MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: lòng thương xót chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Ơn Hòa Giải, Lòng Thương Xót, Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Thứ Năm, Ngày 21 tháng 1-2016

ƠN HÒA GIẢI, LÒNG THƯƠNG XÓT, Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải thích các chìa khóa biểu tượng của Năm Thánh Lòng Thương Xót là bước qua Cửa Thánh và xưng thú tội lỗi. Bước qua Cửa Thánh là bày tỏ niềm tin vào Chúa Kitô và lãnh nhận Bí tích Hòa Giải là trải nghiệm trực tiếp lòng thương xót của Chúa.

Bước qua Cửa Thánh của Lòng Thương Xót trong Năm Thánh, chúng ta bày tỏ ước ao bước vào sự sâu thẳm của mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chính Ngài là cửa dẫn tới sự sống đời đời. Ngài là cửa của ơn cứu độ. Chúa mời gọi chúng ta, qua sự hối cải trở về, hãy mở lòng của chúng ta cho tình yêu chân thành hơn với Chúa và tha nhân.

Dấu chỉ ân sủng đặc biệt của Năm Thánh Lòng Thương Xót là Bí Tích Hòa Giải, nơi đó Chúa Kitô mời gọi chúng ta nhận biết về tội lỗi của mình và cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa. Chúng ta sẽ nhận lãnh ân sủng để giao hòa giữa chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân. Mỗi người chúng ta có thể thi hành việc bác ái, cảm thương và tha thứ, đây chính là dấu chỉ uy quyền tình yêu của Thiên Chúa để canh tân tâm hồn, mang lại sự hòa giải và bình an.

Truyện kể: Có một lần Chúa Giêsu hiện ra với cha Giovani và tỏ lòng yêu thương giáo xứ của ngài vì có rất nhiều người làm đẹp lòng Chúa. Cha Giovani liền thưa với Chúa: Lạy Chúa, đó là những lời chúc tụng ngợi khen Chúa ư? Chúa Giêsu lắc đầu. Cha Giovani mới nói tiếp: A, con biết họ dâng những lời cảm tạ, tri ân và ca khen Chúa phải không? Cũng không đúng. Cha sở Giovani nói tiếp: Hay là những lời cầu xin tựa dựa ân phước này nọ? Chúa Giêsu lắc đầu và nói: Con đoán sai cả rồi, lời nguyện mà giáo dân của con đã làm cho ta vui sướng nhất đó là: “Lạy Chúa, xin thương tha tội cho chúng con.”

Có rất nhiều lần chúng ta không có khả năng để tha thứ. Tha thứ là việc vĩ đại. Sự tha thứ không luôn dễ dàng, bởi vì trái tim của chúng ta nhỏ hẹp và ganh tị. Chúng ta xin Chúa tha tội cho, nhưng chúng ta khó có thể tha thứ cho anh chị em xúc phạm đến chúng ta. Với sức riêng, chúng ta không thể làm được, nhưng nếu chúng biết mở lòng và phó thác vào quyền năng lòng thương xót của Chúa, chúng ta có thể tha thứ cho nhau.

Sống chung tập thể trong một cộng đoàn hay nhóm hội, chúng ta dễ gây sự bất bình vì lòng nhỏ nhen và ích kỷ. Trong bất cứ một tổ chức sinh hoạt chung nào cũng đòi hỏi sự nhẫn nhục và hy sinh. Hy sinh từ bỏ ý riêng để chấp nhận ý chung. Chúng ta không có sự thật tuyệt đối hay một phương thức hoàn hảo trong đời sống thường nhật. Người ta vẫn thường nói: Trăm người trăm ý. Ý nào cũng hay và cũng có lý của nó. Sự tập tành để biết lắng nghe nhau là điều kiện cần thiết để xây dựng mối tương giao. Cần nhiều sự cố gắng học hỏi và tập tành đức kiên nhẫn. Chúng ta có thể phê bình chỉ trích người khác ở bất cứ khía cạnh nào vì ở rộng người cười, ở hẹp người chê. Chê bai dè bửu dễ gây xích mích và phân rẽ.

Trong cuộc sống xã hội, con người bất bình hay gây sự với nhau vẫn thường xảy ra. Chúng ta không nên dừng tại đó để khích bác, thù hằn và tẩy chay nhau. Chúng ta cần sự hóa giải đôi bên thuận hòa. Chúa Giêsu mở cửa Lòng Thương Xót để nhắn nhủ cách hành xử tốt: Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình (Mt 5, 23-24). Thắng mình không luôn dễ. Muốn làm hòa, trước hết chúng ta phải có thái độ khiêm nhu, chấp nhận sự yếu đuối và sai trái của mình để xin lỗi. Dù trong hoàn cảnh nào, có lý hay vô lý, người nào lên tiếng giao hòa trước, người đó đã thắng mình, trước khi thắng kẻ khác.

Có những sự bất bình hay mối thù khó quên, nó đeo đẳng chúng ta suốt dọc cuộc đời. Sự bất hòa này chính là gánh nặng âm ỉ trong tâm, làm cho chúng ta mỏi mòn, buồn bực và sầu đau. Mối hờn ghen giận dữ ảnh hưởng đến tâm, sinh, lý và cả cách suy nghĩ, biểu lộ và hành xử. Nó giống như chiếc gai đâm sâu trong thớ thịt, hơi đụng đến là đau buốt. Để chữa lành, chúng ta cần mổ sẻ, cắt bỏ và giải phẫu vết thương mưng mủ này. Vết hằn trong tâm cũng thế, nó làm chúng ta nhức nhối, khó chịu và thù ghét. Đôi khi vì cái ‘tôi’ hơi lớn hoặc có khi tự ái, chúng ta không muốn nhận mình là người sai lỗi hay bị thua. Chúng ta khăng khăng giữ thái độ cố hữu và cách suy nghĩ một cách ích kỷ của mình. Tự cao tự đại trong cách hành xử trịch thượng rất khó để giải hòa. Chỉ khi nào chúng ta dám hạ mình và buông bỏ, thì tâm hồn của chúng ta mới tìm được sự bình an và thanh thản thực sự.

Đôi khi chúng ta cần có người trung gian để lắng nghe, khuyên nhủ và hòa giải. Từng bước tế nhị góp ý sửa sai: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. (Mt 18, 15-17). Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, mỗi người chúng ta có rất nhiều cơ hội để xem xét lại cuộc sống của mình. Ai cũng có lỗi, không lớn thì nhỏ. Chẳng có ai tốt lành và vô tội hoàn toàn. Nhân vô thập toàn. Chẳng có ai xấu quá đến nỗi phải tẩy chay ruồng bỏ. Chúng ta có bổn phận giúp nhau nên hoàn thiện mỗi ngày.

Thánh Phaolô trong thơ gởi tín hữu thành Corintô đã khuyên nhủ: Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa (2 Cor 5, 20). Làm hòa với Thiên Chúa. Nói đúng hơn là chúng ta trở về với lòng yêu thương nhân hậu của Chúa. Chỉ có chúng ta là những người thất trung, bất tín và ngỗ nghịch chối bỏ tôn thờ Thiên Chúa. Chúng ta từ chối tình yêu, phạm tội và làm mất lòng Chúa. Chúa vẫn luôn trung thành với lời đã hứa và yêu thương chờ đón chúng ta. Chúng ta hãy chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa để xin ơn tha tội và giao hòa cùng Chúa.

Đức Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất hòa giải tội nhân với Chúa Cha. Ngài đã thí mạng để chúng ta được sống và được lãnh ơn cứu độ. Chính nhờ hy tế của Chúa Kitô trên thập giá mà nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa Cha: Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải (2 Cor 5, 18). Điều làm Chúa vui nhất là lòng thống hối ăn năn và xin ơn tha thứ. Ngay cả các Thiên Thần trên thiên đàng cũng vui mừng vì một người tội lỗi biết ăn năn sám hối trở về.

Lạy Chúa, xin thương tha thứ tội lỗi cho chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Chuyện Thương Xót (2/23/2016)
Yêu Thương Chính Là Thực Thi Lòng Thương Xót! (2/4/2016)
Lòng Thương Xót Chúa Biến Đổi Con Người, Lm Antôn Nguyễn Văn Độ (2/3/2016)
Chút Tâm Sự Về Đón Nhận Tình Yêu Thương Xót Chúa (1/27/2016)
Quà Tặng Của Lòng Thương Xót (1/24/2016)
Tin/Bài khác
Chúa Là Đấng Xót Thương, Lm. Jos Tạ Duy Tuyền (1/20/2016)
Vâng Lời Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót (1/14/2016)
Ơn Chữa Lành, Lòng Thương Xót, Lm. Giuse Trần Việt Hùng (1/14/2016)
Dâng Gì Qua Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót? (1/11/2016)
Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa (1/11/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768