MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm :: suy niệm về đức mẹ
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Công Dụng Của Tràng Chuỗi Mân Côi
Chủ Nhật, Ngày 7 tháng 10-2018
VietCatholic News (Thứ Sáu 17/10/2008)
 
Công Dụng của Tràng Chuỗi Mân Côi

Người Công Giáo chúng ta, từ các em nhỏ tới người lớn đều đã được Bố Mẹ, gia đình và cộng đồng, giáo xứ dạy cho chúng ta cách nguyện ngắm lần chuỗi Mân Côi hay còn gọi là Tràng Chuỗi Hương Hồng. Mỗi tràng chuỗi là 15 ngắm, suy niệm qua các mùa Vui, Thương và Mừng cuộc đời Mẹ Maria.

Thường thì chúng ta hay suy gẫm lần chuỗi, mỗi lần là 5 chục kinh, qua một trong ba mùa Vui, Thương hay Mừng, để cầu xin Đức Mẹ che chở và phù hộ chúng ta trước tòa Thiên Chúa. Từ những thông lệ đó đã trở thành thói quen hàng ngày trong các gia đình Công Giáo.

Thế rồi tràng chuỗi Mân Côi được biến thành các công cụ xử dụng hàng ngày như:

Đồng Hồ đo thời gian -Thước Đo Đường -Bùa Hộ Mạng -Thuốc An Thần -Thuốc Trợ Tử

Chẳng ai nhớ được, sự kiện này đã xảy ra từ lúc nào? Hay từ thời buổi nào? Có thể nói Tràng Chuỗi Mân Côi đã được cha ông chúng ta coi như là những dụng cụ hữu ích, xử dụng bất cứ lúc nào, hoặc Tràng Chuỗi Mân Côi là những phương thuốc trị bệnh rất hiệu nghiệm kể trên, không phải mất thời giờ tìm kiếm.
Tràng chuỗi Mân Côi chúng ta có thể tìm thấy ngay trên các hình thức cụ thể như: tràng chuỗi gồm 5 hột lớn, 50 hột nhỏ, mỗi chục là 10 hột nhỏ, cách nhau bằng 1 hột lớn và cuối tràng chuỗi 1 Thánh giá.
Chuỗi vòng tròn nhỏ kim loại bằng nhôm có răng cưa và Thánh Giá, chuỗi vòng có thể xỏ vào ngón tay trỏ, ngón tay cái bấm từng răng cưa và xoay quanh ngón trỏ để lần hột. Chuỗi có 10 răng cưa hay hột và một dễ dàng tìm thấy nhất là đếm trên 10 đốt ngón tay, có thể xử dụng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.

Tôi xin đan cử một vài thí dụ điển hình về công dụng của Tràng Chuỗi Mân Côi dưới đây:

-Tràng Chuỗi Mân Côi, Đồng Hồ Đo Thời Gian:
Theo thông lệ, ở quê tôi cứ khoảng 4 giờ sáng là các gia đình công giáo, không ai bảo ai, đều thức dậy, đọc kinh, rồi mới ăn sáng, trước khi ra đồng làm ruộng.

Tôi còn nhớ, vào mỗi buổi sáng sớm. Hết mọi người trong gia đình tôi thức dậy, ngồi quây quần trước bàn thờ đọc kinh, nguyện ngắm chuỗi Mân Côi 5 chục và các kinh cầu các thánh.

Mẹ tôi và chị tôi thì xuống bếp lo việc nấu cơm. Chúng tôi ở trên nhà đọc kinh thật to để Mẹ tôi và Chị tôi ở dưới bếp vừa nấu cơm vừa theo kinh.
Mẹ tôi cho biết: Chúng tôi chỉ đọc khoảng trên 3 chục kinh là nồi cơm của bà đã sôi. Cả nhà vừa đọc xong kinh, thì thời gian nấu cơm và thức ăn của các bà cũng xong, sẵn sàng sắp ra cho mọi người ăn.

Những buổi đọc kinh sáng và tối như vậy. Chúng tôi đọc kinh rất to, các gia đình lối xóm chung quanh đều nghe rõ mồn một. Những gia đình bên lương cũng phải thức dậy vì những tiếng cầu kinh của các gia đình công giáo chúng tôi rót vào tai họ, tạo nên những cung điệu âm thanh réo rắt vang vọng bay xa vào một buổi sáng tinh sương, như những tiếng chim hót của buổi bình minh nơi vùng hương quê thôn dã.

Chúng tôi là những người dân công giáo miền Bắc di cư vào Nam được đưa xuống dinh điền Cái Sắn, Rạch Giá sống tập trung trong trại tạm trú là một dãy nhà lán rất dài và rộng do chính phủ dựng lên.
Ban Điều Hành trại chỉ chừa một khoảng trống nhỏ trong lán gần phía đầu, đủ để đặt một bàn thờ cho Cha Tuyên Úy dâng lễ hàng ngày. Các gia đình cư ngụ trong lán có thể ngồi ngay trên chiếu hay tại trên giường của gia đình mình xem lễ. Mỗi tối chúng tôi tập trung cả lán đọc kinh, vang dội khắp nơi, rất vui.

Bà tôi kể: Em tôi sanh ra, vào lúc sáng sớm ngày Chúa Nhật ngày Lễ Ném Đá năm 1956, khi mọi người trong lán chuẩn bị đọc kinh dâng Lễ, thì Mẹ tôi đau bụng lâm bồn. Bố tôi phải lấy chiếu vỉ và vải che chung quanh giường cho Mẹ tôi sanh.
Cộng Đoàn lẫn chuỗi đến chục thư Tư thì em tôi lò mò chui ra, ré lên khóc thét. Làm cho những gia đình trong lán, gần giường gia đình tôi phải chia trí.

Kết thúc Thánh Lễ, nhiều người hay tin, kéo đến hỏi thăm Mẹ tôi. Bà Nội tôi kể cho họ nghe: “Cái con Mẹ này nó mắn đẻ lắm. Nó chỉ đau bụng lâm râm, thế mà chỉ đọc có 4 chục kinh, là nó đã sanh rồi”. Bà Nội tôi đem ngay Kinh Mân Côi ra, đo thời gian Mẹ tôi lâm bồn một cách ngọt xớt.

-Chuỗi Mân Côi đo thời gian làm công việc.
Chúng tôi là những người dân nông thôn, công việc chính là gieo mạ, cấy lúa ngoài đồng. Còn việc trong nhà như: Xay luá giã gạo thì thường làm vào lúc buổi tối sau khi ăm cơm tối xong. Bọn trẻ chúng tôi cùng gia đình đọc kinh, Bố Mẹ chúng tôi và những người lớn vừa xay lúa, giã gạo vừa đọc kinh. Họ cứ căn chừng, đọc bao nhiêu kinh thì xay được mấy thúng lúa, hoặc giã được mấy thúng gạo. Đến mùa làm thuốc lào, họ vừa đọc kinh vừa làm thuốc lào, gói thành bánh thuốc lào và đóng thùng. Miệng đọc kinh nhưng tay chân cứ thoăn thoắt làm đều. Có thể so sánh số lượng sản phẩm hoàn tất với tràng kinh Mân Côi đã đọc.

-Tràng chuỗi Mân Côi Thước Đo Đường:
Ngày xưa ở ngoài miền Bắc, các cụ là những người dân quê mùa, chất phác, kỹ thuật không có, đi từ làng này qua làng kia, không có cột mốc đo đường, mà chỉ đếm bằng bước chân hoặc lần chuỗi Mân Côi.
Làng tôi ở là một họ lẻ, mỗi sáng Chúa nhật phải sang nhà xứ đi lễ. Nội tôi cứ mỗi lần đi lễ, ra khỏi nhà, là cụ vắt cái áo chùng thâm lên vai, bắt đầu làm dấu đọc kinh lần chuỗi Mân Côi cho tới khi đến nhà xứ, xuống cầu ao rửa chân, mặc áo chùng thâm vào, rồi mới vô nhà thờ. Từ nhà sang đến nhà xứ, được Cụ đo đường bằng kinh Mân Côi. Cụ cho biết, chỉ đọc khoảng 7 chục kinh là tới nhà xứ.

Kinh Mân Côi đo đường đi chợ: Mẹ tôi đi chợ. Từ nhà đi chợ huyện không biết bao xa, nhưng các cụ cho biết, quãng đường dài đi bộ, chỉ đọc khoảng 120 kinh là ra đến chợ.
Từ nhà tôi sang chợ làng bên cạnh đọc 4 chục kinh. Đi chợ xã khoảng 6 chục kinh. Hễ cứ đi phiên chợ nào, thì khoảng cách con đường được các cụ đo bằng kinh Mân Côi, các cụ kể ra vanh vách, còn nhanh hơn cả mấy ông phu lục lộ công chánh đo đường vậy.

Năm 1956 gia đình tôi được đưa xuống định cư ở dinh điền Cái Sắn, kênh B2. Mỗi kinh dài 12 cây số. Nhà tôi ở cây số thứ 7 hay còn gọi là khu 7. Tức là từ nhà tôi ra chợ khoảng 7 cây số. Hồi đó không có phương tiện vận chuyển, mà chỉ đi bộ. Sáng sớm mỗi lần Mẹ tôi và chị tôi đi chợ phải lội bộ ra chợ đầu Kênh. Các bà cho biết, hai người chỉ đọc gần một tràng kinh Mân Côi là tới chợ.

Ông bà hoặc Bố Mẹ tôi có việc cần, đi thăm bà con họ hàng hay đi liên lạc công việc gì ở các làng xa. Cứ ra khỏi nhà, là các cụ làm dấu đọc kinh. Đường xá dù xa, hay gần cũng đều được các cụ đo bằng kinh Mân Côi, cho đến lúc tới nơi, tới chốn. Như vậy tràng chuỗi Mân Côi là thước đo đường của các cụ ngày xưa.

-Tràng chuỗi Mân Côi Lá Bùa Hộ Mạng
Từ nhà tôi đi Lễ sáng, trên đường đi phải qua nhà một người đàn ông đã thắt cổ tự tử chết.
Người lớn thường hay dọa bọn trẻ chúng tôi, là đi qua nhà đó hay gặp ma. Mấy anh em chúng tôi đi lễ gần tới đó, trống ngực đánh bình bịch. Không ai bảo ai, chúng tôi đọc kinh thật to, trấn át bóng ma cho đỡ sợ.
Sau đó chúng tôi cùng nói to: “Ma! Mả! Mà! Ma! Tao có Đức Bà, tao chẳng sợ ma”.
Miệng thì nói thế, nhưng trống ngực vẫn đánh phình phịch như có người bơm tim thật mạnh.

Còn nữa, mỗi sáng đi học ở vùng quê, trời có khi đổ mưa tầm tã, những cơn mưa nặng hạt kéo đến rất nhanh kèm theo những tiếng sấm sét nổ kinh hồn, chát chúa xẹt trên đầu. Bên Việt Nam mùa khai trường thường vào tháng 7 tháng 8 hay tháng 9 gì đó. Những tháng này lại là mùa mưa nhiều nhất, “Tháng Bảy mưa ngâu mà”. Từ nhà tôi tới trường làng quê ở nhà xứ khoảng 2 cây số đi bộ. Mỗi buổi sáng chúng tôi rủ nhau đi học, nhiều lần vừa ra khỏi nhà, cơn mưa bỗng chốc từ đâu kéo đến, đổ ập xuống, như trút nước trên đầu cùng với những làn gió lạnh và những tiếng sấm sét ghê hồn nổ sẹt trên trời. Chúng tôi lo sợ, hết hồn vía. Ba, bốn đứa, xúm lại với nhau, quấn chung một miếng vải nhựa làm áo che mưa. Tự nhiên chúng tôi chẳng ai bảo ai, cất kinh Mân Côi lên đọc ngon lành, để bớt sợ sấm sét. Miệng đọc kinh, chân dò dẫm lội bùn bước từng bước đến trường. Tiếng đọc kinh cứ cất lên thật to bao nhiêu, thì cơn sợ hãi giảm dần đi, cho đến khi tới trường, mới hết lo sợ.

Giờ đây nhân tháng Mân Côi lại trở về, tôi cảm nghĩ về quá khứ, nên ghi lại vần thơ này:

Năm xưa trời đổ mưa phùn
Đường em đi học lầy bùn khổ chưa
Trên đầu không nón che mưa
Có đôi guốc bẹt lại vừa đứt quai
Tay em giữ vạt áo gài
Một tay xách guốc túm hai ống quần
Bùn sâu đến mắt cá chân
Sách em ấp ngực mấy lần chực rơi
Xa xa trống đã điểm hồi
Em còn lần hạt ngoài trời gió mưa


-Tràng chuỗi Mân Côi Thuốc Bổ An Thần
Kinh Mân Côi tăng sức mạnh: Bố tôi trước khi đi nhà thương giải phẫu vì ung thư ruột. Cụ đã ngồi trước tượng Mẹ Fatima hàng giờ mỗi ngày, lần chuỗi Mân Côi, cầu xin Mẹ trợ giúp qua cơn bệnh hiểm nghèo. Cuộc giải phẫucủa cụ kéo dài 6 tiếng đồng hồ, cắt ruột và gắn máy trợ tim. Sau khi giải phẫu, áp huyết tăng rất cao 230/95. Bác sĩ đã báo động, vì high blood pressure, vết mổ trong ruột có thể bị rỉ máu, gây nguy hại đến tính mạng. Họ đã cho gia đình chúng tôi biết, phải chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng, chuyện hữu sự có thể xảy đến cận kề. Mọi người trong gia đình tôi đều hồi hộp lo sợ. Mẹ tôi đến nhà thương, cứ chắp tay năn nỉ Bs cứu Bố tôi. Bà nói: “Còn nước còn tát”. Mẹ tôi già yếu, khi hay tin Bố tôi đang trong cơn nguy biến, nước mắt Mẹ tôi tuôn trào, chảy ròng, nhưng Bà cụ vững tay cầm chuỗi hương hồng, liên tục đọc kinh, ngồi chờ tin và bắt mọi người quì trước tượng Mẹ Fatima cầu nguyện, xin Đức Mẹ cứu Bố tôi qua khỏi cơn nguy biến.

Bố tôi sau khi giải phẫu đã phải nằm lại trong phòng hồi sinh 4 ngày (Bs nói chưa có ai nằm lâu trong phòng hồi sinh như vậy) Họ đã chữa cho Bố tôi giảm được áp huyết xuống, khi vết mổ an toàn, được ra phòng chăm sóc đặc biệt (intensive care). Gia đình mừng rỡ như Bố tôi vừa chết sống lại. Mẹ tôi đến thăm, đặt trước ngực Bố một cỗ tràng hạt. Bố tôi từ từ tỉnh lại và phải nằm lại nhà thương gần 2 tháng.

Lúc nào tôi lên thăm cũng thấy cụ tay cầm tràng chuỗi lần hột Mân Côi. Tôi hỏi Bố còn đau không? Bố tôi trả lời: Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ, Ba đỡ đau rồi. Cách nay vài năm Cụ lại thêm căn thận nữa. Cứ vào nhà thương rồi về. Về rồi lại vào nhà thương, tái đi tái lại. Cụ luôn bám vững vào kinh Mân Côi để xin cứu chữa Cụ.

Sau khi Bố tôi bình phục, Mẹ tôi hứa với Đức Mẹ, là các ngày thứ sáu, Mẹ tôi đều ăn chay để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã cứu Bố tôi. Cho nên bây giờ, chị em chúng tôi lưu ý, không tổ chức ăn uống hay tiệc tùng linh đình vào ngày thứ sáu, giúp Mẹ tôi giữ trọn lời thề nguyền với Chúa và Mẹ Maria.

Nhờ tràng chuỗi Mân Côi mà Bố tôi vẫn còn sống đến ngày nay, tuy Cụ đã già 92 tuổi rồi, nhưng trí óc của Bố Mẹ tôi vẫn còn minh mẫn và nhớ từng người, từng lời nói. Những ngày không đi đâu, các Cụ rủ nhau ngồi nhà đọc kinh, ít nhất mỗi lần hơn một tiếng đồng hồ. Ngày 3 lần như vậy: Sáng, Trưa và Tối mỗi lần các Cụ đọc hết một tràng chuỗi 150 kinh qua 3 sự Vui, Thương và Mừng và các kinh cầu đủ mọi Thánh. Thỉnh thoảng tôi ghé nhà thăm các Cụ, nhằm lúc các Cụ đang đọc kinh, tôi lặng thinh ra phòng khách ngồi đợi đọc báo, hoặc xem TV

Tôi biết chắc là, khi nào nghe thấy các Cụ cất kinh cầu nguyện cho “Các Linh Hồn Mồ Côi” đó là lúc gần sắp chấm dứt! Amen. Nếu chưa thấy các cụ: “Cầu cho các linh hồn mồ côi” là kinh vẫn còn tiếp tục. Tôi thường hay nói dỡn với các Cụ: Ba Má như cái cối xay kinh. Mẹ tôi mắng tôi: “Nếu tôi không đọc kinh, thì Bố anh chẳng còn sống đến ngày nay”.
Vì yêu mến kinh Mân Côi, nên Bố tôi đã viết lên 2 câu đối đặt trước bàn thờ Mẹ Fatima, để làm kim chỉ nam cho mọi người trong gia đình noi theo:

Hoàng Hoàng vị tam Thiên Chúa Tể
Nguy Nguy thể nhất mẫu Mân Côi


Xin tạm dịch:
(Ba Ngôi là vua trên hết các Vua)
(Lúc nguy biến thì cứ bám chặt lấy tràng chuỗi Mân Côi)


-Tràng chuỗi Mân Côi Thuốc Trợ Tử.
1. Ông Ngoại tôi bị bệnh ung thư phổi, phải nằm điều trị tại bệnh viện Hồng Bàng thời gian khá lâu. Lúc nào đến thăm, tôi cũng thấy Cụ tay cầm chuỗi lần hạt, Cụ chỉ tạm ngưng khi Bs đến khám bệnh hay có ai tới thăm. Bs cho biết Ngoại tôi chỉ còn sống được một thời gian ngắn nữa thôi. Trước khi hấp hối, cụ dặn gia đình, phải đeo cho cụ Chuỗi Tràng Hạt và dây áo Đức Bà trên ngực trước khi tẩm liệm, để cụ yên tâm ra đi về với Chúa. Thánh Lễ an táng, trên quan tài của Cụ, cậu tôi đã gắn một cỗ tràng hạt trên nắp quan chôn theo với cụ. Sau hơn 40 năm, Bố Mẹ tôi về VN cải táng ông Ngoại tôi, đốt tro cốt, đem về lưu trữ trong nhà hài cốt của giáo xứ. Khi khai quật quan tài Ngoại tôi lên, dây áo Đức Bà đã mục nát theo thời gian chôn vùi, nhưng cỗ tràng hạt vẫn còn nguyên, chỉ đổi màu đen giống như gỗ bị chôn dưới bùn.

2. Một thanh niên trẻ VN đã bị kết án tử hình tại Singapore.
Tuy là tân tòng nhưng anh đã vững tin vào Chúa, sẽ cho anh về Thiên Quốc sau khi lìa đời. Anh đã lần hạt Mân Côi từ trại giam xà Lim sang đến nơi hành hình và đến giờ phút cuối cùng khi bị treo cổ. Chẳng phải Tràng Chuỗi Mân Côi là thuốc trợ tử sao???

3. Người anh họ của tôi nhập ngũ QLVNCH, ra trường được gần một năm, đóng đồn ở Đồng Tháp Mười, đi hành quân, bị thương nặng tại mặt trận, được tải thương về Quân Y Viện Cần Thơ thì chết, vì mất máu qúa nhiều. Gia đình Bác tôi nhận được tin đơn vị báo, thì rất buồn. Tôi dẫn Bác tôi đến tử sĩ đường Cần Thơ nhận xác. Sau khi làm thủ tục, nhân viên chung sự dẫn chúng tôi xuống nhà xác, vào phòng lạnh nhận tử thi. Khi nhân viên chung sự kéo thi hài anh họ tôi từ trong tủ lạnh ướp xác ra. Bác tôi nhìn thấy anh họ tôi nhắm mắt chết, thì Bác tôi tru lên khóc nức nở. Chúng tôi vỗ về an ủi mãi, Bác tôi mới ngưng, rồi méo máo, nói: Anh cháu chết, Bác buồn lắm, nhưng Bác rất an tâm, khi nhìn thấy trên cổ anh còn đeo cỗ tràng hạt. Bác tin là anh cháu đã về Thiên Đàng rồi. Thế là Bác tôi nín khóc và bình tĩnh trở lại, cùng với tôi hoàn tất thủ tục nhận xác đưa về nguyên quán chôn cất. Bài giảng trong Thánh Lễ an táng, Linh Mục chủ tế đã ca ngợi lòng trung tín và đức tin Công Giáo của anh họ tôi, tràng chuỗi Mân Côi gắn bó theo người đến lúc chết, đã làm cho nhiều người tham dự lễ an táng lưu luyến và cảm phục.

-Tràng chuỗi Mân Côi, Áo Giáp Chắn Đạn Giặc
Tôi cũng gia nhập quân đội VNCH thập niên 70, tôi được bổ sung ra đơn vị tác chiến, hầu như ngày nào cũng đi hành quân. Có khi lội bộ di hành cả chục cây số, có lúc trực thăng bốc chúng tôi đổ xuống chiến trường đang dầu sôi, lửa bỏng, đối đầu với quân thù. Cứ mỗi lần lên đường hành quân, tay vừa ghìm súng, vừa bấm đốt ngón tay, thì thầm đọc kinh Mân Côi xin sự bình an. Không phải chỉ một mình tôi, mà tôi thấy những người bạn Công Giáo đồng ngũ với tôi, miệng ai cũng lẩm bẩm như tôi.

Chúng tôi di hành qua các làng mạc, rừng rú hẻo lánh, chăm chú đọc kinh, đôi khi chẳng để ý gì đến ngoại cảnh, chân bước đều theo nhịp quân hành cùng đồng ngũ. Lúc súng nổ đạn bay chí chéo, phản ứng tự động nâng súng bóp cò, theo lệnh xung phong của vị chỉ huy, nhưng trong lòng tôi vẫn lần hạt, cầu xin ơn trên phù hộ, giảm bớt sự lo sợ và trấn an tinh thần. Vì thế qua 5 năm phục vụ trong ngành lính tác chiến, đối đầu trực diện với quân thù, tôi không hề bị trầy da, tróc vẩy. Mỗi lần lâm trận. Tôi lẩm bẩm nhắc đi, nhắc lại trong lòng khẩu hiệu:

Tràng hạt là khẩu cà nông
Bắn vào Cộng Sản các ông phải chuồn


Tôi nghĩ giờ đây, những người giáo dân giáo xứ Thái Hà Việt Nam, thuộc giáo phận Hà Nội cũng đang thực hiện câu này. Họ đoàn kết với nhau, cùng liên lỷ cầu nguyện lần chuỗi hương hồng, xin Mẹ phù hộ cho họ được bình an, đòi cộng sản phải trả lại đất đai cho nhà Chúa. Họ lần chuỗi cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình được thể hiện trên quê hương VN. Chắc chắn Chúa và Đức Mẹ sẽ nhận lời. Tràng Chuỗi Mân Côi vang lên tiếng kêu cứu, ai oán. Bọn cán bộ nhà nước cộng sản Việt Nam ắt phải lùi bước.

Ở nhà, tôi thường nghe Bố Mẹ tôi đọc kinh Mân Côi do giáo phận Thái Bình soạn thảo, tôi thấy kinh cầu Mân Côi của GP Thái Bình lúc này rất là hữu dụng:

Lạy Nữ Vương rất thánh Mân Côi hay cứu giúp bổn đạo, hộ vực loài người và hằng thắng trận các kẻ thù nghịch cùng Chúa. Nay chúng con xấp mình xuống trước ngai thiêng, hết dạ nài xin, ước mong Mẹ dủ lòng từ bi, ban ơn cứu giúp chúng con trong lúc gian nan này. Chúng con chẳng dám cậy công linh gì, môt cậy vào lượng hải hà, lòng từ bi bác ái Mẹ, trong lúc loài người dã tâm dậm nát con cái Mẹ. Chúng con chỉ một lòng chạy đến cầu khẩn Chúa cùng Mẹ ban ơn che chở trong lúc gian nan này. Xin Mẹ, cầu khẩn cùng Chúa che chở cho cả Hội Thánh và Nhân Loại đời nay không bị người đời xâu xé dập nát như cơn hồng thủy nữa… Amen”.
 
Jo. Vĩnh
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Qua Đức Mẹ Đến Với Chúa Giêsu Thánh Thể (5/23/2019)
Sứ Điệp Đức Mẹ Cho Thời Đại Chúng Ta (5/20/2019)
Ngày 13 - 05 --- Lễ Đức Mẹ Fatima (5/13/2019)
Mùa Hoa Đức Mẹ (5/2/2019)
Ánh Sáng Đức Mẹ Dẫn Chúng Ta Ra Khỏi Bóng Tối (10/18/2018)
Tin/Bài khác
Mười Cách Tôn Kính Đức Mẹ (8/16/2018)
Đức Maria – Mẹ Giáo Hội (lễ Mẹ Giáo Hội – Thứ Hai Sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) (5/20/2018)
Có Đức Mẹ Maria Ngự Vào Nhà, Ma Quỷ Nào Dám Đột Nhập (1/28/2018)
Hãy Thả Lưới Bên Phải Thuyền (10/21/2017)
Đặc Tính Của Việc Tận Hiến Cho Đức Mẹ (10/20/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768