MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: thao thức - gm jb bùi tuần
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Xin Chớ Để Chúng Con Sa Chước Cám Dỗ, Gm Bùi Tuần
Thứ Ba, Ngày 5 tháng 4-2011

XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ

Trong đạo, "chước cám dỗ" được hiểu là một sức mạnh xấu lôi cuốn con người vào tội lỗi. Cùng với việc cảnh báo về nguy cơ của các chước cám dỗ, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta một việc quan trọng để đối phó, đó là cầu xin Cha trên trời thương ban ơn cho chúng ta, đừng để chúng ta sa vào chước cám dỗ.

Hiện nay, các chước cám dỗ đang phát triển mạnh. Chúng hoạt động một cách tự do. Hiện diện của chúng là đều khắp trong đạo ngoài đời.

Nhân Mùa Chay là thời gian sám hối, trở về với Chúa, chúng ta nên nhìn vào những chước cám dỗ đã và đang lôi kéo chúng ta xa rời Phúc Âm, để sa vào đàng tội, dẫn tới tình trạng mất linh hồn.

Trước hết, chúng ta hãy xem các chước cám dỗ đến từ đâu?

1. Nguồn gốc các chước cám dỗ

Nguồn gốc thứ nhất là Satan.
Phúc Âm thánh Matthêu gọi "Satan là tên cám dỗ" (Mt 4,3). Trong hoang địa, Chúa Giêsu đã bị quỷ dữ Satan cám dỗ. Nó hứa cho Người quyền lực kinh tế, quyền lực thần thiêng, quyền lực chính trị. Chỉ cần Người thực hiện vài việc rất nhỏ làm dấu vâng phục nó. Nhưng Chúa Giêsu đã thắng Satan (x. Mt 4,-111).

Trước giờ chịu nạn, Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô về nguy cơ bị Satan lôi kéo vào đàng tội: "Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng anh như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin" (Lc 22,31-32).

Thánh Phêrô, với kinh nghiệm của mình, đã ví Satan như con sư tử. Nó cám dỗ cả bằng những phương tiện độc ác "Ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé" (1 Pr 5,8).

Nguồn gốc thứ hai là dục vọng của riêng mỗi người.

Thánh Giacôbê viết cho các tín hữu của Ngài: "Mỗi người có bị cám dỗ, thì do dục vọng của mình lôi cuốn" (Gc 1,14).

Dục vọng nơi mỗi người là vô số những nghiêng chiều bất chính. Thánh Phaolô gọi dục vọng đó là tính xác thịt. "Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm dục, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy" (Gl 5,19).

Nguồn gốc thứ ba là những thói đời.

Thánh Phaolô khuyên giáo đoàn Rôma: "Anh em đừng rập theo thói đời này" (Rm 12,2). Một điều có sức cám dỗ mạnh của thói đời là sự khôn ngoan chối từ thập giá Đức Kitô. Đối với thánh Phaolô, sự khôn ngoan của thế gian không có sức cứu độ. Ngài cương quyết nhận lãnh sự khôn ngoan của Thần Khí được ban cho từ Đức Kitô trên thánh giá. "Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá" (1 Cr 2,2). Hiện nay thói đời chính là tinh thần thế tục. Tinh thần này đang tràn vào Hội Thánh Việt Nam. Tác động của nó không phải là nhỏ trong nhiều lãnh vực tôn giáo.

Nguồn gốc thứ bốn là những ngôn sứ giả.

Thánh Gioan viết: "Đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian" (1 Ga 4,2).

Ngôn sứ giả là những người đứng trong hàng ngũ ngôn sứ, nhưng họ có những lời nói sai lầm, phán đoán sai lầm, chủ trương sai lầm, cái nhìn sai lầm. Những sai lầm đó được pha trộn vào đời sống ngôn sứ của họ. Để rồi những sai lầm của họ cũng khoác áo chân lý.

Hậu quả là dần dần họ lôi cuốn người ta đi theo những sai lầm của họ.

Thánh Gioan tông đồ gọi họ là những tên Phản-Kitô "chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta" (1 Ga 2,18-19). Ngay chính thời Chúa Giêsu, các ngôn sứ giả, các thầy dạy giả, các chứng nhân giả cũng đã kích động thành công quần chúng. Do họ mà quần chúng đổi lòng đổi dạ, trở nên những kẻ hò hét yêu cầu giết Chúa Giêsu. Chứng tỏ sức lôi cuốn của những người đạo đức giả không phải luôn luôn là yếu.

Đến đây, chúng ta có thể thấy được các chước cám dỗ là một mặt trận rất phức tạp, rất tinh vi và rất mạnh.

Để đối phó với mặt trận vô hình đó, chúng ta phải làm gì?

Chúa Giêsu dạy chúng ta phải thực hiện những việc sau đây.

2. Những việc phải làm để đối phó với những chước cám dỗ

Việc đạo đức, mà Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều nhất, để đối phó với các chước cám dỗ là việc cầu nguyện. Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ" (Lc 22,40). Người khuyên các môn đệ cầu nguyện. Chính Người cũng cầu nguyện. Cầu nguyện của Người là rất khiêm tốn, rất thiết tha, rất phó thác trong xao xuyến bồi hồi. Người quỳ gối, "sấp mình xuống đất mà cầu nguyện rằng: Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mt 26,39). Cầu nguyện như thế để khỏi sa chước cám dỗ được Chúa Giêsu thực hiện như một cuộc giao chiến quyết liệt với chính mình.

Cùng với việc cầu nguyện, Chúa Giêsu hay nói đến một việc khác, đó là việc tỉnh thức.

Cũng trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô: "Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ" (Mc 14,38).

Tỉnh thức nói đây là không mê ngủ. Ngủ về thân xác và ngủ về tinh thần. Ngủ trong ý nghĩ chủ quan, chính là điều Chúa Giêsu thấy nơi thánh Phêrô lúc đó.

Ý nghĩ chủ quan của thánh Phêrô lúc đó là rất tự đắc, vì Ngài tin vào sức mình. Ngài quả quyết với Chúa: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy. Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy" (Mc 14,31). Thực tế không như vậy. Chúa Giêsu thấy trước. Người cảnh báo Phêrô. Nhưng Phêrô vẫn chủ quan. Ngài như ngủ mê trong ý nghĩ chủ quan đó. Chính vì không tỉnh thức vâng lời Thầy, nên Phêrô đã sa chước cám dỗ một cách thê thảm.

Việc đạo đức sau cùng, mà Chúa Giêsu dạy, để chống chước cám dỗ là ăn chay.

Chúa Giêsu phán: "Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện" (Mt 17,21). Việc ăn chay thường được hiểu là tự ý giảm bớt trong việc ăn uống và các thứ hưởng thụ được phép. Đi sâu hơn, ăn chay còn là dấn thân tham gia mầu nhiệm thập giá và chia sẻ những khổ đau của những kẻ khốn cùng.

***

Trên đây là một phần quan trọng của những chân lý có sức cứu độ. Chúng ta đón nhận những chân lý cứu độ ấy với lòng cảm tạ Chúa.

Nguy cơ lớn nhất là chúng ta, những kẻ rất yếu đuối, đang bị vô số chước cám dỗ lôi kéo vào đàng tà, thế mà chúng ta vẫn ung dung, không cho là nguy cơ. Nguy cơ đáng sợ nhất là, khi chúng ta đã sa vào chước cám dỗ rồi, mà vẫn tưởng chẳng có gì tai hại sẽ xảy ra cho mình về mặt phần rỗi.

Những tưởng nghĩ như thế chính là những chước cám dỗ cực kỳ nguy hiểm.

Sự mù quáng, sự cứng lòng và sự tự đắc chủ quan đang là những mối đe doạ thực sự trong Hội Thánh chúng ta. Coi thường những mối đe doạ ấy, chính là một chước cám dỗ tai hại chúng ta cần phải đề phòng.

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.

+ Gm. Gioan B. Bùi Tuần

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Sống Với Những Ủi An Của Mẹ Maria, Gm Bùi Tuần (3/14/2017)
Đừng Đổ Thừa Cho Chúa, Gm Bùi Tuần (2/25/2017)
Gần Gũi Với Thánh Giuse, Gm Gb Bùi Tuần (2/25/2017)
Đức Mẹ Dắt Tôi Sang Cõi Đời Sau, Gm. Gb Bùi Tuần (10/19/2016)
Cầu Nguyện Bằng Chuỗi Mân Côi, Đgm Bùi Tuần (6/18/2011)
Tin/Bài cùng ngày
Đừng Vô Cảm, Gm Bùi Tuần (4/5/2011)
Tin/Bài khác
Tháng 10 Và Fatima - Gm Jb Bùi Tuần (10/19/2009)
Năm Linh Mục, Suy Nghĩ Về Linh Mục Trước Vấn Đề Tội Lỗi. (7/27/2009)
Nhớ Một Nụ Cười ( Đời Tôi Là Một Hành Trình) (7/21/2009)
Người Môn Đệ Đức Kitô: - Những Ơn Cần Nơi Người Mục Tử (6/11/2009)
Người Môn Đệ Đức Kitô: - Những Chuyển Biến Lặng Lẽ (6/2/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768