MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
tin lợi ích :: tài liệu và mẹo vặt hữu dụng
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Lái Xe An Toàn
Thứ Hai, Ngày 16 tháng 2-2009
Lái Xe An Toàn

Cách đây vài năm, một tai nạn xe cộ thảm khốc đã xẩy ra tại thành phố
Santa Monica ở Nam California. Một cụ già 86 tuổi lái xe hơi đã đâm
vào một khu chợ nông sản, gây ra 10 tử vong và mấy chục người bị
thương. Theo nhân chứng, ông cụ lái với tốc độ 60 dậm một giờ. Cụ già
kể lại là thay vì đạp thắng, cụ ta đã đạp vào chân ga. Tai nạn này đã
được truyền thông ồn ào tường thuật với các lời bình luận hơi gay gắt.
Tập trung là họ đặt vấn đề an toàn lái xe của người cao tuổi: an toàn
cho chính bản thân và cho người khác.

Xin cùng xét lại vấn đề này.

Lái xe hơi là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày.

Tuy lão niên ta không còn lái xe đi làm như trước đây nhưng vẫn có
nhiều dịp phải dùng tới xe hơi. Lái xe đi chợ mua thực phẩm Việt Nam,
đi lễ, đi thăm bạn bè, xuống phố uống cà phê buổi sáng với thân hữu,
đến thăm các cháu, ra phi trường hay bến xe đón bạn hiền phương xa tới
chơi.

Ngoài việc đáp ứng các nhu cầu, lái xe còn được coi như một biểu tượng
của khả năng tự lo, tự liệu. Nếu vì lý do nào đó mà hết lái xe được
thì ta coi như không có chân, tù cẳng lại còn mất đi tính cách độc lập
của mình,

Cho nên đã có so sánh, tuy hơi quá đáng, là: với người cao tuổi, mất
bằng lái xe là điều bất hạnh thứ nhì sau khi chẳng may mất người phối
ngẫu.

Khả năng lái xe an toàn đòi hỏi sự hoàn hảo với sức khỏe tốt, suy nghĩ
sáng suốt và thị giác tinh tường. Khả năng còn lái được hay không là
tùy thuộc vào mức độ khiếm khuyết của một trong ba lãnh vực kể
trên.Với tuổi ngày một cao, nhiiều người cảm thấy như đã bước vào
ngưỡng cửa của giới hạn. Khi đó người cao tuổi cũng nên xét lại xem
mình còn làm chủ tay lái được không cũng như nếu tiếp tục lái, có
những điều gì cần ghi tâm để phương diện di chuyển này được hạnh
thông.

Trong điều kiện bình thường, khi còn duy trì tất cả chức năng, thì
người cao tuổi vẫn lái xe được cho tới tuổi 70, 80 và họ sẽ thích ứng
thói quen lái xe với tuổi tác của mình.

Theo các hãng bảo hiểm thì quý vị ở tuổi 60, 70 ít gây ra tai nạn xe
cộ hơn người ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi vì nhiều lý do . Họ đã có
kinh nghiệm lái an toàn từ nhiều năm; ý thức được rằng lái xe và rượu
say không đi đôi với nhau; họ ít lái xe ban đêm, khi thời tiết xấu,
hay vào thời điểm trong ngày có đông xe cộ lưu thông; họ ít gây ra tai
nạn do lái xe quá nhanh, lái bất cẩn.

Với các Cụ, tai nạn thường xẩy ra khi họ không nhìn rõ dấu hiệu chỉ
đường, không nhường tay mặt, không để ý bên trái, ngưng lại bất thình
lình hoặc bất cẩn khi ra vào xa lộ.

Yếu tố ảnh hưởng tới khả năng lái xe.

Có nhiều yếu tố:

1-Mốt số dược phẩm có ảnh hưởng tới khả năng lái xe tự động vì tác
dụng làm buồn ngủ của thuốc, hoặc ảnh hưởng tới khả năng nhận thức. Đó
là các thuốc an thần, thuốc chống dị ứng, thuốc ngủ, thuốc trị bệnh
trầm cảm, thuốc trị đau nhức và thư giãn bắp thịt. Ảnh hưởng của say
rượu vào lái xe thì quá rõ ràng.

Khi cho toa thuốc, bác sĩ đều lưu ý bệnh nhân là uống thuốc nào không
nên hoặc không được lái xe. Đôi khi giờ uống thuốc cũng được thay đổi
để không trùng hợp với thời gian cần phải lái xe nhiều trong ngày.

2- Một vài bệnh ảnh hưởng tới sự an toàn lái xe: bệnh về cơ bắp, khớp
xương, giảm thính thị giác, sa sút trí tuệ, bệnh tâm thần, tai biến
động mạch não, nghiền rượu ma túy, bệnh Parkinson, kinh phong, tiểu
đường, vài bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu mới đây cho hay người mắc bênh tiểu đường đang được
điều trị bằng Insulin hay thuốc viên để hạ đường, dễ gây tai nạn vì
đường trong máu giảm xuống bất thình lình, làm cho bệnh nhân mất định
hướng. Mang máy tự động điều hòa nhịp tim-pacemaker-đôi khi cũng tạo
ta nhịp bất thường và bác sĩ cũng khuyên ta không nên lái xe.

3- Thay đổi chức năng theo tuổi cao-

Những thay đổi về thính thị giác, về sự chú ý, khả năng xét đoán, phản
ứng trước biến cố đều ảnh hưởng tới khả năng lái xe.

a-Về thị giác.

Thị giác là thành phần căn bản trong việc lái xe vì nó cung cấp tới
90% những dữ kiện cần thiết cho công việc này. Vì thế khi lấy bằng lái
xe, ta được đo thị lực ( visual acuity ) và tầm nhìn ( visual field )
.

Hầu hết các quốc gia đòi hỏi một thị lực là 20/40 để có bằng lái không
hạn chế; nếu thị lực kém hơn 20/40 thì người lái phải chịu một số giới
hạn.

Còn về tầm nhìn, tức là khả năng nhìn thấy chung quanh khi mắt không
cử động, thì cần một khẩu độ là 140 độ. Mắt bình thường có khẩu độ
160- 180 trong ánh sáng ban ngày. Một nghiên cứu của trường Đại Học
Birmingham, Alabama, cho hay là, với người cao tuổi, tai nạn xe cộ
thường xẩy ra ở ngã ba, ngã tư đường vì tầm nhìn hữu ích tổng quát bị
thu hẹp lại, sự vật trước mắt không được nhận biết vì kém tập trung.

Trời tranh tối tranh sáng hoặc thời tiết xấu (mưa giông, bão tuyết),
khẩu độ giảm đi nhiều, khiến người lái gặp khó khăn. Lái xe ban đêm,
người cao tuổi dễ bị bối rối, chóa mắt khi xe ngược chiều để đèn rọi
quá sáng.

b-Thính giác .

Tuổi cao thường bị giảm nhận thức về âm thanh nên các cụ dễ bị nghễnh
ngãng, đường ta ta cứ đi, không để ý gì đến xe cộ chung quanh bóp còi
ra dấu.

c-Thời gian phản ứng ở người cao tuổi chậm lại.

Trước một biến cố, cần phải ngưng xe thì lão nhân cần thời gian lâu ơn
để đạp chân thắng. Đôi khi vì gân cốt yếu, chân ga chân thắng đạp
không đều, tay lái không phối hợp nhịp nhàng, trí nhớ không tập trung
cũng là nguyên nhân đưa tới tai nạn.

Ngoài ra để cân bằng sự giảm khả năng lái vì thay đổi cơ thể khi về
già, nhiều cụ thường ngồi lái với vị thế cứng nhắc, ôm chặt lấy tay
lái, nhìn thẳng phía trước, không thấy được biến chuyển xẩy ra ở chung
quanh. Đôi khi các cụ cũng có khuynh hướng ước lượng ít đi tốc độ của
các xe khác nên khi vượt qua mặt, quẹo phải trái là dễ gây tai nạn.

Mà tai nạn xe cộ thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhiều khi lỗi không
phải do các cụ mà do những anh hùng xa lộ, những anh chị say rượu,
những thiếu niên bất cẩn gây ra. Theo cơ quan an ninh xa lộ Hoa Kỳ thì
hàng năm có gần 4 triệu người bị thương tích vì tai nạn xe cộ với số
tử vong lên đến gần 50.000 nhân mạng. Với người tuổi từ 65 tới 74 thì
thương tích do tai nạn xe là nguyên nhân lớn đưa tới tử vong

Ngoài thiệt hại về cơ thể, còn thương tổn về tâm thần khiến các nhà
tâm lý học cũng như các chuyên gia thần kinh tâm trí phải lưu tâm
nghiên cứu. Họ đã gói ghém những thay đổi này vào một bệnh lý gọi là
"Phản Ứng Căng Thần Kinh do Tai Nạn Xe Cộ. Họ coi Hội chứng này cũng
tương tự như Hội Chứng Căng Thẳng tìm thấy ở một số cựu chiến binh
tham dự các thế chiến và chiến tranh tại Việt Nam. Trong phản ứng này,
người lái xe gặp nạn có những dấu hiệu như hoảng sợ, không tin là tai
nạn đã xảy ra, giận dữ, lo âu, thần kinh kích động, cảm giác không an
toàn, sợ hãi, đôi khi không vui vì nghĩ là mình đã làm điều sai trái.
Đêm đêm mất ngủ có những ác mộng về tai nạn. Những dấu hiệu này xuất
hiện sau khi tai nạn xảy ra độ 3, 4 tuần lễ, kéo dài từ vài ngày tới
dăm tuần lễ.

Sau đó nạn nhân có thể trở nên sợ lái xe, giới hạn lái xe và mỗi khi
ngồi trên xe do người khác lái là bồn chồn, lo ngại. Ngoài ra, nạn
nhân còn bận tâm tới vấn đề tranh tụng pháp lý do tai nạn gây ra.

Một số điều cần lưu ý khi tiếp tục lái xe

Mặc dù có nhu cầu lái xe nhưng ta cũng cần để ý tới sự an toàn cho cá
nhân mình và cho người khác. Khi thấy khả năng lái xe của mình không
còn nhậy bén thì ta cũng cần cân nhắc có nên tiếp tục lái với nhiều
thận trọng hơn hoặc quyết định ngưng lái.

1- Nếu thính, thị giác kém, nên luôn luôn mang kính mắt điều chỉnh, máy nghe.

2- Không nên lái xe khi trời mưa to hay có tuyết. Đang lái mà có mưa
to, nên áp vào lề đường đợi cơn mưa qua. Không nên lái xe khi có sương
mù.

3-Khi đang lái mà cảm thấy buồn ngủ thì nên tạt vào nơi nghỉ chân hoặc
áp vào lề đường để nghỉ, nhắm mắt dăm phút cho tỉnh táo rồi lái tiếp.
Lái đường xa đôi khi thấy quá đều, bồn tẻ thì nên sau vài giờ lái cũng
nên dừng chân nghỉ cho thoải mái.

4- Tập trung vào việc điều khiển xe, tránh chia trí vì quá vui trò
chuyện, nghe âm nhạc, nói chuyện trong điện thoại di động. Giữ cảm súc
bình thường, không để giận dữ, bực mình, sốt ruột ảnh hưởng tới tâm
trí mình. Mới đây việc sử dụng điện thoại di động trong khi đang lái
đã được cho là nguy cơ lớn gây tai nạn, vì thế người cao tuổi ta có lẽ
không nên thường xuyên dùng trừ trường hợp khẩn cấp. Đồng thời cũng
nên tránh cảnh một người lái, một người ngồi bên điều khiển, ra lệnh,
thắng gió.

5- Giữ khoảng cách giữa hai xe trong khoảng an toàn vì thời gian phản
ứng của ta chậm lại khi cần thắng gấp. Khi từ xe mình mà ta có thể đọc
được nhãn hiệu trên bảng số xe trước, là ta lái quá gần. Lái với tốc
độ 30 dặm một giờ, ta cần 4 giây đồng hồ hay khoảng cách của năm xe để
có thể thắng xe một cách an toàn.

6- Tại ngã tư đèn xanh đỏ, đợi khoảng 3 giây sau khi đèn đổi sang xanh
hãy đi, vì nhiều người bên mặt trái đôi khi đèn vàng còn cố vượt qua.
Cẩn thận tối đa khi đổi làn đường, ra vào xa lộ, quẹo mặt, quẹo trái.

6- Tránh lái trên trục lộ có nhiều xe cộ lưu thông. Chỉ nên lái khi
trời còn sáng vì ban đêm, mắt chỉ nhìn được 1/6 khoảng đường phía
trước so với ban ngày. Giới hạn sự lái xe cho nhu cầu quan trọng.
Tránh lái về hướng mặt trời đang lặn vì mắt già không thích ứng được
với tia nắng chói tỏa rộng.

7- Tạo thói quen mang giây an toàn để tránh thương tích gây ra không
những do hai xe đụng nhau mà phần lớn còn do cơ thể mình đập đụng vào
các thành phần trong xe của mình Kể từ khi nịt an toàn được bắt buộc,
số tử vong do tai nạn xe hơi giảm đi tới 45%. Từ năm 1990, túi không
khí an toàn đã được gắn vào xe để bảo vệ người lái và người ngồi băng
trước, nhưng túi này không phải là thay thế cho nịt an toàn.

Ngoài ra cũng nên năng kiểm soát xe coi có chạy tốt không; lau kính
xe, đèn trước để tăng tầm nhìn; hiểu rõ cách sử dụng các đặc trưng của
xe; điều chỉnh ghế ngồi cho thoải mái, điều chỉnh gương phản chiếu để
nhìn rõ ràng chung quanh.

Ngưng lái xe

Thường thường người cao tuổi ngưng lái xe vì thị giác suy giảm trầm
trọng, khi có hậu quả của thương tích gẫy xương, đau bệnh tim, sa sút
trí tuệ.

Đôi khi gia đình cũng quan tâm tới việc lái xe của thân nhân vì phát
hiện những thay đổi có nguy cơ gây ra tai nạn và cầu cứu bác sĩ gia
đình can thiệp. Theo luật lệ hiện hành thì bác sĩ chỉ có thể góp ý
kiến về khả năng lái xe, chứ không có quyền quyết định. Quyền này nằm
trong phạm vi cơ quan cấp phát bằng lái xe. Nhưng ý kiến của thầy
thuốc có ành hưởng lớn tới việc tiếp tục lái hoặc ngưng.

Tại Hoa kỳ, bằng lái xe có giá trị trên toàn quốc, nhưng luật lệ điều
hành việc lái xe thay đổi tùy theo từng tiểu bang. Ở Nữu Ước, bệnh
nhân có thể kiện bác sĩ khi họ mất bằng lái vì bác sĩ báo cho sở cấp
phát bằng lái tình trạng bệnh của họ. Trái lại ở California, bác sĩ vi
phạm luật nếu không thông báo cho cơ quan này về bệnh tật có thể ảnh
hưởng tới điều khiển xe tự động của bệnh nhân.

Cho tới năm 1991, 46 tiểu bang Hoa Kỳ giới hạn lái xe đối với bệnh
nhân bị bệnh kinh phong; 26 tiểu bang giới hạn người bị bệnh tiểu
đường mà hay bị bất tỉnh; và 8 tiểu bang giới hạn người có nhịp tim
loạn xạ không được lái xe.các giới hạn có thể là không lái xe ban đêm,
giới hạn lái xe từng vùng địa dư, phải mang thiết bị hỗ trợ hoặc thời
hạn bằng lái ngắn hơn để thi lại bằng lái xe.

Sau đây là một số dấu hiệu báo động cho ta khi nào nên giới hạn hoặc
ngưng lái xe:

-Cảm thấy nóng nẩy hoặc sợ hãi mỗi khi lái xe;

-Không duy trì xe trong lằn đường đang lái, hay thay đổi lằn đường không lý do;

-Không nhìn được lề đường khi nhìn thẳng phía trước;

-Không phân biệt dấu hiệu chỉ dẫn lưu thông;

-Phản ứng một cách khó khăn với các biến cố trong khi lái;

-Lái xe mà thiên hạ cứ nhìn ta lắc đầu bấm còi;

-Nhầm lẫn chân thắng với chân ga;

-Dễ chia trí, kém tập trung trong khi lái;

-Không quay đầu nhìn lại phía sau được khi lùi xe;

-Có vấn đề sức khỏe ảnh hưởng tới việc lái xe an toàn;

-Hay bị lạc đường dù là lái trong vùng quen thuộc;

-Gia đình hoặc bạn bè e ngại khi ngồi trên xe do mình lái;

-Khi có quá nhiều giấy cảnh cáo hoặc giấy phạt của cảnh sát;

-Khi xe mang nhiều thương tích, trầy trụa.

Nếu chẳng may mà có vài trong số những dấu hiệu kể trên thì nên tham
khảo ý kiến thầy thuốc cũng như xét lại khả năng lái của mình.

Thích nghi với hết lái xe

Khi không còn lái xe được không có nghĩa là ngồi lỳ ở nhà, bỏ hết các
sinh hoạt, liên lạc với xã hội, sống trong thụ động. Ta có thể kiếm
các phương tiện khác thay thế như đi taxi, xe chuyên chở công cộng, đi
nhờ người nhà hay quá giang có trả tiền với lối xóm.

Một vấn đề rất tế nhị đang được bàn cãi là, ngoài việc kiểm tra thị
lực, có nên trắc nghiệm người cao tuổi về khả năng lái xe mỗi khi gia
hạn bằng lái. Có ý kiến cho rằng trắc nghiệm như vậy là kỳ thị người
già, là không cần thiết vì đa số người già đều ý thức và kiểm soát
được hành động của mình. Tuy vậy nhiều tiểu bang đã có những lớp ôn
lại bài học căn bản về lái xe, luyện lại sự nhậy bén, phản ứng của cơ
thể khi điều khiển xe tự động. Lớp học cũng hướng dẫn cách thích nghi
với khả năng lái giới hạn.

Nhiều vị cao tuổi vui vẻ tham dự để xét lại khả năng của mình. Đó là
thái độ đáng khuyến khích để tránh tai nạn xẩy ra cho mình và cho
người khác.

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Viện Dưỡng Lão Tai Orange County, California (3/13/2009)
Giải Pháp Loại Trừ Các Thư Điện Tử Không Mong Muốn - Spam Email (3/5/2009)
Nên Hay Không Nên Mua Nhà Ở Nước Mỹ Trong Lúc Này? (2/21/2009)
Sự Kỳ Diệu Của Thực Phẩm Mùa Đông (2/18/2009)
Đi Tìm Thuốc Trường Sinh. (2/17/2009)
Tin/Bài khác
Nhiễm Độc Khí Thải Mùa Đông (2/14/2009)
Thời Tiết Và Sức Khỏe (2/12/2009)
Nhiều Loại Cá Nuôi Ở Việt Nam Bị Nhiễm Sán Lá (2/5/2009)
Một Kinh Nghiệm Đi Máy Bay Về Việt Nam (2/3/2009)
Ăn Cá Sống Có Nguy Hiểm Không? (2/3/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768