Chuyện Người Hành Hương (4)
Nguyên tác: Một Kitô hữu Nga
Biên dịch: Nguyễn Ước
Từ khi có tất cả những cái vừa kể và những cảm xúc giống như thế, con ghi nhận rằng việc cầu nguyện Đức Giêsu Kitô mang lại hoa trái trong cả ba cách: trong tinh thần hoặc tâm linh; trong cảm giác; và trong mạc khải.
Trong cách đầu tiên, thí dụ, là sự dịu ngọt tình yêu của Thiên Chúa, bình an trong tâm hồn, hân hoan trong tâm trí, thanh khiết của ý nghĩ, sự tưởng nhớ ngọt ngào về Thiên Chúa. Trong cách thứ hai, là sự nồng ấm thú vị của con tim, tràn ngập khoan khoái trong tứ chi của ta, "sủi bọt" mừng vui trong trái tim, phơi phới và can đảm, niềm vui cuộc sống, sức mạnh không cảm thấy đau ốm và buồn phiền. Và trong cách sau cùng, là ánh sáng ban cho tâm trí, am hiểu Kinh Thánh, am hiểu ngôn ngữ của các sinh linh, thoát khỏi rối rắm và viển vông, am hiểu niềm vui của cuộc sống nội tâm, và sau cùng, sự gần gũi bền vững với Thiên Chúa và với tình Ngài yêu thương chúng ta.
Sau khi trải qua năm tháng trong cuộc sống cô đơn cầu nguyện và vô vàn hạnh phúc ấy, con càng ngày càng quen với việc cầu nguyện ấy tới độ con tiếp tục nó trong mọi nơi mọi lúc. Cuối cùng con cảm thấy nó tự tiếp diễn với cung giọng của chính nó trong tâm trí con và trong những chốn sâu thẳm của tâm hồn con mà không cần con phải thúc giục chút nào. Không chỉ trong lúc con tỉnh thức mà còn cả trong khi con ngủ, vẫn tiếp diễn chỉ một điều ấy thôi. Không gì ngăn được nó, và nó không bao giờ ngừng lại dù chỉ trong một chốc lát cho dù con có đang làm công việc gì đi nữa. Linh hồn con luôn luôn dâng lời cám tạ Thiên Chúa và con tim con se lại với nỗi hạnh phúc không ngừng.
Đã tới lúc đốn cây. Người trong làng kéo ra rừng từng đoàn và con phải rời nơi cư ngụ tĩnh mịch của mình. Con cám ơn bác gác rừng, đọc mấy kinh, hôn lên khoảnh đất mà Thiên Chúa đã rủ lòng thương ban cho con, kẻ không xứng đáng với lòng thương xót của Ngài. Con khoác bọc sách lên vai và lên đường.
Trong một thời gian rất dài, con lang thang nhiều nơi trước khi đến Irkutsk. Lời cầu nguyện tự động trong tâm hồn con là lời dỗ dành an ủi con suốt cuộc hành trình. Bất cứ điều gì con gặp đều không thể làm ngừng nỗi hân hoan trong lòng con, không thể gây trở ngại cho mọi sự, cũng như mọi sự không thể gây trở ngại cho bất cứ điều gì. Nếu con có làm công việc nào thì lời cầu nguyện Đức Giêsu tự nó tiếp tục trong trái tim con và công việc đó tiến hành nhanh hơn. Nếu con lắng nghe kỹ điều gì đó hoặc đọc sách thì lời cầu nguyện ấy không bao giờ ngưng; con lập tức nhận biết cả hai trong cùng một lúc, như thể con được làm thành hai con người hoặc như thể có hai linh hồn trong một thân xác độc nhất. Chúa ơi! Con người là cái bí nhiệm tới ngần nào! "Ôi lạy Chúa, các công trình của Ngài muôn hình muôn vẻ! Trong khôn ngoan Ngài tạo dựng mọi sự."
Trong khi con tiếp tục con đường mình đi thì xảy ra cho con đủ thứ và nhiều việc. Nếu từ lúc này con bắt đầu kể hết tất cả những cái đó thì nội trong hăm bốn giờ e rằng không thể nào xong. Tuy thế, thí dụ, vào một tối mùa đông, đang băng rừng nhắm tới một làng mà con đã trông thấy cách một dặm xa và dự định sẽ trú ngụ qua đêm ở làng đó, thì thình lình trước mắt con xuất hiện một con chó sói to lớn và sắp nhảy chồm lên người con. Tay đang cầm tràng hạt bằng len của tôn sư mà con lúc nào cũng mang theo bên mình, con dùng nó quất con sói. Tràng hạt vuột khỏi tay con, quấn vào cổ con vật. Sói vọt bỏ chạy nhưng khi phóng qua bụi gai thì chân sau của sói mắc kẹt lại. Tràng hạt cũng bị móc vô một cành cây khô, và sói vùng vẫy nhưng không thoát ra được vì cổ nó bị tràng hạt siết chặt. Làm dấu thánh giá và lòng trông cậy, con bước tới gỡ sói ra vì con sợ nếu nó làm đứt tràng hạt rồi mang mà chạy thì con sẽ mất luôn tràng hạt quí báu của mình. Và đúng như vậy, khi con chụp được tràng hạt thì sói táp hụt và phóng chạy mất tăm mất tiêu. Con cám tạ Thiên Chúa, rồi với hình ảnh vị tôn sư đầy ơn sủng trong tâm trí, con đến được làng, bình an, lành mạnh, và tới quán trọ, xin ngủ qua đêm.
Con đi vô quán. Ở đó đã có hai người đàn ông: một người lớn tuổi còn người kia vạm vỡ, trạc trung niên. Cả hai ngồi uống trà bên chiếc bàn trong góc nhà. Mắt họ nhìn con trông có vẻ như họ không phải hạng người bình dân chất phác, và con hỏi người nhà quê đang đứng bên xe ngựa rằng họ là ai. Người nhà quê nói với con người lớn tuổi là ông giáo dạy tiểu học còn người kia là thư ký toà án quận, cả hai thuộc loại người ăn trên ngồi trước và anh đang đánh xe đưa họ tới chợ phiên cách đây chừng hai chục cây số. Ngồi được một lúc, con hỏi bà chủ quán mượn kim chỉ và đi tới chỗ có ánh sáng đèn cầy, bắt đầu khâu lại tràng hạt.
Người thư ký thấy con ngồi khâu thì nói:
- Tôi nghĩ chắc là anh cầu nguyện gắt gao quá nên tràng hạt mới đứt ra như vậy, đúng không?
Con trả lời:
- Tôi không làm đứt, chó sói làm đó.
Nghe vậy, anh trêu chọc:
- Cái gì! Chó sói à! Bộ chó sói cũng biết đọc kinh lần hạt sao?
Con kể cho họ nghe chuyện vừa xảy ra như thế nào và đối với con tràng hạt này quí báu ra sao. Người thư ký lại cười và nói:
- Phép lạ thì lúc nào cũng xảy ra cho các ngươi, những ông thánh giả mạo! Việc như vậy có gì mà linh với thiêng? Chuyện giản dị là anh vung cái gì đó lên và chó sói kinh hoảng, dông tuốt. Chó sói thì cũng như chó nhà, tự nhiên là chúng sợ bị người ta chọi, và chuyện chó bị mắc kẹt cành cây cũng là bình thường. Ba thứ chuyện như thế xảy ra đâu có hiếm. Phép lạ chỗ nào chớ?
Nhưng người lớn tuổi kia trả lời anh:
- Thưa ông, ông đừng kết luận vội vàng như vậy. Ông không nắm được những khía cạnh sâu xa hơn của sự việc đó. Còn tôi, tôi thấy trong câu chuyện của người nhà quê này có sự huyền nhiệm của tự nhiên, cả về mặt cảm giác lẫn về mặt tâm linh.
Người thư ký hỏi lại:
- Nó như thế nào?
Ông giáo giải thích:
- Được, nó như thế này. Dù ông không có trình độ học vấn cực cao nhưng thế nào ông cũng đã có học câu chuyện thiêng liêng của Cựu Ước và Tân Ước mà người ta đúc kết thành các câu vấn đáp kinh nghĩa dạy trong nhà trường. Ông có nhớ là khi tổ phụ Ađam còn trong trạng thái thánh thiện vô tội thì mọi loài vật đều vâng lời ông ấy. Chúng tới gần ông ấy trong kính sợ và ông ấy đặt tên cho từng loài. Vị lão trượng từng sở hữu tràng hạt này là một vị thánh. Thế thì thánh tính nghĩa là gì? Đối với người tội lỗi, thánh tính không có ý nghĩa nào khác hơn việc, bằng cố gắng và hãm mình, trở về trạng thái vô tội của con người nguyên thủy. Khi một linh hồn trở nên linh thiêng thì thể xác ấy cũng trở nên thiêng liêng tinh khiết. Tràng chuỗi này đã từng luôn luôn nằm trong tay một nhân vật được thánh hoá và hiệu quả việc tiếp xúc với bàn tay của vị ấy, với hơi hám của vị ấy khiến nó được thấm nhiễm quyền năng thiêng liêng - sức mạnh của sự thơ ngây vô tội của con người nguyên thủy. Đó là huyền nhiệm của tự nhiên có tính cách tâm linh! Trong sự kế thừa di truyền từ xưa tới nay, mọi loài vật đều có kinh nghiệm về quyền năng ấy, và chúng nếm trải nó qua khứu giác vì trong con vật mũi là giác quan chính. Đó là huyền nhiệm của tự nhiên có tính cách cảm giác!
Người thư ký đáp lại:
- Ông nghe lời người ta đồn đãi về quyền năng và minh triết, nhưng chúng ta hãy đan cử những việc đơn giản hơn. Thí dụ, hãy rót rượu đầy ly và nốc một hơi cạn ly, nó sẽ cho ông có đủ quyền phép liền.
Anh vừa nói vừa bước tới tủ ly tách, còn ông giáo thì trả lời:
- Việc đó là của ông, còn chuyện học hành thì để cho chúng tôi.
Con ưa lối nói của ông giáo. Con tới sát bên ông và thưa rằng:
- Thưa bố, không biết con có thể kể cho bố nghe thêm chút nữa về tôn sư của con?
Và rồi con kể cho ông giáo nghe sự xuất hiện của tôn sư khi con đang ngủ, về lời chỉ bảo mà tôn sư đã ban cho con, về dấu than tôn sư đã vạch trong sách Philôkalia. Ông ân cần lắng nghe nhưng người thư ký đang nằm duỗi người trên băng ghế thì lầm bầm rằng:
- Đúng là ngươi đọc Kinh Thánh nhiều quá nên có vẻ đánh mất trí khôn rồi đó. Chuyện như vậy nghĩa lý gì chớ! Bộ ngươi cho là có ông ba bị tới và đánh dấu vô sách nhà ngươi ban đêm? Đơn giản là trong khi ngủ ngươi làm rớt sách xuống đất và nó bị dính vết bồ hóng vô chỗ đó. Đó, phép lạ của ngươi là như vậy đó! Ngươi đồ lừa đảo, ta từng gặp vô số đứa thuộc loại như ngươi.
Lầm bầm lời lẽ loại đó, người thư ký xoay mặt vô vách sửa soạn ngủ. Con hướng về ông giáo và nói:
- Nếu thầy muốn con sẽ cho thầy xem tận mắt cuốn sách đó. Để thầy thấy nó được thật sự đánh dấu chứ không phải là vết dơ bồ hóng.
Con lấy cuốn Philôkalia ra khỏi ba lô, lật cho ông thấy. Con nói:
- Điều làm con sững sờ là tại sao thần khí không có hình hài thể xác lại có thể cầm cục than mà viết.
Ông nhìn vạch than và nói:
- Đây cũng là một huyền nhiệm có tính cách tâm linh. Ta sẽ cắt nghĩa cho anh. Lúc này hãy nhìn đây, khi thần khí xuất hiện trong hình thức vật lý để thành con người sống động thì chúng tự chuẩn bị cho chúng một thể xác mà người ta có thể cảm thấy được, lấy từ không khí và các chất liệu trong không gian, và sau đó chúng trả lại những thành tố mà chúng đã mượn. Cũng giống như khí quyển có tính đàn hồi là năng lực để co lại hoặc để trương ra, thì linh hồn cũng vậy, được mặc lấy bên trong nó, có thể cầm lấy bất cứ cái gì, và hoạt động, như viết. Nhưng sách của anh là sách gì vậy? Cho tôi coi một chút.
Ông bắt đầu nhìn sách và nó tự bật ra ngay chỗ các bài giảng của thánh Simêôn Nhà thần học mới. Ông kêu lên:
- A, đây chắc là một tác phẩm thần học. Trước đây tôi chưa từng thấy cuốn sách này.
Con thưa với ông:
- Gần như từ đầu đến cuối cuốn sách này ghi lại những chỉ dẫn về việc cầu nguyện tên Đức Giêsu Kitô bên trong tâm hồn. Việc đó được hai mươi lăm Giáo phụ thánh thiện trình bày đầy đủ chi tiết ở đây.
Ông trả lời:
- A, tôi có biết đôi chút về việc cầu nguyện trong lòng.
Con cúi đầu trước ông, mọp người sát đất, nài nỉ ông nói cho con nghe về việc cầu nguyện trong lòng. Ông nói:
- Được. Trong Tân Ước có nói rằng con người và mọi loài thụ tạo đều "là những sinh vật mong manh và bất toại" và khát khao, với khát vọng được dự phần vào công cuộc cứu rỗi con cái của Thiên Chúa. Khát khao bí nhiệm của tạo vật, nguyện vọng bẩm sinh của mọi linh hồn là hướng tới Thiên Chúa, và sự cầu nguyện trong lòng chính là cái đó. Vì vậy, cái đó bẩm sinh trong mỗi người chúng ta, không cần phải học nó!
Con thắc mắc:
- Nhưng thưa thầy, ta phải làm gì để thấy ra cái đó trong bản thân ta, để cảm giác nó trong trái tim ta, để thừa nhận nó bằng ý chí của ta, để cho ta nắm bắt nó, cảm giác được hạnh phúc và ánh sáng của nó, và như thế, để đạt được sự cứu rỗi?
Ông hỏi lại:
- Tôi không biết trong sách thần học này có nói gì tới vấn đề đó không?
Thêm lần nữa con đưa cuốn sách ra cho ông nhìn và trả lời:
- Vâng, thưa thầy, có. Ở đây có giải thích đầy đủ về vấn đề đó.
Ông giáo ghi lại tên sách rồi nói thế nào cũng gởi đặt mua ở Tobolsk và sẽ nghiên cứu nó. Sau đó chúng con mỗi người đi một ngả. Con cám tạ Thiên Chúa vì cuộc trò chuyện với ông giáo và cầu xin Thiên Chúa an bài để người thư ký cũng sẽ đọc cuốn Philôkalia, dù chỉ một lần, và qua sách đó, cho anh ấy tìm thấy sự cứu rỗi.
|