MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đức mẹ việt nam :: đức mẹ trà kiệu
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Ðôi Nét Về Giáo Xứ Trà Kiệu ( Phần Tóm Lược )
Thứ Bảy, Ngày 6 tháng 6-2009
VietCatholic News 

ÐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ TRÀ KIỆU ( PHẦN TÓM LƯỢC )

I. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ

Trà Kiệu một giáo xứ bé nhỏ, ẩn mình ở chốn nông thôn rừng núi, nhưng là một Giáo xứ được Mẹ Maria che chở một cách đặc biệt. Trà Kiệu cũng là một Giáo xứ kỳ cựu nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam.

Trước năm 1009 thì chính địa giới của Giáo Xứ Trà Kiệu ngày nay là Kinh Ðô của Vương Quốc Chămpa tức là Chiêm Thành, và được gọi là Sư Tử Thành (Simhapura). Sau năm 1009 thì Kinh Ðô Chiêm Chúa được dời vào Ðồ Bàn (Bình Ðịnh).

Do cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, nhất là từ năm 1470, sau cuộc bình Chiêm đại thắng của vua Lê Thánh Tông, dân tộc Việt Nam từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... được khuyến khích di dân vào Nam để khai hoang vỡ hóa những vùng đất do Chiêm Thành để lại.

Và theo phả hệ của các chư tộc tại Trà Kiệu thì vào thời kỳ này (1470 - 1479) có 13 vị Thỉ Tổ theo bước chân Nam tiến của vua Lê, đã đưa vợ con gia đình vào vùng đất Chiêm Ðộng (tức vùng Trung huyện Duy Xuyên ngày nay) mà khai cơ thác thổ. Rồi sau đó lại có nhiều vị Thứ Thế Tiền Hiền vào đây tiếp tay khai phá và tạo nên một vùng đất canh tác bao la rộng lớn gần 2000 mẫu, nên sau đó mới phân cương định giới và lập xã hiệu là Trà Kiệu xã.

Ranh giới Trà Kiệu như sau:
- Nam khóa Tào sơn (Nam trùm núi Hòn Tàu)
- Bắc cự Sài thủy (Bắc đạp sông Chợ Củi (Câu Lâu)
- Ðông lâm Quế hạt (Ðông giáp khu đông Quế Sơn)
- Tây chấm Tùng sơn (Tây gối núi Dương Thông)

Ðến năm Thành Thái thứ 11 (1905) xã Trà Kiệu vì quá rộng lớn nên mới được chia ra làm 5 xã riêng biệt gồm có: Trà Kiệu Trung - Trà Kiệu Ðông - Trà Kiệu Nam - Trà Kiệu Tây - Trà Kiệu Thượng (gọi chung là ngũ Trà). Xã Trà Kiệu Thượng tức là xã dành cho anh em công giáo sống riêng ở trên Thành Chiêm (tức là Giáo Xứ Trà Kiệu ngày nay). Ðất đai tài sản của xã Trà Kiệu ngày trước được chia đều cho 5 xã theo số lượng nhân khẩu. Duy chỉ có nhà thờ tiên tổ (sau gọi là nhà thờ ngũ xã), và đất đai từ đường (7 mẫu, 3 sào) thì vẫn giữ nguyên để con cháu ngũ xã về niệm hương lễ bái công đức các bậc tiền bối nhân dịp xuân thu nhị kỳ...

Trải qua bao đời biến đổi, 4 xã Trà Kiệu Ðông, Trà Kiệu Nam, Trà Kiệu Trung và Trà Kiệu Tây, đã thay đổi tên hiệu, không còn gọi là Trà Kiệu nữa. Duy chỉ có xã Trà Kiệu Thượng (tức là Giáo xứ Trà Kiệu) thì cho đến nay vẫn còn giữ tên "Trà Kiệu" thuở ban đầu.

II. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO XỨ TRÀ KIỆU:

Giáo xứ Trà Kiệu cách Thành phố Ðà Nẵng chừng 40km về phía Tây Nam. Trên con đường xuyên Việt Bắc-Nam (quốc lộ số 1), khi đến trạm Nam Phước (tức Thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), rẽ về hướng Tây theo tỉnh lộ 610 (đường đi khu di tích Mỹ Sơn) chừng 7km, khách hành hương sẽ đến Giáo xứ Trà Kiệu hay còn gọi là Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu.

Giáo xứ Trà Kiệu tọa lạc trên một phần đất vuông vức, mỗi bề dài khoảng 1km, lại nằm giữa một cảnh quan thôn dã an bình và xinh đẹp. Vì trước đây Trà Kiệu là Kinh đô huy hoàng của Chiêm quốc với cảnh núi đồi sông nước rất nên thơ và tráng lệ.

"Ðiện các huy hoàng trong ánh nắng,
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
".

Thế nhưng hôm nay đền đài thành quách của Chiêm quốc đã điêu tàn đổ nát, một số nền móng lâu đài đã được Trường Viễn Ðông Bác Cổ khai quật, đào bới. Một số thành lũy đã đứt nối oằn oại dưới những ngôi nhà của cư dân.

Nếu thật chú ý chúng ta mới có thể nhận ra được một vài di tích còn sót lại nhưng không trọn vẹn, đó là:

- Ở phía Ðông Giáo xứ có hòn Bửu Châu (hay còn gọi là Non Trược, hay Non Trọc) mà người ta tin rằng đó là kỳ đài của kinh thành. Hòn Bửu Châu án ngữ ngay sau hậu cung của Chiêm Chúa. Ngày nay Hòn Bửu Châu đã trở thành Ðền Mẹ Trà Kiệu - Trung tâm Thánh Mẫu (Hoàng cung tọa lạc ở xóm Hoàng Châu, quay mặt về hướng Ðông).

- Ở phía Bắc là dãy thành đất chạy song song với con sông Thu Bồn, từ chân đồi Bửu Châu lên hướng Tây, đến chân núi Kim Sơn (Hòn Bằng) dài độ 1000 mét. Trên mặt thành đất này dân cư đã xây dựng nhà cửa và ngôi chợ Hàm Rồng ở vào khoảng giữa.

- Ở phía Tây có rặng đồi Kim Sơn và dãy thành lũy chạy dọc theo con suối Hố Diêu vào phía nam dài độ 500 mét. Dãy thành này hiện là khu nhà thờ, nhà xứ, cô nhi viện, Phước viện và cư dân.

- Ở phía Nam có dãy thành cao, rộng, chạy từ hướng Tây xuống hướng Ðông đến hồ Hoàng Châu, giáp với cổng thành phía Ðông. Dãy thành này dài trên một kilômét và hiện nay là khu dân cư thuộc phái nam của giáo xứ.

Tại giáo xứ Trà Kiệu hiện nay còn có một số địa danh quen thuộc, mà chúng ta cần biết đó là: Ðồi Bửu Châu, Ðồi Kim Sơn, Hàm Rồng, Hòn Gành, Bến Giá, Hòn Ấn...

* Bước đầu truyền giáo:

Hiện nay chúng ta không thể biết chính xác là vào thời điểm nào "Tin Mừng" được rao giảng tại Trà Kiệu, và vị giáo sĩ truyền giáo nào đã đặt chân đến Trà Kiệu trước tiên.

Theo một số sử gia thì trước khi các linh mục Dòng Tên do Cha Buzomi dẫn đầu, đến Hội An để chính thức tổ chức công cuộc truyền giáo ở Ðàng Trong (1615), thì đã có các linh mục dòng Phanxicô đến truyền giáo tại Hội An và các vùng phụ cận. Và sử liệu cũng có ghi là vào năm 1558, một linh mục dòng Phanxicô đã rửa tội cho bà chị quan trấn thủ Quảng Nam với thánh hiệu là Phanxica (Bà Phanxica là chị của quan trấn thủ Quảng Nam, là con của Chúa Nguyễn Hoàng). Một điều khác là sử liệu cũng cho chúng ta biết là Trà Kiệu đã được các Cha dòng Phanxicô cai quản cho đến khoảng năm 1810 mới bàn giao lại cho các Linh mục thừa sai Hội Truyền Giáo nước ngoài Ba-lê (MEP). Hơn nữa Hội An là cửa ngõ của Trà Kiệu, vì trước đây Hội An, Cửa Ðại (Chiêm) là cửa ra vào kinh đô Trà Kiệu của Vương Quốc Chàm (Champa). Cho mãi đến thời kỳ Chúa Nguyễn quản trấn Quảng Nam, thì Trà Kiệu vẫn là nơi giao lưu buôn bán phồn thịnh với Hội An nhờ dòng sông Thu Bồn, Bà Rén. Trà Kiệu còn là khu dân cư đông đúc trù phú nhất tỉnh (nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, ba Tú Tràng...) là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, là kinh đô của Chiêm quốc (Sư tử Thành) có phong cảnh nên thơ và trữ tình. Thuyền bè buôn bán, ngao du, từ Hội An lên Trà Kiệu, Thu Bồn rất tấp nập. Kể cả thuyền rồng của các Chúa Nguyễn cũng thường xuyên lên xuống, và thường ghé lại Trà Kiệu nên có địa danh "Bến giá" (để cho thuyền rồng nhà Chúa đậu lại).

Do hoàn cảnh và điều kiện thuận lợi như thế, chúng ta có thể nghĩ rằng: Trà Kiệu đã được ghi vào lược đồ truyền giáo của các Linh mục dòng Phanxicô rất sớm. Ngoài Hội An và vùng phụ cận thì Trà Kiệu có thể là nơi các Linh mục dòng Phanxicô đặt chân lên sớm nhất. Tuy nhiên đây cũng là bước khởi đầu, chỉ có tính cách giao lưu thăm dò chưa được tổ chức chu đáo. Phải đợi cho đến khoảng năm 1628 - 1630 Tin Mừng mới được bén rể và phát triển tại Trà Kiệu. Giáo xứ sơ khai được hình thành, qua sự kiện một số gia đình con cháu trong xã (Trà Kiệu), lên sống riêng biệt ở trên Nội Thành Chiêm để tạo lập giáo đường mà đọc kinh cầu nguyện, không còn tham dự lễ bái ở Ðình thờ tổ tiên nữa.

* Giai đoạn từ 1630 đến 1862

- Thời gian thành lập Giáo xứ:

Về việc thành lập Giáo xứ Trà Kiệu, chúng tôi căn cứ vào một số tư liệu gần đây như tập "Nguyên Trà Kiệu ngũ xã phong tặng tiền hiền sự tích"... và một số tư liệu khác, thì Giáo xứ Trà Kiệu có thể được hình thành vào khoảng năm 1630.

Giai đoạn này cũng rất ít tư liệu và không rõ ràng, cho mãi đến năm 1862, là năm mà các sinh hoạt của Giáo xứ còn được lưu lại (như Sổ Rửa tội, bút tích của các Cha Quản xứ...)

Trước hết là tập "Nguyên Trà Kiệu ngũ xã phong tặng Tiền Hiền sự tích Chủ Văn bảng tổng hợp Nhất Quyển" được thiết lập vào năm Khải Ðịnh nhị niên (1917) tại Trà Kiệu ngũ xã, do Lý trưởng của 5 xã Trà Kiệu lúc bấy giờ (Trà Kiệu Thượng - Trung - Tây - Nam - Ðông) ký nhận và đóng dấu, được Chánh tổng Mậu Hòa Trung ký tên và đóng dấu xác thực, đồng thời được con cháu của các chư tộc ký nhận. Các bảng báo trình này đã được nhà vua (Khải Ðịnh) phê duyệt, và ban sắc phong công đức.

Nội dung tư liệu này có 2 phần:

- Phần đầu là phần do chính quyền sở tại Lý trưởng báo trình chung về công đức của các vị tiên tổ đã dày công khai hoang vỡ hóa, chiêu dân lập ấp, để xây dựng nên xã Trà Kiệu Thượng (tức Giáo xứ Trà Kiệu ngày nay). Theo bảng kê khai thì có 11 chư tộc, trong đó có 7 tộc tiền hiền từ thời Lê Hồng Ðức và 4 tộc hậu hiền từ thời Gia Long.

* 7 tộc tiên tổ thời Lê Hồng Ðức ghi theo thứ tự như sau:
1. Lưu Văn Tâm
2. Nguyễn Thanh Cảnh
3. Nguyễn Quang Hoa
4. Nguyễn Ðăng Ứng
5. Ðinh Công Triều
6. Lê Văn Càng
7. Nguyễn Viết Bỉnh
* 4 tộc hậu hiền từ thời Gia Long ghi theo thứ tự như sau:
8. Phạm cảnh Tộc
9. Nguyễn văn Tộc
10. Trần Tộc
11. Ðoàn công Tộc

Các vị tiền hiền hậu hiền Trà Kiệu Thượng đã khai canh khai khẩn được 221 mẫu ruộng, cả công tư điền thổ, và thứ thế sinh hạ nhơn đinh tráng lão 157 người.

- Trong phần thứ hai là 11 bảng kê khai công đức Tiền hiền và phả hệ chư tộc cũng như sinh hạ kế thế của 11 chư tộc kể trên. Các bảng kê khai này do chính con cháu trong tộc họ mình tự đứng ra kê khai.

Theo bản khai trình thì có 7 vị tộc tổ của xã Trà Kiệu Thượng (Giáo xứ Trà Kiệu) trong đó có 5 vị nguyên là con cháu của 13 vị thủy tổ khai cơ tiền hiền từ thời Hồng Ðức (Lê Thánh Tông, 1470 - 1479): Lưu Văn Tâm, Nguyễn Thanh Cảnh, Nguyễn Quang Hoa, Nguyễn Ðăng Ứng và Ðinh Công Triều. Họ là những người địa phương, đã định cư tại Trà Kiệu từ trước kia và nay vì theo đạo Chúa nên tách ra, lên ở riêng trên Nội Thành Chiêm.

Còn 2 vị tộc tổ Lê Văn Càng và Nguyễn Viết Bỉnh thì đã có đạo rồi nhưng ở nơi khác cùng đến (thời Lê Thần Tông) ở chung với 5 vị tổ mới theo đạo. Tất cả 7 vị đến lập cư tại Nội Thành Chiêm, cùng thuộc bổn xã Trà Kiệu, để sinh sống, xây dựng nguyện đường để đọc kinh cầu nguyện. Ðoạn văn trong tờ khai trình đã viết:

"Chi Lê Triều Thần Tông niên gian, dân xã chư tộc tiên tổ thủy tổ Lưu Văn Tâm, Nguyễn Thanh Cảnh, Nguyễn Quang Hoa, Nguyễn Ðăng Ứng, Ðinh Công Triều, Lê Văn Càng, Nguyễn Viết Bỉnh (do Lê văn, Nguyễn viết nguyên phụng Thiên Chúa giáo) tòng Thiên Chúa giáo, biệt lập giáo đường lễ sở tại bổn xã nội thành xứ:.

Nghĩa là: "Ðến đời Lê Thần Tông (1619 - 1643) có các tộc tổ của xã là: Lưu Văn Tâm, Nguyễn Thanh Cảnh, Nguyễn Quang Hoa, Nguyễn Ðăng Ứng, Ðinh Công Triều, Lê Văn Càng, Nguyễn Viết Bỉnh (vì Lê văn, Nguyễn viết nguyên đã thờ phụng Thiên Chúa) theo đạo Công Giáo, nên lên xây dựng Thánh đường riêng biệt để lễ bái, tại nội thành Chiêm, cùng thuộc bổn xã". Chữ "Tòng Thiên Chúa giáo" ở đây là dành riêng cho 5 vị ở trên.

Ðồng thời chúng tôi cũng sưu tìm được một trang thủ bút quý hiếm của Linh mục Lalanne (cố Lân), Cha quản xứ Trà Kiệu (từ năm 1922 - 1938) về việc chính thức công nhận các vị tiền hiền của Giáo xứ Trà Kiệu. Ðó là bản viết tay của Linh mục Joseph Lalanne, xác nhận về các vị "Tiền hiền làng Trà Kiệu", có chữ ký và con dấu của Lý trưởng Nguyễn Thanh Hương xác thực. Bản xác nhận này được viết vào ngày 2 tháng 7 năm 1925 tại Giáo xứ Trà Kiệu và có nội dung như sau: (xem thêm bản gốc)

"Tiền hiền làng Trà Kiệu là:

1. Lưu Văn Tâm.
2. Nguyễn Thanh Cảnh.
3. Nguyễn Quang Ba (Hoa).
4. Nguyễn Ðăng Ứng.
5. Ðinh Công Triều.
6. Lê Văn Càng.
7. Nguyễn Viết Bỉnh".

Các đấng ấy lập sở làng Trà Kiệu từ năm 1630 đến 1640 đời vua Lê Thần Tông (1619 - 1943). Nhà thờ trước hết được xây dựng ở vườn ông thầy Long, sau đời Ðức Cha Lợi làm Cha sở Giáo xứ Trà Kiệu thì dời qua chỗ đương còn...

Giáo xứ Trà Kiệu chắc chắn đã được rao giảng Tin Mừng trước khi các vị tiền bối của chúng ta lên ở riêng trên Nội thành Chiêm để giữ đạo (1630). Thời điểm rao giảng Tin Mừng ở Trà Kiệu chậm nhất cũng là vào thời kỳ 1615 đến 1628. Vì theo như Cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhode) cho biết thì vào năm 1625 việc rao giảng Tin Mừng đã được loan báo khắp các khu dân cư lớn ở xứ Nam. Cha ghi như sau: "Năm 1625 đạo Công Giáo được rao giảng khắp các xứ lớn ở miền Nam. Chúng tôi (Cha Ðắc Lộ) tất cả là 10 Cha Dòng. Công việc thật vất vả, nhưng chúng tôi không lấy gì làm nặng nhọc, vì Ðấng mà chúng tôi phụng sự đã nâng đỡ chúng tôi tỏ tường, giúp chúng tôi thu hoạch được những kết quả vượt khả năng và ước muốn của chúng tôi...

Sau khi 7 vị sáng lập Giáo xứ Trà Kiệu đã tách ra ở riêng trên nội thành Chiêm, thì công việc đầu tiên của các vị là xây dựng "Nhà nguyện" để cùng đọc kinh cầu nguyện chung với nhau. Chúng ta cũng không biết chính xác là nhà nguyện ban đầu này được xây dựng từ năm nào, nhưng theo ông Cao Ðức Phong (Câu kinh) thì đã quả quyết là "có từ lâu... và biết rõ một điều là nhà thờ đã có trước thời 1681 - 1682". Và cũng theo khẩu truyền, thì ngôi nhà nguyện đầu tiên này được xây dựng tại phái (khóm) Ðông trên khu đất vườn ông Trương Tạ, và hiện nay là khu vườn nhà ông thầy Long (Xem thêm phần Thánh đường Trà Kiệu).

 
Duy Trà Phạm cảnh Đáng
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Lễ Khánh Thành “ Đền Tri Ân Đức Mẹ Trà Kiệu” (5/28/2011)
Kỷ Niệm 125 Năm Ngày Đức Mẹ Hiện Ra Tại Trà Kiệu (9/13/2010)
Đại Hội Đức Mẹ Trà Kiệu Lần Thứ 8 (6/1/2010)
Hành Hương Tháng Hoa Về Bên Mẹ Trà Kiệu Của Linh Mục Đoàn Gp Đà Nẵng (5/15/2010)
Cn 116: Cảm Nghiệm Của Ðan Viện-phụ Huỳnh Quang Sanh Về Phép Lạ Của Ðức Mẹ Trà Kiệu, Quảng Nam, Việt Nam (6/29/2009)
Tin/Bài cùng ngày
Hình Ảnh Hành Hương Về Với Đại Hội Đức Mẹ Trà Kiệu Giáo Phận Đà Nẵng (6/6/2009)
Ðền Bửu Châu, Đức Mẹ Trà Kiệu, Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu (6/6/2009)
Từ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu Tới Trung Tâm Thánh Mẫu Gành Ráng Qui Nhơn (6/6/2009)
Về Bên Đức Mẹ Trà Kiệu (6/6/2009)
Tin/Bài khác
Tôi Ðã Thấy Trà Kiệu (4/4/2009)
Cây Ða Chùa Viên Giác Của Trần Trung Ðạo Tâm Bút Cùng Trà Kiệu (11/17/2008)
Giới Thiệu Trung Tâm Thánh Mẫu Đức Mẹ Trà Kiệu (11/17/2008)
Đức Mẹ Trà Kiệu (6/23/2008)
Trà Kiệu Trong Tôi (6/23/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768