MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Tiến Trình Toàn Cầu Hóa
Thứ Ba, Ngày 6 tháng 4-2010

Tiến trình toàn cầu hóa

Vấn đề thời sự hiện nay đang trực tiếp liên quan đến hầu như tất cả chúng ta, xét về phương diện tôn giáo cũng như phương diện xã hội, đó là vấn đề toàn cầu hóa. Trong hai thập kỷ vừa qua, nhân loại càng ngày càng xích lại gần nhau hơn, càng trở nên hầu như một gia đình vĩ đại; trái đất càng ngày càng được „thu nhỏ lại“.

Biên giới các quốc gia hầu như đã biến mất, và nhờ vào sự cộng tác – dù muốn hay không – càng ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia với nhau, qua mạng điện toán Internet và thị trường tài chính quốc tế, thế giới ngày nay đã trở nên bé nhỏ hơn và gần gũi hơn. Và từ diễn tiến đó, các tổ chức quốc tế tuần tự được nảy sinh để liên kết các quốc gia lại với nhau một cách chặt chẽ hơn: Đứng đầu là tổ chức Liên Hiệp Quốc (UNO) và các Ủy ban quốc tế của nó, tổ chức y tế thế giới (WHO), tổ chức thương mại thế giới (WTO), Tổ chức quỹ tiền tệ thế giới (IMF), tổ chức liên minh cảnh sát quốc tế (Interpol), v.v…

Diễn tiến của sự phát triển ấy, một vấn đề gây nên nhiều thách đố mới cho nhân loại, được gọi theo ngôn ngữ chuyên môn là toàn cầu hóa. Trong Thông điệp về các vấn đề xã hội „Bác Ái trong Chân lý“ (Caritas in veritate) của ngài, ĐGH Bênêđíctô XVI cũng đã nhấn mạnh đặc biệt đến chủ đề này.

Trong những dòng sau đây, chúng ta thử phân tích một cách tổng quát về hiện tượng thời sự nóng bỏng này. Đồng thời thử tìm hiểu đâu là vai trò và sứ mệnh của Giáo Hội Công Giáo cũng như của tất cả mọi tín hữu trong tiến trình toàn cầu hóa này.

1.      Ý niệm toàn cầu hóa

Trong tự điển yếu lược, cụm từ „toàn cầu hóa“ được định nghĩa là „sự tập trung và sự xúc tiến việc cộng tác với nhau vượt lên trên biên giới các quốc gia, một hiện tượng nối kết một cách thực tiễn, hay theo điều kiện khả dĩ, tất cả các cá nhân, các định chế và các quốc gia lại với nhau thành một cơ cấu hỗn hợp của những phụ thuộc hỗ tương, nhưng thường bất quân bình.“  Nhìn dưới phương diện thực tiễn, hiện tượng đó có nghĩa là thế giới luôn tự thu nhỏ lại, biên giới các quốc gia dần dần được xóa bỏ và nhân loại thuộc các chủng tộc, các màu da, các ngôn ngữ, các nền văn hóa cũng như các tôn giáo khác nhau trên khắp thế giới cùng sống chung và gần gủi nhau, tựa hồ như trong một thôn làng vĩ đại vậy.

Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, hiện tượng toàn cầu hóa hầu như chỉ mới có tác dụng cụ thể trong lãnh vực kinh tế và một số lãnh vực khác, chứ chưa được thực hiện trong toàn diện tất cả các lãnh vực của cuộc sống nhân loại, nhất là trong lãnh vực xã hội.

2.      Các nguyên nhân của tiến trình toàn cầu hóa

Tiến trình toàn cầu hóa không xảy ra một cách tình cờ ngẫu nhiên, nhưng đã được phát triển một cách đều đặn và liên tục. Nếu nhìn từ bên ngoài, tiến trình toàn cầu hóa tuy không xảy ra một cách ngoạn mục, nhưng lại rất có hiệu quả.

Ba nguyên nhân sau đây đã dẫn đưa cộng đồng các quốc gia trên thế giới càng ngày càng sát cánh và gần gủi nhau một cách nhanh chóng:

a)     Sự sụp đổ của khối các nước theo chế độ độc tài cộng sản tại các nước Đông Âu, trong đó có Nga Sô, cách đây hơn 20 năm về trước, đã chấm dứt tình trạng đối đầu căng thẳng và đầy đe dọa giữa hai thế giới: thế giới tự do và thế giới cộng sản, mà người ta gọi là „chiến tranh lạnh“ và đã dẫn tới một hiệu quả tất yếu là thế giới nhân loại đã tiến sát lại gần kề nhau hơn. Nhất là ảnh hưởng mỗi ngày mỗi lớn mạnh của các nước miền Đông Á đã xâm nhập dư luận và quan niệm quần chúng Tây phương.

b)     Tiếp đến, sự tiến bộ trong lãnh vực thuộc kỹ thuật truyền thông đại chúng đã đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình toàn cầu hóa, đã thu ngắn khoảng cách thời gian và không gian lại. Tất cả các biến cố xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới, thì chỉ vài ba phút sau đó mọi người ở trên khắp các lục địa đều được thông báo. Ví dụ: cuộc chiến Vùng Vịnh giữa Hoa Kỳ với các đồng minh và I-rắc vào năm 1991, tất cả thế giới đều có thể theo dõi và chứng kiến mọi chi tiết rùng rợn và phản nhân bản của một cuộc chiến ngay tại phòng khách nhà mình. Tương tự như thế, vào ngày 11.9.2001 toàn thể nhân loại đã phải nghẹt thở mục kích tận mắt vụ bọn khủng bố Hồi giáo lái hai chiếc máy bay đâm thẳng vào hai tòa nhà thương mại thế giới tại New York và phá hủy bằng địa hai tòa nhà ấy kèm theo cái chết đầy đau đớn của trên 3.000 sinh mạng vô tội và sự tổn thất nặng nề khôn lường về vật chất. Một vụ khủng bố khủng khiếp nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và cthế giới.

c)     Những cải tổ chính trị tại các quốc gia nói chung và tại các nước theo chế độ độc tài cộng sản nói riêng đã mang lại thành quả tích cực là sự tự do hóa lan tràn trên khắp thế giới và qua đó đã góp phần vào việc đơn giản hóa sự lưu chuyển tư bản quốc tế và việc làm sai lệch các thị trường tài chính vào giữa thập niên tám mươi của thế kỷ XX, đã dẫn tới một sự bùng nổ nhanh chóng sự giao dịch tài chính trên khắp thế giới. Dưới cái nhìn thực tiễn, người ta nhận thấy tư bản quốc tế đã vượt lên trên các biên giới. Chúng ta chắc hẳn đã nhận thức được một cách rõ ràng sự tác động nguy hiểm của hiện tượng ấy qua cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế hiện nay. Ví dụ: nếu kỹ nghệ xe hơi ở Nhật Bản bị khủng hoảng, thì ảnh hưởng của nó sẽ tác động mạnh mẽ dây chuyền trên thị trường lao động tại các nước Âu Mỹ cũng như trên khắp thế giới. Điều đó đã minh chứng cho thấy rằng các quốc gia trong thế giới ngày nay, dù muốn hay không, đều bị ràng buộc và lệ thuộc vào nhau. Và sự lệ thuộc hỗ tương ấy ẩn chứa trong mình cả hai phương diện: tích cực và tiêu cực, vâng, vừa là một lợi điểm vừa là một khuyết điểm. Vì thế, người ta có thể nói được rằng tiến trình toàn cầu hóa là một diễn tiến mở.

  3.      Toàn cầu hóa là một diễn tiến mở

Trong những thập niên vừa qua, tiến trình toàn cầu hóa phát triển nhanh chóng đã gây nên một cuộc tranh cãi sôi nổi về những ưu-khuyết điểm đi kèm theo (về vấn đề này chúng tôi sẽ bàn tới trong một bài viết sắp tới).

Cho tới thời điểm hiện tại, các hậu quả của tiến trình toàn cầu hóa đã được biểu lộ rõ ràng trong lãnh vực kinh tế. Nhiều nhà chuyên môn về kinh tế đã đòi hỏi là tiến trình toàn cầu hóa cần phải được thực hiện trong cả lãnh vực xã hội nữa, chứ không chỉ dừng lại trong lãnh vực kinh tế mà thôi.

Trong bài giảng dịp lễ Chúa Hiển Linh trong năm vừa qua, ĐGH Bênêđíctô XVI đã cảnh báo trước những hậu quả của tiến trình „toàn cầu hóa cẩu thả phóng túng“. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh là rất có thể tiến trình toàn cầu hóa sẽ không dẫn tới một trật tự mới trên thế giới, nhưng hoàn toàn ngược lại: „Những tranh chấp về quyền bá chủ trong lãnh vực kinh tế và lòng tham lam những tài nguyên nhất định đã gây khó khăn cho công việc của những người dấn thân kiến tạo một thế giới công bình và liên đới“.

Qua đó, sự tiếp tục phát triển của tiến trình toàn cầu hóa đối với nhiều quan sát viên có thể được coi là một tiến trình mở trong cả hai chiều hướng (tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực). Và như ĐGH Bênêđíctô XVI đã nhấn mạnh trong Thông điệp „Bác ái trong chân lý“ (x. 42), sự phát triển của tiến trình toàn cầu hóa sẽ tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực, đều tùy thuộc vào cách thức con người thực hiện nó.

4.      Giáo Hội Công Giáo và tiến trình toàn cầu hóa

Dựa theo sự hiện diện được trải rộng trên khắp các Châu lục, trên các quốc gia, các dân tộc và các nền văn hóa, Giáo Hội Công Giáo có thể được coi là một đơn vị tiền phong trong tiến trình toàn cầu hóa. Chính trong Thánh Kinh, sứ mệnh truyền giáo phổ quát mà Đức Kitô Phục Sinh đã trao phó các Môn Đệ của Người đã đặt nền tảng cho tiến trình toàn cầu hóa: „Các con hãy đi đến với các dân tộc và hãy làm cho tất cả mọi người trở thành môn đệ của Thầy; hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần“ (Mt 28,19). Cả trong thần học thánh Phaolô cũng ẩn chứa quan niệm về tiến trình toàn cầu hóa. Trong thư gửi thánh Giám Mục Ti-mô-thê-ô, thánh nhân viết: „Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý“ (1Tm 2,4). Thật vậy, tiến trình toàn cầu hóa đã được khởi động và đã được phát triển một cách thuận lợi, nhanh chóng và đúng đắn trong Giáo Hội Công Giáo.

Ngày nay, trong diễn tiến ấy, Giáo Hội Công Giáo luôn tìm cách thực thi sứ mệnh của mình là bênh vực cho các giá trị nhân bản chân chính, như: phẩm giá con người, sự liên đới xã hội và sự công bình, là những yếu tố nền tảng cho một cuộc sống mang đầy đủ tính chất nhân bản của nó. Thật vậy, qua các giáo huấn về xã hội, Giáo Hội Công Giáo đã đóng góp phần cơ bản trong công cuộc xây dựng một xã hội nhân loại thực sự nhân bản, trong phạm vị quốc gia cũng như quốc tế.

Hơn 100 cuộc tông du tại các quốc giá khác nhau của Đức cố GH Gioan Phaolô II cũng như các hoạt động mục vụ không mệt mỏi của ngài trong công việc bênh vực nhân phẩm và các quyền lợi của tất cả mọi người, nhất là của những người nghèo và những người sống bên lề xã hội trên khắp thế giới không phân biệt màu da hay sắc tộc, là một mẫu gương điển hình cho một tiến trình toàn cầu hóa chân chính, cho một „thế giới đại đồng“ đúng nghĩa, trong đó mọi biên giới phân ly (hận thù, ghen ghét, kỳ thị, v.v…) đều bị xóa bỏ, mọi dân tộc cùng sát cánh cộng tác với nhau và tất cả mọi người đều là công dân bình đẳng của một thế giới đại đồng chân chính, đều là „tứ hải giai huynh đệ“, đều là bốn bể anh em một nhà.

Nhưng tiến trình toàn cầu hóa chỉ thành công, nếu nó được đồng hành bởi những lời cầu nguyện và sự liên đới của mọi người. Như ĐGH Bênêđíctô XVI đã viết trong Thông điệp về xã hội „Bác ái trong chân lý“ (số 2): tình yêu là là con đường chính yếu của các giáo huấn về xã hội của Giáo Hội Công Giáo.

Bởi vậy, một điều hết sức quan trọng là toàn bộ sự phát triển trong tương lai của tiến trình toàn cầu hóa cần phải được đính kèm theo lời cầu nguyện cho các nhà chính trị và cho những người giữ vai trò quyết định trong xã hội. Do đó, chính khi Giáo Hội, các cộng đoàn dân Chúa, các Dòng Tu và các Kitô hữu thành tâm cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới và cho sự cộng tác chân thành giữa các quốc gia, là lúc họ đã chu toàn được sứ mệnh của mình. Vâng, tất cả mọi người chúng ta đều có bổn phận trong công cuộc kiến tạo một tiến trình toàn cầu hóa chân chính.

 Lm Nguyễn Hữu Thy

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Bàn Thờ Cho Người Nô Lệ (4/9/2010)
08/04/10 Thứ Năm Tuần Bát Nhật Ps, Lc 24,35-48 (4/8/2010)
Hạt Châu Ngọc (90) (4/7/2010)
07 Tháng Tư - Bình An Trong Tâm Hồn (4/7/2010)
Thứ Tư Tuần Bát Nhật Ps (4/7/2010)
Tin/Bài cùng ngày
Bảy Ngày Đợi Mong (4/6/2010)
Các Ân Huệ Từ Lòng Thương Xót (4/6/2010)
Hãy Rao Truyền Lòng Thương Xót Chúa (4/6/2010)
Đại Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa Vào Chúa Nhật Ngay Sau Lễ Phục Sinh (4/6/2010)
Tin/Bài khác
Tin Mừng Phục Sinh (4/4/2010)
Kinh Chữa Lành Nhờ Chúa Phục Sinh (song Ngữ-bilingual) (4/4/2010)
Tôi Đã Xem Thấy Chúa Phục Sinh (4/4/2010)
Toả Sáng Niềm Tin (4/4/2010)
Dấu Chỉ Phục Sinh (4/4/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768