MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đức mẹ việt nam :: đức mẹ trà kiệu
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Tôi Ðã Thấy Trà Kiệu
Thứ Bảy, Ngày 4 tháng 4-2009

TÔI ÐÃ THẤY TRÀ KIỆU

trích Tập Tin Đức Mẹ Trà Kiệu, do Hội Con Đức Mẹ Trà Kiệu ấn hành, số 22 bộ mới, tháng 9/2002


Tâm tình viết từ Trà Kiệu của Nguyễn Viết Bình

 Tôi về Trà Kiệu giữa mùa hành hương rầm rộ của những tháng hè 2002. Tôi đã thấy từng đoàn xe chở từ 2 đến 3 trăm khách hành hương đến đây kính viếng Mẹ, xin ơn và nhất là tạ ơn Mẹ.

Tôi đã thấy cha sở Trà Kiệu tất bật tiếp đón những người hành hương như một "tour guide" chuyên chính ngay trong lòng Trung Tâm Thánh Mẫu.

Tôi cũng đã thấy ánh đèn cao thế bổng rực sáng, soi chiếu 1 góc trời, ngay giữa đêm đen mù tịt, trên Ðồi Bửu Châu, nơi đây chúng ta cao rao danh Mẹ. Và cũng từ đó tôi nghe được tiếng hát ngọt ngào của từng đoàn hành hương, trong đó có đoàn từ Vương Cung Thánh Ðường Sài Gòn về đây ca tụng Mẹ Trà Kiệu mến yêu. Họ đến đây bất kể ngày đêm, lúc nào Ðền thánh Mẹ Trà Kiệu cũng sẵn sàng mở cửa.

Có những thánh lễ giữa đêm, những giờ sám hối trong bóng tối canh thâu: lúc nào cha sở Trà Kiệu cũng một lòng phục vụ nhu cầu đạo cho khách hành hương, chỉ mong cho danh Mẹ được loan truyền khắp nơi và phần rổi linh hồn cho những ai chạy dến cùng Mẹ.

Tôi ở lại Trà Kiệu 15 hôm, trong những ngày nóng cháy và hạn hán miền Trung. Tôi đã thấy ruộng nương thiếu nước, lúa đương lên đã bắt  đầu héo gục. Ðang  khi đó nước sông MeKong dâng cao ở thượng nguồn làm đồng bằng miền Bắc và đồng bằng sông Cửu Long lụt nặng. Quê hương mình là thế đó. Người dân nông vẫn chưa có cơ may vươn lên khỏi mấy bụi sắn, luống khoai.

Tôi đi chợ Trà Kiệu với mấy cô em gái tôi giữa một sớm tinh sương: vì đi trễ vài tiếng đồng hồ, chợ sẽ thưa và hết. Ðiều ấy chứng tỏ hùng hồn rằng mãi lực của chợ cũng khá cao, nhu cầu chợ búa vượt khỏi sức cung, mình có thể đoán được mức sống Trà Kiệu cũng đã được nâng cao đôi phần. Thịt, cá, gà, vịt và ngàn thứ nhu cầu khác được bày bán đầy đủ. Vải vóc, giày giép và các dụng cụ hằng ngày tôi thấy chưng bày dư đủ cho người tiêu thụ.

Cái dấu hỏi lớn vẵn là "tiền đâu?", nhưng cũng thật lạ, người bán vẫn bán, người mua vẫn mua...và cái lạ nầy đang xảy ra cho toàn cõi nước ta. Tìm hiểu thêm thì thấy rằng sức buôn bán của gần phân nữa con dân Trà Kiệu dọc theo tỉnh lộ và ven chợ đang trong hồi cực thịnh. Trung tâm thị tứ nầy đang được lột xác: nhờ con đường cái đang được chỉnh trang, làm rộng ra gấp đôi khi xưa, mặt đường tráng nhựa với hệ thống thoát nước khá công phu, hứa hẹn một ngày mai tươi sáng hơn cho mọi người.

Tôi ghé vào thăm cha sở Nguyễn Hữu Long. Ðây là lần đầu tiên trong đời, tôi hân hạnh gặp mặt ngài, trước là để vấn an sức khỏe của ngài, sau là để hiểu biết thêm những điều đã được nghe, nhưng chưa được thấy về ngài. Ngài đón tôi không phải với nụ cười thường ngày, nhưng là với 1 chuỗi dài tiếng cười rạng rỡ, tưng bừng. Mừng làm sao! Và chuyện dài về giáo xứ cứ thế tuôn trào.

Cha và tôi đã nói về quá khứ với những gì đã xảy ra cho Trà Kiệu, cho Hoà Lâm, cho Chiêm Sơn, và cho những nơi thâm sơn cùng cốc, nơi lẻ tẻ đôi ba gia đình công giáo, mà hằng mấy chục năm qua, chưa thấy bóng dáng 1 linh mục ghé lại, mặc dầu thế nầy hay thế nọ họ cũng thuộc về trách nhiệm thiêng liêng của cha sở Trà Kiệu. Rồi lại nói đến tương lai, mặc dầu những ngày tháng tương lai của ngài như là Cha Sở Trà Kiệu chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Ngài chân thành bày tỏ với tôi rằng:

"Làm được gì thì làm, làm cho đến ngày bước lên xe giã từ Trà Kiệu."

Và quả thật, ngài đang làm, làm với hết sức mình. Tôi được thấy: trong thời gian 30 phút chuyện trò tại phòng làm việc của ngài, có đến 3 cụ bà, nhất định là có nhai trầu đầy miệng, đến thì thầm gì đó với ngài và rồi cha sở đã vào bên trong lấy cái gì đó đem ra nhúi vào tay quý bà.

Thấy tôi không thắc mắc nên ngài cũng chẳng quan tâm cắt nghĩa chuyện 3 bà khiến tôi suy nghĩ: chuyện nầy xảy ra thường xuyên ư! Tôi lại thấy 3 hay 4 em bé, chừng 4 hay 5 tuổi, mũi giải nhỏ dài trên mặt, đang quấn quít bên chân ngài, có đứa lục lạo sách vở, có đứa đụng gì cầm nấy cách vô tư, tôi nhìn chúng, thì ngài bảo tôi:

"Chúng chơi 1 chặp chán thì sẽ đi..."

Ngần ấy chia trí vẫn chưa xong, mấy cô bé 9 hay 10 tuổi đang đùa chơi trước sân, lại vào xin xỏ:

"Cha cho con trái vũ cầu khác, cái nầy hư rồi.."

Ðể khỏi bị chia trí thêm nữa, ngài đề nghị đưa tôi đi 1 vòng chung quanh nhà thờ. Vì thế, tôi đã thấy được tận mắt bờ kè đang làm gần xong. Phải thú thật, khi nhìn thấy bờ suối đang được xây nghiêng 45 độ thay vì xây thẳng đứng như cũ, tôi vui mừng và suy nghĩ có lẽ đây là công trình tốt.

Sở dĩ giáo dân Trà Kiệu phải cực nhọc khốn khó khi phải trục hết những đá cũ lên là vì kỹ sư muốn có lớp đất nền ở dưới phải được 'tinh tuyền" không pha trộn với các chất lạ như bao nylon, sắt vụn, giấy, miễn chai...mà đợt đổ đá trước không quan tâm đến.  Nhìn những đống đá khổng lồ được bốt giỡ từ bờ kè cũ nằm thứ tự chung quanh nhà thờ mà lòng tôi xốn xang.

Có những tảng đá to hơn sức người, nhưng cuối cùng sức người giáo dân Trà Kiệu và các họ nhánh thuộc Trà Kiệu đã thắng tảng đá và làm xong công tác bờ kè 1 cách hoàn hảo. Bây giờ phía sau nhà thờ, mình có đủ đất mới để làm thêm những công trình mới, như làm thêm nhà vệ sinh, phòng tắm, nhà nghỉ ngơi cho khách hành hương.

Tôi đến kính viếng mộ Ðức Cha Phạm Ngọc Chi và 1 số mộ của các linh mục khác gốc Trà Kiệu hoặc đã từng sống với Trà Kiệu. Phản phất đâu đây cái uy nghi của nghĩa trang sang trọng ở Mỹ. Không còn gò nấm, khó bảo trì, chỉ toàn 1 thảm bằng phẳng màu cỏ xanh rì, điểm tô bằng những tấm bia làm bằng đá quý, đặt trên từng mộ của quý linh mục thân yêu.

Ngày nào đó có lễ cầu hồn cho quý linh mục, tôi hy vọng sẽ nhìn thấy 1 rừng hoa tươi thắm cắm trên từng mộ, giữa  tấm thảm cỏ xanh tươi mượt mà: đúng là nghĩa trang sang trọng. An ủi thay cho những người nằm xuống vì Trà Kiệu.

Nhưng 1 vấn nạn khác vẫn còn ám ảnh lương tâm người Trà Kiệu: tro cốt của cố linh mục Bruyère đã được tìm thấy tại Chủng Viện Sài Gòn, nhưng phép tắc để được cung thỉnh tro cốt ấy về an táng thực thụ ngài bên cạnh những linh mục khác có công với Trà Kiệu, thì vẫn chưa biết bao giờ...có. Thương thay, suốt đời linh mục, Cha Bruyère đã làm cha sở Trà Kiệu trong suốt 25 năm trường và chỉ làm cha sở Trà Kiệu duy nhất mà thôi cho đến chết. Xin Chúa nhậm lời chúng con cầu xin.

Cha sở có đưa tôi đến gặp quý Soeurs dòng Phaolo hiện đang xử dụng dãy nhà, xưa là nhà ở các Thầy Xứ và là nhà bếp của Cha Sở, cũng như căn nhà gọi là Nhà Vuông, khi xưa là nhà ở của các linh mục.

Ðược biết các Soeurs Phaolo đang  lo rất nhiều công tác mục vụ giúp cha sở, đồng thời cũng lo các chương trình chăm sóc các em bé dưới tuổi đi học trong giáo xứ. Ngoài ra, Soeur Xuân Hường cùng với các bà Hiền Mẫu Trà Kiệu còn đảm trách điều hành Nồi Cháo Tình Thương, một công tác đã được bà con Trà Kiệu hải ngoại mến mộ và hết lòng giúp đỡ.

Nơi đây, tôi được nghe dự án lớn mà Cha Sở Trà Kiệu đang muốn thi hành, đó là việc Cha đang thương lượng với các Soeurs bề trên của 2 dòng:

1./ Các Soeurs Mến Thánh Giá hiện đang ở tại Nhà Dục Anh sẽ di chuyển về cơ sở của Phước Viện, vì đã từ lâu 2 nơi nầy đều thuộc về Dòng Mến Thánh Giá.

2./ Các Soeurs Phaolo sẽ xữ dụng toàn thể cơ sở của Nhà Dục Anh và

3./ Giáo Xứ sẽ xây dựng lại Nhà Vuông và Nhà Thầy Sở - hai cơ sở nầy đã bị hư hỏng đến độ thiếu an toàn để được làm nhà ở - để xử dụng cho các nhu cầu ngày càng lớn của giáo xứ. Theo nhận xét của tôi và của nhiều người mà tôi có dịp tham khảo thì đây là 1 dự tính rất tốt cho tương lai của giáo xứ. Ước mong sao cho dự tính nầy sớm thành tựu.

Ra khỏi nhà xứ Trà Kiệu là đã gần 8 giờ tối, tôi giã từ cha sở và rảo bước về nhà, biết rằng cha mẹ tôi đang chờ cơm tối. Bỗng dưng, chuông nhà thờ chính Trà Kiệu đổ inh ỏi, tiếp theo, tiếng chuông nhà thờ Núi cũng đổ theo, vang dội. Chuông tiếp tục đổ liên hồi và dai dẳng như thúc dục.

Mặt trời đã lặn, giữa ánh sáng chập chờn của hoàng hôn, tiếng chuông lại càng làm tôi thương tiếc tuổi thơ ấu của tôi tại quê hương dấu yêu nầy. Tôi chẳng biết phải làm gì vì chưa bao giờ được nghe tiếng chuông tối rộn rã như đêm nay.

Tự nhiên tôi làm dấu thánh giá một cách vội vàng như các cầu thủ Mexico trước khi xuất trận đấu. Tiếp theo, tôi nghe đồng loạt tiếng đọc kinh ngọt ngào phát ra từ các gia đình dọc theo con lộ dẫn tôi về Phái Nam.

Tôi vẫn tiếp tục đi, ngang qua nhà nào thì tôi cũng đọc được chung với họ 1 kinh Kính Mừng, trước khi đến nhà kế tiếp. Tôi về đến nhà thì cha mẹ tôi cũng vừa đọc xong kinh tối theo lời mời gọi của tiếng chuông đêm.

Tôi hỏi về tập tục mới về rung chuông và đọc kinh tối trong giáo xứ, thì nhao nhao các em tôi kể tội cha sở như sau:

“Cha sở mình chịu khó lắm, tối nào cha cũng rảo đi đọc kinh với các gia đình trong giáo xứ, nhà nào chưa đọc, ngài tới hối thúc và xướng kinh…nhà nào đang đọc thi cha đọc chung với họ…cuối cùng cha ban phép lành cho gia đình được 1 đêm an lành… Cha sở cũng “dữ” lắm, gia đình nào không nghe lời ngài khuyên nhủ, thì ngài giận, ngài la, ngài hét tùm lum…cho nên Trà Kiệu mình bây giờ có thói quen chờ chuông nhà thờ đổ là bắt đầu đọc kinh tối sốt sắng lắm.”

Tôi nghe mà vui sướng trong lòng. Kinh nghiệm bảo tôi thời gian tốt nhất để đi viếng Núi Mẹ phải là những giờ vắng người, vì thế tôi đã âm thầm lên Bửu Châu 2 lần vào buổi trưa. Một mình một cỏi với Ðức Mẹ, giữa đỉnh cao gió lộng, lòng tôi thư thái hân hoan. Trong khung cảnh ấy, mắt tôi tự nhiên ướt và tôi đã quỳ gối sâu dưới chân Mẹ và thì thầm:

"Lạy Me, xin Mẹ mãi mãi thương yêu Trà Kiệu chúng con".

Có 1 lần, bất thần anh quản gia Đền thánh Mẹ xuất hiện trước mặt tôi. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện về đủ thứ chung quanh đây. Nhận xét chung của chúng tôi là chúng ta cần phải bảo quản cơ sở nầy 1 cách đúng mức hơn, phải chăm sóc tỷ mỹ hơn từng nhánh,  từng cọng cỏ, từng vết đất lở đến từng viên đá sỏi bên lề đường.

Tôi có trình bày ý tưởng của tôi lên ông Ðệ Nhất Phó Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Xứ và Ông cũng đã đồng tình, với 1, 2 tiếng "nhưng.." chứng tỏ đang gặp một vài khó khăn.

Riêng tôi, tôi nghĩ dù có gặp khó khăn nào đi nữa, thì việc bảo trì là công tác hằng ngày, hằng đêm phải lo, nếu không, chờ khi đổ vỡ, thì tốn kém vô cùng to lớn, mà Trung Tâm Thánh Mẫu đã phải gánh chịu cảnh hoang phế năm nầy tháng nọ, mất hết sức thu hút khách hành hương. Tôi thực sự muốn van xin để Ðền Thánh Mẹ, để Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, được xứng đáng hơn làm nơi Mẹ ngự trị.


Mười lăm ngày qua mau mà tôi chưa thấy, chưa nghe hết về Trà Kiệu. Lúc rời Trà Kiệu, tôi hứa với lòng là thế nào cũng phải quay về đây để được nằm chung với tồ tiên tại Thiên Đường Cửa Hẫn, nghĩa trang ấm áp của giáo xứ Trà Kiệu mà mọi con cháu Trà Kiệu hằng yêu mến.

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Hình Ảnh Hành Hương Về Với Đại Hội Đức Mẹ Trà Kiệu Giáo Phận Đà Nẵng (6/6/2009)
Ðôi Nét Về Giáo Xứ Trà Kiệu ( Phần Tóm Lược ) (6/6/2009)
Ðền Bửu Châu, Đức Mẹ Trà Kiệu, Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu (6/6/2009)
Từ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu Tới Trung Tâm Thánh Mẫu Gành Ráng Qui Nhơn (6/6/2009)
Về Bên Đức Mẹ Trà Kiệu (6/6/2009)
Tin/Bài khác
Cây Ða Chùa Viên Giác Của Trần Trung Ðạo Tâm Bút Cùng Trà Kiệu (11/17/2008)
Giới Thiệu Trung Tâm Thánh Mẫu Đức Mẹ Trà Kiệu (11/17/2008)
Đức Mẹ Trà Kiệu (6/23/2008)
Trà Kiệu Trong Tôi (6/23/2008)
Trà Kiệu Qua Tâm Bút Trần Trung Ðạo (6/23/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768