MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: cảm nghiệm vinh danh chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
CN909: Thân Phận Người Tị Nạn Tại Thái Lan
Thứ Hai, Ngày 23 tháng 6-2008
LNĐ: Đây là lời tường thuật của bà Nguyễn Thị T. H. , một thuyền nhân rời Việt Nam vào năm 1981. Hiện nay gia đình bà Hương đang cư ngụ tại thành phố Santa Ana, California.

“Sau năm 1975, chồng tôi vì là sĩ quan của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa nên bị tù và đã chết trong nhà tù “cải tạo”. Qua nhiều năm buôn bán cực khổ , tôi đã gửi người con trai thứ hai đi vượt biên với người quen. Dần dần, tôi gửi thêm người con thứ nhất đi chung với em trai tôi. Lần này, tôi đi vượt biên với người con trai út 9 tuổi.

“Chuyến thuyền của tôi đi gồm có 109 người tị nạn Việt Nam Mọi người chen chúc nhau nằm ngồi trên khoang thuyền và dưới sàn thuyền. Người tài công nói được tiếng Thái và tiếng Cambodia (tức là tiếng Miên). Khi ra ngoài khơi thì anh ta khai thật rằng anh không biết lái thuyền, sở dĩ anh ta nói dối là biết lái thuyền vì muốn đi miễn phí. Nghe anh ta nói vậy thì ai cũng run sợ vì không có người rành nghề lái thuyền thì khổ cho cả nhóm.

Chúng tôi đi được một ngày thì thuyền chết máy nên cứ trôi bập bềnh theo dòng nước như một lá tre giữa biển Đông. Lúc ấy, lòng tôi nóng cồn cào như lửa đốt vì lo sợ đủ điều. Tôi vừa sợ thuyền của mình gặp hải tặc Thái Lan, vừa sợ thuyền bị chìm, vừa sợ thuyền trôi giạt lại vào bờ biển Việt Nam.

Buổi tối mà con thuyền của tôi cứ trôi lênh đênh ở giữa đại dương là một kinh nghiệm đáng sợ. Bầu trời không trăng sao, tối đen như mực, không ai có thể định hướng được. Vào ban ngày thì tôi nhìn chung quanh chỉ thấy sóng nước mênh mông, không thấy bờ bến. Tàu bè qua lại khá nhiều nhưng họ không muốn cứu vớt thuyền của chúng tôi. Vì thế, ai ai trên thuyền đều cầu nguyện sốt sắng. Ai theo đạo nào thì cầu nguyện với Đấng Bề Trên của đạo ấy, riêng tôi thì lúc nào cũng cầu nguyện bằng chuỗi tràng hạt Mân Côi. Tôi bàn với mọi người là hãy cầu xin các linh hồn người tị nạn đã chết trên biển để họ phù giúp cho mình. Khi lên bờ bình an thì xin lễ cầu cho họ, còn ai theo đạo khác thì lập đàn cầu siêu cho họ.

Ngày hôm sau có một chiếc tàu đến gần thuyền chúng tôi. Đoàn thủy thủ trên tàu nói bằng tiếng Thái, may là trong thuyền có người hiểu tiếng Thái nên họ dịch ra rằng:

“Hễ cho chúng tôi nhẫn vàng thì chúng tôi sẽ dẫn đường đi!”

Nghe họ hứa nên mọi người trên thuyền của tôi rất vui mừng. Ai nấy đều hân hoan cởi chiếc nhẫn vàng trên tay ra và đưa cho những người trên chiếc tàu kia. Sau đó, họ tặng cho nhóm chúng tôi một chảo đựng cháo và cá khô, rồi họ lấy dây cáp buộc thuyền của chúng tôi vào tàu của họ và kéo đi.

Đi được ít lâu thì họ đặt tấm bảng có hình chiếc đầu lâu nơi phía đuôi của tàu họ. Thế rồi họ cắt đứt dây cáp, tách rời tàu của họ với thuyền của chúng tôi, làm cho thuyền chúng tôi lại trôi nổi vô định. Ai nấy đều thất vọng và buồn bã.

Trong tình thế nguy cấp ấy, tôi bèn hô hào mọi người hãy sốt sắng cầu nguyện để xin ơn Trên cứu vớt. Quả nhiên, Chúa và Đức Mẹ Maria đã nhậm lời cầu xin. Sau khi cầu nguyện được một chút thì bỗng một phụ nữ la lớn:

“Sắp đến bờ rồi, bà con ơi!”

Lúc ấy, vì đang ngồi dưới sàn thuyền nên tôi thò đầu lên và hỏi vặn người phụ nữ ấy:

“Tôi đâu có thấy bờ bến gì mà chị lại nói là sắp đến rồi? Chị căn cứ vào đâu mà nói như vậy?”

“Tại vì tôi thấy đàn chim vừa bay qua. Kinh nghiệm cho biết là gần đến bờ thì thấy đàn chim xuất hiện!”

Vừa nói bà ta vừa chỉ tay về phía trước. Quả thật, tôi thấy xa xa có một nóc chùa cao chót vót. Thế là mọi người trên thuyền nhốn nháo hẳn lên vì vui mừng. Một điều lạ là chiếc thuyền của chúng tôi vì chết máy nên cứ trôi bập bềnh, vậy mà thuyền trôi được vào bờ biển Thái Lan, nơi ở gần trại tị nạn Liêm Xinh.(?)

Khi thuyền chúng tôi vừa tấp vào bờ thì có một đám linh Thái cao lớn đến và bắt đầu lục xét trong người chúng tôi để cướp vàng bạc. Họ chia 109 người tị nạn ra thành nhiều nhóm. Đàn ông ở riêng, phụ nữ ở riêng, trẻ con ở riêng. Họ lục xét để cướp vàng bạc. Họ thừa cơ để nắn bóp và xâm phạm tiết hạnh các phụ nữ, dù rằng lúc ấy ngay giữa ban ngày và có đông dân chúng đứng chung quanh. Trong số người tị nạn có nhiều thiếu nữ trẻ đẹp nên các người lính Thái cứ giơ tay và ra dấu hiệu với nhau:

“Số một, số hai, số ba…”

Đó là cách họ đánh giá tùy theo mức độ đẹp nhất, đẹp nhì, đẹp ba… của các thiếu nữ. Tôi đoán rằng họ ngắm nhìn và tuyển chọn các người đẹp để rồi đến đêm thì họ sẽ đưa đi hãm hiếp. Do đó, tôi khuyên các thiếu nữ hãy tìm cách làm cho vẻ mặt mình xấu và lem luốc để được an toàn.

Khi người tị nạn được phép vào các nhà sàn thì ai nấy quá mỏi mệt nên họ nằm dài xuống trên nhà sàn để ngủ nghỉ, chẳng ai còn sức để mà thức đêm canh giữ cho các thiếu nữ được an toàn. Đêm hôm ấy, có một thiếu nữ người tị nạn trong nhóm tôi bị lính Thái bắt đi hãm hiếp. Cô ta than khóc thảm thiết. Cô kêu cha, kêu mẹ, ông bà, cô bác nhưng không một ai dám phản đối hành động của bọn lính thổ phỉ ấy. Tiếng khóc ai oán của cô gái làm cho mọi người đau đớn và ứa lệ.

Còn tôi cũng bị một tên lính Thái khác nắm tay kéo đi. Vì quá sợ hãi nên tôi nhẩy ngay vào giữa một gia đình gồm hai vợ chồng và 4 con nhỏ. Tôi ôm ngay hai em nhỏ vào lòng và nói to:

“Nín đi con ơi, nín đi con ơi!”

Vừa nói, tôi vừa nhéo cho hai cháu nhỏ khóc để làm nản lòng người lính Thái đang muốn bắt tôi đi. Quả nhiên, hắn ta chán ngán bỏ đi. Thế là tôi thoát nạn. Tôi cảm tạ Chúa và Mẹ Maria đã cứu giúp và che chở cho mình.

Đến sáng hôm sau, khi cô gái tị nạn Việt Nam được thả ra thì mặt mũi cô bị bầm tím, thân xác rã rời. Vừa về đến lều trại thì cô ấy ngã ngay xuống đất như một cây chuối bị đốn ngã. Từ đó, cô cứ khóc lóc mãi.

Ngày hôm ấy, chúng tôi vội vàng nhờ người liên lạc với đại diện hội Cao Úy Liên Hiệp Quốc ở một trại tị nạn gần đấy. Chúng tôi mong được đến trại tị nạn càng sớm càng tốt để tránh nạn hãm hiếp và cướp bóc.

Đang lúc cả nhóm quá lo lắng thì bỗng nhiên có một phụ nữ vội vã đến thăm nhóm chúng tôi. Bà ta cho biết rằng gia đình bà là người Việt Nam nhưng đã sinh sống ở Thái Lan lâu ngày. Lúc ấy, bà đang làm việc để giúp đỡ người tị nạn Việt Nam. Bà ta khuyên chúng tôi nên gom góp tiền khoảng 200 đô la để thuê xe buýt đi đến trại ngay vì khoảng cách từ đó đến trại tị nạn khoảng 10 cây số. Nếu không đi ngay thì có khi phải chờ đợi đến 1, 2 tuần lễ mới có nhân viên Cao Ủy đến đón, mà càng ở lâu thì càng sợ. Do đó, chúng tôi gom góp được đủ số tiền và nhờ bà ấy thuê xe buýt cho chúng tôi sang trại tị nạn.

Nhờ sự cứu giúp của người phụ nữ Việt Nam này mà nhóm 109 người trong thuyền của chúng tôi được sang trại sớm. Tới nơi, tôi đốc thúc những người đàn ông biết tiếng Anh để họ báo cáo cho Cao Uỷ về hành động đốn mạt của lính Thái đối với nhóm chúng tôi. Tuy nhiên, ai cũng cầu an và sợ hãi nên không chịu hành động. Rốt cuộc, tôi và mấy người phụ nữ khác phải lên văn phòng Cao Ủy để báo cáo hành động tồi bại của những người lính Thái. Những người tị nạn đi cùng thuyền với tôi còn dọa tôi rằng:

“Chị coi chừng đó! Nếu chị báo cáo mà cô gái ấy chối phăng đi vì cô ta mắc cở thì kẹt cho chị lắm đấy!”

Mặc kệ, họ hèn nhát kệ họ, tôi vẫn giữ vững lập trường là phải báo cáo với Cao Ủy để họ thi hành kỷ luật với lính Thái. Nếu làm như vậythì may ra những người tị nạn Việt Nam đến sau sẽ không bị đối xử tồi tệ như thân phận của nhóm chúng tôi.

Người lập biên bản là một người Âu Mỹ nhưng lại nói tiếng Việt Nam rất giỏi. Ông ta tìm thêm 3 nhân viên khác để phỏng vấn cô gái đã bị hãm hiếp và gia đình cô. Ai nấy đều bị cách ly, không được liên lạc với nhau trong khi được phỏng vấn. May cho tôi là gia đình cô và cô ấy đều khai y như sự thật mà tôi đã báo cáo. Cuối cùng, những người lính Thái dã man ấy đã bị thi hành kỷ luật.

Khi đã ở trại tị nạn rồi thì có một đêm, những người lính Thái vô kỷ luật say rượu và đến lều của những thiếu nữ để bắt cóc một thiếu nữ tị nạn đi hãm hiếp, trong lúc cô này đang đứng nói chuyện với một thanh niên tị nạn khác.

Sau khi cô ta bị bắt đi thì anh thanh niên vội vàng nhảy từ ngoài qua cửa số và nằm lặng thinh, không dám kêu cứu cho cô ta. Tuy nhiên, em gái của cô ấy vội vàng chạy qua lều tôi để nhờ tôi cầu cứu. Thế là hai chúng tôi chạy từ lều này đến lều khác để hối thúc những người tị nạn khác lên trình với viên sĩ quan Thái Lan trưởng trại và xin ông ta giải cứu cho cô gái tị nạn kia.

Khi cả nhóm lính Thái và người tị nạn Việt Nam đến giải cứu cho cô gái thì gặp cô ta đang ngồi với ba người lính Thái. Về sau, cô ta kể rằng:

“Trong lúc ba người lính ấy bàn tán với nhau bằng tiếng Miên về việc hãm hiếp thì tôi hiểu được tiếng Miên nên lên tiếng năn nỉ họ tha cho tôi. Họ giật mình khi nghe tôi nói tiếng Miên. Họ hỏi rằng tôi có phải là người Miên không. Tôi nói dối rằng tôi là người Miên. Rồi tôi cứ kiếm cách kéo dài câu chuyện để mong có người đến cứu. Cũng may, nhờ vậy mà tôi thoát được nguy hiểm. Thật ra, ba tôi là người Trung Hoa, còn mẹ tôi là người Việt Nam. Gia đình tôi có xe đò chạy từ Sàigòn đến Nam Vang nên tôi biết tiếng Miên.”

Theo kinh nghiệm của nhiều người tị nạn kể lại thì lính Thái có thiện cảm với người dân Miên và dân Lào nhưng họ rất có ác cảm với người dân Việt. Do đó, hễ nghe ai nói được tiếng Miên thì họ không làm hại. Tội nghiệp cho thân phận người tị nạn Việt Nam!

Tôi nghĩ cuộc đời người tị nạn Việt Nam có lắm nỗi đắng cay, nhục nhắn, nhưng nếu người mình không thương xót và bênh vực đồng bào thì ai sẽ cứu họ? Tôi rất buồn trước thái độ an phận và bàng quan của một số người mệnh danh là trí thức ở trong nhóm 109 người đi cùng thuyền với tôi.

Tuy nhiên, tôi luôn cảm tạ Chúa và Mẹ Maria vì nhóm chúng tôi được đến nơi an toàn và nhanh chóng. Dù thuyền bị hư máy, dù mọi người bị cướp bóc, dù gặp bọn lính Thái vô kỷ luật hành hung, nhưng không ai trong thuyền bị chết cả. Tạ ơn Chúa!”

Kim Hà, 21/5/2008

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
CN810: Chúa Biến Đổi Tôi (6/23/2008)
CN809: Hãy Khuyến Khích Và Khen Ngợi (6/23/2008)
CN808: Bà Giáo Cứu Vớt Người Tù Trẻ (6/23/2008)
CN807: Tấm Lòng của Vị Thánh (6/23/2008)
CN806: Cầu Nguyện Là Gì? (6/23/2008)
Tin/Bài cùng ngày
CN917: Tình Cảm Gia Đình Thiêng Liêng (6/23/2008)
CN916: Đặc Sủng Tiếng Lạ (6/23/2008)
CN915: Chúa Chữa Lành Tâm Hồn Tan Vỡ (6/23/2008)
CN914: Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong (6/23/2008)
CN913: Dành Thì Giờ Quý Báu Cho Con (6/23/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768