MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: thao thức - gm jb bùi tuần
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Người Môn Đệ Đức Kitô: - Những Chuyển Biến Lặng Lẽ
Thứ Ba, Ngày 2 tháng 6-2009
NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ: - NHỮNG CHUYỂN BIẾN LẶNG LẼ

Trong tháng sáu, 1996, tại Việt Nam đã xuất hiện một “thế giới” mới. Nó tự hình thành. Thế giới mới này gồm những người cùng sống những rung cảm như nhau, do cùng một ham mộ, hướng về cùng một chân trời. Họ canh thức từng đêm. Họ bình luận mỗi ngày. Họ sung sướng theo dõi từng giây từng phút trên màn ảnh nhỏ. Họ hoà mình vào thế giới Euro ’96. Họ là từng triệu người tại Việt Nam.

Tâm hồn họ đi vào một thế giới mới, vượt ngoài biên giới Việt Nam. Họ được thu hút bởi những giá trị mới: Cái đẹp cái thực của những chính xác, tốc độ, kỹ thuật, phong cách, điệu nghệ, thể lực và chiến thuật. Với những hào hứng mới, họ sống thoải mái hồn nhiên trong những bầu trời mới rất xa nhưng rất thân mật, khiến cho những gì rất gần bên họ vì không gây được hào hứng, đã trở thành rất xa, hờ hững.

Sự hình thành những “thế giới” như trên đang xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau. Đây là những chuyển biến âm thầm, nhưng ảnh hưởng sau rộng đến tương lai Đất nước và Hội thánh.

Ở đây, tôi xin được chia sẻ mấy nhận xét của tôi về vài chuyển biến như thế.       

Chuyển biến quan trọng nhất là sự chuyển hướng tâm lý. Trước đây rất nhiều người thực sự hăng say với lý tưởng thay đổi thế giới, nay chính họ đang ồ ạt tự động đổi sang một thế giới mới, đó là thế giới cuộc sống.

Cuộc sống hiện nay của con người có nhiều đòi hỏi. Đòi hỏi này đẻ ra đòi hỏi khác. Từ những nhu cầu để tồn tại đến những điều kiện để phát triển. Từ những phương tiện để phục vụ đến những yêu sách để tiến thân, để không bị coi là thua kém bạn bè, để có giá trước mặt xã hội.

Sống trong những hoàn cảnh như thế là phải phấn đấu, phải cạnh tranh, phải chạy theo trào lưu. Trào lưu xã hội với những ngành chuyên môn của nó hoạt động giống như một hệ thống các bánh xe. Các bánh xe đều quay. Quay mạnh, quay lẹ, quay không ngừng. Ai muốn tiến, phải chạy theo nó và cùng chiều với nó. Ai chậm và đi trệch sẽ bị văng ra.

Đích trước mắt của những kẻ chạy trên cuộc đời là thành đạt. Thành đạt về học vấn, về công ăn việc làm, về chỗ đứng, nhất là về kinh tế.

Kinh tế đang lên  ngôi vua, thống trị tất cả, chi phối tất cả. Từ đó nảy sinh ra nhiều chuyển biến khác. Thí dụ :

1. Chuyển biến về sự bỏ quê về thành.

Nói sao thì nói, giữa thành thị và nông thôn, khoảng cách văn minh còn rất lớn. Tại những vùng sâu vùng xa, phần đông chưa có ý niệm gì về công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thành thị vẫn là nơi hấp dẫn.

20 năm về trước, nhiều người bỏ thành thị đổ về miền quê lập nghiệp. Nay thì ngược lại. Nhiều gia đình không đủ khả năng về thành, đã phân tán mỏng. Số học sinh gửi lên Sài Hòn và các thành thị có chi nhánh đại học càng ngày càng đông, mặc dù việc học rất căng và tốn phí. Ngoài ra, dân số mỗi năm mỗi tăng. Đất không tăng, trường vẫn thế. Ruộng được mùa, nhưng sản phẩm hiện giờ ít bán được, và với giá hạ. Chính vì thế mà nhiều người, khi muốn tiến thân, thậm chí khi muốn kiếm sống qua ngày, đã bỏ quê tìm cách lên thành thị.

Hiện tượng trên đây đặt ra nhiều vấn đề. Như vấn đề giáo dục đạo đức và tôn giáo cho các thanh thiếu niên, vì cuộc sống, phải xa nhà, xa họ đạo. Vấn đề phát triển cộng đồng trong họ đạo, giúp phần nào cho giáo dân ổn định cuộc sống. Vấn đề đào tạo giáo dân về mặt trưởng thành nhân bản và đức tin, để dù ở đâu họ tự mình phân định được những cái tốt xấu, và tự mình khám phá được tình thương của Chúa trong các hoàn cảnh khác nhau trên đường đời. Vấn đề đầu tư nhân sự  cho họ đạo, kẻo rồi cứ ai thành đạt là ra đi, mặc dầu họ đạo có nhà thờ đẹp, tháp chuông cao, lễ lạy linh đình. Vấn đề lo cho cuộc sống cách nào, mà không vì thế lơ là với đức tin và Hội thánh.

2. Chuyển biến về sự chọn môn học.

Trước đây, đã có một thời, ai được vào Sư phạm là một vinh dự. Tới thời mở cửa, cả mấy năm dài, câu “nhất Y, nhị Dược, tạm được Bách khoa, tránh xa Sư phạm” được coi như một bậc thang chọn ngành của các học sinh tốt nghiệp phổ thông, thi vào Đại Học. Nhưng nay thì “nhất Kinh, nhì Luật, tam Tài, tứ Tin” đang trở thành châm ngôn. Lý do giải thích là vì học sinh muốn đi vào những ngành có nhiều khả năng dẫn đến các nghề dễ kiếm ra nhiều tiền.

Hiện tượng trên đây gây băn khoăn cho những ai tha thiết với sự bảo tồn văn hoá dân tộc và nghiên cứu khoa học.

Óc thực dụng tập trung vào việc kiếm tiền không khỏi ảnh hưởng đến đời sống đức tin. Nguy cơ kinh tế hoá tôn giáo không phải là không có. Thậm chí thánh lễ cũng có thể bị kinh tế chi phối.

Chuyển biến trên đây của óc thực dụng có  vẻ đang gây nhiều hậu quả xấu cho việc truyền giáo. Tình hình này rất cần đến những gương sáng về phong cách đạo đức, chiếu toả sự từ bỏ mình, sự tự do nội tâm với tiền của, và nêu cao tám mối phúc bằng chính thái độ sống bình an, bình dị, bình thản, trong đơn giản và tiết độ.

3. Chuyển biến về sự hình thành các giai cấp.

Sự hình thành các giai cấp lúc này là một hiển nhiên. Cũng do sự sôi động của cuộc sống. Có một giai cấp những người giàu đáng trân trọng. Họ giàu từng bước, giàu do chắt chiu, bằng mồ hôi, bằng những phấn đấu cật lực. Có một giai cấp những người giàu đáng bị thắc mắc. Họ giàu tắt, giàu mau, giàu dễ dàng, quá đầy đủ, quá hưởng thụ, nên quá sợ mất. Có một giai cấp những người nghèo đáng kính đáng thương. Họ muốn có công ăn việc làm, nhưng không sao tìm được. Họ hết sức tần tảo tiết kiệm, nhưng không sao lên được. Có một giai cấp những người nghèo đáng ngại. Họ sống buông trôi, không có gì để mất, nên chẳng sợ gì.

Một số giai cấp trên đây có thể trở thành những vấn đề cho trật tự và phát triển xã hội. Lịch sử nhiều nước cho thấy nếu sự hình thành các giai cấp là do những bất công xã hội và thiếu giáo dục, thì tai hoạ sẽ daì dài.

Điều đáng thấy trước ở đây, là trong Hội thánh nên tránh tạo nên những giai cấp do tiền của và quyền lực.

4. Chuyển biến về phân hoá các lương tâm tập thể.

Trước đây, một họ đạo, một Giáo hội địa phương, một cộng đồng xã hội làm lành những lương tâm tập thể. Hầu như mọi người già trẻ trên dưới giàu nghèo đều có những niềm tin như nhau, đều có những cách đánh giá đạo đức như nhau, đều có những thao thức về cuộc đời như nhau. Nhưng nay không còn như thế nữa. Cuộc sống hiện nay đang phân hoá họ. Lớp người già cả có thể vẫn suy nghũ với những phạm trù xưa, đang khi thế hệ trung niên lại suy nghĩ với những cái nhìn khác. Còn lớp trẻ thì thoáng quá chừng. Chúng ta đang chứng kiến một tình hình cuộc sống chuyển hoá sang đa dạng, đa phương, đa hệ, đa năng. Tình hình lương tâm tập thể cũng thế. Ngay trong một gia đình, giữa ông bà, cha mẹ, con lớn, con nhỏ, con ở tỉnh, con ở nông thôn, lương tâm tập thể cũng đang phân hoá.

Hiện tượng đó cũng đang xảy ra trong các cộng đoàn đức tin. Để biết cách xử lý, những người có trách nhiệm cần học hỏi thêm, nhất là về Kinh Thánh, thần học, giáo hội học, tu đức, và các môn khoa học có liên hệ đến con người hôm nay.

Theo hiển ý của tôi, sự phân hoá các lương tâm tập thể trong các cộng đoàn đức tin có thể do phần nào thiếu nền móng của nếp sống đạo. Đúng lý ra, nền móng đó phải là truyền thống các tông đồ. Phúc Âm và tu đức của kẻ theo Đức Chúa Giêsu Kitô. Thế nhưng, trên thực tế, ba yếu tố đó có phần suy yếu tại nhiều cộng đoàn.

Truyền thống các tông đồ bị phủ đầy bởi những lớp truyền thống phi Phúc Âm của nhiều thế hệ địa phương, của nhiều các nhân và tập thể. Các truyền thống linh tinh đó làm ngột ngạt truyền thống các tông đồ, đến mức nhiều khi chúng lấn lướt và cản ngăn truyền thống các tông đồ.

Lời Kinh Thánh, đặc biệt là lời Phúc Âm. Ít được học, nên bị nhợt nhạt đi và lệch lạc đi trước từng loạt các lời của nhiều nguồn khác, cho dù các nguồn đó là những vị đạo đức, thông thái.

Tu đức của kẻ theo Đức Kitô đúng ra là phải tập trung vào Đức Kitô, qui chiếu về Đức Kitô, gặp gỡ Đức Kitô, bắt chước Đức Kitô, đồng hành với Đức Kitô, thì lại để ý quá đáng đến hình thức, đến cử hành, đến lễ nghi, kinh kệ, đến thuộc lòng các bài chằng chịt những ý tưởng, mà quên đi chính Đức Kitô.

5. Chuyển biến về hành trình nội tâm.

Cuộc sống rộn ràng hôm nay có khuynh hướng kéo người ta hướng ngoại. Nhưng không thiếu người vẫn quan tâm trở về nội tâm. Đối với họ, thánh thiện không chủ yếu hệ tại ở sự con người cho đi, làm được gì lớn, nhưng chủ yếu ở tại sự biết đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, để ơn Người thấm nhập vào nội tâm, qua mọi tài năng, tận các tầng lớp sâu thẳm nhất, hầu đổi mới tất cả, biến con người nên mới, giống hình ảnh Đức Kitô, luôn tuân phục thánh ý Chúa Cha.

Vì thế, hằng ngày khi trí khôn, trí nhớ, trí vẽ, ý chí, tình yêu, tình cảm mở rộng lãnh vực của mình trên cuộc sống, những lãnh vực đó được đặt ngay trong tư thế đợi chờ đón nhận ơn Chúa Thánh Linh. Những lãnh vực ấy giống như những thửa ruộng. Để các hạt giống ơn thánh gieo vào đó dễ đâm rễ và nảy nở, các mảnh ruộng ấy cần được chuẩn bị kỹ. Chuẩn bị  nói đây là những việc thanh luyện và cầu nguyện mang mầu nhiệm thánh giá và phục sinh. Chuẩn bị nói đây cũng còn là khiêm tốn lắng nghe tiếng Chúa, hân hoan tỉnh thức đón nhận ơn Chúa, mau lẹ mở cửa lòng mình để Chúa vào ngự trị nội tâm. Một nội tâm không hề bao giờ dám nhận mình là đạo đức, nhưng chân thành sám hối, nhận mình bé nhỏ, yếu đuối. Nhờ vậy họ được chứng kiến và cộng tác vào những công việc tạo dựng mới, những công việc cứu chuộc mới, những công việc thánh hoá mới của Chúa Ba Ngôi ngay nơi chính họ, ngay giữa cuộc đời hôm nay.

 

Tôi có cảm tưởng là, với nội tâm như trên, chúng ta sẽ đồng hành với cuộc sống hôm nay một cách có trách nhiệm.

Từ cuộc sống hôm nay đang bùng nổ ra những chuyện biến đa dạng. Có những chuyển biến ồn ào và có những chuyển biến lặng lẽ. Có những chuyển biến chậm chạp và có những chuyển biến đột ngột. Nhiều khi những chuyển biến lặng lẽ và đột ngột lại gây ra những hậu quả lớn, không hề thấy trước.

Trong cuộc sống đang bùng nổ như thế, mục vụ và truyền giáo sẽ gặp nhiều thách đố mới. Tương tự như trên sân banh. Để đối phó có hiệu quả, ý chí mà thôi không đủ, nhìn xa thấy rộng cũng không đủ. Nhưng phải tập luyện thường xuyên, và tự mình đào tạo. Bằng những học hỏi, bằng một nền thần học trở về với Đức Kitô, và bằng một nếp linh đạo gắn bó với Chúa Thánh Thần.

Được như vậy, chúng ta sẽ khám phá thấy ngay trong cuộc sống phức tạp hôm nay nhiều chứng từ tươi đẹp của Nước Trời. Chúng ta sẽ như nhìn thấy Đấng Vô Hình hiện diện giữa đồng bào chúng ta với dung mạo Người Cha giàu lòng thương xót. Để rồi, cùng với Đức Mẹ, chúng ta cảm tạ Chúa, đến muôn thuở muôn đời.

Tác giả Bùi Tuần, Gm.
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Xin Chớ Để Chúng Con Sa Chước Cám Dỗ, Gm Bùi Tuần (4/5/2011)
Tháng 10 Và Fatima - Gm Jb Bùi Tuần (10/19/2009)
Năm Linh Mục, Suy Nghĩ Về Linh Mục Trước Vấn Đề Tội Lỗi. (7/27/2009)
Nhớ Một Nụ Cười ( Đời Tôi Là Một Hành Trình) (7/21/2009)
Người Môn Đệ Đức Kitô: - Những Ơn Cần Nơi Người Mục Tử (6/11/2009)
Tin/Bài khác
Người Môn Đệ Đức Kitô: - Truyền Giáo Và Lời Chúa Hứa: "thầy Sẽ Ở Lại Với Các Con..." (5/27/2009)
Sống Thân Phận Nghèo Một Cách Đạo Đức (5/27/2009)
Kinh Lạy Nữ Vương Trong Đời Tôi (5/22/2009)
Đón Nhận Tình Yêu Cứu Độ (4/1/2009)
Xin Ơn Thánh Hoá Các Linh Mục (gm. Gb. Bùi Tuần) (3/5/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768