4. Ơn Gọi Và Thế Đứng Của Giáo Dân Giữa Lòng Giáo Hội Và Trong Xã Hội
§ Lm Peter Vũ Chương
(Tương Quan Giữa Giáo Dân Và Mầu Nhiệm Chúa Kitô)
Tuy giáo dân là các tín hữu được mời gọi sống niềm tin Ki-tô giữa mọi môi trường của thế giới này, nhưng không được hiểu tính cách trần thế ấy của ơn gọi giáo dân theo chiều kích thuần túy trần tục mà thôi. Bởi vì nó bao hàm tương quan của con người với Thiên Chúa trong cộng đoàn cứu độ là Giáo hội.
Tính chất trần thế ấy có chiều kích siêu việt vì nó phát xuất từ bí tích Rửa Tội, qua đó con người được trở thành con nuôi của Thiên Chúa và chi thể Mình Mầu nhiệm Chúa Ki-tô là Giáo hội.
Qua dụ ngôn: ông chủ thuê thợ vào làm vườn nho bất cứ lúc nào như kể trong Phúc âm, Chúa Giê-su cho chúng ta thấy Giáo hội được rộng mở cho tất cả mọi người.
Ngài cũng muốn rằng: sự tùy thuộc Giáo hội ấy của giáo dân phải là một sự tùy thuộc sinh động và có ý thức trách nhiệm.
Chúa không chỉ mời gọi các chủ chăn, các linh mục và tu sĩ nam nữ, mà Ngài mời gọi mọi người vào làm trong vườn nho của Ngài. Do đó giáo dân cũng nhận được sứ mệnh riêng của mình trong Giáo hội và trong Xã hội.
Tất cả đều được mời gọi giao hòa với Thiên Chúa để cho Chúa cứu rỗi và cộng tác vào ơn cứu độ đại đồng ấy, bởi vì Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người đều được ơn cứu độ. (Điều kiện giúp giáo dân vào công cuộc cứu độ ấy).
“Ơn gọi của giáo dân” bao gồm việc tham dự vào cuộc sống của Giáo hội và tham dự vào sự hiệp thông thân tình với Chúa Ki-tô.
Đó là một ơn và đồng thời là một dấn thân đáp trả lại hồng ân đó. Chính Chúa Giê-su đã chẳng xin các môn đệ sống kết hiệp với Ngài và ở trong Ngài để cho sức sống của Ngài thấm nhập trong lòng họ hay sao?
“Các con hãy ở trong Thày và Thày ở trong các con, vì không có Thày các con không làm được việc gì.”
Cũng như đối với các linh mục, sự phong phú đích thực của đời sống giáo dân tùy thuộc nơi việc kết hiệp với Chúa Ki-tô.
Lời nhắn nhủ trên đây Chúa Giê-su nói với mọi thành phần dân Chúa. Thật vậy, nếu không có Chúa Ki-tô, không ai trong chúng ta có thể sinh hoa trái đặc biệt của cuộc sống ki-tô.
Đối với các anh chị em giáo hữu, hoa trái đặc biệt đó là việc góp phần xây dựng và biến đổi thế giới này trở nên tốt lành hơn qua ơn thánh.
Chỉ vì biết sống trung thành với ơn thánh, chúng ta mới có thể mở ra các con đường ơn thánh trong thế giới bằng cách chu toàn các phần vụ trong gia đình, đặc biệt là trong việc giáo dục con cái, bằng cách chu toàn bổn phận trong các việc làm ăn và trong mọi dịch vụ xã hội qua mọi hình thức dấn thân thăng tiến công bằng, yêu thương và hòa bình, phù hợp với giáo huấn Tin mừng được Thánh Phao-lô lặp lại nhiều lần và được Thánh Augustinô, Thánh Tôma Tiến sĩ nêu bật.
Công đồng chung Trento dạy rằng: mặc dù không cần phải sống trong tình trạng ơn thánh, con người cũng có thể làm được các việc lành phúc đức, nhưng chỉ có ơn thánh đó mới khiến cho các việc lành đó có giá trị cứu rỗi.
Đức Giê-su khẳng định: chính Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thánh trong tâm lòng tín hữu, ban cho các việc làm của họ công nghiệp và giá trị cứu rỗi.
Giáo hữu nhận được ơn thánh biến đổi và ban giá trị cứu độ cho mọi công việc lành họ làm qua cuộc sống thánh thiện phù hợp với mầu nhiệm Nhập thể và Nhập thế của Chúa Giê-su.
Khi chấp nhận thân phận làm người, Chúa Giê-su chia sẻ mọi hệ lụy của kiếp người ngoại trừ tội lỗi và sống ơn gọi thánh hiến của mình giữa lòng trần gian.
Cuộc sống nhân bản toàn vẹn của Chúa Giê-su giữa thế giới là gương mẫu soi sáng và gợi hứng cho cuộc sống của mọi tín hữu.
Phúc âm mời gọi chúng ta khám phá ra trong cuộc sống của Chúa Ki-tô hình ảnh toàn vẹn của cuộc sống mà mọi người muốn theo Ngài và trở thành môn đệ của Ngài đều phải cố gắng thực hiện trong đời mình.
Đặc biệt, chúng ta có thể ghi nhận rằng: khi chọn lựa cuộc sống chung của con người, Con Thiên Chúa đã trao ban cho cuộc sống này một giá trị mới, nâng nó lên cao ngang hàng với cuộc sống của Thiên Chúa.
Là Thiên Chúa, Đức Giê-su cũng khiến cho các cử chỉ khiêm tốn nhất của cuộc sống con người được tham dự vào cuộc sống của Thiên Chúa.
Nơi Ngài, chúng ta có thể và phải tôn thờ Thiên Chúa đã làm người và sống như chúng ta, ăn uống, làm việc và sinh hoạt như tất cả mọi người chúng ta đến độ làm cho tất cả mọi sinh hoạt của con người được phản ánh mầu nhiệm của chính Ba Ngôi Thiên Chúa.
Đối với những ai sống trong ánh sáng lòng tin như là giáo hữu kitô, mầu nhiệm nhập thể ăn sâu vào mọi sinh hoạt trần thế và chuyển men ơn thánh tới cho chúng.
Dưới ánh sáng lòng tin, giáo dân sống theo cái logic của ơn cứu độ bằng cách tham dự vào mầu nhiệm Thập giá cứu chuộc. Đó là điều Thánh Phao-lô muốn nói trong thư gởi tín hữu Do thái và tín hữu Philipphê.
Cũng giống như các khó khăn trong cuộc đời Chúa Kitô; trong cuộc sống của giáo dân, các kinh nghiệm hằng ngày kết hiệp với cái chết của mình, hợp với cái chết của Chúa Ki-tô, Đấng đã chiến thắng khải hoàn.
Lm Peter Vũ Chương
|