MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bà Là Ai? 30. Mùa Gặt Cuối Cùng
Thứ Hai, Ngày 20 tháng 10-2008

30. Mùa Gặt Cuối Cùng

§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT

Mùa xuân năm 1988 tôi bận rộn hơn bao giờ hết. Nhưng hễ ở nhà, tôi nhất quyết cố gắng để thành một người chồng, người cha theo đúng như Terri yêu cầu. Nhờ ơn Thiên Chúa, tôi đã có thể làm được điều đó; mặc dầu lịch làm việc rất căng, nhưng hình như chúng tôi đã thể hiện được tinh thần gia đình hơn bao giờ hết.

Thực tế, trong kỳ nghỉ mùa xuân của nhà trường vào tháng tư, tôi đã làm cả nhà ngạc nhiên khi tuyên bố mọi người sẽ đi Mễ Du, để Kennedy và Rebecca biết được một cách trực tiếp tại sao bố chúng cứ đi miết. Còn một ngạc nhiên phụ nữa: chúng tôi sẽ ghé Ai-len, đi chơi ở đó, rồi nhập bọn với một đoàn người Ai-len đi hành hương Mễ Du.

Terri ngây ngất. Xứ sở duy nhất mà nàng luôn mong được đến thăm là Ai-len. Chúng tôi từng tính chuyện đi Ai-len một khi đã sang nhượng được chủ quyền những tờ báo của mình, nhưng đó là trước khi chúng tôi dấn thân vào vụ Mễ Du. Thế mà giờ đây nàng sắp được đi - lại cùng đi với các con nữa chứ!

Chúng tôi nghỉ một đêm tại Ai-len và ngày hôm sau đã lên đường đi Mễ Du, mừng lễ Phục Sinh ở đấy. Sáu ngày sau, chúng tôi trở lại Ai-len bốn ngày, rồi đi Luân Đôn một ngày. Làm được từng ấy chuyện, đó là nhờ tôi đã tích lũy được không biết bao nhiêu giờ bay, với bao nhiêu dặm đường, qua những chuyến đi thuyết trình của tôi trong năm ngoái, nên bây giờ được hãng máy bay đãi ngộ cả gia đình.(10bis)

Mễ Du vẫn không thay đổi mấy từ chuyến đi trước của tôi hồi tháng chạp, khi đưa Milka (em ruột Marija) về lại nhà. Chỉ hơi thiếu may mắn là Marija đi vắng trong thời gian chúng tôi tới đó. Tôi đã mong cho Terri gặp Marija và có thời gian trò chuyện với cô, nhưng cô và 15 người trong nhóm cầu nguyện - kể cả Kathleen - đã được Đức Trinh Nữ Hồng Phúc gọi tới một thị trấn nhỏ bên Ý, để sống đời cầu nguyện theo kiểu chiêm niệm trong năm tháng. Đến giữa tháng tám, họ mới trở về Mễ Du. Tuy thế, đó đã là một thời gian tuyệt vời cho sự thông cảm, chia sẻ trong gia đình chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên đã quây quần bên nhau ở đó với tính cách một gia đình, hoặc thời gian chúng tôi thăm Ai-len. Và bây giờ, Kennedy và Rebecca đã hiểu.

Mọi việc diễn tiến hết sức êm đẹp, chỉ trừ một điều: cuốn sách mà tôi rắp tâm viết vẫn chưa thành hình. Trong hai năm tìm tòi, nghiên cứu vừa qua, tôi đã tích lũy được cả tấn những ghi chép và băng cát xét mà tôi chất thành một đống lớn. Suốt trong thời gian đó, tôi đã viết được đúng 34 trang bản thảo; đến nỗi mỗi khi bước vào phòng làm việc, tôi né tránh, không muốn nhìn xấp giấy mỏng dính ấy trên chiếc kệ, cạnh cái máy chữ của tôi.

Nhưng cũng như Người vẫn thường làm trong mọi việc khác, việc này Thiên Chúa cũng đã có cách giải quyết. Vào tháng 5, khi tôi đến nói chuyện ở Providence, bang Rhode Island, thì Bob Veasy, người tổ chức chuyến đi này, nói với tôi về một buổi thuyết trình bổ sung mà anh đã tạm ghi vào lịch trình. Nó sẽ diễn ra ở Cộng đoàn Chúa Giêsu, một cộng đoàn đại kết sống chung với nhau ở Cape Cod.

- “Có thể anh không tán thành buổi nói chuyện này,” Bob lên tiếng khi chúng tôi rời khỏi phi trường, “nhưng hiện có một tay nhà văn sống ở đó, anh ta gởi thư cho tôi hỏi xem anh có cần giúp đỡ gì cho cuốn sách của anh không. Anh chàng này đã làm 16 quyển sách, và đa số sách ấy thuộc dạng viết chung.” (11)

Phản ứng tức thời của tôi là nói không. Đây không phải là lần đầu tiên người ta đề nghị với tôi một chuyện như thế. Nhưng không biết vì lý do nào đó, tôi lại quan tâm tới đề nghị này. Tôi bảo Bob, tôi không ngại đến đó để nói chuyện, và tôi muốn gặp người đó, nhưng tôi thật tình không có ý định tìm người viết quyển sách giùm tôi. Tôi nói thêm: “Đây là công việc tôi phải tự làm lấy, Bob ạ!”

Ban Giám đốc của Cộng đoàn Chúa Giêsu là hai phụ nữ, Cay Andersen và Judy Sorensen. Cả hai đã đến Mễ Du tháng 11 vừa qua, cùng với nhiều thành viên khác. Cho nên những gì tôi sắp chia sẻ sẽ phải là những điều họ chưa thấy ở đó. Kết quả là tôi đã làm một buổi nói chuyện dễ dàng nhất, cũng là một trong những buổi thoải mái nhất.

Sau bữa ăn trưa tuyệt vời với hai bà giám đốc, tôi đến gặp riêng David Manuel, người đã đề nghị giúp đỡ cho quyển sách của tôi. Anh nói anh đã từng làm việc này cho nhiều tác giả, và công việc anh làm cơ bản là phỏng vấn tác giả theo chiều sâu, viết tư liệu ra, rồi biên tập lại dưới dạng trình thuật. Anh bảo đảm với tôi: “Đó sẽ là câu chuyện của chính anh với lời lẽ cũng của chính anh, được kể theo cách anh muốn kể. Phần tôi, tôi chỉ làm cho việc viết ra sách được dễ dàng, có thế thôi.”

Tôi kiên quyết khẳng định với anh rằng bản nháp cuối cùng sẽ phải được viết theo cách của tôi, nhưng tôi cần trợ giúp trong khâu kết cấu và biên tập. Tôi nói thêm: “Điều tôi thật sự cần, đó là có một người kè kè bên tôi, thúc tôi thực hiện quyển sách.”

Dẫu sao, sau khi đã nhiều lần từ chối sự giúp đỡ của nhiều người khác, xem ra David Manuel là sự chọn lựa đúng người, đúng chỗ, đúng lúc. Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa dẫn dắt chúng tôi tới một quyết định đúng đắn.

Và Chúa đã làm như vậy. Trong vòng hai tuần sau đó, chúng tôi đã lên kế hoạch cho một chuyến đi ngắn ngày tới Mễ Du, để giúp David có một định hướng tốt và cũng để kiếm thêm vài cuộc phỏng vấn với các nhân vật nòng cốt có liên quan.

Tuy vậy, vẫn có một ít trở ngại phải vượt qua. Đầu tiên là chuyến đi thứ hai đến Ai-len như đã dự tính. Và từ Ai-len trở về Mỹ được vài ngày, tôi sẽ lên đường trở lại Mễ Du với David. Hoàn cảnh lại thêm rắc rối là khi từ Mễ Du quay về được hai ngày, tôi lại sẽ đáp máy bay đi Trinidad và ở lại đó mười ngày. Nhưng rắc rối nhất là tôi vẫn chưa nói cho Terri biết về chuyến đi đột xuất của chúng tôi trở lại Mễ Du. Tôi đợi cho tới buổi sáng hôm tôi đi Ai-len mới nói với nàng.

Nàng nhảy đựng lên, nổi cơn lôi đình: “Anh điên hoàn toàn rồi phải không? Anh tưởng mình là siêu nhân chắc? Cứ để David đi một mình tìm hiểu Mễ Du như anh và em đã làm!”

- “Thôi được, thôi được, anh hủy bỏ vé máy bay.” tôi nói, cố gắng làm dịu tình hình, “Anh chỉ muốn giúp David cảm nghiệm...”

- “Anh nghe này, David là người lớn rồi, anh ta có thể tự mình làm chuyện đó. Bộ anh ta không biết anh còn có một gia đình và cả đống chuyến đi hay sao? Thật em không thể tin được là anh còn dám nghĩ tới chuyện đi đứng vào lúc này!”

Lần đó không phải là lần chia tay tạm biệt tốt đẹp nhất tại phi trường. Sau đó, khi tôi gọi điện cho nàng trước giờ bay đi Ai-len, để một lần nữa cố gắng giải thích lý do tại sao tôi đồng ý đi cùng David, Terri lại tiếp tục nổi nóng. Tôi đành chịu thua, quả quyết với nàng tôi sẽ không đi và công nhận nàng có lý. Tôi muốn chuyến đi Ai-len lần này phải thật tốt đẹp, mà nếu khởi hành với cơn giận dữ của vợ sẽ không đưa tới sự bình an, vui vẻ mà Đức Maria đã hứa qua các thông điệp Người ban ra ở Mễ Du.

***

Cô Vera Mc Fadden được chỉ định lái xe chở tôi tới buổi nói chuyện đầu tiên ở Bắc Ai-len (xem chương 1). Xe cứ bon bon trên con lộ xinh xắn được viền bởi những hàng rào bằng đá chen lẫn các bụi cây xanh mướt rất đẹp. Sau khi đã hoàn hồn vì tiếng còi hú của những xe bọc thép chở các nhân viên người Anh khi chạy ngang qua và chĩa súng máy vào chúng tôi, chúng tôi tiếp tục câu chuyện về sứ điệp Mễ Du tại Bắc Ai-len.

- “Anh sẽ thấy dân chúng sẵn sàng tiếp nhận. Họ đã nghe nói về anh đấy, anh biết không?” Cô Vera nói với giọng địa phương nằng nặng của người Bắc Ai-len.

Điều này khiến tôi bỡ ngỡ. Cô nói tiếp rằng họ còn biết tôi là “chàng Tin Lành người Mỹ” đã nói chuyện về Mễ Du tại nhà thờ bên đó. Rõ ràng cuốn băng do Mary O’Sullivan sang lại, vẫn tiếp tục được nhân bản lên.

- “Chúng tôi cũng có được một ít bản sao những bài xã luận của anh,” Vera thêm, “nhưng quá ít. Tôi rất mong có người nào ở đây lo về việc phân phối. Sứ điệp hay quá mà!”

Lúc hơn hai giờ một chút, chúng tôi tới địa điểm nói chuyện đầu tiên - một khách sạn với khoảng chừng 50 người tham dự. Tôi bắt đầu tự hỏi không biết đến Bắc Ai-len có là một ý kiến hay hay không.

- “Đây chỉ là chặng dừng chân ngắn thôi; vả lại, vì là giữa trưa, chúng ta không mong có đông người”, Vera như đoán được ý tôi nên nói như vậy. Tuy nhiên, tôi vẫn cứ thuật lại toàn bộ sự kiện Mễ Du và tác động của nó trên đời tôi, không khác gì khi tôi nói cho một cử tọa đông đảo hàng ngàn người.

Tối đó, chúng tôi tới một địa điểm nói chuyện khác ở Derry, và cũng như buổi trưa, số thính giả rất thấp, nhưng tinh thần lại rất cao. Thời gian chia sẻ ở đây và nghe các chứng từ của cả người Công giáo lẫn người Tin Lành quả là hứng khởi và thánh thiện. Tôi sung sướng được biết có nhiều nhóm cầu nguyện hỗn hợp hai tôn giáo - mà nhóm này là một. Tối hôm sau, hội trường chật ních. Cố gắng giữ một tinh thần cởi mở và vẻ nhẹ nhàng trước sự kiện, tôi bắt đầu bằng cách hỏi: “Có ai cũng là người Tin Lành đến tham dự đêm nay không?”

Không thấy bàn tay nào giơ lên. Hơi xao xuyến, tôi nói tiếp rằng vì chỉ có một mình tôi là Tin Lành ở đây, nên tôi thuộc quyền định đoạt của họ, rồi tôi bắt đầu câu chuyện. Sau đó, khi một thành viên của nhóm người đã tài trợ cho chuyến đi này bày tỏ sự tán thưởng của ông về việc tôi đến đây, tôi bèn hỏi: “Tại sao tối nay không có người Tin Lành nào? Tôi nhớ ông có nói với tôi họ cũng thích nghe nói về các cuộc hiện ra mà?”

Ông im lặng một lúc trước khi trầm tĩnh nói: “Anh Wayne, những người Tin Lành đã có mặt ở đây tối nay, nhưng họ không muốn lộ danh tánh ra. Người ta làm sao biết được là có kẻ xấu len lỏi vào đây hay không.”

Điều này đưa tôi trở lại thực trạng của vấn đề Bắc Ai-len. Mặc dù sứ điệp Mễ Du có thể là một giọt dầu nhỏ của hòa bình, nhưng cuộc sống thường ngày của những người dân này vẫn đang bị đe dọa bởi những nhóm quá khích của cả hai phía. Sợ hãi là một phần của cuộc sống thường nhật ấy.

Tôi hài lòng đã đến Bắc Ai-len như một phần của chuyến đi thứ hai này; thực sự đó là lý do chính khiến tôi đồng ý trở lại. Ba ngày trôi qua nơi phần đất đẹp cực kỳ nhưng bị xâu xé vì xung đột này, đối với tôi thật là vô giá. Đó là một thời gian học hỏi và chứa đầy kỷ niệm tuyệt vời.

Mà kỷ niệm tôi sẽ không bao giờ quên đã xảy ra khi tôi gặp một phụ nữ được cho là đã thị kiến Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong một nhà thờ, tại một nơi gọi là Bessbrook. Theo bà mô tả, các thị kiến tỏ ra tương tự với những gì đang xảy ra ở Mễ Du. Sau khi thăm bà và linh mục (linh hướng) của bà là cha Gerald McGinity ở Armagh, tôi tin chắc chuyện bà là xác thực. Thật vậy, tôi cảm thấy tin tưởng khi gặp bà. Bà cũng biểu lộ bản tính chân chất, bộc trực và khiêm tốn xóa mình đi, như tôi đã quen thấy ở Marija và các thị nhân khác của Mễ Du. Cốt lõi các sứ điệp bà nhận cũng đồng nhất với Mễ Du về tinh thần và nội dung: ăn chay, cầu nguyện, làm việc đền tội, ăn năn hối cải và đặt Chúa Kitô làm trung tâm cuộc sống.

Nhưng bà đã kể một điều mà tôi chưa từng nghe trước đây: Năm trước, Đức Mẹ nói với bà rằng thế giới này có thời gian độ mười năm nữa để quay về với Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là chúng ta còn thời gian cho đến năm 1997. Bức thông điệp đặc biệt này không phải để hăm dọa, nhưng được coi như một thời gian ân sủng, khuyến khích thật nhiều người bước theo con đường sám hối về cùng Thiên Chúa. Tôi không thấy có điều gì giả mạo trong những tường trình của thị nhân mới mẻ này.

Phần còn lại của chuyến đi cũng giống chuyến đầu tiên, tôi lui tới nhiều thị trấn truyền bá sứ điệp và kết thúc ở County Cork. Trở về nhà mệt lử, nhưng một lần nữa tràn đầy niềm vui vì sứ mạng.

Một “phép lạ nho nhỏ” khác xảy ra ít ngày trước khi tôi rời Ai-len. Tôi gọi điện cho Terri báo cho nàng biết đến lúc ấy mọi sự đều xuôi xắn, và tôi sắp về nhà như đã trù định. Tôi cũng vội vàng nói thêm tôi trông ngóng được ở nhà mười ngày trước khi đi Trinidad biết bao nhiêu, với hi vọng đã được nàng tha thứ và bỏ qua về dự định chuyến đi đột xuất đến Mễ Du. Rồi tôi hỏi như thăm dò: “À, nhân tiện, em đã gọi điện cho David để báo về việc anh sẽ không đi Mễ Du với anh ấy chưa?”

Im lặng, rồi một tiếng thở dài: “Chưa.” Terri nói nhẹ nhàng, “Em đã mua vé cho anh đi Chicago.”

- “Terri, anh sẽ không đi Mễ Du với David. Anh nói với em rồi mà, anh bằng lòng...”

- “Em biết anh nói rồi, nhưng em nghĩ Đức Maria muốn anh đến đó..., nên em đã giữ chỗ cho anh đi Chicago.”

Tôi lặng người, không nói nên lời. Điều gì đã khiến nàng đổi ý? Khi gặp lại Terri ở phi trường, đó là câu đầu tiên tôi hỏi nàng. Nàng cười gượng gạo nói: “Thì cứ cho là khi Đức Maria muốn anh làm cái gì, Người sẽ bảo đảm cho anh làm bằng được!”

Tôi cười. Sự chuyển biến của Terri chắc chắn là khác với của tôi; nhưng không nghi ngờ gì nữa, nàng đang thật sự học để biết giao mọi sự cho Chúa bằng cách cầu nguyện. Mà càng tuyệt hơn nữa là nàng đang đáp ứng với lời truyền dạy.

Vài ngày sau đó, tôi trực chỉ Chicago để bắt đầu cuộc hành trình thứ bảy đến Mễ Du. Chúng tôi sẽ được ở dưới sự bảo vệ# của Lois Malik, người đứng đầu “Hãng Du lịch Trung Tâm Hòa Bình” và có lẽ đã tổ chức nhiều chuyến hành hương đến Mễ Du hơn bất cứ hãng nào. Lois là viên kim cương quý hiếm trong dạng thô. Một tay lão luyện trong ngành kinh doanh du lịch khi phải lo cho sự an toàn, thoải mái của khách hàng; chị cũng lì lợm, cứng rắn như mấy tay trung sĩ huấn luyện tân binh ở quân trường - một điều rất có ích khi xảy ra những lộn xộn không tránh được trong những tua du lịch đông người.

Cũng giống như những người đã lấy việc truyền bá sứ điệp làm cuộc đời mình, chị cũng có cả một câu chuyện. Sinh trưởng tại Chicago, khi lên chín tuổi, chị tuyên bố với mẹ là muốn được chuyển từ trường công sang trường tư của giáo xứ. Chị không biết tại sao, chỉ biết tự nhiên muốn như vậy. Gia đình chị đến lúc đó vẫn không đi nhà thờ, nhưng bà mẹ lại chấp thuận, rồi chị được rửa tội và rước lễ lần đầu cùng một ngày.

Những năm đèn sách tiếp theo đã trải qua ở các trường Công giáo, và kết thúc tại trường Đại học Loyola. Luôn luôn bị quyến rũ bởi ngành du lịch, chị đã nắm các chức vụ trong mọi bộ phận của ngành này. Nhưng chị vẫn không thật sự hạnh phúc, và hình như không có gì làm chị thỏa mãn hay đáp ứng các ước vọng của chị. Giáo Hội cũng không giúp ích được gì; trái lại, chỉ nghĩ đến đó thôi, chị cũng thấy có tội. Bởi lẽ Lois luôn là một kẻ cầu toàn, nên chị đã trở nên không còn tha thiết ăn uống gì nữa. Chị không chịu nổi ý nghĩ phải đi xưng tội - mà làm sao bạn có thể rước Mình Thánh Chúa nếu bạn không ở trong tình trạng ơn nghĩa với Ngài...? Nhưng vì lý do nào đó, chị bám chặt lấy tràng chuỗi Mân Côi. Không cần biết chị cảm thấy xa cách Chúa như thế nào, nhưng với “Đức Mẹ”, chị luôn thấy mình gần gũi. Một người mẹ có thể dễ dàng tha thứ hết mọi sự.

Vấn đề của chị dần dần dẫn chị tới một chương trình 12 bước, tương tự chương trình dành cho dân ghiền rượu vô danh (gọi tắt là AA). Và cũng theo đó, bước chủ yếu là thiết lập mối quan hệ với Thiên Chúa và tuân phục Thánh Ý Người. Bước đi này đã dẫn Lois tới một nhóm cầu nguyện và tới một linh mục có “đặc sủng chữa lành” - và quay về với Giáo Hội. Ngay khi nghe về Mễ Du, chị liền lên đường đến đó, rồi trở lại nơi ấy mấy lần. Vào sinh nhật thứ 45 của mình, chị được mời vào phòng hiện ra, nơi chị cảm thấy sự hiện diện của Đức Mẹ. Chị nhận ra mình có thể thư giãn, và tin cậy nơi Thiên Chúa, và ngoài Thiên Chúa chẳng còn gì quan trọng.

Nhưng làm sao để phân biệt được ý của Ngài và ý của mình? Vì chị cảm thấy mình được thúc đẩy tổ chức việc đưa người hành hương tới Mễ Du. Chị đem vấn đề riêng tư ấy ra bàn với cha Tomislav Pervan, và cha đã xin Marija cầu khấn đặc biệt cho chị. Suốt buổi hiện ra, Lois không bớt căng thẳng; nhưng sau đó, khi cha Tomislav gặp lại, ngài đã cho chị câu trả lời với nụ cười: “Lois, Đức Mẹ bảo: “Con đừng sợ, Mẹ sẽ ở bên con trong hết mọi việc con làm.

Đó là lời nói chị sẽ thường nhắc nhớ mãi, bởi vì trong chuyến đưa khách hành hương đầu tiên, có tám người đi với chị, đến chuyến thứ hai, chỉ còn sáu. Cứ đà này, chị sẽ phá sản trước khi tiếp tục những chuyến khác. Nhưng chị vẫn trông cậy vào Thiên Chúa và cứ tiếp tục đưa khách... Hiện nay, chị đảm trách đưa hơn một ngàn khách hành hương mỗi tuần.

Dưới sự chỉ huy hiệu quả của chị, lần khởi hành này với hãng Hàng không Nam Tư đã diễn ra cũng êm xuôi như bao chuyến khác tôi đã từng tham dự. Chẳng bao lâu, David và tôi đã ở độ cao 10.000 mét bên trên Đại Tây Dương, và bắt đầu làm quen với nhau.

Chúng tôi cùng một tuổi, nhưng điểm giống nhau đến đây là dừng. Quá trình của đời chúng tôi quá khác biệt nhau. Anh theo học trường đại học Yale lừng danh và suốt đời sống ở miền Đông Bắc. Đang là một biên tập viên của nhà xuất bản Doubleday, khi anh bắt đầu nhận thấy những đợt sóng người ăn năn hối cải nhờ phong trào Canh Tân Đặc Sủng năm 1970, anh chuyển sang đứng đầu bộ phận sách của nhà Logos, nhà xuất bản đầu tiên của Phong trào Đặc sủng, và cống hiến hết thời gian cho công việc viết lách từ năm 1973, tại cộng đoàn của anh ở Cape. Tuy nhiên, càng trao đổi với nhau, chúng tôi càng nhận ra, kết cuộc chúng tôi không khác nhau bao nhiêu. Cả hai chúng tôi đều dâng hiến đời mình phụng sự Thiên Chúa, và đều tin rằng nếu chúng tôi có lòng tín thác và vâng phục, Người sẽ dẫn dắt chúng tôi, qua những ơn cần thiết ban cho chúng tôi.

Điểm mà chúng tôi khác nhau là vấn đề Đức Maria. Đây cũng là vấn đề chung cho biết bao anh em Tin Lành. Đến bây giờ, David đã quen với câu chuyện của tôi, và đã từng nghe các bạn bè anh nói về việc họ đã phản ứng tích cực thế nào khi họ đến Mễ Du. Chính Barbara, vợ anh, cũng trở về nhà với sự xúc động sâu xa và một lòng khao khát không nguôi những điều thuộc về Thiên Chúa, và một sự đánh giá mới mẻ về Đức Maria. Hơn nữa, David đã cộng tác vào cuốn sách mới nhất của David du Plessis, cha đẻ Phong trào Ngũ Tuần hiện đại. Du Plessis từng đi viếng Mễ Du cũng như công nhận tính xác thực của những gì Thiên Chúa đang làm ở đó. Mặc dù David được chuẩn bị như thế để chấp nhận sự ấy, nhưng hầu như anh vẫn mong muốn Đức Maria đừng có vai trò gì trong việc đó.

Không phải đây là lần đầu tiên tôi gặp một sự kháng cự như thế, chính vị mục sư của tôi cũng cứng rắn trong những chống đối của ông - không phải về điều Thiên Chúa đang làm ở Mễ Du, cũng không phải về hoa trái không thể chối cãi mà Mễ Du mang lại cho cả thế giới. Nhưng ông cũng thích những sự ấy ấy xảy ra mà không có Đức Thánh Mẫu can dự vào. Tôi khám phá ra rằng những người Tin Lành, thuộc đủ màu sắc, có một sự bực bội đã ăn rễ sâu về điều mà họ coi như thể người Công giáo nâng Đức Maria lên ngang hàng Thiên Chúa. Họ coi điều này là sự tôn thờ bà mẹ, thay vì tôn thờ Con Thánh của Bà.

Thật đáng buồn, vì chẳng có gì xa sự thật hơn. Hầu hết người Công giáo sùng kính Đức Maria như một người mẹ trên trần thế, được ban một địa vị đặc biệt để làm một gương mẫu, một điển hình, một nhân vật luôn luôn dẫn dắt chúng ta đến với Con Thánh mình. Đó cũng đã là kinh nghiệm của tôi, khi tôi tiếp tục trở lại Mễ Du. Trong khi Mẹ Chúa Giêsu sẽ mãi mãi chiếm một chỗ cực kỳ đặc biệt trong trái tim tôi, thì với mỗi chuyến đi, tôi lại thấy mình được lôi kéo lại gần với Đức Giêsu hơn, muốn sống cho Ngài và tùng phục Ngài nhiều hơn nữa.

Tôi nóng lòng muốn thấy Mễ Du tác động trên David như thế nào. Nếu Barbara, vợ anh, đã từ ngôi làng nhỏ trở về với một cái nhìn mới mẻ về Đức Maria, thì tại sao lại không như thế với David? Tôi hi vọng cả anh nữa, cũng sẽ thay đổi.

Chúng tôi đến nhà thờ Thánh Giacôbê khi mặt trời lặn – đúng vào giờ Thánh lễ. Như mọi lần, thánh đường đông nghẹt người, còn chúng tôi thì đứng giữa đám đông ở phía cuối. Cảnh đám đông chật cứng và tiếng hát hùng hồn của cộng đoàn gây ấn tượng mạnh mẽ nơi David. Anh nói khẽ: “Không thể tin được! Họ đang hát bài “Chiến đấu ca của nước Cộng hòa” bằng tiếng Croát!”

Tôi thì thầm đáp lại: “Đó là một trong những bài thánh ca Đức Thánh Mẫu thích nhất.”

Lễ xong, chúng tôi đến nhà Marija và sẽ trọ ở đó. Sau khi đã nghe câu chuyện về sự chuyển biến của tôi và sứ mạng tôi đeo đuổi, Marija đã nhất quyết muốn từ đó trở đi, tôi không được trọ nơi nào khác ngoài nhà cô. Nhưng hiện thời, cô đang ở bên Ý dự một cuộc tĩnh tâm kéo dài với nhiều bạn trẻ trong nhóm cầu nguyện của cô. Chỉ Milka có nhà, và cô khiến chúng tôi cảm thấy thoải mái ngay - trong căn phòng thường dành riêng cho Milka và Marija. Chúng tôi tán gẫu một lát rồi đi ngủ sớm, vì đã thức hơn 30 tiếng đồng hồ rồi.

Buổi sáng, Milka và chị dâu Macha dọn điểm tâm cho chúng tôi với cà phê espresso nóng hổi pha kiểu Ý, cam xắt lát, phó mát sữa dê, bánh mì mới nướng. Đang khi chúng tôi tận hưởng các món ăn đơn giản nhưng ngon lành ấy, một phụ nữ tôi chưa từng gặp tự động vào cửa trước, rồi đi vào phòng ăn. Bà ta nói liến thoắng bằng tiếng Ý với Milka, cô này chùi tay vào chiếc tạp dề đang mang, nhoẻn miệng cười. Nhưng bà kia hình như tức giận về câu trả lời của Milka, bèn nói với giọng sừng sộ và yêu sách. Tôi không hiểu tiếng Ý, nhưng nhất định là tôi hiểu cái thái độ thô lỗ ấy, và thấy mình đang nổi nóng với kẻ đột nhập vào nhà người khác. Thế mà Milka vẫn không ngưng mỉm cười. Với tiếng thở dài mệt mỏi, cô nghiêng đầu về phía cửa sổ và lấy tay chỉ đường cho bà ta, còn bà ta, không một lời cám ơn, quay phắt lại rồi đi luôn.

Tôi hỏi Milka: “Bà ấy có chuyện gì vậy?”

- “Bà làm hướng dẫn viên du lịch, muốn tìm chị Marija. Bà điên tiết vì Marija đi vắng. Rồi bà muốn biết Ivan sống ở đâu.”

David hỏi: “Chuyện này có thường xảy ra không? Người lạ mặt đi thẳng vào bếp nhà cô ấy?”

- “Có,” Milka đáp lại một cách bình thản, “xảy ra hoài hoài.”

David chỉ biết trợn tròn mắt nhìn cô.

- “Tôi không thể quên được phản ứng của cô ấy”, anh nói với tôi sau đó, khi chúng tôi đi bộ với nhau trên con đường mòn xuyên qua cánh đồng dẫn đến nhà thờ, “Nếu là nhà bếp của tôi, tôi đã tóm lấy mụ ta và tống mụ ra...”

- “Đức Thánh Mẫu đã bảo dân làng mở cửa nhà họ và mở lòng họ ra cho khách hành hương.”

- “Đúng rồi, nhưng...”

- “Và Milka không phóng đại đâu, cứ như thế suốt ngày.”

Một chiếc trực thăng sà xuống trên thung lũng, bạn tôi hếch mắt lên nhìn. Anh hỏi: “Của chính phủ hả?”

- “Ừ, chỉ để cho mình biết ai là người nắm quyền ở đây. Thôi ta vừa đi vừa lần chuỗi để khỏi bực mình vì những vụ đột nhập.”

- “Anh cứ tự nhiên,” David trả lời, “còn tôi không quan tâm tới tràng hạt. Tôi thích đi thẳng tới Chúa Giêsu hơn.”

Tôi không trả lời ngay. Câu này tôi đã nghe quá nhiều người Tin Lành nói; tôi bắt đầu phân vân không biết mình có thể làm việc chung với David không!

Nhưng đây là một buổi sáng đẹp trời, và phong cảnh xung quanh nhắc chúng tôi nhớ tới sự an bình mà Đức Mẹ đã đến để ban cho thế giới, thông qua ngôi làng nhỏ này. Chúng tôi thấy một người đàn ông đang dùng cây chĩa ba bằng gỗ kiểu xưa, cào cỏ khô chất lên một xe bò, với một hiệu quả đáng ngạc nhiên. Một phụ nữ đang dắt một con bò bự bằng chiếc giây thừng, và cạnh một kho thóc chúng tôi đi ngang qua, một chú gà trống đang cố nhặt trộm mấy hạt thóc trong cái máng ăn của dê. David phì cười: “Lâu lắm rồi, tôi mới nhìn thấy cảnh này.”

- “Và chắc chắn là còn ngửi thấy nữa.”

David cười đáp: “Đúng, nhưng vì anh nói ra chứ đâu có ai để ý. Làng quê ngăn nắp quá!”

- “Không phải ai cũng nghĩ vậy.” Tôi nhún vai nói: “Ở Ai-len, tôi có xem một cuộc phỏng vấn trong một chương trình truyền hình, mà người chủ trì là một phụ nữ rất quốc tế. Bà ấy đã đến đây, nhưng điều làm bà nhớ nhất là cái mùi trang trại khủng khiếp của Mễ Du. Ơ, nhưng mà như vậy thì trang trại phải có mùi gì?”

David khịt mũi: “Nếu thế thì bà ấy cũng đã phải than phiền về mùi phân súc vật trên sàn chuồng bò ở Bêlem!”

Tôi thở dài: “Anh nói đúng. Rất nhiều người đã không thấy ra điều cốt lõi ở đây. Họ chỉ thấy cái bề ngoài, mà không chịu để thời giờ thật sự lắng nghe và nhìn thấy công trình của Thiên Chúa.”

Rồi nghĩ rằng đây có thể là cơ hội tốt để nhấn mạnh với David rằng Đức Maria đã xin chúng ta nguyện kinh Mân Côi như một phần của sự cải hối, tôi bèn nói thêm: “Nhưng David ơi, cũng như người phụ nữ kia đã không nhìn thấy cái phần quan trọng của sứ điệp Mễ Du, thì có lẽ anh cũng vậy, khi không chịu cầu nguyện bằng kinh Mân Côi theo lời yêu cầu của Đức Maria.”

- “Anh nghe đây, bao giờ tôi cũng cầu nguyện trực tiếp với Chúa Giêsu hoặc với Chúa Cha, và nếu lòng tôi ngay thẳng, các Ngài sẽ nghe tôi. Tôi sẽ không thay đổi gì cả.”

- “À,” tôi thúc tới, “vậy anh có tin là Đức Maria đang hiện ra ở đây không?”

David có vẻ hơi phật ý: “Dĩ nhiên là tôi tin, nếu không, tôi đã chẳng đề nghị giúp anh một tay viết quyển sách của anh!”

- “Và anh tin rằng các sứ điệp của Người được linh hứng bởi Con của Người?”

- “Có vẻ như vậy. Còn quan điểm của anh?”

Tôi ngừng lại, quay sang anh và nói: “Thế thì tại sao anh lại khó chấp nhận kinh Mân Côi mà Người đã xin chúng ta cầu nguyện?”

Mặt David đỏ gay: “Anh biết không, anh còn Công giáo hơn bất cứ người Công giáo nào tôi đã gặp!”

Tôi cười lớn: “À, nếu tôi là Công giáo thì chỉ viết với chữ c nhỏ thôi. Tôi chỉ muốn nói với anh về những gì tôi đã được ban cho qua các sứ điệp.” Chúng tôi im lặng đi bên nhau đến nhà thờ.

Tiếp theo Thánh Lễ tiếng Anh, cha Philip Pavic, một linh mục dòng Phan Sinh người Mỹ, được ủy nhiệm đến Mễ Du, đã có vài lời khuyến cáo mạnh mẽ. Ngài cảnh giác khách hành hương không nên nhìn lên mặt trời, vì đã có một số người làm hỏng võng mạc vĩnh viễn bằng cách thách thức Thiên Chúa theo kiểu đó. Rồi ngài yêu cầu họ tôn trọng sự trang nghiêm của thánh đường và các sân bãi xung quanh, bằng thái độ tôn kính xứng đáng với nơi ấy. Không có nói chuyện trong nhà thờ, y phục phải luôn chỉnh tề - bên trong cũng như bên ngoài nhà thờ - không được mặc quần cụt, áo không tay hoặc đồ tắm phơi nắng.

96.jpg

Sau đó, chúng tôi lên núi Krizevac, dừng chân lại ở các chặng đàng Thánh giá, nơi có những bức phù điêu bằng đồng đen minh họa cuộc Thương khó Chúa Giêsu. Bằng những nét điêu khắc tài tình và cái nhìn xuyên suốt nội tâm, nghệ sĩ đã lột tả được sự thù ghét nơi những kẻ kết án Ngài, cũng như sự chấn động và nỗi đau đớn nơi những người nam người nữ yêu mến Ngài. Không thể nào nhìn những bức phù điêu ấy mà không thấy xúc động sâu xa. Hầu như ở mỗi chặng đều đang có một nhóm người hành hương gục đầu cầu nguyện hoặc ca hát nhẹ nhàng. Ở một điểm, chúng tôi nghe hát cả bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Đức - sự kiện này làm chúng tôi cảm động: họ đã từng là những kẻ thù truyền kiếp một thời, giờ đây lại có thể giải hòa với nhau trên chặng đường Thánh giá này...

97.jpg

Mặc dầu đá lớn đá nhỏ lởm chởm nơi đây đã nhẵn mòn bởi hằng triệu đế giầy - hiểu theo nghĩa đen -, nhưng đi lên vẫn không dễ chút nào. Phải mất từ một đến hai giờ, tùy theo thời gian người ta ngừng ở mỗi chặng lâu hay mau.

Tuy vậy, vẫn có một số người già cả trên đường và thậm chí có cả một người chống nạng cũng lên.

Tới đỉnh, chúng tôi ngồi cách xa bên dưới chân thập giá một chút, chia nhau một chai nước khoáng. Có những nhóm nhỏ người hành hương rải rác khắp đỉnh núi, nhóm đang cầu nguyện, nhóm đang ca hát, nhóm đang suy niệm. David bảo: “Anh biết không, tôi cảm thấy thật là vui, một niềm vui êm ả. Nó bắt đầu ngay từ khi chúng ta khởi sự từ chân núi, rồi cứ dần dần tăng lên.” Anh nhìn lên cây Thập giá: “Biết bao người hành hương đã đọc biết bao kinh nguyện ở đây, như thể chính những tảng đá cũng gợi lên những kinh nguyện ấy.”

Phía sau chúng tôi, một nhóm người Ý bắt đầu lần chuỗi. Trước đó, khi tôi đề nghị với David lần chuỗi Mân Côi, anh đã từ chối, cho là lặp đi lặp lại vô ích. Nhưng giờ đây, khi nghe lời kinh nhóm này đọc lên một cách êm ái và thấm thía, nét mặt anh dịu lại. Anh trầm ngâm nói: “Tôi đang thấy được nhiều điều, chúng đến thẳng trái tim tôi mà không cần phải qua lý trí gạn lọc. Bởi lẽ Thiên Chúa không quan tâm nhiều như chúng ta về hình thức nào những lời cầu nguyện của chúng ta phải có khi ta cầu nguyện. Ngài nhìn thẳng vào trái tim ta, chứ không nghe những lời thoát ra từ miệng ta. Kinh Mân Côi có thể đọc một cách máy móc, hoặc cũng có thể là việc mở lòng ra với Thiên Chúa. Điều này cũng đúng với kinh Lạy Cha... Tôi là ai mà dám xét đoán tình trạng của trái tim người đang cầu nguyện?”

Tôi gật đầu. Có nhiều điều tôi muốn nói, nhưng tôi cảm thấy phải kềm lại cho tới khi anh nói xong. “Vì thế, tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện như xưa nay, đi thẳng tới Chúa.” anh nói cách trầm ngâm, “Bởi vì tôi thấy hiệu nghiệm: Ngài nghe tôi, và nếu trái tim tôi trong sáng, tôi cũng có thể nghe Ngài.” Anh mỉm cười: “Nhưng tôi sẽ không nói người khác sai, chỉ vì họ không cầu nguyện giống như tôi. Chỉ một mình Thiên Chúa thấy tận đáy những con tim và đối với Ngài, những gì nằm trong đó mới là điều đáng kể.”

Tôi chỉ biết gật đầu, vì không cần thêm gì nữa.

Chiều hôm ấy, cha Svet từ Konjic tới để giảng ở nhà thờ, sau đó ngài đưa chúng tôi đi thăm nhà xứ. David rút ra cái máy cát xét nằm thường xuyên trong túi anh, rồi chúng tôi xin cha bình luận về sự thay đổi đang diễn ra tại vùng nông thôn này, như kết quả của các biến cố tại Mễ Du. Nó có lan đến khắp Nam Tư không?

Ngài suy nghĩ một lúc trước khi trả lời: “Nó vượt xa khỏi Nam Tư; sự thay đổi ấy đang diễn ra trên toàn thế giới. Ở nước này, các anh sẽ không nghe nói về Mễ Du trên truyền hình, và người ta cũng không cho phép nói đến ở các nhà thờ. Nhưng,” ngài cười, rồi nói tiếp: “các anh có thể đọc thấy tên ấy trên đề can dán ở cái cản sốc phía sau xe hơi, còn xe hơi cứ chạy đi khắp nơi!”

Mễ Du có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của cha?

- “Mễ Du là sự thụ phong lần thứ hai của tôi. Nó đã kích thích tôi, đem lại một ý nghĩa mới và mục tiêu mới cho chức linh mục của tôi. Phần này còn dễ. Mễ Du còn mời gọi tôi trở nên thánh thiện. Đó là sự tìm kiếm và chiến đấu không ngừng mỗi ngày, để khám phá tâm hồn mình và khuôn mặt của Thiên Chúa giữa những cám dỗ của thế gian. Ca ngợi Ngài, trở nên thánh thiện và đáp ứng những yêu sách của ơn gọi linh mục, bất chấp các chương trình tivi, các trò tiêu khiển, chương trình những việc tôi phải làm hằng ngày..., tất cả những cái đó lắm lúc làm tôi mệt mỏi.”

David cười: “Dạ, phải rồi. Có lẽ cuộc đời ẩn tu lại dễ dàng hơn.”

- “Ồ, đúng thế! Nên thánh sẽ dễ dàng hơn biết bao khi được ở cách biệt trong một tu viện kín, hoặc trong một môi trường được bảo vệ nào đó!” ngài cười, “Nhưng hiện nay, tôi thấy mình phải sống ở cả hai môi trường. Tôi phải làm chứng cho cuộc sống tu hành trong một thế giới không có gì là tu hành cả.” Ngài mỉm cười: “Tôi giống như người đưa thư, mang đến cho thế giới bức thư viết về kinh nghiệm nội tâm của tinh thần, về cuộc sống với Thiên Chúa.

“Điều ấy khích lệ người ta trong cuộc phấn đấu của chính họ: Nếu tôi làm được chuyện ấy, các bạn cũng làm được...

“Đúng vậy hoàn toàn! Tôi luôn luôn nhấn mạnh rằng chúng ta đều là những người hành hương. Các bạn không đến với tôi hoặc tôi đến với các bạn, nhưng cùng nhau, chúng ta leo lên đồi Thập giá Canvê.”

Cha Svet hỏi thăm xem quyển sách của chúng tôi làm đến đâu rồi. Tôi nói với ngài đây là một chuyến đi tìm hiểu. Chúng tôi đang trông mong Chúa Thánh Linh điền vào những chỗ trống. “Nhưng có một điều tôi muốn cha giúp đỡ để làm. Tôi đã cộng tác với cha trong bản thảo thứ hai của cha, trong đó có một cuộc phỏng vấn dài với cha Jozo, nhưng tôi chưa hề gặp mặt cha Jozo. Cha có thể đưa chúng tôi đến giáo xứ của ngài lúc nào đó không?”

Theo thói quen, cha Svet vỗ đùi nói: “Tại sao không đi ngay bây giờ?”

Năm phút sau, chúng tôi chen chúc nhau trong chiếc xe Volkswagen trắng nhỏ xíu của ngài, trên đường đến Tihaljina, cách đó khoảng 35 cây số. Tôi nhắc cho David nhớ cha Jozo từng là cha Chánh xứ tại nhà thờ Thánh Giacôbê trong thời gian đầu của các cuộc hiện ra; và ngài thoạt tiên đã nghi ngờ, nhưng lại che chở các em thị nhân; rồi sau này phải vào tù vì đã từ chối không chịu ngăn cản hoạt động của chúng. Thậm chí cho đến nay, ngài vẫn bị Giám Mục cấm hành lễ tại Mễ Du. Vì thế, những người hành hương đến với ngài - mỗi ngày trên những chiếc xe buýt đầy nhóc. Có nhiều người lấy các bài nói chuyện của ngài làm cao điểm cuộc hành hương của họ.

98.jpg

W. Weible (bên phải) gặp cha Jozo.

Chúng tôi đến nơi vào lúc mặt trời lặn và được đưa tới phòng làm việc của cha Jozo. Ngài là một người to lớn, có đôi mắt đen, cái nhìn soi thấu tâm can và một nụ cười rạng rỡ có thể làm mềm một trái tim bằng đá. Qua cha Svet, tôi giới thiệu với ngài về hai chúng tôi và những gì chúng tôi dự tính hoàn thành; ngài gật đầu rồi xin một dì phước đem cà phê ra.

Tôi hỏi về thời gian ngài ở trong tù - nó như thế nào?

Ngài cười và nói thật nhanh bằng tiếng Croát và từng lúc, từng lúc ngừng lại để cha Svet có giờ thông dịch. “Tôi luôn mong muốn được vào trong tù với sách Phúc Âm, nhưng đã không xảy ra đúng như tôi dự định. Tôi không thích đi vào chi tiết, nhưng chỉ muốn nói nhà tù đã lấy đi lòng kiêu hãnh và đem lại cho tôi sự đơn sơ. Khi anh chịu đủ thứ hình phạt, người ta cứ tưởng đã chinh phục được anh và kể như anh đã xong đời rồi. Nhưng họ chỉ đang dọn đất cho hạt giống đức tin.”

Cha có buồn khi hiện nay không được tới Mễ Du?

Ngài lắc đầu và cười: “Mễ Du không còn ràng buộc với một địa điểm nhất định nào nữa. Đây là một tinh thần thì đúng hơn, và tinh thần có thể nảy nở ở bất cứ nơi nào!”

Nếu cha có thể tóm lược tất cả các sứ điệp của Đức Thánh Mẫu, thì cha sẽ tóm như thế nào?

Ngài nhìn ra bầu trời đang dần tối ngoài cửa sổ: “Khi David đương đầu với Goliat, Thiên Chúa bảo David hãy cầm lấy năm hòn sỏi và ra đi nhân danh Người. Năm hòn sỏi ấy đang ở trong tay các bạn hôm nay, và Đức Mẹ đã nói cho chúng ta biết trên mỗi hòn sỏi có viết chữ gì: cầu nguyện, chay tịnh, xưng tội, Kinh Thánh và Thánh Thể... Đức Mẹ đã khóc khi Người nói với chúng ta về Thánh Thể, biểu tượng sự hi sinh của Con của Người vì chúng ta. Điều này nhắc chúng ta nhớ rằng cuộc đời chúng ta phải trở thành một của lễ hi sinh cho hết mọi người. Đức Mẹ hiểu rằng Chúa Giêsu phải tiến đến cây Thập giá. Bất chấp những thống khổ Mẹ phải chịu, Mẹ không tìm cách giữ Ngài lại. Mẹ chấp nhận chương trình của Thiên Chúa: ra đi chịu chết, để cho tất cả mọi người có thể được tái sinh và được sống.”

David lắc đầu: “Tôi biết rõ sự vâng phục của Người đã bắt Người phải trả giá lúc sinh hạ Con của Người - nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến cái giá Người phải trả lúc Đức Giêsu chết.”

99.jpg

Các người hành hương đến xin cha Jozo đặt tay cầu nguyện cho

Cuối buổi chúng tôi trò chuyện với cha Jozo, cha đã cầu nguyện cho chúng tôi. “Hai anh hãy đặt cuộc đời mình dưới chân Thập giá, vào trong trái tim rộng mở ấy, vào trong đôi tay rộng mở ấy, ở trước bầu trời rộng mở ấy, mà từ đó người ta có thể nghe thấy câu: “Đây là Con Ta yêu dấu.” Hãy nghe lời ấy! Cảm tạ Chúa Giêsu vì cây Thập giá của Ngài. Cảm tạ Chúa Giêsu vì Trái tim rộng mở. Xin cảm tạ vì qua bàn tay Ngài, mọi chúc lành tuôn xuống. Xin cảm tạ, vì qua Trái Tim Ngài, an bình và yêu thương đổ xuống. Xin Ngài đặt tay lên chúng con và chúc lành cho chúng con.”

Tôi không thể nhớ đã từng bao giờ xúc động đến như thế bởi một sự chúc lành.

**

Tối hôm đó, ở trong phòng chúng tôi, khi David đang sửa soạn băng và phim cho ngày hôm sau, anh nói: “Anh biết không, có ba đôi giày ở ngoài cửa bên kia hành lang. Thế còn cái cửa kia ở cuối hành lang, cái đối diện với phòng khách ấy?”

Tôi gật đầu: “Đó là phòng của hai vợ chồng Antonic và Macha.”

- “Này, suốt từ lúc chúng ta đến đây cứ thấy đóng cửa. Chỉ sáng hôm nay, ai đó đã để hé. Khi bọn mình đi ngang qua để ra ngoài - đành rằng không phải chuyện của tôi, nhưng tôi vẫn liếc mắt nhìn vào. Có bốn tấm nệm trên sàn nhà.” David ngưng lại: “Wayne, bốn người đang ngủ trên sàn nhà trong đó, để cho anh và tôi có thể ngủ trên giường, trong một phòng dành riêng cho chúng ta.”

Tôi gật đầu và thở dài: “Và khi chúng ta đi, họ sẽ không nhận tiền nong gì hết. Tôi biết mà, tôi thử rồi.”

- “Điều này càng đánh động tâm can tôi.”

- “Tôi cũng vậy,” tôi đáp lại, “nhưng đó là cái mà Đức Thánh Mẫu đòi hỏi họ: Hãy đón tiếp khách hành hương như đón người nhà của các con. Hãy để cho họ thấy được Con của Mẹ trong các con.”

- “Phải,” David thầm thì, “tôi thấy mà.”

Sáng hôm sau, chỉ có hai chúng tôi ở bàn ăn, thưởng thức hương vị ngon ngọt, đăng đắng của ly cà phê và có được nửa tiếng đồng hồ rảnh rỗi không phải làm gì, trước khi chúng tôi đi dự Thánh Lễ.

Bỗng nhiên David kêu lên: “Anh biết không, những gì chúng ta nhận được ở đây chính là toàn bộ cuộc Canh Tân của Thánh Linh không thiếu một chút nào!”

Bạn tôi đang được hâm nóng lên bởi đề tài của anh: “Trong tất cả những cuộc canh tân lớn (12) của thế kỷ 18 và 19, tại nước Anh và xứ Wales cũng như ở Mỹ, thiên hạ đều bị sửng sốt ngỡ ngàng. Đột nhiên, thực tại của bản thân Đấng Cứu Độ và khả năng có được một sự tha thứ toàn diện làm mọi người bị choáng ngợp không chống cưỡng nổi. Cuộc đời của họ biến đổi, những mối quan hệ đã bị đổ# vỡ hằng nhiều năm giờ được hàn gắn. Những gì liên quan đến Thiên Chúa tự nhiên trở nên quan trọng đối với họ hơn bất cứ điều gì khác.”

Ngưng một lát, anh tiếp:

“Tôi thấy điều đó đang xảy ra ở đây.”

Tôi mỉm cười rót thêm cà phê vào mấy cái tách. Cách của David tiến đến gần Thiên Chúa rất khác với cách của tôi; tuy vậy, kết quả vẫn như nhau.

- “Vẫn còn một vài người đứng ngoài cuộc,” tôi trả lời, “nhưng anh nói đúng, hầu như tất cả mọi người trong làng này đều có can dự. Và tám năm trước đây, thì tỷ lệ hầu như ngược lại. Đây là một vùng thung lũng khỉ ho cò gáy của người dân chai lì, yếm thế, với những kẻ lân cận thù địch và những nông dân hoàn toàn bị khống chế bởi thị trường do chính phủ kiểm soát. Thanh niên chỉ sống qua ngày, nhấp nhỏm bỏ đi kiếm sống ở các thành phố. Một số ít người lớn tuổi hơn vẫn còn đi nhà thờ đều đặn, nhưng dứt khoát họ chỉ là thiểu số. Dẫu vậy, bất kể thời buổi khó khăn, bất kể các biện pháp chống đối tôn giáo, đức tin ở đây vẫn còn sâu sắc hơn rất nhiều nơi khác ở Nam Tư.”

Tôi ngó ra cửa sổ nhìn về ngọn núi Krizevac, “Họ đã dựng cây Thập giá trên kia..., và vào năm 1967, họ xây một nhà thờ lớn hơn so với nhu cầu cụ thể của họ rất nhiều. Đức tin vẫn còn ở đây - và theo lời các thị nhân, đó là một trong các lý do Thiên Chúa đã chọn nơi này...”

David uống cạn ly cà phê và đưa ra để rót thêm:

- “Tôi cũng đã suy nghĩ về điều ấy,” anh nói, “thực ra tôi cầu nguyện về điều này sáng nay. Tại sao, trong tất cả mọi quốc gia, Chúa lại chọn nước Nam Tư?”

Anh cười: “Anh có biết tôi hiểu chuyện này như thế nào không? Đầu tiên khi Thiên Chúa kêu gọi Đức Maria để đem Con Chí Thánh của Ngài đến cho nhân loại, sự việc đã xảy ra trong một chuồng súc vật. Bây giờ Ngài yêu cầu Đức Maria đưa Thánh Tử trở lại, thì Ngài đã chọn một xứ sở không khác nào chuồng súc vật.”

- “Có lý!” tôi nói, nghĩ bụng rằng qua những lời nói và suy nghĩ này, David, theo cách của riêng anh, cũng đã đạt tới sứ điệp Mễ Du.

Anh ta đứng dậy, đi về phía cửa sổ. Trong thung lũng, các nông dân đã có mặt trên những cánh đồng. Anh nói với giọng trầm tư: “Con đường dẫn đến sự cải hối có thể hơi khác với con đường tôi đã quen, nhưng hiệu quả vẫn là một. Nếu có khác, đó là các hạt giống ở đây xem ra đang đâm rễ sâu hơn...”

- “Sự cải hối mà Đức Thánh Mẫu đang mời gọi là theo kiểu cũ,” tôi vừa nói vừa cười, “và Người không giỡn chơi đâu: ăn chay theo Người có nghĩa là ăn bánh mì với nước lã. Còn cầu nguyện - anh có biết giới trẻ trong các nhóm cầu nguyện ở đây cầu nguyện bao lâu không? Ba giờ mỗi ngày. Cho tới khi tôi đến đây, tôi không nghĩ mình đã cầu nguyện hơn 5 phút mỗi ngày - nếu có cầu nguyện.”

David đồng ý: “Tôi đã thấy điều đó nơi vợ tôi.” anh bình thản nói, “Khi Barbara đến đây hồi tháng 11 năm ngoái, nàng đã là một Kitô hữu sống đạo. Nàng đã yêu mến Thiên Chúa suốt 16 năm. Nhưng ở đây, nàng đâm ra phải lòng Thiên Chúa. Khác nhau là ở chỗ đó - và tình trạng này vẫn được duy trì.”

Tôi đem ly tách xuống chậu rửa bát dưới bếp. Chúng tôi còn 25 phút nữa để đi dự Thánh Lễ tiếng Anh - vừa kịp nếu đi ngay. Chúng tôi cứ theo con đường mòn tiến tới nhà thờ, cố gắng bước sao cho đến nơi đúng giờ.

- “Những tia lửa được ngọn gió thần linh mang đi, đã làm bùng lên những trận cháy rừng khắp nơi.” David trầm ngâm nói, “Phải rồi, điều đó đã được tiên báo: Kinh Thánh nói rằng: vào những ngày sau hết sẽ có một sự tuôn trào vĩ đại(13) và muôn muôn người sẽ được hối cải.”

Anh chụp một tấm ảnh ngôi nhà thờ có hai cái tháp song song ở đằng xa. Và hỏi tôi: “Anh có nghĩ chúng ta đang ở vào những ngày cuối cùng không?”

- “Anh không nghĩ như thế sao?”

- “Có, tôi tin chắc chúng ta đang ở# trong thời kỳ cuối,” anh vừa nói vừa cất máy ảnh đi.

Tôi gật đầu: “Đây là vụ gặt cuối cùng,” tôi nói, và cố làm cho nó đừng quá bi tráng, “Đây là cơ hội cuối cùng của chúng ta. Nếu lỡ mất, tôi nghĩ chúng ta sẽ không còn cơ hội nào khác.”

Chúng tôi đi hết đoạn đường còn lại trong yên lặng.

---o 0 o ---

Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Bà, Nữ Vương Hòa Bình (10/26/2008)
Thông Điệp Ngày 25 Tháng 10 Năm 2008 Từ Medjugorje, Nam Tư. (10/25/2008)
Cn112: Đức Mẹ Hiện Ra Với Nhóm Hành Hương Giờ Của Mẹ Vào Tháng 3, 2002 (10/24/2008)
Tầm Quan Trọng Của Kinh Truyền Tin (10/22/2008)
Mặt Trời Nhảy Múa Tại Đền Thánh Vô Nhiễm Mẹ Maria Ở New Jersey, Hoa Kỳ, Ngày 13/10/2008. (10/21/2008)
Tin/Bài khác
Phù Thủy Theo Kitô Giáo Nhờ Danh Thánh Maria (10/2/2008)
Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mai Khôi, Cầu Cho Chúng Con (10/1/2008)
Tháng Mân Côi Ðức Mẹ Maria (10/1/2008)
Tháng 10, Tháng Mân Côi Ðức Mẹ Maria (10/1/2008)
Mai Khôi: Bông Hồng Đẹp, Viên Ngọc Quý (10/1/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768