MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bà Là Ai? 28. Sứ Mạng Vượt Trùng Dương
Thứ Hai, Ngày 20 tháng 10-2008

28. Sứ Mạng Vượt Trùng Dương

§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT

“Mẹ ước mong dẫn dắt các con trên đường thánh thiện, nhưng Mẹ không muốn ép buộc các con...”

Terri nhíu mày khi chúng tôi lái xe ra khỏi bãi đậu xe ở phi trường: “Trông anh cũng mệt mỏi như lúc anh đi.” Nàng nói thêm với một cái nhếch mép: “Mà thật ra anh trông còn mệt mỏi hơn! Em cứ tưởng chuyến đi này là một dịp cho anh nghỉ ngơi.”

Tôi hít một hơi dài rồi nói: “Anh cũng tưởng thế. Nhưng trong hai tuần qua, anh làm việc còn nhiều hơn bất cứ chuyến đi nào trước đó. Chúng ta cần ngồi xuống và nói chuyện với nhau một cách nghiêm chỉnh về sứ mạng mà anh đã được giao phó này.”

Nàng ném cho tôi một nụ cười, như lờ đi lời tôi vừa nói: “Em nóng lòng muốn biết chuyện gì xảy ra: anh có giờ gặp cha Svet không?”

- “Terri, anh cần nói chuyện, nói hết một lần với em.” Nàng lại gật đầu và không cười nữa: “Thôi được, ta sẽ nói chuyện tối nay, khi các con đã đi ngủ.”

Gần đến lúc ấy thì tôi lại không còn nóng lòng nữa. Mặc dù Terri luôn luôn công khai nâng đỡ tôi như người ta có thể mong đợi, nhưng chính những điều nàng không nói ra đang làm tôi áy náy. Mỗi khi tôi nói với nàng về một chuyến đi diễn thuyết đã được dự định hoặc một chuyến trở lại Mễ Du, tôi liền cảm thấy sự thất vọng của nàng. Sau mười một năm chung sống, nàng không cần phải nói gì, tôi cũng biết đích xác nàng cảm thấy thế nào. Và mới đây, khi nhịp độ hoạt động gia tăng, và tôi được yêu cầu đi nói chuyện ngày càng thường xuyên hơn và ở xa hơn, thì những bực bội từ tiềm thức của nàng bắt đầu lộ ra qua những lời phê bình lặt vặt.

Về phần tôi, lẽ ra tôi đã phải tận tụy và kiên nhẫn hơn nữa. Tôi cứ quên rằng mỗi người đến với Chúa theo nhịp độ tiến triển riêng của họ, nhịp độ mà họ cảm thấy chịu được. Còn tôi vì khao khát muốn giúp nàng “theo kịp đà tiến”, đôi lúc tôi đã hơi quá lời chỉ trích. Thành ra chẳng thấy khá hơn, mà thực tế lại tệ hơn rất nhiều. Đó là điều chúng tôi phải đề cập đến tối nay.

Tôi đã không sắp đặt trước phải nói với nàng như thế nào; một khi đã khởi sự, nó cứ tuôn ra. Tôi bắt đầu nói với nàng rằng điều quan trọng nhất đã xảy đến trong chuyến đi này là tôi đã có được cái nhìn rất rõ về ơn gọi của tôi, và sứ mạng của tôi sẽ là gì, hoặc đúng hơn, cái giá mà tất cả gia đình chúng tôi sẽ phải trả, bởi vì sự yêu cầu ngày càng tăng. “Anh sẽ phải đi ngày càng nhiều hơn, trong nước và ngoài nước. Anh sẽ phải trở lại Mễ Du thường xuyên hơn. Và đồng thời, anh còn phải viết cho xong quyển sách.”

Tôi đứng dậy, quá phấn khích để có thể ngồi yên. “Chưa bao giờ anh cảm thấy khẩn trương như thế về tất cả sự kiện này. Anh phải đi ra ngoài và làm hết khả năng, và càng nhanh càng tốt!” Tôi nhìn xuống vợ tôi: “Cho nên, tất cả chúng ta - anh, em và các con - sẽ phải hi sinh rất nhiều.”

- “Vâng,” nàng bình tĩnh đáp: “Em có thể chấp nhận điều đó. Nhưng anh phải hiểu một điều: anh là con người. Anh chỉ có thể làm từng ấy thôi. Đức Maria không muốn anh ra nước ngoài và gục ngã vì kiệt sức. Nếu làm như vậy, anh sẽ chẳng giúp ích gì được cho Đức Maria hoặc cho chúng ta, hoặc cho bất cứ ai!”

Tôi hiểu ra quan điểm của nàng - nhưng tôi biết điều gì cần phải làm. Do đó, tôi ngập ngừng trước khi đáp, và lựa chiều nói lên một câu rất hợp lý: “Anh không lo bị kiệt sức về mặt thiêng liêng hay về mặt tâm thần, anh không bao giờ nghĩ có khả năng ấy. Anh chỉ muốn nói là trong một thời gian, chúng ta sẽ hi sinh như thế. Và em nghe này, đối với anh, đó cũng chẳng phải là dịp để vui thú gì. Anh yêu con trai, con gái của anh - và mẹ chúng - và mấy đứa con khác của anh. Và anh cũng sẽ không được gặp em hoặc chúng thường xuyên như anh muốn... Anh biết chưa gì chúng đã nói: “Ba điên rồi, cứ đôn đáo khắp nơi để làm mấy cái trò ngu xuẩn đó!”

Điều này quả thật đã chạm đến chỗ đau của tôi. Bốn đứa con lớn (vợ trước) của tôi rõ ràng là những sản phẩm của thời đại: chúng không đi nhà thờ và chạy theo một thứ triết lý mới: “Bạn thích gì, cứ làm”. Tôi đã nhiều lần xin chúng hiểu là bố chúng đã nhận một sứ điệp thẳng từ trời, và dĩ nhiên tôi muốn chúng cũng được hưởng nhờ các ơn ích bởi đó mà ra. Nhưng cứ mỗi lần tôi nêu vấn đề đi nhà thờ với chúng, tôi thường gặp phải cái nhìn như muốn nói: “Rồi, ông già lại nói tới chuyện đó nữa!”

Lisa, con gái lớn của tôi và là đứa duy nhất tốt nghiệp đại học, còn biết nghe và thảo luận một chút với tôi. Còn Angela thì không hiểu được chuyện gì đã xảy đến với tôi, nhiều lần nó đã điện thoại cho Terri tỏ vẻ lo lắng cho bố nó, và e rằng tôi hơi bị bệnh tâm thần. Hai đứa con trai tôi, Michael và Steve, đơn giản chỉ xem tôi như một tên cuồng tín về tôn giáo. Rốt cuộc, Terri đã đặt vấn đề với tôi nhân một buổi tối, nàng nói: “Anh xem: nói nhiều không ích lợi gì cho chúng. Anh cứ sống sứ điệp và cầu nguyện cho chúng được hiểu. Đó là điều anh lãnh nhận từ Đức Maria: biết cầu nguyện cho những điều anh cần. Và đó là điều mà anh thường nói trong các buổi thuyết trình của anh: “Hãy sống sứ điệp”. Bây giờ, anh cố mà làm điều đó với các con anh đi!”

Như vậy lẽ ra bây giờ, với điều bất mãn mới này, tôi phải biết rằng nàng, một lần nữa, lại sẽ đưa ra được một giải pháp hợp tình hợp lý. Ngưng một lát, nàng nói: “Anh nghe này, ta sẽ thỏa thuận với nhau một chút, chịu không? Em sẽ nhân nhượng trong tất cả chuyện này, nếu anh chỉ làm hai điều này cho em: thứ nhất, hãy để cho em yên trong việc trở nên thánh thiện - để cho em tự xét cái gì cần hoặc không cần phải làm để tìm ra con đường thiêng liêng của mình; thứ hai, khi anh ở nhà, hãy nhớ rằng anh là một người chồng và một người cha. Phải quan tâm đến vợ con anh tối đa, chịu không? Mọi việc còn lại, ta cứ để nó tự sắp xếp. Em làm nội tướng, còn anh, anh cứ việc đi ra ngoài và làm “ông thánh” như Đức Maria muốn.”

Nàng mỉm cười tinh quái, đôi mắt đảo qua đảo lại trong khi nói; biết rằng tôi chúa ghét cái điệu bộ ấy, nàng vẫn cố tình làm mỗi khi muốn tôi phải chú ý. Và quả nhiên, tôi đã chú ý.

Tôi cười lớn nói: “Đồng ý, đồng ý, nhưng đừng gọi anh là ông thánh!” Tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi một người bạn đời khôn ngoan và hiểu biết như thế, và thực sự sau này nàng sẽ là một cộng tác viên của tôi trong sứ mạng này. Tôi nhớ đến đoạn Tin Mừng Đức Giêsu sai các môn đệ của Ngài đi rao giảng từng hai người một; và tôi cũng nghĩ về sứ mạng của hai chúng tôi như thế.

Trong mấy tháng tới, cả hai chúng tôi sẽ có nhiều việc phải làm. Đến đầu mùa thu năm ấy, tôi quá đỗi ngạc nhiên khi biết những bài xã luận in lại dưới hình thức tờ báo khổ nhỏ đã phát hành trên bốn triệu bản - và bây giờ ra 70.000 bản mỗi tuần. Thật là khó tin! Tôi đi đến khắp nơi - những nơi đã lên kế hoạch như Ai-len (xem chương 1), Trinidad, đến cả Alaska, cũng như trong khắp nước Mỹ. Nếu có nơi nào mà tôi hi vọng được đến trong tương lai, thì ước mơ đó xem ra cũng sẽ thành sự thật vài năm sau đó.

89.jpg

Và còn những cuộc phỏng vấn trên các đài truyền hình nữa chứ. Lần tôi xuất hiện trong chương trình của Sally Jessy Raphael hình như đã khơi mào cho rất nhiều lời mời phỏng vấn. Hạnh phúc nhất là lần tôi được làm khách mời cho chương trình truyền hình được phát sóng trên toàn quốc của Mẹ Angelica tại Birmingham, bang Alabama. Tất cả những gì tôi đã đọc và nghe nói về bà đã gây nơi tôi một ấn tượng sâu sắc. Đây là một nữ tu dòng kín, đã cảm thấy được kêu gọi loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu bằng cách phát sóng qua một đài truyền hình. Và bà đã thực hiện. Thật không thể tin nổi, vì bà không có tiền, mà cũng chẳng có chỉ thị của Nhà Dòng để làm việc đó. Bà chỉ có một quyết tâm là phải làm.

Người nữ tu được đặc sủng này, trong các lần bà được phỏng vấn, hễ cứ nhìn thấy những bộ phận của các trang thiết bị ở các đài truyền hình nào là nói: “Chính cái này là cái tôi cần.” Rồi bà cứ tiếp tục nói chuyện với người ta qua nhiều cuộc phỏng vấn, cứ thế cho đến khi bà bắt đầu ráp tất cả các bộ phận trang thiết bị nhỏ bé (đã nhận được) lại với nhau. Khi biết ra thì bà đã thấy mình đang nói trên đài của chính bà.

Bà đã gặp nhiều khó khăn trên bước đường xây dựng. Nhưng Thiên Chúa hằng ở với nhóm nữ tu này, và họ rất biết phải cầu nguyện làm sao. Ngày nay, qua vệ tinh trên “Mạng Truyền hình Lời Hằng Sống” (EWTN: Eternal Word Television Network), bà có số khán giả đông hơn bất cứ một đài Kitô giáo nào. Chuyện đó thì tôi quá biết và tôi cũng quen một trong những nhà sản xuất chương trình của bà là anh Jack Sacco, tôi đã gặp tại Mễ Du trong chuyến đi tháng 6 năm 1986.

Chính Jack đã dẫn tôi qua các phòng thu hình và tranh thủ thời gian để nói với tôi về Mẹ Angelica, và mối liên hệ của bà với Mễ Du. Sau khi đã nghiên cứu cặn kẽ về Mễ Du để biết chắc các sự kiện ấy hợp với giáo lý của Giáo Hội, bà liền nhanh chóng truyền thông cho đại chúng.

Khi tôi đích thân gặp người chủ trì chương trình vào tối hôm ấy, nửa tiếng trước giờ phát sóng, tôi thấy bà quả là tất cả những gì tôi mong đợi, và còn hơn thế nữa. Mẹ Angelica vừa cởi mở, vừa thân thiện như bất cứ người nào tôi đã gặp, và chỉ không đầy một khoảnh khắc, mà tôi cảm thấy như chúng tôi quen nhau đã lâu. Bà cũng rất nhạy bén và có trí nhớ tuyệt vời. Khi chúng tôi trò chuyện, bà đã đề cập đến nhiều điều lấy từ những bài xã luận của tôi, do đó thấy rõ là bà đã đọc chúng rất kỹ.

Bà không sao hiểu nổi một người Tin Lành Lutêrô lại làm một việc như thế. Tôi nói với bà rằng: những gì đang xảy ra ở Mễ Du là dành cho hết mọi người (bất phân tôn giáo). Và tôi thêm: “Nhưng Mẹ hãy cho phép tôi nói là chính một lời mà Mẹ có lần phát biểu đã giúp ích cho người Tin Lành này đến thế nào. Lúc ấy, tôi đang nghe một trong những cuộn băng của Mẹ, khi lái xe đến một địa điểm nói chuyện một buổi chiều nọ, thì nghe Mẹ nói thế này: “Đừng bao giờ chữa lỗi dùm cho Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc!”

Mẹ Angelica cười: “Quả thật tôi đã nói thế nhiều lần!”

- “Ấy vậy, lời nói đó của Mẹ giống như một lưỡi dao đâm vào tim tôi. Bởi lẽ tôi nhận ra là cho đến lúc ấy, trong những lần nói chuyện cho anh em Tin Lành, tôi đã hạ thấp vai trò của Người. Tôi hay nói với họ rằng tôi không quan tâm việc họ có tin đó là Đức Maria đang hiện ra, hay là một thiên thần nào đó. Nhưng quan trọng là tin có một điều gì thật sự đang xảy ra ở đấy. Đến khi nghe Mẹ nói lời ấy, tôi giật mình xét lại. Tôi đã vì ngu muội mà chối bỏ Người, trong khi tôi vẫn biết là chính Đức Maria đang hiện ra ở đó và đã kêu gọi tôi.”

Mẹ Angelica cầm lấy tay tôi, mặt hớn hở: “Anh Wayne, này chúng ta sẽ có một chương trình truyền hình tuyệt vời đây.”

Và quả thật là như thế. Phim trường đông nghẹt những người muốn xem mặt anh chàng Lutêrô đã viết về Đức Mẹ. Theo tôi nhận xét, một khách mời của một chương trình phỏng vấn theo kiểu trò chuyện như thế này trên tivi, thường có thể biết được màn phỏng vấn của anh ta hay hoặc dở, bằng cách cảm thấy thời gian trôi qua mau hay chậm.

Với Mẹ Angelica, tôi giật mình khi thấy chương trình chấm dứt, mà cứ tưởng chúng tôi mới bắt đầu được 15 phút thôi. Và thật là hứng thú! Khi chúng tôi bắt đầu chương trình, Mẹ Angelica đề cập đến việc bất cứ ai cũng có thể được gọi làm sứ giả, rồi thêm: “Thật vậy, Thiên Chúa có thể chọn bất cứ kẻ ngớ ngẩn nào ngoài đường và sử dụng người ấy.”

Khán giả trong trường quay bắt đầu cười khúc khích, còn bà thì ngừng lại và nhìn họ. Rồi bà quay sang tôi, vội vàng nói: “Ồ, tôi không có ý nói ông đâu nhé!” Khán giả phá lên cười, chúng tôi cũng cười theo.

Sau đó, tôi cảm thấy mình có thể xin bà một vài lời khuyên riêng, nên đến chiều hôm sau, tôi gặp bà tại trụ sở và đã trình bày những điều bận tâm của tôi. Những việc chữa lành về thân xác - xảy ra trong suốt hành trình của cái sứ mệnh tuyệt vời - đã được ban cho tôi nay làm tôi sợ hãi và lo lắng. Tôi biết là Mẹ Angelica đã từng lãnh được nhiều đặc sủng Thánh Linh, nên tôi đang cần những lời khuyên. Khắp nơi tôi đến, người ta cứ xin tôi cầu nguyện cho họ, và tôi sung sướng làm điều đó. Thỉnh thoảng, họ xin tôi cầu nguyện cho họ được lành bệnh thể xác, và đã có những bệnh nhân được khỏi bệnh...

90.jpg

Cha Jozo trong một lần sang Hoa Kỳ truyền bá sứ điệp Mễ Du, đã đến thăm Mẹ Angelica

Mẹ Angelica bình tĩnh và hết sức thanh thản giải thích: “Những đặc sủng thiêng liêng của Chúa Thánh Linh chính là những quà tặng. Vì thế, chúng được ban tặng để sử dụng lúc nào có nhu cầu, một khi chúng ta đã được chọn để sử dụng chúng. Chúng ta không treo bảng với hàng chữ: “Nơi đây có chữa bệnh”, hoặc “Nơi đây có nói tiên tri”. Khi anh cảm thấy Thiên Chúa đang chỉ dẫn cho anh, anh hãy sử dụng đặc sủng, sau đó hãy rút lui và chờ đến lần sau. Như vậy, anh biết ơn chữa lành đó là do Thiên Chúa, chứ không phải do anh làm.”

Bà ngưng một lát rồi nhìn vào mắt tôi: “Nhưng quà tặng lớn nhất mà anh được, là ơn làm sứ giả cho Đức Maria.”

Tôi cảm thấy trào dâng một tâm tình tạ ơn và khiêm tốn sâu xa, khi nghe bà nói những lời đó. Tôi cũng thật sự thấy nhẹ nhõm, nhất quyết không bao giờ quên lời khuyên của bà.

***

Mọi sự hình như đã tăng tốc sau đó: vào cuối tháng 9, Milka Pavlovic rốt cuộc cũng nhận được hộ chiếu, sẽ# đến chơi với chúng tôi ba tháng.

Điều rắc rối duy nhất là do trục trặc ngày hẹn đi lấy vé máy bay ở Dubrovnik, nên ngày khởi hành của Milka bị trễ lại một tuần. Như thế nghĩa là khi Milka tới nơi, tôi chỉ có vừa đủ thời gian để đi đón cô tại phi trường New York, rồi đưa cô về nhà chúng tôi, trước khi tôi phải lên đường vào ngày hôm sau để thuyết trình tại Ai-len trong chín ngày. Tôi còn lo hơn nữa vì Milka biết rất ít tiếng Anh. Nhưng may mắn, Milka và Terri rất ý hợp tâm đầu. Đến khi tôi trở về, cô đã vui đùa và sống như người thân trong gia đình tôi.

Trong khi đó, tôi đã mê Ai-len mất rồi. Do công rất lớn của Mary O’Sullivan đi rao báo trước, đã có một sự tò mò đáng kể về chàng Tin Lành người Mỹ này, kẻ chuyên đi kể chuyện Đức Mẹ đang hiện ra tại Nam Tư. Đối với người Ai-len, hiện tượng này không phải hoàn toàn mới mẻ; họ cũng đã từng được Đức Mẹ đến viếng thăm trên đất nước họ - tại thành phố Knock.

Một điều lạ lùng và kỳ diệu đã xảy đến, khi máy bay chúng tôi chuẩn bị đáp xuống Shannon: Quá bận vì phải đi đón Milka, tôi đâu còn nhiều thì giờ nghĩ đến chuyến đi Ai-len. Vậy khi tôi bắt đầu thích thú nhìn cảnh thiên nhiên xanh rì đẹp đẽ qua cửa máy bay, thì vào lúc đó một lần nữa, tôi lại nghe thấy thông điệp dịu dàng, giờ đây đã quen thuộc với tôi: “Hãy đi đến Knock!” Có điều tức cười là tuy tôi đã đọc chuyện hiện ra ở Knock (chỉ có một lần hiện ra duy nhất), tôi vẫn không biết Knock lại ở ngay tại Ai-len!

Thế là, khi Sean Conroy, một người Ai-len vui tính và tận tâm mà tôi đã gặp tại Mễ Du, đón tôi ở sân bay, tôi liền hỏi: “Anh Sean, Đền Đức Mẹ Knock có xa đây không?”

Anh nghiêng đầu nhìn tôi: “Tại sao anh hỏi nơi đó?”

- “À, tôi thật tình muốn đi đến đó, nếu điều kiện cho phép.”

- “Nghe anh nói, tôi cũng thấy lạ. Chúng tôi cũng định đưa anh tới đó, nhưng thấy lịch làm việc của anh đầy ắp, chúng tôi đành bỏ luôn. Nhưng khoảng đường từ chỗ trọ của anh đêm nay đến đó không xa mấy.” Anh suy nghĩ một lát rồi nói: “Bây giờ tôi tính như vầy: chúng ta sẽ bỏ hành lý của anh tại gia đình anh sẽ trọ, quơ một ổ sandwich bỏ bụng, rồi lên đường đi ngay tới đó!”

Chúng tôi đã làm như vậy. Knock ở cách đấy khoảng 100 cây số, và dọc đường, Sean nhồi nhét cho tôi những thông tin về các cuộc hành hương tới đó:

Knock là một điểm hiện ra của Đức Maria khá hấp dẫn trước kia. Sự kiện xảy ra vào năm 1879, trong một trận mưa như trút vào ngày 21 tháng 8. Có trên 20 người thấy Đấng hiện ra trên bức tường bên hông nhà thờ nhỏ, và nhiều người được nhìn thấy hiện tượng ấy hơn hai tiếng đồng hồ. Đức Trinh Nữ

91.jpg

Nhìn trên hình, sẽ thấy diễn lại bằng các pho tượng quang cảnh Đức Maria hiện ra ở Knock như W. Weible mô tả trong đoạn sách đây.

Maria có hình hài lớn bằng một người thật, cùng hiện ra với hai vị mà dân làng cho đó là Thánh Giuse và Thánh Gioan Thánh Sử. Tất cả cảnh tượng đó được tắm trong ánh sáng màu trắng chói chang, và không bị ảnh hưởng bởi cơn mưa tầm tã.

Hai hình người kia không lớn và cũng không cao bằng Đức Trinh Nữ Maria. Người đứng cách mặt đất khoảng bảy tấc. Người đứng thẳng, hai tay giơ lên cao bằng vai, mình mặc áo choàng trắng, rộng và rất dài, xếp nếp hơi bó lại ở lưng, và trên đầu đội một triều thiên.

Thánh Giuse được mô tả là có bộ râu quai nón và mái tóc hoa râm, đứng hơi nghiêng về phía Đức Trinh Nữ, còn Thánh Gioan đứng bên phải của Đức Mẹ. Thánh Gioan có hình dáng một thanh niên trẻ, mặc áo lễ, tay trái cầm một quyển sách, còn tay kia giơ lên ban phép lành.

Nhưng chỉ có cảnh tượng phía trước mặt các hình người kia gợi sự tò mò của tôi nhất. Ở đấy, hiện ra một bàn thờ, trên đó có một con chiên. Một người dân làng diễn tả chiên con như được bao phủ bởi những ngôi sao bằng vàng hoặc những ngọn đèn nhỏ lấp lánh. Rõ ràng là biểu tượng của Đức Kitô - Chiên Vượt Qua.

Chính cái phần này của cuộc hiện ra ở đó đã đập mạnh vào nhận thức của tôi về vai trò trung gian của Đức Maria; Người đang đứng đó, chiêm ngắm tôn thờ Chiên Con bị tế sát – Giêsu - như thể Người đang chỉ cho chúng ta đến với Con Chí Thánh của Người.

“Năm 1979, Đức Giáo Chủ đến đây kính viếng đặc biệt.” Rồi Sean kết luận: “Từ đó, nơi này trở thành một điểm hành hương lừng danh trên thế giới.” Khi chúng tôi đến nơi, tôi tưởng chừng như mình đã thân thuộc với nơi ấy.

92.jpg

Một buổi rước kiệu Đức Mẹ Maria ở Knock.

Hôm ấy là chiều Chúa nhật. Tại quảng trường lớn gần nơi Đức Mẹ hiện ra xưa kia, đám đông đã đứng chật cứng. Họ vừa mới bắt đầu cuộc kiệu khi chúng tôi đến nơi.

- “Họ làm gì vậy?” tôi hỏi Sean khi nhìn vào hàng đầu với sáu hay bảy người xếp hàng ngang, còn đám đông phía sau trải dài ra gần 100 mét.

- “Họ đang đi đàng Thánh Giá đấy!”

Có những người ngồi xe lăn, còn người cao tuổi có trẻ em dắt đi... Tôi xúc động không nói nên lời. Chúng tôi xuống xe và đi vào thánh đường, nơi phát xuất đoàn kiệu. Len vào một hàng ghế rồi quỳ xuống cầu nguyện, tôi cảm thấy một sự chúc lành dịu dàng, ấm áp cho toàn bộ chuyến đi Ai-len của tôi. Tôi cảm thấy chúc lành ấy đến từ Đức Maria, và đó là lý do mà Người đã yêu cầu tôi đến đây.

Bắt đầu từ buổi chiều đó và bất cứ nơi nào chúng tôi đến - nhà thờ hoặc phòng hội - cũng đều chật như nêm, vượt xa sức tưởng tượng.

Tôi chưa từng gặp ở đâu những người khao khát hơn, cởi mở hơn để đón nhận việc Thiên Chúa, vì yêu thương nhân loại quá độ, có thể dùng những phương thế phi thường để kêu gọi nhân loại trở về với Người.

Ở đấy có cả linh mục lẫn giáo dân - và tối đó, có một linh mục to lớn hồng hào, lộ vẻ rất ưu tư trong suốt buổi nói chuyện của tôi. Khi đã xong, ông tiến đến gần tôi, nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt. Ông ôm chặt tôi và ghé tai thầm thì nhiều lần: “Xin cám ơn, xin cám ơn.” Rồi xin tôi cầu nguyện cho ông.

Vài đêm sau đó, chúng tôi đang ở trong một rạp hát. Ngồi kế bên tôi ở hàng ghế đầu trước khi tôi khởi sự, lại là một linh mục nữa. Ông nhìn tôi nói: “Anh là người đến để nói chuyện về Mễ Du phải không?”

- “Thưa cha, vâng.”

- “À,” ngài tủm tỉm cười: “Tôi nói ngay cho anh biết: tôi rất đa nghi, nhưng có đầu óc cởi mở, nên mới đến đây nghe anh nói. Cho nên, chàng trai trẻ ơi! Tốt hơn là anh nên ráng hết sức!” Có thể lúc ấy ông mỉm cười, nhưng tôi hiểu ông muốn nói gì.

Trước khi kết thúc, tôi rút tràng hạt Mân Côi ra, giơ lên cao và nói cho cử tọa biết tràng chuỗi đó quan trọng đối với tôi như thế nào. Tôi nói lần hạt là kinh nguyện dâng lên Chúa Giêsu, và nó không thuộc về một mình Giáo Hội Công giáo, mà là thuộc về tất cả chúng ta, tất cả những ai yêu mến Chúa Giêsu.

Vài phút sau đó, khi tôi vừa dứt lời, mọi người liền đứng dậy vỗ tay hoan hô. Linh mục đã nói chuyện với tôi trước đó, vội leo lên sân khấu nói với tôi: “Chúa chúc lành cho anh, hỡi chàng trai trẻ! Lạy Chúa, xin giáng phúc cho anh!” Ông ôm hôn tôi và thêm: “Chỉ muốn anh biết một điều: tôi tin được chuyện này!”

- “Vậy thì tốt quá!” tôi cố gắng đáp, “Và nếu chỉ có một người được tác động bởi những buổi nói chuyện của tôi thôi, thì cũng đáng công rồi!”

- “Tôi muốn xin anh một đặc ân, nhưng...” ông bỗng khựng lại nhìn tôi.

Vào lúc ấy, tôi quá vui mừng vì một linh mục được tác động, bèn nói: “Cha cứ nói, bất cứ điều gì cha muốn.”

Ngài do dự một lát: “Vậy... anh có vui lòng đổi tràng hạt của anh cho tôi không?”

Tôi thất kinh. Vì tràng hạt của tôi được một phụ nữ ở gần Surfside Beach bên nước tôi làm riêng cho tôi. Từ lúc cô ấy trao tràng hạt cho tôi đến nay, chưa bao giờ tôi lìa xa nó, tôi luôn đem theo trên người và bây giờ tôi không muốn rời nó ra. Nhưng thôi... tôi nói: “Thưa cha, được, tràng hạt đây!”

Ông cầm lấy nó và trao cho tôi tràng hạt của ông - cũ kỹ, bạc mầu, những hạt bằng gỗ hầu như đã mòn đi do những ngón tay lần qua chúng nhiều năm: “Tôi dùng nó đã hai mươi năm rồi.” ông nói chậm rãi: “Tôi mua từ Fatima đấy.”

Ông nhìn tràng hạt của mình một cách trìu mến, và tôi chợt nhận ra ông rất khổ sở khi xa nó, cũng như tôi khổ sở khi xa tràng hạt của tôi. Thật ra, đối với ông thì khó hơn - giống như phải nói vĩnh biệt với một người bạn thân. Tôi có nên cản ông lại không? Không, một cách nào đó, Chúa có mặt trong vụ này; mỗi người trong hai chúng tôi hình như đều cảm thấy như vậy, thế là chúng tôi thực hiện cuộc trao đổi. Vào lúc đó, người ta ùa đến bao quanh tôi vòng trong vòng ngoài. Tôi không được gặp lại vị linh mục ấy nữa.

Sáng hôm sau, hai phụ nữ đến để đưa tôi tới địa điểm nói chuyện kế tiếp. Tôi không biết gì nhiều về phụ nữ Ai-len, nhưng hình như tất cả họ đều lái xe như trong một cuộc đua. Lái xe với tốc độ 110 cây số/giờ trên xa lộ xuyên liên bang bên nước Mỹ của tôi là một chuyện, nhưng nếu cũng với tốc độ ấy mà lái trên đường làng ngoằn ngoèo nhỏ hẹp, hai bên có những bờ giậu cao ngất hoặc hàng rào đá cổ xưa, mặt đường chỉ đủ cho hai làn xe, và người lái phải theo lằn đường bên trái... thì lại là chuyện khác.

Trong khi hai bà cứ tán gẫu vui vẻ với nhau suốt dọc đường, thì tôi đã quá khiếp vía để có thể bắt đầu cầu nguyện nghiêm túc. Tôi rút tràng hạt ra - tràng hạt cũ mà mới của tôi - và choáng váng. Sợi dây kim loại xâu những hạt gỗ tròn nhỏ lại với nhau đã đổi màu!

Tôi từng nghe những tin đồn về hiện tượng này tại Mễ Du, về tràng hạt của người hành hương biến thành vàng, và lúc đầu tôi rất xem thường, coi như một loại phấn khích quá độ, hoặc là loại lấy ước mơ làm sự thật. Nhưng sau khi đã được cho xem một số, tôi bắt đầu kèo nài (Đức Trinh Nữ): “Người gọi con làm việc này, nhưng sao không ban cho con một tràng hạt bằng vàng?” Bây giờ thì Người đã ban. Tôi không biết những sợi dây ấy có bằng vàng ròng hay không, điều đó không thành vấn đề; tối qua chúng bằng bạc, bây giờ thì bằng vàng - hoặc ít ra là màu vàng kim loại bóng láng. Thế mà suýt tí nữa tôi đã từ chối món quà này!

Toàn bộ chuyến đi ấy là một ân huệ. Chúng tôi làm việc vất vả hầu như kiệt sức, phần tôi có khi phải thuyết trình ba lần một ngày. Nhưng xuyên suốt chuyến đi, tôi nghiệm thấy sự hiện diện của Thánh Linh luôn ban xuống cảm hứng tươi mới và nguồn ơn thấm nhuần cho tôi. Đúng vào những lúc tôi ngần ngại không biết mình có sức tiếp tục hay không, tôi liền được dịp nghỉ ngơi, tuy ngắn nhưng rất dễ chịu.

Chúng tôi kết thúc chuyến đi tại Dublin vào tối thứ sáu, trên sân Vận động Quốc Gia với 3.000 chỗ ngồi. Trên đường đến đó, Sean hỏi tôi có khoẻ không.

Tôi ngay tình đáp lại: “Tôi mệt muốn chết, chỉ muốn về nhà và ngủ luôn một tuần.” Rồi tôi phá lên cười: “Nhưng tôi nghĩ Chúa Thánh Linh sẽ làm bất cứ điều gì cần được làm; Ngài vẫn luôn hành động như thế.”

Sean gật đầu: “Đó là cái chắc. Anh có để ý trời không mưa giọt nào suốt thời gian anh ở đây không?”

Nghe anh ấy nhắc chuyện đó, tôi mới nhớ là mặt trời quả thật đã sáng rực rỡ mỗi ngày trong suốt thời gian ấy. “Thời tiết như vậy là bất thường à?”

- “Anh nghĩ thế nào khi chúng tôi gọi đất nước xanh rì này là đảo Ngọc Bích? Trời mưa là chuyện xảy ra hầu như mỗi ngày ở đây.”

Khi chúng tôi đến đó, sân Vận động đã kín chỗ ngồi. Và một lần nữa, Chúa Thánh Linh đã không làm ai thất vọng. Ba tiếng đồng hồ sau đó, khi chúng tôi trở ra ngoài, lên xe ra phi trường, thì trời mở toang ra, và mưa trút xuống như thác đổ, khiến chiếc xe phải chạy chậm lại như đang bò trên đường.

Trước chuyến bay trở về, tôi mệt quá không sao ngủ được. À, tốt hơn tôi nên tập cho quen với tình trạng này; trừ ra vài dịp xả hơi đặc biệt, từ nay trở đi cuộc sống của tôi sẽ phải như thế. Lịch công tác của tôi cho năm tới đã gồm nhiều chuyến đi thuyết trình ở nước ngoài, cộng thêm hai lần viếng thăm Mễ Du và vô số buổi thuyết trình trong nước. Đấy mới chỉ là kế hoạch cho sáu tháng thôi.

Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên được Ai-len, chủ yếu vì một thị kiến tuyệt vời mà tôi nghiệm được tiếp theo sau một buổi nói chuyện. Chúng tôi lại một lần nữa đang ở trong một nhà thờ quá tải với số người. Sau Thánh Lễ và buổi nói chuyện, chúng tôi đang quỳ và cầu nguyện cho cuộc chiến tương tàn của Bắc Ai-len (xem lại ở chương 1). Lòng tôi rung động sâu xa khi vị linh mục khẩn khoản nài xin Chúa Thánh Linh đến hàn gắn vết thương của dân chúng vùng đó. Trong khi quỳ gối và đôi mắt nhắm nghiền, tôi nhớ lại một đoạn từ quyển sách quý người ta tặng tôi, tên là “Bài thơ của Thiên Chúa Làm Người”, tác giả là bà Maria Valtorta, người được cho là thấy thị kiến và được in năm dấu thánh Chúa. Đoạn văn này mô tả Đức Giêsu đang cố gắng giải thích về tình yêu của Ngài đối với các môn đệ. Bỗng Gioan, người môn đệ trẻ và nhiệt tình của Ngài, đến kề bên, vòng tay ôm quanh thắt lưng và dựa đầu vào ngực Đức Giêsu mà nói: “Thầy ơi, con yêu Thầy!”

Quá bị thu hút bởi hồi tưởng lại cảnh ấy, tôi thầm thĩ van nài tha thiết : “Ôi Chúa Giêsu, xin cho con được vòng cánh tay con quanh mình Chúa, cho con được tựa đầu vào ngực Chúa và nói với Chúa: “Con yêu Ngài.”

Bất thình lình, tôi nhìn và cảm thấy Chúa Giêsu tựa đầu vào ngực tôi. Điều đó hết sức thật, khiến tôi cảm thấy như đứt hơi và hầu như ngã lăn ra.

Giờ đây, trên đường bay về nhà, tôi nhắm mắt lại và cảm thấy sự hiện diện của Ngài một lần nữa...

Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Bà, Nữ Vương Hòa Bình (10/26/2008)
Thông Điệp Ngày 25 Tháng 10 Năm 2008 Từ Medjugorje, Nam Tư. (10/25/2008)
Cn112: Đức Mẹ Hiện Ra Với Nhóm Hành Hương Giờ Của Mẹ Vào Tháng 3, 2002 (10/24/2008)
Tầm Quan Trọng Của Kinh Truyền Tin (10/22/2008)
Mặt Trời Nhảy Múa Tại Đền Thánh Vô Nhiễm Mẹ Maria Ở New Jersey, Hoa Kỳ, Ngày 13/10/2008. (10/21/2008)
Tin/Bài khác
Phù Thủy Theo Kitô Giáo Nhờ Danh Thánh Maria (10/2/2008)
Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mai Khôi, Cầu Cho Chúng Con (10/1/2008)
Tháng Mân Côi Ðức Mẹ Maria (10/1/2008)
Tháng 10, Tháng Mân Côi Ðức Mẹ Maria (10/1/2008)
Mai Khôi: Bông Hồng Đẹp, Viên Ngọc Quý (10/1/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768