(51) Chúc Lành Thầm Lặng
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
Đã 10 năm qua, mặc dù gia đình tận tình săn sóc, thuốc thang đủ loại cũng không làm thuyên giảm cơn bệnh của Sonia. Ý nghĩ tự sát đang lởn vởn đâu đây, khiến cả gia đình lo lắng.
Cho đến hôm một nhóm bạn của Sonia tới nhà, chỉ để uống một ly nước. Trong nhóm có Eric, một khách hành hương Mễ Du, chưa hề quen biết Sonia. Đau lòng trước cảnh nguy kịch của con bệnh, anh âm thầm ban chúc lành đặc biệt và từ mẫu của Đức Trinh Nữ, không ai hay biết gì cả. Rồi cả nhóm ra về, hẹn gặp nhau lại.
Vài tháng sau, Eric gặp người bạn cùng nhóm đó, hỏi thăm tin tức Sonia:
- Ồ, anh không biết à? Cô ấy đã bình phục. Thật là một việc lạ lùng, ngoài mọi hi vọng. Anh không biết cô ấy đã nói gì à? Cô ấy nói: “Thật kỳ lạ, từ ngày các bạn đến thăm tôi, tôi cảm thấy hồi sinh, như có ai bấm nút điều khiển. Không đầy một tháng, tôi đã bình phục.”
Câu chuyện của Eric nhắc tôi (sơ Emmanuel) đến một chuyện khác: Một y tá người Pháp tên Bertrand, chán ngán công việc của mình tại bệnh viện: hằng ngày anh thấy những người trẻ chết vì sida mà không được sự hỗ trợ phần thiêng liêng. Chính anh ta cũng khổ sở vì không giúp được gì cho họ, vì trong các bệnh viện lớn, với lý do tiết kiệm công quĩ, số y tá còn lại rất ít, họ không đủ thời gian để săn sóc điều tối thiểu cho người bệnh trước khi chạy qua phòng khác.
Anh ta nói:
- Thật là vô nhân đạo! Quả là tội ác! Không được đối xử với bệnh nhân sắp chết như vậy.
Cho đến ngày Bertrand phát hiện ra ở Mễ Du sự chúc lành đặc biệt của Đức Mẹ. Sau một năm từ đó trở về, anh đã trở nên một con người khác.
Anh nói:
- Tuyệt thật! Đức Mẹ đã tìm ra cho tôi một giải pháp. Trong lúc cấp tốc lo cho một bệnh nhân sida, tôi âm thầm chuyển phép lành đặc biệt và từ mẫu của Đức Mẹ cho người ấy, và tôi biết chắc là Đức Maria sẽ cùng đi với người này trong chặng đường về bên kia thế giới. Nhưng cũng có một lần, một bệnh nhân sida đang hấp hối được chữa lành hẳn!
Chúc lành nào đây?
Để hiểu, phải đến hỏi cô Marija xem cô đã lãnh được ơn gì trên núi (lúc Mẹ hiện ra) cùng với các sứ điệp hàng tháng cô đã lãnh nhận. Tôi nhớ lại cuộc nói chuyện với Marija lần đầu tiên tháng 12-1989, cô ấy nói về “chúc lành đặc biệt và từ mẫu”, tôi ngớ ngẩn hỏi:
- Marija, các loại chúc lành mà Đức Trinh Nữ đã ban tại đây có gì khác nhau không? Bởi khi thì gọi “Chúc lành trọng thể” (15-8-95), lần khác thì “Phép lành từ mẫu” (19-12-85), hoặc “Mẹ ban cho các con chúc lành của Thiên Chúa” (25-6-87), rồi nữa “Chúc lành vui mừng” (25-7-88), và sau cùng là “Chúc lành đặc biệt và từ mẫu” mà Đức Mẹ yêu cầu chúng ta đem đến cho mọi người. Cô có thể cắt nghĩa các điểm khác biệt đó không?
Tôi sững sờ trước câu đáp hoàn toàn tiêu cực:
- Tôi không biết. Đức Mẹ không nói gì về việc đó hết!
(Nghề dạy nghề, thật thế, cứ tiếp xúc với các thị nhân, mà người ta học biết được phải sống thế nào thay vì đặt nhiều câu hỏi...).
Khi người ta tặng cho tôi một trái cây, tôi cứ cầm lấy, nói cám ơn và ăn: táo, chuối, cam, mỗi loại trái cây làm việc thế nào trong cơ thể tôi, không cần biết. Chỉ biết là tôi được nuôi dưỡng, thế là đủ. Đối với ân huệ Chúa cũng tương tợ như thế, tuy đây là chuyện thiêng liêng. Thiên Chúa ban cho tôi những gì Ngài biết là sinh ích cho tôi; phần tôi, tôi có thể nhận hoặc không nhận. Nếu tôi nhận, Đấng Tạo Hóa biết ân huệ đó sẽ sinh kết quả trong tôi như thế nào. Thế là đủ. Tôi cứ bình yên và tín thác. Ngày thứ năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu không nói: “Hãy hiểu biết và ăn”, nhưng Ngài bảo: “Hãy cầm lấy mà ăn”.
Tại Mễ Du, Đức Mẹ ban một chúc lành đặc biệt và từ mẫu ư? Tôi đón nhận với lòng biết ơn. Mẹ bảo tôi trao lại cho người khác ư? Vâng, tôi trao. Mẹ không dạy cho tôi một phương pháp sử dụng nào ư? Không cần. Tôi đưa đi và trao chúc lành đó với cả tấm lòng yêu mến. Một ngày nọ, Marija đã tâm sự với tôi là cô đã trao “chúc lành đặc biệt và từ mẫu” một cách rất đơn giản, ví dụ cô nói:
- Này đây, tôi đã lãnh chúc lành đặc biệt và từ mẫu của Đức Mẹ, tôi xin trao lại cho bạn.
- Gospa bảo cô phải nói như vậy hả?
- Đức Mẹ để tự do, muốn thêm kinh nọ kinh kia, tùy ý.
- Cô có đặt tay trên họ không?
- Không, Đức Mẹ không dạy làm như thế.
- Cô có thể trao chúc lành cho một nhóm không?
- Không, mỗi lần chỉ một người thôi.
Tôi nhận xét nếu trái tim chúng ta biết lắng nghe, thì chính Đức Trinh Nữ sẽ chỉ cho chúng ta biết người nào cần được chúng ta chúc lành. Khi đứng trước người vô tín hoặc người từ chối bất cứ lời cầu nguyện nào, chúng ta có thể chuyển chúc lành một cách âm thầm: mọi thứ hồng ân của Thiên Chúa bấy giờ tuôn tràn xuống trên những người này: bình an, vui mừng, hối cải...
Vào cuối những năm 80, trong niềm hân hoan phát hiện những hồng ân Thiên Chúa ban xuống qua tay Đức Maria, mọi sự đều tốt lành, xuôi xắn. Nhưng điều tốt đôi khi có thể trở thành giấm chua, nếu con người đem tội lỗi và mưu lợi cho mình theo kiểu buôn thần bán thánh vào đó. Ở Hoa Kỳ, xảy ra một số lạc hướng (... ) Chính tôi, tôi đã thấy có một số nhà sử dụng thuật cảm quang tuyến gây xôn xao trong nhóm họ, họ đến xin tôi:
- Sơ ơi, chính Sơ là người mà tôi muốn lãnh nhận chúc lành đặc biệt.
Tôi đã từ chối và giải nghĩa cho họ biết loại tặng phẩm đó không phải là một thứ linh khí truyền cảm, lại càng không phải thứ phù phép, ma thuật mà người này chuyển qua người khác. (Hẳn ta còn nhớ tích ông Simon phù thủy trong Công vụ Tông đồ 8.9-24). Tất cả các thứ đó đều là trò đểu cáng của Satan, nó muốn biển thủ những kho tàng của Thiên Chúa do Đức Maria ban tặng để sử dụng vào các mục đích tội lỗi xấu xa của nó. Đến nay, vấn đề này vẫn là một việc tế nhị. Vì, một mặt, Marija vẫn khẳng định Đức Mẹ yêu cầu người ta chuyển chúc lành của Mẹ, mặt khác, kẻ thù đã thật sự gieo rắc cỏ lùng vào cánh đồng lúa Mễ Du (x. chuyện: Một bà phù thủy).
Phần tôi, tôi tin chỉ có trong Kinh Thánh, chúng ta mới tìm ra ánh sáng. Đức Maria dạy chúng ta: “Hãy đọc Kinh Thánh để khám phá sứ điệp gởi đến các con trong các lần Mẹ hiện đến.” Kinh Thánh nói gì? Khi ngợi khen, chúc tụng Danh Thiên Chúa, người ta kéo xuống trên nhân loại muôn hồng ân của Thiên Chúa. Chính nơi Thiên Chúa mà Đức Mẹ múc lấy các phúc lành, ân huệ để trao lại cho chúng ta. Đức Mẹ nói: “Mẹ chúc lành cho các con bằng chúc lành trọng thể mà Thiên Chúa ban cho Mẹ tại đây” (15-8-85).
Trong Kinh Thánh, Abraham, người đã lãnh nhận chúc lành đặc biệt cũng lại là người mang chúc lành ấy đến cho kẻ khác: “Nhờ ngươi mà các dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc lành”, “Ta sẽ chúc lành cho kẻ ngươi chúc lành”. Từ thuở tạo dựng, Thiên Chúa chúc lành con người và ban cho con người quyền chúc lành cho cả tạo thành, loài vật, cây cối, ban cho chúng những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho con người (sách St 1.28).
Noe cũng trao ban chúc lành đặc biệt của Thiên Chúa cho con cái ông để chúng xây dựng một nhân loại mới, canh tân trong Thần Khí (St 9.1).
Cũng một thể thức ấy, Aaron, Môisen, Đavít, Salomon, các vị chủ chăn đã chúc lành cho dân bằng chúc lành của Thiên Chúa. Chính Maria Nadarét cũng được bà Isave chúc phúc, và được ông Siméon chúc phúc tại Đền Thờ. Vào các buổi thờ phượng ngày sabat, Thánh Giuse, người công chính, chúc phúc cho Thánh Tử Giêsu theo công thức như xưa Benjamin và Manassé đã được chúc phúc. (Thân sinh của Đức Maria đã chúc phúc cho con gái mình theo công thức của Rachel và Lea, dành cho phái nữ thời ấy).
Chúc phúc là thành phần quan trọng của đời sống Thánh gia thất cũng như của tất cả dân tộc Do thái, rồi của các Kitô hữu gốc Do thái. Gia trưởng có bổn phận truyền cho con cháu chúc lành của Thiên Chúa ban cho Abraham, Isaác và Jacob, từ đời nọ đến đời kia.
Như Kinh Thánh đã dạy, chúc phúc cũng là một ân huệ cánh chung, vì chúc phúc là kêu mời Đấng Cứu Thế ngự đến. Như vậy, phải chăng Đức Mẹ Mễ Du đến để chuẩn bị con cái đón tiếp Con Chí Thánh Mẹ đến lần thứ 2, như Gioan Tẩy giả đã chuẩn bị cho Ngài đến lần thứ nhất? Việc Đức Mẹ chọn ngày 24-6 để hiện ra lần đầu tiên hình như nói lên ý nghĩa ấy.
Vì vậy, chúng ta cần đến chúc lành đặc biệt và từ mẫu của Người.
- Đức Trinh Nữ đã xin chúng ta sống và truyền bá sứ điệp của Người và làm chứng. Tại sao Người còn thêm việc chuyển chúc lành làm gì?
Thưa: Vì làm chứng không thay thế việc chúc lành!
Đây là một thực tại khác hẳn. Đức Mẹ nhiều lần xin cha mẹ làm gương cho con cái, mang đến bình an cho chúng; nhưng Mẹ cũng bảo họ chúc lành cho chúng. Đó là một điều cần thiết nữa để chúng phát triển. Vì việc làm chứng không mang đến sự bảo vệ mà chúc lành mang được.
Việc làm chứng tạo một ảnh hưởng tốt, lôi cuốn. Sự chúc lành tạo một hành động bí ẩn mắt ta không thấy: Mẹ Maria múc lấy trong sự giàu có của Thiên Chúa để ban lại cho ta, cái đó biến cải trực tiếp linh hồn ta, nhiều khi ta không ý thức được.
Chính vì thế, mỗi lần Nữ Vương Hòa Bình đến, Người chúc lành cho các thị nhân và tất cả những ai tụ họp quanh đó để cầu nguyện, cho dù những người này không được thấy Mẹ, thì chúc lành cũng không giảm bớt chút nào.
Bởi vậy, tôi (sơ Emmanuel) nghĩ: “Đức Mẹ đến, và thấy nỗi nghèo nàn, bẩn thỉu của linh hồn tôi, đang khi Người có trong tay tất cả kho tàng quí giá của Thiên Chúa. Người yêu tôi và là Mẹ tôi, Người sẽ làm gì? - Tôi tin Người sẽ ban cho tôi chúc lành tốt đẹp nhất, chỉ vì yêu tôi mà thôi.
Phần tôi, tôi nhận lãnh với lòng biết ơn, không thắc mắc gì cả.
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
|