(33) Chứng Từ Của Người Việt Nam
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
1. Không kể chứng từ của ông Đỗ-Sinh-Tứ mà chúng tôi đã nêu ra và trích nhiều đoạn trong cuốn “Mẹ Đến Lần Cuối” (MĐLC). Trước hết là chứng từ của gia đình của cô Hà Thị Thuận, mà các bạn độc giả đã biết qua trong cuốn vừa nêu trên.
2. Chứng từ của Linh mục A.V.Đ.T và nhóm các em sắc tộc trên cao nguyên, thuộc lãnh vực mục vụ của Lm.
3. Chứng từ của Cô Liên.
Rất mong nhận được những chứng từ khác của các bạn độc giả khắp nơi...
1. Thư Của Cô Hà-Thị-Thuận
Cho đăng một vài lá thư sau đây liên quan đến Mễ Du của cô Thuận(7), mục đích duy nhất là cho các bạn độc giả thấy bằng chứng về quyền phép và tình thương của Thiên Chúa, qua Đức Mẹ Mễ Du, đã biến đổi cô, rồi cả gia đình, họ hàng, bà con quen biết và nhiều người khác nữa... từ nguội lạnh đến sốt sáng thánh thiện...
Điều ấy rất khích lệ chúng ta. Gia đình ấy đã được như thế, tại sao gia đình bạn lại không? Bạn có muốn gia đình, vợ chồng, con cái, người thân của bạn được bình an, làm hòa với Thiên Chúa, sốt sắng thánh thiện và hăng say việc tông đồ v.v... nhờ đó được hạnh phúc không? Hãy đến với Mẹ, Mẹ sẽ dẫn dắt ... cho dù chúng ta không có may mắn đến được linh địa Mễ Du.
Washington, June 16,1996
-
Cha kính mến,
Con vừa được thư và hình của cha, con rất mừng ...
(...) Bây giờ cha muốn con nhỏ như ngày nào, kể cho cha nghe những vui buồn trong cuộc sống, con không ngại, nhưng nếu nói ra hết thì không hiểu còn ích lợi gì nữa không, vì Chúa nói: “Khi tay mặt làm việc thiện đừng cho tay trái hay.” hoặc: “Khi cầu nguyện thì vô phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện”. Nhưng đối với cha có lẽ không sao, cha có biết thì cha cũng chỉ bảo thêm để con nên thánh thiện hơn.
(...) Hồi xưa con thật xa Chúa, một tuần đi lễ một lần, các cháu còn nhỏ, một thân một mình ra công lo làm lụng để nuôi con, nên việc đạo nghĩa con thật hời hợt, đáng lẽ những lúc khó khăn, chật vật như vậy con phải chạy tới với Chúa mới phải, nhưng con đã không làm. Một tuần cho Chúa một tiếng cũng thật khó khăn, cũng không trọn vẹn, trong lúc xem lễ thì hồn mông lung những chuyện đâu đâu. Sáng dậy chỉ biết vội vã 3 kinh Kính Mừng ; tối đến đọc được 50 kinh là may lắm rồi. Nghĩ lại con thấy mình quá tệ, quá bội bạc, quá vô ơn, lãng phí một đời, tiếc một đời, buồn một đời. Lúc đó linh hồn con không khác gì một thân cây trồng trên một miếng đất khô cằn cỗi, đầy cỏ hoang dại, đầy sâu bọ, thoi thóp dưới vừng trời nắng cháy, không nước tưới, không phân bón, không cắt lá tỉa cành. Cây cằn nên cây không thể nẩy lộc, cành không nhựa sống nên cành chẳng thể ra bông, lá chẳng thể xanh tươi mầu mỡ. Một năm bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông cây trơ như đá, lạnh như đồng.
Nhưng Chúa thật nhân từ, tình thương của Người rộng như biển cả, Người đã không nỡ cầm dao đốn bỏ vô lửa cho thành tro bụi. Người đã cho mưa xuống giúp cây lấy lại sức sống, nhờ đó nhựa đưa lên thân, thân đưa lên lá, nhờ đó cây lại được tốt tươi. Hồi đó con đi làm thật sớm, không bao giờ nghĩ tới chuyện đi lễ hàng ngày. Bây giờ con bỏ hết để được đi lễ mỗi sáng, không phải một lễ mà hai ba lễ một ngày, và vì vậy mà con mất một số khách hàng tới sớm. Nhưng con không cần, vì Chúa đối với con cần thiết hơn, có Chúa con sẽ có tất cả. Bởi vì con thấy giá trị của thánh lễ vô cùng quí giá cho phần linh hồn, nên bằng mọi cách con phải dành thì giờ đi lễ mỗi sáng. Nhờ vậy đã đem con tới gần Chúa hơn. Con phải dành mọi cách để lấy lại những ơn ích mà mình đã đánh mất bao năm nay.
Mỗi ngày con dậy khoảng từ 4 giờ 30 lo đọc kinh sáng, (Đức Mẹ Mễ Du dạy phải dành 4 tiếng đồng hồ một ngày để cầu nguyện(8), 6 giờ 15 con đi lễ, tới nhà thờ 6 giờ 30, còn được nửa tiếng, con sửa soạn đốt nến, chưng dọn bàn thờ cho cha làm lễ, con rất thích những công việc này. Nhà thờ này thuộc dòng Tên, con thường hay đi lễ ở đây, mặc dù con không phải họ đạo này. Ở đây có một cha dòng, tên Jim, người rất dễ mến, rất hiền hòa, rất vui tánh, rất thương người. Cả một đời linh mục của người là làm việc truyền giáo và giúp đỡ người nghèo ; người viết sách, làm tượng ảnh bán giúp người nghèo đói, vì vậy thỉnh thoảng con giúp người đi bán tượng ảnh ở các nhà thờ để lấy tiền nuôi những người nghèo đói.
Lễ xong thường có giờ chầu Mình Thánh, nhưng con không ở lại, mà tiếp tục đi lễ nữa. Hy vọng những thánh lễ này sẽ đền được phần nào tội lỗi và sự bội bạc vong ân của mình, cũng như những người khác ; hy vọng an ủi phần nào sự tủi nhục cô đơn của Người ; hy vọng cứu được nhiều linh hồn lầm lạc, tội lỗi quay về với Chúa ; và hy vọng đem được các linh hồn nơi luyện ngục lên thiên đàng để bớt cảnh khổ đau.
Lễ xong. về đi làm. Trong giờ làm việc, con ráng để tâm trí mình tưởng nhờ về Chúa ; con không muốn phí phạm thì giờ, nên nói những lời nguyện ngắn như “Giêsu, Maria, Giuse con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn” , lời nguyện này Chúa nói với bà thánh Consolata Betrone, mỗi lần đọc nó sẽ cứu được một linh hồn, Chúa rất thích những ai đọc lời nguyện này. Hoặc lời: “Lạy Cha Hằng Sống, con xin dâng Mình, Máu Thánh Chúa Giêsu hiệp với các thánh lễ dâng trên hoàn cầu ngày hôm nay để xin cho các linh hồn nơi luyện ngục được lên thiên đàng” . Lời này Chúa nói với bà thánh Gertrude the Great, mỗi lần đọc nó sẽ cứu được 1000 linh hồn trong lửa luyện tội. Bởi vậy khi bà thánh này còn sống đã cứu được hằng hà sa số các linh hồn.
Chiều trước khi về nhà, con thường ghé vô nhà thờ Holy Cross để chầu Mình Thánh, vì ở đây lúc nào cũng có Mình Thánh cho mình viếng, không hiểu tại sao chiều nào con cũng bị sức hút vô hình nào đó lôi cuốn con tới đó, con không bao giờ bỏ. Chúa nói với bà Sister (Sơ) Josefa Menendez (năm 1923) rằng:
“Chính tình yêu các linh hồn đã giữ Ta tù hãm trong Bí Tích Thánh Thể. Ta ở đó để mọi người có thể đến, để tìm được sức nâng đỡ mà họ cần từ nơi Trái Tim âu yếm, dịu dàng nhất, từ người Cha nhân hậu nhất, từ người bạn trung tín nhất không bao giờ rời bỏ họ ...”
...”Phép thánh Thể là sáng tạo của tình yêu. Đó là sức sống, sức mạnh cho các linh hồn, là phương thuốc chữa tội lỗi, là của ăn đi đàng cho ngày giờ cuối cùng vượt qua khỏi đời tạm mà về cõi vĩnh cửu. Ở đó, kẻ tội lỗi tìm lại được sự sống cho linh hồn mình; kẻ nguội lạnh lấy lại sự sốt sắng thật ; kẻ sốt sắng tìm được sự bình an tĩnh mịch và thỏa mãn cho mọi ước vọng ; linh hồn thánh thiện được chắp cánh để bay tới đỉnh hoàn thiện ...”
Chúa than thở: “Chính tình yêu ấy đã khiến ta thành tù nhân trong nhà Tạm. Đã 20 thế kỷ dòng dã, Ta ở đó ngày như đêm ; giấu mình dưới hình bánh, trong chiếc bánh trắng nhỏ bé, vì yêu mà chịu bao lãnh đạm, cô đơn, khinh rẻ, lộng ngôn, xỉ nhục và phạm thượng ...” và “Ta là Thiên Chúa, nhưng là Thiên Chúa của tình thương! Ta là Cha, nhưng là Cha của lòng thương xót, không bao giờ tàn nhẫn. Trái tim vô cùng thánh thiện nhưng cũng vô cùng khôn ngoan và biết tỏ sự yếu đuối, mỏng dòn của loài người, cúi mình xuống những tội nhân khốn khổ với một niềm thương xót vô biên”.
(Trích từ: “I wait for you”: Ta chờ đợi các con)
Sau khi đọc những lời này, cha hiểu tại sao con say mê giờ viếng Mình Thánh. Bao năm rồi, con đã mất đi cái hạnh phúc gần Chúa, bao thời gian qua con đã hất đổ cái kho tàng ơn sủng của mình.
Hồi xưa con đi lễ cho xong lần, đọc kinh cho có lệ. Nhưng bây giờ con không vậy nữa, vì con hiểu thế nào là giá trị của thánh lễ, hiểu thế nào là hương thơm của lời nguyện, hiểu cái sâu sắc của lời kinh, nên dự lễ, hay đọc kinh con cố gắng cầm trí hết sức mình, để tâm hồn mình được gần Chúa thật sự.
Bên này có rất nhiều sách quí, nhờ đọc sách con hiểu được Tình Yêu Chúa đối với con, nhờ đọc sách con tới gần Chúa hơn, mến Chúa hơn và yêu Mẹ nhiều hơn, nó là con đường đem con tới với Chúa. Cuốn sách về Mễ Du, con mua 2 cuốn, một cho cha và một cho con, nhưng con chưa có giờ đọc, sở dĩ con chưa có giờ đọc là vì con trong hội “Angel”, nên tất cả những gì về Mễ Du con đều biết. Con rất thích suy gẫm về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Tối trước khi đi ngủ, con đọc một đoạn Thánh Kinh hoặc những loại sách suy gẫm về cuộc đời Đức Mẹ, hầu xin Mẹ cho con sống được giống Mẹ phần nào, dù chỉ bằng hạt cát trong sa mạc.
Năm ngoái con dịch cuốn sách từ lửa luyện tội, rồi in ra mấy trăm cuốn (Free = từ tiền túi) bỏ các nhà thờ bên này, con hy vọng khi đọc nó, con người sẽ ý thức được phần nào cuộc sống phần linh hồn mà xa lánh bớt tội lỗi, nếu cứu không được mười người, thì một người cũng được. Bởi vậy khi cha đề nghị dịch cuốn sách “The visions of the children” (Thị kiến của mấy trẻ), con rất đồng ý, đó là một việc nên làm và phải làm, song ai là người làm được đây, không phải con không có thiện chí, nhưng cuộc sống của con đã chiếm quá nhiều thì giờ mất rồi. Phần, con dịch không hay đâu.
Ở đây thỉnh thoảng con cũng đi dự những buổi đọc kinh chia sẻ Lời Chúa. Mục đích của con là truyền bá những thông điệp của Đức Mẹ mà bên này cũng có rất nhiều người không hề biết đến.
Thưa cha quí mến, thư đã dài, đó là cuộc sống con hiện tại, hơn bao giờ hết con sống rất gần Chúa, rất khao khát sống bên Chúa, rất khao khát được nên trọn lành, cha nhớ cầu nguyện cho con mỗi ngày, xin Chúa thêm sức cho con để con sống trọn tình cho Chúa, và trong tình yêu Chúa. Mỗi ngày khi cha dâng thánh lễ, cha nhớ rằng Thuận của cha cũng đang quỳ kề bên cùng dâng lời nguyện với cha. Ước vọng duy nhất của con là cầu mong sao mọi người cũng nên trọn lành, sống đẹp lòng Chúa.
Cuối thư kính chúc cha dồi dào sức khoẻ để phụng sự Chúa, xin Chúa ban nhiều ơn lành cho cha.
Con, Thuận.
*
Washington, 15/7/96
-
Kính thăm cha,
Nghe lời cha, con đọc cuốn “The visions of the children”(9) (Thị kiến của mấy trẻ). Con đọc mới được một nửa. Cha nói đúng, cuốn sách thiệt hay, con càng đọc con càng tới gần Chúa và yêu mến Mẹ nhiều hơn. Hình ảnh Mẹ lúc nào cũng tràn đầy trong tâm trí con, khiến con sống thật gần với Mẹ. Mấy năm nay con vẫn ao ước được làm một chuyến hành hương qua Mễ Du để được thăm Mẹ, con rất khát khao điều này, mặc dù biết Mẹ ở ngay trong tim mình, trước mặt mình những lúc dự lễ, cầu nguyện, đọc kinh v.v... Thế nhưng con vẫn thèm khát được quì dưới chân thánh giá chỗ Mẹ vẫn quì cầu nguyện mỗi ngày(10), con vẫn mong mỏi được thở cái không khí chỗ Mẹ hiện ra trên ngọn đồi lần đầu tiên Mẹ đến, con vẫn ao ước được nhìn ngôi nhà thờ chỗ Mẹ thường hiện ra với mấy người “thụ khải”. Con nghĩ nếu được tới đó dù không được thấy Mẹ cũng không sao, miễn được đặt chân tới cái vùng đất Mẹ từng hiện ra mỗi ngày. Có thể cha sẽ cười con, cha sẽ nói, Mẹ ở đâu chả có, dĩ nhiên là vậy, con biết vậy. Nhưng con nghe có tiếng kêu gọi con, tiếng gọi tha thiết của một người Mẹ thương con, con không làm ngơ được. Bạn bè con, khách hàng con cho con là điên khùng, đang không đâm đầu vô chỗ chiến tranh, - vì đầu tháng 8 con qua bên đó 10 ngày - con không sợ chết, con chỉ mong mỏi được đến đó trước khi Mẹ lìa trái đất ; vì đó là sự thèm khát của con. Song hiện tại con mới té, chân trái bị bong gân gần hai tuần rồi vẫn chưa đi lại được, chỉ còn ba tuần nữa là con qua bên đó, được thư này cha nhớ cầu nguyện cho con, khi về con sẽ kể cho cha nghe về chuyến đi này.
Vì tình yêu Chúa và lòng yêu mến Đức Mẹ, thương các linh hồn tội lỗi con gắng dịch cuốn sách này cho cha. Cha cho con một thời hạn là hai tháng, dịch xong, nhờ cha sửa đổi và tu bổ lại những khiếm khuyết của nó. Như con nói ở thư trước, con dịch không hay, song nếu có cha giúp thì con an tâm. Con nghĩ chuyện này không làm cũng không được vì thời điểm gần kề mà thế giới này còn biết bao linh hồn đang đắm chìm trong tội lỗi và biết bao linh hồn chưa biết Chúa, con tin những thông điệp của Đức Mẹ rất ít người biết đến.
Đức Mẹ hiện ra đã 15 năm nay, Mẹ khẩn khoản van xin mọi người hãy trở về, hãy đền tội, hãy cầu nguyện, hãy ăn chay hãm mình ... Nhưng loài người hầu như vẫn vô tình làm ngơ trước sự tha thiết van xin của Mẹ. Con thấy cũng đau lòng cho Mẹ.
Con qua Mễ Du cha có cầu gì bên đó không? Chắc chắn là con sẽ cầu nguyện cho cha rồi. Dù chân con ngày đó không khỏi con cũng vẫn đi.
Vài hàng thăm cha, kính chúc cha mọi sự an lành. Con hứa sẽ dịch cuốn sách sớm chừng nào hay chừng nấy vì “cứu bệnh như cứu lửa” phải không cha. Cha cầu nguyện cho con để con sớm làm xong.
Giờ thì chân con què, tay con đau. Con xin tạm dừng bút, hẹn gặp cha thư sau. Sau khi đi Mễ Du về.
Mẹ con - cháu Lan kính lời thăm cha.
Con.
*
(7) Các lá thư này, cô H.T.Thuận gửi cho cha linh hướng.
(8) Lúc viết thư này, cô Thuận chưa đi hành hương Mễ Du, song cô đã được đọc các lời Mẹ bên đó dạy dỗ, qua sách báo ... và bắt đầu sống theo.
(9) Cuốn này là thành phần cốt cán của cuốn sách “Mẹ đến lần cuối”
(10) Tức là cây thánh giá bằng bê tông cao 12 mét, ở núi Krizevac, Mễ Du.
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
|