MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chuyện Người Hành Hương (15)
Thứ Bảy, Ngày 13 tháng 7-2013

Chuyện Người Hành Hương (15)

Nguyên tác: Một Kitô hữu Nga

Biên dịch: Nguyễn Ước

VIỆC XƯNG TỘI ĐƯA CON NGƯỜI TỚI KHIÊM TỐN

Vì vậy, con muốn đi ngay khỏi chỗ này. Khi ra tới phòng khách, con ngạc nhiên thấy qua cánh cửa của một phòng trọ đang mở, có một người khách có vẻ không giống người Nga, đang nằm trên giường đọc sách. Ông vẫy tay ra hiệu gọi con vào và hỏi con là ai. Con nói cho ông biết. Và kế đó, ông bắt đầu nói:

- Anh nghe đây, bạn thân mến. Anh có đồng ý chăm sóc cho một người bệnh, thí dụ trong một tuần, cho tới khi nhờ Chúa phù hộ, tôi khá hơn không? Tôi là người Hi lạp, một tu sĩ Núi Athos. Tôi ở Nga để quyên góp của hiến tặng cho tu viện mình. Trên đường quay về, tôi ngã bệnh, hai chân đau tới nổi không đi được. Vì vậy tôi lấy phòng ở đây. Hỡi tôi tớ của Thiên Chúa, anh chớ nói không! Tôi sẽ trả công cho anh.

Con trả lời:

- Không cần thầy phải trả công cho con cái gì cả. Nhân danh Thiên Chúa, con sẽ rất vui mừng chăm sóc thầy hết sức có thể được của mình. Vậy là con ở lại với ông. Con nghe ông nói vô số điều liên can tới sự cứu rỗi linh hồn chúng ta. Ông kể cho con nghe về Núi thánh Athos, về đời sống tâm linh, những thành tựu ngoại hạng trong cuộc sống cầu nguyện và khổ hạnh ở đó, về nhiều vị ẩn tu và ẩn sĩ ở đó. Ông mang theo mình một cuốn Philôkalia bằng tiếng Hi lạp và một cuốn sách của Thánh Isaác xứ Xyri. Chúng con cùng nhau đọc và đối chiếu bản dịch ra tiếng Slave của Paisy Velichovsky với nguyên bản Hi lạp. Ông tuyên bố rằng không thể nào dịch cuốn Philôkalia từ tiếng Hi lạp ra tiếng Slave chính xác hơn và trung thực hơn bản của Paisy.

Con để ý thấy ông lúc nào cũng cầu nguyện và rất thành thạo việc cầu nguyện trong lòng. Vì ông nói giỏi tiếng Nga nên con hỏi ông về vấn đề đó. Ông sẵn sàng kể cho con nghe nhiều điều về vấn đề đó và con chăm chú lắng nghe. Con cũng ghi lại nhiều điều ông nói. Thí dụ như, trong những lời đó, ông có dạy con về sự tuyệt diệu và cao cả của lời cầu nguyện Đức Giêsu. Ông nói như thế này:

- Ngay cả chính hình thức của lời cầu nguyện ấy cũng đã tỏ cho thấy đó là lời cầu nguyện hết sức cao cả. Lời ấy được làm thành hai phần. Trong phần thứ nhất: "Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa", nó dẫn đưa những ý nghĩ của chúng ta tới cuộc đời của Đức Giêsu Kitô; hoặc như các Giáo phụ thánh thiện diễn tả, nó là tóm tắt toàn bộ Tin Mừng. Trong phần thứ hai: "Xin thương xót con là kẻ tội lỗi," nó làm cho chúng ta mặt đối mặt với tình trạng bất lực và tội lỗi của chính mình. Và cái đáng chú ý là khát vọng và thỉnh cầu của một linh hồn nghèo hèn tội lỗi và khiêm tốn không thể nào diễn tả thành lời một cách khôn ngoan hơn, rõ ràng hơn và chính xác hơn câu: "Xin thương xót con." Không có một hình thức ngôn từ nào đạt yêu cầu và toàn vẹn hơn câu đó. Thí dụ nếu ta nói rằng: "Xin tha thứ cho con, xin cất bỏ mọi tội lỗi của con, xin rửa sạch mọi sai phạm của con, xin tẩy xóa mọi xúc phạm của con," thì tất cả những lời ấy có thể được diễn tả bằng một lời thỉnh cầu duy nhất, thí dụ như: "xin được giải tỏa mọi sự trừng phạt, mọi sự sợ hãi của một linh hồn nhút nhát và thờ ơ." Nhưng nói: "Xin thương xót con," thì không những có ý nói khát vọng được tha thứ đang phát sinh từ trong một cõi lòng sợ hãi mà còn là tiếng kêu chân thành của một tình yêu thuộc đạo làm con, đặt niềm hy vọng của nó vào lòng thương xót của Thiên Chúa, và khiêm tốn thừa nhận rằng mình yếu đuối quá, ý chí không vững vàng và không canh giữ được bản thân mình. Nó là tiếng kêu xin thương xót - nghĩa là, xin ơn sủng - mà tự nó sẽ tỏ lộ cho thấy trong tặng phẩm sức mạnh do Thiên Chúa ban, giúp chúng ta có khả năng chống cự sự cám dỗ và khắc phục những ham muốn tội lỗi. Nó như thể người mắc nợ mà đang không có một xu dính túi, xin người chủ nợ từ tâm của mình không những chỉ tha nợ cho mình thôi mà còn thương xót tới sự nghèo khó bần cùng của mình và ban cho mình của bố thí. Đó là những gì được diễn tả trong câu nói: "Xin thương xót con". Nó cũng giống như nói rằng: "Lạy Chúa nhân từ, xin tha thứ con khỏi mọi tội lỗi của con và giúp cho con ăn ở ngay lành. Xin làm phát sinh trong linh hồn con sự thôi thúc mạnh mẽ để tuân giữ mệnh lệnh của Ngài. Xin tuôn tràn ơn sủng của Ngài bằng sự tha thứ mọi tội lỗi hiện nay của con và hướng tâm trí, ý chí và tâm hồn nguội lạnh của con tới một mình Chúa mà thôi.

Qua những lời ông vừa nói, con kinh ngạc về sự khôn ngoan của ông và con cám ơn ông đã dạy dỗ cho linh hồn tội lỗi của con. Rồi ông tiếp tục dạy bảo con những điều kỳ diệu khác. Con xem ông như một nhà thông thái vì ông nói ông đã theo học ở Học viện Athens. Ông nói:

"Nếu anh muốn, tôi sẽ tiếp tục trình bày với anh về việc lời cầu nguyện Đức Giêsu được thốt lên bằng cung giọng như thế nào.

"Tình cờ tôi nghe nhiều người kính sợ Thiên Chúa nói rằng lời cầu nguyện Đức Giêsu thành tiếng là Lời Thiên Chúa ra lệnh cho họ và theo truyền thống của hội thánh. Họ dùng lời ấy vừa làm lời cầu nguyện của riêng mình vừa làm lời cầu kinh trong nhà thờ. Nếu với tâm tình của một người bạn, anh lắng nghe thật kỹ việc trầm lặng thốt lên lời cầu nguyện ấy thì vì lợi ích tinh thần của mình, anh có thể nhận ra nó có cung giọng biến hóa khác nhau, tùy theo người ta.

"Thí dụ như, một số người nhấn giọng ngay ở tiếng thứ nhất của lời cầu nguyện ấy. Họ nói tiếng Chúa thật mạnh, rồi Giêsu Kitô, và kế đó kết thúc mọi tiếng khác trong câu với giọng đều đều. Một số khác bắt đầu lời cầu nguyện ấy với giọng đều đều rồi nhấn mạnh vào nhịp thứ hai của câu cầu nguyện ấy, trên tiếng Giêsu Kitô, như một than van, và rồi tất cả phần còn lại, họ kết thúc bằng giọng đều đều giống như khi họ bắt đầu câu. Một số khác bắt đầu và tiếp tục câu cầu nguyện ấy với giọng đều đều cho tới khi tới những tiếng sau cùng xin thương xót con thì họ cất giọng lên cao trong trạng thái xuất thần. Một số khác có câu cầu nguyện dài hơn một chút rằng: "Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi," họ thốt bằng giọng đều đều và chỉ nhấn hết sức mạnh vào những tiếng Con Thiên Chúa.

"Vậy thì anh nghe đây. Lời cầu nguyện ấy chỉ là một và giống nhau thôi. Các Kitô hữu duy trì một lời tuyên xưng đức tin duy nhất và giống nhau. Nói chung, hết thảy họ đều hiểu rằng đây là lời cầu nguyện tinh tế nhất trong mọi lời cầu nguyện và bao gồm hai điểm: Chúa Giêsu Kitô và Sự kêu nài Ngài. Ai cũng hiểu giống nhau về điều đó. Thế thì tại sao hết thảy họ không diễn tả theo một cách thức giống y như nhau và một cung giọng giống y như nhau? Tại sao linh hồn này lại nài xin một cách đặc biệt và diễn tả câu cầu nguyện ấy với một chỗ nhấn giọng cách riêng, mà không nhấn giọng trên một chỗ chung cho hết thảy mọi người? Tại sao tùy ai người nấy cứ nhấn vào một chỗ nhất định nào đó của mình?

"Nhiều người nói rằng đó là do kết quả của thói quen, hoặc vì bắt chước theo người khác, hoặc vì tùy thuộc vào cách thức hiểu biết về lời cầu nguyện ấy bởi nó liên quan tới quan niệm riêng tư, hoặïc sau cùng, vì đơn thuần thốt lên nó một cách dễ dàng nhất và tự nhiên nhất tùy theo từng người. Nhưng về vấn đề này, suy nghĩ của tôi hoàn toàn khác.

"Trong vấn đề này, có lẽ tôi thích tìm kiếm cái gì đó cao hơn, cái gì đó chưa từng biết đối với người nghe lẫn người thốt lên lời cầu nguyện ấy. Biết đâu ở đây có sự hoạt động sâu kín của Chúa Thánh Thần, Đấng tạo trung gian cho chúng ta với những lời thì thầm không thể thốt lên thành tiếng trong những kẻ không biết cầu nguyện như thế nào và cầu nguyện về cái gì. Và nếu mọi người, như Thánh Tông đồ đã nói rằng nhờ Chúa Thánh Thần mà cầu nguyện gọi tên Đức Giêsu Kitô, thì cũng Chúa Thánh Thần, Đấng làm việc trong bí mật và ban lời cầu nguyện ấy, có thể tuôn những tặng phẩm đầy ơn phước lên trên mọi người cho dù họ thiếu đức tin tới mấy đi nữa. Với người này, Ngài có thể ban cho sự kính sợ Thiên Chúa, với người kia thì cho tình yêu, với người nọ thì cho sự bền vững đức tin và với người khác nữa thì cho lòng khiêm tốn và bác ái, và vân vân.

"Nếu đúng như thế thì lúc đó, người được ban cho tặng phẩm kính sợ Thiên Chúa và tôn vinh quyền phép của Đấng Toàn Năng thì trong lời cầu nguyện ấy của mình, người đó sẽ với cảm xúc đặc biệt mà nhấn giọng vào tiếng Chúa, tiếng mà người đó cảm thấy trong đó có sự vĩ đại và sức mạnh của Đấng tạo dựng thế giới. Người được ban cho tặng phẩm thầm kín tuôn trào tình yêu trong tâm hồn mình thì sẽ lao mình vào trạng thái ngây ngất và chan chứa hân hoan khi người đó kêu lên Giêsu Kitô. Giống như chuyện một vị tôn sư nào đó: ông không thể nghe tên Đức Giêsu mà lòng không dâng tràn một cách khác thường tình yêu và hân hoan, cả trong những khi đàm đạo thông thường. Người có đức tin bền vững vào Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, vào tính chất độc nhất của Đức Chúa Cha, thì người đó càng được làm cho đức tin bùng cháy dữ dội hơn khi thốt tới tiếng Con Thiên Chúa. Người tiếp nhận tặng phẩm lòng khiêm tốn và nhận biết sâu xa sự yếu đuối của bản thân mình thì ăn năn hạ mình với những tiếng xin thương xót con, và trái tim của ngư
ời ấy dạt dào lai láng trong những tiếng cuối của câu cầu nguyện Đức Giêsu ấy. Người đó ấp ủ một niềm hy vọng vào lòng ân cần đầy yêu thương Thiên Chúa và ghét cay ghét đắng sự sa ngã phạm tội của mình.

"Vậy qua những ý kiến của tôi anh đã có được những nguyên cớ việc người ta có các cung giọng khác nhau khi thốt lên lời cầu nguyện tên Đức Giêsu. Và phát xuất từ những cái đó thì trong khi nghe, anh có thể chú ý tới sự vinh hiển của Thiên Chúa và rút ra lời hướng dẫn cho chính mình, qua cảm xúc mà người ta đặc biệt xúc động và tặng phẩm tinh thần nào mà người ta nhận được. Có người nói với tôi rằng:

- Tại sao hết thảy những dấu hiệu của các tặng phẩm tâm linh sâu kín ấy không đồng nhất và cùng xuất hiện một lượt? Để lúc đó không chỉ một tiếng mà hết thảy mọi tiếng trong câu cầu nguyện ấy đều làm cho ta cùng thấm nhuần và cùng một cung giọng ngây ngất như nhau.

"Tôi trả lời như thế này:

- Vì lòng chiếu cố của Thiên Chúa ban phát tặng phẩm của Ngài trong khôn ngoan cho riêng mỗi người căn cứ theo sức mạnh của người ấy, như bạn thấy trong Kinh Thánh rằng ai có thể tìm tòi với tâm trí hạn chế của mình và tham gia vào việc an bài ơn sủng? Không phải đất sét hoàn toàn nằm trong quyền năng của kẻ làm đồ gốm, và không phải kẻ đó có khả năng nhào nặn từ đất sét ấy ra vật này hay vật nọ sao?"

Con trải qua năm ngày với vị tôn sư này và sức khỏe của ông bắt đầu khá lên rất nhiều. Lần này con được lợi quá đỗi, tới độ con không để ý là thời gian trôi qua nhanh biết chừng nào. Vì trong phòng trọ nhỏ bé ấy, trong tách biệt thinh lặng ấy, chúng con không quan tâm tới điều gì khác ngoài việc yên lặng cầu nguyện gọi tên Đức Giêsu, hoặc chỉ đàm đạo về một đề tài thôi: đó là sự cầu nguyện trong lòng.

Ngày nọ, có một người hành hương tới gặp chúng con. Anh chua chát phàn nàn về người Do thái và nguyền rủa họ. Anh đã đi khắp các làng mạc của họ và đã phải chịu đựng sự thù nghịch và lừa đảo của họ. Anh công kích họ một cách cay đắng tới độ anh chúc dữ cho họ và còn nói họ không đáng sống trên đời vì tính ngoan cố và sự thiếu lòng tin của họ. Sau cùng, anh nói rằng anh có ác cảm tuyệt đối với họ tới độ anh không bao giờ cầm mình nổi.

Vị tôn sư Hi lạp nói:

"Bạn ạ, bạn không có quyền mắng chửi và nguyền rủa người Do thái như vậy. Thiên Chúa tạo dựng họ cũng một cách như Ngài tạo dựng chúng ta. Bạn nên lấy làm buồn cho họ và cầu nguyện cho họ chứ bạn đừng nguyền rủa họ. Bạn hãy tin tôi. Sự kinh tởm mà bạn đang cảm thấy về họ đó xuất phát từ thực tế rằng bạn không đặt nền tảng trên tình yêu thương Thiên Chúa và bạn không có việc cầu nguyện trong lòng như một nền tảngï an toàn, nên vì thế, bạn không có sự bình an trong lòng mình.

"Tôi sẽ đọc cho bạn nghe một đoạn trích từ các Giáo phụ thánh thiện về vấn đề này. Bạn hãy lắng nghe đây là điều Thánh Máccô Nhà khổ tu viết:

- Một linh hồn được hiệp nhất bên trong với Thiên Chúa thì trong sự hân hoan lớn lao của nó, nó trở nên giống như một đứa trẻ tâm hồn mộc mạc, tử tế và thân mật, và như thế, nó không kết án ai cả, không kết án người Hi lạp, người ngoại đạo, người Do thái cũng như người tội lỗi, nhưng nó nhìn họ hết thảy giống như nhau với cái nhìn đã được làm cho tinh khiết và tìm thấy hân hoan trong một thế giới toàn bộ, và muốn hết thảy mọi người - người Hi lạp, người Do thái, người ngoại đạo - đều ca tụng Thiên Chúa.

"Và Thánh Macariô Cả xứ Ai cập nói rằng kẻ tu hành 'trong lòng bừng cháy với một tình yêu sâu rộng tới độ nếu có thể được thì để cho mọi người an trú bên trong mình, không phân biệt kẻ tốt và người xấu.'

"Đó, người anh em thân mến, bạn đã thấy các Giáo phụ thánh thiện nghĩ ra sao về vấn đề đó. Vì vậy, tôi khuyên bạn hãy gác sự dữ tợn của mình qua một bên và hãy nhìn mọi sự dưới sự quan phòng sáng suốt của Thiên Chúa. Và hễ gặp điều gì bực mình thì bạn hãy đặc biệt kết án bản thân mình về sự thiếu nhẫn nại và thiếu khiêm tốn."

VIỆC XƯNG TỘI ĐƯA CON NGƯỜI TỚI KHIÊM TỐN

Cuối cùng, đã qua hơn một tuần. Tôn sư của con lành mạnh. Từ thâm tâm, con cám ơn ông vì mọi chỉ dẫn đầy ơn lành mà ông đã cho con, và chúng con chào từ biệt nhau. Ông lên đường về quê hương, còn con khởi sự đi theo lộ trình mình đã dự tính.

Thế rồi con lên đường đi Pochaev. Đi chưa được hơn một trăm mười cây số, con bắt kịp một người lính. Con hỏi rằng anh đang đi đâu. Anh nói với con anh đang trở về chánh quán của mình là quận Kamenets Podolsk. Chúng con im lặng đi bên nhau trên một khoảng đường mười cây số. Con để ý thấy anh thở dài rất nặng nề, như thể có cái gì đó làm anh đau khổ lắm và mặt anh ảm đạm vô cùng. Con hỏi tại sao anh âu sầu như vậy. Anh trả lời:

- Anh bạn tốt lành ơi, nếu anh để ý tới sự sầu khổ của tôi và thề một cách độc dữ rằng sẽ không nói lại cho ai nghe, thì tôi sẽ kể hết cho anh về bản thân tôi, vì tôi sắp chết và tôi không có ai để tâm sự về việc đó cả.

Lấy tính cách một Kitô hữu con bảo đảm với anh rằng con không có nhu cầu nào phải nói lại cho ai chuyện của anh, và rằng phát xuất từ tình yêu anh em, chắc chắn con sẽ vui mừng để có thể đưa ra cho anh một lời khuyên nào đó.

Anh bắt đầu kể chuyện đời anh như sau:

"Được, anh nghe đây. Tôi đang là nông dân làm ruộng chính phủ thì bị động viên vào lính. Sau khoảng năm năm quân dịch, cuộc đời lính tráng đối với tôi nặng nề quá, trở thành không chịu đựng nổi. Quả thật, người ta thường đánh đập tôi vì tính tôi chểnh mảng và tật tôi nghiện rượu. Tôi nảy ra ý kiến bỏ trốn và từ đó đến nay đã mười lăm năm, tôi làm kẻ đào ngũ.

"Suốt sáu năm trời, tôi trốn bất cứ chỗ nào có thể ẩn núp được. Tôi ăn trộm ở các nông trại, các phòng chứa lương thực và các nhà kho. Tôi ăn cắp ngựa. Tôi phá cửa lẻn vào các hàng quán. Và cứ làm ăn như vậy, lúc nào cũng chỉ một mình tôi thôi. Tôi tẩu tán các hàng hóa ăn cắp theo nhiều cách khác nhau. Rồi tôi uống rượu cho hết tiền, sống một cuộc đời trụy lạc, phạm đủ thứ tội lỗi, cuối cùng, tôi bị bắt vào tù vì đi lang thang mà trong người không có sổ thông hành. Nhưng khi có dịp, tôi vượt ngục liền.

"Rồi bất ngờ tôi gặp một người lính giải ngũ đang trên đường về nhà ở một tỉnh rất xa xôi. Khi hắn bệnh và gần như không lết nổi mình, hắn yêu cầu tôi đem hắn tới một làng gần nhất để hắn tìm chỗ ở lại. Vậy tôi đem hắn đi. Cảnh sát cho phép chúng tôi ở qua đêm nơi chuồng ngựa tại một nhà kho chứa cỏ khô. Chúng tôi nằm xuống ngủ. Sáng ra, khi thức dậy, tôi đưa mắt nhìn người lính và thấy hắn đã chết, mình mẩy cứng đơ. Vậy tôi lật đật tìm sổ thông hành của hắn - nghĩa là, giấy giải ngũ của hắn - và cùng với nó, tôi tìm được một số tiền kha khá. Trong khi mọi người còn đang ngủ, tôi lẻn ra khỏi chuồng ngựa, theo ngả sân sau, lẹ hết sức mình phóng vô rừng rồi bỏ đi luôn. Đọc giấy thông hành của hắn, tôi thấy tuổi tác và dấu vết riêng của hắn gần giống như của tôi. Mừng rơn vê chuyện đó, tôi đánh liều tiếp tục đi vào các lũng sâu của tỉnh Astrakhain

"Tại tỉnh đó, tôi bắt đầu sống khá ổn định. Tôi xin được một chân lao công và ở chung với một ông lão có nhà cửa làm nghề mua bán súc vật. Ông cụ sống một thân một mình với cô con gái cũng góa chồng. Sống chung với ông được một năm, tôi kết hôn với cô con gái ấy. Kế đó, ông cụ qua đời. Chúng tôi không thể tiếp tục công việc làm ăn của ông. Tôi lại bắt đầu uống rượu. Vợ tôi cũng uống. Trong vòng một năm, chúng tôi làm tiêu tan hết tất cả những gì ông lão để lại. Rồi vợ tôi ngã bệnh, qua đời. Thấy vậy, tôi bán sạch mọi thứ còn lại, bán luôn cả ngôi nhà và chẳng bao lâu tôi phung phá hết tiền.

"Tới lúc đó, tôi chẳng có gì để tiếp tục sống. Tôi trở lại lối làm ăn cũ và mua bán đồ ăn cắp. Càng ngày tôi càng liều lĩnh hơn vì tôi đã có giấy thông hành. Tôi lại sống cuộc sống độc dữ cũ trong khoảng một năm. Rồi xảy tới một thời kỳ rất dài, tôi không kiếm chác được gì. Tôi bèn ăn cắp một con ngựa già xơ xác của một nông dân nghèo mạt rệp và đem bán nó cho người chuyên mua ngựa già làm thịt, được một đồng rúp. Cầm tiền đó, tôi vô quán rượu và bắt đầu uống. Và tôi nảy ra ý nghĩ tới một làng có đám cưới, chờ người ta tiệc tùng xong ngủ say sưa thì mình lẻn vô lấy bất cứ thứ gì có thể trộm được. Khi mặt trời chưa lặn, tôi vào rừng gần làng đó núp chờ đêm tới. Tôi đặt mình xuống cỏ và thiếp vào một giấc ngủ thật say.

"Rồi tôi mơ thấy mình đang đứng trước một đồng cỏ bao la và xinh đẹp. Thình lình một đám mây ngó thật rùng rợn kéo tới trên bầu trời, rồi ầm vang tiếng sấm nổ hãi hùng tới độ mặt đất dưới chân tôi rung chuyển và như thể có ai đó túm hai vai tôi đè lún xuống đất. Chung quanh người tôi đất nêm chặt, chỉ có đầu và tay tôi thò được ra ngoài. Kế đó, hình như đám mây rùng rợn đó sà xuống sát mặt đất. Từ trong mây, hiện ra ông nội tôi, dù ông đã chết hai mươi năm trước. Lúc còn sống, ông là người rất công chính. Trong suốt ba mươi năm, ông làm ông từ nhà thờ làng của chúng tôi Ông nội tôi mặt giận dữ và hùng hổ nhào tới người tôi, làm tôi rùng mình sợ hãi. Sát kế bên và khắp chung quanh mình, tôi thấy chất từng đống những đồ vật mà tôi đã ăn cắp trong không biết bao nhiêu lần.

"Tôi lại càng khiếp đảm hơn. Ông nội của tôi tới gần tôi, chỉ vô đống đồ vật thứ nhất và nói một cách đe dọa:

- Cái đó là cái gì? Cứ để cho hắn lấy nó!

"Và thình lình đất mọi phía quanh người tôi bắt đầu siết vô tôi chặt cứng làm tôi đau rêm cả mình mẩy, chóng mặt chóng mày không chịu nổi. Tôi rên rỉ thét lên:

- Xin thương xót tôi với!

"Nhưng cuộc hành hạ vẫn tiếp tục. Rồi ông nội của tôi chỉ tới một đống đồ vật khác và lại nói:

- Cái đó là cái gì? Hãy bóp nó mạnh hơn nữa!

"Và tôi cảm thấy đau thê thảm, dữ dội vô cùng tới độ trên thế gian này không có cuộc tra tấn nào sánh bằng. Sau cùng, ông nội tôi dắt con ngựa già mà tôi mới ăn cắp hôm qua tới sát bên tôi, rồi ông hét lên ghê rợn:

- Và cái này là cái gì? Hãy để cho nó có cái này mạnh thật mạnh!

"Đất lại siết tôi mạnh hơn. Tôi đau đớn không la nổi, đau ngất ngư khắp mọi phía. Đau tàn tệ, đau khủng khiếp và kiệt sức. Nó như thể có ai rút hết gân cốt ra khỏi người tôi. Cơn đau ghê gớm đó làm tôi ngất ngư chết ngạt. Tôi cảm thấy mình hết chịu đựng nổi, và nếu cuộc hành hạ này kéo dài thêm một chút nữa thôi thì tôi sẽ gục xuống bất tỉnh. Nhưng con ngựa già cất vó đá trúng má tôi, làm toác mặt tôi ra. Ngay lúc lãnh cú đá đó, tôi thức giấc, hoàn toàn khiếp đảm và run lẩy bẩy như người đang bị bệnh.

"Tôi thấy trời đã sáng và mặt trời đang mọc. Tôi đưa tay lên sờ má mình, thấy máu từ gò má đang ứa ra. Và những chỗ trong thân xác tôi bị đè xuống dưới đất thì lúc này cứng ngắc, tê dại, như thể bị ghim đinh và đóng cọc khắp người. Tôi kinh khiếp vô cùng, tới độ gần như không đứng dậy nổi để lê thân về nhà. Má tôi đau nhức trong một thời gian rất dài. Nhìn đây này, anh có thể thấy lúc này nó đã kéo thành sẹo. Trước đây mặt tôi không có vết sẹo nào cả. Rồi kể từ ngày đó, cơn sợ hãi kinh hoàng ấy thỉnh thoảng chạy khắp người tôi, và bây giờ, hễ nhớ lại những gì mình đã chịu trong giấc mơ đó là khắp người tôi đau như có ai dần và kiệt sức. Tôi lại bắt đầu bị hành hạ khủng khiếp, không biết mình phải đối phó như thế nào.

"Lúc này, nó lại bắt đầu xảy tới thường xuyên hơn và sau cùng, tôi bắt đầu sợ hãi mọi người chung quanh mình và cảm thấy xấu hổ như thể ai cũng biết rõ quá khứ bất lương của tôi. Rồi vì khổ sở quá, tôi không ăn, không uống, không ngủ được chút nào. Tôi bấn loạn tiều tụy. Tôi đã nghĩ tới chuyện ra đầu thú ở đơn vị cũ và khai hết những việc mình làm. Biết đâu Thiên Chúa có thể tha thứ mọi tội lỗi nếu tôi chịu hình phạt. Nhưng tôi sợ, tôi mất can đảm vì người ta có thể bắt tôi chọn hình phạt chạy qua giữa hai hàng người liên tiếp đánh mình.

"Cứ thế, tôi hết hơi, tôi muốn treo cổ mà chết. Nhưng một ý nghĩ đến với tôi là dù sao đi nữa, mình cũng chẳng còn sống được bao lâu. Trước sau gì mình cũng chết vì đang cạn kiệt sức lực. Vì vậy, tôi nghĩ mình nên đi về quê nói lời vĩnh biệt và chết ở đó. Ở nhà tôi còn có một đứa cháu. Từ sáu tháng nay, tôi đang trên đường đi về nơi sinh quán. Và lúc nào cũng vậy, tôi càng ngày càng khốn khổ vì đau đớn và sợ hãi. Anh nghĩ sao, hỡi người bạn đường của tôi? Tôi nên làm gì? Tôi thật sự hết chịu nổi rồi."

Nghe tất cả những lời ấy, con kinh ngạc. Con ca ngợi sự khôn ngoan và lòng nhân lành của Thiên Chúa cho con thấy được người ta sa ngã phạm tội theo những cách thức muôn hình muôn vẻ như thế nào. Vậy con nói với anh:

- Người anh em thân mến ạ, suốt trong thời gian sợ hãi và sầu khổ này, anh phải cầu nguyện Thiên Chúa. Đó là sự chữa trị lớn lao nhất cho mọi bấn loạn của chúng ta.

Anh trả lời con:

- Chắc chắn là không! Tôi nghĩ rằng tôi mà bắt đầu cầu nguyện thì Thiên Chúa sẽ trừ khử tôi ngay tức khắc.

- Nói vô lý quá người anh em! Chính ma quỉ đặt ý nghĩ đó vô đầu anh. Lòng thương xót của Thiên Chúa thì vô biên. Ngài buồn lòng vì kẻ có tội và tha thứ ngay lập tức cho người ăn năn. Chắc chắn anh có biết lời cầu nguyện Đức Giêsu: "Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con là kẻ có tội." Anh hãy tiếp tục nói không ngừng lời cầu nguyện ấy.

- Tại sao lại không biết, đương nhiên là tôi có biết lời cầu nguyện ấy. Thỉnh thoảng tôi thường nói lời cầu nguyện ấy để giữ cho mình vững bụng khi đi ăn trộm.

- Anh coi đó. Thiên Chúa đã không tiêu diệt anh khi anh đang trên đường đi làm điều sai trái mà thốt lên lời cầu nguyện ấy. Vậy thì tại sao Ngài lại tiêu diệt anh khi anh bắt đầu cầu nguyện trên đường sám hối? Như thế đủ cho anh thấy ra rằng cái ý nghĩ hiện ởù trong đầu anh là do ma quỉ mà có. Tin tôi đi, người anh em thân mến ạ. Nếu anh nói lời cầu nguyện ấy và chú ý tới bất cứ ý nghĩ nào xuất hiện trong tâm trí anh, thì lúc đó anh sẽ thấy nhẹ nhàng thư thái liền. Hết thảy những căng thẳng và sợ hãi sẽ biến mất. Cuối cùng, anh sẽ được hoàn toàn bình an. Anh sẽ trở thành một người sốt sắng, trong lòng mình không còn những mê đắm phạm tội nữa. Tôi bảo đảm việc đó với anh vì trong đời tôi, tôi đã chứng kiến vô số việc như vậy.

Tiếp đó, con kể cho anh nghe vài trường hợp trong đó lời cầu nguyện Đức Giêsu phô bày sức mạnh diệu kỳ của nó khi tác động lên người phạm tội. Sau cùng, con thuyết phục anh rằng trước khi về quê, anh hãy đi với con tới Đài Mẹ Thiên Chúa ở Pochaev, nơi nương náu của những người tội lỗi, để xưng tội và rước lễ.

Con nhận thấy anh lính chăm chú nghe tất cả những lời con nói với lòng mừng rỡ và đồng ý mọi sự. Bên nhau trong tình trạng đó, chúng con cùng tới Pochaev, không ai nói với ai lời nào nhưng suốt thời gian đi đường, chúng con thốt lên lời cầu nguyện Đức Giêsu. Trong im lặng, chúng con đi hết ngày hôm đó. Hôm sau, anh nói với con rằng anh cảm thấy trong người thong dong hơn và rõ ràng là tâm trí êm ả hơn trước. Qua ngày thứ ba, chúng con tới Pochaev. Thêm lần nữa con thúc giục anh cầu nguyện lời ấy đừng gián đoạn, trong những lúc không ngủ, bất kể ngày hay đêm. Con cam đoan với anh rằng tên cực thánh Đức Giêsu, cái tên mà những kẻ thù tâm linh của chúng ta không chịu nổi, sẽ cứu rỗi anh cách mạnh mẽ. Tới lúc ấy, con đọc cho anh nghe lời trong sách Philôkalia nói rằng chúng ta phải thốt lên lời cầu nguyện Đức Giêsu trong mọi lúc, đặc biệt với lòng kính cẩn tuyệt đối khi chúng ta chuẩn bị rước Mình Thánh Chúa.

Anh làm theo như vậy. Rồi anh xưng tội và rước lễ. Dù người anh thỉnh thoảng vẫn còn bị bao vây bởi những ý nghĩ cũ nhưng anh xua đuổi chúng dễ dàng bằng lời cầu nguyện Đức Giêsu. Tới ngày Chúa nhật, để dễ dàng thức dậy sớm, anh đi ngủ sớm hơn và tiếp tục nói lời cầu nguyện Đức Giêsu. Con ngồi trong góc phòng, đọc cuốn Philôkalia dưới ánh sáng lờ mờ. Một giờ trôi qua, anh ngủ say và con sửa soạn đọc kinh. Chừng mười lăm phút sau, thình lình anh giật mình thức giấc, nhảy lẹ ra khỏi giường, chạy lại phía con. Anh ràn rụa nước mắt và hết sức vui sướng, anh nói với con:

- Người anh em ơi, tôi mới thấy thiệt là đã! Tôi bình an và hạnh phúc biết bao. Tôi tin rồi, rằng Thiên Chúa thương xót kẻ có tội và không hành hạ họ. Ôi lạy Chúa, vinh danh Chúa, vinh danh Chúa!

Con kinh ngạc, mừng rỡ và yêu cầu anh kể cho con nghe đúng những gì xảy tới cho anh. Anh kể:

- Được. Nó như thế này. Ngay lúc tôi vừa ngủ thì mơ thấy mình ở nơi đồng cỏ mà người ta đã hành hạ tôi trước đây. Ban đầu, tôi thất kinh, nhưng thay vì đám mây rùng rợn hồi trước, lúc này tôi thấy một mặt trời rực rỡ đang lên cao và chiếu ánh sáng kỳ diệu chan hòa khắp đồng cỏ. Và tôi thấy cỏ xanh và hoa đỏ khắp đồng. Rồi đột nhiên ông nội của tôi hiện ra với tôi. Ông có vẻ dễ mến hơn bao giờ hết. Ông ân cần và dịu dàng chào đón tôi. Ông nói với tôi: "Cháu hãy đi Zhitomir, tới Nhà thờ Grêgôriô. Ở đó, người ta sẽ đặt cháu dưới sự bảo vệ của hội thánh. Cháu hãy sống luôn tại đó suốt những ngày đời còn lại của cháu và cầu nguyện không ngừng. Thiên Chúa sẽ ban ơn sủng cho cháu." Nói như vậy rồi ông làm dấu thánh giá và biến mất. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô ngần, không làm sao diễn tả hết với anh. Nó như thể tôi được cất khỏi vai mình một gánh nặng và tôi bay thẳng lên các tầng trời. Tới khi tỉnh giấc, tôi còn cảm thấy tâm trí mình thư thái và tâm hồn mình đầy ứ hân hoan tới độ tôi không biết phải làm sao nữa. Lúc n
ày tôi phải làm gì đây? Tôi đi ngay bây giờ tới Zhitomir như ông nội của tôi đã dặn. Tôi thấy là mình sẽ đi dễ dàng với lời cầu nguyện Đức Giêsu.

Con nói với anh:

- Nhưng chờ một chút, người anh em thân mến ạ. Làm sao anh có thể lên đường lúc đêm hôm như thế này? Anh hãy ở lại sáng mai dự lễ, đọc kinh cầu nguyện, rồi lên đường với Thiên Chúa.

Sau khi trò chuyện, chúng con đi ngủ. Sáng mai, chúng con tới nhà thờ. Anh ở lại trong nhà thờ suốt buổi đọc kinh sáng, mắt đẫm lệ và sốt sắng cầu nguyện. Anh nói rằng anh cảm thấy bình an quá và sung sướng quá và rằng lời cầu nguyện Đức Giêsu tiếp diễn trong lòng anh hạnh phúc quá. Kế đó, sau phần dâng lễ, anh rước lễ. Và khi chúng con lót lòng đôi chút, con đi với anh một quãng rất xa trên đường dẫn tới Zhitomir. Rồi hai chúng con nói lời từ biệt nhau với những giọt nước mắt hân hoan.

VIỆC XƯNG TỘI ĐƯA CON NGƯỜI TỚI KHIÊM TỐN

Sau khi anh ấy đi rồi, con bắt đầu suy nghĩ tới việc riêng của mình. Mình đi đâu bây giờ? Cuối cùng con quyết định mình nên trở lại Kiev. Lời giảng dạy khôn ngoan của vị linh mục Kiev kéo chân con về hướng con đường đó, và hơn nữa, nếu con ở với ông thêm lần nữa, ông có thể tìm được cho con một người nhân đức nào đó yêu thương Đức Kitô, chịu giúp con đi đất thánh Giêrusalem hoặc ít nhất đi Núi thánh Athos. Nghĩ vậy, con tiếp tục ở thêm một tuần nữa tại Pochaev, bỏ ra hết thời gian đó để ôn lại những gì mình học được từ những người mình đã gặp trong chuyến đi này và để ghi chép một số điều sinh ích. Sau đó, con sẵn sàng lên đường, khoác ba lô lên vai và đi tới nhà thờ phó thác cuộc hành trình của mình trong bàn tay Mẹ Thiên Chúa. Thánh lễ xong, con cầu nguyện chuẩn bị cất bước.

Con đang đứng cuối nhà thờ thì có một người đi vào. Ông mặc quần áo không sang trọng lắm nhưng rõ ràng là người thuộc tầng lớp quí tộc nhỏ. Ông hỏi con chỗ nào bán đèn cầy. Con chỉ cho ông. Kết thúc phần kinh cuối, con ở lại cầu nguyện nơi đền có dấu chân Mẹ. Cầu nguyện xong, con lên đường.

Đi dọc theo đường phố được một quãng, con thấy cửa sổ nhà ai đó đang mở, và bên khung cửa có người ngồi đọc sách. Con đường con đi qua ngay cửa sổ đó, và con thấy người đang ngồi chính là ông lúc nãy trong nhà thờ hỏi con chỗ mua nến. Đi ngang, con cất mũ chào. Thấy con, ông liền vẫy tay ra hiệu bảo con tới với ông. Rồi ông nói:

- Chắc anh là một người hành hương, đúng không?

Con trả lời:

- Vâng, đúng vậy.

Ông yêu cầu con vào nhà rồi tỏ ý muốn biết con là ai, đang đi đâu. Con kể với ông mọi sự về mình, chẳng giấu điều gì. Ông cho con uống trà và bắt đầu chuyện trò với con. Ông nói:

- Anh nghe đây, hỡi con chim bồ câu nhỏ của tôi. Tôi khuyên anh nên đi Solovetsky. Ở chỗ đó có một cộng đoàn nhỏ sống rất ẩn dật và yên ổn, được gọi là Anzersky. Nó như thể một tu viện Athos thứ hai và người ta ân cần tiếp nhận mọi người tham gia. Tu sinh chỉ phải làm một việc thôi: là chia phiên nhau lần lượt đọc thánh thi bốn giờ một lần tại nhà thờ trong suốt hai mươi bốn giờ. Chính tôi đã có ghé lại và tôi lập lời thề sẽ đi bộ tới đó. Chúng ta có thể đi cùng nhau. Có anh đi chung thì tôi thấy an toàn hơn vì người ta nói con đường tới đó rất vắng vẻ. Bù lại, tôi có tiền và tôi có thể cung cấp lương thực cho anh dọc đường. Tôi đề nghị anh và tôi đi theo cách này: mỗi người đi cách nhau năm sáu thước để người này không làm phiền người kia và chúng ta có thể dùng trọn thời gian đi đường mà đọc sách hoặc chiêm nghiệm. Người anh em ạ, hãy suy nghĩ kỹ và nhận lời tôi. Nó không làm uổng công anh đâu.

Nghe lời mời bất ngờ của ông, con xem đó như một dấu hiệu ban cho cuộc hành trình của con, phát xuất từ Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà con vừa cầu nguyện xin chỉ dạy cho con đường dẫn tới phúc lành. Không nghĩ ngợi, con nhận lời ngay. Và như thế, hôm sau chúng con lên đường.

Cả hai đi suốt ba ngày theo cách đã đồng ý trước. Người này đi sau người kia. Trong lúc đi đường, ông ấy đọc sách. Ngày cũng như đêm, tay không bao giờ rời cuốn sách. Thỉnh thoảng ông chiêm nghiệm điều gì đó. Sau cùng, chúng con dừng lại tại một địa điểm nào đó để ăn tối. Ông vừa ăn vừa không ngừng nhìn vào cuốn sách đang mở ra đặt trên bàn ăn trước mặt. Thấy đó là một cuốn Tin Mừng, con nói với ông:

- Thưa ông, tôi xin đánh bạo hỏi, tại sao suốt ngày suốt đêm ông không bao giờ để cuốn Tin Mừng rời khỏi tay mình? Tại sao ông mang sách ấy theo bên mình và lúc nào cũng cầm nó trên tay?

Ông trả lời:

- Bởi vì tôi học hỏi gần như liên tục và duy nhất nơi cuốn sách ấy.

Con hỏi tiếp:

- Vậy thưa ông, ông đang học về cái gì?

- Tôi học về cuộc sống Kitô hữu, cái được cô đọng trong việc cầu nguyện. Tôi xem cầu nguyện là phương thế cứu rỗi quan trọng nhất, thiết yếu nhất và là nhiệm vụ đầu tiên của mọi Kitô hữu. Cầu nguyện là bước đầu tiên trong cuộc sống tận hiến và cũng là ơn sủng của cuộc sống ấy. Và đó là lý do mà Tin Mừng ra lệnh cho chúng ta phải cầu nguyện không ngừng. Các hoạt động thờ phượng khác thì được ấn định cử hành có ngày có giờ còn việc cầu nguyện thì được dạy là phải thực hiện không bao giờ ngừng. Không cầu nguyện thì không làm được việc tốt lành nào; và không có sách Tin Mừng thì ta không thể học hỏi cách riêng về cầu nguyện. Vì thế, hết thảy những vị đã đạt tới sự cứu rỗi qua lối sống nội tâm, những vị rao giảng thánh thiện Lời Thiên Chúa cũng như các nhà ẩn tu và những người sống ẩn dật, và đúng ra là hết thảy mọi Kitô hữu kính sợ Thiên Chúa, đều được học hỏi nhờ đọc Phúc âm và nhờ lòng mình bị chiếm lĩnh một cách bền vững và liên tục bởi những thâm sâu của Lời Thiên Chúa. Trong những người ấy, có nhiều kẻ lúc n
ào cũng cầm sách Phúc âm trên tay. Và họ có đưa ra lời khuyên bảo như thế này trong những bài giảng về sự cứu rỗi, rằng: "Trong quân bình tĩnh lặng của lòng mình, bạn hãy ngồi xuống đọc Phúc âm, đọc đi đọc lại mãi." Đó, anh đã thấy lý do tại sao bản thân tôi chỉ quan tâm tới sách Tin Mừng thôi.

Lập luận ấy của ông và việc ông sốt sắng cầu nguyện làm con thích thú. Con tiếp tục hỏi ông rằng từ tập sách Tin Mừng riêng biệt nào mà ông rút ra được lời giảng dạy việc cầu nguyện. Ông trả lời:

- Từ khắp bốn sách Phúc âm. Tóm lại, từ toàn bộ Tân Ước trong khi đọc theo thứ tự. Từ lâu lắm, tôi đã và đang đọc sách Phúc âm. Tôi đi sâu vào ý nghĩa của sách và sách tỏ lộ cho tôi thấy trong nội dung của nó có sự gia tăng dần dần theo những mắt xích đều đặn về lời giảng dạy việc cầu nguyện. Khởi sự từ sách Phúc âm thứ nhất và rồi đi xuyên suốt theo một trật tự không thay đổi, làm thành một hệ thống. Thí dụ, lúc mới bắt đầu thì sách trình bày lời giảng về sự sửa soạn hay sự bắt đầu việc cầu nguyện. Kế đó, sách nói đến hình thức hoặc diễn tả việc cầu nguyện ra bên ngoài thành ngôn từ. Tiếp tục vào sâu thêm, chúng ta đọc được những điều kiện thiết yếu để dâng lên lời cầu nguyện, các phương thế học hỏi về cầu nguyện và các thí dụ kiểu mẫu. Sau cùng, sách trình bày lời giảng dạy có tính cách bí quyết về lời cầu nguyện gọi tên Đức Giêsu Kitô không ngừng ở trong lòng và mang tính cách tâm linh, một lời cầu nguyện được đánh giá là cao hơn và sinh ích hơn những lời cầu nguyện theo thể thức. Và rồi tới tính chất thiế
t yếu của cầu nguyện, hoa quả đầy ơn sủng của nó, và vân vân. Nói tóm lại, ta có thể tìm thấy trong sách Tin Mừng một sự am hiểu chi tiết và đầy đủ về thực hành cầu nguyện, theo một thứ tự có hệ thống và liên tiếp nhau từ đầu tới cuối.

Nghe những lời như vậy, con quyết định yêu cầu ông trình bày chi tiết hơn cho con về những điều đó. Do đó con nói:

- Vì tôi thích được nghe và bàn luận về sự cầu nguyện hơn mọi sự khác, nên tôi sẽ thật sự rất vui mừng khi thấy ra các mắt xích bí mật của lời giảng dạy việc cầu nguyện với tất cả chi tiết của chúng. Vì tình yêu Thiên Chúa, xin ông vạch ra cho tôi thấy hết thảy những điều ấy trong sách Tin Mừng.

Ông sẵn lòng chấp nhận lời yêu cầu của con và nói:

- Hãy mở cuốn Tin Mừng của anh ra, nhìn vào sách và đồng thời ghi chú những gì tôi sẽ nói. Anh hãy vừa ghi lại thật rõ vừa nhìn vào những chỗ tôi đánh dấu.

Đưa cho con cây viết chì, ông trình bày cặn kẽ như sau:

"Bây giờ, việc đầu tiên là hãy nhìn vào sách Phúc âm theo Thánh Matthêu ở chương thứ sáu. Đọc từ câu năm tới câu chín. Ở đó, anh thấy chúng ta có lời giảng dạy về sự sửa soạn hoặc sự bắt đầu việc cầu nguyện. Lời đó dạy rằng chúng ta nên bắt đầu việc cầu nguyện không phải với thái độ dương dương tự đắc hoặc ồn ào mà là trong nơi vắng vẻ, trong sự yên tĩnh, và chỉ cầu xin cho mình được tha thứ tội lỗi cùng được hiệp thông với Thiên Chúa; đừng bày vẽ các thỉnh cầu vô ích về những gì muôn hình muôn vẻ có tính cách trần thế như người ngoại đạo làm. Rồi cũng trong chương đó, anh đọc thêm nữa, từ câu chín tới câu mười bốn. Ở đó đưa ra cho chúng ta hình thức của việc cầu nguyện - tức là, phải diễn tả bằng loại ngôn từ nào. Trong các câu đó chứa đựng sự khôn ngoan siêu việt về tất cả những gì thiết yếu và đáng khao khát cho cuộc sống của chúng ta. Sau đó, tiếp tục đọc trong chương ấy, câu mười bốn và câu mười lăm ta sẽ thấy rằng muốn việc cầu nguyện đạt hiệu quả thì ta phải tuân giữ những điều kiện thiết yếu nào. Nếu
chúng ta không tha thứ cho kẻ làm thương tổn chúng ta thì Thiên Chúa sẽ không tha thứ cho chúng ta. Bây giờ, tiếp tục qua tới chương bảy, anh sẽ tìm thấy trong từ cây bảy tới câu mười hai, cách làm thế nào để đạt kết quả trong việc cầu nguyện, cách làm thế nào để cả gan hy vọng, đó là: xin, tìm, gõ cửa. Những cử chỉ mạnh mẽ đó diễn tả tính chất thường xuyên của việc cầu nguyện và tính chất khẩn trương của thực hành cầu nguyện, tới độ tất cả những cử chỉ đó không chỉ đi song song với việc cầu nguyện mà còn đi trước việc cầu nguyện, đúng nhịp điệu, đúng thời điểm. Cái đó tạo nên đặc điểm chủ yếu của cầu nguyện.

"Anh cũng sẽ thấy thí dụ về điều đó trong chương mười bốn sách theo Thánh Máccô, từ câu ba mươi hai tới câu bốn mươi, trong đó Đức Giêsu đích thân lặp lại những lời giống như vậy về việc thường xuyên cầu nguyện.

"Sách theo Thánh Luca, trong chương mười một, từ câu năm tới câu mười bốn, cũng cho chúng ta một thí dụ giống y như thế về sự lặp đi lặp lại lời cầu nguyện trong dụ ngôn người bạn lúc nửa đêm và lời thỉnh cầu nói lui nói tới hoài của một bà góa cứ quấy rầy mãi (Luca 18:1-8), minh họa cho ta mệnh lệnh của Đức Giêsu rằng chúng ta cần cầu nguyện luôn luôn, trong mọi lúc, ở mọi nơi và đừng nản lòng, nói một cách khác, chúng ta đừng biếng trễ.

"Tiếp sau lời giảng dạy rất chi tiết ấy, chúng ta được tỏ cho thấy trong sách Tin Mừng theo Thánh Gioan lời giảng cốt tủy về việc cầu nguyện thầm kín bên trong tâm hồn ta. Ở chỗ thứ nhất của sách đó, chúng ta được trình bày cho thấy việc cầu nguyện đó trong lời tường thuật sâu sắc về cuộc đàm đạo của Đức Giêsu với một phụ nữ Samaria, trong đó vén lộ sự thờ phượng Thiên Chúa trong lòng ta 'trong thần khí và trong sự thật', là cái mà Thiên Chúa ao ước, và đó chính là sự cầu nguyện chân chính và không ngừng, tựa như mạch nước phun lên đem lại sự sống đời đời (Gioan 4:5-25). Xa hơn một chút, trong chương mười lăm, từ câu bốn tới câu tám, chúng ta có hình ảnh mô tả sinh động và dứt khoát hơn về quyền phép, sức mạnh và tính chất thiết yếu của việc cầu nguyện trong lòng - nói cách khác, về sự hiện diện của thần khí trong Đức Kitô bằng sự nhớ tưởng không ngừng tới Thiên Chúa. Sau cùng, trong cùng một sách Phúc âm đó, hãy đọc chương thứ mười sáu, từ câu hai mươi ba tới câu hai mươi lăm. Chúng ta hãy xem thử ở đây vén
lộ bí nhiệm nào. Anh để ý thấy rằng lời cầu nguyện tên Đức Giêsu, hoặc điều được gọi là Lời Cầu Nguyện Đức Giêsu - tức là câu 'Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con' - khi được lặp đi lặp lại một cách thường xuyên thì có uy lực cực độ và rất dễ dàng mở lòng mình ra, làm cho lòng mình được chúc phúc.

"Hãy chú ý điều ấy được trình bày rõ rệt trong trường hợp các Tông đồ, những người là môn đệ sống quanh năm với Đức Giêsu Kitô và đã được chính Ngài dạy Lời Cầu Nguyện Của Chúa - tức là: Kinh Lạy Cha (và chính qua chư vị mà chúng ta biết tới kinh ấy). Tuy vậy, tới khi kết thúc cuộc sống trần thế của mình, Đức Giêsu vạch rõ cho họ thấy trong những lời cầu nguyện của họ vẫn còn thiếu một bí nhiệm. Để cho lời cầu nguyện của họ được đệ trình một cách tuyệt đối, Ngài nói với họ: 'Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Ta. Ta bảo thật anh em, điều gì anh em nhân danh Ta mà xin Đức Chúa Cha thì Ngài sẽ ban cho anh em điều ấy.' Và như vậy, thực tế đó đã xảy ra trong trường hợp của họ. Vì từ lúc đó trở về sau, khi các Tông đồ biết dâng lời cầu nguyện gọi tên Đức Giêsu thì họ thực hiện được rất nhiều điều kỳ diệu và sự sáng dư dật và vô tận đã tuôn tràn trên họ. Lúc này, anh đã thấy cái mắt xích và sự trọn vẹn của lời giảng dạy việc cầu nguyện trong lòng được ký thác một cách vô cùng khôn ngoan trong sách Tin Mừ
ng chưa?

"Sau đó, nếu anh tiếp tục đọc tới sách Công Vụ Tông Đồ, thì anh có thể tìm thấy trong đó lời giảng dạy hiệu nghiệm về cầu nguyện. Để tiện theo dõi những ghi chú mà tôi đang đưa cho anh, tôi sẽ chỉ cho anh mấy chỗ minh họa các đặc tính của cầu nguyện - tức là sự thực hành cầu nguyện một cách cần cù và liên tục của các Kitô hữu tiên khởi, những người được giác ngộ bởi đức tin của chính mình vào Đức Giêsu Kitô (Công vụ 4:31). Ở đây chúng ta được nói cho biết hoa trái của cầu nguyện - nghĩa là, sự chan chứa Thần Khí Thánh Linh và tặng phẩm của Ngài trên những kẻ cầu nguyện. Anh còn thấy một điều giống y như thế trong chương thứ mười sáu, câu hai mươi lăm và câu hai mươi sáu.

"Rồi tiếp theo đó, với thứ tự trong các Thư Tông Đồ Gởi Tín Hữu, anh sẽ thấy rằng:

(1) trong mọi hoàn cảnh, cần tới việc cầu nguyện như thế nào (Gioan 5:13-16);

(2) Chúa Thánh Thần giúp chúng ta ra sao trong việc cầu nguyện (Giuđa 20-21 và Rôma 8:26);

(3) chúng ta phải hoàn toàn cầu nguyện trong thần khí như thế nào (Êphêsô 6:18);

(4) khi cầu nguyện, lòng ta cần điềm tĩnh và bình an như thế nào (Philipphê 4:6,7);

(5) cần cầu nguyện không ngừng như thế nào (1 Thêxalônica 5:17); và sau cùng

(6) chúng ta cần để ý rằng không phải chỉ cầu nguyện cho bản thân mình mà còn phải cầu nguyện cho mọi người (1 Timôthê 2:1-5).

"Như thế, qua việc càng bỏ ra nhiều thời gian, với sự tỉ mỉ cẩn trọng, để rút ra ý nghĩa từ sách Tin Mừng thì chúng ta càng được vén lộ nhiều hơn và được am hiểu nhiều hơn những bí mật ẩn kín trong Lời Thiên Chúa, mà nếu chỉ đọc một cách gấp gáp hoặc thỉnh thoảng mới đọc, thì chúng ta để vuột mất.

"Theo những gì lúc này tôi trình bày với anh thì anh nhận ra chưa, rằng chúng ta đã có những dấu vết của lời Đức Giêsu Kitô giảng dạy về cầu nguyện mà Tân Ước vén lộ một cách rất có hệ thống và cực kỳ khôn ngoan? Và rằng việc cầu nguyện được diễn tả trong bốn cuốn Tin Mừng theo một thứ tự kỳ diệu? Nó như thế này.

"Trong sách theo Thánh Mátthêu, chúng ta thấy sự sửa soạn, sự bắt đầu vào việc cầu nguyện; hình thức cụ thể của lời cầu nguyện; các điều kiện để cầu nguyện; và vân vân. Và hãy đi xa hơn. Trong sách theo Thánh Máccô, chúng ta thấy các thí dụ. Trong sách theo Thánh Luca, chúng ta có các dụ ngôn. Trong sách theo Thánh Gioan, chúng ta có bí quyết thực hành việc cầu nguyện trong lòng, dù vấn đề này cũng được tìm thấy trong tất cả bốn cuốn Phúc âm, khi thì ngắn, khi thì dài. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, sự thực hành cầu nguyện và kết quả của việc cầu nguyện được mô tả một cách sống động cho chúng ta thấy rõ. Trong các Thư Gởi Tín Hữu, và cả trong sách Khải Huyền, thì có nhiều đặc tính gắn chặt và không thể tách rời khỏi hoạt động cầu nguyện. Và như vậy, anh đã hiểu được lý do tại sao tôi mãn nguyện với độc nhất sách Tin Mừng, làm tôn sư của mình trên mọi nẻo đường cứu rỗi."

Trong khi ông trình bày và giảng dạy cho con về những điều ấy, con đánh dấu vào sách Tân Ước của mình (ở trong cuốn Kinh Thánh của con), tất cả những chỗ mà ông ấy vạch ra cho con. Đối với con, những lời ấy có tính cách hết sức đặc biệt và hết sức học hỏi, và con vô cùng cám ơn ông.

Kế đó, chúng con tiếp tục đi thêm năm ngày nữa, trong im lặng. Người bạn hành hương của con bắt đầu cảm thấy đau nhức nơi bàn chân, chắc là vì ông không quen đi bộ liên tục từ ngày này sang ngày khác. Vì vậy, ông thuê một chiếc xe song mã và bảo con cùng lên xe với ông. Và như thế, trên đường đi, chúng con ngang qua khu vực cha đang sống, ở lại đây nghỉ ngơi trong ba ngày, rồi sau đó, chúng con sẽ lên tiếp tục lên đường đi thẳng tới Anzersky, nơi ông ấy đang khắc khoải muốn tới.

Cha linh hướng: Người bạn ấy của con thật tuyệt vời. Với sự phán đoán xuất phát từ lòng ngoan đạo như thế, chắc chắn anh ấy đã được giáo dục rất tốt. Ta muốn được gặp anh ấy.

Người hành hương: Chúng con đang ở chung một chỗ. Con sẽ đem ông ấy tới đây gặp cha vào ngày mai. Lúc này ngày đã muộn, con xin chào cha.

(Hết chương Năm)

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (5) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (4) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (3) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (2) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria, Hoa Hồng Mầu Nhiệm (1) (7/16/2013)
Tin/Bài khác
Cn 1940: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (3) (7/5/2016)
Cn 1939: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (2) (7/5/2016)
Cn 1938: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (1) (7/4/2016)
Đức Mẹ Tự Do (7/12/2013)
Các Kết Quả Của Kinh Mân Côi An Ủi Và Cứu Các Linh Hồn Ra Khỏi Luyện Ngục (7/10/2013)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768