MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Tóm Tắt Phỏng Vấn Radio 215 Năm Dòng Tên Tại Việt Nam
Thứ Tư, Ngày 19 tháng 11-2014

TÓM TẮT PHỎNG VẤN RADIO  215 năm Dòng Tên tại Việt Nam

1. Phỏng vấn : Xin cha giới thiệu một chút về cha và công việc của cha hiện nay ạ.

Fr Quảng trả lời: Tôi là LM Giuse Hoàng Văn Quảng thuộc tỉnh dòng Tên VN. Hin là Giám Đốc Văn Phòng Phát Triển, đặc trách Gia đình I-nhã.

Phỏng vấn : Thưa cha, con được biết năm nay tỉnh dòng Tên VN mừng 400 năm các thừa sai dòng Tên ngoại quốc đến truyền giáo tại VN, xin cha chia sẻ sơ lược về công cuộc truyền giáo của các thừa sai dòng Tên tại Việt Nam.

Fr Quảng trả lời: Ngày 27.09.1540, Đức Giáo Hoàng Phaolô III ban bố trọng sắc Regimini Militantis Ecclesiae thành lập Dòng Chúa Giêsu. Bấy giờ Dòng Tên chỉ là một Đoàn nhỏ (Minima Societas) chỉ có 10 thành viên mà thôi. Mục đích của Dòng là hết lòng phụng sự Thiên Chúa và các linh hồn, trung thành với Hội Thánh trong việc bảo vệ và truyền bá đức tin, và làm mọi sự theo tôn chỉ Cho Vinh Danh Thiên Chúa Hơn (Ad Majorem Dei Gloriam – A.M.D.G.)

Những hoạt động và sứ vụ chính của Dòng Tên tại Việt Nam, từ khi đặt chân đến đất Việt cho tới nay, có thể được phân chia thành ba giai đoạn: [1] Giai đoạn 1615-1773: [2] Giai đoạn 1957-1975: [3] Giai đoạn 1975- Nay (2014)

GIAI ĐOẠN 1615-1773: MỞ ĐƯỜNG TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG VÀ XÂY DỰNG GIÁO HỘI VIỆT NAM

“Dấu vết” Kitô giáo đã có ở Việt Nam vào thế kỷ XVI. Tuy nhiên, có lẽ chỉ vào ngày 18.01.1615, tại Đàng Trong, Vương quốc Chúa Nguyễn, khi ba tu sĩ Dòng Tên đầu tiên là cha Francesco Buzomi người Ý, cha Diologo Carvalho và tu huynh Antónius Dias người Bồ Đào Nha, đặt chân đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) thì Tin Mừng mới “chính thức” được truyền giảng tại Việt Nam, dẫn tới việc thành lập những giáo đòan tồn tại và phát triển cho đến nay.

Tờ biểu đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII ngày 17.07.1640 cho biết số giáo hữu Đàng Trong là 15.000 người. Tới năm 1663, số bổn đạo của Đàng Trong đã lên tới khoảng 50.000 người.

Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes, người Avignon) – người đã có nhiều đóng góp lớn cho công cuộc truyền giáo và cho xã hội Việt Nam, nhất là trong việc hình thành chữ Quốc Ngữ – đã đến và ở lại Đàng Trong một năm rưỡi (từ tháng 12.1624 đến tháng 07.1626) để học tiếng Việt và phong tục tập quán của người Việt, nhằm chuẩn bị cho sứ vụ Đàng Ngoài.

Tháng 3.1627, cha Đắc Lộ cùng với cha Pedro Marques, người Bồ Đào Nha, được gởi đến giới thiệu Tin Mừng cho Đàng Ngoài, Vương quốc Chúa Trịnh. Hai ngài đã tới Cửa Bạng, Thanh Hóa ngày 19/3/1627. Trong hơn ba năm hoạt động truyền giáo ở Đàng Ngoài, hai cha đã rửa tội cho khoảng 5.602 người.

Đến năm 1663, đàng ngoài có khoảng 300.000 bổn đạo và khoảng 300 nhà thờ.

Tháng 5.1630, hai tu sĩ Dòng Tên này vĩnh viễn bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài. Khi về lại Áo Môn, Cha Đắc Lộ làm giáo sư thần học trong vòng 10 năm (1630-1640).

Năm 1639, tất cả các tu sĩ Dòng Tên đều bị Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan trục xuất khỏi Đàng Trong. Trước tình cảnh bi đát này, cha Đắc Lộ được sai đến Đàng Trong  từ 1640-1645.

Ngày 03.07.1645, cha Đắc Lộ vĩnh viễn bị trục xuất khỏi Việt Nam, nơi ngài đã để lại những dấu ấn truyền giáo đậm nét tại Đàng Trong cũng như tại Đàng Ngoài. Khi về đến Rôma, cha Đắc Lộ tích cực vận động Toà Thánh gởi các Giám Mục đến Việt Nam. Ngày 09.09.1659, Toà Thánh đã bổ nhiệm Giám Mục Pallu làm Đại diện Tông Toà tại Đàng Ngoài và Giám Mục Lambert làm Đại diện Tông Toà tại Đàng Trong.

Phỏng vấn: Xin cha cho biết NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG TÊN VÀO XÃ HỘI ĐẠI VIỆT như thế nào?

Fr Quảng: Thưa quý thính giả

Đóng góp lớn nhất của Dòng Tên cho Giáo Hội Việt Nam trong giai đoạn 1615-1773 chính là việc truyền giáo. Ngoài ra, các tu sĩ Dòng Tên còn nỗ lực để đưa Tin Mừng ăn sâu vào đời sống và văn hoá Việt. Đó chính là cố gắng đưa đạo thích nghi, hoà mình vào xã hội Việt Nam.

[1]Chữ Quốc ngữ – Chữ Nôm

Theo cha Đỗ Quang Chinh, S.J., “Có thể nói được, trong các thích nghi của Giêsu hữu ở VN, có một loại mà chúng tôi xin gọi là ‘thích nghi sáng tạo’; chúng tôi muốn nói: Thích nghi để làm ra một cái gì mới lạ đầy tính Việt Nam dù có pha trộn phần nào hình thức Tây phương, đó là chữ Quốc ngữ”

Góp công sáng tạo chữ Quốc ngữ đầu tiên là các thừa sai Dòng Tên ngoại quốc rất giỏi tiếng Việt và các thầy giảng Việt Nam: Cha Pina, Borri, Đắc lộ, Bento Thiện..

Tính đến thế kỷ 19, góp công làm cho hoàn hảo và phổ biến chữ Quốc ngữ là hầu hết các thừa sai Paris và người Việt Nam.

[2]Sử dụng một số các thuật ngữ công giáo

Ngay từ đầu, các tu sĩ Dòng Tên đã cố gắng thích nghi các thuật ngữ công giáo tây phương vào Việt Nam.

- Về cách gọi tên đạo mới và về tên của Thiên Chúa: Đạo Đức Chúa Trời đất. Đó là cụm từ chỉ tôn giáo mới được đưa vào xã hội Việt Nam. Từ đó trở đi, giới công giáo sử dụng cụm từ này, hoặc gọi tắt là Đạo Chúa, Đạo Đức Chúa Trời.

Công thức rửa tội: Tau rữa mầï, nhân danh Cha, và Con, và Su phi ri tô Sang tô. Danh xưng về Chúa Thánh Thần là Su phi ri tô Sang tô.

[3]Cách cử hành các bí tích và sống đạo

Việc cử hành các bí tích có thể gây hiểu lầm, nhất là khi làm những dấu hiệu, cử chỉ bên ngoài. Trong thực tế, các vua quan và dân chúng cáo buộc các thừa sai đã dùng bùa mê, dùng phù phép để mê hoặc họ. Do đó, các Giêsu hữu đã cố gắng thích nghi.

Chẳng hạn, khi rửa tội cho người lớn, nhất là phụ nữ, không xức dầu trên ngực, không cho ăn muối, không xức nước bọt, cũng không hà hơi.

[4]Tôn kính tổ tiên

Tại Việt Nam, trước khi Tin Mừng được giới thiệu, mọi tầng lớp, từ vua quan đến bần dân đều chịu ảnh hưởng nặng nề và sâu xa của Tam Giáo. Tam Giáo đã ăn sâu vào đời sống và tâm thức dân Việt và trở thành truyền thống từ lâu đời, chẳng những về mặt tín ngưỡng, mà còn cả về mặt chính trị, văn học, nghệ thuật, phong tục, tập quán, v.v.

Các tu sĩ Dòng Tên đến truyền giảng Tin Mừng tại Trung Hoa và Việt Nam đều tôn trọng truyền thống này và để cho tín hữu tiếp tục thực hành những nghi lễ cổ kính đó. Tại Việt Nam, các thừa sai Dòng Tên vẫn cho bổn đạo bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên theo tập tục đã có như cúng giỗ, ngay cả việc bày đồ cúng, đốt hương nhang trên phần mộ và các phong tục khác. Các ngài chỉ sửa đổi và lọai bỏ những gì thật sự là mê tín dị đoan và buộc các bổn đạo luôn chỉ tôn thờ một Đức Chúa Trời mà thôi, còn những vị khác, chỉ là tôn kính, tưởng nhớ với lòng hiếu thảo theo tinh thần gia đình, xã hội và dân tộc. Nhưng nhiều nhóm truyền giáo khác, lại cho tất cả những nghi lễ trên là mê tín dị đoan, nên tuyệt đối cấm chỉ các bổn đạo thực hành.

Sự khác biệt quan điểm dẫn tới việc tranh luận và kiện cáo qua Tòa Thánh. Vụ này được biết dưới cái tên De Ritis Sinensibus - Lễ Phép Nước Ngô. Cuộc tranh tụng căng thẳng kéo dài đến hơn 100 năm, kết thúc với việc Tòa Thánh công bố Hiến Chế Ex Quo Singulari năm 1742, cấm chỉ tuyệt đối thực hành các nghi lễ trên. Sự kiện này đã gây tai họa cho việc truyền giáo ở Việt Nam và Trung Hoa, vì nó làm cho người Việt Nam coi việc theo đạo là bất hiếu với tổ tiên, mặc dù điều răn thứ tư của đạo Thiên Chúa (liền sau việc thờ phượng Thiên Chúa) là “thảo kính cha mẹ”.

Mãi đến 187 năm sau, vào ngày 08.12.1939, Huấn Thị Plane Compertum Est, do Bộ Truyền Giáo ban hành, mới cho phép Giáo Hội Trung Hoa và tại các nước lân cận được cúng giỗ … theo phong tục dân sự địa phương.

Riêng tại Việt Nam, ngày 14.06.1965, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới công bố, tại Đà Lạt, một thông báo cho phép cúng giỗ ….

[5]Hội Thầy Giảng

Hội Thầy Giảng được cha Đắc Lộ và Marques thành lập ở Đàng Ngoài ngày 27.04.1630. Sau đó được cha Gaspar d’Amaral củng cố và đưa ra các luật lệ. Hội được lập tại Đàng Trong ngày 31.07.1643, tại Hội An. Các thành viên thuộc Hội này, phải hội đủ 4 điều kiện : ý chí và nhiệt thành phục vụ; trí khôn trung bình và biết chữ Hán; độc thân; trưởng thành.

Các thầy chẳng những là trợ giúp các Giêsu hữu ngoại quốc giới thiệu Tin Mừng, mà còn giúp cho các vị này nói tiếng Việt chuẩn xác hơn, góp ý về những sách viết bằng tiếng Việt và về những quyết định quan trọng.

Hội Thầy Giảng là chiếc nôi, là vườn ươm vun trồng các linh mục Việt Nam tiên khởi.

Phỏng vấn: Xin cha giới thiệu giai đoạn dòng Tên trở lại VN từ 1957 đến nay

Fr Quảng:

GIAI ĐOẠN 1957-1975: TRỞ LẠI VIỆT NAM –  HUẤN LUYỆN TRÍ THỨC VÀ ĐÀO TẠO GIÁO SĨ

[A] CÁC HOẠT ĐỘNG

Ngày 24.05.1957, Dòng Tên chính thức trở lại Việt Nam sau 184 năm vắng bóng (1773-1957).

Các ngài đã mua được một ngôi nhà toạ lạc tại 175B Đường Champagne lúc bấy giờ. Sau đó địa chỉ đổi thành 161 Yên Đổ, Quận 3, Sàigòn, nay là 171 Lý Chính Thắng, Quận 3, TP. HCM. Ngôi nhà này trở thành cơ sở đầu tiên của Dòng Tên khi trở lại Việt Nam.

Năm 1958, cha Ferdinand Lacretelle lên Đà Lạt lập Giáo Hoàng Chủng Viện. Một năm sau, Chủng viện này được đổi tên là Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X. Ban Giáo sư của GHHV gồm các giáo sư thuộc 8-10 quốc tịch khác nhau, hầu hết là tu sĩ Dòng Tên.

Năm 1959 trong khuôn viên của cộng đoàn thánh I-nhã, các cha đã mở Trung Tâm Đắc Lộ. Tính đến năm 1975, trung tâm này đã phát triển thành một quần thể bao gồm một cư xá cho 60 sinh viên, một thư viện lớn với nhiều phòng đọc sánh yên tĩnh cho hơn 1.000 sinh viên tới học hỏi và nghiên cứu. Một trung tâm truyền hình – Truyền hình Đắc Lộ – được thành lập. Thêm vào đó còn có tạp chí Phương Đông và phong trào Hưng Giáo Văn Đông, Gia Đình Nhập Thể, với chủ trương về nguồn dân tộc và sống đạo sâu xa với tâm tình người Việt, đưa Chúa nhập thể vào những tinh hoa của văn hóa đông phương theo tinh thần hội nhập văn hóa của cha Đắc Lộ.

[2] GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN THÁNH PIÔ X ĐÀ LẠT: Trong 19 năm hoạt động (1958- 1977) với 18 khóa học, đã có tất cả 561 học viên.

Số Linh mục: tính đến năm 2008, đã có 316 vị được thụ phong Linh mục.

Số Giám mục: Đã có 15 vị được tấn phong Giám mục.

Phỏng vấn: Thưa cha sau biến cố 1975, dòng Tên VN thế nào?

Fr Quảng

GIAI ĐOẠN 1975 – ĐẾN NAY (2014): HOÀ MÌNH VỚI GIÁO HỘI TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI MỚI

Ngày 30.8.1975, 41 tu sĩ Dòng Tên người ngoại quốc phải rời khỏi Việt Nam. Số tu sĩ Dòng Tên người Việt còn lại vào cuối năm 1975 là 30 người gồm 11 linh mục, 10 học viên, 1 tu huynh, 8 tập sinh và khoảng 15 ứng sinh.

Mùa Chay năm 1976, sau khi cầu nguyện và nhận định chung, Miền Dòng Tên Việt Nam quyết định, theo truyền thống của cha anh năm xưa, tiếp tục sống hòa mình vào xã hội Việt Nam mới.

Ngày 12.12.1980 biến cố xảy ra tại Trung Tâm Đắc Lộ đã đặt cho Miền Dòng Tên Việt Nam những thách đố không nhỏ, cả về nhân sự lẫn cơ sở hoạt động. Người và cơ sở vật chất: tất cả chẳng còn gì. Nhưng bàn tay yêu thương và quyền năng của Chúa lại được cảm nhận rõ nét hơn bao giờ hết. Sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu, và bước theo Đức Kitô nghèo khó, khiêm hạ và vác thập giá.

Tính cho đến năm 1986, Nhà Nước đã “tiếp quản” tất cả các cơ sở do Dòng Tên đảm trách là Giáo Hoàng Học Viện (13 Đinh Tiên Hoàng, Đà Lạt); Học Viện Dòng Tên (09 Cô Giang, Đà Lạt); Trung Tâm Đắc Lộ (161 Lý Chính Thắng, TP HCM); Trụ Sở Bề Trên Miền Dòng Tên (105 Trần Quốc Toản, Quận 3, TP.HCM); Nhà Tập Dòng Tên (Thủ Đức); Trung Tâm Sinh Viên Xaviê và trường Trung Học Tín Đức (hai cơ sở này ở Huế). Miền Dòng Tên Việt Nam chỉ còn lại khu đất trống và ngôi nhà thờ tạm tại Hiển Linh và một phần nhỏ khu nhà đất Tam Hà, bởi phần lớn khu đất này cũng đã bị trưng dụng.

Ngày 14.07.2007,  nhân kỷ niệm 50 năm, ngày các tu sĩ Dòng Tên trở lại Việt Nam, Trung ương Dòng đã nâng Miền Dòng Tên Việt Nam  lên thành Tỉnh Dòng với tên gọi là Tỉnh Dòng Phanxicô Xaviê.

Phỏng vấn: Thưa cha SỨ VỤ CỦA TU SĨ DÒNG TÊN VIỆT NAM HIỆN NAY LÀ GÌ?

FR Quảng

Số tu sĩ dòng Tên Việt Nam hiện nay 214

-1 GM; 58 LM, 94 Học viên, 43 Tập sinh, 18 Tu huynh

Lựa chọn chính yếu của Dòng Tên Việt Nam hiện nay là:

[1] Huấn luyện các Giêsu hữu, nhất là những anh em trẻ, để họ có khả năng tiếp bước cha anh đi trước, dấn thân phục vụ Giáo Hội và con người thời đại ngày nay.

[2] Hướng dẫn Linh Thao cho các chủng sinh, linh mục, tu sĩ và giáo dân

[3] Giảng huấn cho các linh mục, chủng sinh, tu sĩ và giáo dân;

[4] Đồng hành thiêng liêng;

{5] Suy tư thần học;

[6] Phục vụ các bạn trẻ di dân;

[7] Hướng dẫn sinh viên;

[8] Phục vụ giáo xứ – tại 3 giáo xứ: Hiển Linh Thủ Đức, Thiên Thần (Gp. Sàigòn) và Tạo Tác (Gp. Đà Lạt);

[9] Truyền giáo cho người dân tộc tại Đắc Lắc, Gia Lai, Kontum;

[10] Truyền giáo ở Đông Timor và ở Lào.

Đó là những hoạt động tông đồ và mục vụ của các Giêsu hữu Việt Nam trong thời gian qua cho tới nay.

Phỏng vấn: thưa cha để thực hiện các sứ vụ trên thì dòng Tên VN hiện nay có nhu cầu hay cần sự giúp đỡ gì?

Fr Quảng:

- Cần sự cộng tác của quý OBACE qua việc

- Cầu nguyện cho các hoạt động tông đồ của tỉnh Dòng.

- Nếu có điều kiện vật chất thì tùy theo khả năng bảo trợ Ợn gọi cho việc đào tạo và truyền giáo của tỉnh Dòng.

Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc với linh Mục Giuse Hoàng Văn Quảng

Mail: josquangdt@yahoo.com
Cel: 011 84 946 814 300
Web: dongten.net

 

 

 

 

 

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Chiến Lược Mới Chống Hiv (11/21/2014)
Tôi Muốn Nên Thánh (11/21/2014)
Đức Thánh Cha Lên Án Bạo Lực Tại Thánh Địa (11/21/2014)
Đức Thánh Cha Tiếp Kiến Chung: Ơn Gọi Mọi Người Nên Thánh (11/21/2014)
Đường Lối Thiên Chúa Quả Là Toàn Thiện! (11/21/2014)
Tin/Bài cùng ngày
9 Điều Thật Sự Quan Trọng Trong Cuộc Sống: (11/19/2014)
Tin/Bài khác
Đức Thánh Cha Bênh Vực Quyền Của Trẻ Em Được Lớn Lên (11/18/2014)
Kỷ Niệm 25 Năm Bức Tường Berlin Sụp Đổ (11/18/2014)
Thẻ Căn Cước Tâm Linh (11/15/2014)
Đức Thánh Cha Kêu Gọi Các Bác Sĩ Công Giáo (11/15/2014)
Xin Đức Mẹ Đoái Đến Con Là Kẻ Tội Lỗi! (11/15/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768