Thắc
mắc : Làm
sao Chúa hiện diện được trong tấm bánh
nhỏ ?
Chúa cao cả,
vĩ đại như thế làm sao có thể hiện
diện ở trong một miếng bánh nhỏ, trong một
ly rượu bé được ?
Xin trả lời : Sở dĩ chúng ta khó hiểu là tại
vì trí khôn ta có hạn, và ta nghĩ Thiên Chúa cũng phần
nào giống loài người chúng ta, tài lực bị
hạn chế, bất lực, bất khả thi. Không! Không
thể suy bụng ta ra bụng người như thế !
Thiên Chúa vô cùng khác biệt với chúng ta: Người là Đấng
thượng trí khôn ngoan vô biên, như có lời Thánh Kinh
:
"Trời cao hơn đất
chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao
hơn đường lối các ngươi, và tư
tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng
các ngươi chừng ấy." (Is 56.9);
đồng
thời cũng là Đấng
Toàn Năng, quyền phép vô hạn, như lời Thánh
kinh dạy :
“Đối
với Thiên Chúa, không có việc gì là không thể làm
được.” (Lc 1.37 ; St 18.14).
Bằng một Lời
Người đã tạo dựng nên cả vũ trụ,
trời đất, muôn vật, muôn loài... Ngay cả khi
Người đã xuống thế làm người trần,
sách Tin Mừng cũng thuật lại nhiều lần
Người đã thi thố những phép lạ đầy
quyền năng : khi hóa nước thành mấy trăm lít
rượu hảo hạng ở tiệc cưới thành
Cana đang lúng túng vì nửa chừng hết rượu (Ga
2.1-11) ; khi Người hoá vài cái bánh ra nhiều nuôi 5000
người ăn (Ga 6.1-15) ; ngay cả bão tố,
Người quát bảo một tiếng là phải vâng
phục mà yên lặng như tờ (Mc 4.35-41) ; còn ma quỉ,
thì Người ra lệnh một cái là lập tức chúng
phải xuất ra khỏi những người chúng ám, và
cả đến kẻ chết như ông Ladarô đã chôn
bốn ngày bắt đầu tan rữa, Người
cũng làm cho sống lại được !
Vậy thì phép lạ Chúa
hiện diện trong tấm bánh cũng chẳng có gì khó
đối với quyền năng vô biên của
Người !
·
Nhưng
Chúa hiện diện trong tấm bánh như thế nào, có
phải Chúa “ẩn thân” trong Hình Bánh như vẫn
thường nghe ?
Thưa :
“Ẩn thân” là cách nói bình dân cho dễ hiểu, song thực
chất là không đúng. Không phải Chúa thu nhỏ mình
lại để ẩn náu trong chiếc bánh. Theo đúng
thần học thì phải nói: Trong Thánh Lễ, khi linh
mục tuân theo lệnh truyền của Chúa Giêsu trong
bữa Tiệc ly : "Hãy làm
điều này mà nhớ đến Thầy", mà
đọc lời Truyền phép trên bánh : “Này là Mình Thầy”,
và trên chén rượu : “Này là Máu Thầy” thì
xảy ra một phép lạ : bánh và rượu mất
đi bản thể (substantia)
của chúng mà biến thành Thịt
Máu Chúa Giêsu. Nói khác đi : Bánh ấy bây giờ là Mình Chúa, chứ không
phải Chúa ẩn mình
dưới bánh ấy ; và rượu cũng vậy, bây
giờ là Máu Chúa. Bánh
và rượu kia đã mất đi bản thể
của chúng, chỉ còn giữ lại cái "hình"
dáng, vẻ (species) bên ngoài và
mùi vị là bánh, là rượu mà thôi, thần học
gọi đó là tùy thể (accidents).
Thuật
ngữ thần học chuyên môn gọi phép lạ đó là "sự
biến thể" (transsubstantiatio). (Sách Giáo Lý HT Công
giáo, số 1375-76). Mời đọc lại Bài huấn
giáo cho tân tòng thành Giêrusalem ở trên kia, tr.357t, đã
diễn tả rất chính xác.
Hơn hết, hãy nhớ lại lời
Chúa Giêsu đã nói lúc lập Phép Thánh Thể, Chúa cầm
lấy bánh và chén rượu mà nói : “Anh em hãy nhận
lấy mà ăn, mà uống : (Cái)
này là Mình Thầy…, (chén) này là Máu Thầy” (Mc 14.22-24), tức
là cái
Chúa đang cầm đó là Mình Chúa, là
Máu Chúa. Chúa không nói : “Cái này là Bánh / là Rượu trong
đó Thầy ẩn mình.”
Những
lời cắt nghĩa về “sự biến thể” trên
đây, giúp trí khôn ta thấy có lý, dẫu vậy vẫn
không thay thế đức tin, vì thực chất nó
vẫn là một mầu nhiệm. Trước phép lạ
Thánh Thể, ta vẫn phải giục lòng tin, như đã
nói trên (tr.356tt).
SUY
NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN
Thương xót
cho loài người u mê, lầm lạc, sa đọa…
Đấng Cứu Thế phải chịu biết bao
đau đớn mới chuộc được những
tội tình của thế gian ; và để nuôi sống nhân
loại bằng Sự sống Thiên Chúa, Người đã
hiến tế đời mình, tinh luyện thành lương
thực thần thiêng, ẩn thân dưới hình Tấm Bánh
đơn sơ, Chén Rượu khiêm nhường, nhưng
không phải là tấm bánh, chén rượu bình thường,
mà là tấm bánh, chén rượu được kết tinh
từ những chặng đường Thương Khó,
thấm đượm tất cả những giọt Máu
cho đến giọt cuối cùng trong cuộc Tử
Nạn, nhờ đó thấm nhuần tất cả
bằng sự viên mãn của Thần tính, của Thần
khí, của Thánh Thiện trong cuộc Phục sinh thần
thánh.
Nhưng thảm thay ! ngày nay loài
người vẫn còn đang trút tội lỗi họ trên
đầu người Tử Tội năm xưa trần
trụi, rét mướt trên thập giá.
Vẫn có người giả
điếc làm ngơ, thờ ơ và dửng dưng như
khách qua đường bàng quan, cứ đi đi mãi không
hề dừng lại chân đồi Gôngôtha mà ăn năn,
hối cải ? Họ có biết đâu Con Người
Giêsu vẫn còn như cô đơn, giữa dòng người
đông đảo nhưng nhởn nhơ lạnh lùng…
Họ không hề biết đến Con Người siêu
phàm ấy đã trở nên người trần gian chia
sẻ kiếp hèn mọn, tội lỗi và còn tự
nguyện trở nên Bánh thiêng nuôi sống hồn xác họ,
và cứ còn ở lại mãi mãi giữa dòng đời nhân
thế cho đến ngày tận cùng.
Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, vì yêu con
nên Người rời bỏ Cung Điện thiên quốc
để ngự xuống ẩn thân dưới hình
chiếc bánh thô sơ, ngự âm thầm trong Nhà Tạm nghèo
nàn ; vì yêu con mà Người chịu nghiền nát để
nên Bánh nuôi con sống mãi với Người, vì yêu con nên
không nỡ rời bỏ kẻ tội lỗi trong
tuyệt vọng nhưng ban Lòng Xót Thương. Lạy
Chúa, xin thương xót con đang trên mê lộ lỗi
lầm, lạc đường sai lối. Xin đưa con
về với ánh sáng của Bình Minh vĩnh hằng. Amen.
***
b) Đừng
đòi hỏi phải thấy mới tin.
Trước phép lạ Thánh
Thể vô tiền khoáng hậu ấy, hiện nay vẫn
diễn ra hằng ngày trong Thánh Lễ trên các bàn thờ, như một phép lạ
trường kỳ, vẫn có nhiều người tín
hữu hoài nghi chưa tin cho hẳn, vẫn muốn
được thấy bằng mắt sờ bằng tay,
giống như Tông đồ Tôma xưa : phải xỏ
ngón tay vào lỗ đinh, thọc bàn tay vào vết
thương cạnh sườn Chúa mới tin.
Để củng cố
niềm tin cho những ai còn yếu tin và nghi ngờ như
thế, trong lịch sử Giáo Hội, có vài lần Chúa làm
phép lạ cho Bánh Rượu sau Truyền phép hiển
thị ra thành Thịt và Máu thật của Chúa. Mời xem
lại phép lạ Thánh Thể ở thế kỷ VIII. Ngày
nay cũng có mấy phép lạ… song phép lạ xảy ra
năm 2000 khá độc đáo, đã thuật ở trên kia
tr.295tt.
Nhưng
còn bình thường, thì Thánh Phaolô dạy rằng hiện
nay : "Chúng ta đang
bước đi trong niềm tin, chứ không phải trong
sự được thấy" (2 Cr 5.7), bởi
vậy, chúng ta phải chấp nhận sống trong
đức tin dù mắt không thấy, và vui vẻ
hưởng cái phúc mà Chúa Giêsu hứa : “Phúc cho những người không thấy mà tin !” (Ga
20.29). Cái phúc mà chính Thánh Phêrô, Tông đồ Cả
của Chúa cũng phải ca ngợi : “Tuy không thấy Người, anh
em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt
mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan
chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh
quang, bởi đã nhận được thành quả
của đức tin, là ơn cứu độ linh hồn
anh em.” (1 Pr 1.8-9)
Khi đã
hiểu được cái phúc không thấy mà tin ấy, ta
còn được Thánh Phaolô nói cho ta thêm an lòng khi bảo
rằng : việc thấy hay biết Đức Giêsu theo
cách thông thường nhân loại là chuyện chẳng
cần thiết: “Từ
đây chúng tôi không còn biết một ai theo cách loài
người. Và cho dù chúng tôi đã được biết
Đức Ki-tô theo cách loài người, thì giờ đây
chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa.”
(2 Cr 5.16). “Biết Đức Kitô theo cách loài
người” nghĩa là sống đồng thời và tai
nghe, mắt thấy Người tận mắt, quả là
một cái phúc mà nhiều người mong ước mà không
được, như Đức Giêsu nói với các môn
đệ : “Còn anh em, mắt
anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em
thật có phúc, vì được nghe. Quả thế,
Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và
nhiều người công chính đã mong mỏi thấy
điều anh em đang thấy, mà không được
thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không
được nghe.” (Mt 13.16-17). Thế mà thánh Phaolô
lại bảo : “thì giờ đây chúng tôi không còn
biết Người như vậy nữa.” Tại sao
vậy ? Hãy nghe Thánh nhân trả lời :“Ta đừng dán mắt vào những điều trông
thấy được, nhưng là vào những điều
mắt không trông thấy, vì hữu hình là phù vân, vô hình
mới trường cửu.” (2 Cr 4.18)
Không
phải thánh Phaolô chê cái phúc được thấy
Đức Giêsu và sống gần Người hồi
Người ở tại thế, nhưng cái phúc ấy
bấp bênh, vì quả thật có biết bao người
đồng thời với Người, đã nghe
Người giảng, đã thấy các phép lạ
Người làm mà có tin Người đâu, chưa kể có
kẻ còn chống đối và giết Người
nữa. Thánh Phaolô bảo ta vượt lên trên cái phúc ấy
vì nó tạm thời, để hướng ta tin vào
những chân lý hay mầu nhiệm vô hình, cái đó mới
trường cửu, cái đó mới là phúc vững
bền.
Vậy, áp
dụng vào phép Thánh Thể ở đây : Cho dù giác quan ta
không thấy được Chúa, chúng ta cứ tin chắc
một niềm : Vì thương nhân loại, Chúa đã dùng
sự khôn ngoan thượng trí vô song và quyền năng vô
hạn của Người, mà tạo tác ra được
một phương thế thần diệu là Bí Tích Thánh
Thể, để có thể đến hiện diện
với ta, và nuôi sống tâm hồn ta.
Qua bao nhiêu thế kỷ, muôn
ngàn ức triệu tín hữu lành thánh đã đem hết lòng
kính tin đêm ngày túc trực, cúc cung tận tụy,
hết sức hết lòng tôn thờ, yêu mến, cảm
tạ Thánh Thể Chúa ! Nhờ đó, họ đã nhận
được vô vàn ơn phúc…
Chúng ta cũng vậy, hãy theo
gương những tín hữu lành thánh ấy mà sống,
không cần phải thấy.
*
|