MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: quê hương & giáo hội việt nam
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Ôi! Sài Gòn, Bây Giờ Em Ở Đâu? Trở Về Sài Gòn
Thứ Tư, Ngày 4 tháng 1-2017

Ôi! Sài Gòn, Bây Giờ Em Ở Đâu? Trở về Sài Gòn

Một nỗi vui rộn ràng lan khắp châu thân khi chiếc xe đoàn băng qua cầu Phan Thanh Giản, bon bon trên con đường Đinh Tiên Hoàng, tiếp đến Hiền Vương, rẽ trái Lê Văn Duyệt, quẹo phải Hồng Thập Tự và đậu lại trước cửa rạp Olympic, bến đỗ của đoàn.

Phải nhận rằng tôi yêu Sài Gòn sâu sắc, hơn tất cả mọi Thành phố đã đi qua. Xứ Huế mơ màng với giòng sông Hương thương nhớ chỉ là niềm kiêu hãnh còn lưu lại trong máu huyết. Đà Lạt mây giăng thấp và buồn ngàn đời lại chỉ tượng trưng cho kỷ niệm một thời của tuổi đôi mươi. Riêng Sài Gòn lại khác. Tôi yêu từng góc phố của Sàigòn qua từng mỗi giai đoạn sống. Yêu cái tuổi thơ vẫn cùng chúng bạn tranh nhau từng quả me dốt rơi trong sân trường Âm Nhạc. Yêu những tàng cây cao trên con đường Nguyễn Du khi tâm hồn bắt đầu biết rung động vì màu xám của không gian. Yêu cái cửa sổ lớp nhìn ra sân trường đại học có những chiếc lá vàng bay lả tả vào một chiều thu tím. Yêu thật nhiều ly cà-phê của quán Hân trên con phố Đinh Tiên Hoàng mỗi lần tự tưởng tượng mình đang là một “triết gia !”

Và rồi trong cái tâm hồn đang chuyển dần sang màu xám, tôi vẫn cứ yêu Sài Gòn ngây ngất. Sài Gòn lúc ấy không còn cô đọng trong tay vói, trong mắt nhìn; mà chính là ảo ảnh êm đềm để nhớ về từ không gian xa xôi của các tỉnh lỵ; là cái nôi thương yêu để úp mặt khi đôi cánh giang hồ rỉ máu; là hạnh phúc và khổ đau trộn lẫn khi tôi vừa muốn rức rảy từ bỏ, lại cũng vừa tha thiết nhớ thương.

Sài Gòn vẫn chỉ giữ ngôi vị độc tôn khi mọi ước mơ trong trái tim tôi đã hoàn toàn biến mất. Chế độ càng gắt gao, luật lệ được ban ra nhiều bao nhiêu thì người dân Sài Gòn lại càng tha thiết muốn bảo tồn những cái gì đã mất hay đang mất bấy nhiêu. Những quán rượu lộ thiên mọc lên như nấm. Những quán cóc cà phê nhan nhản khắp các góc phố, lề đường. Các khu chợ trời đông hơn hội Tết; người mua kẻ bán bâu quanh các món hàng trong cái vẻ giành giật, âu lo.

Sài Gòn càng được yêu nhiều hơn trong ánh nhìn từ một góc xấu nhất. Những cái lều vải lụp xụp căng ra dọc theo các khu Nguyễn Hoàng, An Đông… làm nơi tạm trú của các người dân trở về từ vùng kinh tế mới chẳng thể làm cho Sài Gòn tan biến đi nỗi dịu dàng bất chợt của thời gian gần Tết. Những người hành khất dẫy đầy nơi các phố vẫn không làm mất đi màu xanh tuyệt vời của lá trên các con đường có nhiều cây cao.

Sài Gòn càng khổ sở lại càng đẹp ! Cái đẹp não nùng đau đớn như giọt nước mắt lăn trên đôi má nhăn nheo của người mẹ già một ngày nhận tin con mình đã chết. Sài Gòn càng bi thương càng thêm quyến rũ; y hệt một cô gái đẹp mặc chiếc áo rách mà những chỗ hở lại chỉ làm cho khách đa tình phải đắm, phải say.

Có những đêm rất khuya, đạp xe trở về từ rạp hát, ghé qua dốc cầu Trương Minh Giảng trước cửa trường Đại Học Vạn Hạnh, ngồi uống ly cà phê đen, nhìn dòng đời rơi rớt lại trên một vài sinh hoạt muộn trễ, tôi biết mình vẫn chỉ yêu Sài Gòn trên hết. Sài Gòn với ngọn gió mang mang của trời tháng Chạp, với các buổi chợ đêm những ngày cận Tết vẫn còn làm tâm tư lao xao trong một nỗi niềm man mác nhớ nhung (gió tháng Chạp thì không bao giờ biến thể cho dù thời gian có trôi, xã hội có đổi). Và Sài Gòn vẫn ngất ngưỡng ngự trị trong tôi với buổi chiều cuối năm, phố phường bỗng dưng lạnh vắng, không gian như khóc và thời gian như nuối tiếc, thở dài !

Tuy nhiên, trên hết, Sài Gòn không có gì thay thế được với cái đêm Ba Mươi kỳ ảo (nửa đời người, trong tôi, có lẽ chỉ tình yêu cho mẹ già và đêm cuối năm Âm Lịch của Sài Gòn là không bao giờ thay đổi). Ngồi nơi một chiếc ghế thấp của một quán cà phê nào đó bên vệ đường thành phố, tôi chờ đón giao thừa. Những chiếc xe đạp rộn ràng xuôi ngược. Những đôi chân tất tả trở về. Những con người vội vàng với thời gian để kịp bước với một tuổi già sẽ đến đêm nay trên đầu họ. Những mâm hoa quả được bày ra trước các cánh cửa với nghi ngút khói nhang. Và rồi tiếng pháo nổ lên, thoạt đầu lẻ tẻ vài phong, sau đột nhiên nổ dòn đồng loạt. Các tia ánh sáng bắn ra tung toé. Lũ trẻ con giành nhau từng viên pháo tịt. Thỉnh thoảng, một tiếng “đùng” thật lớn của viên pháo đại dội lên và lũ trẻ lại ùa nhau chạy sang một góc phố khác…

Giao thừa đang đến. Năm mới lại về. Nàng Xuân e ấp dịu dàng trên các chậu mai vàng trước ngõ. Và tâm hồn khách cà-phê cũng rung động dạt dào theo tiếng pháo của đêm Ba Mươi !

Trần Thị Bông Giấy
(San Jose, Cali. cuối tháng 1/1996)
(Trích Bút ký “Nước Chảy Qua Cầu”).

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Tâm Sự Về Các Cựu Chiến Sĩ (1/26/2017)
Giáo Xứ An Truyền, Tgp. Huế Đón Tết Đinh Dậu 2017 (1/25/2017)
Yêu Tổ Quốc- Yêu Đồng Bào (1/24/2017)
Động Lòng - Bùi Bảo Trúc (1/24/2017)
Giáo Hội Cũng Bao Cấp?!! --- Trần Mỹ Duyệt (1/22/2017)
Tin/Bài khác
"trại Giam Cổng Trời" (phần 2) (12/27/2016)
"trại Giam Cổng Trời" (phần 1) (12/27/2016)
Tgp Hà Nội : Giáo Xứ Lam Điền Trong Đêm Giáng Sinh 2016 (12/26/2016)
Đức Thánh Cha Phanxicô Sứ Điệp Và Phép Lành Giáng Sinh 25/12/2016 (12/25/2016)
Giáo Xứ Lam Điền Tgp Hà Nội: Đêm Thánh Ca Giáng Sinh 2016 (12/21/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768