và được nghỉ ngơi. Khả năng yêu thương nằm cả trong ý muốn. Chỉ những ai có ý muốn tự do mới có thể yêu thương. Nên những người ở trên thiên đàng yêu mến sự thiện tuyệt đối là chính Thiên Chúa.
CHƯƠNG 9
833. (ct 13): Về những hiện tượng lạ, phép lạ, kỳ tích... thì rất nhiều, đây chỉ nêu ra một vài sự việc:
Phần nhiều đều xảy ra trên Đồi Hiện Ra hay Núi Thánh Giá và được hàng ngàn người dân địa phương, với vô số vô vàn người hành hương từ nơi xa đến, cả linh mục, tu sĩ... đều chứng kiến (đặc biệt cha xứ Jozo Zovko).
- Hiện tượng cây Thánh giá lớn bằng bê tông cốt sắt từ từ quay tứ phía hoặc biến đi, rồi xuất hiện lại (Z, 14, 102, 212...).
- Hiện tượng mặt trời quay, phát các tia sáng nhiều mầu (mô tả ở số 836).
- Chữ MIR (nghĩa là Hòa bình) được viết bằng lửa đỏ thật lớn trên nền trời, từ trên Núi Thánh Giá bắc ngang Đồi Hiện Ra... (xem lại số 775, cuối).
- Các đồ tượng ảnh, tràng hạt đổi sắc thành màu vàng.
834. Hiện tượng ánh sáng trắng bao phủ Thánh giá (núi Krizevac), rồi Đức Mẹ xuất hiện và (quì) cầu nguyện ở đó: có nhiều bằng chứng đáng tin cậy được chứng thực bằng giấy tờ, hình ảnh... (x, Z, 17, 103, 212t). Sau đây chỉ xin trích một chứng từ, lấy từ sách của cha R. Laurentin:
Fra Stanko Vasilij (linh mục dòng Phanxicô) làm chứng:
Ngày 22-10-81, khoảng 16g30, tôi đến Medjugorje để giúp cha xứ. Cùng đi với tôi có các cha Luka Susac, Vinko Dragicevic và Janko Bubalo, tất cả bốn người chúng tôi đều thuộc Tu Viện ở Humac. Tôi nghỉ ngơi một lát tại nhà cha xứ, rồi ra nhà thờ để xem có phải giúp giáo hữu dọn mình xưng tội không. Tôi thấy có chừng từ 60 đến 70 người. Tôi vào nhà mặc áo coi lại những gì cần phải làm theo nghi thức mới. Trong nhà mặc áo có sơ Ignacia Bebek, phụ trách dạy giáo lý. Trong khi chờ giáo hữu đến đông, tôi đi ra ngoài. Cơn mưa đã tạnh, nhưng trời vẫn còn âm u.
Nhìn về đồi Krizevac, tôi thấy Thánh giá đã biến đâu mất. Tôi nhìn lại một lần nữa: phải rồi, cây Thánh giá trên đồi Krizevac thực sự đã biến mất. Rất kinh ngạc, tôi muốn trở vào nhà mặc áo, nhưng trước khi đi vào trong, tôi còn quay nhìn ngọn đồi thêm một lần nữa. Thay vì nhìn thấy Thánh giá, tôi thấy một cột trắng. Tôi vào nhà mặc áo nói với nữ tu: “Này sơ, ra mà coi!”. Nữ tu trả lời: “Gospa đó! Hôm qua những người ở Miletina cũng đã thấy Gospa nhiều lần ở chỗ đó”. Tôi lại quay nhìn về phía Krizevac. Tôi xem thấy cũng vẫn cột trắng ấy. Tôi trở lại nhà xứ báo cho những cha Phanxicô khác. Các ngài cùng đi với tôi, có cả cha Tomislav Vlasic nữa. Trên đường, giữa giếng nước và nhà xứ, tôi gặp cha Vinko và hai nữ tu đứng với cha. Họ cũng đứng nhìn về phía Krizevac. Tôi hỏi họ có thấy gì không. Cha Vinko trả lời tôi: “Nhưng anh đâu có lòa! Anh không thấy sao?”. Lúc đó, tôi thấy ba cha Phanxicô ở cửa sổ bàn giấy cha xứ cũng đứng nhìn về phía Krizevac. Bước vào phòng giấy, tôi thấy cha Luka có đôi ống nhòm đang cầm ở tay. Tôi giật lấy và đưa lên mắt nhìn về phía đồi. Sau một lát điều chỉnh, tôi kêu lên: “Gospa kia rồi!”. Tôi đã xem thấy gì? Ở giữa cột trắng là hình một Bà mang chiếc áo tơi choàng mầu xám, nhưng xám rất dịu và chiếu sáng, hơi giống như ánh sáng của đèn nêông. Có lúc, từ phía má phải phát ra một tia sáng chói lọi. Cha Luka lấy lại ống nhòm.
Và tôi chạy vội ra nhà thờ báo cho giáo hữu biết. Nhưng khi đi, tôi đã thấy dân chúng quì gối ở sau nhà thờ, quay nhìn về phía đông. Họ hát, họ đọc kinh, họ reo lên vì vui mừng và cảm động. Tôi tiến lại gần và nghe được lời reo mừng sau đây của bà Milka Korac, làng Hamzici, mà tôi vẫn còn nhớ mãi: “Oi, cám ơn Gospa! Chiều nay là lần thứ 15 con đến đây. Con cám ơn Gospa đã cho được thấy Gospa. Bây giờ thì xin hãy xảy đến cho con tất cả những gì Gospa muốn!”. Những lời reo mừng tương tự như vậy hòa lẫn với những lời kinh và tiếng hát. Mặt đất đã đẫm bùn, nhưng mọi người vẫn cứ quì gối. Trong khi giáo hữu đọc kinh và hát, thì một chiếc xe ca nhỏ từ Split tới đậu trước nhà thờ, có ba cha Camêlô và bốn nữ tu. Họ cũng quì nhập bọn với chúng tôi để cầu nguyện. Khi chúng tôi đứng dậy, thì các cha và sơ từ Split tới thuật lại cho nghe hiện tượng mà họ đã quan sát từ lúc ở Fromedja, cách xa chừng hai cây số. Họ rất sung sướng được thấy các sự đó. Nhưng một nữ tu đã lưu ý chúng tôi như sau: “Riêng phần con, con chẳng được thấy gì, cả trên đường đi và cả ở đây”.
Và đây là hiện tượng đã kết thúc như thế nào: trước hết là một đám mây xuất hiện tại chỗ cây Thánh giá vẫn thường đứng. Đám mây sáng sủa và trong suốt. Nó chia ra làm hai hình cánh quạt. Rồi một đám mây khác dầy đặc và âm u phủ xuống như chiếc màn nặng ở hai bên cây Thánh giá. Cuối cùng là Thánh giá xuất hiện với hình dáng thường ngày: mầu xám vì là bêtông và vì nước mưa. Chúng tôi tràn đầy vui mừng, trở vào nhà thờ đọc kinh, người thì ngồi tòa để giải tội, người thì quì để xưng tội.
Tôi xác quyết tất cả các điều trên đây, với ý thức đầy đủ về trách nhiệm nặng nề của tôi trước Thiên Chúa và Giáo Hội.
Humac, ngày 27-11-1982Fra Stanko Vasilij
** *
Nói tóm tắt, các phép lạ, hiện tượng lạ ở Medjugorje thì nhiều vô kể (ngoài những điều đã kể trong sách này, mời xem các số 276, 833..., còn ở các sách của mục “Sách tham khảo”). Cả những giáo dân VN đi hành hương cũng đã được chứng kiến rồi về kể lại (x. thư cô Th, 10-9-96 và 15-4-1997). Có việc xảy ra ngay tại vùng Thánh địa ấy, có việc khi đã về nhà (phép lạ chữa lành do nước được Đức Mẹ làm phép, v.v...), đến nỗi có thể kết luận: “Những gì ta cho là siêu nhiên, phi thường, thì ở Medjugorje là sự tự nhiên, bình thường”.
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
|