MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chuyện Người Hành Hương (11)
Thứ Bảy, Ngày 13 tháng 7-2013

Chuyện Người Hành Hương (11)

Nguyên tác: Một Kitô hữu Nga

Biên dịch: Nguyễn Ước

Thêm nữa, cách đây không lâu, trên đường tới đây, khi đi ngang tỉnh Kazan, con có dịp học biết như thế nào mà sức mạnh của lời cầu nguyện gọi tên Đức Giêsu Kitô phô bày một cách rõ ràng và mạnh mẽ dù người nói ra lời đó không có chủ tâm làm như vậy, và cách nói lời cầu nguyện đó thường xuyên và lâu dài là cách vừa chắc chắn vừa nhanh chóng gặt hái được những hoa quả ơn sủng của nó.

Chuyện xảy ra khi con có ý định xin ở lại qua đêm tại một làng của người Tartar. Vừa tới làng, con thấy bên ngoài cửa sổ một túp lều có một chiếc xe ngựa kiểu Nga và người đánh xe. Lũ ngựa đang được cho ăn gần đó. Thấy những cái ấy, con rất vui mừng và quyết định xin trú ngụ một đêm ngay nơi đó, thầm nghĩ trong bụng rằng ít nhất là mình được trải qua một đêm với người Kitô hữu đồng đạo - người Tartar theo Hồi giáo. Khi tới gần họ, con hỏi người đánh xe là họ đang trên đường đi đâu. Anh trả lời rằng ông chủ của mình đang đi từ Kazan tới Crimea. Trong khi con trò chuyện với người đánh xe thì ông chủ của anh từ bên trong vạch màn xe nhìn ra và thấy con. Lúc đó ông ấy nói:

- Tôi cũng nghỉ đêm tại đây nhưng không vào trong lều, nhà cửa người Tatar rất bất tiện. Tôi quyết định ở qua đêm trong xe ngựa.

Nói xong, ông bước ra. Tối đó đẹp trời nên hai chúng con vừa đi dạo vừa chuyện vãn ít lâu. Ông đặt ra cho con rất nhiều câu hỏi và còn nói về bản thân ông nữa. Và đây là những gì ông ấy kể với con:

"'Tôi là một thuyền trưởng hải quân cho tới năm sáu mươi lăm tuổi, nhưng lúc cao niên, tôi đâm ra mắc bệnh máu đông cục - một chứng bệnh nan y. Vì vậy tôi hồi hưu và sống gần như đau ốm triền miên tại trang trại của vợ tôi ở Crimea. Bà ấy là một phụ nữ bốc đồng, tính khí xốc nổi và rất mê chơi bài. Bà thấy chán ngán khi phải sống với một người đàn ông bệnh tật nên bỏ đi, tới ở với con gái của tôi tại Kazan, nơi nó tình cờ gặp và kết hôn với một công chức tại đó. Vợ tôi lấy hết những gì bà có thể chiếm và còn mang theo bà tất cả tôi tớ trong nhà, chỉ để lại cho tôi một cậu bé tám tuổi, con đỡ đầu của tôi.

"Tôi sống một mình được chừng ba năm. Cậu bé phục vụ tôi là một đứa nhỏ lanh lợi, có khả năng làm hết thảy mọi việc trong nhà. Nó dọn phòng cho tôi, nhóm bếp, nấu cháo, chuẩn bị sẵn sàng lò ấp bằng than. Nhưng đồng thời, nó tinh quái lạ lùng và trí óc luôn luôn động đậy. Nó xông xáo không ngừng, đập rầm rầm, la hét và đùa nghịch ào ào, đủ thứ trò, và vì thế nó quầy rầy tôi vô số kể. Còn tôi thì bệnh tật và buồn chán, lúc nào cũng thích đọc sách về tâm linh. Tôi có một cuốn sách tuyệt vời của Grêgôriô Palamas về lời cầu nguyện Đức Giêsu. Tôi đọc cuốn đó gần như liên tục và trong một chừng mực nào đó, tôi thường thốt lên lời cầu nguyện ấy. Nhưng cậu bé gây trở ngại cho tôi và không lời hăm he hoặc hình phạt nào ngăn nổi nó khỏi khoái trá những trò đùa nghịch ngợm. Cuối cùng, tôi tìm ra cách sau đây.

"Tôi bắt nó ngồi với tôi chung một băng ghế trong phòng tôi và ra lệnh cho nó nói không ngừng lời cầu nguyện Đức Giêsu. Ban đầu nó ghét cay ghét đắng việc đó, cố sức tránh né bằng đủ mọi cách và thường ngậm miệng nín thinh. Để bắt nó phải thi hành mệnh lệnh, tôi giữ bên mình một cây roi. Khi nó nói lời cầu nguyện ấy thì tôi yên tĩnh đọc sách hoặc lắng nghe coi nó nói lời ấy ra sao. Nhưng hễ nó dừng lại lâu một chút là tôi giơ roi lên. Lúc đó nó cảm thấy sợ và lại nói lời cầu nguyện. Tôi thấy tình trạng rất yên ổn và trong ngôi nhà tràn đầy an tĩnh.

"Sau một thời gian, tôi để ý là lúc này không cần tới roi nữa, cậu bé bắt đầu thực hành mệnh lệnh của tôi một cách hoàn toàn tự nguyện và sốt sắng. Còn nữa, tôi quan sát thấy tính nết tinh quái của nó hoàn toàn thay đổi: nó thành người trầm lặng, ít nói và làm công việc nhà tốt hơn trước. Thấy vậy, tôi vui mừng và bắt đầu để cho nó tự do hơn. Và anh có biết kết quả ra sao không? Vâng, sau cùng nó quen với lời cầu nguyện ấy quá đỗi tới độ gần như nó nói lời cầu nguyện ấy trong mọi lúc dù nó đang làm việc gì đi nữa, và hoàn toàn không bị tôi cưỡng bách. Khi tôi thắc mắc về việc đó, nó trả lời rằng nó cảm thấy có niềm khao khát không cản lại được là luôn luôn nói lời cầu nguyện đó. Tôi hỏi nó:

- Và trong khi cầu nguyện như thế, cảm giác của con ra sao?

Nó trả lời:

- Không gì cả, con chỉ cảm thấy nói lời đó thì thật dễ thương.

- Con có ý nói gì - dễ thương ư?

- Con không biết diễn tả như thế nào cho đúng.

- Có phải con có ý nói lời ấy làm con cảm thấy vui sướng.

- Dạ, vui sướng. 

Lúc bùng nổ Chiến tranh Crimea thì nó được mười hai tuổi và tôi mang nó đi theo, tới sống với con gái mình ở Kazan. Tại đó nó ở trong nhà bếp với những người giúp việc khác. Nó hết sức buồn chán về việc đó. Nó đến gặp tôi than phiền rằng những người khác thường đùa giỡn và trêu chọc nhau làm nó cảm thấy bực bội. Họ còn chế nhạo nó, ngăn không để cho nó nói lời cầu nguyện ấy. Cuối cùng, sau ba tháng, nó tới gặp tôi và nói:

- Con về nhà. Con bệnh chịu không nổi nơi này và tất cả những thứ ồn ào này.

Tôi bảo nó:

- Đường sá xa xôi như vậy và trời lại đang mùa đông làm sao con đi một mình được? Con nên chịu khó chờ. Khi nào ta đi ta sẽ mang con đi theo.

"Hôm sau cậu bé biến mất. Chúng tôi gởi thư tìm nó khắp nơi nhưng chẳng thấy nó đâu. Cuối cùng tôi nhận được một lá thư từ Crimea của người đang ở trong trang trại của chúng tôi. Thư nói rằng người ta tìm thấy cậu bé chết trong ngôi nhà trống của tôi vào ngày 4 tháng Tư, ngày Thứ Hai Lễ Phục Sinh. Nó nằm bình an trên nền nhà trong phòng tôi, tay chắp trước ngực và trong chiếc áo choàng mỏng mà nó luôn luôn mang trên người khi vào ra ngôi nhà của tôi, cũng là chiếc áo choàng nó mặc lúc bỏ đi. Và vì vậy, người ta đã an táng nó trong vườn nhà tôi.

"Khi nghe tin đó tôi vô cùng sửng sốt. Làm thế nào cậu bé ấy tới được trang trại trong một thời gian lẹ làng như vậy? Nó bắt đầu bỏ đi ngày 26 tháng Hai và người ta tìm thấy nó ngày 4 tháng Tư! Dù có sự giúp đỡ của Thiên Chúa đi nữa thì cũng không ai muốn cho ngựa chạy suốt ba ngàn hai trăm cây số trong vòng một tháng! Lạ thật, gần như mỗi ngày đi hơn một trăm mười cây số! Và trên người chỉ mặc quần áo mỏng, không giấy thông hành, trong túi không có một xu để mua bán đổi chác! Dù giả dụ có thể có ai đó giúp cho quá giang thì chính việc đó cũng hẳn là dấu hiệu Thiên Chúa quan phòng và chăm sóc nó một cách đặc biệt."

Nói tới đây, nhà quí tộc kết luận:

- Anh coi, cậu bé thơ dại của tôi đã hưởng hoa quả của cầu nguyện, và một ông lão như tôi đây, không biết tới bao giờ mới được như nó.

Liền đó con nói với ông:

- Thưa ông, cuốn sách của Grêgôriô Palamas mà ông nói ông thích đọc đó quả là một cuốn sách tuyệt vời. Tôi có biết nó. Nhưng thật ra nó ứng xử với lời cầu nguyện Đức Giêsu bằng miệng lưỡi, nói lên thành tiếng. Ông nên đọc cuốn sách có tên là Philôkalia. Trong cuốn ấy, ông sẽ tìm thấy việc học hỏi đầy đủ và toàn bộ về cách với tới sự cầu nguyện Đức Giêsu có tính cách tâm linh, trong tâm trí, cả trong tâm hồn và nếm được hoa trái dịu ngọt của nó.

Con vừa nói vừa đưa cho ông ấy xem cuốn Philôkalia của con. Con thấy là ông vui sướng nhận lời khuyên của con và ông hứa sẽ kiếm cho mình một cuốn. Và bằng tâm trí mình, con chăm chú vào những cách thức kỳ diệu mà quyền năng của Thiên Chúa phô bày trong việc cầu nguyện này. Câu chuyện con vừa nghe vừa có tính cách khôn ngoan và vừa có tính cách dạy bảo biết mấy! Cây roi dạy cho cậu bé sự cầu nguyện, và còn thêm gì nữa, như một phương thế an ủi và trở thành có lợi cho cậu bé.

Phải chăng cũng bằng một cách như thế, những sầu khổ và những gian nan mà chúng ta gặp trên con đường cầu nguyện cũng là cây roi trong bàn tay của Thiên Chúa? Như vậy, tại sao chúng ta lại run rẩy và rối rắm khi mà Cha trên trời của chúng ta với tình yêu thương chan chứa và vô biên của Ngài, đã cho chúng ta gặp những gian nan sầu khổ, và khi mà những cây roi đời dạy chúng ta hăng say hơn trong việc học tập cầu nguyện và dẫn đưa chúng ta tới sự an ủi không lời lẽ nào diễn tả nổi?

Khi sắp chấm dứt những gì mà mình phải kể, tôi thưa với cha linh hướng:

- Nhân danh Thiên Chúa, xin cha tha lỗi cho con. Con đã nói huyên thuyên quá nhiều. Và ngay cả việc đàm đạo tâm linh mà nếu kéo dài quá lâu thì cũng bị các Giáo phụ thánh thiện gọi là bép xép. Đã tới lúc con đi tìm người bạn đồng hành để đi Giêrusalem. Xin cha cầu nguyện cho con, một người tội lỗi khốn khổ, để lòng thương xót bao la của Thiên Chúa xuống ơn lành cho chuyến đi của con.

Cha trả lời:

- Với trọn cả con tim mình, ta ao ước cho con được như thế, hỡi người anh em yêu quí trong Chúa. Nguyện xin ơn sủng tràn đầy yêu thương của Thiên Chúa toả ánh sáng trên đường con đi, và cùng đi với con như thiên sứ Raphaen đã cùng đi với Tôbia!

(Hết chương Bốn)

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (5) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (4) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (3) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (2) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria, Hoa Hồng Mầu Nhiệm (1) (7/16/2013)
Tin/Bài khác
Cn 1940: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (3) (7/5/2016)
Cn 1939: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (2) (7/5/2016)
Cn 1938: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (1) (7/4/2016)
Đức Mẹ Tự Do (7/12/2013)
Các Kết Quả Của Kinh Mân Côi An Ủi Và Cứu Các Linh Hồn Ra Khỏi Luyện Ngục (7/10/2013)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768