HIỆP SỐNG TIN MỪNG
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN (02/11)
LỄ CẦU CHO CÁC ĐẲNG
LINH HỒN
1. LỜI CHÚA: Thánh
Phaolô đã xác tín về mầu nhiệm tử nạn và phục
sinh của Chúa Giê-su như sau: “Nếu chúng ta đã cùng
chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống
với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật
vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô
đã sống lại từ cõi chết thì không bao giờ Người
chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối
với Người” (Rm 6,8-9).
2. CÂU CHUYỆN:
1) MỘT NGƯỜI KHÔNG DÁM ĐỐI DIỆN VỚI
CÁI CHẾT:
Một
chân lý mà mọi người đều biết rõ là: Con người
có ngày sinh ra thì cũng có ngày phải chết để
đi vào cõi vĩnh hằng. Tuy nhiên hầu
như mọi người
đều sợ chết. Một nhà tỷ phú người
Mỹ là WILLIAM RANDOPH HEARST, chủ nhân của nhiều tờ
báo và phim trường ở Ho-ly-wood hồi trước thế
chiến thứ hai, tuy rất giàu có và thành đạt nhưng
ông lại rất sợ chết. Ông ra lệnh cho các nhân
viên dưới quyền không ai được nhắc
đến chữ “chết” trước mặt ông. Ai lỡ
miệng nói ra sẽ lập tức bị đuổi việc.
Ông là người thông minh tài giỏi và luôn thành công trong mọi
việc làm, nhưng lại không dám đối mặt với
sự thật phũ phàng là sự chết ! Nhưng dù không
muốn nhắc đến cái chết, cuối cùng cái chết
cũng vẫn tìm đến với ông: Ngày nọ ông
đang hăng say làm việc thì tự nhiên lăn đùng ra
chết “bất đắc kỳ tử” do đứt mạch
máu não. Ông chết đi để lại
cho hậu thế một toà lâu đài to lớn, được dùng làm điểm du lịch nổi tiếng ở bang Ca-li-for-ni-a
Hoa Kỳ.
2) NỘI DUNG MỘT SỐ LỜI
TRĂN TRỐI TRƯỚC KHI CHẾT:
Trong tai nạn máy bay boeing 747 của hãng hàng không Nhật bản vào ngày 12-8-1985
đã khiến 520 người
thiệt mạng. Điều đáng nói là phi hành
đoàn cũng như hành khách trên chiếc Boeing 747 này đã biết máy bay của
họ gặp phải sự cố: Phi công không thể điều khiển được
hướng đi và mọi người chỉ còn một ít thời gian trước khi máy bay
bị rớt. Khi hay biết
điều này, có mấy
người hành khách đã vội lấy giấy bút ra ghi lời trăn trối của họ
trước lúc chết.
- Người thứ nhất là ông
KAWAGUCHI, đã viết nguệch
ngoạc được mấy lời trăn trối trên
cuốn lịch nhỏ bỏ
túi. Ông viết cho vợ
như sau: “Thôi, vĩnh biệt người vợ thân yêu! Em hãy thay anh
chăm sóc cho các con em nhé !”.
Tiếp đến ông khuyên 3 đứa con, hai gái một trai rằng: “Các con hãy sống hòa thuận yêu thương nhau, hãy
chăm chỉ làm việc để giúp mẹ lo cho gia đình mình
nhé”.
Riêng với cậu con trai út tên
TSUYOSHI, ông viết: “Ba đặt
nhiều hy vọng nơi con. Hỡi con trai yêu quý của ba !”.
- Người thứ hai viết lời trối
là kiến trúc sư
KAZUO YOSHIMURA: Ông chỉ viết
được mấy chữ trên một tờ giấy vở: “Tôi
muốn cả gia đình
mình luôn bình an mạnh khỏe”.
Như vậy, điều mà mọi người đều
quan tâm trước khi
chết là lo cho những
người thân đang còn sống như cha mẹ, vợ con… Những con người
mà họ đang có
trách nhiệm che chở giữ
gìn, mà nay khi cái chết
đến gần, họ sẽ không thể tiếp tục lo nữa. Dù
vậy, họ vẫn mong
cho những người đó được hạnh phúc. Có những người chết
đã không thể nhắm
mắt khi còn có quá nhiều
những việc phải làm nhưng chưa thể chu toàn.
3) MỌI SỰ RỒI SẼ QUA ĐI:
Một ông vua kia muốn
làm cho viên quan cận
thần nổi tiếng là thông minh tài trí phải xấu hổ. Nhân dịp sắp tới một lễ
hội, vua ra lệnh cho viên quan này phải mang về cho vua một vật
mà kẻ đang vui nhìn
thấy sẽ buồn sầu,
và người đang
buồn khi nhìn thấy
sẽ lại vui tươi. Khi ngày hội gần đến, viên
quan rất buồn vì
vẫn chưa tìm ra một vật giống như ý
vua. Ông liền quyết
định đi đến một nơi nghèo nhất kinh thành, khi đi
qua một ông lão bán
hàng rong, viên quan dừng lại
hỏi ông lão có vật
có tác dụng như thế
không. Nghe xong, ông lão bèn đưa cho viên quan ấy một cái vòng. Vị quan nhìn vào thấy có một dòng chữ hiện ra khiến ông mỉm cười vui sướng.
Lễ hội đến, nhà vua chắc rằng viên quan kia sẽ bị một vố bẽ
mặt. Thế nhưng khi được gọi, viên
quan thông thái kia đã ung dung bước vào chầu
vua, tay cầm theo một cái vòng và dâng lên cho nhà vua, trước sự ngơ ngác của triều thần hiện
diện. Nhà vua cầm
cái vòng lên với nụ
cười trên môi, nhưng khi thấy dòng chữ trong chiếc vòng hiện ra thì nụ cười lập tức biến
mất. Dòng chữ
trong chiếc vòng ấy
như sau: “Mọi sự rồi sẽ qua đi”. Câu này
nhắc nhở cho vua và
mọi người về
giới hạn của mọi sự: Vinh hoa phú quý sắc đẹp mọi sự
đều có ngày sẽ
biến mất theo quy luật ngàn đời: “Phù hoa nối tiếp phù hoa. Trần gian tất cả chỉ
là phù hoa”.
4) “FORGET ME NOT - XIN ĐỪNG QUÊN TÔI”:
Có một loài hoa tên là Lưu Ly có mấy màu là tím, trắng, xanh hoặc vàng hòa quyện cùng nhau rất đẹp, và người ta hay hái hoa này để tặng nhau. Các
đôi trai gái gọi tên
loài hoa này là " FORGET ME NOT - XIN ĐỪNG QUÊN TÔI”.
Ngày xưa có một đôi nam nữ yêu nhau. Vào một sáng mùa xuân, hai người dắt nhau đi dạo
chơi bên bờ một
con suối, có nhiều
hoa Lưu Ly mọc dày. Trong khi chàng trai đang đứng ngắm nhìn dòng thác
đổ, thì cô gái lai
say sưa đi hái những
nhánh hoa Lưu Ly. Cô không ngại nhoài người
bên bờ suối
để cố hái được mấy nhành hoa đẹp. Chẳng may cô bị trượt chân té ngã xuống dòng suối và bị nước cuốn trôi
đi. Khi bị té, cô
vẫn đang nắm những
nhành hoa Lưu Ly trong tay và đã vừa ném những hoa đó lên bờ vừa nói to lên rằng: "Xin đừng quên
em".
5) AI MỚI THẬT KHỜ DẠI:
Một trong những câu chuyện hay dạy đời là “Ông vua giầu có với chú hề” như sau:
"Có một ông vua kia sống một cuộc đời giầu
sang phú quí. Ông sống
như không hề biết
đến tương lai của mình. Ông cũng chẳng màng đến có thế giới mai sau hay không? Trong
hoàng cung có một chú hề chuyên giúp vui cho vua mỗi khi ông muốn giải sầu. Theo vua nghĩ
thì tên hề này
là một rất ngu đần.
Ngày nọ, nhà vua
cho gọi anh hề tới
trao cho anh ta một cây quyền trượng và nói: "Ngươi hãy đi
tìm một kẻ ngu dại
hơn ngươi - trao cây gậy này cho nó, rồi
ta sẽ trọng thưởng cho ngươi." Từ lúc đó chú hề nhận cây gậy vua trao và cố gắng đi tìm kẻ ngu hơn mình, nhưng
sau nhiều ngày tìm kiếm mà vẫn không thể tìm ra.
Thời gian qua mau và tuổi già đến
với nhà vua lúc nào không biết. Đến khi sức cùng lực kiệt, vua cho gọi chú
hề đến gần và
nói như sau:
- Trẫm sắp sửa đi một chuyến đi thật
là xa.
- Dạ thưa Đức Vua đi tới đâu ạ ?
- Ta cũng không hay biết nữa.
- Dạ thưa đi như vậy rồi bao giờ Đức
Vua mới trở về?
- Không bao giờ , không bao giờ con ạ.
Anh hề tuy là một người ngu, nhưng trong trường
hợp này anh lại
phán đoán rất chính
xác. Anh nhẹ nhàng
đặt cây gậy vào ngay bàn tay Đức Vua mà trước kia nhà vua đã trao
vào tay anh ta rồi im lặng
bước ra, lòng cảm
thấy nhẹ nhàng vui sướng vì đã khám phá ra một người còn ngu hơn mình, mà người đó không ai khác hơn
là chính ông vua đã từng
tự hào thông minh hơn anh gấp trăm gấp vạn lần.
3. SUY NIỆM:
1) LỜI KÊU XIN CỦA CÁC LINH HỒN:
Có một loài hoa nhỏ:
Forget-me-not, Việt ngữ gọi là Lưu Ly Thảo. Ý nghĩa của loài hoa này nói về sự chung thủy của
tình yêu đôi lứa.
Nhưng với người Công giáo, nó mang một ý nghĩa khác, đặc biệt trong tháng cầu cho các linh hồn này. Vâng, Lưu Ly Thảo nhắc nhở chúng
ta lời kêu cứu tha thiết của các
linh hồn nơi Luyện
Hình: “Forget-me-not – Xin đừng quên tôi!”.
Khi cầu nguyện cho họ thì lại là chính cầu nguyện cho chúng ta.
Đúng như Thánh Phan-xi-cô As-si-si nói: “Chính lúc quên mình là
lúc gặp lại bản thân”.
Các linh hồn không tự “cải thiện” mức án,
nhưng các ngài vẫn có
thể cầu nguyện cho
chúng ta. Hy vọng mai
đây mỗi chúng
ta cũng được phân
loại là “chiên” và
được nghe Chúa
nói: “Hỡi những kẻ
Cha Ta chúc phúc, hãy đến
lãnh nhận phần
gia nghiệp Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ
trụ” (Ga 11,25-26).
Chúa Giê-su an ủi những ai còn sống trên trần gian rằng: “Anh em đừng
xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không,
Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho
anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì
Thầy lại đến
và đem anh em về với
Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,1-3)
Như thế, ngày chết mà người ta gọi là ngày đại hoạ, ngày kinh
hoàng, thì đối với
người con Chúa, đó lại là ngày đoàn tụ sum vầy. Ngày đó, chúng ta sẽ được “đồng hưởng
sự sống đời đời cùng với các triều thần thánh trên trời.
2) MẦU NHIỆM CÁC THÁNH CÙNG THÔNG
CÔNG:
Giáo lý Công Giáo dạy : Những người
đã được
hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa gọi là các thánh. Những kẻ còn ở trần gian và các linh hồn trong chốn luyện hình
cũng là những thánh
nhân trong khả thể. Ba lớp
người này được hiệp thông với nhau về ơn sủng do Chúa Giê-su ban cho. Mỗi thành phần nói trên đều có thể liên đới với nhau bằng lời cầu
nguyện, bằng sự chia sẻ, sự hy sinh và ân
sủng: Các Thánh chuyển cầu cùng Chúa cho những người còn sống, những người còn
sống làm nhiều việc lành cầu nguyện cho các linh
hồn, và các linh hồn dù đang được thanh luyện cũng có
thể cầu xin cùng
Chúa cho các tín hữu chúng
ta ở trần gian. Niềm
tin này được
đặt trong niềm tin vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giê-su như
Người đã nói
: « Tất cả những
kẻ Chúa Cha đã ban cho tôi, thì sẽ đến với tôi, và ai
đến với tôi,
thì sẽ không bị loại ra ngoài… và tôi
sẽ cho họ sống lại
trong ngày sau hết ».
3) HÃY THỂ HIỆN LÒNG HIẾU THẢO BIẾT ƠN VỚI ÔNG
BÀ TỔ TIÊN:
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Hai chữ cội nguồn
đã mang lại toàn
bộ ý nghĩa của đạo làm con
đối với các
bậc sinh thành mà bất cứ ai sinh ra trong cuộc
đời đều có bổn phận phải ghi nhớ và gìn giữ để báo đáp.
Phật giáo hàng năm vào ngày rằm tháng bảy âm lịch cũng có mùa vu lan để báo hiếu. Vào dịp này, mỗi người đều xướng
lên tấm lòng biết ơn của mình. Có
người không quen
ăn chay trường, song
vào thời điểm
này, cũng thể hiện
lòng hiếu đó
bằng việc ăn chay
trọn tháng bảy âm
lịch, hay có những người bận rộn
công việc đời
thường vào dịp
này họ cố gắng
thu xếp thời gian để đến một ngôi
chùa quen thuộc dự lễ
cầu siêu cho linh hồn
ông bà cha mẹ đã
qua đời. Họ tin rằng
nhờ đó, bổn
phận của họ được chu toàn. Với truyền thống lâu
đời của người
phật tử là cầu
mong để được đáp đền ơn tam bảo, báo hiếu cha mẹ sinh thành dưỡng dục…
Còn ở Tây phương, người ta không có tục thờ cúng tổ tiên bởi vì chữ hiếu nơi họ không
được nâng lên
thành đạo. Thế nhưng
họ đã chọn
ra hai ngày trong năm để tưởng nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ. Đó là
Ngày Của Mẹ (Mother’s.
Day) vào ngày Chúa Nhật
thứ hai trong tháng năm và Ngày Của Cha (Father’s. Day) vào Chúa Nhật thứ ba trong tháng
sáu.
Hàng năm, Giáo Hội công giáo đã dành trọn tháng 11 để nhắc nhở các
tín hữu tưởng nhớ
đến những người quá cố, thể hiện đạo làm
con trong gia đình. Người
công giáo vẫn có
thói quen tốt lành
đi viếng nghĩa trang
cùng với việc tảo
mộ. Ngoài ra, Giáo Hội
Việt Nam cũng dành ngày Mồng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ.
4) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ?
Trong tháng này, mỗi tín hữu chúng ta có thể làm một số việc cụ thể biểu
lộ lòng hiếu thào
biết ơn với ông
bà tổ tiên như
sau :
+ Năng đến nhà thờ dâng lễ cầu nguyện và lãnh các ơn
đại xá cầu cho ông bà cha mẹ và người thân đã qua đời.
+ Làm nhiều việc bác ái như chia sẻ cơm bánh cho người nghèo đói, phục vụ các bệnh nhân và các người già cả cô đơn bất hạnh... để cầu cho
các linh hồn đã
qua đời.
+ Xây mồ yên mả đẹp cho người thân
đã qua đời. Mỗi
dịp Giỗ Tết con cháu hãy họp nhau để xin lễ cầu
nguyện cho các linh hồn
ông bà cha mẹ, cùng
nhau đi viếng mộ phần
và dùng cơm chung với
nhau để thể hiện tình thân trong cùng một gia tộc.
+ Tuy nhiên, điều quan trọng là phải sống hiếu thảo
với ông bà cha mẹ
ngay khi cha mẹ đang còn sống. Mọi người trong gia đình cần yêu thương
đùm bọc nhau để
cha mẹ ở trên thiên đàng được vui. Hãy năng nhắc nhở con cháu phải biết ơn cầu nguyện
cho ông bà cha mẹ mỗi
giờ kinh tối gia đình.
4. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã lên trời bằng con đường « qua
đau khổ vào vinh
quang ». Chúa hứa sẽ
dọn chỗ cho chúng con và mai ngày sẽ trở lại đưa chúng
con lên trời với Chúa.
Xin cho các tín hữu chúng
con, những người
đang sống và những
ai đã ly trần
trong tình thương của Chúa cũng được thanh luyện ngày một nên tốt lành
thánh thiện hơn, hầu
sớm được về quê trời hưởng hạnh phúc với Chúa Ba Ngôi và các thần thánh đến muôn đời. Amen.
LM ĐAN VINH - HHTM
|