MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bài Lời Chúa 139: Bí Tích Thánh Thể
Thứ Tư, Ngày 6 tháng 9-2017
BÀI LỜI CHÚA 139

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Thánh Thể là một hiến tế (Phần I)

Tổng hợp các trình thuật lập phép Thánh Thể

(Mt 26.20-29; Lc 22.14-20; 1 Cor 11,23-26)

Môn đệ chuẩn bị lễ Vượt qua như Đức Giêsu truyền dạy họ. Khi giờ đã đến, Ngài vào tiệc làm một với các tông đồ, và nói với họ: “Thầy ước ao ăn lễ Vượt qua này với anh em trước khi Thầy chịu khổ nạn! "….

Đoạn cầm lấy bánh, chúc tụng và tạ ơn, Ngài bẻ ra và ban cho họ mà rằng: “Hãy cầm lấy mà ăn. Này là mình Thầy phải thí ban vì anh em; hãy làm sự này mà nhớ đến Thầy". Cũng vậy về chén, sau khi đã dùng bữa tối xong, Ngài cầm lấy chén và tạ ơn, Ngài ban cho họ mà rằng: “Hãy uống chén này hết thảy,  vì này là máu Giao ước đổ ra vì anh em. và nhiều người để nên ơn tha tội.”

       *   Đó là Lời Chúa ! – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !

Suy niệm lời Chúa

Ta thường nghe cũng như thường quen miệng nói: “Chúa lập phép Thánh Thể !” Và chúng ta nghĩ đó là chuyện quá dễ đối với Chúa : Chúa là Đấng quyền phép vô cùng, chỉ phán một lời mà dựng nên cả trời đất bao la vĩ đại, huống chi là phép Thánh Thể nhỏ bé này! Chúa chỉ cần phán một lời và hóa phép một cái là bánh và rượu trở nên Mình Máu Chúa hiện diện ngay trên bàn thờ. Đây là một phép lạ ! Mà Chúa đã làm biết bao phép lạ có lẽ con lớn lao hơn thế này…

Hoặc có khi chúng ta cũng chỉ coi việc lập Phép Thánh Thể là Chúa lập “một nghi thức” để các Tông đồ (và sau đó là các linh mục) vâng lệnh Chúa đọc lời truyền phép trên bánh rượu đúng “nghi thức Chúa dạy : “Này là Mình Thầy”… “Này là Máu Thầy…” thì phép lạ xảy ra : trên bàn thờ Mình Máu Chúa Giêsu hiện diện!

Chính chỉ vì hiểu sơ xài như thế, không đi sâu vào mầu nhiệm, nên chúng ta coi thường phép Thánh Thể, và không mấy quí trọng cho xứng đáng.

Thật thế, vấn đề đâu có đơn giản như vậy ! Đâu có chỉ là vấn đề làm một phép lạ hay lập một nghi thức ! Vấn đề là Thịt Máu Chúa bởi đâu mà có ?

Dù Chúa quyền phép vô biên, phán một lời liền có trời đất, nhưng Chúa không thể phán một lời liền có Thịt Máu Chúa để làm thần lương nuôi linh hồn ta được. Muốn có Thịt Máu như thế, Chúa phải chết đã. Đấy ghê chưa ! Và cái chết của Chúa, Chúa cũng không thể phán một lời mà có. Cái chết của Chúa là một kinh nghiệm bản thân Người phải trải qua!

Đó là một quá trình đầy đau đớn gian khổ : Ngài phải vâng ý Chúa Cha mà hiến mình làm tế lễ hi sinh, chịu chết trên thập giá, và sau khi được Chúa Cha chấp nhận tế lễ, Chúa Cha làm cho Ngài sống lại, khi ấy Thịt Máu Chúa Giêsu mới có sự sống thần linh mà làm thần lương nuôi sống chúng ta!

Lấy ví dụ về hạt lúa mì cho dễ hiểu : Không ai trong chúng ta ăn hạt lúa sống cả, muốn trở thành bánh cho ta ăn, thì hạt lúa phải trải qua một quá trình làm bánh : trước hết lấy hạt lúa đem phơi khô cho chết đi, rồi nghiền nát thành bột, nhào với nước, rồi bỏ vào lò nướng mới thành bánh cho người ta ăn.

Thì cũng vậy, Bánh Sự Sống, là Chúa Giêsu Con Một Thiên Chúa, cũng phải trải qua một quá trình chịu thử luyện gian khổ trong cuộc sống làm người, phải bị nghiền nát trong cuộc Thương khó, phải chịu nướng trong lò Tử nạn, rồi mới chỗi dậy trong sự Phục sinh, mà trở nên Bánh thần linh tuyệt diệu ban Sự Sống của chính Thiên Chúa cho nhân loại ăn mà được sống muôn đời.

Trên đây ta đã được hiểu quá trình vô cùng gian khổ mà Chúa Giêsu phải trải qua là cái chết trên thập giá. Mà quá trình ấy, khoa khảo cứu tôn giáo gọi là “việc hiến tế” nằm trong truyền thống hiến tế cổ truyền của toàn thể nhân loại.

Đúng vậy, từ thời hồng hoang khi loài người còn ăn lông ở lỗ, ẩn náu trong hang động hay dưới chòm mái lá thô sơ trống trải, các mãnh lực thiên nhiên như sấm sét, bão bùng, giông tố, mặt trời với sức nóng thiêu đốt, biển cả với sóng dữ, các loài kình ngư, thủy quái khổng lồ hung tàn…làm cho con người vô cùng sợ hãi. Họ coi những uy lực mạnh mẽ ấy là các Thần linh : thần sấm, thần sông, sơn thần, thủy thần, thái dương thần (thần mặt trời) v.v…có thể ban phúc hay tác hại cho đời sống của họ.

Vì thế, để lấy lòng các Thần linh, loài người đã nghĩ ra một cách : hiến tế lễ vật. Qua việc hiến tế lễ vật đó, họ muốn :

1- làm thần linh nguôi giận…và được Thần linh cứu giúp.

2- được thông hiệp với các thần bởi việc thụ Lộc Thánh, là phần lễ vật mà sau khi chấp nhận của lễ dâng hiến, Thần linh ban xuống lại cho người dâng lễ thụ hưởng.

 Như vậy, ta nhận thấy việc hiến tế có hai chiều :

I.   Loài người dâng lên /

II. Thần linh ban xuống lại

I.- Trước hết : LOÀI NGƯỜI DÂNG LỄ VẬT LÊN NHƯ THẾ NÀO ?

Thường thường lễ vật là một con chiên, con dê hay con

bò, v.v... mà người ta đem giết đi để dâng, việc ấy gọi là sát tế.

Rồi đem hỏa thiêu tế vật để nhờ ngọn lửa biến hóa tế vật thành làn khói hương thơm bay lên cho Thần linh hưởng. Và họ tin rằng khi các Thần hít lấy khói hương thơm ấy (xem hình), đó là dấu  tế vật đã được Thần linh chấp nhận và chiếm hữu, làm thành sở hữu của Thần, và bởi đó tế vật được thấm nhuần thần tính, (tức là được nhiễm lấy các đặc tính của Thần), được mang tràn đầy sức thần thánh của Thần, nói tóm : được thần hóa, thánh hóa. (Rồi Thần linh sẽ ban một phần tế vật được thần hóa ấy xuống lại cho người dâng được thụ hưởng, nhưng đấy là điều ta sẽ xem sau)

·           Thánh kinh cho biết : kiểu hiến tế cổ truyền ấy cũng được thi hành nơi dân Israen:

a- Sau khi thoát nạn Đại Hồng thủy, ông Noê và gia đình ra khỏi tầu và dựng một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA. Ông đã lấy một số trong các gia súc thanh sạch và các loài chim thanh sạch mà dâng làm lễ toàn thiêu trên bàn thờ. ĐỨC CHÚA ngửi mùi thơm ngon, và ĐỨC CHÚA tự nhủ : “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa.” (St 8.20-21)

b- Thời dân Israen rong ruổi trong sa mạc, sau khi xuất ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, cũng đã thiết lập việc tế lễ.

“ĐỨC CHÚA gọi ông Mô-sê, và phán với ông rằng : “Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng : Khi một người trong các ngươi dâng lễ tiến lên ĐỨC CHÚA, nếu là gia súc thì các ngươi phải dâng bò hay chiên dê làm lễ tiến.
[….] Người ấy sẽ sát tế con bò tơ trước nhan ĐỨC CHÚA, và các con A-ha-ron là các tư tế, sẽ tiến dâng máu ; chúng sẽ rảy máu chung quanh bàn thờ đặt ở cửa Lều Hội Ngộ […]…. sẽ đốt tất cả cho cháy nghi ngút trên bàn thờ. Đó là lễ toàn thiêu, lễ hoả tế, là hương thơm làm vui lòng ĐỨC CHÚA.” (Lv 1.1-9)

c- Nhất là tế lễ long trọng ký kết Giao Ước giữa dân Israel và Thiên Chúa ở núi Sinai :

“Ông Mô-sê xuống (núi) thuật lại cho dân mọi lời của ĐỨC CHÚA và mọi điều luật (Người truyền). […] Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá (tượng trưng) cho mười hai chi tộc Ít-ra-en. Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en - (hồi xưa ấy chưa có tư tế) - dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế ĐỨC CHÚA. Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa (phần máu) kia thì rảy lên bàn thờ (biểu tượng về Thiên Chúa). (Sau khi dân cam kết thi hành và tuân theo những gì Thiên Chúa truyền), ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói : “Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em, dựa trên những lời này.” (Xh 24.3-8).

Tóm lại, tất cả các việc kể trên đều cho thấy loài người dâng lễ vật là để mong được Thần linh hay Thiên Chúa nguôi giận, tha tội và ban ơn, hoặc kết ước với họ.

·           Bây giờ đem áp dụng vào cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu :

Trước tiên, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đích thực là một hiến tế ! Trong bữa Tiệc Ly trước khi chịu Tử nạn, chính Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết cái chết của Ngài là một hiến tế. Sách Tin Mừng (Lc 22.19) thuật lại rằng :

"Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến dâng vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy."

Cả Tân Ước đều hiểu cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu là một việc hiến tế :

- "Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô, đã chịu hiến tế ." (1Cor 5.7)

- "… Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã hiến mình làm lễ vật và hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt." (Ep 5.2)      (Kỳ sau sẽ tiếp)

Tích truyện

Indira đến gặp đạo sĩ Makia và ngỏ lời : “Xin ngài hãy chỉ cho tôi một thần linh để tôn thờ và một tôn giáo để sống theo”. Đạo sĩ Makia liền đưa Indira đến một tòa nhà rộng lớn, nơi đó mỗi vị thần được dành cho một gian phòng riêng. Dừng chân đầu tiên trước tượng thần Batda, đạo sĩ giới thiệu : “Đây là vị thần sẽ cất hết mọi đau khổ khỏi thế giới.” Nhưng Indira lắc đầu và xin được sang phòng khác. Trước vị thần thứ hai, đạo sĩ Makia giới thiệu : “Đây là nữ thần Sopha có bí quyết giúp con người tránh được đau khổ.” Nhưng Indira cũng lại xin đạo sĩ đi nơi khác. Cuối cùng, hai người đến trước một vị thần bị treo trên thập tự giá. Indira tò mò hỏi :

- “Vị thần này là ai mà bị treo trên thập tự như thế ?”

Đạo sĩ chậm rãi trả lời : “Đây là thần của những người Kitô.”

Với chút xúc động lộ trên mặt, Indira xin đạo sĩ giải thích thêm. Đạo sĩ ngạc nhiên hỏi : “Này anh Indira, anh làm tôi thắc mắc. Hai vị thần anh gặp lúc trước, một vị đề nghị cất hết mọi đau khổ, một vị đề nghị giúp tránh sự đau khổ, thế mà anh không thích vị nào cả. Tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của vị chết nhục nhã trên thập tự như thế ?”

Indira giải thích :

- “Hứa làm mất đi sự đau khổ trên trần gian này là hứa hão vì người ta không thể nào cất đi những đau khổ. Và dạy con người tránh đau khổ là dạy con người sống thấp hèn, vả lại cũng không thể nào tránh đau khổ được. Nhưng nhìn vào vị thần của người Kitô hữu chấp nhận đau khổ trên thập tự, tôi hiểu được ý nghĩa của đau khổ và chấp nhận nó. Một khi người ta hiểu và chấp nhận đau khổ thì niềm vui và an hòa sẽ trổ sinh trên thế giới này. Đó là lý do tôi bị thu hút bởi Đấng chịu treo trên thập tự kia và muốn làm môn đệ Ngài. Vậy xin đạo sĩ đưa tôi đến nơi các Kitô hữu sống để tôi được thành môn đệ Ngài”.

Đạo sĩ dẫn Indira đến nhà thờ những người Công giáo để xin lãnh bí tích Rửa tội. ***

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Bài Lời Chúa 141: Bí Tích Thánh Thể (phần Iii) (9/26/2017)
Cn 3950: Những Tấm Lòng Chân Thành (9/21/2017)
Cn 3949: Tiếp Tay Phổ Biến Radio Giờ Của Mẹ (9/21/2017)
Cn 3948: Làm Radio Biếu Người Nghèo Tại Việt Nam (9/21/2017)
Bão Trong Kinh Thánh (9/15/2017)
Tin/Bài cùng ngày
Bài Lời Chúa 140: Bí Tích Thánh Thể (phần Ii) (9/6/2017)
Bài Lời Chúa 138 C - Những Hoa Quả Nhân Đức Của Thần Khí (9/6/2017)
Bài Lời Chúa 137 B – Những Ơn Huệ Của Thần Khí (tiếp) (9/6/2017)
Bài Lời Chúa 136 B – Những Ơn Huệ Của Thần Khí (9/6/2017)
Bài Lời Chúa 135: Thần Khí Hoạt Động Thế Nào Trong Ta ? (9/6/2017)
Tin/Bài khác
Giáo Chủ Giêsu (6/23/2017)
Bài Lời Chúa 128: Bí Tích Thêm Sức (6/20/2017)
Bài Lời Chúa 127 --- Đức Giêsu, Nhà Cách Mạng Xã Hội Vĩ Đại (5/29/2017)
Bài Lời Chúa 126 --- Đức Giêsu, Đấng Giải Phóng (5/29/2017)
Bài Lời Chúa 125 --- Một Thoáng Thiên Đàng... (5/29/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768