MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Sứ Mạng Cứu Độ Của Hội Thánh (đọc Lại Một Bài Giảng)
Thứ Tư, Ngày 27 tháng 5-2009
VietCatholic News (26 May 2009)
 
Trong việc khảo sát Thánh Phaolô Tông đồ năm kỷ niệm dành riêng cho ông, chúng ta Sứ mạng cứu độ của Hội Thánh (Đọc lại một bài giảng)

Bài sách Công vụ Tông Đồ 16, 22-34) được Phụng vụ chọn đọc trong thánh lễ ngày thứ Ba tuần VI mùa Phục sinh mới đây, kể về hai ông Phaolô và Sila bị tống vào ngục vì rao giảng Đức Giêsu Kitô; khoảng nửa đêm hai ông cất tiếng ca hát ngợi khen Thiên Chúa, tiếng hát vang đến nỗi các tù nhân khác đều nghe được cả. Rồi bỗng có động đất mạnh làm cho các cửa tù mở toang và xiềng xích tất cả các tù nhân buột tung ra; viên cai ngục choàng dậy thấy cảnh tượng đó thì rút gươm định tự tử vì tưởng các tù nhân đã trốn hết, nhưng ông Phaolô can lại: “Đừng làm càn! Chúng tôi còn cả đây mà!”. Viên cai ngục bảo thắp đèn, nhảy bổ vào, run rẩy sấp mình xuống dưới chân hai ông Phaolô và Sila, rồi đưa hai ông ra ngoài và nói: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu độ?”...

Nghe bài đọc này, tôi nhớ lại một ý tưởng rất hay trong bài giảng của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm tại lễ tấn phong giám mục giáo phận Ban Mê Thuột vừa qua, đó là: người bị giam cầm chưa chắc đã không còn tự do, và kẻ ở ngoài, thậm chí kẻ bắt giam và kẻ canh giữ người khác không đương nhiên là người tự do. Thế là tôi muốn tìm đọc lại bài giảng ấy một cách kỹ lưõng hơn. Và vì tôi gặp thấy vài tư tưởng của Đức Cha Phêrô trong bài giảng có những ý giống với tư tưởng của ĐGH Bênêđíctô và ĐGH Gioan-Phaolô II, nên tôi chọn thử đọc lại bài giảng trong viễn tượng của các ngài. Dĩ nhiên, đây chỉ là những suy nghĩ khởi đầu, không phải bài nghiên cứu.

Bài giảng của Đức Cha Phêrô với đầu đề “Bước đi trong Thần Khí” (Gl 5,16), là một bài “giải thích-suy gẫm” về đoạn sách ngôn sứ Isaia: “… Người sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa”. Đoạn sách này khá quen thuộc với người Kitô hữu và cũng rất nổi tiếng bởi vì đã được chính Chúa Giêsu “bình luận” vào lúc Người bắt đầu rao giảng công khai, Người tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (x.Lc 4,18-21). Giống như nhiều bài giảng khác của Đức Cha, nghe nói bài giảng này cũng đã được cộng đoàn phụng vụ trực tiếp đón nhận nồng nhiệt, và sau khi được đưa lên mạng, vẫn gây được sự chú ý của nhiều người.

Vấn nạn khởi đầu

Phần đầu, tác giả nêu một thắc mắc không hề mới mẻ, trái lại từ xưa tới nay đã không ngừng được nêu lên trong suốt dòng lịch sử, và không phải chỉ bởi những người ngoài Kitô giáo: Chúa Giêsu đã làm cho lời ngôn sứ Isaia nên ứng nghiệm ở chỗ nào? Tuy Người đã rao giảng, đã làm một số việc cứu giúp người đau khổ--người bệnh, người tàn tật, người đui mù, người đói khát, người bị khinh dể, loại trừ, v.v.--và hơn nữa, Người còn làm cho một vài người chết sống lại, nhưng bấy nhiêu có thấm thía gì giữa bể khổ của con người, chỉ riêng trong đất nước của Người mà thôi, nói gì đến cả nhân loại! Quả thực thì có lúc quần chúng cũng đã phấn khởi đi theo Người, thậm chí còn muốn bắt Người tôn phong làm vua của họ. Nhưng cuối cùng, chính Người đã bị bắt, bị xiềng, bị đánh đập, bị treo trên thập giá và đã chết. Mọi kỳ vọng xem ra đã hoàn toàn tan thành mây khói.

Dù Giáo Hội tuyên xưng Đức Giêsu đã phục sinh và nay vẫn sống, vẫn tiếp tục công trình cứu độ con người qua Giáo Hội, nhưng vấn nạn trên vẫn còn, và thậm chí có vẻ còn gay gắt hơn. Trong tác phẩm Muối Cho Đời, Đức Bênêđitô XVI, lúc còn là Hồng y Joseph Ratzinger, đã phải trả lời cho thắc mắc: “Có thực là thế gian được cứu rỗi? Có thể gọi những năm sau Đức Kitô là những năm của ơn cứu độ không?” (Muối Cho Đời, tr 215.). Chính ĐGH Gioan-Phaolô II trước đó, cũng đã gặp câu hỏi: “Lịch sử cứu độ đã ra sao sau hai ngàn năm Kitô giáo?” (x. Bước qua ngưỡng cửa của Hy vọng, bản tiếng Anh, New-York 1994, tr 50-63, 102).

Vấn nạn mà Đức Cha Phêrô nêu lên, xét trong cơ bản không khác vấn nạn mà Đức Gioan-Phaolô II và Bênêđích XVI phải đối diện.

Vậy Đức Cha Phụ Tá Sài-Gòn đã trả lời như thế nào?

Thế nào là mù và mất tự do?

Câu trả lời của Đức Cha Phêrô nằm trong phần thứ II của bài giảng và cốt ở cách “đọc lại” (tức hiểu hoặc giải thích) những lời ngôn sứ Isaia. Bài giải thích tập trung vào hai cặp từ (hay hai cặp khái niệm) đối chọi nhau của đoạn Kinh Thánh: mù đối lại với sáng, ngục tù (hay bị giam cầm) đối lại với tự do. Điều có vẻ nghịch lý là người mù có khi lại là người sáng và người sáng lại là kẻ mù; cũng thế, người bị giam trong ngục có khi lại tự do và ngược lại,--tùy theo người ta hiểu mỗi từ (hay ý niệm) trên theo nghĩa “vật chất” (thể lý, bề ngoài, hữu hình) hay “tinh thần (“bề trong”, sâu xa và vô hình). Cụ thể:

Mù thể lý: một khuyết tật của thể xác khiến người ta bị bịt kín khỏi ánh sáng mặt trời và không nhìn thấy thế giới bên ngoài;

Mù “tinh thần” theo 3 cấp độ: tri thức (“như khi ta nhìn một sự kiện, một biến cố mà không rõ ngọn nguồn sự việc vì thiếu hiểu biết”), tâm lý (là “cố chấp” khiến ta tuy “mở mắt thật to để nhìn mà vẫn không thấy được cái tốt của người khác”), và tâm linh (ví dụ “nhiều khi ta nhìn rõ thế giới vật chất nhưng lại không thấy mối tương quan giữa thế giới này và Đấng tạo dựng nên nó”).

Ngục tù vật chất, với song sắt cửa sắt hay hàng rào kẽm gai, lính gác … Nó “chỉ có thể giam hãm thân xác con người chứ không thể giam hãm tự do tinh thần của con người”. Hiểu như một giá trị tinh thần, không thể giam hãm suy tư và cảm xúc, tắt một lời, đời sống.

Ngục tù vô hình: Rất lắm lúc người ta không hề bị giam cầm, thậm chí coi mình hoàn toàn tự do trong một số hành động nào đó (như sống buông thả, làm bất cứ điều gì mình thích, v.v.), nhưng kỳ thực họ là “nô lệ” và bị “tha hoá” nặng vì tự giam hãm mình trong những ngục tù vô hình là: đam mê dục vọng, ham muốn quyền lực, hận thù, ích kỷ, phe nhóm và dối trá. Đức Cha Phêrô nhận xét: chính vì chưa được giải thoát khỏi những thứ ngục tù vô hình như thế nên có những người khi “bị giam giữ trong nhà tù với hàng kẽm gai vây bọc” thì chỉ mong được tự do, nhưng một khi đã được tự do, chính họ lại dựng nên những nhà tù khác để giam giữ đồng loại và để bảo vệ “cái gọi là tự do của mình”. Câu này có thể khiến người nghe (hay người đọc) “khoái chí” khi suy diễn theo một cách nào đó. Nhưng cũng nên gắn nó với ví dụ tác giả nêu lên ngay sau đó về ông Nelson Mandela, vị anh hùng dân tộc Nam Phi: “khi bước chân ra khỏi nhà tù đã giam giữ ông suốt 30 năm, ông tự nhủ: nếu tôi còn giữ hận thù với những tên cai ngục, thì tôi vẫn còn bị giam giữ, chưa trở thành người tự do thực sự”. Nghĩa là tác giả vẫn muốn đưa “tự do” lên độ cao hoặc ở chiều sâu của thực tại con người mà Chúa Giêsu muốn cứu chuộc, hơn là dừng lại ở một cách hiểu bề ngoài nào.

Lời Kinh Thánh ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu

Cách hiểu về sự mù loà và ngục tù như trên giúp ta hiểu rõ hơn Chúa Giêsu làm cho lời ngôn sứ Isaia được nên ứng nghiệm như thế nào. Đức Cha Phêrô nói:

Chúa Giêsu và chỉ có Chúa Giêsu là ánh sáng để trong ánh sáng đó, ta có thể nhìn thấy chân tướng của sự vật và của đời người. Ánh sáng đó là ánh sáng chân lý và chỉ khi sống trong chân lý, ta mới có tự do đích thực”. “Chúa Giêsu không giải thoát con người khỏi những ngục tù bằng hàng kẽm gai nhưng giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ và tha hoá sâu xa nhất, và chúng ta cần đến ơn giải thoát đó. Chúng ta cần đến ơn giải thoát đó ngay giữa một thời đại phát triển tri thức khoa học đến mức cao nhất”.

Ở đây tôi đặt thêm câu hỏi: Tình trạng nô lệ và tha hoá sâu xa nhất đó là gì? Chắc hẳn là tội lỗi. Thánh Gioan quả quyết: “Ai phạm tội, ấy là một kẻ nô lệ” (Ga 8,34). Còn Thánh Phaolô thì viết trong thư gởi tín hữu Galát: “Chính là để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Gốc rễ sâu xa của mọi tội lỗi là lòng con người: “Từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, vô lương tri” (x Mc 7,21-22). Còn theo cách nói của Thánh Phaolô, gốc rễ đó là tính xác thịt vốn thù nghịch với Thiên Chúa, chống lại Thần Khí của Chúa: “Anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt” (Gl 5,13). Luật của Thần Khí là luật của Tự Do, mang lại tự do, còn luật của xác thịt là luật của Nô Lệ, đưa con người vào tròng nô lệ. Hai luật đó luôn kình địch nhau: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Những việc do tính xác thịt gây nên, thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, hận thù, bất hoà, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy… Tôi nói cho mà biết: những kẻ làm những điều đó sẽ không được hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5,16.19-21). Còn “hoa quả của Thần Khí là: bác ái, vui tươi, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,22-24). Vậy ai sống theo Thần Khí mới là kẻ tự do.

Đó là thứ tự do mà Chúa Giêsu mang tới, đó là thứ tự do mà con người của thời đại khoa học kỹ thuật cao nhất thời nay lại càng cần đến. Quả thật, khoa học kỹ thuật đã mở rộng quyền lực thống trị của con người trên thiên nhiên vạn vật, nhưng con người lại đang bị đe doạ bị đè bẹp bởi chính sức mạnh của mình (ví dụ, ta hãy nghĩ tới vấn đề môi sinh, vấn đề vũ khí nguyên tử, các vấn đề đạo đức sinh học, cái gọi là cuộc cách mạng tình dục …). Các ý thức hệ lạc quan của thế kỷ 19 và thế kỷ 21 lần lượt sụp đổ hết, các hứa hẹn “cứu thế” nối tiếp nhau tan vở khiến con người càng loay hoay không biết tiến về đâu. Con người của nền văn minh kỹ thuật thống trị nhiều thứ bên ngoài, nhưng không làm chủ nổi cõi lòng mình. Nó tưởng rằng phải loại trừ Thiên Chúa, chối bỏ chiều kích siêu việt, tâm linh ra khỏi thế giới và cuộc nhân sinh thì nó mới được tự do, tự lập và thể hiện chính mình cách sung mãn. Nhưng như công đồng Vatican II và nhiều vị giáo hoàng thời nay từng nhận xét, lịch sử đã cho thấy khi làm như thế, nền văn minh hiện đại xây dựng trên những tiến bộ vượt bậc đã gia tăng không ngừng quyền lực của con người và cung cấp cho họ đủ thứ của cải hưởng thụ, nhưng không làm cho họ “khôn ngoan” hơn, tự do hơn, triển nở hơn trong “tính người” và hạnh phúc hơn, mà ngược lại mới đúng.

Giáo Hội đã làm được gì trong là sứ mạng được trao phó?

Sứ mạng của Giáo Hội không nằm ngoài sứ mạng của Chúa Giêsu, tức là “loan báo Tin Mừng cho người nghèo, cho người mù được sáng mắt, cho kẻ bị giam cầm được tha, trả tự do cho người bị áp bức”. Nói cách khác, đó là sứ mạng “cứu độ thế gian”. Nhưng sứ mạng chung đó được giao – một cách ưu tiên và đặc biệt--cho các giám mục là những người kế vị các thánh Tông Đồ, và cho các linh mục, những cộng sự viên trực tiếp của giám mục. Đức Cha Khảm khai triển phần cuối cùng này của bài giảng để trực tiếp đưa vào ngày lễ phong chức giám mục. Tôi không đi theo ngài trong phần này nữa, mà quay lại với vấn nạn khởi đầu: từ khi Giáo Hội đảm nhận trách nhiệm tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu đến nay, ơn cứu độ đã tiến triển tới đâu? Có thực là thế gian đã được cứu độ không? Hay là Kitô giáo thực ra là vô hiệu? Đó là đại khái những câu hỏi đã được các ký giả đưa ra phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô năm 1993, và Hồng Y Joseph Ratzinger năm 1996, khoảng 9 năm trước khi được bầu làm giáo hoàng. Và cả hai nhà phỏng vấn đều dựa vào tình hình chẳng mấy lạc quan của Giáo Hội và thế giới ngay chính trong thế kỷ 20, như: người Kitô hữu càng ngày càng trở nên thiểu số, chiến tranh, hận thù, chia rẽ, bạo lực, tội ác … không giảm mà còn tăng khốc liệt hơn.

Tôi xin tóm tắt mấy ý chính trong các câu trả lời của Đức Gioan-Phaolô II và Hồng Y Ratzinger, cộng sự viên gần gũi và đắc lực của ngài.

Không thể đánh giá tiến bộ hay thoái lùi ở đây bằng số lượng, vì ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa, không phải là một thực thể có định lượng và do đó không thể tính toán, đo lường, thêm bớt.

Thứ đến, ơn cứu độ luôn gắn liền với tự do của con người; Thiên Chúa muốn cứu độ con người nhưng vẫn tôn trọng tự do của họ; ơn cứu độ là một ân ban nhưng Chúa chờ đợi con người phải cộng tác vào. Vì thế, nói theo Hồng y Ratzinger, nó mang tính mạo hiểm; nó không bao giờ được áp đặt từ bên ngoài vào, hoặc được xây dựng kiên cố với một cơ cấu vững chắc, nhưng nó được đặt trong một chiếc bình dễ vở, đó là tự do của con người. “Cho nên trong một mức độ nhất định, nó vẫn có thể bị tan vỡ”. Và “một khi ta muốn và chấp nhận Thiên Chúa tôn trọng tự do của ta, ta cũng phải học tôn trọng và quý chuộng tính cách mong manh trong hành động của Ngài” (Men Trong Bột, 217 và 218).

Loan báo Tin Mừng nhằm đổi mới con người tự bên trong, hoán cải cùng lúc lương tâm cá nhân và tập thể của con người, hoán cải đời sống, sinh hoạt và hoàn cảnh của họ, bằng cách đem ân sủng và tinh thần Phúc Âm thấp nhập vào mọi thực tại nhân sinh. Thành công của sứ mạng cứu độ, vì thế, cũng không thể định lượng hoá được. Dĩ nhiên, người ta vẫn có thể dựa vào những con số, những thành tựu bên ngoài, nhưng đó có thể là một dấu chỉ, và là dấu chỉ không thật sự hiển nhiên.

Nhưng có điều chắc chắn là Kitô giáo đã đưa tới những chuẩn mực, những giá trị mới, tác động tích cực trên lịch sử và cuộc sống nhân loại, đặc biệt những giá trị liên quan tới con người, chẳng hạn: phẩm giá con người và sự bình đẳng căn bản giữa mọi người, tình yêu như giá trị cao nhất, ý nghĩa cuộc sống và niềm tin tưởng mãnh liệt vào sự chiến thắng cuối cùng của sự Thiện. Những giá trị đó cũng tạo nên một lực chống lại sự Dữ thường xuyên và mạnh mẽ… Trong thời buổi xáo trộn hiện nay, Giáo Hội làm hết cách để “duy trì cái cốt lõi làm nên con người, làm cho con người sống còn, bảo vệ phẩm giá của con người. Giáo Hội cần giữ vững điểm này và mở đường cho con người hướng lên cao, hướng về Thiên Chúa, vì sứ mạnh hoà bình trên dương thế chỉ đến từ nơi cao đó” (Men Trong Bột, 220). ĐGH Gioan-Phaolô II cũng nhấn mạnh: “Mọi thời và mọi nơi Tin Mừng sẽ vẫn là một thách đố đối với sự yếu đuối của con người. Nhưng tất cả sức mạnh của nó nằm chính trong thách đố này. Có lẽ một cách vô thức, con người chờ đợi một thách đố như thế; quả vậy, con người cảm thấy cái nhu cầu nội tâm phải vượt lên trên chính mình. Chỉ bằng cách vượt lên chính mình như tế mà con người trở thành sung mãn là người” (Bước Qua Ngưỡng Cửa của Hy Vọng, bản Anh ngữ, tr. 104).

Để kết luận

Trên đây, tôi nhìn sứ vụ loan báo hồng ân cứu độ ở mức sâu xa hay cao siêu của nó, mà tôi nghĩ bài “Bước đi trong Thần Khí” muốn nhắm tới, cho dù có một vài kiểu nói có thể được hiểu là liên quan tới những hoàn cảnh thực tế. Nhưng như thế không có nghĩa là tôi cho rằng ơn cứu độ không liên quan gì tới xã hội, tới các công cuộc “trần thế” của con người. Đã đến lúc tôi phải trích dẫn một đoạn của Hồng Y Ratzinger:

Ta cũng phải nhìn nhận rằng Kitô giáo đã luôn toả ra một tình nhân ái dạt dào. Những gì Kitô giáo đã mang vào lịch sử thật đáng kể […] Đúng thế, chỉ qua Kitô giáo mà hệ thống chăm sóc bệnh nhân, cưu mang người yếu kém và cả một hệ thống tổ chức từ thiện đã hình thành. Cũng nhờ Kitô giáo, mới phát sinh sự tôn trọng con người trong mọi hoàn cảnh. Một sự kiện lịch sử đáng ghi nhận: sau khi chấp nhận Kitô giáo, việc đầu tiên hoàng đế Contantinô thấy phải thi hành, là cải tổ luật lệ, chọn ngày chủ nhật làm ngày nghỉ cho mọi người và nô lệ được hưởng một số quyền lợi (…)” (sđd, 217).

Người ta vẫn thường trách Giáo Hội rao giảng một sự cứu độ “bề trong”, “thiêng liêng”, không “ăn chung” gì tới cuộc sống cụ thể. Ta thấy lời phê bình đó không phải bao giờ cũng đúng. Thực ra, Giáo Hội thường phải đứng giữa hai chước cám dỗ đối nghịch nhau: một đàng thì muốn dấn thân sâu vào những lãnh vực trần thế--văn hoá, xã hội, chính trị, kinh tế--khi mình được hoàn toàn tự do và có thể “làm chủ”, và như thế dễ biến mình thành một thế lực cạnh tranh với xã hội và quyền bính thế tục; đàng khác, khi phải sống trong một hoàn cảnh gọi là “khó khăn và tế nhị”, Giáo Hội lại dễ dàng rút lui vào lãnh vực “thuần túy” tôn giáo, tránh phải đụng chạm vào những vấn đề thực tế của con người và xã hội”, và trong trường hợp này, Giáo Hội đánh mất hoặc coi nhẹ bổn phận “thăng tiến con người” (toàn diện), vốn là một thành tố của sứ mạng loan báo Tin Mừng, cũng như nhiệm vụ ngôn sứ là phản kháng sự dữ, sự tội dưới mọi hình thức. Dù sao chăng nữa, phận sự chính yếu của Giáo Hội không nằm trong lãnh vực “trần thế”, và sức mạnh của Giáo Hội phải là một sức mạnh tinh thần, một sức mạnh luân lý. ĐGH Gioan-Phaolô II tự hỏi: sức mạnh của Hội Thánh nằm ở đâu?, và ngài tự trả lời: “ Đương nhiên, qua các thế kỷ, ở phương Tây cũng như phương Đông, sức mạnh của Giáo Hội đã nằm trong bằng chứng (chứng tá) của các thánh, nghĩa là của những ai đã làm cho chân lý của Đức Kitô trở thành chân lý của chính mình, đã đi theo con đường là chính Đức Kitô và đã sống bằng sự sống phát xuất từ Đức Kitô trong Thần Khí” (sđd, 176).

Ngày 20-5-2009

Lm. Nguyễn Hồng Giáo, Dòng Phanxicô
 
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
"các Con Hãy Nhận Lấy Thánh Thần..." Đgm. Nguyễn Văn Khảm (5/29/2009)
“anh Em Hãy Nhận Thánh Thần” (5/29/2009)
Ơn Biết Kính Sợ Chúa Còn Có Hợp Thời Không? (31/5/2009) (5/29/2009)
Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần (31/5/2009) (5/29/2009)
Yêu Là Cho Đi (5/29/2009)
Tin/Bài cùng ngày
Bình An Giữa Chốn Phong Ba (5/27/2009)
Để Họ Tất Cả Nên Một (5/27/2009)
Sách Tháng Đức Bà (5/27/2009)
Sách Tháng Đức Bà-ngày 27 (5/27/2009)
Một Sư Bà Và Ảnh Áo Đức Mẹ Carmelô (5/27/2009)
Tin/Bài khác
Có Những Hòn Đá (5/26/2009)
Quyền Năng Vô Song Của Mẹ Maria (5/26/2009)
Sách Tháng Đức Bà-ngày 26 (5/26/2009)
Sự Hiện Diện Của Người Vắng Mặt (5/26/2009)
Kinh Nghiệm Đời Sau (5/26/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768