MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: cảm nghiệm vinh danh chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
CN910: Làm Cách Nào Chận Lời Nhũng Kẻ Vô Ý Thức?
Thứ Hai, Ngày 23 tháng 6-2008
Tôi đã được gửi đi học những lớp học gọi là P.R., tức là Public Relations, học cách giao tế với mọi người. Trong những khóa học ấy, người ta dạy cho học viên cách đối xử với đủ mọi loại người, từ người kiêu ngạo, người nhát sợ, người luôn cho mình là có kiến thức nhất, hoặc người chuyên châm chọc, hạ nhục và chê bai người khác vì kẻ ấy có những uẩn ức trong tâm hồn.

Trong phạm vi bài này, tôi xin nêu lên những câu chuyện thật mà nạn nhân kể lại cho nghe hay chính bản thân tôi đã là nạn nhân.

Có một loại người luôn dùng lời nói bông đàa để mạt sát và hạ nhục người đối diện, dù họ là bạn hay là kẻ thù, chẳng hạn trong những câu chuyện vui giữa những bạn bè, kẻ có ác tâm thường lôi một số người ra làm trò đùa như sau:

“Anh hát nghe ồm ồm như tiếng vịt kêu! Chị nói chuyện lớn như tiếng còi xe lửa! Chị mập quá, ăn ít đi, phải diet chứ! Anh gầy giơ xương ra như người chết đói. Đầu tóc chị bù xù như ổ chuột chù. Anh đàn gì mà nghe nhức cả tai. Chị mặc áo này trông giống thùng tô-nô quá! Anh đúng là loại cù lần đất! ”

Và cứ như thế, người ấy tiếp tục phê bình và mạt sát mọi người, trừ cái tôi của mình. Nếu người bị chê mà tỏ thái độ không bằng lòng thì đương sự sẽ “đánh phủ đầu” bằng một câu ác độc khác:

“Ô hay, tôi chỉ nói chơi mà anh, chị không thể chịu được lời nói đùa à? Sao mà lại nhạy cảm quá đáng vậy?”

Vậy câu trả lời hay nhất của nạn nhân sẽ là:

“Xin lỗi bạn, tôi không thể chịu được lời nói ”đùa” của bạn, bởi vì không bao giờ tôi muốn làm nạn nhân của một sự tàn nhẫn và lạm dụng!”

Nếu nạn nhân nói một cách quả quyết như thế thì đương sự sẽ học được một bài học đáng giá. Sau đó, có thể hắn sẽ xem bạn như kẻ thù của hắn, nhưng không sao, xin bạn cứ nói, vì người ấy cần phải học những bài học lớn để đối xử bác ái với người khác. Vả lại, chúng ta không cần những người “bạn” độc ác ấy!

Bác ái không phải chỉ là bố thí tiền bạc nhưng là sự đối xử lịch sự, có tình có lý. Đó là thái độ nhân nghĩa và tôn trọng người khác. Người có lòng bác ái không phải là người thích ném đá vào mặt người khác và kỳ vọng nạn nhận phải hứng chịu những viên đá giết người ấy.

“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân!” Điều gì mình không muốn thì cũng không làm điều ấy cho kẻ khác.

Nhiều độc giả viết thư phàn nàn về lời nhận xét vô ý thức và bất lịch sự của những người dù quen hay không quen. Sau đây là một số lời chia sẻ:

1. Có những lời vô ý thức đối với người tàn tật:
“Từ bẩm sinh, tôi bị tàn tật và đi khập khễnh. Suốt đời tôi, người ta thường đặt nhiều câu hỏi đường đột và vô ý thức, chẳng hạn như:

“Tại sao anh lại bị bịnh này?”

“Anh có uống thuốc để trị bịnh này không?”

Và câu hỏi làm cho tôi tức giận nhất là:

“Với căn bịnh này liệu anh có "làm tình” được không?

Tôi tự tìm ra câu trả lời có tính cách khôi hài để chận đứng những câu hỏi bất lịch sự này. Tôi biết rằng có những người tò mò hỏi mà không kịp suy nghĩ. Có khi họ hỏi vì tò mò, chứ không phải là để trêu chọc hay nhục mạ mình. Vì thế, tôi trả lời bằng câu hỏi như sau:

“Tại sao anh, chị cần phải hỏi như vậy?”

Đó là cách nhắc nhở nhẹ nhàng mà cũng có khía cạnh tích cực để đối đầu với họ.”

2. Chê bai người khác đủ điều:
“Tôi là một người rất ốm, chỉ cân nặng có 110 cân Anh thôi. Suốt đời, tôi phải chịu đựng những câu hỏi tò mò và bất lịch sự như sau:

“Tại sao chị lại gầy như thế? Chị là người ốm nhất mà tôi biết!”

Những câu nói này làm cho tôi rất tức giận!”

3. Chê người đối diện là quá nhỏ con:
Nhiều năm trước, tôi nói với một trẻ học lớp mẫu giáo rằng:

“Cháu còn quá nhỏ để học lớp Mẫu giáo!”

Có lẽ cháu bé ấy đã nghe câu này từ lâu nên cháu trả lời ngay:

“Mẹ cháu dạy rằng, không phải là mình lớn như thế nào, những là mình biết được bao nhiêu!”

Câu ấy dạy cho tôi một bài học, và tôi không còn dám phê bình ai nữa, nhất là về hình thức bên ngoài của người khác.

4. Chê người đối diện là mập quá:
“Tôi nghĩ thật là ác độc khi bình phẩm một người về hình thức bề ngoài của người ấy. Tôi là người mập so với những người khác. Suốt đời tôi, tôi thường bị người ta trêu chọc với những lời mạt sát làm cho tôi đau đớn như sau:

“Chào Sơ Bề Ngang!”

Người ta có Sơ Bề Trên, nhưng tôi được gọi là Sơ Bề Ngang vì bề ngang của mình to hơn người khác, và tôi không phải là nữ tu!

Có người chào thêm:

“Chào Bà Phán Cảnh!”

Phán cảnh tức là cánh phản. Người miền Bắc biết cánh phản có bề ngang to như thế nào.

“Chào người yêu một tạ!” Một tạ tương đương 100 ký.

“Sao mập thế này? Đừng ăn nhiều nữa! Đã mập mà còn cắt tóc ngắn nên trông càng phì nhiêu hơn!”

Đôi lúc, người phê bình chấm dứt trò chơi ác đốc bằng cách cười với những người khác vì nghĩ rằng câu nói của mình có tác dụng làm đau đớn nạn nhân. Lắm lúc nạn nhân đau đớn đến muốn tặng cho hắn một quả đấm hay chửi cho hắn một trận thậm tệ, nhưng có một điều gì chận đứng lại. Đó là hình ảnh Chúa Giêsu:

Ôi Chúa Giêsu thân thương mà còn bị phỉ báng, chế nhạo, đánh đập và bị đóng đinh cho đến chết! Lạy Chúa, xin tha cho họ vì họ không biết họ làm gì!”

Kết luận:
Trên đây là điển hình về việc nói đùa xem ra như vô tội đối với người nói nhưng là những lưỡi dao đâm vào tim người nghe, bởi vì họ là nạn nhân của những trò chơi ác ý của những kẻ ác tâm. Bạn có muốn trở thành nạn nhân của những kẻ vô ý thức không?

Bạn có bao giờ muốn mình bị tàn tật, bị ốm yếu, nhỏ con hay mập không? Chắc chắn là không! Bạn có muốn nghe những lời nói yêu thương và êm ái, dịu ngọt hay bạn muốn nghe những lời châm chọc ác ý? Bạn có luôn muốn được làm công chúa và hoàng tử của nước Trời không? Tại sao chúng ta không dùng những lời dịu ngọt cho người khác? Đó là đức bác ái đấy bạn ạ! Ngày nào lòng ta không có đức bác ái thật sự, ngày ấy ta còn rất xa nước Trời.

Hy vọng những lời chia sẻ này sẽ giúp các nạn nhân được an ủi vì các bạn không phải là người duy nhất bị phỉ báng. Còn nếu bạn là người chuyên châm chọc người khác thì nên rút ra một bài học xử thế.

Xin các bậc thầy nhắc nhở học trò và con cháu là đừng bao giờ hạ nhục người khác vì những hòn đá mình ném đi sẽ có sức phản hồi, ném vỡ mặt mình và tương lai mình.


Lời Chúa trong Tin Mừng Thánh Luca 6:36-38 viết: “Phải có lòng nhân từ (Mt 7:1-2)

36 "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."

Kim Hà, 23/5/08

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
CN810: Chúa Biến Đổi Tôi (6/23/2008)
CN809: Hãy Khuyến Khích Và Khen Ngợi (6/23/2008)
CN808: Bà Giáo Cứu Vớt Người Tù Trẻ (6/23/2008)
CN807: Tấm Lòng của Vị Thánh (6/23/2008)
CN806: Cầu Nguyện Là Gì? (6/23/2008)
Tin/Bài cùng ngày
CN917: Tình Cảm Gia Đình Thiêng Liêng (6/23/2008)
CN916: Đặc Sủng Tiếng Lạ (6/23/2008)
CN915: Chúa Chữa Lành Tâm Hồn Tan Vỡ (6/23/2008)
CN914: Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong (6/23/2008)
CN913: Dành Thì Giờ Quý Báu Cho Con (6/23/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768