MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chuyện Người Hành Hương (6)
Thứ Bảy, Ngày 13 tháng 7-2013

Chuyện Người Hành Hương (6)

Nguyên tác: Một Kitô hữu Nga

Biên dịch: Nguyễn Ước

Thời tiết đẹp đẽ, khô ráo, con không muốn ban đêm nghỉ lại tại một làng nào. Buổi tối, khi đi ngang rừng, con thấy hai đống cỏ khô, con nằm trong đống cỏ ấy ngủ qua đêm. Con thấy buồn ngủ và mơ thấy mình vừa đi bộ vừa đọc một chương của Thánh Antôniô Cả trong sách Philôkalia. Đột nhiên tôn sư xuất hiện can rằng:

- Đừng đọc chương đó, đừng đọc chương đó.

Rồi ông đưa tay chỉ mấy câu này trong chương ba mươi lăm của Thánh Gioan Karpathisky rằng: "Đôi khi kẻ làm thầy cam chịu sỉ nhục và chịu đựng đau đớn vì lợi ích cho các con cái tinh thần của mình." Và ông lại khiến con phải chú ý tới chương bốn mươi mốt rằng: "Những ai hiến mình hăng say cầu nguyện thì chính kẻ đó trở thành con mồi cho những thử thách kinh hoàng và dữ dội." Rồi ông nói:

" Con hãy can đảm, chớ để mình ngã lòng. Hãy nhớ lời Thánh Tông Đồ: 'Vĩ đại thì ở trong lòng ta hơn là lớn lao ở ngoài thế giới'. Con sẽ thấy lúc này con đang nếm trải cái chân lý rằng không thử thách nào vượt quá sức mạnh đề kháng của con người và rằng cùng với thử thách thì Thiên Chúa cũng đưa ra lối thoát. Lòng tin tưởng vào sự phù hộ thiêng liêng củng cố những người thánh thiện cầu nguyện và đưa họ tới sự sốt sắng và nhiệt thành lớn lao hơn. Họ không chỉ tận hiến đời mình để cầu nguyện không ngừng mà còn phát xuất từ tình yêu của con tim mình, họ bày tỏ cho người khác về sự cầu nguyện và dạy người khác mỗi khi có dịp thuận tiện. Thánh Grêgôriô thành Thêxalônica nói về điều đó như sau:

- Không chỉ chúng ta phải theo thánh ý Thiên Chúa để không ngừng cầu nguyện Danh Đức Giêsu Kitô mà chúng ta còn phải biểu lộ và dạy bảo việc đó cho người khác, cho hết thảy mọi người, tu hành lẫn thế tục, thông thái lẫn chất phác, đàn ông, đàn bà và trẻ em; và truyền sự hào hứng cho hết thảy mọi người đó để họ sốt sắng cầu nguyện.

"Cũng một đường lối như thế, Đức Callistô Têlicuđê tôn kính nói rằng:

- Không những ta giữ lòng nghĩ tưởng tới Thiên Chúa (tức là cầu nguyện trong lòng), giữ những điều học hỏi được nhờ chiêm nghiệm và những cách thế nâng tâm hồn lên, một cách giản dị trong tâm hồn của chính mình, mà ta còn nên ghi chép, viết chúng thành bài văn để cùng nhau sử dụng với động lực đầy yêu thương. Và Kinh Thánh nói về mối liên hệ đó như sau: 'Người được anh em mình giúp đỡ thì như một thành trì bền vững và cao ngất' (Cách ngôn 18:19). Trong trường hợp đó, điều thiết yếu duy nhất và trên hết mọi sự, là tránh sự tự khen mình và phải canh giữ đừng để hạt giống thiêng liêng của lời giảng dạy bị gieo vào trong gió."

Con thức giấc, cảm thấy nỗi hân hoan lớn lao trong tim mình cùng sức mạnh trong linh hồn mình, và con tiếp tục cất bước.

Sau sự việc kể trên một thời gian dài, lại xảy tới một sự việc khác mà nếu cha muốn nghe thì con sẽ kể.

Vào một ngày - chính xác là ngày 24 tháng Ba - con cảm thấy khao khát được rước lễ, phải cần kíp rước lễ vào hôm sau, nghĩa là vào ngày Lễ Truyền Tin Thánh Nữ. Con hỏi người ta rằng ở xa đây có nhà thờ nào không và họ cho biết là cách đây khoảng hơn ba mươi cây số có một nhà thờ. Vì thế con đi bộ hết thời gian còn lại của ngày ấy rồi suốt đêm để tới cho kịp giờ lễ sáng.

Thời tiết tệ hại - tuyết và mưa, lại có gió mạnh, trời rất lạnh. Trên đường đi có con suối nhỏ chắn ngang. Đúng lúc con đặt chân lên một tảng băng giữa suối thì tảng băng đó sụp làm con té xuống suối, nước ngập ngang thắt lưng. Người ướt sũng. Con dự lễ, đứng suốt từ đầu chí cuối thánh lễ mà trong đó, nhờ ơn Thiên Chúa, con chịu Mình Thánh Chúa.

Để được tĩnh tâm suốt ngày và không làm hư hao trạng thái hạnh phúc tinh thần của mình, con năn nỉ ông từ xin cho con được ở lại trong căn phòng nhỏ của ông cho tới sáng mai. Con không thể diễn tả hết nỗi hạnh phúc của con hôm đó, tim con chan chứa hân hoan. Trong gian phòng không lò sưởi đó, con nằm trên chiếc giường kê bằng tấm ván mà cảm thấy mình như thể được an nghỉ trong lồng ngực của tổ phụ Áp-ra-ham. Lời cầu nguyện rất sống động. Tình yêu Đức Giêsu và Mẹ Thiên Chúa dường như trào dâng trong tim con thành những đợt sóng ngọt ngào. Linh hồn con chìm đắm trong ủi an và khải hoàn.

Khi đêm xuống, con bị cơn đau phong thấp hành ghê gớm trong chân mình. Cơn đau khiến tâm trí con biết ra rằng hai chân mình đang ướt đẫm. Con cố không để ý tới cơn đau và để hết lòng trí cầu nguyện nhiều hơn tới độ con không còn cảm thấy đau nữa. Tới sáng, khi con muốn đứng lên thì thấy mình không nhúc nhích nổi hai chân. Chúng hoàn toàn tê liệt và yếu như hai cọng dây thun. Ông từ lấy hết sức lôi con ra khỏi giường. Và cứ thế, con ngồi không động đậy suốt hai ngày. Tới ngày thứ ba, ông từ bắt đầu đuổi con ra khỏi phòng. Ông giải thích:

- Vì nếu anh mà chết trong phòng này thì thật rắc rối!

Cực kỳ khó khăn, con chống hai tay bò lết, lê người ra tới bậc thềm nhà thờ rồi nằm lại đó. Con nằm như vậy trong mấy ngày. Người ta đi ngang chẳng ai thèm ngó ngàng gì tới con hoặc để ý gì tới lời van nài của con. Cuối cùng, có một người dân làng tới bên con, ngồi xuống trò chuyện. Sau một lúc, ông hỏi:

- Nếu tôi chữa trị anh thì anh sẽ trả cho tôi cái gì? Tôi đã bị một lần đúng y như anh, nên tôi biết thuốc chữa nó.

Con trả lời:

- Tôi chẳng có gì để cho ông cả.

- Nhưng anh đựng gì trong ba lô vậy?

- Chỉ bánh mì khô và sách thôi.

- Được, nếu tôi chữa bệnh cho anh thì anh nghĩ sao về việc làm công cho tôi, chỉ trong một mùa hè thôi?

- Tôi không làm được công việc gì cả; ông thấy đây này, tôi chỉ dùng được có một tay, tay kia gần như hoàn toàn bị teo.

- Vậy thì anh làm được việc gì?

- Không được gi cả, ngoài việc tôi có thể đọc và viết.

- A! Viết! Được, vậy anh dạy cho con trai tôi viết. Nó biết đọc sơ sơ và tôi còn muốn nó viết được nữa. Có điều học phí to tiền quá - người ta đòi công dạy viết tới hai mươi rúp.

Con đồng ý việc đó. Với sự tiếp tay của ông từ, ông nông dân mang con đi, đặt con nằm trong nhà tắm cũ cuối sân đằng sau nhà ông.

Rồi ông sửa soạn chữa trị cho con. Sau đây là cách chữa của ông: ông đi lượm khắp các nền nhà, sân trước sân sau, hầm chứa phân, chừng gần một giạ đủ các loại xương thối mục, xương loài vật, xương chim..., đủ thứ. Ông rửa xương thật sạch, lấy hòn đá đập vụn chúng ra, cho tất cả vô một bình đất lớn. Ông đậy bình bằng cái nắp có khoét một lỗ và lật ngược bình úp lên trên một chiếc choé rỗng cũng bằng đất. Chóe này chôn lún xuống mặt đất. Ông bôi khắp quanh bình trên một lớp đất sét dày, chất củi chung quanh nó. Ông đốt lửa và canh cho lửa cháy suốt hơn hăm bốn giờ, trong khi giữ lửa, ông nói:

- Thế này thì chúng ta sẽ có được một ít cao lấy từ xương ra.

Hôm sau, khi ông lôi cái choé dưới đất lên thì trong đó đã có một dung dịch, do những giọt của bình trên nhỏ qua lỗ thủng xuống choé. Dung dịch này chừng nửa lít, như dầu, sền sệt, đo đỏ, đậm đà như mùi thịt sống. Phần xương còn lại ở bình trên thì từ màu đen và thối rữa chúng đã biến thành màu trắng, sạch và trong sáng như xà cừ.

Con dùng dung dịch đó thoa vào chân năm lần một ngày. Và trông kìa, coi kìa, hai mươi bốn giờ sau con thấy mình có thể nhúc nhích ngón chân cái. Qua hôm sau nữa, con có thể co chân lại duỗi chân ra. Tới ngày thứ năm con đứng lên được, và con chống gậy đi quanh sân. Tóm lại, chỉ nội trong một tuần lễ, chân con hoàn toàn mạnh trở lại như cũ. Con cám tạ Thiên Chúa và trầm ngâm nghĩ ngợi về sức mạnh bí nhiệm mà Ngài ban cho các tạo vật của Ngài. Xương đã khô, thối rữa, gần như biến thành tro thành bụi, vậy mà vẫn giữ được sức sống như thế, giữ được màu sắc, mùi vị, sức mạnh tác động lên các chi thể đang sống động và có thể nói là đưa lại sự sống cho một hình hài đã chết tới một nửa! Đây chính là bằng chứng cho sự sống lại của thể xác trong tương lai. Con ao ước biết mấy được bày tỏ điều này với bác gác rừng từng ở chung với con, về cái nhìn hoài nghi của bác vào sự sống lại của sinh linh!

Được chữa trị bằng cách đó, bệnh con ngày càng thuyên giảm. Con bắt đầu dạy cậu bé. Thay vì học theo sách tập viết thông thường thì cậu viết lời cầu nguyện Đức Giêsu. Con dạy cậu tập đồ câu đó, dạy cậu cách viết câu đó cho đẹp. Con chỉ dạy trong giờ nghỉ thôi vì suốt ngày cậu giúp việc cho người quản lý một cơ ngơi gần đó, và cậu chỉ có thể tới với con khi người quản lý đi ngủ, nghĩa là từ chập tối cho tới giờ làm lễ sáng hôm sau.

Cậu là một thiếu niên sáng dạ, chẳng bao lâu bắt đầu viết chữ đẹp. Ông chủ thấy cậu viết, hỏi ai dạy cậu. Cậu bé trả lời:

- Người hành hương một tay sống nơi nhà tắm cũ của cháu.

Ông quản lý, một người Ba lan, cảm thấy thú vị và đến gặp con làm quen. Thấy con đọc sách Philôkalia thì ông bắt đầu câu chuyện bằng việc hỏi con đang đọc cái gì. Con cho ông coi cuốn sách. Ông nói:

- A, đây là cuốn Philôkalia. Tôi đã từng thấy cuốn sách này trước đây tại nhà cha xứ Công giáo của tôi khi tôi sống ở Vilna. Thế nhưng người ta nói với tôi là nó chứa đựng những chuyện lặt vặt về những kế hoạch và thủ thuật dành cho người cầu nguyện do các tu sĩ Hi lạp viết. Giống như những kẻ cuồng tín ở Ấn độ và ở Bôkhara Nga tĩnh tọa và tự làm cho mình lịm đi bằng cách ra sức đạt cho bằng được một loại cảm giác lơ mơ nào đó trong quả tim mình và trong sự mê muội của mình; rồi biến cảm giác tự thân ấy thành sự cầu nguyện và coi nó như một tặng phẩm của Thiên Chúa. Cái thiết yếu để làm trọn nghĩa vụ của ta đối với Thiên Chúa là chỉ việc cầu nguyện một cách giản dị, đứng lên và đọc Kinh Lạy Cha thôi, như Đức Kitô đã dạy cho chúng ta. Nếu làm theo sách này thì anh phải bỏ ra cả ngày cho cái việc chỉ liên tục lặp đi lặp lại một điệu giống nhau thôi. Có thể nói, việc đó làm anh phát điên phát khùng. Thêm nữa, nó chẳng tốt lành gì cho trái tim của anh.

Con trả lời:

- Thưa ông, ông đừng nghĩ theo lối đó về cuốn sách thiêng liêng này. Cuốn sách này không phải do các tu sĩ Hi lạp viết ra mà là do bởi những người thánh thiện, cao cả thời xưa, những vị mà giáo hội Công giáo của ông cũng vinh danh họ, như các thánh Antôn Cả, Macariô Cả, Máccô Nhà lực sĩ tinh thần, Gioan Kim khẩu và các vị khác nữa. Chính phát xuất từ các vị đó mà các tu sĩ ở Ấn và Bôkhara thừa kế "tâm pháp" cầu nguyện trong lòng. Có điều, như tôn sư của tôi đã giải thích, bằng cách làm như ông vừa nói nên các tu sĩ ấy đã hoàn toàn làm hỏng và xuyên tạc phương thế đó. Trong sách Philôkalia này, tất cả những lời giảng về việc thực hành cầu nguyện trong tâm hồn đều rút ra từ Lời Thiên Chúa, từ Kinh Thánh, trong đó chính Đức Giêsu Kitô đã chỉ thị cho chúng ta đọc Kinh Lạy Cha và đồng thời cũng dạy bảo chúng ta cầu nguyện không ngừng trong con tim mình. Vì Ngài đã phán rằng: "Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi với hết cả tâm hồn và hết cả tâm trí của ngươi"; "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện'; 'Hãy ở trong Ta và Ta ở t
rong các ngươi". Và dẫn chứng lời của Vua Đavít rất thánh trong Thánh Vịnh rằng: "Ôi hãy nếm và hãy nhìn Thiên Chúa từ bi biết bao". Các Giáo phụ giải thích câu thánh vịnh đó như thế này: người Kitô hữu phải dùng hết mọi cách thế có thể được để tìm kiếm và nhận biết nỗi hân hoan trong việc cầu nguyện, và không ngừng tìm kiếm ơn sủng trong việc cầu nguyện, và chớ lấy làm mãn nguyện với việc chỉ đơn giản đọc Kinh Lạy Cha mỗi ngày một lần.

Con nói tiếp:

- Xin phép ông cho tôi đọc đoạn các vị thánh ấy đã quở trách như thế nào những kẻ không gắng sức để với tới trạng thái hân hoan của việc cầu nguyện bằng tâm hồn. Các vị viết rằng những kẻ làm như vậy là sai lầm vì ba lý do: thứ nhất vì họ tỏ ra mình đang chống lại Kinh Thánh, cuốn sách được thần hứng bởi Thiên Chúa; thứ hai, vì họ không đặt định đằng trước mình một trạng thái hoàn hảo cao hơn và sâu xa hơn của linh hồn để mình với tới. Họ chỉ bằng lòng với những đức tính bên ngoài nên họ không thể đói khát chân lý, và do đó, họ để vuột mất trạng thái ơn sủng và hân hoan trong Chúa. Thứ ba, vì họ để tâm trí dừng lại ở bên trong mình và ở trên những nết na bên ngoài của mình nên họ thường xuyên sa chước cám dỗ, kiêu ngạo, và vì thế, ngã gục.

Người quản lý nói:

- Những gì anh đọc trong sách ấy thì rất tinh tế, nhưng tôi nghĩ thật ra cái đó cũng rất khó khăn cho người giáo dân bình thường như chúng ta.

Con thưa lại:

- Vậy tôi sẽ đọc ông nghe vài điều giản dị hơn về việc làm thế nào người thiện chí có thể học cách cầu nguyện không ngừng dù họ đang sống giữa nơi thế gian này.

Con tìm bài giảng về George Người thanh niên của Simêôn Nhà thần học mới trong sách Philôkalia và đọc cho ông nghe.

Nghe xong, ông thích thú và nói:

- Anh cho tôi cuốn sách đó để lúc nào rãnh rỗi tôi xem, và thỉnh thoảng tôi đọc nó.

Con trả lời:

- Tôi rất hân hạnh để ông mượn cuốn sách này trong vòng hai mươi bốn giờ, nhưng không thể lâu hơn vì tôi đọc nó hằng ngày, tôi không thể sống mà không có nó.

- Vậy anh hãy chép lại cho tôi những điều anh vừa đọc. Tôi sẽ trả công cho anh vì việc đó quấy rầy anh.

Con nói:

- Tôi không muốn lấy công. Tôi sẽ chép lại cho ông vì đức bác ái và trong niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho ông sự khát khao cầu nguyện.

Vui mừng hết sức, con lập tức sao lại cho ông bài giảng con vừa đọc. Ông đọc cho bà vợ nghe, cả hai đều sung sướng. Chuyện đó đưa tới việc thỉnh thoảng ông mời con tới nhà ông. Con ra đi mang theo cuốn Philôkalia, đọc lên cho họ trong khi họ ngồi uống trà, lắng nghe.

Có lần họ mời con ở lại ăn tối. Bà vợ người quản lý là một phu nhân già, dễ mến. Đang ngồi chung bàn với chúng con ăn cá chiên thì chẳng may bà bị mắc xương. Chúng con không biết làm thê nào cho bà hết khó chịu và làm sao lấy xương ra. Bà đau đớn trong cổ họng quá sức tới độ vài giờ sau bà phải đi nằm. Cách đó ba mươi cây số có một bác sĩ. Người ta đi mời ông, và lúc ấy trời đã khuya, con phải về nhà, lòng cảm thấy thương bà quá.

Đêm đó, trong khi con đang lơ mơ ngủ thì nghe giọng nói của tôn sư. Con không thấy mặt ông nhưng nghe tiếng ông nói với con rằng:

- Người sống bên con đã chữa bệnh cho con, thế thì tại sao con chẳng giúp đỡ gì cho vợ người quản lý? Thiên Chúa đã ra lệnh cho chúng ta phải giúp đỡ người bên cạnh.

Con đáp lại:

- Giúp được bà ấy thì con rất vui, nhưng thưa cha, bằng cách nào đây? Con chẳng biết làm thế nào cả.

- Được, đây là điều con phải làm: Từ thuở còn rất nhỏ, bà ấy đã không thích dầu ăn. Bà ấy không chỉ chẳng ngửi được dầu mà còn hễ có mùi dầu là bà phát bệnh. Vậy con hãy cho bà uống một muỗng dầu. Nó sẽ làm bà ói, sẽ văng xương ra và sẽ làm dịu chỗ xương làm đau trong cổ họng, rồi bà ấy sẽ mạnh khoẻ trở lại.

- Làm sao con đưa được dầu cho bà ấy uống nếu bà không muốn? Bà ấy không chịu uống nó đâu.

- Con bảo người quản lý giữ đầu bà ấy, rồi thình lình con rót vô miệng bà, cho dù phải dùng tới sức mạnh đi nữa.

Con chỗi dậy, đi một mạch tới kể cho người quản lý hết mọi chi tiết. Ông nói:

- Lúc này thì dầu chẳng lợi ích gì đâu. Bà ấy đang khản cổ và mê sảng, sưng khắp cổ họng.

- Bằng mọi giá chúng ta phải cố thử; dù chẳng giúp được gì thì ít ra dầu cũng vô hại, như một loại thuốc thôi.

Ông rót ít dầu vô chiếc ly thường dùng để uống rượu, và bằng mọi cách, chúng con làm cho bà nuốt dầu. Lập tức bà đau dữ dội, liền mửa cái xương ra và một ít máu. Bà bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn, rồi lịm vào giấc ngủ say.

Sáng hôm sau con đến thăm bà, thấy bà ngồi yên tĩnh uống trà. Cả bà lẫn chồng đều hết sức thắc mắc về cách con vừa chữa trị cho bà, và họ còn ngạc nhiên hơn nữa, là việc trong giấc mơ con được bảo cho biết bà không thích dầu ăn. Chuyện đó ngoài họ ra thì không ai biết. Ngay lúc đó, ông bác sĩ đến. Người quản lý kể cho ông ấy những gì xảy ra cho vợ mình, và tới lượt con kể về cách mà người dân làng đã chữa chân cho con. Ông bác sĩ lắng nghe mọi chuyện rồi nói:

- Cả trường hợp trước cũng như trường hợp sau hoàn toàn chẳng có gì đáng kinh ngạc - đó chỉ là sức mạnh của tự nhiên hoạt động trong cả hai. Tuy vậy, tôi sẽ ghi lại chuyện này.

Nói xong ông rút viết chì ra, ghi vô sổ tay.

Sau đó, câu chuyện này được nhanh chóng lan truyền khắp làng xóm, rằng con là một ngôn sứ, một thầy thuốc và là một người có tài lạ. Rồi bắt đầu khách từ khắp nơi tới thăm viếng liên tiếp không ngừng, đem theo những rối rắm và những biến cố cuộc đời họ và yêu cầu con để mắt tới. Họ mang quà tới tặng con, đối xử cung kính với con và tìm kiếm nơi con lời an ủi. Con chịu đựng chuyện đó suốt một tuần lễ, và rồi sợ rằng mình sẽ sa ngã trong sự xao lãng dương dương tự đắc và tai hại cho mình, con bí mật bỏ đi vào ban đêm.

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (5) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (4) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (3) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (2) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria, Hoa Hồng Mầu Nhiệm (1) (7/16/2013)
Tin/Bài khác
Cn 1940: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (3) (7/5/2016)
Cn 1939: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (2) (7/5/2016)
Cn 1938: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (1) (7/4/2016)
Đức Mẹ Tự Do (7/12/2013)
Các Kết Quả Của Kinh Mân Côi An Ủi Và Cứu Các Linh Hồn Ra Khỏi Luyện Ngục (7/10/2013)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768