MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: tác giả nguyễn duy an và phạm tín an ninh
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Tình Quê
Thứ Tư, Ngày 22 tháng 4-2009

Tình Quê

 

 

Vừa gánh cơm ra ruộng cho người làm ăn trưa, Hương vừa nghĩ tới Hoàng và những gì mẹ nói với nàng tối hôm trước. Đã mấy tháng nay, từ khi Hoàng nhận được giấy báo tin thi đậu vào Đại Học Tổng Hợp với số điểm tối đa, hai đứa đã từng ngồi bên nhau xây bao nhiêu mộng đẹp. Hương năm nay mới hơn 17 tuổi, 4 năm nữa Hoàng ra trường, đi làm mấy tháng rồi cưới nhau, lúc đó nàng mới 21-22 tuổi, cũng còn trẻ chán. Mặc dầu ở Bình Giả, các bạn gái cùng tuổi với Hương đã bắt đầu rục rịch “lên xe hoa” về nhà chồng, vì để lâu sợ ế! Tới lúc đó, tuỳ theo công việc của Hoàng, Hương có thể mở một tiệm may và cùng mẹ chồng lo lắng việc nhà trong lúc Hoàng đi làm ở công sở. Hai đứa sẽ bắt đầu một gia đình mới...

 

Gần đây Hương rất băn khăn lo lắng vì đã gần tới ngày tựu trường, nhưng không thấy Hoàng chuẩn bị gì cả, cứ ngày ngày ra ruộng, ra vườn. Hương không hiểu tại sao nhưng chưa có dịp để hỏi Hoàng, vì cả tuần nay không thấy Hoàng ghé nhà chơi, chỉ có dì Thu, mẹ Hoàng vẫn tới lui mỗi tối để nói chuyện với mẹ nàng vì hai người là bạn học từ thuở thiếu thời. Đó là lý do Hương gọi mẹ Hoàng là dì, còn Hoàng lại gọi cha mẹ Hương bằng bác. Mãi tới tối hôm qua mẹ mới nói với nàng là Hoàng sẽ không đi học đại học nữa vì tốn kém quá, dì Thu không kham nổi. Hương muốn bàn với cha mẹ xem có thể giúp Hoàng tiếp tục học đại học được không, nhưng nàng không dám mở miệng. Hương hiểu hoàn cảnh gia đình Hoàng, nhưng nàng tiếc quá! Hoàng học giỏi từ nhỏ. Chàng làm ruộng, làm rẫy cũng giỏi nữa nên trong làng ai cũng quý mến. Cha nàng vẫn thường lấy Hoàng ra làm gương răn dạy hai ông anh sinh đôi của nàng, mặc dù hai tướng ấy còn lớn hơn Hoàng 3 tuổi: “Bây chỉ đáng xách dép cho thằng Hoàng. Nó học giỏi, làm giỏi, còn bây chỉ ăn rồi đi rông”. Trong lòng Hương lúc này buồn vui lẫn lộn. Nàng vui vì không phải xa nhau mấy năm trời trong lúc Hoàng học đại học và cũng khỏi lo sợ “lòng người đổi trắng thay đen”; nhưng buồn vì tiếc cho tương lai của Hoàng, hay nói đúng hơn là cho cả hai đứa. Hơn hai năm trước, khi bị đánh rớt trong kỳ thi chuyển lên cấp III, Hương rất buồn và chán ghét mọi sự, nhưng nhờ lời an ủi và khích lệ của Hoàng, Hương đã đi học may và trở thành một trong những thợ may áo dài đẹp nổi tiếng trong làng. Tự biết khả năng của mình, Hương an phận với nghề thợ may và mong ước cho Hoàng học thành tài...

 

Biết nhau từ nhỏ, nhưng Hương không bao giờ để ý tới Hoàng cho tới khi nàng thi rớt cuối năm học lớp chín. Ai ai cũng trách Hương không chịu học nên đã thi rớt, kể cả cha mẹ nàng. Chỉ riêng Hoàng, mặc dầu lúc đó hai người chưa là gì của nhau, chàng chỉ nhỏ nhẹ:

 

- Học tài thi phận, Hương đừng buồn quá làm gì. Theo mình nghĩ thì hoặc là Hương học lại một năm, hoặc là đi học nghề cũng đâu có sao. Điều quan trọng là mình biết chấp nhận chính mình, người ngoài ai muốn nghĩ gì thì nghĩ.

 

Đã từ lâu lắm rồi, Hương vẫn thấy mình quá bé nhỏ khi phải đối diện với Hoàng, mặc dầu Hoàng chỉ lớn hơn nàng một tuổi, và học trên nàng hai lớp. Hương thấy Hoàng chững chạc quá, nếu không muốn nói là có vẻ cụ non. Nhưng lần này, Hương thấy lời khuyên của Hoàng rất hợp lý, và được an ủi rất nhiều. Chính vì câu nói của Hoàng, Hương đã suy nghĩ mấy tuần lễ và quyết định xin cha mẹ cho ra Vũng Tàu học may. Một năm sau trở về, cả hai đã lớn hơn xưa, và tình yêu cũng không biết tự bao giờ đã đến với hai đứa. Gia đình hai bên cũng mặc nhiên chấp nhận. Cha Hoàng đã mất vào những ngày cuối của cuộc chiến, khi Hoàng mới được hai tuổi. Mẹ Hoàng chấp nhận sống cô đơn vì thương con, mặc dầu dì Thu vẫn còn rất trẻ đẹp, và có nhiều người cũng cậy nhờ mai mối tới lui, nhưng dì chỉ muốn hy sinh cho Hoàng. Biết mẹ thương và hy sinh cho mình, Hoàng rất chăm học và siêng năng lo hết những việc nặng nhọc trong nhà cũng như ngoài đồng để giúp đỡ mẹ. Có thể vì phải cáng đáng lo toan mọi việc trong ngoài, Hoàng có vẻ trưởng thành trước tuổi. Đó cũng chính là lý do gia đình Hương rất quý Hoàng.

 

Mải suy nghĩ miên man, Hương đã tới lều nhà mình lúc nào cũng không biết. Từ ngày đi học may về, vì may đẹp, lúc nào Hương cũng bận rộn với khách nên nàng không còn ra ruộng thường xuyên nữa, chỉ những ngày cấy, gặt đông người, nàng mới phụ mẹ đi chợ, nấu cơm và gánh ra đồng cho người làm ăn bữa trưa rồi lại về ngồi bên máy may. Đi vào lều rồi Hương mới biết hôm nay Hoàng cũng qua giúp gia đình nàng. Thấy Hương đến, Hoàng chạy vội vào giúp nàng sắp đặt các thứ chuẩn bị cho mọi người nghỉ ăn trưa. Hương nhỏ nhẹ:

 

- Hương muốn nói chuyện với anh tối nay được không? Mẹ nói anh sẽ không đi đại học nữa, phải không?

 

- Anh không còn chọn lựa nào nữa Hương ạ. Tối anh qua. Cả tuần nay anh buồn quá nên cũng ngại gặp Hương.

 

- Mẹ nói cho Hương biết tối qua. Thôi để em sắp cơm, tối anh nhớ qua, Hương chờ.

 

Mẹ Hương cũng vừa tới, chắc bà nghe được mấy câu đối thoại của hai người, nên bà mời Hoàng và mẹ chàng tối đó qua ăn cơm luôn, để hai mẹ con khỏi phải “lách cách xoong nồi” vì đàng nào bên này cũng đã sẵn cơm canh dư giả trong ngày mùa. Hương thầm cám ơn mẹ, nhưng nàng có biết đâu rằng hai bà mẹ đã bàn với nhau tối qua: “Vậy sau vụ mùa, cho hai đứa làm đám hỏi, để vào trình cha xứ, gần tết cưới là vừa”. Cha mẹ có lối suy nghĩ rất đơn giản: Không đi học nữa thì ở nhà làm ruộng, cưới vợ sớm, “đông con nhiều cháu” cho vui cửa vui nhà. Con Hương cũng gần 18 tuổi rồi, thằng Hoàng 19, thế là đẹp đôi vì “nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một”.

 

Trên đường về, Hương suy nghĩ thật nhiều về những lời mẹ kể tối qua. Dì Thu nói với mẹ là hai mẹ con Hoàng đã bàn với nhau cả hai tuần nay, và Hoàng quyết định sẽ ở nhà với mẹ vì “hoàn cảnh góa bụa của em nên không đủ sức tài trợ cho cháu suốt mấy năm đại học”! Dì Thu biết Hoàng buồn lắm, và dì cũng thương con, nhưng “gặp thời thế, thế thời phải thế” nên Hoàng đành chấp nhận số phận. Hương biết Hoàng buồn lắm, vì chính chàng nói thế với nàng lúc nãy, buồn đến nỗi “cũng ngại gặp Hương”. Nếu nói thẳng với cha mẹ để giúp Hoàng, có thể không được chấp thuận, và nếu được cũng chưa chắc Hoàng đồng ý. Cả năm nay cha mẹ vẫn cho Hương giữ riêng một nửa số tiền nàng kiếm được “để làm vốn sau này” như lời mẹ nói. Khổ nỗi Hương cũng không biết tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền học ở Sàigòn tốn kém bao nhiêu một tháng! Nghĩ đi nghĩ lại, Hương thấy chỉ còn cách duy nhất là lên nhờ cha xứ giúp đỡ. Nghĩ thế rồi, nàng đưa bước nhanh hơn.

 

Lúc Hương vào nhà xứ cũng đã gần 4 giờ chiều. Vừa cất tiếng chào cha, ngài đã vồn vã:

 

- Hương tìm cha có chuyện chi không? Cha đang định ghé nhà nhờ con mạng lại cái áo alba (áo trắng) lâu ngày sứt chỉ lung tung cả.

 

- Dạ để con may biếu cha cái mới, chứ áo trắng của cha cũ quá rồi.

 

- Thôi con à, còn tốt chán. Mà con lên gặp cha giờ này có chuyện chi không?

 

Hương thật thà kể lại đầu đuôi câu chuyện của Hoàng với cha xứ và ngỏ ý muốn nhờ cha tìm cách để nàng có thể âm thầm giúp đỡ Hoàng ăn học thành tài. Cha xứ rất cảm kích trước tấm lòng của Hương, và ngài cũng rất quý mến Hoàng nên không muốn chàng phải bỏ lỡ dịp may đi học đại học vì số sinh viên trong làng còn ít ỏi lắm, chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay. Cha cũng nói là ngài đang cố gắng vận động anh chị em đồng hương hải ngoại giúp cho một số học bổng để nâng đỡ con em nhà nghèo tiếp tục học, nhưng chờ mãi cũng chưa thấy gì. Ngài nói Hương giúp được bao nhiêu thì được, còn lại ngài sẽ giúp thêm hoặc vận động xin thêm những gia đình hảo tâm khác. Ngài cũng hỏi thật Hương là nếu sau này chuyện hai đứa không thành thì sao, Hương ấp úng trả lời “chắc chắn con sẽ buồn, nhưng nếu ý Chúa không định thì con xin vâng”. Cha xứ mừng lắm, ngài nói Hương cứ về, ngài sẽ sắp xếp mọi chuyện, và hẹn tối nay sẽ ghé nhà Hương để ăn cơm ké.

 

Mới ăn cơm được nửa chừng, ông Quang, cha của Hương đã mở lời:

 

- Hoàng này. Bác gái với mẹ con đã bàn với nhau rồi, thôi thì học chẳng học cũng xong, ta cứ ở nhà, ruộng ta, ta cày, ta cấy lấy nuôi nhau. Chừ bác hỏi thật hai đứa, đây là bổn phận làm cha làm mẹ, bác hỏi ý kiến thôi chứ không phải thúc ép mô nhá.

 

- Dạ.

 

- Con Hương mô rồi? Lên đây ngồi bên anh Hoàng đây, cha hỏi tý chuyện.

 

- Dạ.

 

- Cha mẹ thấy hai đứa thương nhau, ai cũng mừng cả. Kể ra bây cũng còn ít tuổi, nhưng dì Thu nó nhà cũng neo người quá, với lại Hoàng bây giờ cũng tương đối công thành danh toại rồi, đã là “cậu tú”, cũng coi là trưởng thành. Nếu hai đứa không phản đối thì ta lên trình cha, làm cái đám hỏi nho nhỏ rồi gần tết cho cưới luôn.

 

Hương không dám nói năng gì, vì mình là phận gái, trong nhờ đục chịu, phần thì nàng đang mỏi cổ chờ cha xứ vì ngài nói tối ngài sẽ ghé xuống nhà “ăn cơm ké”, nhưng tới giờ đã trễ rồi mà vẫn không thấy. Hoàng cũng có vẻ suy tư lắm, nhưng cực chẳng đã nên đành lên tiếng:

 

- Thưa mẹ và hai bác. Chúng con thương nhau thì đúng thật. Nhưng em Hương còn chưa tới 18 tuổi, chắc để hoãn lại tết năm sau cho thong thả và chúng con cũng chín chắn hơn.

 

- Cái thằng! Có ăn, có học mà không biết chi cả. Cháu không nghe cha ông dạy rằng “cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha” à. Hồi bác đi hỏi bác gái đây, hai bên mới quen nhau được đâu mấy tuần, ông bà đã mang trầu cau đi chạm ngõ rồi đó. Dì Thu có ý kiến chi không?

 

Dì Thu chưa kịp lên tiếng thì thằng cháu con ông anh lớn của Hương chạy ào ào vô nhà, vừa chạy vừa hô lớn:

 

- Cha vô, cha vô. Cha kiếm ông nội chơi cờ tướng.

 

Mọi người vội vã đứng dậy chào cha. Biết tính bình dân của cha xứ, Hương vội vàng xuống bếp lấy thêm bát đũa mời cha ngồi dùng cơm với gia đình như những lần ngài xuống chơi cờ tướng, lỡ bữa cũng ngồi ăn cơm với gia đình nàng như người trong nhà vậy chứ không kiểu cách như mấy cha khác. Vừa ngồi xuống, ngài đã lên tiếng:

 

- Chỉ định ghé qua nhờ Hương mạng dùm cha cái áo alba, rồi sang nhà chị Thu gặp Hoàng có tý việc, không ngờ lại gặp cả đây, tiện lợi đôi bề.

 

Hoàng nhanh nhẹn đỡ lời:

 

- Thưa cha tìm con có việc gì không ạ?

 

- Cũng có, nhưng bao giờ con lên Sàigòn học?

 

Hoàng nghẹn ngào không nói nên lời. Dì Thu cũng nước mắt lưng tròng đỡ lời cho con:

 

- Thưa cha, chắc cha cũng biết hoàn cảnh gia đình con. Cháu Hoàng không đi đại học được cha à. Con tiếc cho cháu lắm, nhưng hoàn cảnh mẹ góa con côi nên con đành chịu.

 

- Thì tôi đi tìm chị với Hoàng cũng vì việc học hành của cháu đây. Chắc ông Quang còn nhớ lần trước ngồi chơi cờ tướng tôi có nói về việc vận động anh chị em đồng hương ở nước ngoài để lập cái hội khuyến học, nhằm giúp đỡ con em nhà nghèo, học giỏi...

 

- Dạ. Vậy có người giúp rồi à cha?

 

- Cũng mới được một hai người, nhưng tới đâu ta tính tới đó. Cả làng ai cũng biết cháu Hoàng đây học rất giỏi, xứng đáng để được học bổng. Mai sáng Hoàng lên gặp cha làm giấy tờ, còn sắp xếp mà kiếm chỗ trọ nữa, vài tuần nữa nhập học rồi còn gì.

 

- Da. Con xin cám ơn cha.

 

Hoàng vừa nói vừa nén tiếng khóc, còn dì Thu thì nước mắt đã bật ra từ nãy tới giờ. Hương phải lấy khăn tay cho dì lau mắt. Cha xứ lên tiếng:

 

- Cười lên cho tươi coi nào, sao lại cả mẹ cả con khóc thế kia thì ai mà ăn được. Dân ta có cái lạ đời, vui cũng khóc, buồn cũng khóc, chẳng biết đâu mà mò cả.

 

Câu nói pha trò của cha xứ làm mọi người tươi tỉnh hẳn lên. Hương âm thầm liếc nhìn cha xứ, thấy ngài cười mím chi với nàng, nụ cười chỉ có hai cha con hiểu được ý nghĩa bên trong. Là người trực tính, lại thường hay chơi cờ tướng với cha xứ nên ông Quang không e dè như các bà. Ông lại bắt đầu lại câu chuyện dở dang trước khi cha xứ tới:

 

- Trình với cha là lúc nãy nhà con đang bàn hay là cho hai đứa làm cái đám hỏi nho nhỏ, rồi vô xin cha tới gần tết làm đám cưới. Hoàng nó đang chần chừ vì cháu Hương nhà con chưa đủ 18 tuổi, sợ không làm hôn thú được.

 

- Ông bà làm chi mà vội vàng rứa. Cháu thì nội ngoại chi cũng đủ cả rồi, còn có đứa út cũng muốn đẩy đi ngay à. Hay là ông sợ nó ế? Con Hương mà ế thì cả đoàn Con Đức Mẹ của xứ làm chi cho hết!

 

- Thưa cha... Thì làm cha, làm mẹ cũng muốn cho nó xong bổn phận gầy dựng cho con, đàng nào hai đứa nó cũng thương nhau, và nhà con với dì Thu cũng là chỗ thân tình mấy chục năm nay.

 

- Sớm quá, không được. Chờ thằng Hoàng học xong rồi tính. Thôi thì thế này, hai đứa nó đã thương nhau, bây giờ cho phép nó đưa nhau đi chơi đâu đó tý, hai bà ngồi trong nhà tâm sự cũng được, để tôi với ông làm vài bàn.

 

- Dạ, con xin hầu cha. Hoàng lấy xe chở em Hương đi chơi đi, cha xứ đã phán rồi thì “vâng lời trọng hơn của lễ”.

 

Lên ngồi trên xe cho Hoàng chở đi, Hương mới sụt sùi nhỏ lệ. Hoàng sợ quá, vội dừng xe, hỏi:

 

- Có gì không Hương? Sao Hương khóc?

 

- Không sao đâu anh. Hương mừng quá vì anh được học bổng đi học.

 

- Anh cũng mừng lắm, mai anh phải hỏi cha xứ xem ai là người ân nhân để còn ghi lòng tạc dạ.

 

- Hương nghĩ là của hội đồng hương nên cha cũng không biết đâu.

 

- Thì cứ hỏi ngài xem sao. Mà anh đi rồi Hương có buồn không?

 

- Anh đi vì tương lai, Hương sẽ cố gắng. Chỉ sợ anh “chơi trăng quên đèn”.

 

- Hương nghĩ anh là người như vậy sao?

 

- Hương tin anh, và còn có dì nữa, nhưng Hương vẫn sợ.

 

- Hay mình cứ cưới nhau rồi anh đi học, được không?

 

- Anh tham lam quá! Chứ ai lúc nãy mới chê người ta còn bé chưa cưới được.

 

Hoàng không biết nói sao nên đành lên xe tiếp tục chạy lên hướng nhà thờ. Hương thầm thì tạ ơn Chúa đã soi sáng cho nàng biết tìm đến cha xứ để nhờ ngài giúp đỡ, tìm ra một giải pháp vẹn toàn cho Hoàng đạt được ước nguyện của chàng và cũng là của nàng nữa. Hương thầm thì: Hoàng ơi, em chỉ là cô gái quê mùa, nhưng tình em âm thầm trao anh trọn vẹn. Xin anh giữ lấy “tình quê” nơi này nhé anh. Em yêu anh.

 

Nguyễn Duy-An

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Trẻ Không Tha Già Không Chê (9/9/2011)
Bâng Khuâng Niềm Nhớ (9/3/2011)
National Geographic Và Bản Đồ Hoàng Sa (8/26/2011)
Buồn Vui Khi Làm Việc Cho National Geogaphic (8/26/2011)
Gia Tài Của Cha Tôi (6/18/2011)
Tin/Bài cùng ngày
Tình Yêu Và Cây Thánh Giá (4/22/2009)
Tin/Bài khác
Tình Muộn (4/20/2009)
Tình Đồng Đội (4/20/2009)
Tình Chị – Duyên Em (4/16/2009)
Tìm Lại Ân Nhân (4/15/2009)
Tìm Kiếm Việc Làm – Đừng “xin” Việc (4/13/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768