MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: chúa cha và chúa giêsu
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bài Lời Chúa 111: Thờ Phượng Chúa Ở Đâu ?
Thứ Tư, Ngày 8 tháng 3-2017
BÀI LỜI CHÚA 111

ThỜ phưỢng ChÚa Ở ĐÂu ?

Trích lược Tin Mừng Thánh Gioan 4.1-24

Có một lần kia, Đức Giêsu đi băng qua xứ Samari, gặp buổi trưa nóng bức, mệt nhọc vì đường xá xa xôi, Ngài ngồi xuống bên miệng giếng, xin người phụ nữ Samari đang múc nước tại đó cho Ngài vài ngụm. Lân la chuyện vãn một hồi, Đức Giêsu mới bảo chị ta rằng :

-    Hãy đi gọi chồng ngươi đến đây !

Người phụ nữ đáp :

-    Tôi không có chồng.

Đức Giêsu lúc ấy mới cho chị thấy Ngài thông suốt bí ẩn đời người ta :

-    Chị nói phải : “Tôi không có chồng”, vì chị đã lần lượt lấy đến 5 ông, và ông thứ sáu đang chung sống với chị cũng không phải là chồng chị nữa.

Chị ta thấy ông khách lạ này biết rõ đời tư của chị, nên chị vừa tôn kính, vừa sợ hãi kêu lên :

-    Quả thật, tôi thấy Ngài là một tiên tri !

Ý nghĩ ấy khiến chị muốn xin Ngài giải đáp thắc mắc này :

-    Cha ông chúng tôi đã thờ phượng trên núi Ga-ri-dim này, còn phía các ông thì lại bảo phải thờ phượng tại Đền Thờ Giêrusalem cơ. Bên nào đúng, bên nào sai ?

Đức Giêsu bèn dạy chị ta :

-    Này chị, hãy nghe Ta, sẽ đến giờ, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem mà người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha... Thiên Chúa là Thần Khí, nên người ta phải thờ phượng Người trong Thần Khí và sự thật.

*   Đó là Lời Chúa ! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Bài trước đây, chúng ta đã học : ngày xưa, Thiên Chúa cứu dân Israen và nay cứu loài người chúng ta, là cốt để người ta thờ phượng Người. Câu hỏi được nêu ra ngay lập tức :

Thờ phượng Thiên Chúa ở đâu?

Ngày xưa, người ta tin rằng dân nào có Thần nấy và phải phụng thờ, hoặc nơi đền miếu hay những nơi “cao” (trên đồi).

Dân Israen cũng không ngoại lệ. Đừng quên rằng thuở ban đầu, dân tộc họ cũng xuất thân từ ngoại giáo, từ giữa thế giới đang chìm sâu trong u mê lầm lạc. Sau này, tuy được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, nhưng chung quanh họ là thế giới ngoại giáo, họ thấy nơi nào cũng có đền thờ hay am miếu làm nơi ở của thần, vậy dĩ nhiên Thiên Chúa, Thần của Israen, cũng phải ngự trong một đền thờ chứ còn ở đâu nữa. 

Sau khi họ được giải phóng khỏi làm nô lệ người Ai Cập, thì đi vào hoang địa, mà vì luôn phải dời chỗ, nên dân dựng Lều Tạm bằng vải làm nơi tế lễ thờ phượng Chúa. Rồi sau này, khi dân đã định cư trong Đất Hứa, thì họ sẽ xây Đền thờ bằng gỗ đá vững vàng làm nơi Người ngự, để ở đó dân chúng đến thờ phượng Người.

Đối với Dân Do Thái, đền thờ là điều tối quan trọng, là trung tâm tôn giáo của họ, vì Thiên Chúa ngự ở đó và cũng chính ở đó họ thờ Thiên Chúa. Ngày nào họ còn có Thiên Chúa ngự trong đền thờ, thì họ còn được bảo đảm an ninh sinh mạng, an toàn xứ sở, ngày nào do họ phạm tội lỗi, Thiên Chúa rời bỏ đền thờ mà đi, đó là dấu báo hiệu dân tộc họ đến hồi suy vong, đất nước họ đến hồi tiêu diệt: Thần của họ mà bỏ đi thì còn ai bảo vệ cho họ nữa ? (Mời đọc mấy đoạn sách tiên tri Ez 9.3tt; 10.18tt; 11.22tt sẽ thấy).

Nhưng tại sao Thiên Chúa lại có thể rời bỏ đền thờ mà đi ? Đó là tại vì người ta lạm dụng đền thờ, đã sử dụng Đền thờ sai mục đích, đã mù quáng coi đền thờ thành một thứ phù phép bảo vệ họ để họ yên tâm phạm tội :

Thiên Chúa của Ít-ra-en phán : Hãy cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, Đừng ỷ vào lời giả dối sau đây : “Chúng ta có Đền Thờ của ĐỨC CHÚA” […] (Các ngươi cứ) 9 trộm cắp, giết người, ngoại tình, thề gian, đốt hương cúng tế tà thần … 10 rồi lại vào nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, đến trước mặt Ta mà nói : “Chúng ta được an toàn !”, sau đó cứ tiếp tục làm những điều ghê tởm ấy. Thế nghĩa là gì ? 11 Phải chăng các ngươi coi nhà này, coi nơi danh Ta được kêu khấn là hang trộm cướp sao ?” (Gr 7.3-11).

Quả thật, vì tội lỗi của dân, Thiên Chúa sẽ bỏ Đền thờ Giêrusalem, và thế là dân tộc họ sẽ tiêu vong. Sau khi bị Thiên Chúa trừng phạt mất nước nhà tan, và đi lưu đày, dân Israen lại được Chúa thương cho hồi hương, và khi về đến quê nhà, họ lại lo tái thiết đền thờ đã bị phá hủy.

Tuy Thiên Chúa ủng hộ công việc tái thiết của họ, nhưng Người nhờ các ngôn sứ cảnh báo dân Israen rằng Người không cần đền thờ, Thiên Chúa chỉ ưa thích ai vâng nghe lời Người :

1 ĐỨC CHÚA phán thế này :
“Trời là ngai của Ta, và đất là bệ dưới chân Ta.
Các ngươi sẽ xây cho Ta nhà nào,
và nơi nào sẽ là chốn Ta nghỉ ngơi ?
2 Tất cả những vật ấy, chính tay Ta đã làm.
Tất cả những vật ấy đều là của Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.
Kẻ được Ta đoái nhìn : đó là người nghèo khổ,
người có tâm hồn tan nát, người kính sợ mà nghe lời Ta.”

                                                     (Ys 66.1-2)

Nhưng vào thời xưa ấy, làm sao người ta có thể hiểu được ý muốn của Thiên Chúa. Chỉ đến thời viên mãn, khi Đức Giêsu xuất hiện, Ngài mới dùng uy quyền tối cao của mình là Đấng Thiên Sai, mà mặc khải cách chung cuộc cho biết, không chỉ sự kiện Thiên Chúa không cần đền thờ, mà còn cho biết lý do, đó là vì : Thiên Chúa là Thần Khí.

Và trong bài trước, ta đã được nghe Thánh Phaolô phát biểu trước mặt những người dân thành Athêna, Hy Lạp, vốn rất sùng đạo đa thần:

 24"Thiên Chúa Đấng tạo thành vũ trụ và vạn vật trong đó, Đấng làm Chúa trời đất kia, Người không phải lấy làm nhà ở những đền miếu tay phàm làm ra.” (Cv 17.24).

Ngày nay, sau khi Chúa Giêsu công bố lời quan trọng nêu trên đã hơn 2000 năm, không biết Kitô hữu chúng ta có hiểu và sống lời của Ngài chưa ? Vì vẫn nghe người ta kháo láo : “Chúng tôi thường nghe người có đạo nói đi nhà thờ… nơi Thiên Chúa ngự, và muốn gặp Chúa và thờ phượng thì phải đến đó mới có Chúa !”

Đáp : Quả thật có nhiều người có đạo vẫn làm như thế, do đó đời sống họ như tách đôi : đến nhà thờ thì có Chúa, về nhà thì không, muôn sống sao cũng được. Vì thế, biết bao gia đình Công giáo mà ra như nhà một người ngoại, ở đó diễn ra đủ thứ gương mù, xấu xa… Họ vẫn sống như người thời xưa, tưởng Thiên Chúa chỉ ở trong Đền Thờ, và chỉ đến đó mới có Thiên Chúa.

Thời xa xưa ấy, loài người còn bán khai, dân trí còn thấp kém, tâm lý chung còn cột chặt với vật chất, còn quen sống với những gì hữu hình, thấy được, sờ mó được. Dân Israen cũng không ngoại lệ, họ không thể, hay rất khó mà tin vào một Thiên Chúa vô hình, vô tượng, nên đã có lần họ đòi phải đúc cho họ con bò vàng, để họ coi đó là Thiên Chúa cụ thể sờ sờ.... Họ cần có Đền Thờ, để họ cứ đến đó thì mới gặp được Thiên Chúa.

Nhưng nay đã đến thời Tân Ước thì không còn sống như thế được nữa. Đây là thời viên mãn, nghĩa là những gì cần chuẩn bị đã xong, dân trí cũng đã đủ trình độ để hiểu biết, Đức Giêsu mới tuyên bố : “Sẽ đến giờ”..., tức là từ lúc Chúa Giêsu sống lại vinh hiển, thì sẽ không cần thờ phượng tại nơi nọ, nơi kia theo lối xưa nữa. Và Ngài mặc khải cho biết bản tính “Thiên Chúa là Thần khí”, nói nôm na tức là thuần thiêng thiêng liêng, vô hình, không có chút gì vật chất, hoàn toàn siêu việt khác hẳn mọi sự, mọi loài…; cho nên lối thờ phượng cũng phải thích hợp với bản tính Người, đó là “thờ phượng trong Thần khí và sự thật”, và Ngài tuyên bố thẳng thừng : “Chúa Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Người như thế”. Lối thờ phượng nào không như thế, không được Chúa Cha chấp nhận !

Do đó : Từ nay, đừng nghĩ rằng cứ phải đến nhà thờ, mặc áo đi nhà thờ mới có Chúa, mới gặp được Chúa, mới thờ phượng Chúa. Thiên Chúa không bị cột chặt vào một nơi nào cả, dù đó là Thánh Đường nguy nga đồ sộ, hay một nhà nguyện nhỏ bé ... Thiên Chúa ở khắp nơi. “Thiên Chúa là Thần Khí”, có bản tính thiêng liêng, vô hình, Bởi thế thì chỗ nào Người cũng có mặt, ai tin và yêu Người, là gặp được Người, Người ở trên trời với các thánh, Người ở dưới đất với ta, nơi công sở, tại xí nghiệp, ở ngoài đường, khi ta chạy trên xe gắn máy hay đi bộ... đi chợ hay làm bếp cũng gặp Người ở đó, cũng có Người ở với ta, nhìn ta, thương ta, ban phúc lành, ban ơn thánh giúp sức ta…

 Như vậy, ta có thể thờ phượng Người, yêu mến Người, tiếp xúc và gặp gỡ Người ở bất cứ đâu, đặc biệt là ở trong anh chị em ta, nhất là những người nghèo khó, tất bạt mà ta an ủi hay giúp đỡ : “Quả thật, Thầy bảo anh em: những gì anh em đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất này của Thầy, là anh em đã làm cho chính mình Thầy." (Mt 25.40)

Tích truyện

Neesima, cậu bé người Nhật bổn, vì nhà nghèo, nên mới lên 10 tuổi, đã phải đi giữ chuồng ngựa. Năm 11 tuổi, Neesima bắt đầu nghi ngờ sự thờ lạy hình tượng và thờ tổ tiên trong gia đình mình. Cậu thấy thợ lấy gỗ chạm trổ hình tượng thần, và cậu lý luận rằng một thần sống không thể có bộ dạng như vậy. Ngày kia, lúc cả gia đình quì lạy hình tượng thì Neesima cứ đứng thẳng, và cậu nói:

- Thưa cha, con không thể thờ cúng chung với cha được nữa.

- Mầy điên sao? Cha cậu hỏi.

Neesima nhấn mạnh:

- Những hình tượng nầy không phải là chân thần. Nó chỉ là gỗ, đá. Tại sao người sống lại thờ lạy vật chết ?

Ông già thở dài và tiếp tục thờ cúng. Neesima buồn rầu trong lòng, rón rén bước ra. Chắc phải có một Đấng thiêng liêng mà cậu có thể thờ lạy. Ước gì cậu có thể tìm thấy Ngài! Neesima cầu xin rằng: “Ôi! Nếu Ngài có mắt, xin hãy nhìn xem tôi! Nếu Ngài có tai, xin hãy nghe tôi!”

Có một cái gì trong lòng thúc đẩy cậu lìa khỏi nước Nhật, ra đi tìm kiếm Thiên Chúa. Một người bạn làm ở hãng tàu đã sắp đặt cho cậu được nhận trên một chiếc tàu đi Trung Hoa. Tại Thượng hải, cậu may mắn tìm được việc làm trên chiếc tàu Mỹ chở hàng, tên là Will Rover. Đang khi tàu cất hàng tại Hương cảng, thì Neesima đi xem các tiệm buôn. Trong một tiệm sách, cậu nhìn thấy một quyển Tân Ước, giống như quyển Kinh Thánh chữ nho mà cậu đã thấy mấy năm trước. Để mua quyển Tân Ước, cậu bán thanh kiếm Samurai, vốn là vật tượng trưng cho lòng trung thành của mình đối gia đình và tổ quốc. Đây là một hy sinh mà chỉ người Nhật mới biết là lớn lao dường nào. Cậu cầu nguyện rằng: “Ôi! Lạy Đức Chúa Trời, xin Ngài đừng để tôi hy sinh vô ích!”

Suốt một năm trên chiếc tàu chở hàng, cậu học từng chữ trong Tân Ước đến nỗi thuộc lòng gần hết. Ông chủ tàu nghe biết cậu này khát khao tìm kiếm Thiên Chúa, nên đem Neesima về nhà và nhận làm con nuôi.

Vì cha nuôi cậu là một Kitô hữu, nên Neesima được học Kinh Thánh và hiểu rõ rằng Chúa Cứu Thế mà cậu đọc truyện đó đã chịu chết vì cậu, đã chịu sự hình phạt mà cậu đáng phải chịu vì tội lỗi mình. Cậu đáp lời Chúa Kitô, đem tất cả lòng tin mà đến cùng Ngài, và cậu tìm được sự bình an trong lòng mà mình đã suốt đời mong ước. Cậu hết lòng cảm tạ Thiên Chúa.

       Đến năm 1867, một Nhật hoàng khác lên ngôi, chủ trương chánh sách mở cửa cho ngoại quốc, nên ông Neesima đã được trở về quê hương và đem Tin Mừng Chúa đến bao nhiêu triệu người Nhật đang thờ tà thần.    

ššUœ

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Bài Lời Chúa 118: Nước Thiên Chúa (phần Ii) (4/8/2017)
Bài Lời Chúa 117: Nước Thiên Chúa (phần I) (4/8/2017)
Bài Lời Chúa 116: Sống Đã Rồi Mới Ăn (4/8/2017)
Bài Lời Chúa 121: Không Có Thánh Thần, Nước Chúa Sẽ Điêu Tàn (4/8/2017)
Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu Kito (3/24/2017)
Tin/Bài cùng ngày
Bài Lời Chúa 115: Đạo Buồn Hay Đạo Vui ? (phần Ii) (3/8/2017)
Bài Lời Chúa 114: Đạo Buồn Hay Đạo Vui ? (phần I) (3/8/2017)
Bài Lời Chúa 113; Thân Thể Chúa Giêsu Phục Sinh Là Đền Thờ (3/8/2017)
Bài Lời Chúa 112: Thờ Phượng Trong Thần Khí Và Sự Thật (3/8/2017)
Tin/Bài khác
Bài Lời Chúa 109: Được Thờ Phượng Là Một Ơn Phúc (phần I) (3/1/2017)
Bài Lời Chúa 108: Được Cứu Là Cốt Để Thờ Phượng (3/1/2017)
Bài Lời Chúa 107: Chúa Luyện Ta Cách Nào ? (3/1/2017)
Bài Lời Chúa 106: Khi Chúa Không Làm Chủ (3/1/2017)
Bài Lời Chúa 105: Những Hiệu Quả Của Ơn Tái Sinh (3/1/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768