MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bà Là Ai? 24. Lên Đường
Thứ Hai, Ngày 20 tháng 10-2008

24. Lên Đường

§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT

Vừa qua là một chuyến đi đầy hứng thú, nhưng được về nhà cũng sung sướng biết bao! - ít ra tôi tưởng như vậy, cho đến lúc bước vào văn phòng vài ngày sau đó. Ở đó, la liệt thư từ chất thành từng đống trên bàn viết của tôi, khiến ai thấy cũng tưởng tôi đã đi vắng một năm. Tôi la lên: “Denease, cái gì đây?” Denease đáp tỉnh bơ: “Thư từ trong hai tuần.”

- “Có chuyện gì vậy? Như thế này mà hai tuần sao? La liệt khắp nơi!”

Denease cười: “Anh có biết số lượng bản sao những bài báo đang gởi đi mỗi tuần là bao nhiêu không? Gần 50 ngàn đấy! Còn những cái mà anh đang nhìn trừng trừng đó không phải là đơn đặt hàng đâu. Đặt bao nhiêu tụi tôi lo gởi đi hết rồi. Trên bàn anh, tôi chỉ để toàn những thư riêng của những người đã đọc các bài báo và muốn viết cho anh để tâm sự!”

Sửng sốt, tôi đến bên bàn giấy, ngồi xuống, rồi rút ra một lá ở trên cùng một chồng gần nhất. Thư này do một phụ nữ ở Illinois gửi đến, như sau:

“Ông Weible thân mến!

Thứ năm vừa qua, một người bạn đã tặng tôi mấy bài xã luận của ông. Tôi đã tình cờ nghe nói về Mễ Du và cho đó là chuyện không thể có. Rồi tôi được đọc mấy bài xã luận của ông, tôi không còn nghĩ như thế nữa. Thật vậy, bây giờ Thiên Chúa là có thật đối với tôi hơn, hơn bao giờ hết, kể từ khi tôi chịu phép Thêm Sức...”

Có ít nhất hơn một trăm lá thư được viết với cùng một nguồn cảm hứng tương tự. Tôi phải mất cả ngày để đọc hết, và khi xong rồi, tôi không nói được lời nào. Tôi cầm một bó đưa cho Terri xem, nàng mỉm cười nói: “Em biết rồi, em đã đọc.”

- “Anh phải làm gì với hết đống thư này?”

Nàng trả lời: “Anh cứ in thêm những bài xã luận, rồi ngồi xuống mà bắt đầu hồi âm cho một số. Có lẽ anh sẽ làm được việc ấy trong thời gian hành trình đi diễn thuyết.”

Quả thật như vậy, càng ngày càng có nhiều lời mời tôi đi các nơi nói về Mễ Du. Tôi đã nhận được thư mời đầu tiên đi diễn thuyết ở ngoài tiểu bang của tôi, trong vài ngày đầu tháng ba. Một phụ nữ ở New Orleans, tên Lettie Bindewald, một thành viên đoàn hành hương của Trung Tâm Hòa Bình trong chuyến đi trước, đã nghe tôi nói chuyện ở tầng hầm Nhà Xứ, và sau Thánh Lễ sáng hôm đó, chị cùng vài người bạn leo lên núi Krizevac. Đến chiều tôi cũng lên đó thì gặp nhóm họ đi xuống. Lettie hơi sửng sốt khi trông thấy tôi, và rút ra từ túi xách đeo trên vai một tờ giấy, chị nói nhỏ với tôi: “Tôi viết cái này khi ở trên đỉnh núi, có ý đưa cho anh sau này. Bây giờ đừng đọc, nhưng chờ đến khi anh lên tới đỉnh.”

Tôi đã làm theo yêu cầu của chị. Đó là những ghi nhận về cảm xúc của chị khi đến Mễ Du, và điều đã tác động mạnh nhất nơi chị là được nghe một người Tin Lành nói chuyện. Chị viết: “Tôi yêu niềm tin Công giáo của tôi, nhưng tôi vẫn ước ao loan truyền sứ điệp này cho anh em Tin Lành một cách mãnh liệt. Cho đến lúc anh nói chuyện, tôi vẫn chưa biết phải làm sao. Nhưng bây giờ tôi biết.”

Tôi bồi hồi cảm động và quyết định cất giữ mảnh giấy ấy. Về sau, chị có biên thư cho tôi, và trong thư phúc đáp, tôi đã đồng ý một lúc nào đó trong tương lai sẽ đến nói chuyện ở chỗ chị. Nhưng chị đã gọi. Chị nói: “Tôi không nghĩ tôi sẽ gọi điện cho anh sớm đến thế, nhưng có một nhóm người ở đây đã từng đọc bài xã luận của anh, bây giờ rất sung sướng mời anh đến nói chuyện.”

Tôi chấp nhận, nói cho chị biết đây là lần đầu tiên tôi đi diễn thuyết ngoài tiểu bang Nam Carolina, vì quả thật tôi chưa bao giờ đi nói chuyện ở đâu xa nhà tôi hơn 100 cây số.

Chị trả lời: “Tuyệt quá! David và tôi rất hân hạnh được tiếp anh ở nhà, nhưng nếu anh muốn, chúng tôi sẽ đặt phòng khách sạn cho anh.”

Tôi nói nhanh: “Không, không, tôi thích ở với gia đình anh chị.” Tôi ngạc nhiên về quyết định của mình, vì thường tôi thích một căn phòng khách sạn hơn. Nhưng, bây giờ khác rồi: tôi muốn ở chung với những người yêu mến Mễ Du giống tôi vậy.

Tôi nói với Terri về cú điện thoại và tôi đã nhận lời mời đến đó diễn thuyết. Trong tất cả các thành phố ở Bắc Mỹ, New Orleans là nơi quan tâm đến Mễ Du nhất. Tôi không có lời giải thích nào về việc này, nhưng tôi chắc chắn có được rất nhiều lời xác nhận. Cho đến nay, đó là nơi chúng tôi gửi đến những bài xã luận với số lượng nhiều nhất. Và tất cả là do công truyền bá của Terry Colafrancesco và Peter Crary.

Terri trả lời bằng một giọng khó có thể cho là hăng hái: “Trời ơi, đi hoài à! Bây giờ anh lại còn nói tới chuyện đi diễn thuyết ở bang khác!” Nàng lại càng không vui khi biết ngày giờ chuyến đi. Nàng cằn nhằn: “Đó là ngày em phải đi Texas dự đám cưới Doris đấy - em đã nói với anh rồi!”

Khi nàng nói ra, tôi liền nhớ lại. Nhưng tôi vẫn lạc quan đáp: “Coi nè, tại sao em không đi Texas, rồi khi đám cưới em gái em vừa xong, thì lấy máy bay đi New Orleans? Anh hết sức mong em đến với anh.”

Nàng suy nghĩ một lát rồi lắc đầu: “Em không muốn bỏ mặc con cái lâu ngày như vậy.”

77.jpg

Bên trái là Mary Lou McCall, bên phải là T.G.Mục Philip Hannan cùng đến thuyết trình về Mễ Du tại Illinois, 1997.

Tôi vẫn giữ lập trường: “Chúng ta có thể nhờ người trông coi chúng. Thôi mà, đi đi, em sẽ thích New Orleans ngay.” Nàng nghe theo. Terri biết chuyện gì sắp xảy ra. Từ ngày tôi xuất hiện trên đài truyền hình trong chương trình của Sally Jessy Raphael hồi tháng hai, những lời mời đi diễn thuyết đến từ khắp nơi trong nước. Con số những bài báo gửi đi cũng tăng lên theo.

Chương trình truyền hình đặc thù này được một hãng thông tấn quốc tế mua bản quyền, và là một dịp tốt để giới thiệu những cuộc hiện ra ở Mễ Du với ngành truyền thông trên cấp độ quốc gia. Không ngờ là hai ký giả khác có mặt với tôi trong chương trình tivi ấy đều là người New Orleans - Jim Bailey và Mary Lou Mc Call, là ê kíp chủ chốt chương trình tin tức thời sự của đài truyền hình địa phương. Sau khi nghe nói về sự kiện hiện ra tại Mễ Du, họ đã thuyết phục được viên giám đốc của đài rằng:

một chuyến đi đến cái làng nhỏ bé, làm một loạt phóng sự tường tận sẽ làm tăng một cách đáng kể số khán giả của đài. Hằng ngàn cư dân địa phương gốc Công giáo trong và quanh miền New Orleans đã kéo nhau đi hành hương Mễ Du, hoặc đã nghe nói về Mễ Du. Người ta khao khát được biết thêm tin tức về hiện tượng đó.

Trước khi đi, quan tâm chủ yếu của mấy ký giả này chỉ có tính cách nghề nghiệp; cũng như tôi, họ chỉ biết săn tin giật gân - và có lẽ cũng có một giải thưởng quốc gia kèm theo. “Chúng tôi tìm cách để có thể tố giác toàn bộ câu chuyện là trò lừa bịp, và biết đâu nhờ đó mà ẵm một giải Emmy của ngành truyền hình!” Đó là lời thú nhận của Mary Lou, giờ đây đã cảm thấy xấu hổ. Người phụ nữ chuyên nghiệp hiện đại này, hấp dẫn và thông minh, là một người Công giáo, nhưng trước khi đến Mễ Du, chị đã bỏ lễ hơn hai năm. Còn Jim Bailey, người tự nhận theo thuyết “bất khả tri” (không thể biết các điều gì siêu phàm), có gia đình thuộc giáo phái Báptít trên danh nghĩa. Lần cuối cùng anh đi nhà thờ chỉ vì là lễ hôn phối của chính anh.

Họ trở về từ Mễ Du với một loạt phim tài liệu xuất sắc, đầy tính khách quan nghề nghiệp về những cuộc hiện ra, và quả thật, bộ phim đã làm tăng số khán giả của đài trên cả mức dự kiến của mọi người liên quan. Họ cùng trở về nhà với một lòng xác tín không lay chuyển là Đức Trinh Nữ Maria thực sự đang hiện ra cho các thị nhân. Từ đó, cuộc sống của họ thay đổi hẳn - y như trường hợp tôi. Sau này, họ còn đi khắp nơi xa gần để truyền bá sứ điệp cho mọi người, thuộc mọi tín ngưỡng.

Chương trình truyền hình đó - lần đầu tiên phát sóng trên toàn quốc câu chuyện về Mễ Du - như thế cũng đã đề cập cả đến ơn gọi của ba ký giả trước kia là những người vô tín đa nghi, và nay có cuộc đời thay đổi toàn diện. Chương trình này được phát sóng vào tháng 2 năm 1987, và đã mau chóng trở thành một trong những mảng được ưa chuộng nhất trong lịch sử các chương trình truyền hình. Hàng ngàn lá thư và cú điện thoại tuôn tới phim trường của họ tại St. Louis, yêu cầu cung cấp thêm thông tin về các lần hiện ra. Trong sáu tuần kế tiếp, nó được phát lại trong hơn 83 tỉnh thành, kể cả phần lớn các tỉnh nước Canada và Anh quốc. Chỉ trong vòng 30 phút thôi, mà chương trình truyền hình này đã truyền bá tích cực cho công chúng về sự hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria tại Mễ Du, hơn tất cả mọi nỗ lực trước đó của ngành truyền thông gộp lại. Và bây giờ, tôi đang lên đường đi New Orleans...

Đón tôi tại sân bay vào một sáng thứ bảy đầu tháng ba là anh chị Lettie và David với bốn đứa con của họ. Căn cứ theo sự im lặng của David trong suốt đoạn đường về nhà, tôi đoán là anh không hoàn toàn hăng hái như vợ anh về chuyến đi diễn thuyết này của tôi. Người đàn ông cao lớn, ít nói ấy đã nghe tôi nói chuyện ở Mễ Du, và bây giờ anh đang mỉm cười, nhưng tôi nghĩ David Bindewald là một người không muốn dính dáng đến bất cứ điều gì một cách bốc đồng. Qua thái độ, cử chỉ, anh như muốn nói: Được rồi, nếu anh không lừa bịp, hãy chứng minh cho tôi thấy.

Họ đã lên chương trình cho ngày hôm đó là có hai buổi nói chuyện - một vào buổi chiều, và một vào buổi tối. Terri đã đi Austin ngày thứ năm, và phải đến New Orleans vào khoảng sáu giờ chiều, đúng vào lúc chúng tôi di chuyển đến địa điểm dành cho cuộc nói chuyện buổi tối. Lettie bảo đảm với tôi sẽ có một người bạn đến đón và đưa Terri đến dự buổi nói chuyện.

Trên máy bay sáng hôm ấy, tôi cố gắng không nghĩ gì về chuyến đi này - nhưng cuối cùng cũng nghĩ ngợi linh tinh. Tất nhiên, tôi đã cầu xin Thiên Chúa, nhờ Thánh Linh của Người ban cho tôi lời để nói và cách để diễn đạt. Tôi biết là tôi không nên lo sợ, vì như thế có nghĩa là tôi không tin vào quyền phép của Chúa - tuy nhiên, tôi vẫn không thể cưỡng lại được.

Bây giờ, tôi đang ở đây, và sửa soạn cho buổi diễn thuyết thứ nhất trong một nhà thờ Công giáo rất lớn, có một bãi đậu xe mênh mông - hầu như đã đặc kín khi chúng tôi đến nơi. Nhưng còn 45 phút nữa mới bắt đầu!

Khi chúng tôi bước ra khỏi xe và đi lên cửa trước, dân chúng túa đến, tay cầm bản sao những bài xã luận của tôi mà vẫy, và nói: “Ông Wayne, xin vui lòng ký tên vào đây cho tôi!” … “Cho tôi chụp tấm hình ông với chồng tôi được không?”… “Tôi có thấy ông trên tivi...” Và nhiều người khác cám ơn tôi chỉ vì đã viết mấy bài báo.

Không mấy chốc, tôi bị bao vây. Tôi không biết làm thế nào, đành ký tên lia lịa, không phải vì tôi muốn, nhưng nét mặt của họ khiến tôi nghĩ thà cứ ký tên vào, còn hơn là nói không với họ. Tôi liếc mắt nhìn David Bindewald và tưởng tượng điều anh đang nghĩ: “Bây giờ mình mới vỡ lẽ: tất cả những chuyện ấy chỉ để cho cha này bước lên đài vinh quang thôi!”

Tôi liền cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cất điều đó khỏi con. Khi con bắt đầu nói thì xin cho họ thấy Chúa, chứ đừng thấy con.” Và tôi cảm thấy sự bình an của Người bao phủ trên tôi.

Khi chúng tôi đi ở lối giữa để vào nhà thờ, tôi không thể không nhận thấy nhà thờ đã chật như nêm. Đến khi nghe Cha Xứ nói nhỏ với Lettie là họ ước đoán số người tham dự vào khoảng 1.200 người, mắt tôi mở to, và tôi bắt đầu khiếp vía.

Rồi bỗng nhiên họ vỗ tay. Tôi hoảng hồn - nhưng đồng thời đầy lòng tri ân. Tôi biết họ đang thực sự tán tụng kỳ công của Thiên Chúa tại Mễ Du, còn tôi chỉ là sứ giả của Người. Và tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Người đang tỏ ý hài lòng, vì tôi đang hoàn thành sứ mệnh loan truyền sứ điệp Người đã mang đến từ Con của Người. Tôi mỉm cười, vẫy tay chào họ, và nôn nóng bắt đầu.

Ngay lúc tôi mở miệng nói, tôi nhận ra Thiên Chúa đang đáp lời tôi xin và ban cho tôi lời lẽ để nói. Tôi không biết tôi sẽ nói tiếp lời gì, nhưng nó cứ tuôn ra từ miệng tôi, luôn luôn chính xác từng lời.

Sau mục tường thuật, chúng tôi có thêm ít phút trao đổi dưới dạng hỏi đáp, và phần này nữa, tôi cũng phản ứng nhạy như điện trong các câu trả lời. Hình như mỗi câu hỏi là một vấn đề có lẽ đã đè nặng trong tâm tư nhiều người. Và với ơn Chúa, Người dường như đang ban cho tôi những câu đáp làm sáng tỏ vấn đề và mang lại ích lợi.

Cuối cùng, Cha Xứ giơ tay lên nói: “Đây sẽ là câu hỏi cuối cùng. Tối nay, anh Wayne còn phải nói chuyện ở một nhà thờ khác, chúng ta không muốn anh ấy bị kiệt sức hoặc đến trễ giờ!” Tôi nhìn ông ngạc nhiên, ngỡ rằng mình mới nói được nửa giờ, ngờ đâu đã kéo dài hơn một tiếng rưỡi.

Khi tôi bước xuống bục giảng sau bài thánh ca tạ ơn, những hàng ghế bắt đầu trống, vì người ta vội vàng tuôn đến quanh tôi, tất cả đều hỏi cùng một lúc và xin tôi cầu nguyện cho họ. Tôi ngơ ngác. Chưa bao giờ tôi trải qua những chuyện như thế này! Tôi cảm thấy vừa bối rối lại vừa hạnh phúc - và phần nào tách rời không dính líu, như thể tôi đang đứng xa xa mà nhìn những gì đang xảy ra...

Tôi cố gắng tập trung chú ý vào từng người một. Một phụ nữ, mắt đẫm lệ, bắt đầu nói bà hết sức thích thú nghe tôi nói chuyện, rồi lập tức trút ra hết với tôi những vấn đề phức tạp của gia đình bà.

Có rất nhiều trao đổi với từng người một như vậy, hết người này đến người khác. Sau khoảng 30 phút, Lettie nhẹ nhàng nhưng kiên quyết nhắc tôi đã trễ giờ, phải đi ngay. Và thế là chúng tôi phải chật vật lách qua đám đông thoát ra ngoài.

Nhà thờ kế tiếp, cũng Công giáo, nhỏ hơn, nhưng người ta ngồi chen chúc hơn ở nhà thờ trước.

Khi gần đến cổng, chúng tôi được báo cho biết có khoảng 900 người đang đợi. Thật là vui, vì Terri đã đến ngay phía sau chúng tôi. Gặp nàng tôi mừng quá! Nhưng khi thấy dân chúng đứng chật tận cuối nhà thờ và dọc theo lối đi, nàng phát hoảng, miệng thều thào: “Trời đất, em không ngờ lại như vầy!”

Sau đó, khi chúng tôi rẽ đám đông dân chúng để tiến lên phía trước, Terri níu chặt cánh tay tôi, thầm thì giọng trêu chọc: “Anh sẽ nói cái gì với cả đám người này?”

Tôi đáp khẽ lại: “Terri, đừng nói như thế!” Rồi tôi bắt đầu nghĩ: tôi có sẽ nói cũng những điều mà tôi đã nói trong phiên buổi chiều không?

Cũng vẫn với cảm giác nôn nóng và sự hiện diện mạnh mẽ ấy của Thiên Chúa như lần trước, tôi bắt đầu nói. Nhưng chưa được bao lâu thì vị linh mục tiến lên thông báo: “Tôi rất tiếc phải làm gián đoạn buổi nói chuyện, nhưng chúng ta đang có vấn đề: có 12 chiếc xe ngoài kia đậu không đúng chỗ. Trước đây, cảnh sát đã cảnh cáo rồi. Bây giờ chúng tôi không muốn họ đến kéo xe đi, vậy ta cần phải dời xe đi gấp. Đây là những xe có bảng số như sau...”

Đến lúc ông gọi xong bảng số xe thứ 12 và người chủ xe lách ra khỏi ghế ra ngoài, thì dòng điện trong người tôi tắt ngúm. Tôi cố gắng nối lại chỗ đã bị bỏ lửng, nhưng cảm thấy hụt hẫng, như thể tôi đang cố đẩy một khối đá lớn lên một cái đồi dốc đứng. Chỉ khi gần kết thúc, thì cái cảm xúc đặc biệt của Mễ Du mới trở lại, tôi mới thấy lòng mình rộn ràng, sôi nổi như trước. Một lần nữa, lời lẽ nơi miệng tôi cứ tự nhiên tuôn ra, và những giọt lệ cũng cứ tự nhiên trào lên nơi khoé mắt của nhiều người.

Khi tôi kết thúc, một việc tương tự cũng xảy ra như lần trước: đám đông xô đẩy về phía trước để chào tôi, để bắt tay, để gởi gấm tâm sự và xin cầu nguyện. Lần này, tôi đã có thể ở lại với họ lâu hơn một chút.

Trên đường về, Terri nhỏ nhẹ nói với tôi: “Đó là bài hay nhất mà em từng được nghe anh nói.”

Tôi giật mình, vì nàng không dễ khen ai; tôi đáp lại: “Sau lúc bị gián đoạn để họ đọc số xe, anh cảm thấy nói khó quá. Lúc đầu nói thật là dễ dàng, nhưng khi bị gián đoạn rồi thì không có hứng nữa, cứ thế mãi cho đến khi gần kết thúc.”

Nàng ngạc nhiên nói: “Đối với anh có thể như thế thật, nhưng không phải như vậy nơi những người em thấy chung quanh em. Bài nói chuyện của anh rất hay, rất thích hợp.” Rồi nàng vội nói thêm với một nụ cười tinh nghịch: “Nhưng anh đừng tưởng bở sẽ luôn luôn được như vậy!”

Ngày hôm sau, Chúa nhật, tôi nói chuyện cả sáng lẫn chiều. Ở phiên buổi chiều, thật không tin được, Cha Xứ lại phải chen vào la rầy con chiên về chuyện đậu xe; rồi lại một đám đông tràn ra khỏi nhà thờ. Rồi, như một màn chiêu đãi đặc biệt để kết thúc, Lettie đã thu xếp để tôi nói chuyện tối hôm ấy tại một nhà thờ Tin Lành Lutêrô gần nhà họ. Lettie nói: “Chúng tôi làm việc này là cho anh. Đó là một nhà thờ mới toanh, nhưng nhỏ thôi, cho nên ta không mong số người đến nghe vượt quá 40 hay 50.”

Tôi mỉm cười đáp: “Tốt. Chúa muốn cho ai đến, người ấy sẽ đến.”

Bữa ăn tối vừa xong, Lettie nói: “Có một chuyện tôi quên nói với anh: mỗi lần nói chuyện, anh đều đề cập đến tràng hạt Mân Côi và cho biết nó có ý nghĩa lớn lao chừng nào đối với anh. Nhưng tối nay, vì người tham dự toàn là Tin Lành Lutêrô... vậy thì anh nên thận trọng, đừng đề cập đến chuỗi Mân Côi..”

Tôi ngạc nhiên hỏi Lettie: “Tại sao? Tôi vẫn luôn nhấn mạnh chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện với Chúa Giêsu, và...”

Chị vội vàng nói: “Vâng, tôi biết, nhưng đây là một thông điệp tế nhị. Người Công giáo hiểu ngay, nhưng có thể người Tin Lành không hiểu.”

Terri quay sang tôi: “Anh à, chị ấy nói có lý đó.”

Tôi mỉm cười: “Thôi được, tôi sẽ tùy cơ ứng biến.”

Khi chúng tôi đến nhà thờ, tôi cảm thấy biết ơn vì là buổi nói chuyện cuối cùng. Chưa bao giờ làm chuyện này trước đây, tôi không nhận ra là vài ngày diễn thuyết liên tiếp như vậy cực nhọc đến thế nào. Kể cả buổi phỏng vấn của đài phát thanh, đây là bài diễn thuyết thứ sáu của tôi trong vòng hai ngày, và tôi thật tình không hiểu mình còn chịu nổi nữa hay không. Tuy nhiên, đây lại là một nhà thờ Tin Lành Lutêrô... Và đàng khác, tôi cũng tự nhắc cho mình nhớ: đây sẽ không phải là chính tôi hành động...

Nhà thờ này cách nhà chị Lettie khoảng một cây số, chúng tôi không mất nhiều thời gian đi đến đó. Lại một lần nữa, nhiều xe đậu trên đường dẫn tới nhà thờ, đến nỗi đi bộ tới nhà thờ sau khi xuống xe mất nhiều thời gian hơn là lái xe từ nhà chị Lettie đến đó. Vị mục sư rất phấn khởi khi đón chúng tôi: “Chúng ta có hơn 400 người ở trong đó!”

Khi chúng tôi đi vào nhà thờ, Terri ghé tai tôi nói nhỏ: “Anh nhớ nhé, đừng nhắc đến chuỗi Mân Côi đấy!”

Nàng nói chưa dứt, thì có một phụ nữ trẻ Công giáo tên Eugenie, mà tôi đã gặp tại Mễ Du, tiến đến gần tôi, nhìn quanh rồi nói nhỏ: “Anh Wayne, nếu anh muốn nói với họ về chuỗi Mân Côi, thì tôi có sẵn 100 cỗ đây nè!” rồi chị vỗ vỗ vào túi xách to tướng của chị. Tôi không nhìn Terri.

Khi đã ở trước mặt thính giả, tôi không thấy có micro; họ không thể ngờ người ta sẽ đến đông như thế. Không thành vấn đề, tôi tin chắc Chúa Thánh Linh sẽ phóng lớn âm thanh, nếu cần. Khi bài thánh ca khai mạc xướng lên, tôi nhận ra tôi sung sướng biết bao vì được chia sẻ những điều này với các anh em Tin Lành Lutêrô của tôi.

78.jpg

Tối hôm ấy, tôi cảm thấy bổn phận phải làm sống lại Giáo hội Lutêrô đè nặng trên tôi đến nỗi tôi đã đi vào đề mạnh bạo hơn bình thường. Tôi nhấn mạnh tới sự cần thiết phải quan tâm nhiều hơn đến đời sống thiêng liêng, cũng như phải mở lòng ra với Chúa Thánh Linh. Đến khi đang thao thao nói về sự kiện Mễ Du được nửa chừng, đột nhiên tôi khựng lại. Trong tôi bỗng nổi lên một thôi thúc mãnh liệt phải nói với họ về chuỗi Mân Côi.

Rút từ trong túi ra tràng hạt của mình, tôi giơ cao lên và nói: “Tôi sẽ nói với các bạn chuyện này: tôi lần tràng hạt này mỗi ngày. Nhiều người trong các bạn thậm chí không hiểu chuỗi Mân Côi là gì, và nhiều người khác sẽ nhìn xâu chuỗi này mà nói: Cái đó là của Công giáo...” Tôi ngưng một lát và tiếp: “Được rồi, để tôi nói cho các bạn nghe, tôi không xem cái này là của Công giáo. Đối với tôi, đó là lời cầu nguyện với Chúa Giêsu Christ. Và đó là cách tôi đọc kinh này, như là lời kinh dâng lên Chúa Giêsu. Khi các bạn đi từ đầu đến cuối tràng hạt Mân Côi, các bạn đang đi xuyên suốt cuộc đời của Chúa Giêsu từ lúc giáng sinh, đến cái chết thập giá, rồi đến Phục sinh. Và nếu các bạn cầu nguyện thật lòng, không do thói quen, nhưng suy niệm Đức Giêsu là ai và Ngài đã làm gì, thì tràng hạt Mân Côi không làm gì khác hơn ngoài việc lôi kéo các bạn đến gần Chúa Giêsu. Có thể các bạn sẽ không cảm thấy gần gũi gì mấy với Ngài khi các bạn bắt đầu, nhưng khi kết thúc thì các bạn đã ở đó rồi, sát bên Ngài...”

Liếc nhìn về phía Terri, tôi thấy nàng đang tròn xoe đôi mắt nhìn lên trời. Tôi kết luận: “Trong tất cả các việc đạo đức có liên quan đến kinh nguyện tôi học được từ Mễ Du, đây là kinh nguyện tôi trìu mến hơn cả.” Tôi kết thúc bằng cách báo cho họ biết: một phụ nữ trẻ tuổi ở cuối nhà thờ đang có 100 cỗ tràng hạt sẵn sàng biếu cho những ai muốn có.

Tôi vừa dứt lời, một tràng pháo tay nổ ra như sấm. Và khi người ta báo có giải lao với cà phê và bánh ngọt trong phòng họp, thì ở cuối nhà thờ diễn ra một cảnh lộn xộn. Người ta đang sấn tới Eugenie để dành được tràng hạt. Về sau, chị ấy cho biết chỉ trong hai phút, số tràng hạt đã hết sạch.

Thay vì đi giải lao, tôi rút êm ra bên ngoài. Đây có lẽ là lần thứ nhất trong suốt ba ngày tròn tôi được ở một mình. Tâm hồn tôi tràn đầy hạnh phúc, mặc dù thân xác tôi mệt lừ. Rồi ngay lúc ấy, tôi cảm thấy một niềm vui tột độ dâng lên trong lòng. Tôi có cảm giác Đức Maria đang ở ngay bên cạnh. Theo trực giác, tôi biết là Người đang có mặt ở đó với tôi, vì tôi đã nói về tràng hạt Mân Côi, và điều đó làm Người vui lòng. Tôi quyết định sẽ không bao giờ tránh né nói về tràng hạt Mân Côi, nếu đó là những gì Thánh Linh hướng dẫn cho tôi nói.

Chuyến đi New Orleans lần ấy dường như đã mở ra một đập xả nước lũ những lời mời đi diễn thuyết, và tôi bắt đầu đi khắp nơi: Indianapolis, Pittsburgh, Philadelphia... Tôi hết sức thích thú những chuyến đi ấy, không cần biết những nhọc nhằn do đó mà ra. Vì thật là hào hứng được thấy bàn tay Thiên Chúa hoạt động giữa dân Người.

Hiện nay, mặc dù tôi phải vắng nhà thường xuyên, Terri vẫn tán thành. Có lần tôi than phiền không biết làm sao đeo đuổi công việc ấy được, nàng nói: “Tại sao anh không tổ chức đi cách một tuần một chuyến - rồi thử xem sao?”

Tôi biết là nàng khổ sở lắm khi nói ra điều ấy. Không phải chỉ là sự vắng mặt của người chồng và người cha trong gia đình, nhưng còn vì nàng phải điều hành công ty in ấn hầu như một mình. Nàng phải đương đầu với mọi vấn đề nhức óc... Tôi chỉ biết nhìn nàng lắc đầu.

Vào khoảng lễ Phục sinh năm 1987, con số một triệu bản sao được phát hành mà tôi mơ tưởng đã bị vượt qua bởi một triệu bản nữa. Số lượng đơn đặt mua báo ngày càng tăng. Bây giờ chúng tôi cần thêm ba xưởng in mới đáp ứng đủ nhu cầu, và một hôm, Terri trầm ngâm nói: “Anh biết không, có lẽ mấy bài xã luận đó chính là quyển sách mà anh vẫn mong viết. Em nhớ là có nói với anh trước đây rồi, nhưng...”

Tôi lắc đầu lia lịa: “Không đâu, Terri, anh phải viết cuốn sách đó! Bây giờ có lẽ chưa đến lúc, nhưng trước sau gì anh cũng phải viết.”

Trong lúc ấy, việc đi đây đó để diễn thuyết thì quan trọng hơn. Đã đến lúc đưa sứ điệp lên đường.

---o0o---

79.jpg

Hình tác giả W.Weible. Từ đó đến nay (2006), ngoài việc viết sách, báo…, ông còn hăng say tiếp tục sứ mạng truyền bá Sứ điệp Đức Mẹ Mễ Du bằng các cuộc thuyết trình, diễn thuyết, trước những cử toạ đông hàng ngàn người, Công giáo cũng như ngoài Công giáo, ở những nước nói tiếng Anh, đặc biệt có lần còn được mời nói ngay trong Nhà thờ Th.Giacôbê của Mễ Du, (xem chương 26).

Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Bà, Nữ Vương Hòa Bình (10/26/2008)
Thông Điệp Ngày 25 Tháng 10 Năm 2008 Từ Medjugorje, Nam Tư. (10/25/2008)
Cn112: Đức Mẹ Hiện Ra Với Nhóm Hành Hương Giờ Của Mẹ Vào Tháng 3, 2002 (10/24/2008)
Tầm Quan Trọng Của Kinh Truyền Tin (10/22/2008)
Mặt Trời Nhảy Múa Tại Đền Thánh Vô Nhiễm Mẹ Maria Ở New Jersey, Hoa Kỳ, Ngày 13/10/2008. (10/21/2008)
Tin/Bài khác
Phù Thủy Theo Kitô Giáo Nhờ Danh Thánh Maria (10/2/2008)
Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mai Khôi, Cầu Cho Chúng Con (10/1/2008)
Tháng Mân Côi Ðức Mẹ Maria (10/1/2008)
Tháng 10, Tháng Mân Côi Ðức Mẹ Maria (10/1/2008)
Mai Khôi: Bông Hồng Đẹp, Viên Ngọc Quý (10/1/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768