MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Tân Giáo Hoàng Sẽ Nhìn Về Hướng Nào?
Thứ Sáu, Ngày 15 tháng 3-2013

Tân Giáo Hoàng sẽ nhìn về hướng nào?

Giáo hoàng Francis I khi còn là Hồng y Jorge Bergoglio

Trái ngược với nhiều dự đoán, Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, Tổng Giám mục Buenos Aires của Argentina, được bầu làm Giáo Hoàng và Ngài chọn danh hiệu Francis I, hay Phanxicô Đệ Nhất.

Đức Tân Giáo hoàng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936 tại Buenos Aires, trong một gia đình có năm người con của một công nhân đường sắt gốc Ý.

Ngài gia nhập dòng Tên năm 1958, thụ phong linh mục lúc đã 33 tuổi và làm Giám tỉnh dòng Tên ở Argentina năm 1973. Năm 1998 Ngài được bổ nhiệm Tổng Giám Buenos Aires và ba năm đó, Ngài được thăng hồng y.

Như vậy Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên của Dòng Tên. Ngài cũng là Giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam Mỹ và lần đầu tiên hơn 1000 năm, Giáo hội Công giáo có một vị Giáo hoàng ngoài châu Âu. Hơn nữa, cũng là lần đầu tiên có một Giáo hoàng đến từ các nước đang phát triển.

Ngài cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên chọn danh hiệu Francis. Trong Giáo hội có hai vị thánh lớn mang tên Francis. Một là Thánh Francis Xavier, một nhà truyền giáo thuộc Dòng Tên và người kia là Thánh Francis thành Assisi (hay còn gọi là Thánh Phanxicô Khó Khăn), người sáng lập Dòng Anh em Hèn mọn.

Chính những cái ‘nhất’ này của Ngài sẽ làm cho triều đại Giáo hoàng của Ngài mang nhiều biểu tượng và có thể nói rất thích hợp – cũng như diễn tả được – hoàn cảnh mới của thế giới và sứ vụ của Giáo hội.

Đối với Giáo hội Công giáo, dù người được bầu làm Giáo hoàng đến từ châu Âu hay Bắc Mỹ, hoặc bất cứ một châu lục nào người ấy cũng sẽ là vị lãnh đạo tinh thần, là vị chủ chăn của toàn Giáo hội.

Nhưng với số giáo dân tại các nước châu Âu giảm trong khi đó con số giáo dân tại nước đang phát triển – trong đó có Nam Mỹ, như Brazil và Argentina – càng tăng, việc có một vị Giáo hoàng đến từ một nước đang phát triển sẽ giúp Giáo hội sống và loan báo chứng Tin mừng một cách thiết thực hơn.

Một trong những sứ vụ quan trọng của Giáo hội đó là bênh vực người nghèo, mang niềm vui đến cho những người cùng cực, thiếu thốn, nâng đỡ những người bị bỏ rơi, bị đẩy ra ngoài lề xã hội.

Có một vị Giáo hoàng đến từ một đất nước đang phát triển như Argentina chắc chắn sẽ giúp Giáo hội chu toàn sứ vụ đó tốt hơn.

Lối sống đơn sơ
"
Đức Giáo hoàng Francis là một con người khiêm nhường và đời sống đơn sơ của Ngài chắc chắn sẽ truyền cảm cho nhiều người khác"

Và có thể nói hơn ai hết, Đức Tân Giáo hoàng là hiện thân cho sứ vụ đó và có thể đó cũng là một lý do quan trọng làm các hồng y bầu chọn Ngài lên ngôi Giáo hoàng.

Đúng vậy, Ngài là một người đơn sơ và rất gần với người nghèo. Khi làm Tổng Giám mục Buenos Aires, thay vì đi xe hơi hay để tài xế chở đi, Ngài tự lấy xe bus khi đi làm công việc mục vụ hay viếng thăm người nghèo.

Ngài cũng chọn sống trong một căn hộ đơn sơ và tự nấu ăn cho mình thay vì sống trong một dinh thự dành khang trang được dành cho Ngài.

Được biết khi Ngài được tấn phong hồng y có hàng trăm người Argentina muốn tới Roma để cùng chia vui với Ngài. Nhưng Ngài đã thuyết phục đừng họ đi và dành số tiền mua vé máy bay ấy cho người nghèo.

Cũng vì luôn đứng về phía người nghèo và luôn bảo vệ công lý, chống lại bất công, bất bình đẳng trong xã hội, Ngài không ngại lên tiếng chỉ trích những điều bất công, phi lý.

Theo một bài viết của Mark Rice-Oxley trên nhật báo The Guardian tại Anh, hôm 13/03, năm 2009, Ngài đã chỉ trích chính phủ của Tổng thống Ernesto Kirchner, chồng của Tổng thống hiện tại của Argentina là Cristina Fernández de Kirchner, là xấu xa và bất chính khi để bất bình đẳng tại nước này gia tăng, vì theo Ngài nhân quyền bị vi phạm không chỉ bởi đàn áp mà còn bởi những cơ cấu kinh tế bất công.

Theo bài viết trên La Croix, đấu tranh chống nghèo đói là một trong những cuộc tranh đấu của Ngài vì Ngài coi nghèo đói là một sự vi phạm nhân quyền. Cũng theo bài viết này, trong một đất nước mà đối lập hầu như không tồn tại, Ngài thực sự là tiếng nói duy nhất dám đương đầu với vợ chồng Tổng thống Kirchner – người mà Ngài không ngừng chỉ trích là độc đoán, chuyên quyền.

Giáo hoàng Học viện ở Đà Lạt là cơ sở lớn nhất của Dòng Tên tại Việt Nam

Lên tiếng ngay sau khi Ngài được bầu làm Giáo hoàng, Tổng Giám mục Justin Welby, người đấng đầu Giáo hội Anh giáo, đã nói rắng Đức Giáo hoàng Francis là một mục tử nhân hậu và nổi tiếng là một người luôn dấn thân phục vụ, đấu tranh cho người nghèo ở Nam Mỹ.

Với việc Ngài luôn đứng về phía người nghèo, dám lên tiếng bênh vực họ cũng như chỉ trích chính quyền độc đoán, những bất công trong xã hội, chắc chắn dưới triều đại Ngài Giáo hội sẽ lên tiếng và dấn thân nhiều trong việc xây dựng một xã hội, thế giới bình đẳng, bác ái và huynh đệ hơn.

Được biết, Năm 2001, khi tới thăm một bệnh viện tại Thủ đô Buenos Aires, Ngài đã làm các bác sỹ, y tá ngạc nhiên khi Ngài xin họ nước để rửa chân cho 12 bệnh nhân SIDA và hôn lên chân họ. Cùng lúc đó, Ngài nói với các ký giả có mặt rằng xã hội đang quên những người nghèo và bệnh tật.

Theo Đức Hồng y Cardinal Cormac Murphy-O’Connor, cựu TGM Westminster, Anh quốc, “Đức Giáo hoàng Francis là một con người khiêm nhường và đời sống đơn sơ của Ngài chắc chắn sẽ truyền cảm cho nhiều người khác. Chính cái danh hiệu của Ngài nói lên điều đó”.

Ngay trong lần đầu tiên xuất hiện trên cương vị Giáo hoàng, Ngài đã mời tất cả những ai có mặt tại Đền thờ và Quảng trường Thánh Phêrô cũng cầu nguyện với Ngài, cho Ngài, cho Đức Giáo hoàng Benedict XVI, cho Giáo hội và thế giới.

Ngài nói: “Tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho Ngài [ĐGH Benedict]. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho chúng ta, cầu cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thế giới để có một tình huynh đệ đậm đà hơn”.

Và giờ trước khi ban phép lành cho con chiên của mình cũng như tất cả mọi người có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô, Ngài đã xin mọi người cầu xin Chúa ban phép lành Ngài và cầu nguyện cho Ngài trong im lặng.

Thời gian qua, Giáo hội phải đối diện với không ít những thách đố. Để giúp vượt qua những sóng gió này, hơn bao giờ hết Giáo hội cần có một vị chủ chăn khiêm nhường, thánh thiện như Ngài.
Ảnh hưởng Á châu

Nhà truyền giáo dòng Tên, Matteo Ricci từng làm quan triều Minh ở Trung Quốc

Dòng Tên là một dòng trí thức nổi tiếng thế giới và đã sản sinh ra nhiều nhà thần học lỗi lạc như Henri de Lubac hay Karl Rhaner. Và cũng nhờ thừa hưởng được truyền thống, di sản đó Đức Giáo hoàng Francis I là một nhà trí thức có tư tưởng tương đối độc lập.

Đây cũng là một điểm nổi bật khác nơi Ngài.

Điều này sẽ giúp Ngài mạnh dạn đưa ra những đường hướng mục vụ mới, những thay đổi lớn để nhờ đó Giáo hội có thể sống và loan báo Tin Mừng một cách thiết thực hơn, hữu hiệu hơn.

Việc lần đầu tiên một tu sỹ dòng Tên được bầu làm Giáo hoàng chắc chắn cũng sẽ có không ít tác động đến các nước Á châu, như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ – những quốc gia chịu không ít sự ảnh hưởng của các tu sỹ Dòng Tên.
"
Chắc chắn mối quan hệ giữa Giáo hội và chính quyền cũng như các tôn giáo, tổ chức khác tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ có những thay đổi lớn"

Các tu sỹ Dòng Tên người Pháp hay Tây Ban Nhà là những vị thừa sai đầu đến truyền đạo tại Á châu. Trong đó có Thánh Francis Xavier, người được biết đến như là một nhà truyền giáo lừng danh, đã tới châu Á truyền đạo đầu giữa thế kỷ 16.

Với Việt Nam, không chỉ người Công giáo mà nhiều người khác còn biết đến một tu sỹ dòng Tên khác đó là linh mục Alexandre de Rhodes (hay còn được gọi là cha Đắc Lộ) vì ngài là người đóng góp một phần quan trọng trong việc hình thành chữ Quốc ngữ.

Việc Giáo hội Công giáo được hình thành và phát triển như ngày hôm nay tại các nước Á châu phần lớn nhờ sự đóng góp của các tu sỹ Dòng Tên. Tại những nước như Ấn Độ, Dòng Tên có rất nhiều hoạt động và ảnh hưởng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Tại Việt Nam, trước 1975, các tu sỹ Dòng Tên cũng tham gia nhiều sinh hoạt, sứ vụ như giảng dạy tại Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt và tại các đại học khác hay hoạt động trong lĩnh vực truyền thông xã hội.

Sau biến cố 1975, các hoạt động của Dòng bị giới hạn rất nhiều và chỉ được bắt đầu hồi sinh từ năm 1991.

Với việc Đức Giáo hoàng Francis I là một người đến từ Argentina – một nước có điều kiện kinh tế xã hội, chính trị gần giống với các nước châu Á – và là một tu sỹ Dòng Tên, một dòng tu có nhiều liên hệ với sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội tại châu lục này, chắc chắn mối quan hệ giữa Giáo hội và chính quyền cũng như các tôn giáo, tổ chức khác tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ có những thay đổi lớn giới triều đại của Ngài.

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một người Công giáo hiện sống tại Anh.

Đoàn Xuân Lộc


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Thánh Cha Phanxicô: Lòng Thương Xót Có Sức Biến Đổi Thế Giới (3/17/2013)
Đức Thánh Cha Phanxicô Tiếp Kiến Giới Truyền Thông (3/17/2013)
Đức Thánh Cha Yêu Cầu Các Vị Lãnh Đạo Tại Tòa Thánh Tiếp Tục Công Việc (3/17/2013)
Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô Noi Gương Chúa Giêsu (3/17/2013)
Tân Giáo Hoàng Bỏ Tiền Túi Trả Tiền Khách Sạn (3/16/2013)
Tin/Bài cùng ngày
Đức Thánh Cha Phanxicô Gặp Gỡ Hồng Y Đoàn (3/15/2013)
Tòa Thánh Bác Bỏ Chiến Dịch Ở Argentina Chống Đức Tân Giáo Hoàng (3/15/2013)
Các Tông Đồ Đã Chết Cách Nào & Cái Chết Của Đức Giêsu (3/15/2013)
Giáo Hoàng Danh Dự Benedict Xvi Không Tham Dự Lễ Đăng Quang Tân Giáo Hoàng (3/15/2013)
Tân Giáo Hoàng Phanxicô (3/15/2013)
Tin/Bài khác
Quo Nomine Vis Vocari? Ngài Nhận Danh Hiệu Gì: Phanxicô I (3/13/2013)
Diễn Từ Của Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô Đệ Nhất (3/13/2013)
Đức Hồng Y Bergoglio Được Bầu Làm Tân Giáo Hoàng Phanxicô I (3/13/2013)
Đức Tân Giáo Hoàng Người Nam Mỹ, Đội Ơn Chúa (3/13/2013)
Tiểu Sử Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô Đệ Nhất (3/13/2013)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768