MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Người Phụ Nữ Quyền Thế Nhất Trên Đời # 2
Chủ Nhật, Ngày 31 tháng 1-2016

NGƯỜI PHỤ NỮ QUYỀN THẾ NHẤT TRÊN ĐỜI #2

Bìa số báo tháng 12 / 2015 của National Geographic in hình Đức Maria trong tranh của họa sĩ Ý thời Phục Hưng Sandro Botticelli của bảo tàng viện Poldi Pezzoli, Milan nước Ý. 

Tranh vẽ khoảng năm 1480, dùng kỹ thuật tempera gồm lòng đỏ trứng pha nước hoặc dầu.  Kỹ thuật tranh sơn dầu mãi đầu thế kỷ 16 mới xuất hiện.  Theo lời giới thiệu bìa báo ở trang mục lục thì hình này là tổng hợp của tám tấm ảnh chụp bức tranh vẽ.
 
Bức tranh này có tên là Đức Trinh Nữ Sách Kinh (Madonna of the Book) với chủ đề Đức Trinh Nữ và Con (Madonna and Child).  Sandro Botticelli vẽ hơn chục tác phẩm với chủ đề Madonna and Child.  Để phân biệt người ta đặt tên cho mỗi tác phẩm theo một chi tiết phụ nào đó trên tranh.  Tác phẩm này có cuốn sách kinh để mở nên gọi là tranh Đức Trinh Nữ Sách Kinh.  Có bức tên là Đức Trinh Nữ Ba Thiên Thần để phân biệt với bức có năm thiên thần.  Thậm chí có bức tên là Đức Trinh Nữ Trái Lựu vì tay Đức Maria đang cầm trái lựu khuyết một miếng và con Bà cũng để tay trên trái lựu.

Thực ra bìa báo chỉ in phần khuôn mặt của Đức Maria, chứ không lấy hết cả tranh.  Bà không chùm khăn kín đầu, như thường thấy ở các tượng ảnh khác, mà chỉ vấn vành khăn nhỏ trên một lớp voan trong suốt phủ đến mé tóc.  Vành khăn màu xanh tím lợt không che hết phần đầu phía trên trán, chỉ có lớp voan mỏng nên vẫn thấy mai tóc vàng óng ả.  Lọn tóc phía tay trái vén khỏi má nhưng trùm kín tai.  Lọn bên kia tỏa xuống ôm theo gò má rất trữ tình.  Mặt không nhìn chính diện nhưng xiên xiên bán phần.

Gương mặt Đức Maria đăm chiêu, chú ý và có vẻ cương quyết với nét môi hơi mím lại.  Đẹp mà rắn rỏi.  Người xem tranh thường cho là Bà đang chú tâm đọc cuốn sách để phía dưới mặc dù con nhỏ Bà bế trong lòng đang ngước mắt nhìn mẹ.  Tôi nghĩ họa sĩ Botticelli cho Đức Maria đọc sách (chứ hồi đó làm gì đã có sách giấy lụa in chữ vàng đỏ) để diễn đạt ý thánh kinh rằng Bà ít nói nhưng suy nghĩ và cầu nguyện rất nhiều.  Phúc âm kể rằng năm trẻ Giêsu lên 12 tuổi, cha mẹ đưa em lên đền thờ Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua theo luật đạo Do Thái.

Trên đường về ông bà khám phá con đã bị lạc mà người này cứ nghĩ con đi với người kia.  Lúc đó đã ba ngày rồi.  Ông bà trở lại đền thánh tìm con thì vừa mừng vừa sửng sốt thấy nhóc con đang tranh luận với các thày thông luật đạo mạo với râu tóc bạc phơ..  Mà không phải chỉ có ông bà sửng sốt.  Mọi người ở đó nghe em bé đối đáp đều ngỡ ngàng.  Đức Maria trách con sao để cha mẹ lo lắng tìm kiếm thì được trả lời, “Ba má tìm con làm gì?  Ba má không biết con phải ở nhà Cha con sao?”

Dĩ nhiên là không biết.  Mà ông bà cũng “chẳng hiểu con mình muốn nói gì.”  Rất tiếc phúc âm không nói ba ngày đó em ăn uống làm sao và ngủ nghỉ ở đâu.  Hay phải lê la bụi đời đầu đường xó chợ!  Hẳn nhiên đó là một trong những cái lo của cha mẹ.  Và giờ đây Đức Maria có lẽ lại chợt nhận ra một mối lo mới.  Bà không thể không để ý tới ý nghĩa và cách trả lời của con.  Bà thấy rõ ràng cái quan tâm của Bà và của con rất khác nhau.  Và qua trực giác của người mẹ Bà có thể mường tượng ra mình sẽ sớm mất con cho lý tưởng cách mạng của con.

Khoảng 20 năm sau, điều manh nha này trở thành sự thực rõ ràng ở tiệc cưới Cana.  Khi nhận thấy nhà tiệc hết rượu, Đức Maria nói nhỏ nhờ Chúa giúp.  Chúa trả lời, “Bà già ơi, cái lo lắng của má có mắc mớ gì tới con?”  Đây không phải là lời từ chối.  Nhưng là cách nhắc khéo rằng Chúa có một sứ mệnh khác.  Và người mẹ chắc đau lòng nhận ra rằng con mình đã vuột khỏi tầm tay.  Từ đó ta thấy Đức Maria chỉ theo con xa xa trên đường giảng đạo và không nói trực tiếp với con một lời nào.

Sau vụ lạc con, kinh thánh nói Đức Maria ghi nhớ chuyện này trong lòng.  Bà ghi vào tâm khảm chuyện này và tất cả những gì xẩy ra cho Bà và con Bà như ghi vào nhật ký để suy nghĩ và tìm hiểu ý Thiên Chúa muốn Bà làm gì.  Tới lúc này đời Bà đã trải qua rất nhiều biến cố rồi.  Có chuyện vui mà cũng nhiều chuyện dập mật.  Chuyện nào cũng bất ngờ như chuyện lạc con.  Cho nên Bà phải ghi nhớ và suy nghĩ, chuẩn bị tư tưởng.  Không biết còn gì khác, còn gì oái oăm hơn sẽ xẩy ra!

Quả vậy, chỉ có biến cố đầu tiên, biến cố truyền tin, là Thiên Chúa cho Bà biết rất chung chung về sứ mệnh của Bà là sinh con của Đấng Tối Cao, người con đó sẽ nắm ngai vàng Đavit để cai trị muôn dân.  Sau đó chuyện xảy ra dồn dập mà Bà không mảy may biết trước.  Lại toàn những chuyện đau khổ.  Bà đi trong đêm tối, phải tự mình mò mẫm ra.  Lời xin vâng khi Bà nói với sứ thần Gabriel đã đẩy Bà vào sóng gió suốt đời mà Bà không biết.

Trước nhất là chuyện người chồng chưa cưới phản ứng với cái bầu của Bà.  Nó rành rành ra đấy, chẳng có gì hiểu lầm cả.  Biết ăn nói giải thích thế nào.  Liệu ông ta có tin hay nghĩ mình phịa chuyện hoang đường để chạy tội?  Thánh kinh nói Giuse là người hiền lành ít nói.  Nhưng người hiền lành ít nói thì hay cục.  Ông có thể nổi nóng bất cứ lúc nào.  Nhìn cái lầm lì có khi hậm hực cuả ông chắc Bà sợ và khổ sở lắm.

Rất may đau khổ này mau qua nhờ Thiên Chúa can thiệp trực tiếp với Giuse.  Có lẽ vui mừng vì đã qua khỏi trắc trở và nhân tiện người bà con Elizabeth sắp sanh con, Bà xin chồng cho đi thăm.  Đường đi từ Nazareth miền bắc Israel xuống vùng Jerusalem miền nam dài khoảng 50 dặm hay 80 km.  Maria hồi đó chừng 15, 16 tuổi và đang mang bầu, khó có thể đi một mình.  Chắc chồng phải đưa Bà đi.  Chúng ta có thể hình dung được đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc biết mấy sau những ngày khủng hoảng!  Niềm vui và hạnh phúc đó phảng.phất qua lời kinh chúc tụng của Đức Maria.

Nhưng niềm vui qua mau.  Sau đó Bà đã phải sinh con trong hang bò lừa.  Có bà mẹ nào sinh con trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy.  Tôi nghĩ lúc đó chắc Đức Maria đã khóc.  Con Đấng Tối Cao mà sao phải sinh bờ sinh bụi thế này.  Không nghĩ tới mình mà thương con bé bỏng.  Chắc Bà tủi thân lắm!
Trong phim Cuộc Thương Khó Của Đức Ky Tô có cảnh Đức Maria gặp Chúa vác thánh giá trên đường lên núi tử nạn và chứng kiến cảnh Chúa ngã dập dụi.

Đạo diễn Mel Gibson đã xuất sắc diễn tả  hình ảnh đang quay lại trong trí óc của Bà cuộc đời của con Bà.  Nổi bật nhất là hình ảnh lúc con còn nhỏ chạy chơi ngoài đường và bị té, mẹ chạy đến nâng con dậy, ôm con vào lòng và phủi bụi cho con.  Giờ đây Bà không có thể làm được như thế.  Bà đau khổ vì thấy con đau khổ mà bất lực không làm được gì.

Nhưng người phụ nữ mà tranh ảnh thường mô tả như một tiểu thư yếu ớt đã đương đầu với những vùi dập triền miên của đời một cách rất anh hùng.  Bà không thối chí buông xuôi, không than van, không nguyền rủa đời, không than thân trách phận.  Một người bình thường có thể đã hóa điên hoặc cuồng trí đến tự vẫn vì mức đau khổ vươt quá sức chịu đựng của con người.  Bà chịu đựng với lòng can đảm phi thường.

Có lẽ qua kinh nghiệm khổ đau của chính cuộc đời mình, Đức Maria thương người đau khổ nhiều hơn.  Bà chỉ hiện ra với người bình thường đến thấp kém trong xã hội.  Bà không xuất hiện nơi đô thị giàu sang phú quý, mà những vùng quê nghèo nàn hẻo lánh như Guadalupe; hay nơi rừng núi hoang vu như La Vang.  Và tất cả những nơi con Bà hiện ra, con người đang đau khổ hay hoạn nạn.

Ở La Vang Đức Maria đến với những người trong cơn nguy khốn vì bị đàn áp loại bỏ.  Giáo dân Việt Nam biết ơn Bà.  Ở đâu có giáo dân Việt Nam, ở đó có Đức Mẹ La Vang.  Tôi vượt biên tới Galang, Indonesia năm 1989.  Bước chân lên đảo, tôi hoang mang lo lắng.  Nhưng lòng tôi ấm lại và an tâm khi thấy tượng đài Đức Maria La Vang đứng trên con thuyền vượt biên.  Chiều chiều đoàn con tị nạn quây quần quanh tượng đài La Vang và để vơi bớt nỗi bơ vơ.

Ở Mỹ này, nơi nào có nhiều giáo dân Việt Nam thường có tượng đài Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ khắp nơi California, Oregon, Nevada, Texas, Louisiana, Florida . . . .Nhưng trong nhà thờ có tượng Đức Mẹ khác.  Cách đây 15 năm, tôi đi lễ ở Giáo Xứ La Vang ở Portland, Oregon.  Tôi thấy có tượng đài La Vang to lớn bên ngoài nhà thờ và bên trong có tượng Đức Mẹ Ban Ơn.  Tôi hỏi một viên chức.  Ông nói vì người cúng tượng đòi đặt tượng trong đó.  Từ đó tôi không hỏi nơi nào khác nữa.  Ngay cả Đền Thánh La Vang ở Las Vegas, Nevada và Đền Các Thánh Tử Đạo ở Trung Tâm Công Giáo Việt Nam ở Little Saigon, California.

Tuần trước trong khi đang viết bài này, tôi dự lễ ở Giáo Xứ La Vang ở Orange County, California.  Nhà thờ này gần nhà tôi hơn, nhưng đây là xứ mới; tôi đã thuộc một giáo xứ khác rồi, không muốn thay đổi phiền phức.  Nhà thờ có tượng đài La Vang bên ngoài và bàn thờ La Vang bên trong.  Cuối lễ trong kinh kết thúc ở đây có lời nguyện “Lạy Đức Mẹ La Vang . . .” và có chữ “lạy” trong lời nguyện với các Thánh Tử Đạo Việt Nam, không như các nhà thờ khác lạy rất nhiều với Chúa, Đức Mẹ, thánh này thánh nọ nhưng tới các Thánh Tử Đạo Việt Nam thì người ta bỏ mất chữ “lạy” đứng đầu.  Chắc lạy nhiều quá tới đây thì hụt hơi!

Tôi tới bàn thờ La Vang cầu nguyện như nhiều người khác.  (Bà xã tôi thích cầu nguyện trước tượng đài bên ngoài.  Bà vẫn có thói quen, từ những ngày xa xưa trước khi trở thành con cái Chúa, cầu nguyện mỗi chiều trước đài Đức Mẹ ở sân nhà thờ mà bà đi qua trên đường về nhà ở Việt Nam.)  Tôi thầm nghĩ, “Đức Mẹ ở trong này có thích không?”  Tôi giật mình như có tiếng nói trong đầu tôi, “ Ơ hay nhỉ!  Anh nghĩ làm sao chứ!  Tôi quen hoạt động nơi đồng không mông quạnh và rừng núi hoang vu hơn chứ  Tôi có hiện ra ở cung điện nguy nga hay nhà thờ hoành tráng nào đâu!”  Tôi thấy giọng đã đổi từ cách xưng hô mẹ-con thành anh-tôi giống như mấy bà mẹ già Việt Nam nói với con khi không đồng ý chuyện gì. 

Tôi chống chế, “Con có nghĩ gì đâu mẹ.”

Thực ra tôi cũng như nhiều người đã quên mất, hoặc vì lý do này lý do khác, đã cố tình lẩn tránh cái căn tính của sự kiện La Vang là “đến với người bị đàn áp hoạn nạn.”  Người ta rúc đầu vào suy tư thần học để ca tụng công đức và hô hào xây dựng đền đài, lễ lạy đình đám để khỏa lấp đi đối tượng của La Vang là những con người đang bị đàn áp nhan nhản trong xã hội.

Nhưng mà tôi vẫn thấy nơi đây gần gũi thân thương và xin chuyển ghi danh về giáo xứ La Vang.  Bạn đang đọc mấy dòng này coi chừng Đức Maria gọi bạn bằng anh hay cô đấy!

Bài báo in kèm theo bản đồ thế giới ghi các địa điểm được coi là Đức Maria đã hiện ra.  Mỗi địa điểm được đánh dấu bằng một chấm tròn có màu sắc khác nhau.  Dấu chấm đỏ lớn là nơi được Vatican công nhận.  Dấu chấm đỏ nhỏ là nơi được giám mục sở tại công nhận.  Dấu chấm xanh lợt chỉ nơi được chấp nhận đáng được biểu lộ lòng tin.  Dấu chấm vàng chỉ nơi theo truyền thống có hiện ra, nhưng không có chính thức điều tra.  Dấu chấm xanh dương chỉ việc xảy ra không phải là siêu nhiên hay chưa có điều tra.  Trên bản đồ này đại đa số là dấu chấm xanh dương.

Châu Âu, đúng ra là Nam Tây Âu, có nhiều chấm nhất.  Đủ màu.  Dày đặc nhất là các nước Ý, Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ và Luxemburg.  Vương quốc Anh có bốn chấm ở vùng England và Wales.  Bắc Âu không có chấm nào.  Nga có một vài chấm Thứ nhì là Châu Mỹ.  Bắc Mỹ có nhiều hơn Nam Mỹ.  Vùng duyên hải Đại Tây Dương của nước Mỹ dày đặc chấm xanh dương nhưng chỉ có một chấm đỏ nhỏ.  Mexico và Ecuador mỗi nước có một chấm đỏ lớn. Châu Á có một ít chấm ở Ấn Độ, Phi Luật Tân và Nhật.  Việt Nam có một chấm vàng là La Vang và hai chấm xanh dương theo vị trí trên bản đồ có lẽ là Trà Kiệu và Ta Pao.  Có một chấm xanh dương nữa nằm ngay biên giới Việt Trung, không biết thuộc nước nào.  Châu Phi rải rác có một ít chấm xanh lợt và xanh dương dọc theo các bờ biển, và một chấm đỏ lớn ở Rwanda. 

Châu Úc có một chấm vàng và vài chấm xanh dương vùng bờ biển đông nam nước Úc; và hai chấm xanh dương ở Tân Tây Lan.

Về thời gian, năm 1954 là năm kỷ lục với 30 lần hiện ra.  Kế đó là năm 1986 với 26 lần và năm 1950 với 16 lần.  Nhưng khoảng thời gian một thế kỷ từ 1830 đến 1933 tình hình Châu Âu đen tối với rất nhiều cuộc cách mạng, chiến tranh và nạn đói.  Khởi đầu là Cách Mạng 1830 cũng gọi là Cách Mạng Tháng Bảy ở Pháp, dọn đường cho Cách Mạng 1848 cũng ở Pháp rồi lan sang hầu hết các nước  Châu Âu.  Trào lưu này còn được gọi là Mùa Xuân Của Các Quốc Gia (the Spring of Nations.)  Cho đến đầu thế kỷ 20 có Thế Chiến Thứ Nhất và sự ra đời của chế độ cộng sản.  Trong thời gian đó Đức Maria đã hiện ra dồn dập hơn trước để cảnh báo và chia sẻ hoạn nạn với con người. 

Thời kỳ này có tới bốn địa điểm hiện ra được Vatican công nhận.  Năm 1830 Đức Maria hiện ra với nữ tu Catherine Labouré ở Paris, Pháp.  Năm 1842 Bà hiện ra với một người Do Thái ở Rome, Ý, và người này sau trở thành Công Giáo.  Năm 1858 có Lộ Đức, Pháp và năm 1917 có Fatima, Bồ Đào Nha.
Khi con cái nguy khốn người mẹ chạy tới giúp đỡ.  Đó là phản ứng tự nhiên cuả lòng mẹ.  Khi gặp nguy nan sợ hãi, đứa bé chạy đến mẹ để được che chở.  Đó là bản năng tự nhiên, không cần ai phải dạy.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thơ Kinh Mân Côi: Bậc Thang Dẫn Về Thiên Đàng (2/5/2016)
Cn 3365: Cảm Tạ Mẹ Guadalupe (3) (2/4/2016)
Lịch Sử Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Và Các Ơn Lành Mẹ Ban Cho Con Cái (2/4/2016)
Phong Trào Legio Mariae (đạo Binh Đức Mẹ), Vị Sáng Lập Và Đóa Hoa Đầu Mùa (2/4/2016)
Thơ Nguyện Cầu Cùng Đức Mẹ (2/1/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Cn 3363: Thông Điệp Tình Yêu Của Mẹ Guadalupe, Mexico (1) (1/31/2016)
Tin/Bài khác
Bức Hình Ðức Mẹ Guadalupe, Một Thách Đố Đối Với Khoa Học Hiện Đại (12/12/2018)
Garabandal: Synod - Thượng Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Trách Về Gia Đình Trước Cuộc Cảnh Báo Sắp Tới (4/28/2016)
Người Phụ Nữ Quyền Thế Nhất Trên Đời # 1 (1/31/2016)
Ơn Lạ Của Đức Mẹ (1/23/2016)
Cn 3358: Đức Mẹ Thăm Vùng Surrey, Canada? (1/23/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768