MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bài Lời Chúa 33: Thương Xác Bẩy Mối (phần 4)
Thứ Hai, Ngày 11 tháng 1-2016
BÀI LỜI CHÚA 33

Thương xác bẢy mỐi (Phần IV)

Tin MỪng Thánh Luca 10.30-37

Đức Giêsu nói dụ ngôn này : “Người kia từ Yêrusalem xuống Yêricô, và đã sa vào ổ cướp; chúng lột hết áo xống và đánh nhừ tử người ấy, đoạn chúng bỏ mặc người ấy nửa sống nửa chết mà đi mất.

31Tình cờ, một tư tế nọ cũng xuống theo con đường ấy, nhưng thấy người kia, ông tránh một bên mà đi qua. 32Cũng vậy một Lêvit đến nơi, thấy thế cũng tránh một bên mà đi qua.

33Một người Samari nọ, nhân đi qua đường, cũng đến nơi ấy, thấy thế thì chạnh lòng thương, 34tiến tới lại mà ràng buộc thương tích người ấy, sau khi đã  đổ dầu và rượu; đoạn vực người ấy lên lừa của mình mà đưa đến quán trọ, và săn sóc người ấy.

35Sáng hôm sau, rút hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo: “Ông hãy săn sóc người ấy, và phải tiêu pha gì thêm, thì chính tôi, vòng về, tôi sẽ trả ông"

Đức Giêsu hỏi ông luật sĩ : 36Vậy theo ý ông, thì ai trong ba người ấy đã nên đồng loại của người sa vào ổ cướp?" 37Ông ấy đáp: “Kẻ đã xử nhân nghĩa với người ấy". Đức Yêsu nói với ông: “Cả ông nữa, hãy đi và làm như thế!"

*    Đó là lời Chúa ! – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

         Không có tích truyện nào nói về tình thương người ý nghĩa, sống động và cảm động như bài dụ ngôn Đức Giêsu nói trên đây. Nếu có giờ suy gẫm, chúng ta sẽ lọc được ra hết những ý nghĩa, song trong khuôn khổ bài giáo lý Kinh Thánh, chúng ta chỉ có thể nêu ra vài điểm : Đức Giêsu cho thấy có những người có chức quyền như tư tế và lêvít lại bỏ qua không giúp người bị nạn. Có lẽ những vị ấy có lý do của họ, nhưng xem ra Chúa muốn cho hiểu rằng : dù thế nào bác ái vẫn là nghĩa vụ quan trọng hơn hết. Còn điều làm cảm động là cử chỉ yêu thương tận tình của một người mà người Do Thái thời đó coi là kẻ ngoại đạo !

Lãnh nhận tinh thần bài học của Chúa Giêsu, chúng ta tiếp nối bài trước về thương người 7 mối, bài hôm nay, ta bàn đến :

Mối thương xác thứ ba : Cho kẻ rách rưới ăn mặc :

Đi giữa phố, thấy ai cũng quần là áo lượt, mốt nọ mốt kia, ta tưởng cảnh rách rưới, không còn nữa, hay chỉ nơi những người ăn xin, cố tình vá chằng vá đụp để gợi lòng thương của khách qua đường. Thôi, đừng nhìn ngoài phố, hãy nhìn quanh khu xóm..., ta vẫn còn nghe có kẻ nói : “Chúa Nhật, tôi không đi dự Lễ vì không có áo !” ; vẫn còn thấy mùa đông, có người mặc chưa đủ ấm ; vẫn còn có gia đình không đủ chăn mền đắp, thiếu mùng màn tránh muỗi cho con nít, cách riêng để khỏi sốt rét, sốt xuất huyết, v,v... Nói rộng nữa, vẫn có những người thiếu nhà, vẫn còn những người chui rúc các ổ chuột..., sống không ra con người.

Nhìn vào trong nhà, nếu để ý, ta sẽ thấy có quần áo, mùng mền... dư thừa, hoặc không dư, song có khả năng sắm cái mới và cho các đồ cũ. Hãy gom góp lại một chỗ sẵn, để có thể cho đi. Không để ý làm như thế, chợt lúc có ai xin, hay ta định cho, ta sẽ lúng túng và bỏ lỡ dịp. Có những người quá keo kiệt, không bao giờ nghĩ rằng có thể cho ai được manh áo cũ, vì áo quần cũ, họ vẫn cần để... lau nhà ! Đó là cách xử sự của những người không có chút tình thương nào trong tim cả. Lại có nhiều người khác hoàn toàn không cho ai quần áo cũ, chỉ vì không có thói quen, không ý thức vấn đề, không để ý...

Dân chúng đến hỏi ông Gioan Tẩy Giả :

-   Chúng tôi phải làm gì, sinh hoa quả việc lành phúc đức nào để xứng với lòng hối cải, hòng tránh khỏi cơn thịnh nộ của phán xét Thiên Chúa ?

Ông Gioan đáp :

-   “Kẻ có hai áo hãy chia cho người không có, và ai có miếng ăn, cũng hãy làm như vậy !” (Lc 3.10-11).

Nghĩa là cách sám hối, đền tội hay nhất là thắng ích kỷ, chỉ biết lo cho mình no đủ. Quả thực, như nhà chú giải Kinh Thánh kia nói : “Có việc đền tội nào tốt hơn sự tự bắt mình phải bớt chút của cải (ở đây là bớt quần áo, đồ cũ), mà thường chúng ta dính bén quá mức ?” (Pirot). Từ xưa, các tiên tri đã dạy như thế: “Thiên Chúa phán : ăn chay, đền tội, hãm mình, phạt xác đâu chỉ là rắc tro trên đầu, mặc áo vải gai thô nhặm ? Ăn chay, đền tội mà Ta mến chuộng là thế này : chia sẻ miếng cơm cho người đói, cho kẻ vô gia cư trú ngụ, thấy ai mình trần, rách rưới, ngươi cho áo che thân, ngươi không tránh né giúp đỡ cho đồng bào ruột thịt ngươi” (Ys 58.5-7).

Trước lòng chai dạ đá của người có của mà ích kỷ, Thánh Tông đồ Giacôbê nói những lời hăm dọa nghe mà toát mồ hôi lạnh : “Này ! Những kẻ có của, hãy khóc đi ! Rú lên vì những khốn khó sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi tích trữ (không đem ra bố thí), của cải đó đã ra mục nát. Áo quần các ngươi xếp trong tủ, trong rương (không chịu phân phát cho kẻ mình trần), áo quần đó đã để mọt gặm. Tiền bạc các ngươi cất kỹ trong két sắt hay chôn giấu dưới đất, tiền bạc ấy đã bị sét rỉ ! Ấy đó, tất cả những mục nát, mọt gặm, sét rỉ ấy sẽ làm chứng tố cáo tội ích kỷ các ngươi, chúng sẽ ăn thấu xương thịt các ngươi, bởi vì tích trữ mà không biết chia sẻ, vô hình chung, các ngươi đã tích trữ lửa hỏa ngục để thiêu đốt các ngươi trong ngày phán xét” (Gc 5.1-3).

Mối thứ tư : Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc :

Đây là những hạng người không có phương tiện để tự mưu sinh. Ốm đau nằm một chỗ, hoặc bị giam tù, nhất là bị một cách bất công, làm sao kiếm sống được ? Vậy mối thương người này bảo ta phải viếng thăm họ. Không chỉ thăm suông, mà nếu có phương tiện, thăm và nuôi nữa. Trong những hoàn cảnh đau buồn ấy, họ rất cô đơn, cần sự an ủi, nâng đỡ, cả tinh thần lẫn vật chất. Có thể đem đến cho họ an ủi của Lời Chúa, của sách thiêng liêng. Ở nước ta ngày nay, cũng như ở những nước khác trên thế giới, có những thanh niên nam nữ, ngay cả thiếu nhi, tình nguyện hi sinh thời giờ học hành, vui chơi, làm ăn, kiếm tiền... để đến thăm viếng các bệnh viện, các trại phong, nhà tế bần... phục vụ bệnh nhân và đỡ tay cho y tá, mỗi tháng một lần, vì công việc của họ quá bề bộn, nặng nề... Biết bao việc có thể làm, dù nho nhỏ, song cụ thể : gội đầu, hớt tóc, xếp giường chiếu, rửa chén bát cho bệnh nhân, viết thư và gửi thư giùm, nhắn tin, biếu sách báo để giải trí hoặc để bồi bổ tinh thần, biếu những món quà nhỏ hoặc thuốc men, vv...

Đối với tù nhân, vấn đề cũng tương tự, song có phần phức tạp hơn nhiều. Trong những trường hợp tù oan, hoặc đang bị cầm giữ đợi ngày xét xử, nếu có cách giúp để được trả tự do, thật là quí !  

Tích truyện

     Trước khi Đức Giêsu xuất hiện, cho dù thời ấy cũng đã có nhiều tôn giáo, song chẳng có những tổ chức từ thiện, bác ái, viện dưỡng lão, tế bần, mồ côi v.v… như bây giờ ! Người ta để mặc cho những kẻ xấu số chịu số phận hẩm hiu của mình… Chỉ từ khi Đức Giêsu đến, đạo lý yêu thương, bác ái của Ngài đã biến đổi bộ mặt thế giới !

Trích đoạn phóng sự của Duy Hòa, trong Tuần báo Công giáo & Dân tộc, số 1987-88, trang 60-61.

            Khu điều trị Bến Sắn được thành lập trước năm 1975, do các nữ tu người Pháp, dòng Nữ tử bác Ái Vinh Sơn mở ra, để chăm sóc những bệnh nhân phong, không phân biệt lương giáo… Hôm nay chúng tôi vào thăm và đến chào chị Tổng Phụ Trách. Đó là một nữ tu nhỏ nhắn trong màu áo xanh đen, có nụ cười lan tỏa sự thân thiện…. Dì không giấu cảm giác thật khi vừa về trại vào năm 1973, rằng “thật cũng sờ sợ vì bối cảnh giao tranh lúc bấy giờ ác liệt…Phần nữa, do định kiến xã hội về bệnh phong ngày đó rất khắt khe… chỉ cần nghe đến phong là người ta thấy ghê tởm và tránh xa…Ngay cả người thân trong gia đình tôi cũng can ngăn, khi cô gái nhỏ của họ vừa tròn đôi mươi, chập chững dấn thân phục vụ…”

            Phóng viên viết tiếp : Chúng tôi chỉ thỉnh thoảng mới nghe kể, hoặc thấy bệnh nhân phong sống lây lất ở khu chợ, ăn xin trong hình hài lở loét, khiếm khuyết…, nên không thể nào cảm nhận được những sự đau đớn về thân xác, khi các ngón tay và chân co rút lại mà những con người xấu số ở trại phải chịu đựng. Có phải chăng chính vì cảm nhận được khổ đau này mà các dì - dù bị bệnh nhân cáu gắt lôi cả … 18 đời nhà mình ra mà mắng chửi, khi họ quẫn trí vì bị bệnh hành hạ - vẫn đến với họ bằng tất cả tấm lòng và con tim chia sẻ, bằng sự nhẫn nại và tận tụy ?

            Hai mươi, ba mươi năm trôi qua hoặc nhiều hơn thế nữa…, các nữ tu trong trại vẫn âm thầm lắng nghe tiếng trái tim mách bảo, can đảm hy sinh vượt qua nỗi sợ hãi thâm căn nơi con người yếu đuối mỏng giòn… , luôn nghe những  tiếng rên rỉ đau đớn của bệnh nhân, nhẫn nại nghe những lời chửi mắng lúc họ thấy bức bối trong thân thể…, để san sẻ vì biết rằng họ cần mình…

            Chúng tôi gặp bà Tư Đời, một bệnh nhân đã ở trong trại từ năm 1999, một bên chân đã bị cắt bỏ, bà kể về chuyện đời bà lúc phát hiện bệnh đến khi được đưa vào đây, chuyện thật dài và thậm thượt tiếng thở ra, nghe như một khúc phim buồn : “Đối với tui, các dì ở đây giống như người chị ruột, lo cho tui cái áo, cái quần, chăm sóc từng vết thương trên thân thể, lúc tôi ho hen đau ốm lại là từng viên thuốc, ly sữa…” vừa nói bà vừa rơm rớm nước mắt, rồi nhắm nghiền lại để giấu đi nỗi xúc động…

            Từ trại đi về thành phố, trong suy nghĩ miên man, hình ảnh ở một băng ghế đá dưới tán cây trong trại, mới diễn ra  trước đó một giờ đồng hồ chợt tua lại, tôi thoáng thấy một nữ tu hôn lên trán của một cụ bà có đôi bàn tay co quắp, mất một chân, ngồi trên xe lăn – một tình yêu tuyệt vời mà nhiều người, trong đó có tôi, chưa từng chạm đến.

YVY

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Lạy Chúa Con Tin Rồi, Lm Tiến Lộc (1/22/2016)
Mẹ Nguồn Cậy Trông. Chưa Thấy Ai Xin Mẹ Về Không (1/20/2016)
Trừ Qủy Nhờ Mẹ Maria, Lm Nguyễn Tầm Thường (1/19/2016)
Cn 3350: Nhà Thần Bí Catherine Passananti (1894-1978)#2 (1/19/2016)
Thơ Đức Mẹ Là Đấng Trung Gian (1/17/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Tràng Chuỗi Từ Mễ-du (1/11/2016)
Tin/Bài khác
Mẹ Chúa Trời Vinh Quang (1/1/2019)
Chúa Giêsu Là Con Đức Bà Maria (1/1/2019)
Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa (1/1/2019)
Mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa 2016 (1/1/2019)
Tôn Nương Sẽ Thụ Thai, Sinh Hạ Một Con Trai, Và Đặt Tên Là Giêsu (1/9/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768