MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Khoan Dung Hay Không Khoan Dung
Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 4-2009
VietCatholic News (24 Apr 2009)
 
Khoan dung hay không khoan dung

Xưa nay, người ta vẫn cho rằng Kitô hữu và nói chung cánh hữu trong xã hội thiếu lòng khoan dung đối với những nhóm thiểu số, cụ thể nhất là nhóm đồng tính luyến ái. Không điều nào chứng tỏ nhận định ấy sai cho bằng biến cố chọn người đẹp nhất của Mỹ để tham dự giải hoa hậu thế giới năm nay, trong đó Carrie Prejean, hoa hậu California, được chọn là á hâu, còn Kristen Dalton, hoa hậu North Carolina, được bầu là hoa hậu.

Nhì mà hóa nhất

Nhưng theo Michelle Wayland của tờ North Country Times, thì thứ tự trên hiện đang bị “công luận” đảo ngược hẳn lại: Carrie Prejean được nhiều người khắp Hoa Kỳ chú ý hơn Kristen Dalton nhiều. Nguyên nhân: nhờ câu cô trả lời viên giám khảo “đồng tính” Perez Hilton, khi cho rằng hôn nhân dành cho một người đàn ông và một người đàn bà.

Phản ứng của Perez Hilton quả là vũ bão. Anh ta bảo câu trả lời ấy là câu trả lời tệ nhất trong lịch sử cuộc thi người đẹp loại này. Chưa đủ, anh ta còn gọi Carrie Prejean là “con đĩ ngu đần” (dumb bitch). Sau đó, anh ta xin lỗi, nhưng rồi lại hủy bỏ lời xin lỗi ấy bằng cách gọi Prejean là “con điếm Kitô giáo”. Cái lối nhục mạ này không biết chính xác có nghĩa là gì, nhưng rõ ràng không tự nhiên trong lối phát biểu của Hilton vì anh ta chỉ dùng chữ “C” hoa thay vì đọc đầy đủ là Christian, chứng tỏ một tâm thức mặc cảm khi không dám sử dụng bạch thoại. Phải chăng anh ta chỉ muốn bêu xấu chủ trương của Kitô giáo nói chung đối với những người như anh ta? Liên tiếp trong cả tuần lễ nay, anh ta dùng tư trang của mình để tấn công người con gái Kitô hữu này.

Trong khi ấy, theo Michelle Wayland, Carrie Prejean, vẫn ôn tồn trình bày với Matt Lauer trong chương trình “Today” của Đài NBC rằng cô nói bằng cả trái tim cô điều mà cô thực tâm tin từ xưa đến nay: hôn nhân phải là việc giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Prejean có “ngu đần” hay không thì phải hỏi các bạn học và thầy cô của cô tại Vista High School, nơi cô tốt nghiệp năm 2005. Các thầy cô của cô tại đó cho hay cô rất tích cực tại trường và là chủ tịch Ban Đại Diện Học Sinh, đồng thời là thành viên của Câu Lạc Bộ Kitô Giáo và là một cầu thủ đội bóng rổ tại đó. Lời thóa mạ của Hilton vì thế là một bất công, như nhận định của hầu hết các học sinh bạn học của cô được tờ North Country Times phỏng vấn. Riêng Blake McGinness, một học sinh lớp lớn của trường thì cho hay: “Carrie bị trừng phạt vì đã nói sự thật”. Debbie Edmund, vốn điều khiển Ban Đại Diện Học Sinh lúc Carrie còn ở đó, nhận định rằng “Carrie là một thiếu nữ mạnh mẽ có nhiều nguyên tắc và hướng đi trong đời”

Không chính xác về chính trị mà chính xác về Thánh Kinh

Các nguyên tắc và hướng đi trên chắc chắn không chính xác về chính trị nhưng chính xác về Thánh Kinh. Đó là câu trả lời của chính Carrie Prejean trước báo chí. Trong cuộc phỏng vấn với Matt Lauer vừa nói, cô nói rằng: “Đây không phải là vấn đề chính xác về phương diện chính trị; đối với tôi, đó là vấn đề chính xác về phương diện Thánh Kinh”. Mà Thánh Kinh dạy cô phải tha thứ, nên đối với lời thóa mạ của Hilton, cô nói cô vẫn cầu nguyện cho anh ta. Cô cũng cho hay: Chúa muốn thử thách đức tính và đức tin của cô khi bắt cô phải giáp mặt với một câu hỏi như thế từ một con người mà cô biết rõ là người đồng tính cực đoan. “Tôi vui mừng vì đã trung thực với chính mình”.

Nhờ thế, Carrie được nhiều người ủng hộ hơn là chống đối. Theo Dan Giloff, có người còn ca ngợi cô hơn cả mục sư Rick Warren, là người, trong chương trình Larry King gần đây, đã hạ giọng đối với việc trước đây ông ủng hộ luật Tiểu Bang California ngăn cấm hôn nhân đồng tính: “Hoa hậu Cali có thể phát biểu điều cô tin trước mặt hàng triệu người trong khi Warren thì không dám như thế trong chương trình Larry King”. Người ta cũng nhân dịp này đả kích Đảng Cộng Hòa, là Đảng hiện đã từ bỏ chính sách dựa vào hiến pháp để ngăn cấm hôn nhân đồng tính và nhiều vấn đề có tính tranh luận nóng bỏng khác.

Trái lại, một người con gái như Carrie Prejean thì vẫn cương quyết không lui một bước trong việc chống đối hôn nhân đồng tính của mình. Được Matt Lauer hỏi: nếu bây giờ, cô được dịp trả lời lại câu hỏi của Hilton, cô có trả lời khác đi hay không? Cô trả lời: “Không đâu, tôi sẽ không trả lời khác đâu… Dù câu trả lời ấy có thể làm mích lòng nhiều người, tuy tôi không có ý làm mích lòng ai. Vì câu trả lời ấy không phải là vấn đề chính xác về phương diện chính trị. Đối với tôi đó là vấn đề chính xác về phương diện Thánh Kinh”. Cô cho hay: nhiều người như Claudia Jordan, một trong các giám khảo, khuyên cô nên suy nghĩ “lưng chừng” (in the middle), không nên trả lời đặc thù như thế. “Nhưng điều ấy đi ngược lại nguyên tắc của tôi. Khi được hỏi một câu hỏi đặc thù, tôi phải đưa ra câu trả lời đặc thù. Tôi không thể đứng lưng chừng được. Tôi phải dứt khoát giữa hai chọn lựa”. Cô cũng cho Matt Lauer hay cô không hối hận vì đã không về nhất. “Đó không phải là điều Thiên Chúa muốn dành cho đời tôi vào đêm hôm đó”.

Hạnh phúc

Trên Fox News, cô còn cho hay: cô rất hạnh phúc. Lời cô: “điều trên xẩy ra có lý do. Phải trả lời câu hỏi ấy trước mặt khán thính giả toàn quốc, (tôi biết) Thiên Chúa muốn thử thách đức tính và đức tin của tôi. Tôi vui mừng là mình đã duy trì được lòng chân thực đối với chính mình… Tôi biết rõ ông ta hay gây tranh cãi, và câu hỏi của ông ta cũng có tính chất ấy. Trong số các chủ đề học hỏi, tôi sợ chủ đề ấy, tôi vẫn cầu sao cho khỏi bị hỏi về hôn nhân đồng tính. Nếu được hỏi một câu hỏi khác, có thể tôi đã thắng giải rồi… Tuy nhiên, tôi không ân hận gì là mình đã trả lời trung thực. (Perez Hilton) hỏi ý kiến tôi thì tôi cho ông ta biết ý kiến của tôi. Tôi đâu có gì để chống đối người đồng tính, mà tôi cũng không hề có ý định xúc phạm ai trong câu trả lời của mình”.

Có người cho rằng không phải quan điểm riêng của Carrie Prejean về hôn nhân đồng tính khiến cô không giật giải nhất mà là vì cách cô trả lời câu hỏi của Hilton. Câu trả lời ấy không gẫy gọn, có tính ngập ngừng, dùng chữ không chính xác, và hình như không trả lời thẳng câu hỏi của Hilton. Lắm người còn hoạnh họe cách cô gọi hôn nhân khác phái là “opposite marriage”. Nếu có thiếu sót thì cùng lắm chỉ thiếu sót chữ “sex” trong “opposite sex marriage”. Còn chữ “my country” thì đó là niềm tin của cô, hay xác tín của cô, dù cái nước Hoa Kỳ hiện nay có tới 50% người ủng hộ hôn nhân đồng tính. Nhưng con số 50% ấy do đâu mà có, phải chăng chỉ có trong báo chí và những nhà xã hội học ủng hộ hôn nhân đồng tính kiểu cực đoan như Perez Hilton?

Điều ấy, đối với Carrie Prejean không hẳn là điều quan trọng cho bằng việc nói lên niềm tin của cô trong một thế giới và ở ngay diễn đàn lộ liễu nhất của chủ nghĩa thế tục. Trong cuộc phỏng vấn của Fox News, khi được hỏi cô nghĩ sao, nếu bây giờ người ta tước bỏ cả chức hoa hậu California của cô. Cô trả lời: “nếu họ tước bỏ chức hoa hậu của tôi, thì điều đó tốt thôi. Nếu các ông nghĩ tôi không xứng đáng đại diện cho Tiểu bang California theo cách các ông muốn, thì tốt thôi. Tôi nghĩ tôi sẽ vẫn trung thực với chính mình và đó mới là điều Hoa Hậu California nên làm; Hoa Hậu California phải được quyền có các ý kiến riêng của mình, và được quyền nói lên các ý kiến ấy”

Đồng quan điểm

Đọc những giòng trên, nhiều độc giả tán đồng với Carrie Prejean. Rob Roy chẳng hạn cho rằng anh sẽ rất vui nếu người ta quyết định tước bỏ chức hoa hậu Cali của cô. Bởi điều đó chỉ làm cô thành công hơn trong sự nghiệp của mình và điều ấy cũng chứng minh cho người ta thấy ai mới là người bất khoan dung thực sự. Michael Fenske thì nhận định: điều ấy làm anh nhớ tới Hoàng Hậu Esther trong Thánh Kinh: bà được vinh quang nhờ “những thời điểm như thế này” lúc sự thật cần được nói lên, bất chấp mọi đe dọa.

Một người ký tên Gish cho rằng Carrie Prejean hoàn toàn đúng. Chỉ có 4 tiểu bang cho phép người ta muốn lấy ai thì lấy. Carrie có ý kiến riêng và cô phát biểu ý kiến ấy ra. Anh thực sự qúy trọng người thiếu nữ này hơn nhiều người khác, nhất là những cô gái Cali cao ngạo của phong trào chính xác về chính trị. Đúng là một cô gái can đảm… một người đẹp có suy nghĩ và thực sự có ý kiến riêng của mình. Shannon Hayes viết rằng: Perez Hilton yêu cầu cô cho ý kiến. Câu hỏi của anh ta có hai cách trả lời. Ý kiến của cô không ủng hộ ý kiến của anh ta. Vậy thì đâu có gì sai khi cô ta nói lên các niềm tin của mình. Melissa nói huỵch toẹt: đây là một sự kỳ thị chống lại niềm tin cá nhân và tôn giáo của người ta. Người con gái này có quyền kiện anh ta. Điều này cũng là một cái nhục cho cộng đồng đồng tính nói chung. Lòng khoan dung và lòng yêu thương mà cộng đồng này thường ‘rao giảng’ chứng tỏ họ không bao giờ thực hành chúng.

Kevin thì tự hỏi: tại sao các nhà tổ chức giải hoa hậu Mỹ lại không lên tiếng phản bác những lời lẽ khiếm nhã của Perez Hilton. Liệu có người đàn ông nào khác được phép nói những lời ấy về một người đàn bà nữa không? Pat thì cho Perez Hilton là một “đưá con trai hư đốn. Hắn nên trở lại căn nhà hầm của mẹ hắn. Đừng có đặt câu hỏi nếu không chịu đựng được sự thật. Tôi xin hoan hô Hoa Hậu California vì câu trả lời của cô. Chúng ta cần nhiều người như cô dám nói thật lòng mình hơn là dối trá để được chính xác về chính trị".

Điều lạ là các phản ứng của độc giả nhật báo “MX” ngày 23 tháng Tư, dành cho công nhân cổ trắng của Sydney, tất cả là 6, nhưng tất cả 6 phản ứng ấy đều ủng hộ Carrie Prejean hay ít nhất không về phe với Perez Hilton. Anthony khuyên Perez Hilton nên trưởng thành hơn chút nữa, vì mọi người đều có quyền phát biểu ý kiến riêng. Tuy Chad không hẳn ủng hộ Carrie, nhưng đối với anh Hilton cũng “ngu đần” chẳng kém. Jason bảo: liên hệ đồng tính thì còn được, chứ hôn nhân thì không thể vì hôn nhân là của một người đàn ông và một người đàn bà. George cho hay: không sao, Carrie. Mất hoa miện, nhưng cô được lòng nhiều người. Một độc giả ký tên “Democracy” viết: “gửi Perez Hilton: bây giờ tôi đã rõ ai mới là người có cái nhìn kỳ thị. Những người như Hoa Hậu California có quyền tự do ngôn luận. Đàng khác, tôi không hiểu được tại sao việc phát biểu ý kiến chống lại một điều phạm pháp tại 48 trong số 50 tiểu bang của Hoa Kỳ và tại khắp các tiểu bang của Úc lại có thể bị dán nhãn hiệu là “quan điểm của thời ăn lông ở lỗ”.

Vấn đề khoan dung

Đúng như nhận định của một tư trang gia (blogger): vấn đề liên hệ đến chiến dịch bôi lọ những người kỳ thị đồng tính (homophobia) nằm ở chỗ khuynh hướng 'nguy hại' này chẳng có liên hệ gì tới bất cứ cái ác nào cả. Hầu hết những người bị kết tội là “kỳ thị đồng tính” thực ra đều là những công dân hòa nhã, tuân theo luật pháp, đối xử với những người đồng tính một cách lịch sự và lịch thiệp. Chính phe tả mới là người thuyết phục để người đồng tính chịu tin rằng họ đang bị áp bức bởi sự thiếu khoan dung và thiên kiến của các công dân khác. Trong khi đó, thì trên thực tế, gần như không thể nào chứng minh được sự kiện người đồng tính đang bị áp bức. Bởi một lẽ đơn giản: thu nhập hàng năm của các gia hộ đồng tính, tính theo bình quân đầu người, vượt xa thu nhập của phần lớn gia hộ những người dị phái có con cái; càng không có cái thứ áp bức do những người dị phái kỳ thị tạo ra.

Thiết tưởng, nhân dịp này, nên đọc lại bài viết của Jennifer Roback Morse đăng trên tờ National Catholic Register, số ngày 8-14 tháng Sáu, năm 2008, tựa là “Same-Sex ‘Marriage’ and the Persecution of Civil Society” (Hôn nhân đồng tính và việc bách hại xã hội dân sự).

Theo Morse, những người vận động cho hôn nhân đồng tính thường cho rằng hình thức này là một bước tiến của lòng khoan dung và tôn trọng. Tuy nhiên, các khai triển gần đây cho thấy cái nhìn ấy rất đáng hoài nghi. Vì việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính không phải là một chính sách có thể tự đứng một mình, mà tùy thuộc mọi hoạt động khác của quốc gia. Một khi chính phủ nhìn nhận loại hôn nhân này cũng giá trị như các lọai hôn nhân dị tính khác, thì họ phải bênh vực và áp đặt một loạt các thay đổi khác có tính xã hội.

Bất hạnh thay, các thay đổi này thường đi ngược lại nhiều quyền tự do thông thường khác, trong đó có tự do tôn giáo cũng như quyền tư hữu. Rõ nhất là việc ‘bách hại’ các cơ quan bác ái Công Giáo tại Boston. Tổng giáo phận này buộc phải đóng cửa các chương trình nhận con nuôi của mình, vì tiểu bang Massachusetts nằng nặc đòi các cơ quan nhận con nuôi tại tiểu bang phải cho phép các cặp đồng tính được nhận con nuôi. Gần đây, một tổ chức Methodist ở New Jersey bị mất một phần tư cách giảm thuế của mình chỉ vì đã từ khước không cho 2 cặp đàn bà lấy đàn bà được sử dụng cơ sở của mình để cử hành ‘hôn lễ’. Ở Québec, một trường học Mennonite được thông báo phải tuân theo học trình chính thức của tỉnh bang, là học trình có dạy về đồng tính luyến ái, coi nó như một lối sống thay thế. Theo phúc trình mới nhất, giáo hội Mennonite dự tính sẽ rời bỏ tỉnh bang hơn là để tỉnh bang áp đặt thứ học trình đó lên con em của mình. Và gần đây, một nhiếp ảnh viên đám cưới ở New Mexico đã bị Ủy Ban Nhân Quyền của tiểu bang tra vấn, vì bà không chịu chụp hình cho một đám cưới ‘đồng tính’. Bà nhất định không chịu làm vậy.

Cái khuôn mẫu nằm dưới các biến cố ấy là điều không thể lầm lẫn được. Hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính sẽ khiến nhà nước phải quy định các lãnh vực khác của xã hội. Vấn đề ấy thường được trình bày như là vấn đề tự do tôn giáo. Điều ấy có đúng, nhưng vấn đề không phải chỉ là tự do tôn giáo.

Douglas Farrow, giáo sư Đại Học McGill, trong cuốn “A Nation of Bastards” (Một Quốc Gia Con Hoang), viết rằng: định nghĩa lại hôn nhân sẽ cho phép chính phủ ‘thực dân hóa’ toàn bộ xã hội dân sự. Nếu các cặp đồng tính có thể cưới nhau, thì họ phải có quyền nhận con nuôi. Bất cứ ai nói ngược lại là hành động chống lại chính sách nhà nước. Nếu các cặp đồng tính có thể tổ chức đám cưới, thì từ chối không cho họ sử dụng cơ sở họ muốn để tổ chức hôn lễ là kỳ thị bất hợp pháp. Khi nhà nước bảo: các cặp đồng tính cũng có giá như các cặp dị tính, thì học trình của nhà trường không thể nào không hỗ trợ chủ trương ấy.

Hôn nhân giữa những người đàn ông và đàn bà có trước chính trị, một định chế xã hội tự nhiên xuất hiện. Người đàn ông và người đàn bà đến với nhau để sinh sản con cái, một cách độc lập chẳng cần một chính phủ nào. Nhiệm vụ chăm sóc những đứa con đó vốn đã hiện hữu ngay cả khi chưa có một chính phủ hay một trật tự chính trị nào.

Hôn nhân che chở con cái cũng như sở thích của mỗi cha mẹ trong các dự án chung nhằm nuôi dưỡng những đứa con đó. Vì hôn nhân là một thành phần hữu cơ của xã hội dân sự, nên việc lành mạnh là duy trì nó với tối thiểu sự hỗ trợ của nhà nước. Ngược lại, hôn nhân đồng tính hoàn toàn do nhà nước sáng chế ra. Các cặp đồng tính không thể có con cái. Nên một ai đó phải cho họ đứa con hay ít nhất một nửa ‘nguyên liệu’ di truyền để tạo ra đứa con ấy. Nhà nước phải tách quyền phụ tử của một cha mẹ dị tính ra và đem tháp quyền đó vào một cha mẹ thứ hai thuộc cặp đồng tính. Tóm lại, nhà nước phải sáng chế ra quyền làm cha mẹ cho cặp đồng tính ấy. Còn đối với các cặp dị tính, nhà nước chỉ cần nhìn nhận quyền làm cha mẹ ấy.

Trong tiểu luận “The Meaning of Marriage” (ý nghĩa của hôn nhân), Seana Sugrue cho rằng nhà nước phải chiều chuộng và che chở hôn nhân đồng tính một cách mà hôn nhân dị tính không bao giờ đòi hỏi. Chính vì các phối hợp đồng tính không giống như hôn nhân dị tính, nên nhà nước mới phải can thiệp buộc người ta phải tin rằng (hay ít nhất buộc người ta phải hành động như thể tin rằng) hai loại hôn nhân nhân đó có giá trị như nhau.

Các trường công lập tại California chẳng bao lâu nữa sẽ được yêu cầu phải “thân hữu với người đồng tính” (gay friendly). Một nữ bác sĩ từng bị kiện ra tòa vì đã từ chối không chịu thi hành một vụ cấy tinh trùng nhân tạo cho một cặp đàn bà lấy đàn bà. Một tư thục gặp rắc rối vì đã phạt hai nữ sinh hôn nhau. Tất cả đều nhân danh là để hỗ trợ quyền của các cặp đồng tính được “bình đẳng” với các cặp dị tính.

Sự kiện các cặp dị tính và đồng tính khác nhau về nhiều phương diện quan yếu có nghĩa là sẽ luôn luôn có cơ sở cho nhà nước vươn dài cánh tay của mình tới nhiều lãnh vực tư riêng trong đời sống người dân. Có lẽ một số người sẽ đồng ý với việc đóng cửa các cơ quan nhận con nuôi của Công Giáo vì người Công Giáo đáng bị như thế: kẻ thù của Giáo Hội đông quá mà. Cũng có thể chẳng có ai quan tâm tới Đạo Methodist, nên họ cũng chẳng thèm để ý đến việc Giáo Hội này mất đi tư cách giảm thuế của mình. Nhưng còn người Mennonite thì sao? Đây là những người chẳng xúc phạm đến ai trên quả địa cầu này. Họ chủ hòa cả hàng mấy thế kể qua. Sự hiện diện của họ tại đây, tại Bắc Mỹ này, là một bằng chứng cho thấy sức mạnh trong các lý tưởng khoan dung và đa nguyên tôn giáo của ta, theo nghĩa hay nhất của các từ ngữ. Vậy mà nay, nhân danh sự bình đẳng của các cặp đồng tính, họ đang bị đuổi khỏi Québec. Có lẽ bạn nghĩ rằng người ta có đủ quyền dân sự tự nhiên muốn lấy ai tùy ý chọn. Nhưng bạn có thực sự bắt mình phải tin rằng chụp hình đám cưới là một quyền dân sự hay không? Có lẽ bạn tin rằng các cặp đồng tính có quyền có con, một cách nào đó. Nhưng một bác sĩ bất cứ nào đó mà họ gặp được có buộc phải cấy tinh trùng cho họ không?

Những người bênh vực cho hôn nhân đồng tính nằng nặc cho rằng việc đổi mới của họ chỉ là một đổi mới nho nhỏ không đáng kể: đây chỉ là việc nới rộng hôn nhân để bao hàm cả những người hiện đang bị loại ra ngoài. Nhưng cái giá của hôn nhân đồng tính là việc rút ngắn lòng khoan dung đối với bất cứ người nào khác, và là việc mở rộng quyền lực của nhà nước.

Không lạ gì, một người như Perez Hilton dám công khai thóa mạ Carrie Prejean mà không sợ bị đụng tới một cọng lông chân và cả cái cơ quan đứng ra tổ chức việc tuyển người đẹp Mỹ Quốc đi tham dự giải Hoa Hậu Thế Giới năm 2009 cũng trơ trẽn đưa một người như Hilton vào làm giám khảo mà không hề sợ bị liên lụy.
 
Vũ Văn An
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Có Chúa Trong Cuộc Đời Là Có Bình An (4/25/2009)
Bình An Cho Các Con (4/25/2009)
Dấu Chỉ Thực Sự Biết Đức Giêsu (4/25/2009)
Suy Niệm Chúa Nhật 3 Phục Sinh (4/25/2009)
Thông Điệp Mẹ Ngày 25/4/2009 Cho Thị Nhân Marija (4/25/2009)
Tin/Bài cùng ngày
Làm Chứng Cho Biến Cố Phục Sinh (4/24/2009)
Vi Tu Do Chung Toi Phai Ra Di (4/24/2009)
Dem Tha Huong (4/24/2009)
Slideshow: Chúa Nhật 3 Phuc Sinh (4/24/2009)
Những Cuộc Bách Hại Ðạo Thời Chúa Nguyễn (4/24/2009)
Tin/Bài khác
Chúa Chữa Lành Hồn Xác, Tập 2 (4/22/2009)
Khi Tôn Trọng Thiên Chúa Là Con Người Tôn Trọng Chính Mình.. (4/22/2009)
30/4 : Vinh Danh Người Lính Chiến Viêt Nam Cộng Hòa (4/22/2009)
Sức Mạnh Của Lời Nói Còn Hơn Bom Nguyên Tử! (4/22/2009)
Hội Nghị Kỳ I-2009 Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (4/22/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768