MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Các Chứng Từ Về Mẹ: (110) Bức Thư Ngỏ Gửi Các Bạn Hữu Đức Mẹ Mễ Du
Chủ Nhật, Ngày 9 tháng 11-2008

(110) Bức Thư Ngỏ Gửi Các Bạn Hữu Đức Mẹ Mễ Du

§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT

Chúng tôi phiên dịch một bức thư chung của nhóm gồm vừa Giám mục Và Linh mục liên hệ trực tiếp đến Mễ Du ký tên dưới đây, lá thư gửi các bạn hữu xa gần trong tất cả các nhóm cầu nguyện Đức Mẹ Mễ Du tại chỗ và trên khắp thế giới:

Đức Cha Franic, thuộc Giáo Hội Bosnia.

Đức Cha Hnilica, bạn thân của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chủ tịch cấp tòa thánh các hiệp hội thánh mẫu thế giới.

Cha Pervan

Cha Landeka công tác mục vụ tại Mễ Du, được

Cha Jozo Zovko mời thuyết trình khắp nơi trên thế giới.

Cha Slavko Sarbaric

Cha Orec

Nó có giá trị như một bản tuyên ngôn tập thể của những vị chủ chăn chính yếu có vai trò nòng cốt tại Mễ Du.

***


Medjugorje, 25-6-1997,

Kính thưa các bạn hữu rất thân mến trong các nhóm cầu nguyện Đức Mẹ Mễ Du,

Bức thư này muốn bày tỏ lòng mộ mến sâu xa liên kết chúng ta với sứ điệp Mễ Du, đồng thời ý thức rằng đã có nhiều vị khác (thuộc hàng giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân) từng bày tỏ nhiều lần tấm lòng tri ân của họ về vô số những hoa trái thiêng liêng nảy sinh từ sứ điệp đó, nên chi chúng tôi muốn dùng bức thư này chia sẻ với các bạn một chứng từ tập thể, coi đó như một đóng góp vào việc bảo vệ công trình Đức Maria đang thực hiện. Công trình này đã lan truyền ra toàn thế giới, nhưng vẫn cứ tiếp tục gặp phải những sự chống đối.

Cho dù có những ai đó đang nỗ lực chối bỏ, thì không một người nào có thể chối được sự kiện đang có một phong trào thánh thiêng do Đức Nữ Vương Hòa Bình khơi lên như một thực tại sống động trong Hội Thánh ; thực tại này không do sáng kiến của con người mà có, song do chí hướng cầu nguyện. Dòng chảy tràn đầy ánh sáng, sự sống, an hòa và yêu thương ấy đối với Đức Mẹ Chúa Trời, đã làm trổ sinh khắp nơi những nhóm cầu nguyện, đã gây nên những cuộc ăn năn hối cải, và vẫn tiếp tục chữa lành, an ủi các tâm hồn của vô số những kẻ có lòng tin. Họ đã tìm thấy trong sứ điệp đơn sơ của Nữ Vương Hòa Bình một sự chỉ dẫn chính xác để tái khám phá Tin Mừng và về lại giữa lòng Giáo Hội. Từ đây, các cuộc ăn năn trở lại diễn ra tại Mễ Du không còn đếm xuể. Nhờ sứ điệp Mễ Du mà có biết bao con người bấy lâu đã rời bỏ Hội Thánh, nay quay về lại, và còn biết bao anh chị em khác lại đã học được cách yêu mến Giáo Hội hơn.

Quyền bính Giáo Hội ở cấp cao vẫn chưa đưa ra lời phán quyết cuối cùng về các cuộc hiện ra, khởi đi từ năm 1981 và vẫn tiếp tục đến bây giờ. Tuy nhiên, một điều không thể chối cãi là phong trào thiêng liêng của Nữ Vương Hòa Bình phát xuất từ các bức thông điệp của Mẹ là một trong các phong trào cầu nguyện lớn lao, xác thực nhất ở thế kỷ 20 này. Một phong trào sống trong Giáo Hội và cho Giáo Hội, vì nó bao gồm các giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ và giám mục. Tất cả những người này đã và đang tiếp tục làm chứng công khai, bằng nhiều cách thế, về vô vàn những ơn ích thiêng liêng mà Mễ Du đã cống hiến cho đời sống của biết bao giáo hữu, cách riêng, và đây không phải một ơn nhỏ, việc họ được làm quen trở lại với cuộc sống cầu nguyện.

Có hàng chục triệu khách hành hương đã đến Mễ Du để cầu nguyện, hàng chục ngàn linh mục và hàng trăm giám mục đã đến đây cử hành Thánh lễ, ngồi nghe dòng người đến xưng tội lâu giờ, chứng kiến sự biến đổi nơi họ do bởi ơn huệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria. Trong số này, có nhiều vị trở về lại giáo phận của mình với lời làm chứng nhất trí như sau: “Dân chúng hễ đến Mễ Du là ăn năn trở lại”.

Những cuộc trở lại khiến các chủ chăn phải lưu tâm vì tính cách lâu bền của chúng. Không thể kể hết số người đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Đức Mẹ tại Mễ Du, cũng không đếm hết những truyện kể về các vụ trở lại đặc biệt, những sự chữa lành phần hồn hoặc cả phần xác, những ơn gọi làm linh mục hay bước vào đời tận hiến, do ân sủng Mễ Du tạo ra. Đó chỉ là một số hoa trái thiêng liêng chính yếu, khiến cho nhiều người kết luận rằng: tại Mễ Du, thật sự Đức Nữ Vương Hòa Bình đang hiện diện ; và sự hiện diện này của Mẹ Maria cắt nghĩa tại sao phong trào cầu nguyện có liên hệ tới Đức Maria lại mau mắn bành trướng khắp thế giới đến như thế.

Ngày hôm nay, tại khắp các châu lục, vô số các nhóm cầu nguyện đã tìm được trong sứ điệp của Nữ Vương Hòa Bình một luồng sáng đem lại hi vọng và khích lệ. Họ đang cấu thành một sự hiện diện Kitô giáo sống động và hoạt động giữa lòng Hội Thánh. Thử lấy một thí dụ: các công cuộc cứu trợ bác ái mà nhiều nhóm cầu nguyện Mễ Du từ khắp nơi trên thế giới đã chuyển tải đến xứ Bosnia- Herzêgovina và các nước khác trong và sau cuộc chiến (ở Nam Tư). Không có một tổ chức nhân đạo nào đã hoạt động tích cực cho bằng các nhóm thiện nguyện của Nữ Vương Hòa Bình để đến cứu trợ các nạn nhân chiến tranh. Chúng tôi phải nói lên điều này để làm sáng danh Thiên Chúa.

Biết bao giáo phận, giáo xứ, tu hội và hội dòng, chủng viện và tu viện, trường học và xí nghiệp, gia đình và bao nhiêu cơ sở khác trong Giáo Hội cũng như trên thế giới đã được đánh động bởi ơn sủng Mễ Du cũng như - điều này cả chúng tôi và nhiều người khác đều xác tín - bởi sự hiện diện của Nữ Vương ban sự bình an, Đấng đã tỏ mình ra nơi đây lần đầu tiên kể từ ngày 24-6-81, và từ đó vẫn tiếp tục cho đến hôm nay. Sự hiện diện từ mẫu ấy làm chúng ta nhớ lại các biến cố đã từng xảy ra tại Guadalupe, Lộ Đức, Fatima và tại các nơi khác mà Đức Mẹ đã hiện ra: trước đấy chỉ thấy một sa mạc khô héo về mặt thiêng liêng, nhưng sau khi Mẹ Maria đến thăm viếng, thì sự sống bắt đầu đâm chồi nẩy lộc, hi vọng tái hồi, ơn tha thứ được khẩn cầu và hòa bình trở lại.

Có những người muốn bác bỏ thực tại thiêng liêng của Mễ Du, đã viện lý: “Ồ, nơi nào người ta cầu nguyện mà chẳng có những vụ ăn năn trở lại”. Ít là ta có thể chất vấn họ: “Nếu thế thì tại sao ngày nay người ta lại cầu nguyện ngày càng ít đi trong các xứ đạo, các chủng viện, các trường học, xưởng máy, hay các gia đình? Làm sao một giáo xứ do các cha Phanxicô điều khiển tại một ngôi làng bé nhỏ kia, lại có thể đã trở thành một lời nhắc nhủ cho cả thế giới - một lời nhắc nhủ rộng rãi và đầy hiệu lực - về việc cầu nguyện?”

Với nhiều người, chính là do ân sủng của Thiên Chúa mà ốc đảo hòa bình đó đã trở nên một trong các địa điểm sùng kính Đức Maria trong Giáo Hội, một nơi người ta đến cầu nguyện nhiều hơn và tìm được sự ăn năn hối cải. Khi quả quyết điều này, chúng tôi không có tham vọng bắt mọi người tin vào các cuộc hiện ra ở Mễ Du, chúng tôi chỉ muốn đưa ra một chứng tá bình thản, đang khi vẫn hoàn toàn tôn trọng những người có ý kiến khác biệt.

Không một lạc thuyết nào đã mọc lên từ gốc cây Mễ Du, không có những cung cách tư duy hay hành động nào đi ngược luân lý và phụng tự công giáo hoặc các phép bí tích, đã được đem áp đặt cho khách hành hương, không một giáo huấn nào được ban ra mà đã làm cho các tín hữu phải sửng sốt, phẫn nộ, đang khi điều ấy, than ôi, thường xảy ra ở nhiều địa điểm khác.

Chúng tôi lấy làm tiếc phải nói lên điều này, nhưng thái độ của những người từng đưa ra các lời phê phán lên án Mễ Du đã gây nhiều thương tâm, khiến cho biết bao tín hữu bị lưỡng lự và mất phương hướng. Mới năm ngoái đây, đã có những lời quả quyết hàm hồ được tung ra bởi một loại báo chí có giọng điệu ít nhiều xuyên tạc, muốn làm cho thiên hạ đinh ninh là các cuộc hiện ra đã bị Hội Thánh lên tiếng kết án công khai, hay ít là Hội Thánh đã tỏ ra hoài nghi đặc biệt đối với các biến cố ấy.

Chính vì lý do này mà tháng 8-1996, phát ngôn viên chính thức của Đức Thánh Cha, Tiến sĩ Navarro Valls đã phải can thiệp để khẳng định rằng “về những gì liên quan tới Mễ Du, không có điều gì mới đã được đưa ra cả”. Một lời tuyên bố chính thức (*) như vậy quả là cần thiết vào lúc có tin đồn là Vatican cấm đoán các cuộc hành hương đến Mễ Du như báo chí trên thế giới tung tin. Trái lại, sự thông báo nói trên của Vatican như do Chúa Quan phòng lại tái xác quyết là tất cả mọi người đều có thể đi hành hương tư nhân đến Mễ Du, hay nói khác đi, giáo dân vẫn có quyền tiếp tục tổ chức các cuộc hành hương đến địa điểm cầu nguyện này.

Đức Nữ Vương Hòa Bình không hiện đến xứ Bosnia-Herzêgovina để gieo rắc chia rẽ hoặc gây thêm những cuộc đối kháng trong lòng Giáo Hội, mà là để giới thiệu một sứ điệp hòa bình và hòa giải cho các dân tộc, những đám dân chỉ vài năm sau thôi, đã bị ném vào lò lửa của một cuộc chiến tranh tàn phá vùng đất này chỉ trong một thời gian ngắn. Tiếng nói của Mẹ như thể tiếng kêu giữa sa mạc. Mẹ đến để cảnh báo, để huấn dụ và van nài các con cái Mẹ ; Mẹ nói nếu không hoán cải tâm hồn thì sẽ chẳng có hòa bình đích thực. Hồi đó, vào năm 1981, người ta vẫn tưởng đang có hòa bình, nhưng đó chỉ là bề ngoài: thực chất, 10 năm sau, chiến tranh đã bùng nổ. Nhưng điều này chẳng có ai trên đời biết trước. Vào thời kỳ mới có các cuộc hiện ra, người ta cũng chẳng hiểu tại sao, trong một đất nước bấy lâu nay mọi người vẫn chung sống hòa bình, thì Đức Bà hiện ra lại nói tới việc cấp thiết phải quay về với Thiên Chúa để có được hòa bình chân thực. Ngày 26-6-1981, Đức Mẹ hiện ra và khóc trước một cây Thánh giá (và kêu gọi: Hòa bình! 3 lần). Ngày 26-6-1991, những trái bom đầu tiên rơi xuống phi trường Ljubljana miền Slovenia.

Đức Trinh Nữ Maria đến đây chính là để mở rộng các tấm lòng ra cho sự bình an, để giáo dục lương tâm con người biết ban phát và lãnh nhận ơn tha thứ. Đức Cha Frane Franic, bấy giờ là tổng giám mục giáo phận Spalato, khi liên tưởng đến công trình hòa giải phi thường của Đức Mẹ, đã nói: “Đức Nữ Vương Hòa Bình, qua 6 năm hiện ra ở Mễ Du, Mẹ đã làm một mình nhiều hơn hết thảy các giám mục chúng tôi đã làm công việc mục vụ trong 40 năm tại các giáo phận”. Quả thế, không có ai hoạt động cho Hòa Bình tại nước Bosnia-Herzêgôvina bằng Đức Nữ Vương Hòa Bình. Khi chiến tranh xảy ra, câu nói trên của Đức Cha Frane Franic càng tỏ ra đúng hơn bao giờ hết. Đang khi bom đạn tuôn đổ như mưa chung quanh Mễ Du mà không hề đụng tới ngôi làng nhỏ bé chẳng hề được trang bị vũ khí này, thì tính cách tiên tri của sứ điệp Nữ Vương Hòa Bình càng tỏ ra vang dội hơn bao giờ hết. Và bỗng chốc, người ta mới nghiệm ra một cách bi thảm là: người ta đã không tin cho đủ và không chịu đón nhận sứ điệp của Đức Maria.

Mễ Du cũng giống như Kibeho tại Rwanda (Phi Châu)! Ở đó, Đức Trinh Nữ cũng đã tỏ mình ra năm 1981 để cảnh báo và kêu gọi các đứa con của Mẹ hãy ăn năn hối cải tận đáy lòng trước khi quá muộn. Vài năm sau, một trận nội chiến kinh hoàng đã nổ ra và giáng xuống như một đại họa cánh chung cho các dân tộc Phi châu. Mễ Du cũng như Fatima, nơi đây hồi 1917, Đức Nữ Vương Mân Côi đến ngỏ lời với 3 trẻ mục đồng - những con người hôm nay được tung hô, nhưng vào thời điểm đó vẫn bị cản phá - và Đức Mẹ đã báo trước một cuộc chiến tranh còn lớn lao hơn cả đệ nhất thế chiến, cả một cuộc trừng phạt trút xuống toàn thế giới, bắt đầu từ nước Nga, nếu nhân loại không ăn năn hối cải và dâng mình cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ.

Cả sứ điệp Mễ Du lẫn Fatima đều nói đến hòa bình và hoán cải, và vô phước thay, sứ điệp ấy không tìm được lối đi dễ dàng trong Giáo Hội ; số phận của nó cũng giống như của các vị ngôn sứ: nhiều người hối cải quay về, nhưng cũng có biết bao là cuộc bách hại ; nhiều ân sủng được thi thố, nhưng cũng biết mấy là tranh đấu vật lộn; và cũng như với các ngôn sứ, chỉ sau nhiều đau khổ, gian truân, thiên hạ mới nhận ra tính cách quan trọng thực sự của nó.

Quả thế, có rất nhiều vị trong số giám mục, giáo sĩ và giáo dân trên khắp thế giới, đã nhận thấy sứ điệp của Đức Maria vọng lên từ phía Đông tới chúng ta, một lời thúc giục từ mẫu xin ta ăn năn hối cải ; đây quả là lời cảnh báo hiệu quả nhất trong các lời cảnh báo dành cho Giáo Hội thế kỷ 20. Một sứ điệp có tính tiên tri mang đầy hi vọng và bình an, nó có khả năng chất vấn hết thảy chúng ta ngày hôm nay bị ray rứt bởi một quá khứ còn nóng hổi khói lửa chiến tranh và sự tuyệt vọng.

Chẳng phải đã có một mối giây minh bạch tỏ tường nối kết cuộc chiến tranh phá hủy bùng ra tại Bosnia-Herzêgôvina và sứ điệp xây dựng của Mễ Du? Một cuộc chiến hủy hoại mọi nơi nhưng lại không hề làm sờn da tróc vẩy chút nào tới ngôi làng mà Thiên Chúa đã chọn, để phổ biến bản sứ điệp kỳ diệu đó về hòa bình và hoán cải? Nhờ ơn Thiên Chúa, Mễ Du hôm nay càng rực rỡ hẳn lên, càng xinh đẹp và vĩ đại hơn bao giờ hết! Sứ điệp Mễ Du đã vượt biên giới các nước Đông Âu - hồi ấy vẫn còn cách ngăn phương Tây - để đem lại hi vọng chan hòa cho bao nhiêu con tim tín hữu thuộc đủ mọi quốc gia, với ân sủng bình an của Phục sinh. “Mir, Mir, Mir” (có nghĩa là bình an), những từ ngữ Đức Nữ Vương Hòa Bình thốt ra, nó mặc tính thời sự hôm nay hơn bao giờ hết.

Mễ Du, một lần nữa, làm chứng trong Giáo Hội về vai trò Đấng Thông Ơn và Đấng Bầu Chữa mà “Người Nữ khoác áo mặt trời” chiếm giữ trong lịch sử cứu độ, đúng theo ý muốn của Thiên Chúa. Mẹ đã đưa phương Đông và phương Tây xích lại với nhau không phải bằng thương thuyết ngoại giao, nhưng bằng lời cầu nguyện và sự hòa giải, bằng loan báo mạnh mẽ chân lý Phúc Âm thường được Mẹ Mễ Du nhắc nhở: tình yêu của Đức Kitô chịu treo trên Thập giá mới là con đường duy nhất để chiến thắng sự dữ.

Duyệt lại các biến cố đó là một nghĩa vụ của lương tri phải làm đối với sứ điệp Mễ Du. Chính ở điểm này, dưới ánh sáng các “dấu chỉ thời đại” vừa ló ra, chúng tôi thấy cấp bách phải tích cực suy niệm và sống với một sự phấn khích mới mẻ các sứ điệp của Nữ Vương Hòa Bình. Những bức thông điệp đơn sơ, có vẻ như lặp đi lặp lại hoài, nhưng thật sự đó là lời kêu gọi buồn đau của một bà Mẹ không ngừng lên tiếng qua các thế kỷ. Một tiếng nói và một sự hiện diện từ mẫu đến cảnh báo các dân tộc, kêu gọi họ hãy quay về với các chân lý thiết yếu Giáo Hội vẫn rao giảng, và cuối cùng, cốt dẫn đưa họ trở về lại giữa lòng Hội Thánh với tư cách là những quốc gia được hòa giải với người Cha Cả, Tạo Hóa của mình.

*



(*) Lời tuyên bố mới đây (26-5-1993) của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, mà chúng tôi đã trích đăng, còn rõ hơn.

Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Trích Sách "cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ" #481 (30) (11/14/2008)
Cảm Nghiệm Medu 238: Mẹ Thắp Sáng Niềm Tin Cho Con. (11/13/2008)
Ơn Lành Đức Mẹ Ban Qua Ảnh Vảy Phép Lạ (11/13/2008)
Lòng Tin Tưởng Nơi Đức Mẹ Maria (11/13/2008)
Chứng Từ Đức Mẹ Hiện Ra Của Ông Louis Saia ... (11/12/2008)
Tin/Bài khác
Trích Sách "cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ" #377 (29) (11/8/2008)
Trích Sách "cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ" 360 (28) (11/8/2008)
Trích Sách "cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ" # 358 (27) (11/8/2008)
Trích Sách "cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ" # 347 (26) (11/8/2008)
Trích Sách "cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ" #333) (25) (11/8/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768