Một
vấn đề liên hệ với việc thân xác sống
lại :
ĐỜI SAU, KHI THỂ XÁC CŨNG
ĐƯỢC SỐNG LẠI RỒI, CHÚNG TA SẼ Ở ĐÂU ?
Như
vừa xem trên, ở đời sau, khi thể xác ta
được sống lại, ta có một thân xác “biến
hình”, “thần thiêng” (1 Cr 15.44), sẽ hợp lại với
hồn mà hưởng phúc, tức là con người toàn
diện gồm cả xác hồn được
hưởng phúc, chứ không chỉ có linh hồn mà thôi. Mà hễ có thân xác – dù là
thân xác thần thiêng – tất nhiên phải có một nơi
để ở, chứ không thể ở khắp mọi
nơi (đây là đặc quyền của Thiên Chúa),
hoặc cũng không thể sống lơ lửng, chơi
vơi, vô định, “vô gia cư, vô sở tại”
được. Đức Giêsu cũng đã gợi ý
về chỗ ở đó khi Người nói :
“Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy
đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu
Thầy đi dọn chỗ cho
anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về
với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14.2-3).
Dĩ nhiên chỗ ở trên Thiên
Đàng không phải là một ngôi nhà, một căn phòng
như ở dưới thế. Vậy thì sẽ là thế
nào ? Chúng ta cứ từ từ tìm hiểu :
Trước
tiên phải nhận định rằng : Thiên Chúa đã
dựng nên ta là loài người có cách sống nhân
loại, thì nơi ta sống sau này ở đời sau, ta
thường gọi là Thiên Đàng hay cõi Trời mới
Đất mới, cũng phải phù hợp với tính
cách sống nhân loại, tức là có gia cư, có
gia đình : gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa (Ep 2.19-22)
thì trên có Thiên Chúa là Cha, Đức Maria là Mẹ, Chúa Giêsu là
Anh Cả, "Trưởng
Tử giữa một đoàn em đông đúc" (Rm 8.29),
và các Thiên thần, các thánh là bạn hữu …Gia đình nhân
loại thì có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vợ chồng,
con cái, anh em chị em, bạn hữu…
Mai sau trên Thiên Đàng
cũng thế, chúng ta không trở thành thiên thần, vì
vậy ở đó liên hệ gia đình vẫn không mất
đi, chúng ta không lên Thiên Đàng một mình, chúng
ta dắt díu nhau lên và sum họp gia đình ông bà,
cha mẹ, con cái, cháu chắt…. như ở trần gian.
Chỉ có khác là chúng ta lúc đó
đã trở nên thần thiêng, không còn phải
lệ thuộc vào những điều kiện vật
chất như khi còn sống trên trần, chẳng
hạn như phải ăn uống, phải ngủ
nghỉ, phải
vất vả lao động,
phải đau
khổ v.v…(Kh 21.4)
Chính vì liên hệ gia đình vẫn
được duy trì, mà ở trên trời Chúa Giêsu vẫn
gọi Đức Maria là “Mẹ Thầy”, và Đức
Mẹ xưng Chúa Giêsu là “Con của Mẹ”. Và chẳng nói đâu
xa, lời nguyện lễ Thánh gia (sau lễ Giáng sinh)
cũng nói lên lòng mong ước gia đình được
đoàn tụ : “Lạy Chúa… xin làm cho
chúng con cũng biết noi gương Thánh gia để
ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm
bọc lẫn nhau trong tình yêu của Chúa, trước khi
lại được sum họp cùng nhau mãi mãi muôn
đời hưởng niềm an vui trong nhà Chúa trên
trời.”
Trong một
khảo luận về thân phận phải chết của
con người, Thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo, viết : “Hãy nhớ quê hương chúng ta là
Thiên đàng. Ở đó đông đảo những
người thân yêu đang mong đợi chúng ta : cha mẹ, anh em, con cái và biết bao người
đang mong gặp chúng ta. Họ đang được
hạnh phúc hưởng ơn cứu độ…
Được đến gần họ và ôm lấy
họ, thì cả họ lẫn chúng ta sẽ vui mừng
biết mấy….” (Bài Kinh sách, Mùa thường
niên, Tuần 34, thứ sáu).
Còn Thánh
Bênađô Viện phụ cũng nói về cuộc sống
sum họp đó ở trên trời trong một bài giảng
về Lễ các Thánh :
"Tôi
phải thú thật là khi tưởng nhớ đến các
Thánh, tôi cảm thấy bừng lên trong tôi một khát
vọng mãnh liệt…đó là mong được hợp
đoàn với các ngài, được xứng đáng làm
người đồng hương và làm bạn với các
thánh, được liên kết với chư vị Tổ
phụ, với hàng ngôn sứ, với các bậc tông
đồ, với hàng hàng lớp lớp các vị tử
đạo, với đoàn trinh nữ…, với toàn thể
các thánh.
…Chúng ta hãy mau
đến với những người đang đợi
chúng ta…, hãy ao ước chia sẻ hạnh phúc với các
ngài…, nhất là mong mỏi Đức Kitô, Nguồn Sống
của chúng ta, đã xuất hiện cho các thánh thế nào,
thì Người cũng xuất hiện cho chúng ta như
thế, và chúng ta cũng được xuất hiện
với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh
quang… khi Người biến đổi thân xác yếu hèn
của chúng ta nến giống Đầu vinh hiển là
chính Người.
Vậy
chúng ta hãy hết lòng bền chí khát khao vinh quang ấy. Và để chúng ta có quyền hy
vọng đạt tới vinh quang ấy, có quyền
hưởng hạnh phúc lớn lao
chừng ấy, chúng ta phải hết sức xin các thánh
cầu nguyện cho, ngõ hầu những gì tự sức
chúng ta không xin được, thì nhờ lời chuyển
cầu của các thánh, Chúa sẽ ban cho chúng ta." (Bài Kinh
sách Lễ Các Thánh Nam Nữ, ngày 1 tháng 11)
Ngôn sứ Ysaia đã phác họa
cách đơn sơ, song đầy ý nghĩa thâm trầm,
cuộc sống bồng lai tiên cảnh ấy
:
"Bấy
giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê
nhỏ.
Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với
nhau,
một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.
Bò cái
kết thân cùng gấu cái,
con của chúng nằm chung một chỗ,
sư tử cũng ăn rơm như bò.
Bé
thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục,
trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn
hổ mang.
Sẽ
không còn ai tác hại và tàn phá
trên khắp núi thánh của Ta,
vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập
đất này,
cũng như nước lấp đầy lòng
biển."
(Is 11.6-9)
Bức tranh
thơ mộng quá đẹp của thời hoàng kim bình an
thái hòa, khai mở dưới triều đại
Đấng Thiên Sai, đã mô tả, qua những hình
ảnh biểu tượng, hạnh phúc của Thiên
Đàng.
Thế mà có nhiều
người ngược lại tưởng nghĩ về Thiên
đàng một cách rất buồn tẻ, họ hình dung
cuộc sống trong Thiên đàng giống như vào dự Thánh Lễ
trong nhà thờ, suốt đời đời cứ
đứng hay quì cúc cung thờ lạy Thiên Chúa, tay cầm
lá vạn tuế tung hô : Thánh ! Thánh ! Thánh !... Nghĩ như
thế, cho nên họ nói : Nếu ở trên Thiên đàng
đời đời mà sống như thế thì thật
là rõ chán !
Đức Tổng Giám Mục
Cincinatti, kiêm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục
Hoa Kỳ, trong một kỳ giảng tĩnh tâm cho 70 Linh
mục thuộc 19 bang Hoa Kỳ tháng 5/1992, có nói: “Trong
hỏa ngục có một chỗ lớn dành cho những
kẻ trình bày Nước Chúa với vẻ u buồn và
tẻ lặng, vì họ là những người phản
truyền giáo”. (Trích Tuần báo Công giáo và Dân tộc, số
860,7/6/1992, tr.17)
|