MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tiểu mục :: gương chứng nhân
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Cha Berchmans Trong Mắt Con, Lm Nguyễn Văn Thảo
Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 1-2014

Cha Berchmans trong mắt con, LM Nguyễn Văn Thảo

Nguồn:  http://chuacuuthenews.wordpress.com

VRNs  Rôma:  Cha Berchmans Nguyễn Văn Thảo (*) là một trong những cây đại thụ của Giáo Hội Việt Nam, một trong những chứng nhân của cuộc thương khó và phục sinh của Giáo Hội và đặc biệt là của đời sống đan tu ở Miền Bắc Việt Nam. Con rất cảm mến và kính phục ngài. Khi ngài được Chúa gọi về, con thấy như mất đi một người cha, một người thầy, một người bạn đáng kính; nhưng trong đức tin con cảm thấy vui mừng với ngài vì ngài đã hoàn tất tốt đẹp cuộc đời trong yêu thương và phục vụ; vui mừng với cha bề trên và anh em trong Đan viện vì các ngài có được một vị bề trên thánh thiện và nhiệt thành, đã sống ơn gọi đan sĩ một cách điển hình. Nhân dịp này, con xin chia sẻ với cha bề trên và anh em một vài điều mắt thấy tai nghe về ngài trong gần 20 năm qua kể từ khi con biết ngài.

Cha Berchmans-người khai sinh cộng đoàn: Ngài đã tham gia từ đầu công cuộc khai sơn phá thạch vùng đất nơi sơn thủy hữu tình, nhưng đầy lam sơn chướng khí, đóng góp mồ hôi, nước mắt và lời cầu nguyện để làm nên một Đan viện Châu Sơn bề thế, quy mô, với ngôi nguyện đường theo kiểu gotic rất nghệ thuật còn tồn tại đến ngày nay trên bờ sông Lạng.

Sau đấy, khi Đan viện bị cộng sản bách hại, cướp phá, sách nhiễu, bắt bớ, tù đầy, giết chóc, thì ngài đã vâng lời bề trên, dẫn đưa phần lớn anh em vào Miền Nam, lập nên Đan viện Châu Sơn tại Đơn Dương nổi tiếng cho đến ngày nay ở Miền Nam Việt Nam.

Đến hồi Đan viện này phát triển và trở nên đông đảo, thì một lần nữa, ngài lại chấp nhận ra đi. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, ngài cũng một số anh em đến Hàm Tân, ngay cạnh chiến khu của cộng sản, lập nên Đan viện Châu Thủy giữa vùng đất điêu tàn bởi chiến tranh và nắng hạn ở Miền Nam Trung Bộ.

Ngài cứ như ông Apraham liên tục từ bỏ để ra đi đến vùng đất mới vì tương lai hạnh phúc và thành công của những người khác. Thời gian qua đi, càng sống trong đời tu con càng thấy tinh thần và khả năng dấn thân như ngài xưa nay thật hiếm có và đấy là cái làm cho ngài trở nên đáng kính, đáng yêu.

Cha Berchmans- người làm hồi sinh cộng đoàn: Sau năm 1954, ruộng đất Đan viện bị tịch thu, một phần Đan viện bị biến thành doanh trại quân đội, một phần làm cơ sở của hợp tác xã, một phần bị người dân chiếm làm thổ cư. Đan viện không được nhận người đào tạo. Anh em có những người đã bị bắt bớ, bị tù đầy và chết chóc.

Năm 1993 khi cha Trần Ngọc Năng qua đời, Đan viện có nguy cơ bị xóa xổ, vì chính thức chỉ còn một đan sĩ là cha Hà Tâm Sự, tuổi ngoài 70, bệnh tật già yếu, khả năng lại giới hạn.

Giữa lúc đấy, may mắn có cha Berchmans tìm đường về lại mái nhà xưa, theo sự thúc bách của tình yêu dành cho Chúa và cho Dòng thánh. Ngài tìm cách chuộc lại đất đai, sửa sang và xây dựng nhà cửa, đón nhận và đào tạo những ơn gọi cũ và mới.

Con rất cảm phục ngài vì nhiều lần ngài bị công an “làm việc”, hạch hỏi, đe dọa, sách nhiễu, lừa dối, chối từ, song ngài vẫn không bỏ cuộc. Ngài phó thác cho Chúa, tin rằng Chúa sẽ bảo đảm cho dự định của ngài thành công. Bản thân con rất xúc động khi thấy ngài đi từ Châu Sơn về Nam Định khoảng 60 km để ngủ nhờ qua đêm ở nhà giáo dân, rồi đến sáng lại về Châu Sơn, khi công an Ninh Bình cấm ngài tạm trú trong Đan viện. Con tin rằng, sự hy sinh và lời cầu nguyện của cha Berchmans đã góp phần làm cho Đan viện Châu Sơn sinh động và mạnh mẽ như hôm nay.

Cha Berchmans- người yêu thương tha nhân: Chắc hẳn quý cha, quý thầy trong Dòng cảm nhận được rõ hơn hết tình yêu thương ngài dành cho tha nhân. Còn đối với người ngoài, hồi cuối những năm 1990 con đến Châu Sơn thì thấy người dân biết ơn ngài vì không những ngài giúp họ trong cơn đói rét và quẫn bách vì thiên tai và nhân tai, mà còn vì ngài giúp họ trong các dự án xây dựng “Điện-Đường-Trường-Trạm”.

Con cũng thấy ngài chịu khó thăm viếng bạn hữu, thân nhân, ân nhân xa gần. Bất chấp tuổi cao sức yếu, có dịp vào Sài Gòn ngài thường đến thăm cha Nguyễn Văn Thừa, ở Tu viện Kỳ Đồng; có dịp ra Hà Nội ngài thường đến thăm cha Trần Hữu Thanh và cha Vũ Ngọc Bích ở Thái Hà, vì có thời gian trước khi vào Dòng Xitô, ngài là đệ tử DCCT với các cha này; hơn nữa cha Thanh, cha Thừa và ngài còn là bạn cùng quê với ngài, riêng cha Thừa còn có nhiều năm phục vụ cùng ngài ở Bình Thuận. Tu viện Thái Hà mỗi khi lễ hội gì quan trọng, thì ngài vẫn cố gắng đích thân đến tham dự, cũng như ngài thường đến hiệp thông trong các dịp lễ hội khác nhau tại các giáo phận, giáo xứ và dòng tu.

Trong những năm sau này, thỉnh thoảng con có dẫn các đoàn hội đến Châu Sơn, lần nào ngài cũng hẹn giờ đích thân gặp cả nhóm ở hành lang trước phòng ngài, hỏi thăm xem việc ăn ngủ của mọi người thế nào, công việc tham quan, tĩnh tâm, học hỏi ra sao, rồi đi bắt tay và chúc lành cho từng người; cũng có khi chia sẻ một vài kinh nghiệm đức tin hay nhắn nhủ một vài lời đạo đức, ngay khi sức khỏe không được khả quan. Ngài đã lấy tình thương yêu mà tiếp đón và thăm hỏi mọi người hết sức nồng hậu. Con thấy ngài không nghĩ cho bản thân mình, không ngại khó ngại khổ, khi còn có thể được thì ngài luôn cố gắng, miễn sao để người khác được hạnh phúc.

Cha Berchmans-Người cầu nguyện và lao động: Đến Đan viện Châu Sơn nhiều lần, có khi ở đấy liên tục nhiều ngày, có khi ngài mời con ngủ tạm một buổi trưa trên ghế bố trong ô ngài tiếp khách tại phòng của ngài ở nội vi Đan viện, con thấy ngài là mẫu mực trong việc sống tôn chỉ của ơn gọi đan tu: Cầu nguyện và lao động (ora et labora). Nếu ngài chỉ trung thành hiện diện và chủ sự các giờ kinh phụng vụ của Đan viện, thì cùng lắm ngài mới là người giữ đúng luật Dòng; nhưng không, con thấy nơi ngài một tinh thần say mê cầu nguyện và một thái độ chìm đắm sâu xa trong chiêm niệm.

Những điều ấy tỏa ra từ cung giọng đọc kinh, cầu nguyện đến thái độ cử chỉ của ngài trong ngoài nhà thờ. Con thấy thật là xúc động khi nhìn ngài phủ phục trong ca tòa hay khi lừng thững lần hạt trong nội vi đan viện, khi lên tiếng cũng như khi im lặng. Bắt tay ngày hay ở gần bên ngài con cảm nhận rõ lòng đạo đức và sự thánh thiện toả ra từ con người của ngài và bởi thế ngài có một sức thuyết phục lạ lùng chinh phục mọi người giao tiếp với ngài. Ngài cầu nguyện nhiều nên tất nhiên ngài cũng làm việc nhiều.

Dù tuổi cao sức yếu, những năm trước khi còn hay xuống Châu Sơn, con thấy ngài lọ mọ làm việc suốt ngày. Thấy phòng ở của ngài cũng là phòng làm việc. Máy tính, máy in, điện thoại, máy fax con thấy có đủ cả. Nội việc 90 tuổi mà còn dùng được những thứ máy đấy cũng đủ làm con thán phục; nhưng không chỉ vậy, mấy năm trước đây thôi, khi các cha trẻ còn ít và còn chưa có anh em đi du học về, con thấy ngài tự tay viết thư từ và liên lạc với các tổ chức và cá nhân ở trong nước và ngoài nước. Ngài phải đảm đương nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại và trực tiếp lo nhiều chuyện liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của anh em. Bảo đảm cho mấy chục con người tu trì, ăn học và phục vụ là một việc không đơn giản, dễ dàng. Sự hồi sinh và phát triển mau chóng hiện nay của Đan viện Châu Sơn theo con là một phép lạ được đánh đổi một phần quan trọng bằng việc liên lỉ cầu nguyện và làm việc của ngài, với tư cách là người đứng đầu.

Cha Berchmans-người nhiệt tâm với công lý và sự thật: Qua những lần gặp ngài, con nhận ra nơi ngài một con người nhiệt thành lạ lùng với công lý và sự thật. Gặp nạn nhân của bất công, dối trá và bạo lực ngài liền mau mắn cứu giúp. Ngài không chấp nhận ngồi yên để cho sự ác hoành hành. Có năm nào con xuống Châu Sơn thấy ngài lãnh đạo anh em đấu tranh bảo vệ khu đất gần cổng chính của Đan viện đang bị nhà nước mưu toan chiếm dụng và lắp đặt cột tiếp sóng điện tử ở đấy.

Hồi đầu năm 2007, khi giáo xứ Đồng Đinh bị nhà cầm quyền khủng bổ khi dựng tượng Đức Mẹ Sầu Bi, thì ngài âm thầm giúp đỡ và cầu nguyện; khi tượng Đức Mẹ Sầu Bi bị công an Ninh Bình đập phá dã man, thì ngài lập tức tổ chức cho anh em trong Đan viện đến hiệp thông.

Cũng dịp ấy, cha Trịnh Ngọc Hiên giao cho con và mấy giáo dân về chúc tết Đan viện. Sau khi gặp riêng cả nhóm, ngài mời con vào phòng riêng và cho con biết sự việc xảy ra ở Đồng Đinh, rồi ngài đề nghị với con vào điều tra, viết báo đưa sự việc ra công luận. Ngài nói với con rằng:

“Nếu tôi là cha thì tôi sẽ làm ngay việc này”.

Tuy nhiên, lúc ấy trời đã về chiều, lại gần tết bận rộn; hơn nữa trong hoàn cảnh xã hội và Giáo Hội Việt Nam, con biết nếu dấn thân vào con đường này, thì rồi sẽ phải gánh chịu nhiều nguy hiểm và điều tiếng, gương cha Nguyễn Văn Lý ở Huế còn đấy; trong khi đó, các đấng bề trên lại đang giục con sửa soạn đi du học. Bởi thế, ngài phân tích hết lẽ, con vẫn kiên quyết chối từ. Cuối cùng ngài nói:

“Cha chối từ là quyền của cha, nhưng bây giờ tôi xin cha thay tôi làm việc này. Làm một lần này thôi”.

Nể lời ngài và thấy ngài quá tha thiết, nên con miễn cưỡng nhận lời. Lập tức ngài kêu thầy Thể dẫn con vào Đồng Đinh. Con đến, con thấy, con cầu nguyện và con thay đổi. Từ đấy con ít đưa tin hội hè đình đám và chuyên tâm cho công lý và sự thật, cho việc bảo vệ Giáo Hội và những nạn nhân của bạo quyền cộng sản. Con vẫn tin rằng qua cha Berchmans, Chúa nói với con và dẫn con vào một lối khác mà cho đến lúc đó con vốn không bao giờ muốn.

Cha Berchmans và vụ việc liên quan đến TGP Hà Nội và DCCT: Hồi Đức Mẹ Sầu Bi ở Đồng Đinh, Ninh Bình bị công an đập phá, ngài đã cho quay phim gửi cho Đức TGM để ngài biết sự thật thế nào. Đến năm 2008 giữa lúc vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ nổ ra, thì ngài bảo trợ một khóa học về nghiệp vụ Truyền thông Công giáo ngay tại Đan viện Châu Sơn. Khi ấy ngài nói với con rằng ngài và anh em trong Đan viện hoàn toàn hiệp thông với Thái Hà và Tòa Khâm Sứ trong lời cầu nguyện và trong việc làm và trong các giờ kinh , ngài không ngừng mời gọi cả cộng đoàn cầu nguyện cho Hà Nội khiến con rất cảm động. Rồi sau đó ngài còn cho một số anh em trong Đan viện đến Thái Hà và Tòa Khâm Sứ hiệp thông. Năm 2009, khi nghe tin Đức TGM Ngô Quang Kiệt làm đơn từ chức, cha Nguyễn Văn Xuyên, cha Nguyễn An Khang và Đức cha Chu Văn Minh bàn tính viết thư xin Tòa Thánh chưa nên chấp nhận theo đơn xin của Đức TGM và . Cha Xuyên, với tư các là niên trưởng của Linh mục Đoàn Hà Nội, sẽ đề nghị từng linh mục ký tên trong kỳ tĩnh tâm tháng 11 năm 2009 tại Đan viện Châu Sơn. Các ngài giao cho con phụ trách bản văn, con nhờ cha Bề trên Vũ Khởi Phụng giúp soạn thảo, vì ngài giỏi Pháp văn và trước đó ở TGP Sài Gòn cũng đã có kinh nghiệm làm việc này. Khi cha Phụng soạn thảo xong, con có mang bản văn sang phòng cha Berchmans để xin in một số bản. Cha Berchmans ủng hộ dự định tốt lành này và ngài nói cần thiết phải làm như vậy và ngài xin cùng ký tên với các linh mục Hà Nội vào bức thư đó…

Tuy nhiên, cuối cùng, dự định bị chuyển hướng và cha Berchmans cũng lỡ dịp xác nhận diệu cảm đức tin của ngài đối với Giáo Hội trong giai đoạn khó khăn và tế nhị liên quan đến Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt và cũng là liên quan đến vận mạng của Giáo Hội Việt Nam.

Con không có điều kiện để viết tương đối đầy đủ về cha Berchmans đáng kính như lòng con mong muốn. Một cách vắn tắt con tin rằng ngài là con người của đức tin, của tình thương và niềm hy vọng; ngài là người can đảm, người có tài xây dựng và lãnh đạo cộng đoàn, có bản lĩnh đối nội và đối ngoại hết sức khéo léo mà không bao giờ mị dân hay chấp nhận luồn cúi để được việc. Ngài có tinh thần hy sinh, khả năng chịu đựng và đời sống cầu nguyện sau xa để làm những việc lớn lao Chúa muốn. Ngài có tinh thần siêu nhiên và sống hết sức siêu thoát (détachement) vừa tha thiết với cuộc sống này, hết lòng làm cho cuộc sống này được tốt đẹp hơn, nhưng cũng sẵn dàng dứt bỏ tất cả để đi đến những chân trời mới mà Chúa muốn. Con tin rằng giờ đây ngài có thể như ông Simeone mà hát lên rằng: “Muôn lạy Chúa giờ đây theo lời ngài đã hứa xin để tôi tớ này được an bình ra đi vi chính mắt con đã thấy ơn cứu độ Chúa đã đã sẵn cho muôn dân…”

LM Phê rô Nguyễn Văn Khải DCCT

***
ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU SƠN

Phú Sơn-Nho Quan-Ninh Bình-VIỆT NAM

Email: chauson@hotmail.com

Tel: (84) 0303 866416

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
16 Tháng Giêng, Thánh Berard Và Các Bạn (c. 1220) (1/16/2014)
Chuyện Phaolô (1/15/2014)
15 Tháng Giêng, Thánh Phaolô Ẩn Tu (233 - 345) (1/15/2014)
13 Tháng Giêng, Thánh Hilary Ở Poitiers, (315 - 368) (1/13/2014)
12 Tháng Giêng, Thánh Antôn Maria Pucci (1819 - 1892) (1/12/2014)
Tin/Bài cùng ngày
11 Tháng Giêng, Chân Phước William Carter, (c. 1584) (1/11/2014)
Tin/Bài khác
10 Tháng Giêng, Thánh Grêgôriô Ở Nyssa (330 - 395) (1/10/2014)
9 Tháng Giêng, Thánh Julian Và Thánh Basilissa (1/9/2014)
Mùa Giáng Sinh, 8 Tháng Giêng, Chân Phước Angela Ở Foligno (1248-1309) (1/9/2014)
Thánh Raymond Ở Penafort, (1175 - 1275) (1/7/2014)
Thánh Phaolô, Tông Đồ Của Mọi Người (1/6/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768