MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Phép Lạ Medjugorje # 101: Câu Chuyện Thứ 91: Hãy Ngừng Việc Vu Cáo!
Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 3-2009

Thông Điệp Ngày 25/5/1997

§ Kim Hà

“Các con thân mến,
Hôm nay, Mẹ mời gọi các con hãy vinh danh Thiên Chúa và để cho Danh Chúa được nên Thánh trong trái tim và đời sống của các con. Hỡi các con nhỏ bé, khi các con ở trong sự thánh thiện của Chúa, Ngài sẽ ở với các con và ban cho các con sự bình an, niềm vui... vì những điều ấy chỉ đến qua lời cầu nguyện. Các con nhỏ bé ơi, đó là lý do tại sao các con hãy đổi mới lời cầu nguyện trong gia đình các con, và trái tim các con sẽ vinh danh Thánh Danh của Chúa và Thiên đàng sẽ ngự trị trong trái tim các con. Mẹ ở gần các con và Mẹ cầu thay cho các con trước toà Thiên Chúa. Cám ơn các con đã đáp lời kêu gọi của Mẹ.”

CÂU CHUYỆN THỨ 91: HÃY NGỪNG VIỆC VU CÁO!

Ở làng Unatine, gần Bosnia, thuộc vùng Slovakia, vào một mùa hè cháy nắng và hạn hán. Bé Patko không thể tin tưởng ở đôi mắt em được. Em vừa mới từ đồng cỏ trở về nhà. Ngoài đồng, em chăn cừu với anh của em là Jozko, và ở đàng xa, em thấy lửa cháy bùng lên. Cả làng đang bị cháy! Những căn nhà bốc cháy như tro than, nhà này nối tiếp nhà khác... Và ồ! cả căn nhà của em cũng bị lửa cháy bùng lên. Em mới có 6 tuổi, nhưng em hiểu được mình phải gấp rút làm điều gì ngay: như thường lệ, anh em của bé lên giường ngủ mà bụng đói, mặc dù ai cũng làm việc cực nhọc ngoài đồng, nhưng bây giờ, với nạn lửa cháy nhà... Ồ, lạy Chúa Giêsu, xin cứu giúp chúng con! Chúng con sẽ ra sao?

Trái tim nhỏ bé của Patko chảy máu, và bé cầu nguyện. Nhưng bé không nhìn thấy trước sự tàn ác này: Nạn cháy nhà này không phải là sự rủi ro mà là do một đám trẻ chơi với lửa, ở gần nhà của Patko. Ba của lũ trẻ biết điều gì đã xảy ra. Ông run sợ khi nhìn thấy hậu quả to tát của nạn hỏa hoạn, và ông tuyên bố lớn tiếng rằng ông biết kẻ đã gây nạn cháy này, không ai khác hơn là bé Patko!

Lời vu cáo này sẽ không xảy ra nếu có ai tìm hiểu kỹ càng và nghiêm túc hơn, nhưng không ai làm chuyện ấy cả. Lời trần tình và phản kháng của đứa trẻ bị chìm vào tiếng ba hoa của đám người lớn. Sự việc bé thanh minh là mình ở nơi khác, trong khi có nạn cháy nhà xảy ra, cũng không làm cho ai tin cả. Người đàn ông ấy tung tin đồn ra khắp làng làm cho toàn dân làng tin vào ông mà không cần tìm hiểu sự thật của vấn đề.

Trong suốt bảy năm sau đó, bé Patko sống trong nỗi thống khổ. Mẹ của em biết rằng con mình vô tội. Mấy năm sau, trước khi chết, bà chia sẻ kỷ niệm với con về những gì em đã nói khi em và gia đình bị dân làng lánh xa, chỉ tay, và phán xét. Em đã nói:

“Ngay cả khi người ta nghĩ là con làm điều đó, và người ta giận dữ đối với con, nhưng con biết Chúa Giêsu không giận con vì Ngài biết con không làm chuyện đó. Phải không mẹ?”

Bà mẹ là một tín hữu ngoan đạo, bà đau khổ rất nhiều vì những lời tố cáo bất công của dân làng. Những lời này làm cho toàn gia đình bà ngậm đắng nuốt cay, còn đau đớn hơn sự mất mát tất cả tài sản vật chất nữa.

Nhưng rồi một ngày, vị linh mục của làng được mời đến một túp lều. Một người cha của gia đình đang hấp hối, ông bị lương tâm cắn rứt và dày vò. Ông xưng một tội cũ, một mụn nhọt ung thối nằm sâu trong trái tim ông và dần dần phá tan sự bình an của ông,

“Con xin thú tội là gia đình con chịu trách nhiệm về việc cháy nhà ấy. Lũ con cái của con đã châm ngọn lửa, và con đổ tội cho Patko. Cậu ấy vô tội.”

Vị linh mục vội vàng làm phép tha tội cho ông lão và vãn hồi ơn lành cho ông lão nghèo ấy, vì ông hèn nhát nên ông đã cướp mất niềm hạnh phúc quan trọng của con người là sự bình an. Nhưng vị linh mục không thỏa mãn: Nếu sự thật không được nói to lên từ trên mái nhà thì sự dữ sẽ còn tiếp diễn...

“Chúa Giêsu đã tha thứ mọi sự cho ông, nhưng bây giờ ông phải tuyên bố trước mặt mọi người về những điều mà ông vừa xưng tội trong bí mật, vì một người thanh niên vô tội vẫn còn bị lên án, và toàn thể gia đình cậu ấy đau khổ vô cùng. Đó cũng là việc đền tội của ông!”

Vì thế, ông lão đành phải kêu gọi mọi người dân làng đến và xưng tội về việc ông đã làm chứng dối và về sự hèn nhát của ông. Mọi người ra về trong nước mắt và có nhiều điều để suy nghĩ, trong lúc đó, người đàn ông đáng tội kia trút hơi thở cuối cùng, ông mặc chiếc áo sáng láng của lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa.

Câu chuyện trên xảy ra từ năm 1927, và bé Patko lớn lên để trở thành vị Giám mục Paolo Hnilica. Ngài vẫn tiếp tục chăm lo đàn chiên (Xin xem lại chuyện Chân lý chứa đựng sự thật). Bây giờ, đàn chiên của Ngài lớn rộng hơn, ra khỏi Slovakia cho đến miền đông vùng Block. Ở đó, Ngài đi tìm những linh hồn và đốt cháy cả thế giới!

Đây chỉ là một ví dụ của hàng ngàn tình huống. Trong những trường hợp này, có lẽ điều dễ dàng nhất là chấm dứt sự dữ ngay từ lúc đầu, cắt ngang tận rễ. Lời vu cáo dễ bùng lên, nhưng tại sao người ta lại hăng hái đồn thổi ngay giây phút người ta được biết chuyện đó.

Trong cộng đồng của tôi, chúng tôi có một luật lệ bằng vàng, nếu không có luật lệ này thì Kẻ Dữ đã phá hoại chúng tôi từ lâu rồi, bởi việc gây sự bất hoà giữa anh em là trò đùa của hắn. Luật này như sau: chúng tôi không tin những việc đồn thổi, những sự xấu, là nói xấu về một người nào đó, mà chưa hỏi người ấy về việc này đã. Trong 90% trường hợp, chúng tôi nhận thấy sự kiện nguyên thủy bị xuyên tạc, hay chỉ báo cáo có một phần thôi, và chúng tôi rất mừng là mình đã đi thẳng tới nguồn tin để kiểm chứng ngay!

“Cha của Sự Nói Dối” cũng là “Kẻ Vu Cáo” ghét cách đem mọi sự ra ánh sáng, vì hắn cần sự tối tăm và bóng tối để làm chuyện xấu. Chúng ta có thể lật đổ mưu mô hiểm độc của hắn như một cỗ bài bằng cách đi tìm người anh em ấy và tâm sự với nhau một cách nhẹ nhàng, cùng với sự chuẩn bị bằng lời cầu nguyện. Cảm động nhất là khi người bị trách lại chịu trách nhiệm về khuyết điểm của mình và xin chúng ta giúp đỡ bằng lời cầu nguyện. Vì thế, chúng ta là ai mà đi lục thùng rác để tìm kiếm những gì Chúa Giêsu đã thanh tẩy với Máu Thánh Ngài và Ngài đã quên hết lỗi lầm của người ấy?

Trong chương “Đêm nay, họ có thể sờ đụng Mẹ”, chúng ta nhìn thấy một chuyện xảy ra bất ngờ trong đó những người thụ khải đưa dân làng, từng người đến sờ Đức Mẹ, và chiếc áo của Mẹ trở nên dơ bẩn khi đụng đến tội lỗi của họ.

Marija nói thêm một chi tiết quan trọng:

“Khi chúng em (người thụ khải) nhìn thấy một người nào để lại vết đen trên áo Đức Mẹ, chúng em rất giận! Trong cơn giận, chúng em nói với nhau:

-Cái gì? Tại sao ông ấy dám rờ đến Mẹ? Tôi không thể quên được chuyện này ngay đâu!

Nhưng ngay sau buổi lễ Mẹ hiện ra, vai trò của chúng tôi chấm dứt, chúng tôi không thể nhớ được ai đã làm bẩn đến áo của Mẹ. Ngày hôm đó Đức Mẹ đã thực sự dạy chúng ta một bài học quan trọng.”

Giáo Hội luôn gìn giữ sự thánh thiện của việc giữ bí mật trong việc xưng tội. Điều này ảnh hưởng đến các hàng linh mục, nhưng các giáo dân cũng được dạy để giữ im lặng về các lỗi lầm của người khác. Làm sống lại ký ức của hành động ác độc là tội xảo trá mà Đức Mẹ muốn chúng ta phải từ bỏ, bởi vì đó là cách những cuộc nói xấu, gièm pha và vu cáo thành hình.

Ngày 12 tháng 4 năm 1984, khi “chiến tranh của những cái lưỡi thèo lẻo” có thể làm nguy hiểm cho những công việc của Đức Mẹ ở làng Medjugorje, Mẹ bèn ban một thông điệp:

“Các con thân mến, Mẹ năn nỉ các con hãy ngừng vu cáo và cầu nguyện cho sự thống nhất trong giáo xứ, vì Con Mẹ và Mẹ có những kế hoạc đặc biệt cho giáo xứ này...”

Một người bạn của tôi ở Paris nhận được hồng ân cao trọng là được thường xuyên thăm viếng bà Marthe Robin. Một ngày kia, bà Marthe cầu xin cho anh để chỉ cho anh thấy lòng nhân từ vô biên của Chúa và nhận những người tội lỗi với lòng nhân hậu.

Bà kể cho bạn tôi nghe về câu chuyện người phụ nữ ngoại tình (Gioan 8:1) mà bà đã được nhìn thấy khi ở trong tình trạng ngây ngất (bà được ơn hiện diện trong những cảnh sống của Chúa Giêsu). Đây là một đoạn tóm lược mà bà Marthe kể cho bạn tôi nghe:

“Đứng trước những người Pharisêu và thư lại, Chúa Giêsu giữ im lặng. Ngài có vẻ không để ý đến họ, Ngài nhìn xuống đất. Ngài cũng không nhìn đến người phụ nữ, mặc dù người ta đẩy chị ta đến cho mọi người nhìn thấy sự xấu hổ của chị. Rồi Ngài dùng ngón tay để bắt đầu viết vài chữ trên cát. Một số người Pharisêu cảm thấy khó chịu vì sự im lặng của Chúa. Họ tò mò muốn biết Ngài đang viết gì, nên họ đến gần bên Ngài. Vậy thì Ngài đang viết gì nhỉ?

Khi một trong những người Pharisêu tiến đến bên Ngài, Hắn sững sờ khám phá ra rằng: Chúa Giêsu đã biết hết mội tội lỗi bí mật của hắn, vì Ngài đã viết tội hắn trên cát! Quá sức ngỡ ngàng và lo sợ đến chết được, hắn nhìn Chúa Giêsu, và nhận ra rằng Chúa Giêsu có thể lột trần tội lỗi hắn trước mọi người! Nhưng trái lại, Đấng Cứu Thế đã nhân từ và uy nghiêm xóa hết những tội lỗi của hắn mà Ngài đã viết trên cát. Tội của người đàn ông này được chùi sạch hết đi! Hắn đọc được sự tha thứ trong đôi mắt Chúa Giêsu, và rồi hắn lặng lẽ đi mất.

Lại một người đàn ông khác đến với Chúa Giêsu, nhưng hiển nhiên, hắn không thể đọc được những tội lỗi của kẻ đi trước. Chúa Giêsu liền viết hết những tội lỗi của người thứ hai này. Hắn đọc xong thì bỏ đi ngay. Và rồi, cứ người này tiếp theo người kia, những kẻ tố cáo người phụ nữ đã bỏ đi trong sự bối rối, những bí mật của họ đã được giữ gìn.

Chỉ còn lại trong cảnh ấy là những hòn đá mà họ định dùng để giết người đàn bà ngoại tình kia, với những lời vu váo độc địa và những ý định được giữ trong trái tim họ. Vâng, nguồn vui vĩ đại nhất của Thiên Chúa là xóa bỏ những tội lỗi của thế giới!

Ở Cana, Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu, nhưng một phép lạ cao trọng hơn là Ngài nuốt dấm chua về nỗi cay đắng của chúng ta, như Ngài đã làm trên cây thánh giá, rồi Ngài đổi bằng chính Máu Thánh của Trái Tim Ngài, và đó cũng là một phép lạ mà Ngài làm hằng ngày cho chúng ta. Nếu chúng ta từ bỏ chính mình và giao phó cho Ngài những chất độc làm mưng mủ hãy còn nằm sâu trong chúng ta và hủy diệt khả năng yêu thương của chúng ta.

Liệu ai biết được trên Thiên đàng không có gì vui mừng hơn khi thấy một người vu cáo ăn năn, còn hơn 99 cô gái mãi dâm không ăn năn? Nhưng vâng, vâng, họ cũng cần phải ăn năn luôn! Để có thể đem chúng ta đến với Ngài trên Thiên đàng, Chúa Giêsu chỉ mở một cửa cho tất cả mọi người, vì những người tội lỗi thật hay giả đều giống nhau, và chiếc cửa đó là cửa thánh thiện, Vương quốc, và lòng nhân từ vô biên.** Chú thích của sơ Emmanuel:

1. Tình yêu sâu đậm về sự thật được triển nở trong trái tim của Patko từ biến cố này. Ngài đã trả giá rất đắt, kể cả việc ở tù trong trại giam của Cộng sản. Gần đây, ở La Mã, khi chúng tôi nói về việc thỉnh thoảng có những tin đồn thổi phồng sai lạc về Medjugorje, Ngài đã nói với tôi: “Nếu sơ biết đó là sự thật, thì bổn phận của sơ là phải nói và xuất bản sách nói về điều ấy. Nếu sơ giữ im lặng, đó là một tội trọng.”

2. Thánh Cure của Ars thường nói: “Sự vu cáo ví như một con sâu bướm, nó bò trên những chiếc lá và hoa, rồi để lại đàng sau là những nước nhờn và chất dơ bẩn.”

3. Chúa Giêsu biết tại sao thật quan trọng để tìm người anh em và nói với người ấy riêng rẽ, trong chỗ kín đáo. (Mat thêu 18:15)

4. Bà thánh Miryam ở Bethlehem nói rằng đây là một chuyện giống như đóng đinh Chúa Giêsu một lần nữa. Đa số những vị thánh đồng ý rằng những lời phỉ báng và vu cáo rất đáng ghê tởm trước mắt Thiên Chúa. Những trường hợp này nhiều qúa, nơi mà các ngài được Thiên Chúa cho phép và vì sự lợi ích của các linh hồn, các ngài được nhìn thấy hậu quả khủng khiếp của tội lỗi sau cái chết. Có thể là phải ở lâu trong luyện nguc và chịu đau đớn khủng khiếp hay có khi phải ở trong hỏa ngục. (xem sách Martha Robin, Thánh Giá và Niềm Vui, tác giả là linh mục Raymond Peyret, Alba HOuse, NY; Society of St. Paul, 2187 Victory Blvd., Staten Island, NY 10314). Tôi biết rằng một số người sẽ chỉ trích tôi vì tôi đã viết những điều này, nhưng tôi tin rằng đây là điều quan trọng để cảnh cáo những bạn đọc mà có thể trong lương tâm đã phạm tội trọng là vu cáo người khác, nhưng không chịu xưng tội thật lòng với vị linh mục.

5. Vu cáo có nghĩa là nói xấu về một người nào, nói về tội lỗi hay lỗi lầm của người ấy, ngay cả khi những điều này là sự thật. Phỉ báng là làm hại đến thanh danh của người khác hay là đón nhận sự gán tội mà mình biết là không đúng sự thật.

Sau đây là một đoạn trích từ bài viết trong tờ báo Công Giáo Ngày Nay (Todays Catholic) rất thích hợp: Điều luật của Luật Canon (1983) nói rằng: “Không ai được phép làm hại một cách bất hợp pháp đến tiếng tốt của người khác mà người ấy xứng đáng hưởng” (#220)

Phỉ báng là một cách làm hại danh tiếng của người khác. Đây là lúc chúng ta cố ý nói dối về người ấy với hy vọng làm tổn hại danh tiếng của người ấy. Một nhà Thần học luân lý là linh mục Bernard Haring định nghĩa rằng : “Phỉ báng là một lời nói sai sự thật hay lời xác nhận có tính toán và phóng đại liên quan đến tha nhân bôi bác người ấy.”

“Tội gièm pha là một tội khác làm hại tên tuổi người khác. Ở đây, chúng ta làm hại tên tuổi của một người bằng cách nói một điều gì về người đó, dù đó là sự thật. Cha Haring định nghĩa sự gièm pha như là cách xác nhận không công bằng và làm giảm tên tuổi của một người, cho dù điều này không phải là không đúng.”

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Audio Sự Lạ Fatima # 4 (của 6 Chương Trình) (3/31/2009)
Hình Ảnh Nhiệm Mầu Của Đức Mẹ La Vang, Vn (3/29/2009)
Ngoại Trưởng Hillary Clinton Viếng Đức Mẹ Guadalupe Tại Mexico. (3/28/2009)
Đức Tin Dẫn Dắt: Trỗi Dậy Từ Tro Tàn Của Diệt Chủng Rwanda (3/28/2009)
Đức Mẹ Kibeho: Đức Maria Nói Với Thế Giới Từ Trung Tâm Của Châu Phi (3/28/2009)
Tin/Bài cùng ngày
Audio Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ # 47, (chương 400-405) (3/27/2009)
Tin/Bài khác
Audio Sự Lạ Fatima # 3 (của 6 Chương Trình) (3/26/2009)
Trinh Nữ Maria, Biểu Tượng Đoàn Kết Quốc Gia Của Người Hồi Giáo Và Kitô Giáo (3/26/2009)
Đức Khiêm Nhường Của Thiên Chúa (3/23/2009)
Audio Sự Lạ Fatima # 2 (của 6 Chương Trình) (3/22/2009)
Audio Sự Lạ Fatima # 1 (của 6 Chương Trình) (3/22/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768