MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: chúa cha và chúa giêsu
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bài Lời Chúa 104: Tái Sinh Xảy Ra Ở Đâu ?
Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 1-2017
BÀI LỜI CHÚA 104

TÁi sinh xẢy ra Ở ĐÂu ?

Trích thư Rôma, 6.3-7

Anh em có biết không : khi chúng ta được Thanh Tẩy (dìm vào) trong Đức Kitô Giêsu, là chính trong cái chết của Ngài mà ta được dìm vào. Và khi được dìm vào trong cái chết của Ngài, thì chúng ta cùng được mai táng với Ngài. Nhưng sau khi cùng chết và bị mai táng, thì lúc Đức Giêsu đã chỗi dậy khỏi mồ, sống lại nhờ bởi quyền năng của Đức Chúa Cha, ta cũng vậy, ta cũng sẽ bước đi trong một cuộc sống mới.

Bởi vì, nếu ta đã được giống Đức Giêsu mà cùng chết với Ngài, thì chúng ta cũng sẽ được giống Ngài mà sống lại. Chúng ta biết điều này là con người cũ của ta, cội rễ mọi tội lỗi, đã cùng bị đóng đinh thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người cũ bị tội lỗi thống trị ấy nay đã bị hủy diệt, thế là từ nay chúng ta không còn phải làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Vì ai đã chết, thì hết tội, thoát khỏi quyền thống trị của tội lỗi.

*   Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Chắc anh chị em còn nhớ đến bài “Hai phương án cứu độ của Thiên Chúa”, ở đó chúng ta có nói đến Thân mình Đức Giêsu phục sinh mà ta nhờ tin được nhập vào, ví như nhập vào trong lò Bát Quái... Anh chị em nhớ rồi chứ ?

Vậy việc tái sinh xảy ra ở đó, diễn ra trong đó... Tiến trình của sự việc huyền nhiệm ấy diễn ra như sau :

1) Thoạt khi chúng ta tin Đức Giêsu hết lòng, thì đã đủ để được cứu rỗi, Kinh Thánh đã quả quyết như vậy : “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến đỗi đã ban  Con Một của Người, ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi, nhưng có được sự sống đời đời” (Ga 3.16). Truyện anh trộm lành là bằng chứng rõ nhất : chỉ nhờ một câu tuyên xưng lòng tin vào Đức Giêsu, anh ta được Ngài cho vào thiên đàng ngay hôm ấy. Anh ta đâu có chịu Phép Rửa. Và truyện ông Cót-nê-liô cũng làm chứng nữa : Phêrô còn đang giảng về Chúa Giêsu, ông liền tin và Chúa Thánh Thần đã ngự xuống. Thấy thế Phêrô nói : “Nào ai có thể ngăn cấm những người này chịu phép Thánh Tẩy, những kẻ đã được lãnh nhận Thánh Thần một thể như chúng ta (ở lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống) ?” Khi ông ấy tin, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống thanh tẩy ông khỏi tội lỗi và làm ông nên người công chính rồi, và chỉ sau đó Phêrô mới làm phép Rửa tội cho ông (Cv 10.44-48).

Nhưng sau này, theo kỷ luật thông thường trong Hội Thánh thì khi tin rồi còn phải chịu phép Thánh Tẩy. Việc này căn cứ vào câu Tin Mừng Mác-cô : “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội.” (16.15-16)

2) Bởi tin và chịu Thánh Tẩy, ta nhập vào thân thể Đức Giêsu, đúng như lời Thánh Phaolô dạy : “Hết thảy ta được nhờ thanh tẩy mà nhập vào thân mình độc nhất (tức Đức Kitô)” (1Cor 12.13).

Nhập vào thì sự gì xảy ra ?

Điểm 1 : “Hết thảy ta được Thánh Tẩy (được dìm vào) trong Đức Kitô, thì chính trong cái chết của Ngài mà ta được dìm vào”, Thánh Phaolô dạy như thế (Rôma 6.3). Vậy là ta được dìm vào trong sự chết cứu chuộc của Chúa. Lấy lại hình ảnh cái “lò bát quái” của Thái Thượng Lão Quân mà nói cho dễ hiểu : ta được dìm vào trong lò bát quái thần linh, trong đó, “Máu của Đức Kitô, Đấng nhờ Thần khí hằng có mà tiến mình làm (của lễ hi sinh) vô tì tích dâng lên Thiên Chúa, sẽ tẩy sạch lương tâm ta … khỏi các việc chết mà phụng sự Thiên Chúa hằng sống!” (Hr 9.14).

“Các việc chết” đó là những gì ? Là tội tổ tông, tội riêng mình phạm từ trước cho đến bây giờ : bên trong bởi những ý tưởng và những ước muốn xấu, bên ngoài bởi tay chân, miệng lưỡi, ngũ quan làm. Tất cả đều được xóa sạch hết.

Thư gửi tín hữu Rôma còn nhấn mạnh bằng câu sau đây: “Nhờ thanh tẩy (= dìm vào trong sự chết của Chúa), ta đã được  mai táng làm một với Đức Kitô. (6.4). Vì chỉ chết mà thôi, có khi là chết giả, còn hồi sinh được. Nhưng đã mai táng là chết hẳn rồi, thì không còn cách gì hồi sinh được. Ấy vậy, khi chịu phép Rửa, ta nhập vào lò bát quái của Đức Giêsu, trong đó sự chết của Ngài làm cho con người cũ tội lỗi của ta chết, rồi bị mai táng, (ý nói là làm ta từ bỏ, chấm dứt đời sống cũ tội lỗi. – Lời giảng của Thánh Giáo Phụ Basiliô, Bài Kinh sách, thứ ba, Tuần thánh).

Nói “ta được mai táng làm một với Đức Kitô”, đã hẳn đây là nói một sự mai táng mầu nhiệm, chứ không bị chôn táng thật, nhưng ta được sống lại thật. Bí tích đã thực hiện các việc đó một cách mầu nhiệm, chứ không bắt chúng ta phải chịu đóng đinh thật, chết thật, bị an táng thật. Nhưng ơn cứu độ thì ta được hưởng thật !

Từ đó ta được nên công chính, hết bị án phạt. Kinh Thánh xác nhận : “Vậy bây giờ không còn án phạt nữa cho những ai ở trong Đức Kitô” (Rm 8.1). Nói giả sử lúc ấy ta chết ngay, ta sẽ được vào thẳng thiên đàng.

Tạ ơn Chúa Giêsu !

Thắc mắc : Trước khi đi tiếp, có một thắc mắc cần giải tỏa, đó là khi nói về việc tẩy sạch tội lỗi của nhân loại, lúc thì bảo là do Chúa Thánh Thần thanh tẩy, lúc thì bảo là do Máu Đức Giêsu, vậy thực ra thì do ai ?

Xin trả lời : Nói chung, nơi Thiên Chúa tuy có Ba Ngôi song chỉ là một Thiên Chúa đồng tính đồng phép, cho nên Chúa Thánh Thần (Ngôi Ba) hay Máu của Chúa Giêsu (Ngôi Hai) thì đều có quyền lực tẩy xóa tội lỗi.

Song nếu muốn phân tách rạch ròi, thì khi nói Máu Chúa Giêsu thanh tẩy là dựa vào việc thanh tẩy bằng máu súc vật trong truyền thống tế lễ của Cựu Ước như hình bóng báo trước: Hầu hết mọi sự đều được tẩy sạch bằng máu chiếu theo Lề luật. Và máu không đổ, thì tội không tha. Vậy nếu những điều mô phỏng các sự trên trời còn cần phải được tẩy sạch như thế, thì huống hồ chính những điều thiên thai (còn phải được tẩy sạch) bằng những lễ tế hoàn hảo hơn biết bao.” (Hr 9.22-23). Thành ra khi Đức Giêsu hy sinh chịu chết đổ Máu ra trên thập giá thì dựa vào Cựu Ước mà nói rằng : nếu thời đó máu các con vật vô tri vô giác còn tẩy sạch những nhơ uế, thì Máu Đức Giêsu Con Thiên Chúa hằng sống còn có giá trị tẩy sạch tội hơn biết bao trước mặt Thiên Chúa.

Vậy nên hiểu : nói “máu tẩy rửa” là nói cách bóng bẩy ám chỉ quyền lực tha tội. Chứ nếu xét về phương diện vật lý, thì máu làm cho hoen ố hơn thì có, chứ làm sao tẩy rửa ! Mà quyền lực tha tội đó chính là Chúa Thánh Thần, Ngài mới là tác nhân thanh tẩy, còn tất cả mọi vật khác dù đó là nước, là máu, dầu v.v… chỉ là biểu tượng, hay dấu chỉ bên ngoài : Hãy nhớ lại tích ông tướng Naaman được tẩy trong nước sông Yorđan, nước sông làm sao tẩy sạch được bệnh phong cùi, chính quyền lực Chúa Thánh Thần mới làm cho ông lành sạch, thì nước Rửa tội cũng thế, Máu Đức Giêsu cũng thế.

Trở lại với bài hôm nay, ta xem tiếp :

Điểm 2 : Trong thân mình Đức Giêsu, không chỉ có giết chết, mà còn có sự sống lại nữa, thế nghĩa là, khi ta tin và chịu Phép Rửa, tức là bằng lòng nhập vào trong thân mình Đức Giêsu tử nạn, thì trong đó con người cũ tội lỗi của ta sẽ bị dìm vào trong sự chết của Ngài, máu Ngài tẩy sạch tội lỗi ta, nhưng – thánh Phaolô nói – nếu cùng với Ngài ta chết đối với tội lỗi, thì nhiệm mầu thay, như Đức Kitô nhờ bởi quyền năng của Cha mà được sống lại từ cõi chết thế nào, thì ta cũng (sống lại và) bước đi trong đời sống mới như thế ! Vậy, ta hãy kể là mình đã chết rồi đối với tội, và từ nay chỉ sống cho Thiên Chúa mà thôi (Rm 6.4,8-11). Đấy sau khi việc tái sinh huyền diệu diễn ra xong rồi, thì từ nay ta chỉ sống cho Thiên Chúa mà thôi.

-   Mấy câu Kinh Thánh trên này hơi khô khan, nhưng chỉ vì mầu nhiệm quá cao siêu, lại cố gắng diễn tả bằng ngôn ngữ thiếu sót của loài người, cho nên nó phức tạp và khó hiểu... Nhưng nó nói lên một sự thật rất vui mừng hoan lạc cho ta.

Tích truyện

Một câu chuyện cổ tích thuật lại rằng : Khi Chúa giáng sinh, các thú vật đều tới mừng Chúa. Mỗi con đều dâng Chúa chút quà. Bò cái dâng sữa, khỉ biếu Chúa mấy trái dừa, sóc nâu bé nhỏ tình nguyện ở lại làm đồ chơi cho Chúa. Chúa Hài Đồng vui vẻ nhận tất cả. Đang lúc ấy, chàng cáo xuất hiện. Các thú vật đều ghét cáo, vì hắn ta gian manh, quỉ quyệt. Chúng chặn không cho cáo đến gần Chúa, sợ nó lại âm mưu chuyện gì đây. Cáo nói :

-   Tôi đến dâng lễ vật cho Chúa !

Nhưng chẳng thấy cáo mang theo lễ vật nào. Tuy nhiên, Chúa vẫn ra hiệu cho cáo vào. Quì bên Chúa, chàng cáo thì thầm dâng cho Chúa lòng quỉ quyệt của mình.

Mọi thú vật đều bỡ ngỡ : dâng gì kỳ cục vậy ? Trái lại, cáo ta vui mừng, hớn hở. Còn Chúa đặt hai tay lên đầu cáo tỏ dấu chúc lành. Xưa nay, cáo sống sung sướng trên lưng kẻ khác nhờ mánh khóe quỉ quyệt của mình. Từ đây, dâng cho Chúa rồi, nó sẽ phải kiếm ăn cực nhọc với tấm lòng lương thiện. Hóa ra chàng cáo đã dâng nhiều hơn tất cả.

Ta cũng vậy, con người và đời sống ta có xấu xa, gian manh, quỉ quyệt như chàng cáo, cứ tin cậy dâng mình cho Chúa, một khi Chúa chấp nhận và đem ta nhập vào trong Chúa, mọi sự sẽ được biến đổi.

ª˜˜  

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Bài Lời Chúa 109: Được Thờ Phượng Là Một Ơn Phúc (phần I) (3/1/2017)
Bài Lời Chúa 108: Được Cứu Là Cốt Để Thờ Phượng (3/1/2017)
Bài Lời Chúa 107: Chúa Luyện Ta Cách Nào ? (3/1/2017)
Bài Lời Chúa 106: Khi Chúa Không Làm Chủ (3/1/2017)
Bài Lời Chúa 105: Những Hiệu Quả Của Ơn Tái Sinh (3/1/2017)
Tin/Bài cùng ngày
Bài Lời Chúa 103: Phép Rửa Tái Sinh (1/21/2017)
Bài Lời Chúa 102: Lòng Mến Lớn Hơn Cả (1/21/2017)
Bài Lời Chúa 101: Không Tin Vì Không Muốn Hoán Cải (1/21/2017)
Tin/Bài khác
Bài Lời Chúa 100: Tin Thì Được Sạch (8/24/2016)
Bài Lời Chúa 99 Hãy Tin Vào Chúa Giêsu (8/24/2016)
Bài Lời Chúa 98 Toa Thuốc Của Bác Sĩ Phêrô (8/24/2016)
Bài Lời Chúa 97 Hãy Đến Cùng Giuse ! (8/24/2016)
Bài Lời Chúa 96 Thế Nào Được Cứu Chuộc ? (phần Ii) (8/24/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768