MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chuyện Người Hành Hương (9)
Thứ Bảy, Ngày 13 tháng 7-2013

Chuyện Người Hành Hương (9)

Nguyên tác: Một Kitô hữu Nga

Biên dịch: Nguyễn Ước

Cứ như thế, ông chủ nhà và con nằm trò chuyện với nhau. Tới lượt con đặt cho ông ấy câu hỏi rằng:

- Tôi không biết ông có bực bội hoặc chán nản về nhà khách của mình không? Trong anh em hành hương không tránh khỏi có nhiều người chọn lối sống đó chẳng qua chỉ vì không có việc gì làm hoặc vì phát xuất hoàn toàn từ sự lười biếng, và đôi khi trên đường đi có trộm cắp đôi chút. Tôi đã từng chứng kiến chuyện như vậy.

Ông chủ nhà trả lời và kể:

"Xin trả lời với anh rằng: Những vụ loại đó xảy ra không nhiều. Hầu hết người hành hương ghé nhà tôi đều chân thật. Nếu có khách nào thuộc loại đó thì chúng tôi ra sức chào đón họ thân ái hơn và rán hết sức mình để họ ở lại với chúng tôi. Rồi họ chung đụng với những người hành khất ngay lành và những anh em đạo hạnh trong Đức Kitô, và thông thường, họ dần dần sửa tính đổi nết và rời nhà khách như một người anh em khiêm tốn và thân thiện. Cách đây không lâu có một vụ loại đó. Có một anh thuộc tầng lớp tương đối khá giả ở đây, trong thị trấn này, và trở thành kẻ hoàn toàn hư hỏng tới độ bị mọi người lấy gậy đuổi ra khỏi cửa và chẳng cho tí vụn bánh mì nào. Anh say sưa rượu chè, du côn gây lộn và tệ hơn nữa là anh ăn cắp. Anh là thứ người như vậy cho tới ngày anh tìm tới chúng tôi. Đói xanh mặt, xin chút bánh mì và rượu nho; anh rất thèm khát món thứ hai. Chúng tôi ân cần tiếp đón anh và nói:

- Anh cứ ở lại với chúng tôi. Anh muốn bao nhiêu rượu thì sẽ có cho anh uống bấy nhiêu nhưng chỉ với một điều kiện: hễ khi nào rượu vào rồi thì anh đi thẳng vô đây, nằm xuống mà ngủ. Nếu anh gây chút rắc rối hoặc chút lộn xộn nào thì chúng tôi không những chỉ mời anh đi, không bao giờ tiếp đón anh nữa, mà còn báo cáo sự việc với cảnh sát để họ đưa anh vô trại trừng giới như một tên khả nghi du đãng.

"Anh đồng ý điều kiện đó và ở lại với chúng tôi. Suốt một tuần lễ hoặc hơn, anh nhất quyết uống thật nhiều rượu, uống cho đã. Nhưng vì lời anh đã hứa và bản thân anh bị ràng buộc vào rượu, anh sợ bị chúng tôi lấy rượu lại, nên sau khi rượu vào, anh nằm xuống ngủ hoặc lê người ra vườn rau, nằm tương đối yên lặng. Khi anh tỉnh rượu, anh em trong nhà khách trò chuyện với anh, thuyết phục anh và khuyên anh học cách kiềm chế bản thân, bắt đầu từng chút một. Như thế, dần dà anh bắt đầu uống ít lại, và rồi chừng ba tháng sau, anh trở thành người hoàn toàn điều độ. Hiện nay anh đang có việc làm ở đâu đó, không còn sống một cuộc đời vô ích và tùy thuộc vào lòng thương xót của người khác. Mới hôm kia, anh tới đây cám ơn chúng tôi."

Con nghĩ thầm: Thật khôn ngoan biết mấy! Sự hướng dẫn của tình yêu thương khiến người ta nên trọn lành. Và con nói thành tiếng:

- Tạ ơn Thiên Chúa, đấng đã phô bày ơn sủng của Ngài trong ngôi nhà ông đang chăm sóc.

Sau khi trò chuyện, chúng con đi ngủ được chừng trên dưới một giờ thì nghe tiếng chuông sáng. Chúng con sửa soạn đi nhà thờ. Vừa bước vào, lập tức chúng con thấy bà chủ nhà với hai đứa trẻ đã ở đó từ lúc nào. Tất cả chúng con đều có mặt trong giờ kinh nguyện ban mai và liền sau đó là Thánh Lễ thiêng liêng. Ông chủ nhà với cậu con trai và con ở ngay trước cung thánh trong khi bà chủ nhà và cô con gái thì đứng bên cửa sổ gần cung thánh, nơi họ có thể nhìn rõ việc tiến dâng hy lễ thiêng liêng. Trong khi quì gối họ đọc kinh hết sức say sưa tới độ trào nước mắt vui mừng! Và thấy ánh sáng chan hoà trên khuôn mặt của họ, con khóc nức nở.

Sau khi lễ xong, một đoàn chiên hiền lành gồm linh mục quản xứ và các người giúp việc, những người hành khất cùng kéo tới phòng ăn của ông bà chủ nhà. Ở đó có chừng trên dưới bốn chục người hành khất, tật nguyền, đau ốm và các trẻ em. Tất cả cùng ngồi xuống chung bàn, không khí vô cùng tĩnh lặng và bình an. Con lấy hết can đảm, nói nhỏ với ông chủ nhà rằng:

- Ở đan viện, trong bữa ăn người ta đọc hạnh các thánh. Ông có thể làm như vậy ở đây. Ông có nhiều sách lắm.

Ông hưởng ứng ngay:

- Chúng ta làm liền việc đó ở đây.

Rồi ông quay qua vợ mình:

- Maria, việc này thật là mở mang trí óc cho mình. Anh khởi sự đọc vào đầu bữa ăn, tiếp đó là em, và rồi tới 'cha xứ khiêm tốn' và sau đó tới lần lượt những anh em biết đọc khác.

Cha xứ bắt đầu vừa ăn vừa nói chuyện:

- Tôi thích nghe lắm nhưng còn việc đọc sách - thì xin phép được bỏ qua cho tôi. Quí vị không tưởng tượng nổi khi về lại nhà mình tôi sống hoạt động quay cuồng như thế nào, đủ thứ lo toan, đủ loại công việc. Bắt tay vô làm hết việc này tới việc khác, cái thì với lũ trẻ con đông lúc nhúc, cái thì với việc mặc cả mua bán súc vật, lại còn suốt ngày đầy ứ công chuyện phải làm. Lâu lắm rồi tôi quên luôn cả những gì đã học ở chủng viện.

Nghe cha sở nói như vậy con rùng mình nhưng bà chủ nhà đang ngồi bên cạnh nắm lấy tay con và bảo:

- Cha xứ nói như vậy vì ông ấy quá khiêm tốn, lúc nào cũng hạ mình, nhưng thật ra ông ấy là người sống rất ân cần và thánh thiện. Ông goá vợ đã hai mươi năm, nuôi nấng con cháu cả nhà. Với lại ông làm lễ rất thường xuyên.

Theo cùng với những lời của bà chủ nhà là xuất hiện trong tâm trí con lời nói sau đây của Nicêtas Stêthatốt trong cuốn Philôkalia rằng: "Bản tính của mọi sự bên ngoài ta được phán xét theo thiên hướng bên trong của linh hồn ta, nghĩa là, ý tưởng mà ta có về người bên cạnh ta thì phát xuất từ những gì đang là bản thân ta". Và ông nói tiếp rằng: "Người nào đạt tới sự cầu nguyện và tình yêu chân chính thì không có cảm giác khác biệt với mọi sự: người ấy không phân biệt người công chính với người tội lỗi mà yêu thương đồng đều cả hai và chẳng phán xét ai cả, như Thiên Chúa khiến cho mặt trời của Ngài chiếu sáng và mưa của ngài rơi trên cả người công chính lẫn người không công chính."

Chúng con lại yên lặng. Ngồi đối mặt con là một người hành khất hoàn toàn mù đang ở tại nhà khách. Ông chủ nhà nhìn anh ấy, xẻ cá cho anh, đưa cho anh muổng và múc xúp cho anh.

Con quan sát chăm chú, thấy anh hành khất ấy lúc nào miệng cũng há, lưỡi lúc nào cũng động đậy, như thể như đang run rẩy. Con nghĩ chắc chắn anh đang cầu nguyện. Và con tiếp tục quan sát.

Ngay lúc ấy, ở cuối bàn có một bà lão lên cơn đau. Cơn đau chớp nhoáng và bà bắt đầu rên rỉ. Ông bà chủ nhà dìu bà lão vô giường của họ, đặt bà lão nằm xuống, rồi bà chủ nhà đứng một bên săn sóc. Trong khi đó ông chồng ra lệnh lấy xe ngựa và lên xe phóng vào thị trấn mời bác sĩ. Cha xứ đi lấy Mình Thánh Chúa. Chúng con ai nấy đi mỗi người mỗi ngả.

Con cảm thấy như thể đói khát lời cầu nguyện và đang có nhu cầu cần kíp tuôn linh hồn mình ra trong lời cầu nguyện. Suốt bốn mươi tám giờ qua con không được ở chỗ yên tĩnh cũng như không được ở một mình. Con cảm thấy hình như có một loại máu nào đó đang rần rật trong tim mình để bùng vỡ và tuôn tràn khắp chân tay. Việc ém nó lại làm cho con dù có cảm giác an ủi, vẫn thấy nhức buốt trong trái tim, một cơn đau cần làm cho dịu lại và làm cho mãn nguyện trong sự thinh lặng cầu nguyện. Và lúc này, con hiểu ra tại sao những người thật sự thực hành việc cầu nguyện tự động trong lòng thường tránh chuyện hợp quần với loài người và ẩn dật tại những nơi không ai biết. Con còn hiểu thêm ra là tại sao đức Isikhi tôn kính lại cho rằng nếu để cho xảy ra quá nhiều việc thảo luận dù hữu ích nhất và tâm linh nhất thì đó cũng chỉ là việc nói chuyện huyên thuyên vu vơ, đúng như Êphrem xứ Xyri đã nói rằng: "Nói giỏi là bạc nhưng im lặng là vàng ròng."

Trong khi suy nghĩ tỉ mỉ về tất cả việc đó, con đi một mình tới nhà khách nơi mọi người đang nghỉ ngơi sau bữa ăn. Con lên rầm thượng. Tại đó con được yên tĩnh nghỉ ngơi và cầu nguyện.

Khi những người hành khất tập trung lại, con tìm gặp người mù và đưa anh ra vườn rau. Chỉ có chúng con ngồi ở đó thôi và bắt đầu trò chuyện. Con nói với anh:

- Xin anh vui lòng nói cho tôi biết, phải chăng vì lợi ích của tâm hồn mình mà anh đang nói lên lời cầu nguyện Đức Giêsu?

Anh trả lời:

- Tôi nói không ngừng lời cầu nguyện ấy từ lâu lắm rồi.

- Nhưng anh có được loại cảm giác nào phát xuất từ lời cầu nguyện ấy vậy?

- Tôi chỉ có một cảm giác thôi, là suốt ngày suốt đêm tôi không thể sống mà không có lời cầu nguyện ấy.

- Thiên Chúa đã biểu lộ sự cầu nguyện đó cho anh bằng cách nào? Người anh em thân mến ơi, hãy nói cho tôi nghe chuyện đó với, hãy kể cho tôi nghe hết mọi sự.

Anh bắt đầu kể:

"Được, nó như thế này. Tôi là dân vùng này. Trước đây tôi kiếm sống bằng nghề may vá. Tôi đi khắp tỉnh này tỉnh nọ, làng này làng kia, may quần áo cho dân quê. Tình cờ tôi ở lại khá lâu tại làng quê trong nhà một người dân dã, nơi tôi may quần áo cho cả nhà. Vào một ngày thiêng liêng nọ, tôi thấy có một cuốn sách đặt bên cạnh các ảnh tượng. Tôi hỏi trong nhà này ai là người biết đọc. Người ta trả lời rằng:

- Không có ai cả. Mấy cuốn sách đó là do chú của chúng tôi để lại, ông ấy biết đọc biết viết.

"Tôi cầm cuốn sách đó lên, mở nó ra một cách tình cờ và đọc. Theo như tôi nhớ thì lúc đó tôi đọc đúng những hàng chữ như sau: 'Cầu nguyện không ngừng là luôn luôn gọi tên Thiên Chúa, dù trong khi ta đang trò chuyện hoặc đang ngồi xuống hoặc đang đi hoặc đang làm điều gì đó hoặc đang ăn, hoặc có thể đang làm bất cứ công việc gì, ở mọi nơi, trong mọi lúc, ta phải gọi tên Thiên Chúa.'

"'Đọc những lời đó tôi giật mình nghĩ rằng đối với tôi thì việc này giản dị quá. Tôi bắt đầu thầm thì nói lời cầu nguyện Đức Giêsu trong khi tôi may vá; và tôi thích lời đó. Người sống chung nhà để ý tới tình trạng đó và bắt đầu chọc ghẹo tôi. Họ hỏi:

- Anh là phù thủy hay là cái gì vậy? Tại sao lúc nào cũng thấy anh lầm bầm?

"Hoặc:

- Anh đang thì thầm đọc thần chú về cái gì thế?.

"Vậy, để che giấu việc tôi đang làm, tôi bỏ không mấp máy môi nữa, chỉ tiếp tục nói lời cầu nguyện ấy bằng lưỡi. Cuối cùng tôi quen với lời cầu nguyện ấy tới độ lưỡi của mình tự động tiếp tục thốt nó suốt ngày suốt đêm và tôi vui thích nó. Tôi đi khắp nơi như thế trong một thời gian dài, rồi đột nhiên tôi bị mù hẳn. Hầu như người trong gia tộc tôi ai cũng bị bệnh tăng áp nhãn. Vì thế tôi nghèo xơ nghèo xác, người ta sắp đưa tôi vô viện tế bần ở Tobolsk, thủ phủ tỉnh này. Lúc này tôi sửa soạn đi tới đó. Ông bà chủ quí tộc này giữ tôi lại đây vì họ muốn gởi tôi theo xe đi tới tận Tobolsk."

Nghe xong câu chuyện, con hỏi anh mù:

- Cuốn sách anh đọc đó có tên là gì? Có phải người ta gọi cuốn đó là Philôkalia không?

- Thú thật tôi không biết. Tôi còn không ngó tới cả cái trang có tên sách.

Con lấy cuốn Philôkalia của mình lật ra phần thứ tư đọc đúng những lời của Thượng phụ Callistốt mà người bạn mù vừa đọc thuộc lòng và đọc cho anh nghe. Người mù la lên:

- Lạ thật, đúng chính những lời đó! Thiệt là hay ho! Đọc tiếp đi người anh em.

Khi con đọc đến những chữ: "Ta phải cầu nguyện bằng con tim mình," thì anh ấy bắt đầu hỏi con tới tấp:

- Câu đó nghĩa là gì, cái đó nghĩa là gì, làm bằng cách nào vậy?

Con nói với anh ấy rằng trong cuốn sách này, cuốn Philôkalia này, có đầy đủ những lời giảng dạy về việc cầu nguyện bằng con tim mình. Anh ấy nài nỉ con đọc tất cả những lời ấy cho anh ấy nghe. Con nói:

- Đó là việc chúng ta sẽ làm. Khi nào anh lên đường đi Tobolsk?

Anh trả lời:

- Đi ngay.

- Thế thì thật tốt, ngày mai tôi cũng lên đường. Chúng ta sẽ đi chung với nhau, rồi tôi sẽ đọc cho anh nghe tất cả những lời đó, tất cả những gì nói về việc cầu nguyện bằng con tim và tôi sẽ trình bày với anh cách tìm con tim của anh ở chỗ nào và làm thế nào nhập vào con tim mình.

Anh vội hỏi:

- Nhưng còn về chuyến xe thì sao?

- Chuyện xe cộ thì đâu có gì quan trọng! Chúng ta đã biết Tobolsk cách đây bao xa, chỉ một trăm sáu mươi cây số thôi. Chúng ta tới đó quá dễ, và anh hãy suy nghĩ, cùng đi bộ với nhau thì hay ho biết mấy, chỉ hai chúng ta thôi, vừa đi vừa trò chuyện và đọc về việc cầu nguyện bằng con tim.

Vậy là thỏa thuận xong.

Buổi tối, ông chủ nhà đích thân tới mời chúng con đi ăn tối. Sau bữa ăn con nói với ông rằng người mù và con sẽ lên đường với nhau và rằng chúng con không cần tới xe cộ, để có thể thuận tiện cùng đọc cuốn Philôkalia hơn. Nghe như vậy, ông nói:

- Tôi cũng thích cuốn Philôkalia hết sức. Tôi đã viết thư và lấy sẵn tiền gởi đi Petersburg khi tới tòa ngày mai để mình có được một cuốn người ta gởi cho qua ngả bưu điện.

Như vậy, qua sáng ngày mai, chúng con lên đường sau khi nồng nhiệt cám tạ ông bà chủ vì lòng yêu thương và sự ân cần sâu xa của họ. Cả hai cùng đi với chúng con ra khỏi nhà tới gần một cây số. Và rồi chúng tôi nói lời chào từ biệt nhau.

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (5) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (4) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (3) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (2) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria, Hoa Hồng Mầu Nhiệm (1) (7/16/2013)
Tin/Bài khác
Cn 1940: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (3) (7/5/2016)
Cn 1939: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (2) (7/5/2016)
Cn 1938: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (1) (7/4/2016)
Đức Mẹ Tự Do (7/12/2013)
Các Kết Quả Của Kinh Mân Côi An Ủi Và Cứu Các Linh Hồn Ra Khỏi Luyện Ngục (7/10/2013)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768